Chúng Ta Chính Là Người Tự Tạo Ra Hạnh Phúc cho Bản Thân Mình


 

Các em thân mến, buổi tối hôm nay tôi cảm thấy rất vinh dự và được đặc ân có cơ hội để ngỏ lời cùng các em. Tôi rất ngưỡng mộ các thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội, và tôi vui mừng có thể dành một số thời gian của buổi tối hôm nay với các em.

Một vài ngàn em đang ở trong Đại Thính Đường đẹp đẽ này. Còn có nhiều em hơn nữa mà tôi không thể thấy đang quy tụ trong hàng ngàn nhà hội trên khắp thế giới. Nhưng tôi biết các em đều rất quan tâm và mong muốn học hỏi. Cho dù chúng ta đang ở đâu đi nữa, thì tôi vẫn biết Đức Thánh Linh đều có thể hiện diện với chúng ta ở bất cứ nơi nào. Sự hiện diện của Đức Thánh Linh tạo ra một mối ràng buộc duy nhất giữa tất cả chúng ta còn hơn cả phần phát sóng qua hệ thống vệ tinh này nữa. Tôi cầu nguyện rằng Ngài sẽ ở với chúng ta, rằng Ngài sẽ giảng dạy, hướng dẫn, và soi dẫn cho chúng ta buổi tối hôm nay.

Cuộc Sống Đầy Dẫy Những Bất Ngờ

Chúng ta đang ở trong một căn phòng tráng lệ, một di tích lịch sử cho thấy đức tin và đức tính cần cù của những người tiền phong đã thành lập Salt Lake City. Lần đầu tiên tôi bước chân vào Đại Thính Đường này là khi tôi 16 tuổi. Đó là trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Hoa Kỳ. Cha tôi đã rủ tôi đi cùng trong một chuyến đi công tác của ông đến California. Là một thiếu niên lớn lên ở miền Nam nước Pháp, tôi nhảy lên mừng rỡ vì lời mời này. Cuối cùng tôi cũng được đến Hoa Kỳ! Tôi càng cảm thấy nóng lòng hơn vì lộ trình của chúng tôi gồm có hai ngày cuối tuần ở Salt Lake City để tham dự đại hội trung ương.

Tôi nhớ là chúng tôi đến Utah bằng chiếc xe thuê Ford Mustang. Trong nhiều giờ trên đường đi, chúng tôi đi qua những cơn bão tuyết, sa mạc trải rất xa trước mắt, những hẻm núi màu da cam, và núi non hùng vĩ. Quang cảnh đặc trưng của miền Tây Hoa Kỳ đối với tôi, tôi cố gắng mở to mắt với hy vọng nhìn thấy những chàng cao bồi hoặc người Da Đỏ Châu Mỹ dọc trên xa lộ.

Ngày hôm sau, nhờ lòng tử tế của một người bạn, chúng tôi thấy mình ngồi trong Đại Thính Đường này ở giữa các dãy ghế đầu tiên để tham dự các phiên họp đại hội. Tôi rất lấy làm cảm kích. Trong suốt các buổi họp, tôi đã cố gắng hiểu nội dung bài nói chuyện với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Tôi vẫn còn nhớ bài nói chuyện của Chủ Tịch Ezra Taft Benson---thật sự không phải là những lời ông nói, mà là ấn tượng sâu xa trong lòng một thiếu niên như tôi. Tôi cảm thấy mình đang sống trong một giấc mơ, trong một cuộc phiêu lưu kỳ diệu.

Vào thời điểm đó, làm thế nào tôi có thể tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong buổi tối hôm nay? Tôi có thể nào tưởng tượng là sẽ đưa ra một bài nói chuyện trong cùng một Đại Thính Đường này trước một cuộc quy tụ như vậy? Nhất định là không bao giờ tưởng tượng được cả!

Cuộc sống đầy dẫy những bất ngờ, phải không? Thậm chí cách đây năm năm, tôi còn không bao giờ có thể tưởng tượng ra điều này. Vào thời điểm đó, tôi sống ở Paris với gia đình tôi, và cuộc sống của chúng tôi dường như đã hoàn toàn ổn định. Năm đứa con của chúng tôi đều sinh ra trong cùng một bệnh viện gần nhà của chúng tôi. Đối với chúng tôi, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống nào khác biệt hoặc bất cứ nơi nào khác ngoài khu xóm bình yên này ở vùng ngoại ô Paris, được con cái quây quần xung quanh và chẳng bao lâu nữa thì đến các cháu tương lai. Rồi một buổi tối nọ, Chủ Tịch Monson gọi điện thoại đến nhà chúng tôi và cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn.

Kể từ lúc đó gia đình tôi và tôi khám phá ra niềm vui của cuộc sống ở Utah---các di tích lịch sử của Giáo Hội, đi bộ lên núi, nướng thịt ở sân sau khi mặt trời lặn, thưởng thức hamburger đủ loại (ngon nhất và dở nhất!), những trò chơi bóng bầu dục của đội Cougar hoặc đội Utes. Và, biết đâu đấy, chàng cao bồi mà các em thấy ngày mai trên xa lộ có thể chính là tôi đấy!

Tương Lai Không Thể Biết Trước Được

Chỉ định của tôi với tư cách là thành viên của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa thật là thú vị và đầy cảm ứng. Tuy nhiên, kinh nghiệm này rất khác so với kế hoạch của tôi thời niên thiếu. Khi còn nhỏ, tôi muốn trở thành một nhà khảo cổ. Bà tôi đã chịu trách nhiệm để bảo đảm rằng tôi nhận được một học vấn cao. Bà cho tôi một cuốn sách về nhà vua trẻ ngày nay được biết đến là Vua Tut, và từ sách đó tôi đã phát triển một niềm đam mê về nền văn minh cổ xưa. Tôi đã dành nhiều ngày cuối tuần để tạo ra các bản vẽ về những trận chiến cổ xưa, và các bức tường của phòng tôi được bao phủ bằng những hình vẽ này. Tôi đã mơ một ngày nào đó sẽ tới Ai Cập để tham gia vào việc khai quật ngôi đền cổ Ai Cập và những lăng mộ của các vị vua.

Bốn thập niên sau đó, tôi vẫn không phải là một nhà khảo cổ học và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành nhà khảo cổ học. Tôi chưa bao giờ được đến Ai Cập, và công việc làm cuối cùng của tôi trước khi trở thành một Thẩm Quyền Trung Ương là trong ngành phân phối thực phẩm. Những điều này không hề liên quan gì đến kế hoạch của tôi thời thơ ấu!

