2010–2019
Thanh Tẩy Bình Chứa ở Bên Trong
Tháng mười 2010


Thanh Tẩy Bình Chứa ở Bên Trong

Không một nơi nào mà lòng rộng lượng, nhân từ và thương xót của Thượng Đế được cho thấy hơn trong sự hối cải.

Đại hội trung ương này được triệu tập vào lúc có rất nhiều cảnh hỗn loạn và nguy hiểm mà những người trẻ tuổi của chúng ta tự hỏi họ phải sống như thế nào. Vì đã được cảnh cáo qua những điều mặc khải rằng tình trạng hiện tại trên thế gian sẽ như vậy, các vị tiên tri và sứ đồ đã được chỉ cho biết phải làm gì.

Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith “để cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian.”1 Khi được phục hồi, các chìa khóa cung ứng thẩm quyền chức tư tế cho những người ông, người cha và con trai trong mỗi mái gia đình.

Cách đây mười lăm năm, với thế giới trong cảnh hỗn loạn, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã công bố “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” bản tuyên ngôn thứ năm trong lịch sử của Giáo Hội. Bản tuyên ngôn này là một chỉ dẫn mà các tín hữu của Giáo Hội cần phải đọc và tuân theo.

Một phần của bản tuyên ngôn nói: “Chúng tôi, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, long trọng tuyên bố rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.”2

“Các Thượng Đế đi xuống làm nên loài người theo hình ảnh của các Ngài, các Ngài tạo dựng loài người, người nam cùng người nữ, theo hình ảnh của các Ngài.

“Và các Thượng Đế phán: Chúng ta sẽ ban phước lành cho họ. Và … chúng ta sẽ làm cho họ được sinh sôi nẩy nở, làm cho đầy dẫy đất, và làm cho đất phục tùng.”3

Lệnh truyền này chưa bao giờ bãi bỏ.

“Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”4

Chúng ta được dự định là sẽ được hạnh phúc vì “loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”5

Lê Hi dạy rằng loài người phải được tự do và cần phải “tự do … để tự hành động lấy một mình, chứ không bị tác động, trừ phi đó là sự trừng phạt theo luật pháp vào ngày vĩ đại cuối cùng.”6

Câu châm ngôn xưa nói rằng: “Chúa chọn tôi, và Lu Xi Phe chống lại tôi, nhưng chính quyết định của tôi mới quan trọng,” mô tả một giáo lý chắc chắn rằng quyền tự quyết của chúng ta còn mạnh mẽ hơn ý muốn của kẻ nghịch thù. Quyền tự quyết rất quý báu. Chúng ta có thể rồ dại và mù quáng đem cho quyền đó, nhưng quyền đó không thể nào bị lấy đi khỏi chúng ta bằng vũ lực.

Và cũng có một lời bào chữa lâu đời: “Quỷ dữ bắt tôi làm điều đó.” Nào phải đâu! Nó có thể lừa gạt và lừa dối các anh chị em chứ nó không có quyền năng để bắt buộc các anh chị em hoặc bất cứ người nào khác phải phạm giới hoặc giữ các anh chị em phải ở trong tình trạng phạm giới đó.

Việc được ban cho khả năng sinh sản bao gồm cả niềm vui lớn lao nhất và những cám dỗ nguy hiểm nhất. Ân tứ về cuộc sống hữu diệt và khả năng sinh ra con cái là một phước lành thiêng liêng. Qua việc sử dụng ngay chính khả năng này, mà không có bất cứ điều gì khác giống vậy, chúng ta có thể đến gần Cha Thiên Thượng và trải qua niềm vui trọn vẹn. Quyền năng này không phải là một phần ngẫu nhiên trong kế hoạch hạnh phúc, mà là điều then chốt—điều cốt yếu.

Cho dù chúng ta sử dụng khả năng này theo như các luật pháp vĩnh cửu đòi hỏi hoặc chối bỏ mục đích thiêng liêng của khả năng này thì nó vẫn vĩnh viễn ảnh huởng đến con người mà chúng ta sẽ trở thành. “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?”7

Có một điều gì đó rất phóng khoáng khi một cá nhân tự mình quyết định để vâng theo Đức Chúa Cha và Thượng Đế của chúng ta cùng bày tỏ sự sẵn lòng đó lên Ngài trong lời cầu nguyện.

