2010–2019
Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình
Tháng tư 2015


Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình

Một gia đình được xây đắp trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ tạo thành bối cảnh tốt nhất cho kế hoạch của Thượng Đế để phát triển.

Ở bên trên Cánh Cổng Lớn phía Tây của Tu Viện Westminster nổi tiếng ở Luân Đôn, Anh, là các bức tượng của 10 vị tuẫn đạo Ky Tô hữu trong thế kỷ 20. Trong số đó có Dietrich Bonhoeffer, một nhà thần học xuất sắc người Đức sinh vào năm 1906.1 Bonhoeffer đã trở thành một tiếng nói chỉ trích chế độ độc tài phát xít và cách đối xử của chế độ này với dân Do Thái và những người khác. Ông bị cầm tù vì sự chống đối tích cực của ông và cuối cùng đã bị xử tử trong một trại tập trung. Bonhoeffer là một nhà văn viết rất nhiều, và một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là các bức thư mà những người lính canh thông cảm giúp ông gửi lén ra khỏi tù, về sau được xuất bản là Letters and Papers from Prison (Thư Từ và Bài Vở từ Nhà Tù).

Một trong những bức thư đó là gửi cho cháu gái của ông trước khi đám cưới của cô ấy. Bức thư bao gồm những hiểu biết đáng kể này: “Hôn nhân có ý nghĩa nhiều hơn tình yêu của hai cháu dành cho nhau. … Trong tình yêu của mình, hai cháu chỉ thấy hai người trong thế giới, nhưng trong hôn nhân hai cháu là mối liên kết giữa các thế hệ, mà Thượng Đế khiến cho xảy ra và qua đi vì vinh quang của Ngài, và kêu gọi vào vương quốc của Ngài. Trong tình yêu của mình, hai cháu chỉ thấy thiên đường hạnh phúc của riêng mình, nhưng trong hôn nhân, hai cháu được đặt vào một vị trí có trách nhiệm đối với thế giới và nhân loại. Tình yêu của hai cháu là sở hữu riêng của hai cháu, nhưng hôn nhân có ý nghĩa nhiều hơn là một điều gì riêng tư—đó là một trạng thái, một lễ nghi. Nó cũng giống như vương miện, và không đơn thuần là ý muốn để cai trị, mà xác định nhà vua, hôn nhân cũng thế, và không chỉ là tình yêu của hai cháu dành cho nhau, mà kết hợp hai cháu lại dưới mắt của Thượng Đế và con người. … Vì vậy, tình yêu xuất phát từ hai cháu, nhưng hôn nhân đến từ trên cao, từ Thượng Đế.”2

Về phương diện nào hôn nhân giữa một người nam và một người nữ vượt qua tình yêu họ dành cho nhau và hạnh phúc của riêng họ để trở thành “một vị trí có trách nhiệm đối với thế giới và nhân loại”? Trong ý nghĩa nào điều đó đến “từ trên cao, từ Thượng Đế”? Để hiểu rõ, chúng ta phải trở lại từ lúc ban đầu.

Các vị tiên tri đã mặc khải rằng trước hết chúng ta tồn tại với tính cách là những thực thể tri thức, và chúng ta được Thượng Đế ban cho hình dạng, hoặc thể linh, do đó trở thành con cái linh hồn của Ngài—là các con trai và con gái của cha mẹ thiên thượng.3 Có một lúc trong cuộc sống tiền dương thế này của các linh hồn khi Cha Thiên Thượng của chúng ta chuẩn bị một kế hoạch có khả năng, trong việc xúc tiến ước muốn của Ngài rằng chúng ta “có thể có một đặc ân để được tiến triển như Ngài.”4 Trong thánh thư, kế hoạch này được ban cho nhiều cái tên khác nhau, kể cả “kế hoạch cứu rỗi,”5 “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại,”6 và “kế hoạch cứu chuộc.”7 Hai mục đích chính của kế hoạch này đã được giải thích cho Áp Ra Ham trong những lời này:

“Và ở giữa những linh hồn này có một linh hồn giống Thượng Đế, và Ngài nói với những linh hồn đang đứng với Ngài: Chúng ta sẽ đi xuống, vì dưới đó có khoảng không, và chúng ta sẽ đem theo một số vật liệu này, và chúng ta sẽ làm ra một thế gian cho những linh hồn này trú ngụ;

“Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng;

“Và những ai giữ trạng thái thứ nhất của mình thì sẽ được ban thêm; … và những ai biết giữ trạng thái thứ nhì của mình thì sẽ được nhận thêm nhiều vinh quang lên đầu họ mãi mãi và đời đời.”8

Nhờ vào Cha Thiên Thượng, nên chúng ta đã trở thành các thể linh. Giờ đây Ngài ban cho chúng ta một con đường để hoàn tất hoặc làm cho thể chất đó được hoàn hảo. Việc nhận thêm yếu tố thể chất là thiết yếu cho sự hiện hữu và vinh quang trọn vẹn mà chính Thượng Đế đã có. Trong khi sống với Thượng Đế trên tiền dương thế, nếu chúng ta chịu đồng ý tham gia vào kế hoạch của Ngài—hoặc nói cách khác “giữ trạng thái thứ nhất [của chúng ta]”—chúng ta sẽ “được nhận thêm,” với một thể xác khi đến cư ngụ trên thế gian mà Ngài đã sáng tạo cho chúng ta.

Nếu sau đó, trong quá trình trải nghiệm trên trần thế, chúng ta đã chọn để “làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế [của chúng ta], sẽ truyền lệnh cho [chúng ta],” chúng ta chắc hẳn đã giữ “trạng thái thứ hai.” Điều này có nghĩa rằng qua sự lựa chọn của mình, chúng ta sẽ chứng minh cho Thượng Đế (và bản thân mình) sự cam kết và khả năng của chúng ta để sống theo luật thượng thiên của Ngài trong khi ở bên ngoài sự hiện diện của Ngài và trong một thể xác với tất cả các khả năng, lòng ham muốn, và đam mê của nó. Chúng ta có thể kiềm chế thể xác để nó trở thành công cụ thay vì là chủ của linh hồn không? Chúng ta có thể được tin cậy cả trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu với các quyền năng của Thượng Đế, kể cả quyền năng sinh sản không? Mỗi người chúng ta sẽ khắc phục điều ác được không? Những người làm được điều đó sẽ “được nhận thêm nhiều vinh quang lên đầu họ mãi mãi và đời đời”—một khía cạnh rất quan trọng về vinh quang đó là một thể xác phục sinh, bất diệt và vinh quang.9 Thảo nào chúng ta “cất tiếng reo mừng” trước những khả năng và lời hứa tuyệt vời này.10

Có ít nhất bốn điều cần thiết cho sự thành công của kế hoạch thiêng liêng này:

Trước hết là Sự Sáng Tạo của thế gian phải là nơi cư ngụ của chúng ta. Cho dù các chi tiết của tiến trình sáng tạo là gì đi nữa, chúng ta cũng biết rằng sự sáng tạo đó không phải là tình cờ mà là do Thượng Đế Đức Chúa Cha hướng dẫn và do Chúa Giê Su Ky Tô thi hành—“muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”11

Thứ hai là trạng thái hữu diệt. A Đam và Ê Va đã hành động thay cho tất cả những ai chọn để tham gia vào kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Đức Chúa Cha.12 Sự Sa Ngã của họ tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của chúng ta và cho kinh nghiệm hữu diệt và học hỏi ở bên ngoài sự hiện diện của Thượng Đế. Kèm theo Sự Sa Ngã là khả năng nhận thức về điều thiện lẫn điều ác và lựa chọn do Thượng Đế ban cho.13 Cuối cùng, Sự Sa Ngã mang đến cái chết thể xác cần thiết để làm cho thời gian của chúng ta trên trần thế thành tạm thời, do đó chúng ta sẽ không sống vĩnh viễn trong tội lỗi của mình.14