Nói chung, tuổi trẻ là thời gian lý tưởng để lập kế hoạch cá nhân. Mỗi người chúng ta đã có những giấc mơ thời thơ ấu. Là thành niên trẻ tuổi, các em vẫn cần phải có những ước mơ cho tương lai của mình, mỗi một người trong các em! Có lẽ đó là niềm hy vọng về một thành tích thể thao, việc sáng tác một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, hoặc nhận được một tấm bằng hay chức vụ chuyên môn mà các em tìm cách đạt được qua công việc làm và lòng kiên trì. Có lẽ các em còn có một hình ảnh rất quý giá trong tâm trí của mình về người chồng hoặc người vợ tương lai của mình, diện mạo, tính nết, màu mắt hoặc màu tóc của người ấy, và những đứa con xinh đẹp mà sẽ ban phước cho gia đình của các em.

Có bao nhiêu ước muốn của các em sẽ trở thành hiện thực? Cuộc sống đầy dẫy những điều bấp bênh. Những điều ngạc nhiên sẽ xảy đến dọc trên con đường của cuộc sống. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra ngày mai, các em sẽ ở đâu trong một vài năm nữa, và các em sẽ làm gì? Cuộc sống giống như một cuốn tiểu thuyết hồi hộp có cốt truyện rất khó đoán trước.

Sẽ có những thời điểm quan trọng đối với các em mà có thể thay đổi hướng đi của cuộc sống của các em chỉ trong khoảnh khắc. Một thời điểm như vậy có thể bao gồm không quá một cái nhìn hoặc một cuộc trò chuyện, một sự kiện không hoạch định trước. Valérie và tôi vẫn còn nhớ chính xác thời điểm chúng tôi đã yêu nhau. Chính là trong lúc tập hát của ca đoàn dành cho người thành niên trong tiểu giáo khu chúng tôi ở Paris. Điều này là hoàn toàn bất ngờ! Chúng tôi đã biết nhau từ khi còn nhỏ, nhưng chưa bao giờ có những tình cảm lãng mạn dành cho nhau. Buổi tối hôm đó tôi đang chơi dương cầm và cô ấy đang hát trong ca đoàn. Chúng tôi bắt gặp ánh mắt của nhau và một điều gì đó đã xảy ra. Một điều xảy ra chỉ trong một giây và tồn tại suốt thời vĩnh cửu!

Sẽ có những cơ hội mới tự nhiên xuất hiện trong cuộc sống của các em, chẳng hạn như lời tuyên bố mới đây của Chủ Tịch Monson liên quan đến độ tuổi phục vụ truyền giáo. Theo lời loan báo này của vị tiên tri, thì có lẽ có hàng ngàn thanh niên và thiếu nữ trong Giáo Hội vào lúc này, là những người đang trong tiến trình sửa đổi các kế hoạch của họ để đi phục vụ truyền giáo.1

Đôi khi, hướng đi thay đổi trong cuộc sống của chúng ta đến từ những thử thách bất ngờ hoặc nỗi thất vọng. Tôi đã học được qua kinh nghiệm rằng chúng ta chỉ kiểm soát một phần hoàn cảnh của cuộc sống của mình mà thôi.

Tuy nhiên hầu hết mọi người đều không thích những điều mình không biết. Tình trạng bấp bênh của cuộc sống làm cho một số người cảm thấy thiếu tự tin, lo sợ về tương lai thể hiện trong những cách khác nhau. Một số người ngần ngại khi lập cam kết vì sợ bị thất bại, ngay cả khi có cơ hội tốt. Ví dụ, họ có thể trì hoãn hôn nhân, việc học hành, lập gia đình, hoặc ổn định trong một nghề nghiệp vững chắc, chỉ thích ″tụ tập lại với nhau″ hoặc vẫn còn ở trong hoàn cảnh tiện nghi ấm cúng của nhà cha mẹ họ.

Một triết lý khác mà sẽ hạn chế chúng ta được minh họa bằng câu châm ngôn này: "Hãy ăn đi, hãy uống đi, và hãy vui chơi thỏa thích đi! Vì ngày mai chúng ta sẽ chết" (2 Nê Phi 28:7). Cụm từ này ám chỉ rằng vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra ngày mai và cuối cùng tất cả chúng ta cũng sẽ chết, nên hiện tại chúng ta cần dễ dãi với chính mình. Triết lý này ủng hộ việc dễ dãi với những khoái lạc nhất thời, bất kể hậu quả tương lai sẽ ra sao đi nữa.

Đi Theo Con Đường Hạnh Phúc

Các em thân mến, sứ điệp của tôi dành cho các em ngày hôm nay là có một con đường khác hơn những con đường của nỗi lo sợ và nghi ngờ hoặc tự buông thả---một con đường sẽ mang lại bình an, cảm giác tự tin, và thanh thản trong cuộc sống. Các em không thể làm chủ tất cả các hoàn cảnh trong cuộc sống của mình. Những điều tốt lành lẫn đầy thử thách, sẽ xảy ra cho các em mà các em không hề mong đợi. Tuy nhiên, tôi tuyên bố rằng các em có quyền điều khiển hạnh phúc của riêng mình. Các em chính là người tự tạo ra hạnh phúc cho bản thân mình.

Tôi vẫn còn có thể nhớ lại những lời sáng suốt của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf trong đại hội trung ương vừa qua:

"Chúng ta càng lớn tuổi, thì càng nhìn lại và nhận thấy rằng những hoàn cảnh bên ngoài không thật sự quan trọng hoặc không quyết định hạnh phúc của mình.

“… Chúng ta quyết định hạnh phúc của mình.”2

Không, hạnh phúc của các em không thực sự là kết quả của hoàn cảnh cuộc sống của các em. Hạnh phúc đó còn có ý nghĩa nhiều hơn là kết quả của tầm nhìn thuộc linh của các em và các nguyên tắc để các em căn cứ cuộc sống của mình trên đó. Các nguyên tắc này sẽ mang lại cho các em hạnh phúc mặc dù những thử thách và điều ngạc nhiên bất ngờ mà các em chắc chắn sẽ phải gặp trong các cuộc hành trình của mình trên thế gian này đây

Buổi tối hôm nay, tôi đề nghị xem lại với các em một số nguyên tắc thiết yếu này.

Nhận Ra Giá Trị Cá Nhân của Mình

Nguyên tắc đầu tiên là: Nhận ra giá trị cá nhân của các em.

