2010–2019
Ân Tứ về Ân Điển
Tháng tư 2015


Ân Tứ về Ân Điển

Ngày hôm nay và mãi mãi, ân điển của Thượng Đế dành cho tất cả mọi người có tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối.

Vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, chúng ta kỷ niệm sự kiện vinh quang mà người ta đã chờ đợi lâu nhất trong lịch sử thế giới.

Đó là ngày đã thay đổi mọi thứ.

Vào ngày đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi.

Cuộc sống của các anh chị em đã thay đổi.

Số mệnh của con cái của Thượng Đế đã thay đổi.

Vào cái ngày đầy ơn phước đó, Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, là Đấng đã tự khoác lên Ngài gánh nặng của tội lỗi và cái chết giam giữ chúng ta, khắc phục các gánh nặng đó và giải thoát chúng ta.

Vì sự hy sinh của Đấng Cứu Chuộc yêu dấu của chúng ta, nên cái chết không có nọc độc, mồ mả không còn sự đắc thắng,1 Sa Tan không có quyền năng lâu dài, và chúng ta “lại sanh … đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê Su Ky Tô sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống.”2

Quả thật, Sứ Đồ Phao Lô đã nói đúng khi ông nói rằng chúng ta có thể “dùng lời đó mà yên ủi nhau.”3

Ân Điển của Thượng Đế

Chúng ta thường nói về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi—và đúng là chúng ta phải làm như vậy!

Gia Cốp nói: “Tại sao không nói tới sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, và thu hoạch được một sự hiểu biết tường tận về Ngài?”4 Nhưng khi “nói về Đấng Ky Tô, … chúng [ta] hoan hỷ về Đấng Ky Tô, … chúng [ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô, [và] tiên tri về Đấng Ky Tô”5 trong mọi cơ hội, chúng ta đừng bao giờ để bị mất cảm giác kính nể của mình và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh vĩnh cửu của Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không thể nào trở nên tầm thường trong điều giảng dạy, trong cuộc trò chuyện hoặc trong lòng chúng ta. Điều đó là thiêng liêng và thánh thiện, vì điều đó được thực hiện nhờ vào “sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng” này mà Chúa Giê Su Ky Tô đã đem lại “sự cứu rỗi cho tất cả những ai tin vào danh Ngài.”6

Tôi kinh ngạc khi nghĩ rằng Vị Nam Tử của Thượng Đế đã hạ cố để cứu rỗi chúng ta, vì chúng ta không hoàn hảo, không thanh khiết, dễ làm điều lầm lỗi, và vô ơn như chúng ta thường như vậy. Tôi đã cố gắng để hiểu Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi với tâm trí hữu hạn của mình, và lời giải thích duy nhất tôi có thể có được là như sau: Thượng Đế yêu thương chúng ta vô cùng, trọn vẹn, và vĩnh viễn. Tôi còn không thể bắt đầu ước lượng “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu … của sự yêu thương của Đấng Ky Tô.”7

Một cách để bày tỏ tình yêu thương mãnh liệt đó là điều mà thánh thư thường gọi là ân điển của Thượng Đế—sự trợ giúp thiêng liêng và ân tứ về sức mạnh mà nhờ đó chúng ta tăng trưởng từ con người không hoàn mỹ và hạn chế thành con người được tôn cao về “lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào [chúng ta] được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.”8

Ân điển này của Thượng Đế thật là tuyệt vời. Tuy nhiên, ân điển thường bị hiểu lầm.9 Mặc dù vậy, chúng ta nên biết về ân điển của Thượng Đế, nếu chúng ta có ý định thừa hưởng điều đã được chuẩn bị cho mình trong vương quốc vĩnh cửu của Ngài.

Vì lý do đó, tôi muốn nói về ân điển. Cụ thể, trước hết, ân điển mở ra các cổng thiên thượng như thế nào, và thứ hai, ân điển mở ra các cửa sổ trên trời như thế nào.

Thứ Nhất: Ân Điển Mở Ra Các Cổng Thiên Thượng

Vì chúng ta “đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”10 và vì “không có một vật gì dơ bẩn có thể đi vào vương quốc của Thượng Đế được”11 nên mỗi người chúng ta đều không xứng đáng để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.

