2010–2019
Quyền Tự Quyết: Thiết Yếu cho Kế Hoạch của Cuộc Sống
Tháng mười 2010


Quyền Tự Quyết: Thiết Yếu cho Kế Hoạch của Cuộc Sống

Bất cứ khi nào chúng ta chọn đến cùng Đấng Ky Tô, mang lấy danh của Ngài và tuân theo các tôi tớ của Ngài, thì chúng ta tiến triển dọc theo con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Mới đây, tôi nhận được một bức thư của một người bạn quen biết đã 50 năm không phải là tín hữu của Giáo Hội. Tôi đã gửi cho anh ấy một số tài liệu về phúc âm để đọc và anh ấy hồi âm cho tôi như sau: “Thoạt đầu, rất khó cho tôi để hiểu ý nghĩa của biệt ngữ điển hình của người Mặc Môn, như từ quyền tự quyết. Có lẽ một trang từ vựng sẽ giúp ích hơn.”

Tôi ngạc nhiên vì anh ấy không hiểu điều mà chúng ta muốn nói qua từ quyền tự quyết. Tôi đi tìm trên tự điển trực tuyến. Trong số 10 định nghĩa và cách sử dụng từ quyền tự quyết, thì không có định nghĩa nào cho thấy ý của việc lựa chọn để hành động. Chúng ta dạy rằng quyền tự quyết là khả năng và đặc ân mà Thượng Đế ban cho chúng ta để lựa chọn và “hành động lấy một mình chứ không bị tác động.”1 Quyền tự quyết là hành động với trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm cho các hành động của mình. Quyền tự quyết của chúng ta là thiết yếu cho kế hoạch cứu rỗi. Với quyền này, chúng ta “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là … lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ.”2

Lời của bài thánh ca quen thuộc dạy nguyên tắc này thật rõ ràng:

Mọi linh hồn đều tự do bạn hỡi

Chọn lấy tương lai cho cuộc đời mình;

Vì lẽ thật đời đời ta đã biết:

Chúa không ép ai lên thiên đàng đâu.3

Để trả lời cho câu hỏi của người bạn tôi và những câu hỏi của những người nam nữ tốt lành ở khắp nơi, tôi xin chia sẻ thêm với các anh chị em điều chúng ta biết về ý nghĩa này của quyền tự quyết.

Trước khi chúng ta đến thế gian này, Cha Thiên Thượng đã trình bày kế hoạch cứu rỗi của Ngài—một kế hoạch để đến thế gian và tiếp nhận một thể xác, chọn để hành động giữa điều tốt và điều xấu, cũng như tiến triển để trở thành giống như Ngài cùng sống với Ngài vĩnh viễn.

Quyền tự quyết của chúng ta—khả năng lựa chọn và hành động cho mình—là một yếu tố thiết yếu của kế hoạch này. Nếu không có quyền tự quyết, chúng ta không thể nào chọn điều đúng và tiến triển. Tuy nhiên, với quyền tự quyết, chúng ta có thể chọn điều sai, phạm tội và bị mất cơ hội được sống với Cha Thiên Thượng lần nữa. Vì lý do này, một Đấng Cứu Rỗi sẽ được gửi đến để gánh chịu tội lỗi của chúng ta và cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta chịu hối cải. Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, nên Ngài đã mang đến “kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý.”4

Sau khi Cha Thiên Thượng trình bày kế hoạch của Ngài, Lu Xi Phe bước ra nói rằng: “Xin phái tôi đi, tôi sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc … ; vậy nên xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi.”5 Kế hoạch này đã bị Đức Chúa Cha bác bỏ, vì nó chối bỏ quyền tự quyết của chúng ta. Quả thật đó là một kế hoạch phản nghịch.

Rồi Chúa Giê Su Ky Tô, “Con Trai Yêu Dấu … và Được Lựa Chọn từ lúc khởi thủy” của Cha Thiên Thượng, sử dụng quyền tự quyết của Ngài để nói rằng: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”6 Ngài sẽ là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta—Đấng Cứu Rỗi của thế gian.