Thứ ba là sự cứu chuộc khỏi Sự Sa Ngã. Chúng ta thấy vai trò của cái chết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, nhưng kế hoạch đó sẽ trở nên vô hiệu quả nếu không có cách để khắc phục cái chết vào lúc cuối cùng, về thể chất lẫn thuộc linh. Như vậy, một Đấng Cứu Chuộc, Con Độc Sinh của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô, đã chịu đau khổ và chết để chuộc tội cho A Đam và Ê Va, do đó mang đến sự phục sinh và sự bất diệt cho tất cả mọi người. Và vì không một ai trong chúng ta sẽ tuân theo luật phúc âm một cách hoàn hảo và kiên định, nên Sự Chuộc Tội của Ngài cũng cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi nếu chịu hối cải. Với ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi mang đến sự tha thứ các tội lỗi và thánh hóa linh hồn, chúng ta có thể được sinh ra một lần nữa về phần thuộc linh và được hòa giải với Thượng Đế. Cái chết thuộc linh của chúng ta—tức là chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế—sẽ chấm dứt.15

Thứ tư, và cuối cùng, là bối cảnh cho sự ra đời của chúng ta và sự tái sinh tiếp theo về phần thuộc linh vào vương quốc của Thượng Đế. Để cho công việc của Ngài được thành công với “sự tôn cao [của chúng ta] với Ngài,”16 Thượng Đế quy định rằng những người đàn ông và phụ nữ cần phải kết hôn và sinh con cái, do đó trong mối quan hệ chung phần cộng tác với Thượng Đế, tạo ra các thể xác là chìa khóa cho thử thách trên trần thế và cần thiết cho vinh quang vĩnh cửu với Ngài. Ngài cũng quy định rằng các bậc cha mẹ cần phải lập gia đình và nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật,17 dẫn dắt chúng đến một niềm hy vọng trong Đấng Ky Tô. Đức Chúa Cha truyền lệnh chúng ta:

“Phải giảng dạy rộng rãi những điều này cho con cái của ngươi, nói rằng:

“Và … bởi vì các ngươi được sinh ra trên thế gian bằng nước, máu và linh, do ta tạo ra, và từ bụi đất trở thành một loài sinh linh, nên cũng giống như vậy các ngươi phải được tái sinh trong vương quốc thiên thượng bằng nước và bằng Đức Thánh Linh, và được tẩy sạch bằng máu, đó là máu của Con Độc Sinh của ta; để các ngươi có thể được thánh hóa khỏi mọi tội lỗi, và hưởng những lời về cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau, đó là vinh quang bất diệt.”18

Vì biết được lý do tại sao chúng ta rời bỏ nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và điều gì là cần thiết để trở về và được tôn cao với Ngài, nên điều đó trở nên rất rõ ràng rằng không có điều gì liên quan đến thời gian của chúng ta ở trên thế gian có thể quan trọng hơn hai điều kiện tiên quyết của cuộc sống vĩnh cửu, đó là việc sinh ra đời và sự tái sinh phần thuộc linh. Để sử dụng những lời của Dietrich Bonhoeffer, thì đây là “lễ nghi” hôn nhân, “vị trí có trách nhiệm đối với nhân loại”, mà định chế thiêng liêng này “từ ở trên, từ Thượng Đế” chiếm giữ. Đó là “mối liên kết trong chuỗi các thế hệ” ở đây lẫn mai sau—là tổ chức của thiên thượng.

Một gia đình được xây đắp trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ tạo thành bối cảnh tốt nhất cho kế hoạch của Thượng Đế để phát triển mạnh—bối cảnh để cho con cái ra đời trong sự thanh khiết và vô tội từ Thượng Đế và môi trường cho việc học hỏi cùng chuẩn bị cần thiết cho một cuộc sống hữu diệt thành công và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Để cho xã hội có thể tồn tại và phát triển, thì điều cần thiết tối thiểu là phải có các gia đình được dựa trên các cuộc hôn nhân như vậy. Đó là lý do tại sao các cộng đồng và quốc gia thường đã khuyến khích và bảo vệ hôn nhân và gia đình là các định chế có đặc ân. Điều đó chưa bao giờ chỉ là về tình yêu và hạnh phúc của người lớn.

