Thánh Thư
Giáo Lý và Giao Ước 77


Tiết 77

Điều mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith, tại Hiram, Ohio, vào khoảng tháng Ba năm 1832. Lịch sử của Joseph Smith nói: “Cùng với việc phiên dịch Thánh Thư, tôi đã nhận được lời giải thích sau đây về sách Khải Huyền của Thánh Giăng.”

1–4, Các thú vật có linh hồn và sẽ sống trong hạnh phúc vĩnh cửu; 5–7, Trái đất này có sự tồn tại thế tục 7.000 năm; 8–10, Có các thiên sứ khác nhau phục hồi lại phúc âm và phục sự trên thế gian; 11, Sự đóng ấn 144.000 người; 12–14, Đấng Ky Tô sẽ đến vào lúc bắt đầu của một ngàn năm kỳ thứ bảy; 15, Sẽ có hai vị tiên tri được lập lên cho dân Do Thái.

1 H. Biển pha lê mà Giăng có nói trong sách Khải Huyền, chương 4, câu 6, là gì?Đ. Đó là trái đất trong trạng thái được thánh hóa, bất diệt, và vĩnh cửu.

2 H. Chúng tôi phải hiểu theo ý nghĩa nào về bốn con vật được nói đến trong cùng câu này?Đ. Đây là những danh từ tượng trưng, mà Vị Mặc Khải Giăng đã dùng để mô tả trời, thiên đàng của Thượng Đế, hạnh phúc của loài người, và của thú vật, và của các loại bò sát, cùng chim muông trên trời; mà những gì thuộc linh cũng có hình giống như những gì thuộc thế tục; và những gì thuộc thế tục cũng có hình giống như những gì thuộc linh; linh hồn của một người có hình giống như thể xác của người ấy, và linh hồn của thú vật, và của bất cứ tạo vật nào khác mà Thượng Đế đã tạo ra cũng vậy.

3 H. Có phải bốn con vật đó chỉ giới hạn cho bốn con vật riêng biệt, hay chúng tượng trưng cho các loại hay đẳng cấp khác nhau?Đ. Chúng chỉ giới hạn cho bốn con vật riêng biệt mà Giăng đã được trông thấy, để tượng trưng cho vinh quang của các loài sinh vật trong một trật tự được thiết lập hay bầu không khí sáng tạo, trong sự thụ hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của chúng.

4 H. Chúng tôi phải hiểu theo ý nghĩa nào về mắt và cánh của các con vật đó?Đ. Mắt của chúng tượng trưng cho ánh sáng và sự hiểu biết, có nghĩa là chúng có đầy dẫy sự hiểu biết; còn cánh của chúng tượng trưng cho khả năng, để di chuyển, để hành động, v.v.

5 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về hai mươi bốn anh cả mà Giăng nói tới?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng những anh cả mà Giăng trông thấy là những người đã trung thành trong công việc giáo vụ, và đã chết rồi; họ thuộc về bảy giáo hội, và lúc đó đang ở trong thiên đàng của Thượng Đế.

6 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về cuốn sách mà Giăng trông thấy, cuốn sách mà được đóng bảy cái ấn ở phía ngoài?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng sách ấy chứa đựng những lời mặc khải về ý muốn, những điều kín nhiệm, và những việc làm của Thượng Đế; những điều giấu kín về sự sắp xếp của Ngài liên quan tới trái đất này suốt thời gian bảy ngàn năm mà nó tồn tại, hay là sự tồn tại thế tục của nó.

7 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về bảy cái ấn mà được đóng trên cuốn sách?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng cái ấn thứ nhất chứa đựng những sự việc của một ngàn năm đầu tiên, và cái ấn thứ hai là của một ngàn năm thứ hai, và cứ như vậy cho đến cái ấn thứ bảy.

8 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về bốn thiên sứ, được nói đến trong sách Khải Huyền, chương 7, câu 1?Đ. Chúng ta phải hiểu họ là bốn thiên sứ được Thượng Đế phái đi, họ được ban cho quyền năng khắp bốn phương trời của trái đất, để cứu mạng và để hủy diệt; đây là những vị có phúc âm vĩnh viễn để rao truyền cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc; có quyền năng đóng các tầng trời lại, đóng ấn cho được sống, hoặc xô xuống những vùng tối tăm.