Mùa hè vừa qua gia đình tôi và tôi đã dành một vài ngày thư giãn ở Provence, một khu vực tuyệt đẹp ở miền nam nước Pháp. Một buổi tối nọ, sau khi mặt trời đã lặn và bóng tối đã bao phủ các vùng quê lân cận, thì tôi quyết định để cho mình có một chút thời gian yên tĩnh bằng cách nằm trên một chiếc ghế dài ở bên ngoài căn nhà. Cảnh vật đều tối đến nỗi tôi khó phân biệt được bất cứ thứ gì xung quanh. Mắt tôi bắt đầu xem xét các tầng trời. Lúc đầu, có một màn đêm dày đặc. Đột nhiên, một ánh sáng xuất hiện trên bầu trời, giống như một tia lửa, rồi sau đó là hai, rồi ba. Dần dần, khi mắt tôi đã quen với bóng tối, thì tôi thấy mình đang ngắm vô số các vì sao. Điều mà tôi đã nghĩ là một bầu trời tối đen đã biến thành dải ngân hà.

Tôi nghĩ: "Điều này có phần nào giống như mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thượng Đế. Có bao nhiêu người tin rằng Ngài ở quá xa hoặc không hiện hữu? Những người đó thấy rằng cuộc sống rất đen tối. Họ không dành thời gian hoặc bỏ ra nỗ lực để xem xét các tầng trời để thấy rằng Ngài ở đó, rất gần với chúng ta."

Tâm trí của tôi vẫn tiếp tục nghĩ ngợi lan man. Tôi suy nghĩ về vũ trụ bao la trước mắt và trước tính chất vô nghĩa của con người tôi, và tôi tự hỏi: "Tôi là gì trước khi vẻ huy hoàng và hoành tráng như vậy?" Một câu thánh thư đến với tâm trí tôi. Đó là một câu thánh thư rất tuyệt diệu, một trong những câu thi thiên của Đa Vít, thơ của ông đã luôn luôn soi dẫn tôi.

“Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt,

“Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?”(Thi Thiên 8:3–4).

Ngay tiếp theo sau đó là câu đầy an ủi này:

“Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng” ( Thi Thiên 8:5).

Đây là nghịch lý và phép lạ của Sự Sáng Tạo. Vũ trụ thật là bao la và vô hạn, nhưng đồng thời, mỗi chúng ta cũng có giá trị độc đáo, vinh quang và vô hạn trong mắt của Đấng Tạo Hóa của mình. Sự hiện diện của con người tôi là nhỏ bé vô cùng, nhưng giá trị cá nhân của tôi là quan trọng vô hạn đối với Cha Thiên Thượng.

Chủ Tịch Uchtdorf nói:

“Cho dù các [chị] em đang ở đâu, cho dù hoàn cảnh của các [chị] em ra sao đi nữa, các [chị] em cũng không bị quên lãng đâu. Cho dù những năm tháng của các [chị] em dường như có thể khó khăn, cho dù các [chị] em có thể cảm thấy mình tầm thường đến đâu đi nữa, cho dù các [chị] em có thể cảm thấy mình bất hạnh đến đâu đi nữa, thì Cha Thiên Thượng cũng không quên các [chị] em đâu. Thực ra, Ngài yêu thương các [chị] em với một tình yêu thương vô hạn.

“… Các [chị] em được một Đấng oai nghiêm, đầy quyền năng và vinh quang nhất trong vũ trụ biết và nhớ đến! các [chị] em được Vua của không gian vô tận và thời gian trường cửu yêu thương!”3

Việc biết rằng Thượng Đế biết và yêu thương mỗi chúng ta thì giống như một ánh sáng chiếu rọi cuộc sống của chúng ta và mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Tôi nhớ có một thiếu nữ đến gặp tôi sau một buổi họp đặc biệt fireside khi tôi nói chuyện ở Rome, Ý. Giọng em ấy đầy xúc động, và em ấy nói với tôi về cô em gái của mình đã trải qua thời gian rắc rối và lo lắng. Sau đó, em ấy hỏi tôi câu hỏi này: "Làm thế nào cháu có thể giúp cho em gái cháu biết rằng Cha Thiên Thượng của nó yêu thương nó?"

Câu hỏi đó không thiết yếu sao? Làm thế nào chúng ta có thể biết rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta? Thường thì cảm giác chúng ta có về giá trị cá nhân của mình được dựa trên tình yêu thương và mối quan tâm chúng ta nhận được từ những người xung quanh mình. Tuy nhiên, tình yêu này đôi khi bị thiếu vắng. Tình yêu của con người thường không hoàn hảo, không trọn vẹn, hoặc ích kỷ.

Tuy nhiên, tình yêu thương của Thượng Đế là hoàn hảo, trọn vẹn, và vị tha. Cho dù tôi là ai đi nữa, cho dù tôi có bạn bè hay không, cho dù tôi có nổi tiếng hay không, và ngay cả khi tôi cảm thấy bị những người khác chối bỏ hoặc ngược đãi, thì tôi cũng có một sự bảo đảm tuyệt đối rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tôi. Ngài biết nhu cầu của tôi; Ngài thấu hiểu những mối lo âu của tôi, Ngài mong muốn ban phước cho tôi. Và cách bày tỏ lớn nhất về tình yêu thương của Ngài dành cho tôi là Ngài "yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài" (Giăng 3:16). Ngài đã không cất đi chén đắng của Đấng Cứu Rỗi và chắc chắn là trong nỗi đau đớn của chính Ngài khi Ngài nhìn Con Ngài chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự. Đấng Ky Tô chuộc tội lỗi của tất cả mọi người, và một phần của Sự Chuộc Tội đó là nhằm mục đích dành cho tôi và giữ cho tôi đến ngày nay. Món quà vô hạn này, được Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài chia sẻ, xác nhận trong tâm hồn tôi giá trị riêng của tôi đối với hai Ngài.

Các em thân mến, hãy tưởng tượng việc các em có thể nhìn thấy chính mình như Thượng Đế nhìn thấy các em có ý nghĩa đối với các em như thế nào. Điều gì xảy ra nếu các em nhìn mình với cùng một lòng nhân từ, tình yêu thương, và sự tin tưởng mà Thượng Đế đã nhìn thấy? Hãy tưởng tượng ảnh hưởng sẽ có trong cuộc sống của các em để hiểu được tiềm năng vĩnh cửu của mình như Thượng Đế đã hiểu. Nếu các em có thể nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Ngài, thì ảnh hưởng nào sẽ có trong cuộc sống của các em?

