2010–2019
Vậy Nên Họ Đã Nén Được Cơn Sợ Hãi
Tháng tư 2015


Vậy Nên Họ Đã Nén Được Cơn Sợ Hãi

Không giống như cơn sợ hãi của thế gian mà gây ra tình trạng hoảng hốt và lo âu, lòng kính sợ Thượng Đế là một nguồn dẫn đến sự bình an, trấn an, và tin tưởng.

Tôi còn nhớ rất rõ một kinh nghiệm mà tôi đã có khi còn nhỏ. Một ngày nọ trong khi đang chơi với bạn bè, tôi vô tình làm vỡ kính cửa sổ của một cửa hàng gần nhà. Khi kính vỡ và hệ thống báo động an ninh vang lên inh ỏi, một cơn sợ hãi làm tê liệt tâm trí tôi. Tôi nhận ra ngay lập tức số phận bi đát là sẽ phải ở tù suốt phần còn lại của cuộc đời. Cuối cùng cha mẹ tôi dỗ dành tôi ra khỏi nơi ẩn núp dưới gầm giường và giúp tôi đền tiền cho chủ cửa hàng. May mắn thay, tôi không phải bị ở tù.

Cơn sợ hãi tôi cảm thấy vào ngày hôm đó thật là choáng ngợp và có thực. Chắc chắn là các anh chị em cũng đã trải qua những cảm giác sợ hãi nhiều hơn sau khi biết được một vấn đề về sức khỏe cá nhân, khám phá ra một người trong gia đình đang gặp khó khăn hay đang lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, hoặc quan sát những sự kiện đầy lo ngại trên thế giới. Trong những trường hợp như vậy, cảm giác buồn rầu về cơn sợ hãi bắt đầu nảy sinh vì cảm thấy mối nguy hiểm đang đe dọa, bấp bênh, hoặc nỗi đau đớn sắp xảy ra và qua những kinh nghiệm không lường trước, đôi khi bất ngờ, và có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, các báo cáo không ngừng về bạo lực tội phạm, nạn đói, chiến tranh, tham nhũng, khủng bố, các giá trị đạo đức suy giảm, bệnh tật, và các lực lượng phá hoại của thiên nhiên có thể gây ra sợ hãi và lo âu. Chắc chắn là chúng ta đang sống trong thời kỳ đã được Chúa báo trước: “Và vào ngày đó … toàn thể thế gian sẽ ở trong sự xáo động, và loài người sẽ mất can đảm” (GLGƯ 45:26).

Mục đích của tôi là mô tả về cơn sợ hãi có thể được xua tan như thế nào nhờ vào một sự hiểu biết đúng về đức tin và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi khẩn thiết cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ ban phước cho mỗi người chúng ta trong khi chúng ta cùng nhau xem xét đề tài quan trọng này.

Cơn Sợ Hãi trong Cuộc Sống Trần Thế

Khi nghe tiếng nói của Thượng Đế sau khi ăn trái cấm, A Đam và Ê Va ẩn mình trong Vườn Ê Đen. Thượng Đế gọi A Đam và hỏi: “Ngươi ở đâu? Và [A Đam thưa rằng]: Tôi có nghe tiếng Chúa … , bèn sợ” (Sáng Thế Ký 3:9–10). Nên lưu ý rằng một trong những mục đích đầu tiên của Sự Sa Ngã là cho A Đam và Ê Va cảm thấy sợ hãi. Cảm xúc mạnh mẽ này là một yếu tố quan trọng của cuộc sống trần thế của chúng ta.

Một ví dụ từ Sách Mặc Môn tập trung vào quyền năng về sự hiểu biết của Chúa (xin xem 2 Phi E Rơ 1:2–8; An Ma 23:5–6) để xua tan cơn sợ hãi và mang đến sự bình an ngay cả khi chúng ta đối đầu với nhiều nghịch cảnh.

Trong xứ Hê Lam, dân An Ma đã sợ hãi vì một đạo quân La Man đang tiến về phía họ.

“Nhưng An Ma đã tiến đến đứng giữa họ và khuyên nhủ họ chớ nên kinh sợ như vậy, trái lại, … phải nhớ đến Chúa, Thượng Đế của họ, thì Ngài sẽ giải cứu cho họ.

“Vậy nên họ đã nén được cơn sợ hãi” (Mô Si A 23:27–28).

