2010–2019
Chờ Người Con Trai Hoang Phí
Tháng tư 2015


Chờ Người Con Trai Hoang Phí

Cầu xin cho các anh chị em và tôi nhận được sự mặc khải để biết cách giúp đỡ hữu hiệu nhất những người đang đi lạc đường trong cuộc sống của chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã dùng thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài để giảng dạy về quyền năng chữa lành và cứu chuộc của Ngài. Trong Lu Ca chương 15, trong Kinh Tân Ước, vào một dịp nọ, Ngài thực sự đã bị chỉ trích vì ăn với những người phạm tội và dành thì giờ ra với họ (xin xem Lu Ca 15:2). Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng những lời chỉ trích này như là một cơ hội để dạy cho tất cả chúng ta cách phản ứng với những người đã bị lạc đường.

Ngài đã trả lời những người chỉ trích Ngài bằng cách hỏi họ hai câu hỏi quan trọng:

“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?” (Lu Ca 15:4).

“Hay là, có người đàn bà nào có mười đồng bạc, mất một đồng, mà không thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng cho kỳ được sao?” (Lu Ca 15:8).

Sau đó Đấng Cứu Rỗi giảng dạy chuyện ngụ ngôn người con trai hoang phí. Chuyện ngụ ngôn này không phải là về 100 con chiên hoặc 10 đồng bạc; mà về một người con trai yêu quý bị thất lạc. Qua chuyện ngụ ngôn này, Đấng Cứu Rỗi dạy cho chúng ta điều gì về cách phản ứng khi một người trong gia đình đi lạc đường?

Người con trai hoang phí cho cha mình biết rằng anh ta muốn chia phần gia tài của mình bây giờ. Anh ta muốn rời khỏi sự an toàn của mái gia đình và theo đuổi những vật chất của thế gian (xin xem Lu Ca 15:12–13). Xin lưu ý rằng trong chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi, người cha đã phản ứng một cách đầy tình thương bằng cách chia cho con trai phần gia tài thừa kế của nó. Người cha chắc hẳn đã làm tất cả mọi điều ông có thể làm để thuyết phục người con trai ở lại. Tuy nhiên, một khi người con trai trưởng thành đã chọn rồi thì người cha khôn ngoan để cho nó ra đi. Sau đó người cha cho thấy tình yêu thương chân thành, và trông chờ (xin xem Lu Ca 15:20).

Gia đình tôi đã có một kinh nghiệm tương tự. Hai người anh em trai trung tín và một người chị gái tuyệt vời của tôi và tôi đã được nuôi dưỡng bởi hai bậc cha mẹ gương mẫu. Chúng tôi được giảng dạy phúc âm trong nhà của mình, chúng tôi trưởng thành, và tất cả bốn người chúng tôi đều đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ với những người phối ngẫu của mình. Tuy nhiên, vào năm 1994, người chị gái của chúng tôi là Susan, đã trở nên bất mãn với Giáo Hội và một số điều giảng dạy của Giáo Hội. Chị ấy đã bị thuyết phục bởi những người chế giễu và chỉ trích các vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo Hội. Chị đã để cho đức tin của mình nơi các vị tiên tri và sứ đồ bị suy giảm. Theo thời gian, những nỗi nghi ngờ của chị đã vượt quá đức tin của chị, và chị đã chọn rời bỏ Giáo Hội. Susan đã cho phép tôi chia sẻ câu chuyện của chị với hy vọng rằng câu chuyện này có thể giúp đỡ những người khác.

Ba anh em tôi và người mẹ góa của chúng tôi rất buồn. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi điều đã có thể dẫn dắt chị từ bỏ đức tin của chị.

Ba anh em tôi đã phục vụ với tư cách là giám trợ và chủ tịch nhóm túc số, và chúng tôi đã cảm nhận niềm vui của sự thành công với các tín hữu trong tiểu giáo khu và nhóm túc số khi chúng tôi bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi kiếm một con chiên. Tuy nhiên, với người chị gái của chúng tôi, những nỗ lực liên tục của chúng tôi để giải cứu và mời chị ấy trở lại càng đẩy chị ấy đi xa hơn.

Trong khi tìm kiếm sự hướng dẫn của thiên thượng về việc làm thế nào chúng tôi có thể đáp ứng thích hợp với chị, thì rõ ràng là chúng tôi phải noi theo gương của người cha trong chuyện ngụ ngôn về người con trai hoang phí. Susan đã chọn rồi, và chúng tôi phải để cho chị ấy đi, nói theo cách ẩn dụ—nhưng vẫn cho chị ấy biết và cảm nhận được tình yêu thương chân thành của chúng tôi dành cho chị. Và như vậy, với tình yêu thương được nối lại và lòng tử tế, chúng tôi trông chờ.

