2010–2019
Thế Hệ Cao Quý Nhất của Các Thành Niên Trẻ Tuổi
Tháng tư 2015


Thế Hệ Cao Quý Nhất của Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Điều mà chúng ta cần bây giờ là thế hệ cao quý nhất của các thành niên trẻ tuổi trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng tôi cần sự cam kết hoàn toàn và trọn vẹn của các em.

Một trong những thú vui tuyệt vời của tôi khi hành trình khắp thế giới là cơ hội để gặp gỡ và chào hỏi những người truyền giáo của chúng ta. Các anh cả và các chị truyền giáo tuyệt vời tỏa ra Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, và tôi luôn luôn được soi dẫn bởi tình yêu thương của họ dành cho Chúa Giê Su Ky Tô và sự phục vụ tận tâm của họ đối với Ngài. Mỗi lần tôi bắt tay với họ và cảm nhận được tinh thần và đức tin đáng kể của họ, tôi tự nhủ: “Những người con trai và con gái tuyệt vời này của chúng ta thực sự là một phép lạ!”

Trong buổi họp chức tư tế trung ương vào tháng Mười năm 2002, tôi đã yêu cầu các vị giám trợ, các bậc cha mẹ, và những người truyền giáo tương lai phải “nâng cao tiêu chuẩn” cho công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Sau đó tôi đã nói rằng “thế hệ cao quý nhất của những người truyền giáo trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng ta cần những người truyền giáo xứng đáng, hội đủ điều kiện, đầy nghị lực thuộc linh. …

“… Chúng tôi cần sự cam kết hoàn toàn và trọn vẹn của các em. Chúng tôi cần những người truyền giáo đầy sức sống và nghị lực, biết suy nghĩ, thiết tha, là những người biết cách lắng nghe và đáp ứng những lời mách bảo của Đức Thánh Linh.”1

Trong nhiều phương diện, thế giới ngày nay còn khó khăn hơn so với thời điểm cách đây 13 năm. Các thanh niên và thiếu nữ của chúng ta có nhiều điều làm cho họ xao lãng hơn trong việc chuẩn bị cho một công việc truyền giáo lẫn một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Công nghệ đã phát triển, và hầu như mọi người đều tiếp cận với các thiết bị điện tử cầm tay mà có thể thu hút được sự chú ý của gia đình nhân loại của Thượng Đế với cả mục đích tốt lẫn tà ác.

Buổi tối hôm nay, tôi ngỏ lời cùng những người truyền giáo hiện đang phục vụ, những người truyền giáo tương lai, những người truyền giáo đã được giải nhiệm trở về nhà, và tất cả những người nam thành niên trong Giáo Hội. Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ hiểu và cân nhắc kỹ điều tôi phải nói với các em trong khi các em hành trình qua những năm tháng đầy thú vị và khó khăn của cuộc đời.

Trong những ngày đầu của Giáo Hội, những người truyền giáo đều được một Vị Thẩm Quyền Trung Ương phỏng vấn trước khi họ đi truyền giáo. Ngày nay các em được các giám trợ và chủ tịch giáo khu của mình phỏng vấn để phục vụ với tư cách là những người truyền giáo, và đa số các em sẽ sống suốt cuộc đời của mình mà không được một Vị Thẩm Quyền Trung Ương phỏng vấn. Đó chỉ là kết quả của việc thuộc vào một giáo hội toàn cầu với hơn 15 triệu tín hữu. Tôi biết tôi nói thay cho các anh em của tôi khi tôi cho các em biết rằng chúng tôi muốn có thể biết riêng từng em và có thể nói với các em rằng chúng tôi yêu thương các em và ủng hộ các em.

May thay, Chúa đã cung cấp nhiều cách để cho chúng tôi tiếp xúc với các em. Ví dụ, một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai chỉ định mỗi người truyền giáo cho phái bộ truyền giáo của người ấy. Mặc dù điều này được thực hiện mà không có một cuộc phỏng vấn truyền thống trực tiếp, nhưng việc kết hợp công nghệ và sự mặc khải đã cung cấp một kinh nghiệm khá thân mật và riêng tư. Tôi xin nói cho các em biết điều này xảy ra như thế nào.