Khi vâng lời, chúng ta có thể vui hưởng những khả năng này trong giao ước hôn nhân. Từ nguồn sống của mình chúng ta sẽ sinh ra con cái, chính là gia đình chúng ta. Tình yêu thương giữa vợ chồng có thể kiên định và trọn vẹn cùng mang đến niềm mãn nguyện suốt cuộc sống của chúng ta.

Nếu một người không được ban cho các phước lành này trong cuộc sống trần thế, thì lời hứa là họ sẽ được ban cho trong thế giới mai sau.

Tình yêu thương thanh khiết có hàm ý rằng chỉ sau lời thề nguyện chung thủy vĩnh cửu, tức là sau một nghi thức hợp thức và hợp pháp, và theo lý tưởng là sau giáo lễ gắn bó trong đền thờ, thì những khả năng sinh sản mới được nới lỏng trong tình yêu thương trọn vẹn. Khả năng đó chỉ được chia sẻ giữa người nam và người nữ, vợ với chồng, với chính người bạn đời vĩnh viễn của chúng ta. Phúc âm rất rõ ràng về điều này.

Chúng ta được tự do làm ngơ đối với các lệnh truyền, nhưng khi những điều mặc khải đã được nói thẳng thừng như vậy, như “ngươi chớ,” thì tốt hơn là chúng ta nên lưu ý.

Kẻ nghịch thù ganh ghét đối với tất cả những người có khả năng sinh sản. Sa Tan không thể sinh sản; nó bất lực. “Nó rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.”8 Nó tìm cách làm giảm giá trị của người ngay chính trong việc sử dụng các khả năng sinh sản bằng cách cám dỗ họ sa vào các mối quan hệ trái luân lý.

Chúa đã dùng cụm từ “giống như” để tạo ra một hình ảnh mà các tín đồ của Ngài có thể hiểu được, như:

“Nước thiên đàng lại giống như một người lái buôn.”9

“Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia.”10

Trong thời kỳ chúng ta, ảnh hưởng dễ sợ của hình ảnh sách báo khiêu dâm giống như một bệnh dịch đang càn quét khắp thế giới, đầu độc người này, kẻ nọ, thường xuyên cố gắng xâm nhập mọi mái gia đình, thường nhất là qua người chồng và người cha. Rủi thay, thường thường hậu quả của bệnh dịch này có thể nguy hại cho phần thuộc linh. Lu Xi Phe tìm cách phá hoại “kế hoạch cứu chuộc vĩ đại,”11 “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.”12

Hình ảnh sách báo khiêu dâm sẽ và luôn luôn sẽ khước từ Thánh Linh của Đấng Ky Tô và sẽ làm gián đoạn mối liên lạc giữa Cha Thiên Thượng và con cái của Ngài cùng phá vỡ mối quan hệ giữa vợ chồng.

Chức tư tế nắm giữ quyền năng tột bực, có thể bảo vệ các anh chị em khỏi bệnh dịch hình ảnh sách báo khiêu dâm—và nó chính là bệnh dịch—nếu các anh chị em chịu thua ảnh hưởng của nó. Nếu một người biết vâng lời, chức tư tế có thể cho thấy cách từ bỏ một thói quen và còn xóa đi một thói nghiện nữa. Những người nắm giữ chức tư tế có thẩm quyền đó và cần phải sử dụng thẩm quyền đó để đánh lại các ảnh hưởng xấu xa.

Chúng tôi đã cất tiếng báo động và cảnh cáo các tín hữu của Giáo Hội phải thức tỉnh và hiểu điều gì đang xảy ra. Các bậc cha mẹ, hãy cảnh giác, hãy luôn luôn đề phòng, nếu không điều tà ác này sẽ đe dọa trong vòng gia đình của các anh chị em.

Chúng ta giảng dạy một tiêu chuẩn về hành vi đạo đức mà sẽ bảo vệ chúng ta khỏi nhiều điều thay thế hoặc hôn nhân giả mạo của Sa Tan. Các anh chị em cần phải hiểu rằng bất cứ điều gì thuyết phục để có bất cứ mối quan hệ nào không phù hợp với các nguyên tắc phúc âm đều là sai cả. Từ Sách Mặc Môn, chúng ta biết được rằng “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”13