Hãy lưu ý rằng An Ma không dập tắt cơn sợ hãi của dân chúng. Thay vì thế, An Ma đã khuyên những người tin phải nhớ đến Chúa và sự giải thoát mà chỉ có Ngài mới có thể mang lại (xin xem 2 Nê Phi 2: 8). Và sự hiểu biết về mối quan tâm chăm sóc và bảo vệ của Đấng Cứu Rỗi đã làm cho dân chúng có thể nén được cơn sợ hãi của mình.

Sự hiểu biết đúng đắn về đức tin và đức tin nơi Chúa cho phép chúng ta nén cơn sợ hãi của mình vì Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn bình an trường cửu duy nhất. Ngài phán: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta” (GLGƯ 19:23).

Đức Thầy cũng giải thích: “kẻ nào làm những việc làm ngay chính thì sẽ nhận được phần thưởng của mình, đó là sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (GLGƯ 59:23).

Sự tin cậy và tin tưởng nơi Đấng Ky Tô và việc sẵn lòng trông cậy vào công lao, lòng thương xót, và ân điển của Ngài đều dẫn đến hy vọng về Sự Phục Sinh và cuộc sống vĩnh cửu qua Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem Mô Rô Ni 7:41). Đức tin và niềm hy vọng như vậy mời vào cuộc sống của chúng ta cảm giác bình yên tuyệt vời của lương tâm, là điều chúng ta đều khao khát để có. Quyền năng của Sự Chuộc Tội làm cho sự hối cải có thể thực hiện được và xua tan nỗi tuyệt vọng do tội lỗi gây ra; quyền năng này cũng củng cố chúng ta để thấy, làm, và trở nên tốt lành trong những cách mà chúng ta không bao giờ có thể nhận ra hoặc hoàn thành với khả năng giới hạn của con người. Quả thật, một trong các phước lành lớn lao của các môn đồ tận tâm là “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi Líp 4:7).

Sự bình an của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta hiểu được cuộc sống trần thế qua viễn cảnh quý báu về thời vĩnh cửu và làm vững vàng phần thuộc linh (xin xem Cô Lô Se 1:23) nhằm giúp chúng ta duy trì sự tập trung kiên định vào đích tới thiên thượng của mình. Như vậy, chúng ta có thể được ban phước để nén cơn sợ hãi của mình nhờ vào các giáo lý của Ngài nhằm mang đến mục đích và hướng dẫn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Các giáo lễ và giao ước của Ngài củng cố và an ủi trong lúc vui lẫn lúc buồn. Và thẩm quyền chức tư tế của Ngài mang đến sự bảo đảm rằng những điều quan trọng nhất đều có thể tồn tại trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.

Nhưng chúng ta có thể nén cơn sợ hãi thường xuyên và dễ dàng quấy nhiễu chúng ta trong thế giới hiện nay không? Câu trả lời cho câu hỏi này là một tiếng “có” dứt khoát. Ba nguyên tắc cơ bản đóng vai trò chủ yếu trong việc nhận được phước lành này trong cuộc sống của chúng ta là: (1) chú tâm hướng về Đấng Ky Tô, (2) xây dựng trên nền móng của Đấng Ky Tô, và (3) tiến tới với đức tin nơi Đấng Ky Tô.

Chú Tâm Hướng về Đấng Ky Tô

Lời khuyên dạy của An Ma cho con trai Hê La Man của ông áp dụng chính xác cho mỗi người chúng ta ngày nay: “Phải, con hãy chú tâm hướng về Thượng Đế để sống” (An Ma 37:47). Chúng ta nên chú tâm hướng tới và đặt trọng tâm một cách vững chắc vào Đấng Cứu Rỗi bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Hãy nhớ lại việc Các Sứ Đồ của Chúa đang ở trong một con thuyền bập bềnh trôi ở giữa biển như thế nào. Chúa Giê Su đã đi tới họ, bước đi trên mặt nước; nhưng vì không nhận ra Ngài, nên họ sợ hãi kêu la.

“Nhưng Đức Chúa Giê Su liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ!

“Phi E Rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.

“Ngài phán rằng: Hãy lại đây! (Ma Thi Ơ 14:27–29)

Phi E Rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Giê Su.

“Song khi thấy gió thổi, thì Phi E Rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!

“Tức thì Đức Chúa Giê Su giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” (Ma Thi Ơ 14:30–31).

Tôi hình dung ra Phi E Rơ đang đáp ứng nhiệt thành và ngay lập tức đối với lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi. Với đôi mắt dán chặt vào Chúa Giê Su, ông bước ra khỏi thuyền và đi bộ trên mặt nước một cách kỳ diệu. Chỉ khi bị xao lãng bởi gió và sóng thì ông mới trở nên sợ hãi và bắt đầu chìm.