Tôi làm chứng rằng Ngài đang ở đó. Hãy tìm kiếm Ngài! Hãy tìm kiếm và học hỏi. Hãy cầu nguyện và cầu xin. Tôi hứa với các em rằng Thượng Đế sẽ gửi cho các em các dấu hiệu xác thực về sự hiện hữu của Ngài và tình yêu thương của Ngài dành cho các em. Có thể đó là qua việc đáp ứng cho một lời cầu nguyện; có thể đó là ảnh hưởng dịu dàng của Đức Thánh Linh vỗ về hoặc an ủi các em; có thể đó là một sự soi dẫn bất ngờ hay sức mạnh mới mà các em biết đã không đến từ bản thân mình, có thể đó là một người trong gia đình, một người bạn, hoặc người lãnh đạo chức tư tế tình cờ ở đúng nơi, vào đúng thời điểm để ban phước cho cuộc sống của các em. Bằng cách nào đi nữa, khi các em tìm tới Ngài, Ngài sẽ để cho các em biết là Ngài đang ở đó.

2. Trở Thành Con Người Thật Sự của Mình

Giờ đây, nguyên tắc thứ hai về hạnh phúc: Trở thành con người thật sự của mình.

1. Cụm từ này "hãy trở thành con người thật sự của mình," do Pindar nói, ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Hy Lạp.4 Nghe có vẻ như là một nghịch lý. Làm thế nào tôi có thể trở thành con người thật sự của mình?

Cho phép tôi minh họa nguyên tắc này qua một câu chuyện. Gần đây tôi đã xem một cuốn phim tên là Age of Reason(Tuổi của Lý Trí). Cuốn phim này kể câu chuyện về Marguerite, một chủ ngân hàng giàu có với cuộc sống đầy bận rộn, cùng các chuyến du lịch và hội nghị ở bốn phương trời. Mặc dù đã kết hôn, nhưng bà ấy nói rằng mình không có thời giờ để có một đứa con.

Ngày bà tròn 40 tuổi, bà nhận được một lá thư bí ẩn viết rằng: "Tôi thân mến, hôm nay tôi bảy tuổi và tôi viết lá thư này cho bạn để giúp bạn nhớ tới những lời hứa mà tôi đã lập vào lúc ở tuổi của lý trí, và cũng để bạn nhớ con người mà tôi muốn trở thành.″ Đột nhiên, Marguerite hiểu rằng tác giả của bức thư không là ai khác mà chính là bà khi bà lên bảy tuổi. Điều tiếp theo sau đây là vài trang trong đó đứa bé gái mô tả chi tiết mục tiêu của cuộc sống mình.

Marguerite nhận ra rằng người mà bà đã trở thành không có gì giống như con người mà bà muốn trở thành khi còn là một đứa bé gái. Khi bà quyết định phục hồi lại con người mà bà đã hình dung khi còn nhỏ, cuộc sống đã được hoạch định và sắp xếp trước của bà hoàn toàn đã bị đảo ngược. Bà hòa giải với gia đình mình và quyết định dâng hiến phần còn lại của cuộc đời để phục vụ những người hoạn nạn.5

Các bạn thân mến, nếu giờ đây các bạn nhận được một lá thư từ quá khứ của mình, thì lá thư đó sẽ viết gì? Điều gì sẽ được viết trong một lá thư các bạn có thể đã viết cho chính mình vào ngày chịu phép báp têm của mình khi các bạn lên tám tuổi? Tôi sẽ còn quay trở lại xa hơn nữa. Nếu các bạn có thể nhận được một lá thư từ cuộc sống tiền dương thế của mình, thì lá thư đó sẽ viết gì? Một lá thư như vậy từ một thế giới đã lãng quên nhưng rất thật đã ảnh hưởng đến các bạn như thế nào nếu các bạn nhận được lá thư đó ngày hôm nay?

Bức thư này có thể được viết như sau: "Tôi thân mến, tôi viết thư cho bạn để bạn sẽ nhớ con người mà tôi muốn trở thành. Tôi reo mừng trước cơ hội được đi đến thế gian. Tôi biết rằng cuộc sống trên thế gian là một thời gian thiết yếu để cho phép tôi phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình và sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ nhớ rằng ước muốn lớn nhất của tôi là trở thành một môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi ủng hộ kế hoạch của Ngài, và khi tôi ở trên thế gian, tôi muốn giúp đỡ Ngài trong công việc cứu rỗi của Ngài. Cũng xin hãy nhớ rằng tôi muốn là một phần tử của một gia đình sẽ cùng sống với nhau trong suốt thời vĩnh cửu.″

Ý nghĩ cuối cùng này nhắc tôi nhớ đến một bài hát rất tuyệt vời được tìm thấy trong sách thánh ca tiếng Pháp của Giáo Hội---bài hát này không có trong sách thánh ca của bất cứ quốc gia nào khác. Tên của bài hát là ″Souviens-toi," có nghĩa là ″Hãy nhớ rằng," và được soạn thành nhạc trong New World Symphonycủa Antonín Dvořák. Đó là bài hát của người cha hay người mẹ dành cho đứa con sơ sinh.

Tôi xin đọc câu thứ ba cho các em nghe:

″Con ơi, hãy nhớ: Vào buổi bình minh của thời gian,

Chúng ta là bạn bè chơi trong gió.

Rồi một ngày kia, chúng ta đã vui mừng chọn

Chấp nhận kế hoạch lớn lao của cuộc sống từ Chúa.

Buổi tối hôm đó, con ơi, chúng ta đã hứa,

Sẽ được đoàn tụ qua tình yêu thương, qua đức tin."6

"Con ơi, hãy nhớ.″ Một trong những cuộc phiêu lưu kỳ thú của cuộc sống là tìm biết chúng ta thực sự là ai, từ đâu đến, và sau đó kiên định sống phù hợp với gốc tích và mục đích của sự tồn tại của mình.

Brigham Young nói: "Bài học quan trọng nhất các anh chị em có thể học được là biết về bản thân mình… . Các anh chị em phải đến đây để học hỏi điều này… . Không có một người nào có thể hoàn toàn biết về bản thân mình, mà không có sự hiểu biết nhiều hơn hoặc ít hơn về những sự việc của Thượng Đế; cũng như không có một người nào có thể học hỏi và hiểu biết những sự việc của Thượng Đế mà không biết về bản thân mình: người ấy phải biết về bản thân mình, hoặc người ấy không bao giờ có thể biết được Thượng Đế″ 7

Gần đây, mấy đứa con gái của tôi nói cho tôi biết rằng một ẩn dụ tuyệt vời về nguyên tắc này được tìm thấy trong cuốn phim The Lion King.Thế hệ của các em lớn lên với những âm thanh và hình ảnh của cuốn phim này. Có lẽ các em còn nhớ cảnh Simba được cha mình, là Mufasa, nhà vua đã qua đời, đến thăm. Sau khi cha mình qua đời, Simba chạy trốn xa khỏi vương quốc vì nó cảm thấy tội lỗi về cái chết của cha mình. Nó muốn trốn thoát khỏi trách nhiệm của mình là người thừa kế ngai vàng.

