2010–2019
Nếu Ta Chịu Trách Nhiệm
Tháng tư 2015


Nếu Ta Chịu Trách Nhiệm

Chúng ta hãy tiến bước bằng cách học hỏi bổn phận của mình, đưa ra những quyết định đúng, làm theo những quyết định đó và chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Cha.

Những người truyền giáo đã đến thuyết giảng lần đầu tiên trong thành phố nơi tôi sinh ra ở miền bắc Chile khi tôi chỉ mới 12 tuổi. Một Chủ Nhật nọ, sau khi tôi đã đi tham dự chi nhánh nhỏ được sáu tháng, một người truyền giáo đưa cho tôi bánh trong khi anh ấy đang chuyền Tiệc Thánh. Tôi nhìn anh ta và khe khẽ nói: “Tôi không thể nhận bánh Thánh.”

Anh ấy hỏi: “Tại sao không?”

Tôi nói với anh ta: “Vì tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội.”1

Người truyền giáo không thể tin được. Đôi mắt anh mở to. Tôi cho rằng anh ấy đã nghĩ: “Nhưng cậu thiếu niên này tham dự mỗi một buổi họp mà! Làm thế nào cậu ta lại không phải là tín hữu của Giáo Hội chứ?”

Ngày hôm sau, những người truyền giáo đến nhà tôi, và họ đã làm tất cả mọi thứ họ có thể làm để giảng dạy cho cả gia đình tôi. Nhưng gia đình tôi đã không thích, nên việc tôi tham dự nhà thờ hàng tuần trong hơn sáu tháng đã làm cho những người truyền giáo cảm thấy đủ tự tin để tiếp tục. Cuối cùng, giây phút tuyệt vời tôi đang chờ đợi đã đến khi họ mời tôi trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người truyền giáo đã giải thích rằng vì tôi còn ở tuổi vị thành niên, nên tôi sẽ cần được cha mẹ tôi cho phép. Tôi và những người truyền giáo đến gặp cha tôi, nghĩ rằng câu trả lời yêu thương của ông sẽ là “Con à, khi đến tuổi trưởng thành thì con sẽ có thể tự quyết định lấy.”

Trong khi những người truyền giáo nói chuyện với cha tôi thì tôi cầu nguyện khẩn thiết để lòng ông sẽ được cảm động để ông sẽ cho phép tôi làm điều tôi mong muốn. Câu trả lời của ông cho những người truyền giáo là như sau: “Các Anh Cả này, trong sáu tháng qua, tôi đã quan sát thấy con trai Jorge của tôi dậy sớm mỗi buổi sáng Chủ Nhật, mặc quần áo đẹp nhất của nó, và đi bộ đến nhà thờ. Tôi chỉ thấy ảnh hưởng tốt từ Giáo Hội trong cuộc sống của nó mà thôi.” Sau đó, khi nói với tôi, ông đã làm cho tôi ngạc nhiên khi nói: “Con à, nếu con chịu trách nhiệm cho quyết định này, thì con được cha cho phép để được báp têm.” Tôi ôm cha tôi, hôn ông, và cám ơn ông về điều ông đã làm. Ngày hôm sau tôi chịu phép báp têm. Tuần trước là kỷ niệm 47 năm kể từ giây phút quan trọng đó trong cuộc đời của tôi.

Chúng ta có trách nhiệm gì với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô? Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã mô tả trách nhiệm đó như sau: “Chúng ta có hai trách nhiệm lớn. … Trước hết, phải tìm kiếm sự cứu rỗi của mình; và thứ hai, bổn phận của chúng ta đối với đồng bào của mình.”2

Vậy thì, đây là các trách nhiệm chính mà Đức Chúa Cha đã giao phó cho chúng ta: tìm kiếm sự cứu rỗi của chúng ta và của những người khác, với sự hiểu biết rằng trong lời phát biểu này, sự cứu rỗi có nghĩa là đạt đến mức độ vinh quang cao nhất mà Đức Chúa Cha đã ban cho con cái biết vâng lời của Ngài.3 Các trách nhiệm này mà đã được giao phó cho chúng ta—và chúng ta đã tự nguyện chấp nhận—cần phải xác định những ưu tiên, ước muốn, các quyết định và cách cư xử hàng ngày của chúng ta.