Vì Lu Xi Phe chống đối, nên một cuộc xung đột thuộc linh lớn xảy ra sau đó. Mỗi con cái của Cha Thiên Thượng có cơ hội để sử dụng quyền tự quyết mà Cha Thiên Thượng đã ban cho họ. Chúng ta chọn có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô—đến cùng Ngài, noi theo Ngài, và chấp nhận kế hoạch mà Cha Thiên Thượng đã trình bày vì lợi ích của chúng ta. Nhưng một phần ba con cái của Cha Thiên Thượng đã không có đức tin để noi theo Đấng Cứu Rỗi và thay vì thế chọn đi theo Lu Xi Phe, hay là Sa Tan.7

Và Thượng Đế phán: “Vậy nên, vì Sa Tan phản nghịch chống lại ta, và tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người, là quyền được ta, Đức Chúa Trời, ban cho, … Ta khiến nó phải bị ném xuống.”8 Những người đi theo Sa Tan bị mất cơ hội tiếp nhận một thể xác hữu diệt, sống trên thế gian và tiến triển. Vì cách mà họ sử dụng quyền tự quyết, nên họ đã bị mất quyền tự quyết của họ.

Ngày nay, quyền năng duy nhất mà Sa Tan và những kẻ đi theo nó có được là cám dỗ và thử thách chúng ta. Niềm vui duy nhất của chúng là làm cho chúng ta “phải đau khổ như [chúng] vậy;”9 Niềm sung sướng duy nhất của chúng là khi chúng ta không tuân theo các lệnh truyền của Chúa.

Nhưng hãy nghĩ về điều này: trong trạng thái tiền dương thế của mình, chúng ta đã chọn noi theo Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô! Và vì đã làm như vậy, chúng ta được phép đến thế gian. Tôi làm chứng rằng cũng bằng việc chọn noi theo Đấng Cứu Rỗi bây giờ, ở đây trên thế gian, chúng ta sẽ nhận được một phước lành lớn lao hơn trong thời vĩnh cửu. Nhưng, hãy biết điều này: chúng ta cần phải tiếp tục chọn tuân theo Đấng Cứu Rỗi. Thời vĩnh cửu đang lâm nguy và việc chúng ta sử dụng quyền tự quyết và hành động của mình một cách khôn ngoan là thiết yếu để chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.

Trong suốt cuộc sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy cách sử dụng quyền tự quyết của mình. Khi còn niên thiếu ở Giê Ru Sa Lem, Ngài đã cẩn thận chọn “lo việc Cha [Ngài].”10 Trong giáo vụ của Ngài, Ngài đã vâng lời chọn “thực hiện ý muốn của Cha [Ngài].”11 Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã chọn gánh chịu tất cả mọi điều và nói rằng: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi. Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài.”12 Trên cây thập tự, Ngài đã chọn yêu thương kẻ thù của Ngài và cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”13 Và rồi, để Ngài có thể cuối cùng chứng tỏ rằng Ngài đang chọn cho bản thân Ngài, Ngài đã bị bỏ lại một mình. Ngài hỏi: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”14 Cuối cùng, Ngài đã sử dụng quyền tự quyết của Ngài để hành động, chịu đựng đến cùng, đến khi Ngài có thể phán: “Mọi việc đã được trọn.”15

Mặc dù Ngài “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta,”16 với mọi sự lựa chọn và mọi hành động, nhưng Ngài đã sử dụng quyền tự quyết để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta—bẻ gẫy xiềng xích của tội lỗi và cái chết cho chúng ta. Và qua cuộc sống hoàn hảo của Ngài, Ngài đã dạy chúng ta biết rằng khi chúng ta chọn làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng, thì quyền tự quyết của chúng ta được bảo tồn, cơ hội của chúng ta gia tăng và chúng ta tiến triển.

Bằng chứng về lẽ thật này được tìm thấy trong khắp thánh thư. Gióp bị mất tất cả nhưng ông đã chọn tiếp tục trung tín và ông đã nhận được các phước lành vĩnh cửu của Thượng Đế. Ma Ri và Giô Sép chọn tuân theo lời cảnh báo của một thiên sứ để chạy trốn đến Ai Cập và cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi đã được bảo vệ. Joseph Smith chọn tuân theo những chỉ dẫn của Mô Rô Ni và Sự Phục Hồi đã được khai mở như đã được tiên tri. Bất cứ khi nào chúng ta chọn đến cùng Đấng Ky Tô, mang lấy danh của Ngài và tuân theo các tôi tớ của Ngài, thì chúng ta tiến triển dọc trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Trong cuộc hành trình trên trần thế của mình, sẽ rất hữu ích để nhớ rằng điều trái ngược cũng đúng thật: Khi chúng ta không giữ các lệnh truyền và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh, thì chúng ta có ít cơ hội hơn; khả năng của chúng ta để hành động và tiến triển bị giảm bớt. Khi Ca In giết em mình vì ông yêu mến Sa Tan nhiều hơn Thượng Đế, thì sự tiến triển phần thuộc linh của ông bị ngừng lại.