Cha của nó hiện ra và cảnh báo nó: "Con đã quên mình là ai rồi và như vậy con đã quên cha. Hãy nhìn vào bên trong con đi Simba. Con có nhiều hơn con người mà con đã trở thành. Con phải ở vào vị trí của con trong cuộc sống″ Sau đó, lời mời này được lặp đi lặp lại nhiều lần: ″Hãy nhớ mình là ai. Hãy nhớ mình là ai.″

Hoàn toàn sửng sốt trước kinh nghiệm này, Simba quyết định chấp nhận số phận của mình. Nó tâm sự cùng người bạn của mình là con khỉ pháp sư: "Hình như gió đã đổi chiều.″

Con khỉ đáp: ″Thay đổi là tốt.″

Và Simba nói: ″Nhưng không phải là dễ dàng. Tôi biết điều tôi phải làm. Nhưng trở về có nghĩa là tôi sẽ phải trực diện với quá khứ của mình. Tôi đã chạy trốn điều đó quá lâu rồi.″

Con khỉ hỏi nó: "Anh đi đâu?"

Simba la lên: “Tôi trở về!”8

Tất cả chúng ta đều có thể ở vào---hoặc lấy lại---vị trí của mình trong cuộc sống. Hãy trở thành con người thật sự của mình. Hạnh phúc và khả năng của các em để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống sẽ xảy ra như các em tìm thấy, nhận ra và chấp nhận gốc tích thực sự của mình với tư cách là con của Cha Thiên Thượng và rồi sống theo sự hiểu biết này.

3. Tin Cậy vào Những Lời Hứa của Thượng Đế

Bây giờ tôi chia sẻ với các em một nguyên tắc thứ ba về hạnh phúc: Tin cậy vào những lời hứa của Thượng Đế.

Tôi thích những lời động viên của Chủ Tịch Thomas S. Monson: "Tương lai cũng rực rỡ như đức tin của các anh chị em.″ 9 Thành công và hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống tùy thuộc phần lớn vào đức tin và sự tin cậy chúng ta rằng Chúa sẽ dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta để hoàn thành vận mệnh của mình.

Tôi nhận thấy rằng những người đàn ông và phụ nữ thực hiện những kỳ công đáng kể trong cuộc sống đều thường tin tưởng rất nhiều vào tương lai của họ từ những năm đầu tiên của thời niên thiếu. Một ví dụ như vậy là Winston Churchill, một chính khách nổi tiếng của nước Anh. Khi còn trẻ, ông đã có một niềm tin vững vàng đối với tương lai của mình. Trong khi ông phục vụ trong một trung đoàn kỵ binh ở Ấn Độ vào lúc 23 tuổi, ông đã viết cho mẹ ông: "Con có niềm tin đối với tương lai của mình, con có ý định làm một điều gì đó trên thế giới"10. Thật là một tư tưởng đầy tiên tri! Thật vậy, ông đã tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành một người quan trọng trong lịch sử của đất nước mình, và ông đã trở thành người lãnh đạo nước Anh chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Tôi tin rằng mỗi một người trong số các em là các tín hữu trẻ tuổi của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô có nhiều hơn một ngôi sao trên bầu trời để hướng dẫn các em. Thượng Đế đang trông nom các em và đã lập lời hứa với các em.

Một câu trong sách Ma La Chi là trọng tâm của Sự Phục Hồi phúc âm, và đã được thiên sứ Mô Rô Ni trích dẫn vào mỗi lần ông hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith. Thiên sứ nói, bằng cách trích dẫn lời của tiên tri Ê Li: "Người sẽ gieo vào lòng các con cái những lời đã hứa với ông cha chúng, và lòng các con cái trở lại cùng ông cha chúng.″ (Joseph Smith— Lịch Sử 1:39).

Các em thân mến, nhờ vào Sự Phục Hồi, các em là con cái với lời hứa. Các em sẽ được thừa hưởng những lời hứa đã được lập với các tổ phụ của các em. Những lời hứa này từ Chúa làm cho các em thành một phần tử của một thế hệ hoàng gia.

Tôi đang ngỏ lời với nhiều người trong số các em là những người đã đếm những người tiền phong cao quý trong số các tổ tiên của mình, những người vĩ đại đã giúp thiết lập Giáo Hội phục hồi thông qua lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ. Những thế hệ của Các Thánh Hữu dũng cảm đã đi trước các em. Những người khác đang lắng nghe tôi nói ngày hôm nay là những người tiền phong của gia đình mình và ở xứ sở của họ. Các em là mối liên kết đầu tiên trong điều mà sẽ trở thành một chuỗi vĩnh cửu. Dù cho câu chuyện và di sản của các em là gì đi nữa, thì với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, các em cũng đều liên kết với một gia đình thuộc linh. Gia phả thuộc linh của các em làm cho mỗi em trở thành dòng dõi của các tổ phụ, đã được các vị tiên tri đoán trước, và những người thừa hưởng lời hứa của Thượng Đế cho họ.

Hãy đọc lại phước lành tộc trưởng của các em. Trong phước lành này Chúa đã xác nhận rằng các em được nối kết với một trong mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên, và nhờ vào điều này, qua lòng trung tín của mình, các em trở thành người thừa hưởng các phước lành bao la đã được hứa với Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp. Thượng Đế đã hứa với Áp Ra Ham rằng "vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của [ông], và sẽ được xem như dòng dõi của [ông], và sẽ đứng lên chúc phước cho [ông] là tổ phụ của họ" (Áp Ra Ham 2:10).Trong khi đọc phước lành tộc trưởng của mình, hãy chú ý đặc biệt đến những lời hứa mà Chúa đã lập với riêng các em. Hãy suy nghĩ đến mỗi lời hứa đó. Những lời hứa đó có ý nghĩa gì đối với các em?

Những lời hứa này là xác thật, và nếu chúng ta làm phần vụ của mình thì Thượng Đế sẽ làm phần vụ của Ngài. Tôi thật sự thích những lời này của An Ma khi ông nói vào ngày ông giao lại các biên sử thiêng liêng cho con trai của ông là Hê La Man:

″Hãy ghi nhớ, hãy ghi nhớ, hỡi con trai Hê La Man của cha …

“…  Nếu con tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế, và sử dụng những vật thiêng liêng này theo đúng những gì Chúa truyền dạy con, ... thì này, không có một quyền lực nào trên thế gian hay ngục giới có thể lấy những vật này khỏi con, vì Thượng Đế có quyền năng để thực hiện tất cả những lời nói của Ngài.

