2010–2019
Không Bao Giờ Lìa Bỏ Ngài
Tháng mười 2010


Không Bao Giờ Lìa Bỏ Ngài

Khi chọn không bị tổn thương hoặc hổ thẹn thì các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chấp thuận của Ngài. Các anh chị em sẽ biết rằng mình đang trở thành giống như Ngài.

Thưa các anh chị em trên khắp thế giới, tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu đậm của mình đối với đức tin cũng như lòng can đảm tôi thấy nơi cuộc sống của các anh chị em. Chúng ta sống trong một thời kỳ phi thường nhất—nhưng cũng là một thời kỳ đầy thử thách.

Chúa Cảnh Cáo cho Chúng Ta Biết Những Hiểm Nguy Trước Mặt.

Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình trong khi chúng ta tìm cách trở về với Ngài. Việc lắng nghe lời cảnh cáo của Ngài làm cho chúng ta cảnh giác những hiểm nguy trước mặt. “Hãy giữ mình, tỉnh thức”1 “Hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt.”2 “Phải lưu ý và cẩn thận.”3 “Hãy giữ cho cẩn thận, e anh em… mất sự vững vàng của mình.”4

Không một ai được an toàn khỏi những ảnh hưởng của thế gian. Lời dạy của Chúa giữ cho chúng ta luôn luôn đề phòng.

Các anh chị em nhớ đến kinh nghiệm của Chúa Giê Su ở Ca Bê Na Um khi các môn đồ đi theo Đấng Cứu Rỗi không chịu chấp nhận Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Thánh thư chép: “Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài …, không đi với Ngài nữa.”5

Rồi Chúa Giê Su quay sang Mười Hai Vị Sứ Đồ và hỏi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”6

Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?

Trong ý nghĩ của mình, tôi đã nhiều lần trả lời câu hỏi đó rồi: “Nhất định không! Không phải tôi đâu! Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ Ngài! Tôi ở đây vĩnh viễn!” Tôi biết các anh chị em cũng trả lời như vậy.

Nhưng câu hỏi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” làm cho chúng ta suy nghĩ về yếu điểm của mình. Cuộc sống không dễ dàng về phần thuộc linh. Những lời của Các Sứ Đồ từ một bối cảnh khác lặng lẽ đến với tâm trí của chúng ta: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”7

Chúng ta bước vào nước báp têm với niềm vui và hy vọng. Đấng Cứu Rỗi ra hiệu cho chúng ta: “Đến cùng ta,”8 và chúng ta đáp ứng bằng cách mang lấy danh Ngài. Không một ai trong số chúng ta muốn sự cam kết với phúc âm của mình chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn hay ngay cả một thời gian dài hơn. Con đường làm môn đồ không phải là một sự cam kết thuộc linh trong giây lát. Chúa Giê Su đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.”9 “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”10

Khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi, thì chắc chắn chúng ta sẽ chạm trán với những thử thách. Với đức tin, những kinh nghiệm trở nên tinh tế này mang đến một sự cải đạo sâu xa về lẽ xác thật của Đấng Cứu Rỗi. Theo đường lối của thế gian, cũng những kinh nghiệm này che khuất sự hiểu biết và làm suy yếu quyết tâm của chúng ta. Một số người chúng ta yêu thương và ngưỡng mộ thì rời xa con đường thẳng và hẹp rồi “không đi với Ngài nữa.”

Làm thế nào chúng ta vẫn luôn trung thành?

Làm thế nào chúng ta vẫn luôn trung thành với Đấng Cứu Rỗi, phúc âm của Ngài và các giáo lễ chức tư tế của Ngài? Làm thế nào chúng ta phát triển đức tin và sức mạnh để không bao giờ lìa bỏ Ngài?

Chúa Giê Su phán: “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.”11 Chúng ta sẽ cần một tấm lòng tin tưởng của một đứa trẻ.

Nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta phải trở thành “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”12 Đây là sự thay đổi lớn lao trong lòng.13

Chẳng bao lâu chúng ta thấy được lý do rằng sự thay đổi lớn lao trong lòng là cần thiết. Hai từ báo hiệu nguy hiểm trước mặt: những từ đó là bị tổn thươnghổ thẹn.