Chúng ta có thể được ban phước để khắc phục nỗi sợ hãi của mình và củng cố đức tin của mình khi chúng ta tuân theo lời chỉ dẫn của Chúa: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (GLGƯ 6:36).

Xây Dựng trên Nền Móng của Đấng Ky Tô

Hê La Man khuyên dạy hai con trai Nê Phi và Lê Hi của ông: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).

Các giáo lễ và giao ước là những viên gạch chúng ta sử dụng để xây dựng cuộc sống của mình dựa trên nền móng của Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta được liên kết một cách an toàn với Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta xứng đáng tiếp nhận các giáo lễ và lập giao ước, trung thành ghi nhớ và tôn trọng những cam kết thiêng liêng đó, và cố gắng hết sức mình sống theo các nghĩa vụ chúng ta đã chấp nhận. Và mối ràng buộc đó là nguồn sức mạnh thuộc linh và sự ổn định trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta.

Chúng ta có thể được ban phước để nén cơn sợ hãi của mình khi chúng ta thiết lập những ước muốn và hành động của mình một cách vững vàng trên nền móng vững chắc của Đấng Cứu Rỗi qua các giáo lễ và giao ước của mình.

Tiến Tới với Đức Tin nơi Đấng Ky Tô

Nê Phi nói: “Vậy nên, các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.” (2 Nê Phi 31:20).

Sự chịu đựng có kỷ luật được mô tả trong câu này là kết quả của sự hiểu biết và tầm nhìn thuộc linh, sự bền bỉ, kiên nhẫn, và ân điển của Thượng Đế. Việc thực hành đức tin trong và qua thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tuân phục một cách nhu mì theo ý muốn và kỳ định của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và khiêm tốn thừa nhận bàn tay của Ngài trong mọi sự việc sẽ mang đến những điều bình an của vương quốc của Thượng Đế mà từ đó mang lại niềm vui và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem GLGƯ 42: 61). Ngay cả khi chúng ta gặp khó khăn và phải đối phó với tương lai bấp bênh, thì chúng ta có thể vui vẻ kiên trì chịu đựng và “được lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn cuộc sống bình an trong tất cả sự thành kính và sự trung thực” (1 Ti Mô Thê 2:2).

Chúng ta có thể được ban phước để nén cơn sợ hãi của mình khi chúng ta nhận được sức mạnh có được từ việc học hỏi và sống theo các nguyên tắc phúc âm và quyết tâm tiến tới trên con đường giao ước.

Kính Sợ Chúa

Khác với cơn sợ hãi chúng ta thường trải qua nhưng có liên quan với cơn sợ hãi đó là điều mà thánh thư mô tả là “lòng kính sợ … Đức Chúa Trời” (Hê Bơ Rơ 12:28) hoặc “kính sợ Chúa” (Gióp 28:28; Châm Ngôn 16:6; Ê Sai 11:2–3). Không giống như cơn sợ hãi của thế gian mà gây ra tình trạng hoảng hốt và lo âu, lòng kính sợ Thượng Đế là một nguồn dẫn đến sự bình an, trấn an, và tin tưởng.

Nhưng làm thế nào bất cứ điều gì liên quan đến cơn sợ hãi đều có thể có tính cách gây dựng hoặc hữu ích về phần thuộc linh?

Cơn sợ hãi ngay chính tôi đang cố gắng diễn tả chứa đựng một cảm nghĩ sâu đậm về sự tôn kính, tôn trọng, và kính sợ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Thi Thiên 33:8; 96:4), tuân theo các lệnh truyền của Ngài (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:29; 8:6; 10:12; 13:4; Thi Thiên 112:1), và sự biết trước về Sự Phán Xét Cuối Cùng và công lý trong tay Ngài. Do đó, lòng kính sợ Thượng Đế nảy sinh ra từ một sự hiểu biết đúng đắn về thiên tính và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô, từ việc sẵn lòng để đặt ý muốn của chúng ta tuân phục theo ý muốn của Ngài, cũng như một sự hiểu biết rằng mỗi người nam và người nữ sẽ chịu trách nhiệm cho tội lỗi của chính mình trong Ngày Phán Xét (xin xem GLGƯ 101:78; Những Tín Điều 1:2).

Thánh thư dạy rằng lòng kính sợ Thượng Đế “là khởi đầu sự tri thức” (Châm Ngôn 1:7), “dạy dỗ điều khôn ngoan” (Châm Ngôn 15:33), một “nơi nương cậy vững chắc” (Châm Ngôn 14:26), và “một nguồn sự sống” (Châm Ngôn 14:27).