“Vì Ngài sẽ làm tròn tất cả những lời mà Ngài sẽ hứa với con vì Ngài đã làm tròn những lời mà Ngài đã hứa với tổ phụ chúng ta” (An Ma 37:13, 16–17).

Sự ứng nghiệm của những lời hứa của Thượng Đế luôn luôn gắn bó với việc tuân theo luật pháp đi kèm. Chúa phán: “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả” (GLGƯ 82:10).

Mặt khác, những lời hứa này không đảm bảo rằng mọi điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta sẽ phù hợp với kỳ vọng và ước muốn của chúng ta. Thay vì thế, những lời hứa của Thượng Đế đảm bảo rằng điều xảy ra cho chúng ta sẽ phù hợp với ý muốn của Ngài. Đôi khi những thử thách bất ngờ sẽ xảy đến khiến cho chúng ta phải khắc phục; đôi khi các phước lành đã được hứa sẽ bị trì hoãn lâu. Nhưng sẽ đến lúc chúng ta biết rằng những thử thách và những điều trì hoãn này là vì lợi ích và sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta còn có thể mong muốn điều gì hơn nữa?

Điều lớn lao nhất chúng ta có thể mong muốn trong cuộc sống là sắp xếp ý muốn của mình theo ý muốn của Chúa, để chấp nhận lịch trình của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Ngài biết tất cả mọi điều từ lúc ban đầu, có một quan điểm mà chúng ta không có, và yêu thương chúng ta với một tình yêu vô hạn.

Tôi xin được minh họa nguyên tắc này qua một kinh nghiệm cá nhân. Khi còn trẻ, tôi đã quyết định chuẩn bị cho kỳ thi vào các trường thương mại tốt nhất ở Pháp. Sự chuẩn bị này kéo dài một năm, đầy khó khăn và đòi hỏi phải ôn luyện mỗi ngày. Vào đầu năm, tôi quyết định rằng cho dù có khó khăn đến đâu đi nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ để cho việc học của mình ngăn cản tôi tham dự các buổi họp trong ngày Chủ Nhật hoặc tham dự một lớp học trong viện giáo lý mỗi tuần một lần. Tôi còn đồng ý phục vụ với tư cách là thư ký cho tiểu giáo khu dành cho thành niên trẻ tuổi của mình, điều này đòi hỏi một vài giờ làm việc mỗi tuần. Tôi tin rằng Chúa sẽ nhận ra lòng trung tín của tôi và sẽ giúp tôi thực hiện mục tiêu của mình.

Vào cuối năm, gần đến kỳ thi, tôi cảm thấy như mình đã làm hết khả năng của mình. Tôi trở nên sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện và nhịn ăn. Khi tôi đến dự kỳ thi vào trường đại học có tiếng tăm nhất, tôi đã hoàn toàn tin tưởng rằng Chúa sẽ đáp ứng ước muốn của mình. Rủi thay, sự việc diễn ra khác hẳn so với những gì tôi đã hy vọng. Kỳ thi vấn đáp về đề tài tôi giỏi nhất lại là một thảm họa bất ngờ---kết quả thi của tôi đã không cho tôi vào học ngôi trường mình rất khát khao theo học này. Tôi đã hoàn toàn thất vọng. Làm thế nào Chúa có thể bỏ rơi tôi khi tôi đã kiên trì trung tín như thế?

Khi tôi đến dự kỳ thi vấn đáp cho ngôi trường thứ hai trong bản liệt kê của mình, lòng tôi tràn đầy nghi ngờ và không chắc chắn. Trong trường này, kỳ thi được xem là nghiêm trọng nhất là cuộc phỏng vấn dài 45 phút với một ban giám khảo do hiệu trưởng của trường điều khiển. Phần đầu của cuộc phỏng vấn là bình thường,… cho đến khi tôi được hỏi một câu hỏi dường như không quan trọng: "Chúng tôi biết rằng anh đã học rất chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi này. Nhưng chúng tôi muốn biết xem ngoài việc học ra, anh còn có sinh hoạt nào nữa.″ Tim tôi thắt lại. Trong một năm, tôi chỉ có làm hai việc: học hành và đi nhà thờ! Tôi biết rằng đó là một khoảnh khắc của sự thật. Tuy nhiên, tôi sợ rằng ban giám khảo sẽ hiểu một cách tiêu cực vai trò tín hữu của tôi trong Giáo Hội. Tuy nhiên, trong một giây, tôi đã quyết định vẫn trung thành với các nguyên tắc của mình.

Tôi nói: “Tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.” Rồi, trong khoảng 15 phút, tôi mô tả những sinh hoạt của tôi ở trong Giáo Hội: các buổi họp trong ngày Sa Bát, các lớp học giáo lý, những trách nhiệm của tôi với tư cách là thư ký tiểu giáo khu.

Khi tôi nói xong, người hiệu trưởng trường học nói: “Tôi biết, tôi rất vui biết được anh đã nói như thế. Khi còn trẻ, tôi học ở Hoa Kỳ. Một trong những người bạn thân nhất của tôi là người Mặc Môn. Anh ấy là một thanh niên phi thường, một người có những đức tính quý báu của con người. Tôi xem những người Mặc Môn là những người rất tốt.” Ông ấy nói như thế.

Thật là nhẹ nhõm! Ngày hôm đó, tôi đã nhận được một trong những điểm cao nhất mà tôi có thể nhận được và điểm đó đã cho phép tôi vào trường học này với hạng danh dự.

Tôi cảm tạ Chúa về lòng nhân từ của Ngài. Tuy nhiên, vào lúc ấy, tôi không thể nào chấp nhận nổi mình đã thất bại đối với một ngôi trường có tiếng tăm nhất. Trong một thời gian dài, tôi giữ bên trong lòng mình một cảm giác thất bại và thậm chí bị đối xử bất công. Tôi đã mất nhiều năm để hiểu được phước lành kỳ diệu về thất bại của tôi để được vào ngôi trường mơ ước của mình. Trong ngôi trường thứ hai, tôi đã gặp những người quan trọng. Những lợi ích của việc giao thiệp của tôi với họ đã trở nên rõ ràng trong suốt sự nghiệp của tôi và cho đến ngày nay vẫn còn rất quan trọng trong cuộc sống của tôi và cuộc sống của gia đình tôi. Bây giờ tôi biết rằng, ngay cả lúc tôi còn trẻ, Chúa cũng đang hướng dẫn các bước đi của tôi với những điều Ngài biết trước về sứ mệnh mà Ngài sẽ bảo tôi phải hoàn thành sau này trong cuộc sống của tôi.