Mẹ tôi không bao giờ ngừng yêu thương và chăm sóc cho Susan. Mỗi lần mẹ tôi đi đền thờ, bà đều viết tên của Susan vào danh sách những người được cầu nguyện, không bao giờ để mất hy vọng. Vợ chồng của anh trai tôi, là hai người sống gần Susan nhất ở California, đã mời chị ấy đến tất cả các sinh hoạt của gia đình. Mỗi năm họ đều mời Susan đến nhà của họ ăn tối vào ngày sinh nhật của Susan. Họ chắc chắn rằng họ luôn luôn liên lạc với chị và cho chị biết tình yêu thương chân thực của họ dành cho chị.

Vợ chồng em trai tôi liên lạc với con cái của Susan ở Utah và chăm sóc cùng yêu thương chúng. Họ chắc chắn rằng con cái của Susan luôn luôn được mời đến dự các buổi họp mặt gia đình, và khi đến lúc cháu gái của Susan chịu phép báp têm, em trai tôi đã có mặt ở đó để thực hiện giáo lễ. Susan cũng có các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng đầy lòng nhân từ không bao giờ bỏ cuộc.

Khi con cái chúng tôi đi truyền giáo và kết hôn, Susan cũng được mời tham dự vào các dịp ăn mừng của gia đình. Chúng tôi đã cố gắng hết sức tổ chức các sinh hoạt của gia đình để Susan và con cái của chị có thể có mặt với chúng tôi và họ sẽ biết rằng chúng tôi yêu thương họ và họ là một phần tử của gia đình chúng tôi. Khi Susan nhận được một bằng cao học tại một trường đại học ở California, chúng tôi đều đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp của chị để hỗ trợ chị. Mặc dù không thể chấp nhận tất cả những lựa chọn của chị nhưng chúng tôi chắc chắn có thể chấp nhận chị. Chúng tôi yêu thương, và chúng tôi trông chờ.

Vào năm 2006, sau 12 năm trôi qua kể từ khi Susan rời bỏ Giáo Hội, con gái Katy của chúng tôi cùng chồng nó dọn đến California để chồng nó có thể theo học trường luật. Chúng ở trong cùng một thành phố với Susan. Cặp vợ chồng trẻ này nhờ cô Susan của chúng giúp đỡ và hỗ trợ, và chúng yêu thương người cô của chúng. Susan giúp trông đứa cháu gái hai tuổi Lucy của chúng tôi, và Susan đã giúp Lucy cầu nguyện mỗi đêm. Một hôm, Katy gọi điện thoại cho tôi và hỏi tôi có nghĩ rằng Susan sẽ trở lại với Giáo Hội không. Tôi bảo đảm với nó rằng tôi cảm thấy là chị tôi sẽ trở lại và chúng tôi cần phải tiếp tục kiên nhẫn. Ba năm nữa trôi qua, và vẫn tiếp tục với tình yêu thương, chúng tôi trông chờ.

Cách đây đúng sáu năm, vợ tôi là Marcia, và tôi ngồi ở hàng ghế đầu của Trung Tâm Đại Hội này. Tôi sẽ được tán trợ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương mới vào ngày hôm đó. Marcia, là người luôn luôn gần gũi với Thánh Linh, đã viết một một mẩu giấy nhỏ đưa cho tôi có ghi: “Em nghĩ rằng đây là lúc để Susan quay trở lại.” Con gái Katy của tôi đề nghị rằng tôi nên đi ra và gọi điện thoại cho Susan để mời chị ấy xem đại hội trung ương vào ngày hôm đó.

Vì được hai phụ nữ tuyệt vời này thúc giục, tôi đã bước ra ngoài hành lang và gọi điện thoại cho chị tôi. Tôi để lại lời nhắn trên điện thoại cho chị và mời chị xem phiên họp đó của đại hội trung ương. Chị ấy đã nhận được lời nhắn. Chúng tôi vui mừng vì chị đã cảm thấy có ấn tượng để xem tất cả các phiên họp của đại hội. Chị nghe bài nói chuyện của các vị tiên tri và sứ đồ mà chị đã yêu mến nhiều năm trước đó. Chị thấy những cái tên mới mà chị chưa hề nghe trước đó, như Chủ Tịch Uchtdorf và Các Anh Cả Bednar, Cook, Christofferson, và Andersen. Trong kinh nghiệm này và những kinh nghiệm độc đáo khác với ảnh hưởng của thiên thượng, chị tôi—giống như người con trai hoang phí—đã tỉnh ngộ (xin xem Lu Ca 15:17). Những lời của các vị tiên tri và sứ đồ cùng tình yêu thương của gia đình chị là động cơ để chị hối cải và trở lại. Sau 15 năm, chị tôi, là người đã bị lạc đường, giờ đã được tìm thấy. Thời gian trông chờ đã chấm dứt.