Định nghĩa của khoa học xã hội về hôn nhân và gia đình do một người đàn ông và một người phụ nữ đứng đầu thật là hấp dẫn.19 Và như vậy, “chúng tôi cũng khuyến cáo rằng sự tan vỡ gia đình sẽ mang lại cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia những tai họa mà đã được các tiên tri thời xưa và hiện đại tiên đoán.”20 Nhưng lời tuyên bố của chúng ta về vai trò của hôn nhân và gia đình không dựa vào khoa học xã hội, mà vào lẽ thật rằng hôn nhân và gia đình là sự sáng tạo của Thượng Đế. Chính Ngài là Đấng mà lúc ban đầu đã sáng tạo ra A Đam và Ê Va theo hình ảnh của Ngài, người nam và người nữ, cùng kết hợp họ thành vợ chồng để trở thành “một thịt” và sinh sôi nẩy nở và làm đầy dẫy đất.21 Mỗi cá nhân mang hình ảnh thiêng liêng, nhưng chính là trong sự kết hợp hôn nhân của người nam và người nữ trở thành một mà chúng ta có lẽ đạt được ý nghĩa đầy đủ nhất của việc chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế—người nam và người nữ. Chúng ta cũng như bất cứ người trần thế nào khác không thể thay đổi tổ chức hôn nhân thiêng liêng này. Đó không phải là một phát minh của loài người. Cuộc hôn nhân như vậy quả thật là “từ ở trên, từ Thượng Đế” và một phần của kế hoạch hạnh phúc như là Sự Sa Ngã và Sự Chuộc Tội.

Trong tiền dương thế, Lu Xi Phe phản nghịch chống lại Thượng Đế và kế hoạch của Ngài, và sự phản nghịch của nó hoàn toàn gia tăng cường độ. Nó chiến đấu để ngăn cản hôn nhân và sự hình thành của gia đình, nơi nào hôn nhân và gia đình được hình thành, thì nó làm điều nó có thể làm để phá hoại. Nó tấn công tất cả mọi điều thiêng liêng về tình dục con người, giật tình dục con người ra khỏi bối cảnh của hôn nhân với các loại suy nghĩ và hành vi vô luân mà dường như vô hạn. Nó tìm cách thuyết phục những người đàn ông và phụ nữ rằng các ưu tiên của hôn nhân và gia đình có thể được bỏ qua hoặc bỏ rơi, hay ít nhất chỉ là ưu tiên phụ đối với sự nghiệp, những thành tích khác, cùng việc tìm kiếm “sự tự hoàn thiện” và tự do cá nhân. Chắc chắn là kẻ nghịch thù đã hài lòng khi cha mẹ bỏ bê việc dạy dỗ và huấn luyện con cái để có được đức tin nơi Đấng Ky Tô, và được sinh ra một lần nữa về phần thuộc linh. Thưa các anh chị em, có nhiều điều tốt, có nhiều điều quan trọng, nhưng chỉ một số ít là thiết yếu.

Việc tuyên bố về các lẽ thật cơ bản liên quan đến hôn nhân và gia đình là không nhằm coi nhẹ hoặc giảm bớt những sự hy sinh và thành công của những người có tình trạng hôn nhân lý tưởng hiện không được như thế. Một số anh chị em bị từ chối phước lành của hôn nhân vì các lý do thiếu các triển vọng xứng đáng, sức thu hút đồng tính, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần hay chỉ là sợ bị thất bại, làm lu mờ đức tin, ít nhất trong một giây phút. Hoặc các anh chị em có thể đã kết hôn, nhưng cuộc hôn nhân đó đã kết thúc, và bỏ lại các anh chị em một mình xoay sở điều mà cả hai người có thể gần như vừa đủ sức để đứng vững. Một số anh chị em đã kết hôn nhưng không thể có con bất kể những ước muốn tràn ngập và những lời cầu nguyện khẩn thiết.

Mặc dù vậy, mọi người đều có ân tứ; mọi người đều có tài năng; mọi người đều có thể đóng góp vào việc tiết lộ kế hoạch thiêng liêng trong mỗi thế hệ. Phần lớn điều đó là tốt, phần lớn điều đó là thiết yếu—thậm chí đôi khi tất cả điều đó là cần thiết vào lúc này—và có thể đạt được trong những hoàn cảnh không được lý tưởng. Có rất nhiều anh chị em đang làm hết sức mình. Và khi các anh chị em đang mang những gánh nặng nề nhất của trần thế và đứng lên bênh vực kế hoạch của Thượng Đế để tôn cao con cái của Ngài, thì chúng tôi đều đã sẵn sàng để ủng hộ các anh chị em. Với sự tin tưởng, chúng ta làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã đoán trước và cuối cùng, sẽ bù đắp tất cả những điều thiếu thốn và mất mát cho những người hướng tới Ngài. Không một ai bị tiền định để nhận được ít hơn tất cả những gì mà Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài.