Bức ảnh của các em hiện lên trên màn hình máy vi tính, cùng với thông tin quan trọng do vị giám trợ và chủ tịch giáo khu của các em cung cấp. Khi ảnh của các em hiện ra, chúng tôi nhìn vào đôi mắt của các em và xem xét câu trả lời của các em cho các câu hỏi giới thiệu người truyền giáo. Trong giây phút ngắn ngủi đó, dường như các em đang hiện diện và trả lời trực tiếp với chúng tôi.

Khi nhìn vào ảnh của các em, chúng tôi tin rằng trong mọi phương diện, các em đã tuân theo “tiêu chuẩn đã được nâng cao” được đòi hỏi ngày nay để là một người truyền giáo trung tín, thành công. Sau đó, bằng quyền năng của Thánh Linh của Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Thomas S. Monson, chúng tôi chỉ định các em đi phục vụ ở một trong 406 phái bộ truyền giáo của Giáo Hội trên toàn cầu.

Không, điều đó không giống như là cuộc phỏng vấn riêng và trực tiếp. Nhưng cũng gần như vậy.

Hội nghị qua video là một cách khác để giúp chúng tôi tiếp cận với các vị lãnh đạo và các tín hữu Giáo Hội sống xa trụ sở Giáo Hội.

Về hội nghị qua video, tôi muốn các em nào trong số các em đang chuẩn bị để phục vụ truyền giáo, những người nào đã trở về, và tất cả các em là các thành niên trẻ tuổi hãy dành ra một vài phút với tôi như thể chúng ta đang có một cuộc trò chuyện video cá nhân ngay bây giờ. Hãy nhìn vào tôi trong một vài phút như thể các em và tôi là những người duy nhất trong phòng, dù các em đang ở đâu buổi tối hôm nay.

Về phần mình, tôi sẽ tưởng tượng rằng tôi đang nhìn vào mắt của các em và lắng nghe kỹ những câu trả lời của các em cho một vài câu hỏi mà tôi tin rằng sẽ cho tôi biết rất nhiều về chiều sâu của chứng ngôn và lòng tận tâm của các em đối với Thượng Đế. Nếu tôi có thể diễn giải điều tôi đã nói với những người truyền giáo cách đây 13 năm, điều mà chúng ta cần bây giờ là thế hệ cao quý nhất của những thành niên trẻ tuổi trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng tôi cần sự cam kết hoàn toàn và trọn vẹn của các em. Chúng tôi cần những người thành niên trẻ tuổi đầy sức sống và nghị lực, biết suy nghĩ, thiết tha, là những người biết cách lắng nghe và đáp ứng những lời mách bảo của Đức Thánh Linh trong khi các em sống qua những thử thách và cám dỗ hàng ngày của việc làm một Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi đương thời.

Nói cách khác, đó là thời gian để nâng cao tiêu chuẩn không những cho những người truyền giáo mà còn cho những người truyền giáo đã được giải nhiệm trở về nhà và toàn thể thế hệ của các em. Vì thế, xin hãy suy ngẫm trong lòng những câu trả lời của các em cho những câu hỏi này:

  1. Các em có tra cứu thánh thư thường xuyên không?

  2. Các em có quỳ xuống cầu nguyện để nói chuyện với Cha Thiên Thượng mỗi buổi sáng và mỗi tối không?

  3. Các em có nhịn ăn và hiến tặng một của lễ nhịn ăn mỗi tháng—ngay cả nếu các em là một sinh viên nghèo, đang gặp khó khăn và không có khả năng hiến tặng nhiều không?

  4. Các em có suy nghĩ cặn kẽ về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh Chuộc Tội của Ngài cho các em khi được yêu cầu để chuẩn bị, ban phước, chuyền hoặc dự phần Tiệc Thánh không?