Chọn Đừng để Bị Tổn Thương

Đối với những người băn khoăn về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su hỏi: “Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao?”14 Trong chuyện ngụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giê Su đã cảnh cáo: “Kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song … chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm.”15

Có nhiều cách để bị tổn thương và chúng ta luôn luôn ở trong hoàn cảnh cảm thấy bị tổn thương. Những người chúng ta tin tưởng làm chúng ta thất vọng. Chúng ta gặp phải những khó khăn không lường trước. Cuộc sống của chúng ta không xảy ra đúng theo như chúng ta trông mong. Chúng ta làm điều lầm lỗi, cảm thấy không xứng đáng và lo lắng về việc được tha thứ. Chúng ta tự hỏi về một vấn đề giáo lý. Chúng ta biết về một điều gì đó được nói ra tại bục giảng của Giáo Hội cách đây 150 năm mà làm chúng ta khó chịu. Con cái chúng ta bị đối xử bất công. Chúng ta bị làm ngơ hoặc bị đánh giá thấp. Có thể có một trăm điều và mỗi điều đều có thật đối với chúng ta vào lúc đó.16

Trong những giây phút yếu đuối của chúng ta, kẻ nghịch thù tìm cách lấy đi những lời hứa thuộc linh của chúng ta. Nếu không đề phòng, tinh thần của chúng ta bị tổn thương sẽ lui về trong cái vỏ lạnh lẽo, tối tăm của bản ngã kiêu căng trước đây của chúng ta, bỏ lại ánh sáng ấm áp, chữa lành của Đấng Cứu Rỗi.

Vào năm 1835, khi Parley P. Pratt bị xét xử một cách bất công, đã mang nỗi hổ thẹn và nhục nhã đến cho ông và gia đình ông, thì Tiên Tri Joseph Smith khuyên rằng: “Parley này,… đừng thèm để ý đến điều đó… [và] Thượng Đế Toàn Năng sẽ ở với anh.”17

Một ví dụ khác: trong năm 1830, Frederick G. Williams, một bác sĩ nổi tiếng, chịu phép báp têm. Ông lập tức hiến tặng tài năng và tiền bạc của mình cho Giáo Hội. Ông trở thành một vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Ông biếu tặng tài sản cho Đền Thờ Kirtland. Vào năm 1837, khi lâm vào cảnh khó khăn lúc đó, Frederick G. Williams mắc một lỗi nặng. Chúa phán trong một điều mặc khải vào năm 1838 rằng “do sự phạm giới của [hắn] nên chức vụ cũ của [hắn] [trong giới lãnh đạo của Giáo Hội] đã bị cất khỏi [hắn].”18

Bài học tuyệt mỹ chúng ta học được từ Frederick G. Williams là “bất cứ khuyết điểm nào của mình, ông có được sức mạnh cá tính để [tái lập] lòng trung thành của ông với [Chúa,] Vị Tiên Tri và… với Giáo Hội, khi đáng lẽ thật là dễ dàng để sa vào cảnh cay đắng.”19 Vào mùa xuân năm 1840, ông đã tự trình diện tại đại hội trung ương, khiêm nhường xin được tha thứ cho hành vi của ông lúc trước và bày tỏ quyết tâm của mình để làm theo ý muốn của Thượng Đế trong tương lai. Trường hợp của ông được Hyrum Smith trình bày và ông được sẵn lòng tha thứ. Ông qua đời với tư cách là một tín hữu trung thành của Giáo Hội.

Tôi mới vừa gặp vị chủ tịch của Đền Thờ Recife Brazil tên là Fredrick G. Williams. Ông đã kể lại quyết định về cá tính của tổ phụ ông đã ban phước cho gia đình ông và hằng trăm con cháu của ông như thế nào.