Gần đây, một người mẹ trẻ tâm sự với tôi về nỗi lo lắng của chị ấy vì không thích hợp với chức vụ kêu gọi cao nhất này. Tôi cảm thấy rằng các vấn đề làm cho chị ấy lo âu là nhỏ và chị ấy không cần phải lo lắng; chị ấy làm được mà. Nhưng tôi biết là chị ấy chỉ muốn làm hài lòng Thượng Đế và tôn vinh sự tin cậy của Ngài. Tôi đưa ra lời trấn an, và trong lòng mình, tôi khẩn cầu rằng Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chị ấy, sẽ củng cố chị ấy với tình yêu thương của Ngài và bằng chứng về sự chấp nhận của Ngài khi chị ấy đang làm công việc của Ngài.

Đó là lời cầu nguyện của tôi cho tất cả chúng ta ngày hôm nay. Cầu xin cho mỗi người chúng ta có thể tìm thấy sự chấp nhận trong mắt Ngài. Cầu xin cho các cuộc hôn nhân thành công và các gia đình phát triển thịnh vượng, và cho dù tương lai của chúng ta có là sự trọn vẹn của các phước lành này trên trần thế hay không, thì cũng cầu xin ân điển của Chúa mang lại hạnh phúc bây giờ và đức tin nơi những lời hứa chắc chắn sẽ tới. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Kevin Rudd, “Faith in Politics,” The Monthly, tháng Mười năm 2006, themonthly.com.au/monthly-essays-kevin-rudd-faith-politics--300.

  2. Dietrich Bonhoeffer, Letters and Papers from Prison, do Eberhard Bethge biên soạn (1953), 42–43.

  3. Xin xem ví dụ Thi Thiên 82:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29; Hê Bơ Rơ 12:9; Giáo Lý và Giao Ước 93:29, 33; Môi Se 6:51; Áp Ra Ham 3:22. Tiên Tri Joseph Smith đưa ra chi tiết này: “Các nguyên tắc thứ nhất của loài người là tự tồn tại với Thượng Đế. Chính Thượng Đế đã thấy Ngài ở giữa các linh hồn [hoặc các tri thức] và vinh quang, vì Ngài thông minh hơn, thấy thích hợp để đặt ra luật pháp mà bởi đó những người còn lại cũng có đặc ân để tiến triển giống như Ngài. … Ngài có quyền năng đặt ra luật pháp để chỉ dẫn cho những tri thức yếu kém hơn, để cho họ có thể được tôn cao với Ngài” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007] 210)

  4. Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 210.

  5. An Ma 24:14.

  6. An Ma 42:8.

  7. An Ma 12:25; xin xem thêm các câu 26–33.

  8. Áp Ra Ham 3:24–26.

  9. Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra lời phát biểu tóm tắt này: “Kế hoạch của Thượng Đế trước khi sáng thế là chúng ta cần phải nhận lãnh đền thờ tạm [thân thể] mà qua sự trung tín chúng ta cần phải chế ngự và do đó đạt được sự phục sinh từ cõi chết, và cũng bằng cách này đạt được vinh quang, vinh hiển, quyền năng và quyền thống trị.” Vị Tiên Tri cũng nói: “Chúng ta đến thế gian này để có thể có được một thể xác và dâng thể xác thanh khiết đó lên Thượng Đế trong thượng thiên giới. Nguyên tắc quan trọng của hạnh phúc gồm có việc có được một thể xác. Quỷ dữ không có thể xác, và điều này là hình phạt của nó. Nó rất hài lòng khi có thể có được thể xác của loài người, và khi bị Đấng Cứu Rỗi đuổi ra nó đã xin được nhập vào đàn heo, cho thấy rằng nó thà có được xác của con heo còn hơn là không có thể xác. Tất cả những người nào có được thể xác đều có quyền năng hơn những người không có thể xác.” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 211).

  10. Gióp 38:7.

  11. Giăng 1:3; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 76:23–24.

  12. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–22; 2 Nê Phi 2:25.