  5. Các em có tham dự các buổi họp của mình và cố gắng giữ ngày Sa Bát được thánh không?

  6. Các em có lương thiện ở nhà, trường học, nhà thờ, và nơi làm việc không?

  7. Các em có trong sạch về mặt tinh thần và thuộc linh không? Các em có tránh xem hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc xem các trang mạng, tạp chí, phim ảnh, hoặc các ứng dụng, kể cả các tấm ảnh Tinder hoặc Snapchat, mà sẽ gây rắc rối cho các em nếu cha mẹ, các vị lãnh đạo Giáo Hội của các em, hoặc chính Đấng Cứu Rỗi thấy các em làm điều đó không?

  8. Các em có cẩn thận với thời gian của mình—tránh công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội kể cả các trò chơi video mà có thể làm suy giảm sự bén nhạy thuộc linh của các em không?

  9. Có điều gì trong cuộc sống của các em mà cần phải thay đổi và sửa chữa, bắt đầu từ tối hôm nay không?

Cám ơn các em về cuộc gặp gỡ cá nhân ngắn ngủi này. Tôi hy vọng rằng các em đã trả lời cho mỗi một câu hỏi này một cách chân thật và thận trọng. Nếu các em thấy mình thiếu bất cứ nguyên tắc nào trong những nguyên tắc đơn giản này, thì tôi khuyên các em hãy can đảm hối cải và sống cuộc sống của mình phù hợp với các tiêu chuẩn phúc âm về vai trò môn đồ ngay chính.

Giờ đây, các em thân mến, tôi xin đưa ra thêm một lời khuyên mà sẽ giúp các em có được chứng ngôn về phúc âm in sâu vào trong tâm trí của mình.

Tôi nhắc nhở các em là những người truyền giáo được giải niệm trở về nhà rằng sự chuẩn bị của các em cho cuộc sống và cho một gia đình cần phải được liên tục. Việc các em đi truyền giáo trở về không có nghĩa là các em “nghỉ hưu đạo Mặc Môn”! Là một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà, các em “phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính.”2

Xin hãy sử dụng các kỹ năng học được trong khi phục vụ truyền giáo để ban phước cho cuộc sống của những người xung quanh mỗi ngày. Đừng thay đổi tập trung của các em khỏi việc phục vụ người khác để tập trung hoàn toàn vào việc học hành, công việc làm, hoặc các sinh hoạt xã hội. Thay vì thế, hãy cân bằng cuộc sống của các em với những kinh nghiệm thuộc linh mà nhắc nhở và chuẩn bị cho các em để tiếp tục phục sự những người khác hàng ngày.

Trong lúc đi truyền giáo, các em đã học được tầm quan trọng của việc đi thăm những người khác tại nhà của họ. Tôi hy vọng rằng tất cả các thành niên trẻ tuổi của chúng ta, cho dù các em đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian hay không, đều hiểu được tầm quan trọng của việc đi thăm những người đang cô đơn, đau ốm, hay nản lòng—không những là một chỉ định mà còn là vì tình yêu chân thật của các em dành cho Cha Thiên Thượng và con cái của Ngài.

Đối với các em nào trong số các em đang học trung học và chuẩn bị đi truyền giáo, tôi khuyến khích các em hãy tham dự và tốt nghiệp lớp giáo lý. Các em nào là các thành niên trẻ tuổi thì nên ghi danh vào một viện giáo lý.3 Nếu các em đang theo học một trường của Giáo Hội, hãy luôn luôn bao gồm trong mỗi học kỳ một lớp học về giáo dục tôn giáo. Trong thời gian quan trọng này để chuẩn bị cho một công việc truyền giáo hoặc hôn nhân vĩnh cửu và cuộc sống của các em là một người trưởng thành, các em phải tiếp tục tìm cách để học hỏi và phát triển cùng nhận được nguồn soi dẫn và hướng dẫn qua Đức Thánh Linh. Một sự nghiên cứu phúc âm kỹ lưỡng, thành tâm qua lớp giáo lý, viện giáo lý, hoặc các lớp học giáo dục tôn giáo có thể phụ giúp các em trong mục tiêu đó.