Một số người tin rằng họ đã được định trước khi sinh ra và không thể khắc phục điều mà họ cảm thấy là các cám dỗ bẩm sinh đối với điều không thanh khiết và trái với tự nhiên. Không phải vậy đâu! Hãy ghi nhớ Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Phao Lô đã hứa rằng “Đức Chúa Trời … chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”14 Nếu muốn, các anh chị em có thể từ bỏ các thói quen và chiến thắng một thói nghiện cùng xa lánh điều không xứng đáng đối với bất cứ tín hữu nào của Giáo Hội. Như An Ma đã cảnh cáo, chúng ta cần phải “cảnh tỉnh và cầu nguyện luôn luôn.”15

Ê Sai đã cảnh cáo: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay!”16

Cách đây nhiều năm, tôi đi thăm một ngôi trường ở Albuquerque. Người giáo viên nói cho tôi biết về một đứa bé mang con mèo con đến lớp học. Như các anh chị em có thể tưởng tượng được, điều đó đã làm gián đoạn mọi việc. Người giáo viên cho nó giơ con mèo con ra trước các học sinh.

Mọi việc đều suông sẻ cho đến khi một trong các em học sinh hỏi: “Đó là con mèo đực hay mèo cái vậy?”

Không muốn đi sâu vào bài học đó, người giáo viên nói: “Không quan trọng đâu. Đó chỉ là một con mèo con thôi mà.”

Nhưng chúng khăng khăng muốn biết. Cuối cùng, một em học sinh nói: “Tôi biết làm sao chúng ta có thể biết được.”

Người giáo viên quyết định phải giải quyết vấn đề, nên nói: “Làm sao ta có thể biết được?”

Và em học sinh đáp: “Chúng ta có thể bỏ phiếu về vấn đề này!”

Các anh chị em có thể cười về câu chuyện này, nhưng nếu chúng ta không cảnh giác, thì ngày nay có những người không những khoan dung mà còn biện hộ cho việc bỏ phiếu thay đổi luật pháp mà sẽ hợp pháp hóa điều trái luân lý, thể như bằng cách nào đó, một lá phiếu sẽ thay đổi những kế hoạch của luật pháp và trạng thái thiên nhiên của Thượng Đế. Một luật pháp chống lại tự nhiên sẽ không thể nào thi hành được. Ví dụ, các anh chị em có nghĩ là một lá phiếu bãi bỏ định luật về trọng lực thì có ích gì không?

Có các luật pháp về đạo đức và vật chất “ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ, trước khi có sự tạo dựng thế gian này” mà không thể thay đổi được.17 Lịch sử nhiều lần cho thấy rằng các tiêu chuẩn đạo đức không thể được thay đổi bởi chiến tranh lẫn không thể thay đổi bằng lá phiếu. Việc hợp pháp hóa điều sai lầm hoặc xấu xa về cơ bản sẽ không ngăn chặn được nỗi đau đớn và những hình phạt mà sẽ xảy đến sau đó cũng chắc chắn sẽ xảy ra như đêm kế tiếp ngày.

Bất chấp sự chống đối, chúng ta quyết tâm vẫn ở trên con đường đúng. Chúng ta sẽ giữ vững các nguyên tắc, luật pháp và giáo lễ của phúc âm. Nếu các điều này có vô tình hay cố ý bị hiểu lầm thì đành vậy thôi. Chúng ta không thể thay đổi; chúng ta sẽ không thay đổi tiêu chuẩn đạo đức. Chúng ta nhanh chóng đánh mất con đường của mình khi không tuân theo các luật pháp của Thượng Đế. Nếu chúng ta không bảo vệ và nuôi dưỡng gia đình, thì nền văn minh và tự do của chúng ta sẽ tàn lụi.

“Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”18

Mỗi người bị giam giữ trong một nhà tù của tội lỗi, điều sai quấy, hoặc lầm lạc đều có một chìa khóa để mở cánh cửa tù. Chìa khóa này có tên là “sự hối cải.” Nếu các anh chị em biết cách sử dụng chìa khóa này, thì kẻ nghịch thù không thể giam giữ các anh chị em được. Hai nguyên tắc liên kết chặt chẽ về sự hối cải và tha thứ đều có sức mạnh để vượt quá quyền năng đáng sợ của kẻ cám dỗ. Nếu bị trói buộc bởi một thói quen hoặc một thói nghiện không xứng đáng, thì các anh chị em cần phải ngừng vi phạm hành vi tai hại đó. Các thiên thần sẽ chỉ dẫn các anh chị em,19 và các vị lãnh đạo chức tư tế sẽ hướng dẫn các anh chị em trong những lúc khó khăn đó.