Ngay cả khi chúng ta phải hết lòng phục vụ Thượng Đế thì điều đó cũng không đủ, vì chúng ta vẫn là “tôi tớ vô dụng.”12 Chúng ta không thể kiếm được con đường của mình lên thiên thượng; những đòi hỏi của công lý giống như cái rào cản, mà chúng ta không có khả năng để tự mình vượt qua.

Nhưng tất cả đều không bị mất.

Ân điển của Thượng Đế là niềm hy vọng lớn lao và trường cửu của chúng ta.

Qua sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, kế hoạch thương xót làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý13 “đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải.”14

Tội lỗi của chúng ta, cho dù chúng có thể như màu hồng điều cũng có thể trở thành màu trắng như tuyết.15 Vì Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta “đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người,”16 nên một lối vào vương quốc trường cửu của Ngài được cung cấp cho chúng ta.17

Cánh cổng đã được mở ra!

Nhưng ân điển của Thượng Đế không chỉ phục hồi cho chúng ta trạng thái vô tội trước đây của mình. Nếu sự cứu rỗi chỉ có nghĩa là xóa bỏ những lỗi lầm và tội lỗi, thì sự cứu rỗi–tuyệt vời đúng như vậy—không làm tròn nguyện vọng của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta. Mục tiêu của Ngài là cao hơn nhiều: Ngài muốn các con trai và con gái của Ngài trở thành giống như Ngài.

Với ân tứ về ân điển của Thượng Đế, con đường của môn đồ không dẫn chúng ta trở về với trạng thái ban đầu mà giúp chúng ta trở thành người tốt hơn.

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng là nhằm làm cho chúng ta trở nên tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thấu hiểu được điều đó tuyệt vời như thế nào! Kế hoạch đó dẫn đến sự tôn cao trong thượng thiên giới của Cha Thiên Thượng, ở đó chúng ta được vây quanh bởi những người thân yêu của mình và nhận được “sự trọn vẹn, và vinh quang của Ngài.”18 Tất cả những điều đó thuộc về chúng ta, và chúng ta thuộc về Đấng Ky Tô.19 Quả thật, tất cả những gì Đức Chúa Cha có sẽ được ban cho chúng ta.20

Để thừa hưởng vinh quang này, chúng ta cần nhiều hơn là chỉ một cánh cổng đã được mở ra; chúng ta phải bước qua cánh cổng này với một ước muốn trong lòng để được thay đổi—một sự thay đổi quá mạnh mẽ đến nỗi thánh thư mô tả là “phải được tái sinh; phải, được Thượng Đế sinh ra, được chuyển từ trạng thái trần tục và sa ngã qua trạng thái ngay chính, được Thượng Đế cứu chuộc, và trở thành những con trai và con gái của Ngài.”21

Thứ Hai: Ân Điển Mở Các Cửa Sổ trên Trời

Một yếu tố khác của ân điển của Thượng Đế là mở các cửa sổ trên trời, để qua đó Thượng Đế trút xuống các phước lành về quyền năng và sức mạnh, làm cho chúng ta có khả năng đạt được những điều mà nếu không sẽ vượt quá tầm với của chúng ta. Chính là nhờ ân điển tuyệt vời của Thượng Đế mà con cái của Ngài có thể khắc phục những cám dỗ nguy hiểm và ngấm ngầm của kẻ lừa dối, khắc phục tội lỗi, và “được toàn thiện trong Ngài.”22

Mặc dù tất cả chúng ta đều có những yếu kém, nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Quả thực chính là qua ân điển của Thượng Đế mà những điều yếu kém có thể trở nên mạnh mẽ, nếu chúng ta hạ mình và có đức tin.23

Trong suốt cuộc đời của chúng ta, ân điển của Thượng Đế ban cho các phước lành vật chất và các ân tứ thuộc linh làm gia tăng khả năng và làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta. Ân điển của Ngài tôi luyện chúng ta. Ân điển của Ngài giúp chúng ta trở thành con người tốt nhất của mình.

Ai Có Thể Hội Đủ Điều Kiện?

Trong Kinh Thánh chúng ta đọc về chuyến đi của Đấng Ky Tô đến nhà của Si Môn người Pha Ri Si.

Diện mạo bên ngoài của Si Môn dường như là một người đàn ông tốt và ngay thẳng. Ông thường làm tròn tất cả những nghĩa vụ tôn giáo của ông: tuân giữ luật pháp, đóng tiền thập phân, tuân thủ ngày Sa Bát, cầu nguyện hàng ngày, và đi đến giáo đường.