Cho dù các em có đang theo học ở một trường học của Giáo Hội hay không, cho dù các em có theo học đại học hay không, thì cũng đừng nghĩ rằng các em quá bận rộn để học phúc âm. Lớp giáo lý, viện giáo lý, hoặc các lớp học tôn giáo sẽ cung cấp sự cân bằng cho cuộc sống của các em và thêm vào giáo dục thế tục của các em bằng cách tạo cho các em một cơ hội khác để dùng thời gian học thánh thư và những lời dạy của các vị tiên tri và các sứ đồ. Tôi khuyến khích mỗi thành niên trẻ tuổi nên xem xét kỹ và tham dự bốn khóa học mới và xuất sắc.4

Và đừng quên rằng các lớp học và sinh hoạt được tổ chức ở viện giáo lý địa phương của các em hoặc qua tiểu giáo khu hoặc giáo khu người thành niên trẻ tuổi độc thân của các em sẽ là một nơi để các em có thể ở gần với những thanh niên nam nữ khác và nâng cao cùng soi dẫn cho nhau trong khi các em học hỏi, phát triển phần thuộc linh và giao tiếp với nhau. Các em thân mến, nếu các em chịu để máy điện thoại di động của mình qua một bên và thực sự nhìn xung quanh một chút, các em còn có thể tìm thấy người bạn đời vĩnh cửu tương lai của mình ở viện giáo lý nữa đấy.

Điều này dẫn tôi đến một lời khuyên dạy khác nữa mà tôi chắc chắn các em đã biết rồi: Các em là những người thành niên độc thân cần phải hẹn hò và kết hôn. Xin đừng trì hoãn! Tôi biết một số em sợ lập gia đình. Tuy nhiên, nếu kết hôn đúng người vào đúng thời điểm và đúng nơi đúng chỗ, thì các em không cần phải sợ hãi. Trong thực tế, nhiều vấn đề các em gặp phải sẽ tránh được nếu các em “thiết tha nhiệt tình” trong việc hẹn hò, tán tỉnh và hôn nhân ngay chính. Đừng gõ tin nhắn trên điện thoại cho cô ấy! Hãy sử dụng tiếng nói của các em để tự giới thiệu mình với những người con gái ngay chính của Thượng Đế đang ở xung quanh các em. Việc nghe tiếng nói một người thật sẽ làm cho cô ấy ngạc nhiên—có lẽ sẽ chấp nhận.

Giờ đây, các em thân mến, tôi làm chứng cùng các em rằng Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta sửa chữa bất cứ điều gì cần sửa chữa trong cuộc sống của chúng ta qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài.

Buổi tối hôm nay, khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm ngày Chủ Nhật Phục Sinh vào ngày mai, xin hãy cùng tôi tạm ngừng lại để tưởng nhớ tới ân tứ Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Hãy nhớ rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, biết các em rõ nhất và yêu thương các em nhiều nhất.

Qua Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Chuộc đã mang lấy những rắc rối, đau đớn và tội lỗi của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi của thế gian trở nên hiểu mỗi người chúng ta bằng cách cảm nhận những hy vọng tiêu tan, những thử thách, và thảm cảnh của chúng ta qua nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự.5 Việc Ngài chết là một hành động yêu thương cuối cùng dành cho chúng ta và được chôn cất trong một ngôi mộ mới vào cái đêm định mệnh đó.

Vào sáng Chủ Nhật, Chúa Giê Su đã sống lại—hứa hẹn cuộc sống mới cho mỗi người chúng ta. Sau đó, Chúa phục sinh ra lệnh cho các môn đồ của Ngài phải dạy cho tất cả mọi người phải có đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi, chịu phép báp têm, nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng. Các em thân mến, chúng ta biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith và qua ông đã phục hồi phúc âm trường cửu của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các em thân mến, hãy mạnh mẽ lên. Hãy tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Chúa Giê Su Ky Tô hứa rằng tất cả những điều chúng ta mong muốn để làm trong sự ngay chính đều sẽ thuộc vào chúng ta. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đang trông cậy vào các em. Chúng tôi cần mỗi người trong các em là các thành niên trẻ tuổi hãy chuẩn bị kết hôn, phục vụ, và hướng dẫn trong những ngày sắp tới, tôi khiêm nhường cầu nguyện những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.