Xin lưu ý rằng lòng kính sợ Thượng Đế được liên kết chặt chẽ với một sự hiểu biết về Sự Phán Xét Cuối Cùng và trách nhiệm giải trình của cá nhân chúng ta về những ước muốn, ý nghĩ, lời nói, và hành động (xin xem Mô Si A 4:30). Lòng kính sợ Chúa không phải là một mối lo âu miễn cưỡng về việc đi vào nơi hiện diện của Ngài để được phán xét. Tôi không tin rằng chúng ta sẽ sợ hãi khi gặp Ngài đâu. Thay vì thế, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ ở nơi hiện diện của Ngài đối mặt với những điều thật sự về bản thân mình và có được “một sự hiểu biết hoàn toàn” (2 Nê Phi 9:14; cũng xin xem An Ma 11:43) về tất cả những lời giải thích duy lý, giả dối, và tự lừa dối của mình. Cuối cùng, chúng ta sẽ không có lý do gì để bào chữa nữa.

Mỗi người đã sống hoặc sẽ sống trên thế gian “sẽ được dẫn đến đứng trước rào phán xét của Thượng Đế để Ngài xét xử tùy theo những việc làm của mình, dù cho đó là những việc làm thiện hay ác” (Mô Si A 16:10). Nếu những ước muốn của chúng ta là ngay chính và việc làm của chúng ta là tốt lành, thì rào phán xét sẽ rất dễ chịu (xin xem Gia Cốp 6:13; Ê Nót 1:27; Mô Rô Ni 10:34). Và vào ngày sau cùng chúng ta sẽ “được ban thưởng sự ngay chính” (An Ma 41:6).

Ngược lại, nếu những ước muốn của chúng ta là xấu xa và những việc làm của chúng ta là tà ác, thì rào phán xét sẽ là một nguyên nhân gây ra cơn sợ hãi. “Chúng ta sẽ không dám ngước mặt lên nhìn Thượng Đế của mình; mà chúng ta sẽ vui mừng nếu chúng ta có thể khiến cho đá và núi đổ lên chúng ta để che giấu chúng ta khỏi sự hiện diện của Ngài” (An Ma 12:14). Và vào ngày cuối cùng chúng ta sẽ “nhận lấy điều ác” (An Ma 41:5).

Như đã được tóm lược trong sách Truyền Đạo:

“Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.

“Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền Đạo 12:13–14).

Các anh chị em thân mến, lòng kính sợ Thượng Đế xua tan cơn sợ hãi trong cuộc sống trần thế. Điều này thậm chí còn đánh bại mối lo âu đầy ám ảnh là chúng ta không bao giờ có thể đủ tốt về mặt thuộc linh và sẽ không bao giờ làm tròn những đòi hỏi và kỳ vọng của Chúa. Trong thực tế, chúng ta không thể đủ tốt hoặc đạt được điều mình cần bằng cách chỉ dựa vào khả năng và việc làm của mình. Chỉ những việc làm và ước muốn của chúng ta thôi thì không và không thể cứu rỗi chúng ta được. “Sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23), thì chúng ta được làm cho hoàn hảo chỉ nhờ lòng thương xót và ân điển có sẵn qua sự hy sinh chuộc tội vô hạn và vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi (xin xem An Ma 34:10, 14). Chắc chắn là “chúng ta tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm” (Những Tín Điều 1:3).

Lòng kính sợ Thượng Đế là yêu mến và tin tưởng vào Ngài. Khi kính sợ Thượng Đế một cách trọn vẹn hơn, chúng ta yêu mến Ngài một cách hoàn hảo hơn. Và “tình thương trọn vẹn sẽ đánh đuổi được tất cả mọi sợ hãi” (Mô Rô Ni 8:16). Tôi hứa rằng ánh sáng rực rỡ của lòng kính sợ Thượng Đế sẽ xua đuổi bóng tối của cơn sợ hãi của trần thế (xin xem GLGƯ 50:25) khi chúng ta chú tâm hướng về Đấng Cứu Rỗi, xây dựng nền móng của mình trên Ngài, và tiến tới trên con đường giao ước của Ngài với lòng cam kết tận tụy.

Chứng Ngôn và Lời Hứa

Tôi yêu mến và tôn kính Chúa. Quyền năng và sự bình an của Ngài là có thật. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống. Và nhờ vào Ngài mà lòng chúng ta không cần phải bối rối hay sợ hãi (xem Giăng 14:27), và chúng ta sẽ được ban phước để nén cơn sợ hãi của mình. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.