Trong thời niên thiếu của tôi, tôi đã học được một bài học quan trọng về những hành động của chúng ta có thể giới hạn sự tự do của mình như thế nào. Một ngày nọ, cha tôi giao cho tôi nhiệm vụ đánh véc ni cái sàn nhà bằng gỗ. Tôi quyết định bắt đầu từ cửa và tiến dần vào phòng. Khi sắp làm xong, tôi thấy rằng tôi đã không có lối ra. Không có cửa sổ hay cửa chính ở phía bên kia. Tôi thật sự dồn mình vào góc nhà trong khi đánh véc ni sàn nhà. Tôi không có chỗ nào để đi ra cả. Tôi bị mắc kẹt rồi.

Bất cứ khi nào chúng ta không vâng lời, thì chúng ta tự dồn mình về phần thuộc linh vào góc nhà và bị giam cầm bởi những điều mình lựa chọn. Mặc dù chúng ta bị mắc kẹt phần thuộc linh, thì đều có con đường để trở lại. Giống như sự hối cải, việc quay người lại và bước đi ngang qua sàn nhà đã được đánh véc ni rồi có nghĩa là phải làm việc—phải đánh bóng bằng giấy cát và đánh véc ni sàn nhà lại! Việc quay trở lại với Chúa không phải là dễ dàng nhưng điều đó đáng bõ công để làm.

Khi chúng ta hiểu được thử thách của việc hối cải, chúng ta biết ơn các phước lành của Đức Thánh Linh để hướng dẫn quyền tự quyết của chúng ta và Cha Thiên Thượng, là Đấng ban cho chúng ta các lệnh truyền và củng cố cùng tán trợ chúng ta trong việc tuân giữ những điều này. Chúng ta cũng hiểu việc tuân theo các lệnh truyền cuối cùng sẽ bảo vệ quyền tự quyết của chúng ta như thế nào.

Ví dụ, khi tuân theo Lời Thông Sáng, chúng ta thoát khỏi hạn chế về sức khỏe kém và thói nghiện ngập những chất mà thật sự lấy đi khả năng của chúng ta để hành động cho mình.

Khi tuân theo lời khuyên dạy để tránh và thoát cảnh nợ nần bây giờ, chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình và được tự do sử dụng thu nhập có sẵn của mình để giúp đỡ cùng ban phước cho những người khác.

Khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri để có buổi họp tối gia đình, cầu nguyện chung gia đình và học thánh thư chung gia đình, nhà của chúng ta trở thành một nơi để phần thuộc linh của con cái chúng ta tăng trưởng. Ở nơi đó, chúng ta giảng dạy chúng phúc âm, chia sẻ chứng ngôn và lắng nghe chúng chia sẻ những cảm nghĩ và kinh nghiệm của chúng. Qua những điều lựa chọn ngay chính và hành động của mình, chúng ta giải thoát chúng khỏi bóng tối bằng cách gia tăng khả năng của chúng để bước đi trong ánh sáng.

Thế gian giảng dạy nhiều điều sai lầm về quyền tự quyết. Nhiều người nghĩ chúng ta cần phải “ăn đi, uống đi, và vui chơi thỏa thích đi;… và ví dù chúng ta có phạm tội đi nữa thì Thượng Đế cũng chỉ đánh chúng ta ít roi, rồi sau cùng chúng ta vẫn được cứu rỗi.”17 Những người khác chấp nhận chủ nghĩa thế tục và chối bỏ Thượng Đế. Họ tự thuyết phục rằng không có “sự tương phản trong mọi sự việc”18 và, do đó “bất cứ điều gì loài người làm đều không phải là tội ác.”19 Điều này “hủy diệt sự thông sáng của Thượng Đế và những mục đích vĩnh cửu của Ngài.”20

Trái ngược với điều giảng dạy muôn thủa của thế gian, thánh thư dạy rằng chúng ta thật sự có quyền tự quyết và việc sử dụng quyền tự quyết một cách ngay chính luôn luôn tạo ra điều khác biệt trong các cơ hội chúng ta có được cũng như khả năng để hành động theo những cơ hội đó và tiến triển không ngừng.

Ví dụ, qua Tiên Tri Sa Mu Ên, Chúa đã ban một lệnh truyền rõ ràng cho Vua Sau Lơ:

“Đức Giê Hô Va đã sai ta xức dầu cho ngươi, lập làm vua … : vậy bây giờ, hãy nghe lời phán của Đức Giê Hô Va. …

“… Hãy đi đánh dân A Ma Léc, và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó.”21

Nhưng Sau Lơ không tuân theo lệnh truyền của Chúa. Ông đã làm điều mà tôi gọi là “chọn điều nào vâng theo, và điều nào không.” Dựa vào sự khôn ngoan của mình, ông đã cứu mạng Vua A Ga và mang về cừu, bò tốt nhất và những con vật khác.