Các em thân mến, sau khi các em đã làm hết khả năng của mình rồi, và nếu mọi điều không xảy ra như các em hy vọng hay mong đợi, thì hãy sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Cha Thiên Thượng. Chúng ta biết rằng Ngài sẽ không bắt chúng ta phải chịu bất cứ điều gì mà cuối cùng không có lợi cho chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng nói êm nhẹ thì thầm trong tai của chúng ta: "Mọi xác thịt đều ở trong tay ta; hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế″ (GLGƯ 101:16).

Mới đây tôi đã xem một cuốn phim rất cảm động mô tả lịch sử của hai nhóm xe kéo tay Willie và Martin. Trong tháng 5 năm 1856, hai nhóm này gồm có hơn một ngàn Thánh Hữu lần lượt rời nước Anh để di cư đến Utah. Khi họ đến Thung Lũng Salt Lake sáu tháng sau đó thì có hơn 200 người trong số họ bị mất tích vào cuối cuộc hành trình đầy nguy hiểm của họ. Hầu hết đã qua đời vì bệnh tật, đói, hay kiệt sức dọc trên con đường dẫn đến nơi họ gọi là "Si Ôn."

Một trong những người tiền phong trong cuốn phim đó đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Ông mang đến sự phấn chấn cho nhóm bằng óc hài hước và lòng nhiệt tình. Tuy nhiên, ông không tiêu biểu cho hầu hết những người tiền phong. Là một người nhỏ nhắn và bị khuyết tật nặng, ông là một phép lạ cho chính bản thân ông! Tôi biết được người tiền phong dũng cảm này là Robert Pierce đến từ Cheltenham, nước Anh.

Một trong những người bạn đồng hành của ông đã mô tả ông là: "một trong những người què quặt tệ hại nhất tôi chưa từng thấy hành trình như vậy. Tay chân của ông bị tê liệt và thân thể của ông bị biến dạng nhiều, nhưng ông mạnh mẽ trong đức tin. Ông đã có thể tự đẩy mình với tốc độ đáng ngạc nhiên bằng cách sử dụng đôi nạng.”11

Một ngày nọ, Robert Pierce đi sai đường và bị lạc mất khỏi nhóm. Một số người đi tìm ông và cuối cùng đã tìm thấy ông trong một tình huống không thoải mái. Tôi trích dẫn lời họ:

"Chúng tôi kinh hoàng thấy hai con chó sói lớn màu xám đang rình mò cạnh một cây cổ thụ và một nửa tá đại bàng lơ lửng trên cây chờ anh im tiếng la hét của mình và ngừng quơ mạnh đôi nạng để chúng có thể bổ nhào xuống vồ nuốt anh trong cái thế gò bó của anh dưới những gốc cây  …

Chúng tôi đến đúng lúc để cứu anh ra khỏi số phận đang chờ đợi của anh, đưa anh ra, và đặt anh vào chiếc xe chúng tôi mang tới, để đi trở lại trại.″ Kết thúc trích dẫn.

Và bây giờ, chúng ta thấy rõ đức tính kiên quyết của Robert: "Anh chàng tội nghiệp này đã năn nỉ chúng tôi để cho anh ta đi bộ như anh nói là anh đã hứa khi chúng tôi bắt đầu chuyến đi rằng anh ta sẽ đi bộ hết con đường dẫn đến Salt Lake City.″

Sau đó, là phần buồn của câu chuyện này: "Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cứu anh để anh đi thêm một vài ngày nữa thôi, khi gần đến cuối ngày thứ sáu của cuộc hành trình thì khó khăn của anh trên thế gian này kết thúc và anh được chôn bên bờ Sông Elkhorn.”12

Chị Jolene Allphin, là người sưu tập câu chuyện về Robert Pierce, nói về ông: ″Thật là điều phi thường khi Robert Pierce đã đi 600 dặm trên đôi nạng của ông trước khi ông qua đời vì những gian nan của con đường mòn. Ước mơ của lòng ông là quy tụ với Các Thánh Hữu ở Si Ôn chứ không phải là một gánh nặng cho bất cứ người nào cùng đi với ông… . Robert không muốn nhận bất cứ sự giúp đỡ nào hay điều trị đặc biệt nào.”13

Các em thân mến, tôi tự hỏi câu hỏi sau đây: Tại sao Thượng Đế, là Đấng đã cứu người đàn ông có đức tin lớn lao này với phép lạ khỏi những con chó sói và những con đại bàng, lại để cho ông chết bên đường chỉ một vài ngày sau đó?

Việc ông qua đời là một sự thanh thản tuyệt vời. Trong cuốn phim, ông nói, ngay trước khi chết:

"Những người truyền giáo nói với tôi rằng tôi là người quan trọng và một ngày nào đó tôi sẽ là người xuất sắc!  …

Tôi luôn luôn mong muốn có một cơ thể mạnh mẽ. Bây giờ, tôi sẽ nhận được cơ thể đó. Khi các anh đến Zion, hãy nghĩ tới tôi.”14

Khi nghĩ tới Robert Pierce, tôi nghĩ về những lời từ thư của Phao Lô gửi cho người Hê Bơ Rơ:

“Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất.

“…  Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đang đi tìm nơi quê hương … .

“Nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời” (Hê Bơ Rơ 11:13–14, 16).

Vào lúc cuối, Robert Pierce nhận biết rằng điểm tới cuối cùng của ông là vương quốc thiên thượng, chứ không phải là Thung Lũng Salt Lake.

Điều đó cũng phải như vậy đối với tất cả chúng ta. Những lời hứa của Chúa bảo đảm với chúng ta về điểm tới cuối cùng của mình. Lộ trình cho mỗi người chúng ta sẽ khác nhau tùy theo điều biết trước của Thượng Đế. Hoàn cảnh của chúng ta có thể thay đổi, những sự kiện bất ngờ, những thử thách có thể xảy ra, nhưng những lời hứa của Thượng Đế cho chúng ta được đảm bảo qua lòng trung tín của chúng ta.