Susan mô tả về kinh nghiệm này cũng giống như Lê Hi đã mô tả trong Sách Mặc Môn. Chị đã buông ra thanh sắt và thấy mình ở trong một đám sương mù tối đen (xin xem 1 Nê Phi 8:23). Chị nói rằng chị không biết chị đã đi lạc đường cho đến khi đức tin của chị đã được Ánh Sáng của Đấng Ky Tô đánh thức, là ánh sáng chiếu rọi sự khác biệt cho chị thấy giữa điều chị đang trải qua trên thế gian và điều Chúa và gia đình của chị đã mang phước lành đến cho chị.

Một phép lạ đã xảy ra trong hơn sáu năm qua. Chứng ngôn của Susan đã được hồi phục lại về Sách Mặc Môn. Chị đã nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ. Chị đã phục vụ với tư cách là một người phụ giúp thực hiện giáo lễ trong đền thờ, và chị hiện đang giảng dạy lớp Giáo Lý Phúc Âm trong tiểu giáo khu của chị. Các cửa sổ trên trời đã mở ra cho con cháu của chị, và mặc dù đã có những hậu quả khó khăn, nhưng chị đã cảm thấy như thể chị chưa bao giờ rời bỏ Giáo Hội.

Một số các anh chị em, giống như gia đình Nielson, cũng có những người trong gia đình đã tạm thời đi lạc đường. Chỉ thị của Đấng Cứu Rỗi cho tất cả mọi người có 100 con chiên là phải để lại chín mươi chín con chiên và đi giải cứu một con chiên. Chỉ thị của Ngài cho những người có 10 đồng bạc và mất một đồng bạc là phải đi tìm cho đến khi các anh chị em kiếm ra đồng bạc đó. Khi người đi lạc đường là con trai hay con gái, anh em hoặc chị em của các anh chị em và người đó đã chọn ra đi, thì chúng ta đã học được trong gia đình của mình rằng sau khi đã làm tất cả những gì mình có thể làm, thì chúng ta hết lòng yêu thương người đó và trông chờ, chúng ta cầu nguyện, chúng ta chờ đợi bàn tay của Chúa biểu hiện.

Có lẽ bài học quan trọng nhất Chúa đã dạy tôi qua tiến trình này đã xảy ra trong những lúc gia đình cùng đọc thánh thư sau khi người chị gái của tôi rời bỏ Giáo Hội. Con trai David của chúng tôi đọc trong khi chúng tôi học chung với nhau sách Lu Ca 15. Khi nó đọc câu chuyện ngụ ngôn về người con trai hoang phí, tôi nghe câu chuyện đó vào ngày hôm ấy khác hơn tôi đã từng nghe câu chuyện đó trước kia. Vì một lý do nào đó, tôi đã luôn luôn thông cảm với người con trai ở lại nhà. Khi David đọc vào buổi sáng hôm đó, tôi nhận ra rằng trong một số phương diện, tôi chính là người con trai hoang phí. Tất cả chúng ta đều thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Cha (xin xem Rô Ma 3:23). Tất cả chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành cho mình. Tất cả chúng ta đều đi lạc đường và cần phải được tìm lại. Điều mặc khải này vào ngày hôm đó đã giúp tôi biết rằng chị tôi và tôi đều cần đến tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài. Susan và tôi đều thực sự đang ở trên cùng một con đường trở về nhà.

Những lời của Đấng Cứu Rỗi trong chuyện ngụ ngôn khi Ngài mô tả cảnh người cha ra đón người con trai hoang phí của mình thật là hùng hồn, và tôi tin rằng những lời này có thể là phần mô tả kinh nghiệm mà các anh chị em và tôi sẽ có với Đức Chúa Cha khi chúng ta trở về ngôi nhà thiên thượng của mình. Những lời này dạy chúng ta về một người cha yêu thương, biết chờ đợi, và trông chờ. Đây là những lời của Đấng Cứu Rỗi: “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn” (Lu Ca 15:20).

Cầu xin cho các anh chị em và tôi nhận được sự mặc khải để biết cách hữu hiệu nhất để giúp đỡ những người đang đi lạc đường trong cuộc sống của chúng ta, và khi cần thiết có được lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, trong khi chúng ta yêu thương, trông chờ, và chờ đợi người con trai hoang phí. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.