Chúa mặc khải điều này cho Tiên Tri Sa Mu Ên và sai ông đi truất phế Sau Lơ khỏi ngai vua. Khi vị tiên tri đến nơi, Sau Lơ nói: “Tôi đã làm theo lịnh của Đức Giê Hô Va.”22 Nhưng vị tiên tri biết là không phải vậy nên nói: “Vậy thì tiếng chiên kêu vang đến tai ta, cùng tiếng bò rống ta nghe kia, là làm sao?”23

Sau Lơ tự biện minh cho mình bằng cách đổ lỗi cho người khác và nói rằng dân chúng đã giữ lại các con vật để làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa. Câu trả lời của vị tiên tri rất rõ ràng: “Đức Giê Hô Va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo [các lệnh truyền của Chúa] tốt hơn mỡ chiên đực.”24

Cuối cùng, Sau Lơ thú tội rằng: “Tôi có phạm tội. Tôi đã can phạm mạng lịnh Đức Giê Hô Va, và lời của ông. Tôi sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ.”25 Vì Sau Lơ không tuân theo một cách chính xác—vì ông đã chọn điều nào vâng theo, và điều nào không—ông đã đánh mất cơ hội và quyền tự quyết để làm vua.

Thưa các anh chị em, chúng ta có tuân theo chính xác tiếng nói của Chúa và các vị tiên tri của Ngài không? Hay là giống như Sau Lơ, chúng ta có đang chọn điều nào vâng theo và điều nào không vâng theo và lo sợ người đời xét đoán không?

Tôi nhận biết rằng tất cả chúng ta đều làm điều lầm lỗi. Thánh thư dạy chúng ta: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”26 Đối với những người tự thấy mình lâm vào cảnh tù đày của những điều lựa chọn bất chính trước đây, bị mắc kẹt và không có tất cả những phước lành có sẵn bằng cách sử dụng quyền tự quyết một cách ngay chính, chúng tôi yêu mến các anh chị em đó. Hãy trở lại! Hãy ra khỏi góc tối và đến chỗ có ánh sáng. Ngay cả các anh chị em phải bước ngang qua một sàn nhà mới vừa đánh véc ni xong, thì rất đáng bõ công để làm như vậy. Hãy tin rằng “nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại [kể cả các anh chị em và tôi] có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”27

Ngay trước khi Ngài thực hiện Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Rỗi đã dâng lên Lời Cầu Nguyện Hộ tuyệt vời cho chúng ta và phán với mỗi người chúng ta: “Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con”28 “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”29

Tôi đưa ra chứng ngôn đặc biệt của mình rằng hai Ngài hằng sống. Khi sử dụng quyền tự quyết của mình trong sự ngay chính, chúng ta dần dần biết hai Ngài, trở nên giống như hai Ngài và tự chuẩn bị về cái ngày mà “mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận” rằng Chúa Giê Su là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.30 Cầu xin cho chúng ta tiếp tục noi theo Ngài và Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, như chúng ta đã làm lúc ban đầu, tôi cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. 2 Nê Phi 2: 26.

  2. 2 Nê Phi 2:27.

  3. “Bạn Ơi, Mọi Linh Hồn đều Tự Do,” Thánh Ca, trang 21.

  4. An Ma 42:15.

  5. Môi Se 4:1.

  6. Môi Se 4:2.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:36.

  8. Môi Se 4:3.

  9. 2 Nê Phi 2:27; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:9.

  10. Lu Ca 2:49.

  11. 3 Nê Phi 27:13.

  12. Lu Ca 22:42–43.

  13. Lu Ca 23:34.

  14. Ma Thi Ơ 27:46; Mác 15:34.

  15. Giăng 19:30.

  16. Hê Bơ Rơ 4:15.

  17. 2 Nê Phi 28:8.

  18. 2 Nê Phi 2:11.

  19. An Ma 30:17.

  20. 2 Nê Phi 2:12.

  21. 1 Sa Mu Ên 15:1, 3.

  22. 1 Sa Mu Ên 15:13.

  23. 1 Sa Mu Ên 15:14.

  24. 1 Sa Mu Ên 15:22.

  25. 1 Sa Mu Ên 15:24.

  26. Rô Ma 3:23.

  27. Những Tín Điều 1:3.

  28. Giăng 17:24.

  29. Giăng 17:3.

  30. Mô Si A 27:31.