Đối với một người nào đó đã tiến đến việc hiểu rằng, sự tôn cao thật sự có thể đạt được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì việc không đạt được sự tôn cao có nghĩa là sự đoán phạt. Như vậy, trái với sự cứu rỗi là sự đoán phạt, cũng giống như trái với thành công là thất bại. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta rằng “loài người thực sự không thể hài lòng lâu với sự tầm thường một khi họ đã thấy được sự hoàn hảo nằm trong tầm tay của mình.”4 Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể bằng lòng với bất cứ điều gì thấp hơn sự tôn cao nếu chúng ta biết là có thể đạt được sự tôn cao?

Xin cho phép tôi chia sẻ bốn nguyên tắc chính mà sẽ giúp chúng ta làm tròn những ước muốn của mình để chịu trách nhiệm đối với Cha Thiên Thượng, cũng như đáp ứng những kỳ vọng của Ngài để trở nên giống như Ngài.

1. Học Hỏi Bổn Phận của Chúng Ta

Nếu phải làm theo ý muốn của Thượng Đế, nếu phải chịu trách nhiệm đối với Ngài, chúng ta phải bắt đầu bằng cách học hỏi, hiểu biết, chấp nhận và sống theo ý muốn của Ngài đối với chúng ta. Chúa đã phán: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.”5 Việc có ước muốn làm điều đúng cũng không đủ nếu chúng ta không chắc chắn để hiểu điều Đức Chúa Cha kỳ vọng và muốn chúng ta phải làm.

Trong câu chuyện Alice ở Xứ Sở Thần Tiên, Alice không biết phải đi đường nào, vì vậy cô ta hỏi con mèo Cheshire: “Xin làm ơn cho tôi biết tôi phải đi con đường nào từ đây?”

Con mèo đáp: “Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào nơi cô muốn đến.”

Alice nói: “Tôi không thật sự quan tâm đến nơi nào cả.”

Con mèo nói: “Vậy thì con đường nào cô đi thì đâu có gì quan trọng.”6

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng con đường dẫn đến “một cây có trái hấp dẫn, làm người ta cảm thấy vui sướng”7—“đường chật dẫn đến sự sống”—là hẹp, cần phải bỏ ra nỗ lực để hành trình dọc theo con đường, và “kẻ kiếm được thì ít.”8

Nê Phi dạy chúng ta rằng “những lời của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.”9 Rồi ông nói thêm rằng “Đức Thánh Linh … sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm.”10 Như vậy, các nguồn gốc mà cho phép chúng ta học hỏi bổn phận của mình là những lời của Đấng Ky Tô chúng ta nhận được qua các vị tiên tri thời xưa và thời nay và sự mặc khải cá nhân chúng ta nhận được qua Đức Thánh Linh.

2. Đưa Ra Quyết định

Cho dù chúng ta đã học về Sự Phục Hồi của phúc âm, một lệnh truyền đặc biệt nào đó, các bổn phận liên quan đến việc phục vụ trong một chức vụ kêu gọi, hoặc các giao ước chúng ta lập trong đền thờ, thì chúng ta cũng phải đưa ra những lựa chọn là có hành động theo sự hiểu biết mới đó không. Mỗi người tự nguyện chọn cho mình để lập một giao ước thiêng liêng như giáo lễ báp têm hay các giáo lễ đền thờ. Vì việc lập lời thề là một phần bình thường của cuộc sống tôn giáo của những người thời xưa, nên luật pháp xưa nói rằng “Các ngươi chớ chỉ danh ta mà thề dối.”11 Tuy nhiên, vào thời trung thế, Đấng Cứu Rỗi đã dạy một cách cao hơn để tuân giữ những cam kết của chúng ta khi Ngài phán rằng phải có nghĩa là phải và không có nghĩa là không.12 Lời nói của một người phải đủ để thiết lập mức độ trung thực và cam kết của mình đối với một người khác và thậm chí còn nhiều hơn nữa khi người khác đó chính là Cha Thiên Thượng. Việc tôn trọng một lời cam kết trở thành cách thể hiện mức độ trung thực và chân thật của lời nói chúng ta.

3. Làm Theo Đúng

Sau khi học bổn phận của mình và lập các quyết định có liên quan đến việc học hỏi và hiểu biết, chúng ta phải làm đúng theo.