Nhưng trong khi Chúa Giê Su đang nói chuyện với Si Môn, thì một người phụ nữ đến gần, rửa chân của Đấng Cứu Rỗi bằng nước mắt của nàng, và xức chân Ngài với thứ dầu tốt.

Si Môn không hài lòng với màn trình diễn thờ phượng này, vì ông biết rằng người phụ nữ này là người phạm tội. Si Môn nghĩ rằng nếu Chúa Giê Su Ky Tô đã không biết về điều này, thì Ngài không phải là một vị tiên tri, và nếu không thì Ngài đã không để cho người phụ nữ này chạm tay vào Ngài.

Khi nhận biết những suy nghĩ của Si Môn, Chúa Giê Su Ky Tô quay sang Si Môn và hỏi một câu hỏi: “Một chủ nợ có hai người mắc nợ: một người mắc năm trăm đơ ni ê, một người mắc năm chục.

“Vì [cả] hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn?”

Si Môn đáp rằng đó là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn.

Sau đó Chúa Giê Su dạy một bài học sâu sắc: “Ngươi thấy đàn bà nầy không? … Tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít.”24

Chúng ta giống người nào nhất trong số hai người này?

Có phải chúng ta giống Si Môn không? Có phải chúng ta tự tin và thoải mái trong những việc làm tốt, tin cậy vào sự ngay chính của chúng ta không? Có lẽ chúng ta có hơi thiếu kiên nhẫn một chút với những người không sống theo các tiêu chuẩn của mình chăng? Có phải hành động của chúng ta đều theo thói quen, làm việc gì cũng không suy nghĩ về việc đó, tham dự các buổi họp, tham dự lớp Giáo Lý Phúc Âm một cách nhàm chán, và có lẽ xem điện thoại di động trong lễ Tiệc Thánh không?

Hoặc là chúng ta giống người phụ nữ này, là người đã nghĩ rằng mình đã hoàn toàn tuyệt vọng và bị thất lạc vì tội lỗi không?

Chúng ta có yêu mến nhiều không?

Chúng ta có hiểu về sự mắc nợ của mình với Cha Thiên Thượng và hết lòng khẩn cầu để có được ân điển của Thượng Đế không?

Khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện, thì đó là để ghi nhớ những điều tốt lành nhất mà chúng ta đã làm với sự ngay chính của mình, hoặc là để thú nhận lỗi lầm của mình, khẩn cầu để có được lòng thương xót của Thượng Đế, và rơi nước mắt với lòng biết ơn đối với kế hoạch chuộc tội kỳ diệu không?25

Sự cứu rỗi không có thể đạt được bằng sự vâng lời; mà đạt được bằng máu của Vị Nam Tử của Thượng Đế.26 Việc nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được sự cứu rỗi nhờ vào việc thiện của mình thì giống như việc mua một tấm vé máy bay và sau đó lại nghĩ rằng chúng ta sở hữu hãng hàng không. Hoặc nghĩ rằng sau khi trả tiền thuê nhà của mình, thì chúng ta sở hữu toàn thể hành tinh trái đất.

Vậy Thì Tại Sao Chúng Ta Vâng Lời?

Nếu ân điển là một ân tứ của Thượng Đế, vậy thì tại sao việc vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế lại quan trọng như vậy? Tại sao phải bận tâm với các giáo lệnh của Thượng Đế—hoặc sự hối cải, về vấn đề đó? Tại sao không chỉ thừa nhận là chúng ta có tội lỗi và để cho Thượng Đế cứu rỗi chúng ta?

Hoặc để đặt các câu hỏi theo lời của Phao Lô: “Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?” Câu trả lời của Phao Lô rất đơn giản và rõ ràng: “Chẳng hề như vậy!”27

Thưa các anh chị em, chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế—vì tình yêu mến dành cho Ngài!