Chị Anne C. Pingree đã vạch ra ý nghĩa của việc có đức tin nơi những lời hứa của Chúa một cách tuyệt vời. Chị bắt đầu bằng cách trích dẫn lời của Anh Cả Bruce R. McConkie như sau:

“‘Đức tin trong hình thức trọn vẹn và thuần túy của đòi hỏi một sự tin chắc kiên quyết và … tin tưởng tuyệt đối rằng [Thượng Đế] sẽ nghe lời nài xin của chúng ta và nhậm lời thỉnh cầu của chúng ta’ trong kỳ định của Ngài. Khi tin điều đó, chúng ta cũng có thể ‘vững vàng trong đức tin’về ngày nay và ngày mai.”

Rồi Chị nói tiếp:

“Dù chúng ta đang sống ở đâu hoặc hoàn cảnh cá nhân của chúng ta có thể là gì đi nữa, thì cũng không quan trọng. Mỗi ngày cuộc sống ngay chính của chúng ta có thể cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô vượt qua những nỗi đau lòng, thất vọng, và những lời hứa không làm tròn trên trần thế. Đó là điều vinh quang để có được một đức tin mà có thể làm cho chúng ta trông chờ vào ngày ‘khi mà tất cả những gì đã hứa với Các Thánh Hữu sẽ được ban cho.’”15003, 14–15).

Các em thân mến, những hoàn cảnh của cuộc sống tôi ngày hôm nay hiển nhiên là rất khác biệt so với điều tôi đã hoạch định khi tôi bằng tuổi các em. Tuy nhiên, tôi không tin rằng tôi đã từng được hạnh phúc như thế. Nếu một người nào đó cho tôi biết, khi tôi 20 tuổi, về cuộc sống của tôi cho đến ngày nay, thì tôi nghĩ rằng tôi đã sẵn lòng sống theo tương lai đó!

Tương Lai của Các Em cũng Sáng Lạn như Đức Tin của Các Em

Tôi muốn nói thay cho Valérie và tôi. Tôi càng suy ngẫm về cuộc sống của chúng tôi thì lại càng tin rằng sự khác biệt là trong thời niên thiếu, chúng tôi đã chia sẻ một tầm nhìn chung về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng tôi muốn bắt đầu một gia đình vĩnh cửu. Chúng tôi biết lý do tại sao chúng tôi có mặt trên thế gian và mục tiêu vĩnh cửu của chúng tôi là gì. Chúng tôi biết rằng Thượng Đế yêu thương chúng tôi và chúng tôi có giá trị rất lớn trong mắt Ngài. Chúng tôi hết lòng tin rằng Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng tôi theo cách của Ngài và vào thời gian Ngài cho là tốt. Tôi không biết là chúng tôi có sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Ngài trong mọi điều không, vì đó là điều chúng tôi phải học---và chúng tôi tiếp tục học hỏi. Nhưng chúng tôi muốn làm hết sức mình để noi theo Ngài, và tự dâng hiến mình cho Ngài.

Tôi làm chứng với Chủ Tịch Monson, rằng “tương lai cũng rực rỡ như đức tin của các [anh chị] em.” Hạnh phúc của các em tùy thuộc rất nhiều vào các nguyên tắc mà các em chọn để tuân theo hơn là những hoàn cảnh bên ngoài của cuộc sống của các em. Hãy trung thành với các nguyên tắc này. Thượng Đế biết các em và yêu thương các em. Nếu các em sống hòa hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Ngài và nếu có đức tin vào lời hứa của Ngài, thì tương lai của các em sẽ rực rỡ!

Các em có những ước mơ và mục tiêu không? Như thế là tốt! Hãy hết lòng cố gắng để thực hiện các ước mơ và mục tiêu đó. Sau đó, hãy để Chúa làm phần còn lại. Ngài sẽ dẫn dắt các em đến nơi các em không thể tự dẫn dắt mình; Ngài sẽ giúp các em làm điều các em không thể tự làm cho mình.

Hãy luôn luôn chấp nhận ý muốn của Ngài. Hãy sẵn sàng để đi nơi nào Ngài bảo các em đi, để làm những gì Ngài bảo các em làm. Hãy trở thành những người đàn ông hay người phụ nữ mà Ngài đang nuôi dưỡng các em để trở thành.

Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng trong cuộc sống của mình, các em sẽ biết cách để tin cậy vào bản thân mình như Ngài đã tin cậy các em. Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ luôn luôn trung tín, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Tôi bày tỏ tình yêu thương của mình đối với các em và sự ngưỡng mộ cùng lòng kính trọng sâu xa của tôi đối với tấm gương và sức mạnh của các em cho toàn thế giới.

Tôi làm chứng rằng cuộc sống này là một khoảnh khắc tuyệt vời của vĩnh cửu. Chúng ta ở đây với một mục tiêu vinh quang, để chuẩn bị gặp Thượng Đế. Con Trai của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, và Sự Chuộc Tội của Ngài là một ân tứ vô hạn về tình yêu thương để mở cánh cửa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa hiện hữu trên thế gian trong một hình thức hoàn hảo, với một vị tiên tri của Thượng Đế đứng đầu Giáo Hội. Đó là một niềm vui to lớn và đặc ân để được thuộc vào Giáo Hội này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Notes

  1. Xin xem Thomas S. Monson, “Xin Chào Mừng Các Anh Chị Em Đến Dự Đại Hội,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2012, 4–5.

  2. Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Hối Tiếc và Quyết Tâm,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2012, 23.

  3. Dieter F. Uchtdorf, “Xin Đừng Quên Tôi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 122–23.

  4. Xin xem Pindar (khoảng 522–443 Trước Công Nguyên), Pyth. 2.72.

  5. L‘âge de raison hoặc With Love … from the Age of Reason, do Yann Samuell đạo diễn (Pháp, năm 2010; Hoa Kỳ, năm 2011), phim điện ảnh.

  6. “Souviens-toi,” Cantiques (1993), số  179.

  7. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn (1954), 269.

  8. The Lion King, do Rob Minkoff và Roger Allers đạo diễn (1994; Walt Disney Studios Home Entertainment, 2011), DVD.

  9. Thomas S. Monson, “Hãy Vui Lên,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2009, 92.

  10. Winston Churchill, được trích dẫn trong John Charmley, Churchill: The End of Glory, A Political Biography (1993), 20.

  11. John William Southwell, được trích dẫn trong Jolene S. Allphin, Tell My Story, Too, xuất bản lần thứ 8 (2012), 287.

  12. Southwell, trong Tell My Story, Too, 287.

  13. Allphin, Tell My Story, Too, 288.

  14. 17 Miracles, do T. C. Christensen đạo diễn (2011; EXCEL Entertainment and Remember Films, 2011), DVD.

  15. Anne C. Pingree, “Trông Thấy Những Điều Đó Từ đằng Xa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 14–15.