Một ví dụ mạnh mẽ về lòng kiên quyết để đáp ứng lời cam kết của Ngài với Cha Ngài đến từ kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi về một người đàn ông mắc bệnh bại được khiêng lại cho Ngài để được chữa lành. “Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.”13 Chúng ta biết rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là điều thiết yếu cho chúng ta để được tha thứ tội lỗi của mình, nhưng khi việc chữa lành của người mắc bệnh bại đang diễn ra thì sự kiện vĩ đại đó chưa xảy ra; nỗi đau đớn của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, Chúa Giê Su không những ban phước cho người mắc bệnh bại có thể đi đứng được mà Ngài còn tha thứ tội lỗi của người ấy nữa, như vậy cho thấy một dấu hiệu rõ ràng là Ngài sẽ không thất hứa, rằng Ngài sẽ làm tròn lời cam kết Ngài đã lập với Cha Ngài, và rằng trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự Ngài sẽ làm điều Ngài đã hứa là sẽ làm.

Con đường mà chúng ta đã chọn để bước đi là hẹp. Trên đường đi sẽ có những thử thách mà sẽ đòi hỏi đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những nỗ lực tốt nhất của chúng ta để ở trên con đường và tiến bước. Chúng ta cần phải hối cải, biết vâng lời và kiên nhẫn, cho dù chúng ta không hiểu được tất cả các hoàn cảnh xung quanh mình. Chúng ta phải tha thứ cho người khác và sống theo điều chúng ta đã học được và với những điều mà chúng ta đã chọn.

4. Sẵn Lòng Chấp Nhận Ý Muốn của Đức Chúa Cha

Vai trò môn đồ đòi hỏi chúng ta không những học hỏi bổn phận của mình, chọn những quyết định đúng, và hành động đúng theo các quyết định đó, mà còn rất cần thiết để chúng ta phát triển sự sẵn lòng và khả năng chấp nhận ý muốn của Thượng Đế, ngay cả khi điều đó không phù hợp với những ước muốn ngay chính hay sở thích của chúng ta.

Tôi rất cảm kích và ngưỡng mộ thái độ của người mắc bệnh phung đã đến với Chúa, “quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được.”14 Người mắc bệnh phung không cầu xin điều gì cả, mặc dù những ước muốn của người ấy có thể là ngay chính; người ấy chỉ sẵn lòng chấp nhận ý muốn của Chúa.

Cách đây vài năm, có một cặp vợ chồng thân thiết, trung tín là bạn của tôi đã được ban phước sinh được một đứa con trai mà họ đã khao khát từ lâu, là đứa con mà họ đã cầu nguyện trong một thời gian dài. Gia đình đó đã tràn ngập niềm vui trong khi hai người bạn của chúng tôi và đứa con gái duy nhất của họ lúc đó, vui hưởng sự có mặt của đứa bé mới sinh ra. Tuy nhiên, một hôm, một điều bất ngờ xảy ra: đứa bé trai chỉ mới khoảng ba tuổi, đột nhiên bị hôn mê. Ngay sau khi biết được tình hình, tôi đã gọi điện thoại cho người bạn của tôi để bày tỏ sự hỗ trợ của chúng tôi vào thời gian khó khăn ấy. Nhưng câu trả lời của anh ấy là một bài học đối với tôi. Anh ấy nói: “Nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Cha để mang con tôi đi tới Ngài, thì cũng không sao đối với chúng tôi.” Lời nói của người bạn tôi không chứa đựng bất cứ lời phàn nàn, phản kháng, hoặc bất mãn gì cả. Mà ngược lại, tôi chỉ có thể cảm nhận trong lời nói của anh ấy là lòng biết ơn Thượng Đế đã cho phép họ có được đứa con trai bé nhỏ trong thời gian ngắn ngủi đó, cũng như việc anh ấy hoàn toàn sẵn lòng để chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Cha dành cho họ. Một vài ngày sau đó, đứa bé ấy trở về ngôi nhà thượng thiên của nó.

Chúng ta hãy tiến bước bằng cách học hỏi bổn phận của mình, đưa ra những quyết định đúng, làm theo những quyết định đó và chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Cha.

Tôi vô cùng biết ơn và vui sướng về quyết định mà cha tôi đã cho phép tôi chọn cách đây 47 năm. Theo thời gian, tôi đã tiến đến việc hiểu rằng điều kiện ông đã đưa ra cho tôi—chịu trách nhiệm về quyết định đó—có nghĩa là chịu trách nhiệm đối với Cha Thiên Thượng và tìm kiếm sự cứu rỗi của riêng tôi và của đồng bào tôi, do đó trở thành người tốt hơn mà Đức Chúa Cha kỳ vọng và mong muốn tôi trở thành. Vào một ngày rất đặc biệt hôm nay, tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Yêu Quý của Ngài hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.