Việc cố gắng để hiểu được ân tứ về ân điển của Thượng Đế với tất cả tâm trí mang đến cho tất cả chúng ta thêm lý do để yêu thương và tuân theo Cha Thiên Thượng một cách nhu mì và với lòng biết ơn. Khi chúng ta đi theo con đường của môn đồ, thì điều đó tôi luyện chúng ta, cải thiện chúng ta, giúp chúng ta trở thành giống như Ngài hơn, và điều đó dẫn chúng ta trở lại nơi hiện diện của Ngài. “Thánh Linh của Chúa [Thượng Đế chúng ta]” đem lại “một sự thay đổi lớn lao trong chúng ta, … khiến [chúng ta] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”28

Do đó, việc tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế giống như kết quả tự nhiên của tình yêu thương và lòng biết ơn vô tận của chúng ta đối với lòng nhân từ của Thượng Đế. Hình thức về tình yêu chân thật và lòng biết ơn này sẽ làm cho các công việc của chúng ta với ân điển của Thượng Đế được hợp nhất một cách kỳ diệu. Đức hạnh sẽ luôn luôn ở trong ý nghĩ của chúng ta, và sự tin tưởng của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ trong sự hiện diện của Thượng Đế.29

Các anh chị em thân mến, việc sống theo phúc âm một cách trung tín không phải là một gánh nặng. Đó là một cách thực hành vui vẻ—một sự chuẩn bị để thừa hưởng vinh quang vĩ đại của thời vĩnh cửu. Chúng ta tìm cách tuân theo Cha Thiên Thượng vì tinh thần của chúng ta sẽ bắt đầu lãnh hội hơn với những sự việc thuộc linh. Chúng ta sẽ hiểu những sự việc mà chúng ta đã không bao giờ tưởng tượng được trước đây. Sự soi sáng và hiểu biết đến với chúng ta khi chúng ta làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha.30

Ân điển là một ân tứ của Thượng Đế, và ước muốn để vâng theo mỗi một giáo lệnh của Thượng Đế là cách chúng ta để cho Cha Thiên Thượng biết chúng ta muốn nhận được ân tứ thiêng liêng này.

Tất Cả Những Gì Chúng Ta Có Thể Làm Được

Tiên tri Nê Phi đã góp phần quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về ân điển của Thượng Đế khi ông nói: “Chúng tôi cố gắng cần mẫn … để thuyết phục con cháu chúng ta, và luôn cả các anh em chúng ta nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế; vì chúng tôi biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.31

Tuy nhiên, tôi tự hỏi nếu đôi khi chúng ta giải thích sai cụm từ “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.” Chúng ta phải hiểu rằng “sau khi” không có nghĩa là “bởi vì.”

Chúng ta không được cứu rỗi “bởi vì” tất cả những gì mình có thể làm. Bất cứ ai trong chúng ta có làm tất cả những gì mình có thể làm chưa? Thượng Đế có chờ đợi cho đến khi chúng ta đã tận dụng mọi nỗ lực trước khi Ngài can thiệp vào cuộc sống của chúng ta với ân điển cứu rỗi của Ngài không?

Nhiều người cảm thấy nản lòng vì họ luôn luôn thất bại. Họ tự biết rằng “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.”32 Họ cất cao tiếng nói với Nê Phi trong việc tuyên bố: “Lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi.”33

Tôi chắc chắn rằng Nê Phi đã biết rằng ân điển của Đấng Cứu Rỗi cho phéplàm cho chúng ta có khả năng để khắc phục tội lỗi.34 Đây là lý do tại sao Nê Phi lao nhọc rất cần mẫn để thuyết phục con cái và anh em của mình phải “tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế.”35

Xét cho cùng, đó là điều chúng ta có thể làm! Và đó là nhiệm vụ của chúng ta trên trần thế!

Ân Điển Có Sẵn cho Tất Cả

Khi tôi nghĩ về điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta ngay trước khi ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh đầu tiên đó, tôi muốn cất cao giọng nói để reo lên lời ngợi khen Thượng Đế Tối Cao và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô!

Các cánh cổng thiên thượng được mở ra!

Các cửa sổ trên trời được mở ra!

Ngày hôm nay và mãi mãi, ân điển của Thượng Đế dành cho tất cả mọi người có tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối.36 Chúa Giê Su Ky Tô đã dọn đường cho chúng ta để đạt được các mức độ tăng trưởng.37

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn và có cảm nghĩ biết ơn sâu đậm hơn về ý nghĩa vĩnh cửu của sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cho thấy tình yêu thương của mình đối với Thượng Đế và lòng biết ơn đối với ân tứ về ân điển vô hạn của Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và vui vẻ “sống trong đời mới.”38 Trong thánh danh của Đức Thầy và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.