9 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào trong sách Khải Huyền, chương 7, câu 2, về vị thiên sứ thăng lên từ hướng đông?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng vị thiên sứ thăng lên từ hướng đông là vị được ban cho ấn của Thượng Đế hằng sống đối với mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên; vậy nên, vị ấy reo gọi bốn thiên sứ có phúc âm vĩnh viễn mà rằng: Chớ làm hại đất, hoặc biển cả hoặc cây cối, cho đến khi nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thượng Đế chúng ta. Và nếu các ngươi chấp nhận điều này thì đây chính là Ê Li A, là người sẽ tới để quy tụ các chi tộc của Y Sơ Ra Ên và phục hồi tất cả mọi vật.

10 H. Lúc nào thì những điều nói trong chương này được thực hiện?Đ. Những điều đó sẽ được thực hiện trong thời kỳ một ngàn năm thứ sáu, hay là vào lúc dấu ấn thứ sáu được mở ra.

11 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về việc đóng ấn một trăm bốn mươi bốn ngàn người, từ tất cả các chi tộc Y Sơ Ra Ên—mười hai ngàn từ mỗi chi tộc?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng những người được đóng ấn là những thầy tư tế thượng phẩm, được sắc phong theo thánh ban của Thượng Đế, để thực thi phúc âm vĩnh viễn; vì họ là những người được sắc phong từ mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc, bởi các vị thiên sứ là những người được ban cho quyền năng đối với các quốc gia trên trái đất, để đem về tất cả những người muốn đến cùng giáo hội Con Đầu Lòng.

12 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về tiếng kèn đồng, được nói tới trong chương 8 của sách Khải Huyền?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng giống như Thượng Đế tạo dựng thế gian trong sáu ngày, và đến ngày thứ bảy thì Ngài làm xong công việc của Ngài, và thánh hóa ngày ấy, và còn tạo sinh loài người bằng bụi đất thế gian, thì cũng vậy, vào đầu thời kỳ ngàn năm thứ bảy thì Đức Chúa Trời sẽ thánh hóa trái đất, và hoàn tất việc cứu rỗi loài người, và phán xét mọi sự việc, và sẽ cứu chuộc tất cả mọi vật, ngoại trừ những gì mà Ngài không đặt trong quyền năng của Ngài, khi Ngài đã xong đóng ấn tất cả mọi vật, để chấm dứt tất cả mọi vật; và tiếng kèn đồng của bảy thiên sứ là sự chuẩn bị và sự hoàn tất công việc của Ngài, vào lúc bắt đầu thời kỳ một ngàn năm thứ bảy—sự chuẩn bị đường lối trước thời gian Ngài đến.

13 H. Đến bao giờ thì những điều viết trong Chương 9 của sách Khải Huyền sẽ được thực hiện?Đ. Những điều đó sẽ được thực hiện sau khi ấn thứ bảy được mở ra, trước khi sự hiện đến của Đấng Ky Tô.

14 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về cuốn sách nhỏ mà Giăng đã nuốt trọn, như đã nói tới trong chương 10 của sách Khải Huyền?Đ. Chúng ta phải hiểu rằng đó là sứ mệnh, và là một giáo lễ cho ông phải quy tụ các chi tộc Y Sơ Ra Ên; này, đây chính là Ê Li A, như đã được ghi chép, là Đấng phải đến để phục hồi tất cả mọi vật.

15 H. Chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa nào về hai nhân chứng trong sách Khải Huyền chương 11?Đ. Họ là hai vị tiên tri sẽ được lập lên cho dân Do Thái vào những ngày sau cùng, vào thời kỳ phục hồi, và sẽ tiên tri cho dân Do Thái biết sau khi họ đã quy tụ và dựng xong thành phố Giê Ru Sa Lem trên đất tổ phụ của họ.