Không một nơi nào mà lòng rộng lượng, nhân từ và thương xót của Thượng Đế được cho thấy hơn trong sự hối cải. Các anh chị em có hiểu quyền năng thanh tẩy tột bực của Sự Chuộc Tội do Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta ban cho không? Ngài phán: “Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; 20 Trong hành động yêu thương cao cả đó, Đấng Cứu Rỗi đã trả cho hình phạt vì tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể không phải trả.

Đối với những người thực sự mong muốn hối cải, thì một con đường trở lại. Sự hối cải giống như thuốc tẩy. Ngay cả vết bẩn khó tẩy cũng sẽ được sạch.

Những người nắm giữ chức tư tế mang theo mình thuốc giải độc để loại bỏ hình ảnh khiêu dâm khủng khiếp và tẩy sạch tội lỗi. Chức tư tế có quyền năng giải thoát ảnh hưởng của các thói quen, ngay cả tháo gỡ thói nghiện, dù có bám sâu đến mấy đi nữa. Chức tư tế cũng có thể chữa lành những vết thương của lỗi lầm đã qua.

Tôi biết không có lời nào tuyệt vời và an ủi hơn trong mọi điều mặc khải bằng những lời này: “Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”21

Đôi khi, ngay cả sau khi đã thú tội và trả giá cho các hình phạt, phần hối cải khó nhất là tha thứ cho mình. Các anh chị em cần phải biết rằng sự tha thứ có nghĩa là hoàn toàn tha thứ.

“Bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta.”22

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith kể cho tôi nghe về một người phụ nữ hối cải để tìm ra con đường của mình dẫn đến cuộc sống bất diệt. Người này hỏi ông xem chị cần phải làm gì bây giờ.

Đáp lại, ông yêu cầu người ấy đọc cho ông nghe từ Kinh Cựu Ước câu chuyện về Lót và vợ của Lót là người đã bị hóa ra một tượng muối.23 Rồi ông hỏi người ấy: “Chị học được bài học nào từ các câu đó?”

Người phụ nữ đáp: “Chúa sẽ hủy diệt những người nào tà ác.”

“Không phải vậy đâu!” Chủ Tịch Smith nói với người phụ nữ hối cải này và với các anh chị em: “Bài học là: ‘Đừng nhìn lại!’”24

Lạ lùng thật, việc ngăn ngừa, chữa lành giản dị và mạnh mẽ nhất đối với hình ảnh sách báo khiêu âm hoặc bất cứ hành vi ô uế nào, là hãy bỏ qua và tránh xa nó. Hãy xóa bỏ khỏi tâm trí bất cứ ý nghĩ không xứng đáng nào đang cố gắng bén rễ. Một khi quyết định là vẫn luôn sống trong sạch, thì các anh chị em đang xác nhận quyền tự quyết do Thượng Đế ban cho mình. Và như vậy, như Chủ Tịch Smith đã dạy: “Đừng nhìn lại.”

Tôi hứa rằng trước mặt các anh chị em là sự bình an và hạnh phúc dành cho các anh chị em và gia đình. Điểm cuối cùng của tất cả hoạt động trong Giáo Hội là vợ chồng và con cái được hạnh phúc trong mái gia đình. Và tôi khẩn cầu các phước lành của Chúa ban xuống cho các anh chị em nào đang vất vả chống lại bệnh dịch khủng khiếp này, để tìm ra sự chữa lành dành sẵn cho chúng ta trong chức tư tế của Chúa. Tôi làm chứng về quyền năng ấy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Giáo Lý và Giao Ước 1:20.

  2. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  3. Áp Ra Ham 4:27–28.

  4. Áp Ra Ham 3:25.

  5. 2 Nê Phi 2:25.

  6. 2 Nê Phi 2:26.

  7. 1 Cô Rinh Tô 3:16.

  8. 2 Nê Phi 2:27.

  9. Ma Thi Ơ 13:45.

  10. Ma Thi Ơ 13:44.

  11. Gia Cốp 6:8; An Ma 34:31.

  12. An Ma 42:8.

  13. An Ma 41:10.

  14. 1 Cô Rinh Tô 10:13.

  15. An Ma 13:28.

  16. Ê Sai 5:20.

  17. Giáo Lý và Giao Ước 130:20.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 82:10.

  19. Xin xem 2 Nê Phi 32:3.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 19:16.

  21. Giáo Lý và Giao Ước 58:42.

  22. Mô Si A 26:30.

  23. Xin xem Sáng Thế Ký 19:26.

  24. Xin xem Boyd K. Packer, The Things of the Soul (1996), 116.