  13. Xin xem 2 Nê Phi 2:15–18; An Ma 12:24; Giáo Lý và Giao Ước 29:39; Môi Se 4:3. Joseph Smith nói: “Tất cả mọi người đều được có quyền tự quyết, vì Thượng Đế đã quy định như vậy. Ngài đã làm cho loài người thành những người có quyền tự quyết về đạo đức, và ban cho họ khả năng để chọn điều tốt hay điều xấu; để tìm kiếm điều gì tốt lành, bằng cách theo đuổi con đường thánh thiện trong cuộc sống này, mà mang đến sự an tâm, và niềm vui nơi Đức Thánh Linh ở đây, và một niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn ở bên tay phải của Ngài từ nay trở đi; hoặc theo đuổi một hướng đi xấu xa, tiếp tục đi sâu vào tội lỗi và sự phản nghịch chống lại Thượng Đế, do đó mang đến sự đoán phạt cho linh hồn của họ trong thế gian này, và một sự mất mát vĩnh cửu trong thể giới mai sau.” Vị Tiên Tri cũng nói: “Sa Tan không thể cám dỗ chúng ta bằng những lời dụ dỗ của nó ngoại trừ chúng ta cho phép và nhượng bộ trong lòng. Cơ thể của chúng ta được cấu tạo theo một cách thức mà chúng ta có thể chống lại quỷ dữ; nếu chúng ta không được cấu tạo như vậy thì chúng ta không phải là những người có quyền tự do lựa chọn” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 213).

  14. Xin xem Sáng Thế Ký 3:22–24; An Ma 42:2–6; Môi Se 4:28–31.

  15. Mặc dù những người không hối cải đã được cứu chuộc khỏi cái chết thuộc linh nhờ vào Sự Chuộc Tội trong ý nghĩa rằng họ đi vào một lần nữa nơi hiện diện của Thượng Đế cho Ngày Phán Xét Cuối Cùng (xin xem Hê La Man 14:17; 3 Nê Phi 27:14–15).

  16. Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 210.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:36–40.

  18. Môi Se 6:58–59.

  19. Người ta có thể chung thủy với nhau trong mối quan hệ không phải hôn nhân, và con cái có thể được sinh ra và lớn lên, đôi khi khá thành công, trong một môi trường khác hơn là một gia đình có cha mẹ kết hôn. Nhưng theo trung bình và trong đa số các trường hợp, bằng chứng về các lợi ích xã hội của hôn nhân và những kết quả tương đối tốt cho con cái trong gia đình do một người đàn ông và người phụ nữ đã kết hôn đứng đầu thì rất rộng lớn. Mặt khác, các chi phí xã hội và kinh tế về điều mà một người bình luận gọi “sự bỏ rơi gia đình khắp toàn cầu,” đè nặng càng ngày càng nhiều vào xã hội. Nicholas Eberstadt viết về tình trạng sụt giảm trên toàn cầu trong hôn nhân và việc sinh con đẻ cái và các khuynh hướng liên quan đến các gia đình không có người cha, ly dị và nhận xét: “Ảnh hưởng nguy hại về con số khá vụn vặt của con cái bị thiệt thòi bởi sự đổ vỡ từ các gia đình đã đủ rõ ràng rồi. Vì vậy, vai trò tai hại của các vụ ly dị và con cái sinh sản ngoài giá thú trong việc làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong số thu nhập và khoảng cách giàu nghèo—đối với xã hội nói chung, nhưng đặc biệt là đối với trẻ em. Vâng, trẻ em có khả năng chịu đựng và phục hồi nhanh, và vân vân. Nhưng sự bỏ rơi gia đình chắc chắn nhất làm nguy hại các trẻ em dễ bị tổn thương. Cùng sự bỏ rơi đó cũng không hề khoan nhượng cho người lớn tuổi dễ bị tổn thương.” (Xin xem “The Global Flight from the Family,” Wall Street Journal, Feb. 21, 2015, wsj.com/articles/nicholas-eberstadt-the-global-flight-from-the-family-1424476179.)

  20. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  21. Xin xem Sáng Thế Ký 1:26–28; 2:7, 18, 21–24; 3:20; Môi Se 2:26–28; 3:7–8, 18, 20–24; 4:26.