Chọn Không Hổ Thẹn

Việc bị tổn thương thường đi kèm theo với cảm nghĩ tai hại của nỗi hổ thẹn.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta học khải tượng của Lê Hi về cây sự sống. Khải tượng đó mô tả những người cao quý là những người “cố sức tiến qua đám sương mù tối đen; họ bám chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cái cây và ăn trái cây ấy.”20

Nê Phi mô tả cây ấy là “tình thương yêu của Thượng Đế,”21 có trái “làm cho tâm hồn …chan hòa một niềm hân hoan cực độ.”22

Sau khi nếm trái cây ấy, Lê Hi thấy “một tòa nhà rộng lớn vĩ đại … đầy nghẹt những người, cả già trẻ lẫn nam nữ; và lối ăn mặc của họ rất sang trọng; và họ có hành động chế giễu và chỉ trỏ những người vừa đến và đang ăn trái cây ấy.”23 Một thiên sứ giải thích rằng hành động chế giễu, nhạo báng, chỉ trỏ khinh miệt tượng trưng cho tính kiêu căng và sự khôn ngoan của thế gian.24

Nê Phi nói một cách minh bạch “chúng tôi không lưu ý đến họ.”25

Buồn thay, có những người khác có lòng can đảm bị nao núng. Thánh thư chép rằng: “Sau khi đã nếm trái cây ấy, họ lấy làm hổ thẹn, vì thấy những người kia đang chế nhạo mình; và họ đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”26

Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta đứng riêng biệt khỏi thế gian. Có thể có những lúc chúng ta cảm thấy khó chịu khi những ngón tay chỉ trỏ khinh miệt và chối bỏ điều gì thiêng liêng đối với chúng ta.27 Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Ngoại trừ cội rễ chứng ngôn của các anh chị em đã được lớn mạnh, việc chống lại sự chế nhạo của những người thách thức đức tin của các anh chị em thì rất khó đối với các anh chị em.”28 Nê Phi nói: “Không lưu ý đến họ.”29 Phao Lô khuyên: “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu… Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta”30 Chúng ta không bao giờ lìa bỏ Ngài.

Trong khi cùng đi với Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đến Đông Âu năm ngoái, tôi đã kinh ngạc trước đức tin và lòng can đảm của các thánh hữu. Một vị lãnh đạo chức tư tế ở Ukraine đã cho chúng tôi biết về việc ông được kêu gọi vào chủ tịch đoàn chi nhánh vào mùa xuân năm 1994 chỉ sáu tháng sau khi ông chịu phép báp têm. Điều này đòi hỏi phải công khai cho thấy đức tin của ông và giúp đăng ký giáo hội ở thành phố Dnipropetrovsk. Đó là lúc xảy ra tình trạng bấp bênh ở Ukraine, và việc công khai cho thấy đức tin nơi Đấng Ky Tô cùng phúc âm phục hồi có thể có nghĩa là khó khăn, kể cả việc có thể mất công việc làm của ông là một phi công.

Vị lãnh đạo chức tư tế nói với chúng tôi: “Tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện. Tôi có một chứng ngôn và tôi đã lập giao ước. Tôi biết điều Chúa muốn tôi phải làm.”31 Ông và vợ ông đã can đảm tiến bước trong đức tin mà không hổ thẹn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Kẻ Nào Được Ban Cho Nhiều Thì Sẽ Được Đòi Hỏi Nhiều

Một số người hỏi: “Tôi có cần phải khác biệt nhiều với những người khác không?” “Tôi có thể là một môn đồ của Đấng Ky Tô mà không nghĩ quá nhiều đến hành vi của mình được không?” “Tôi có thể yêu mến Đấng Ky Tô mà không tuân giữ luật trinh khiết được không?” “Tôi có thể yêu mến Ngài và làm điều gì tôi muốn vào ngày Chúa Nhật được không?” Chúa Giê Su đưa ra một câu trả lời giản dị: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”32

Một số người hỏi: “Không có nhiều người thuộc tôn giáo khác yêu mến Đấng Ky Tô sao?” Dĩ nhiên là có rồi! Tuy nhiên, vì là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, có được sự làm chứng về lẽ xác thật của Ngài, không những từ Kinh Thánh, mà còn từ Sách Mặc Môn; biết được chức tư tế của Ngài đã được phục hồi trên thế gian; đã chịu phép báp têm và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh; đã được làm lễ thiên ân với quyền năng trong đền thờ thánh của Ngài và dự phần vào việc chuẩn bị cho ngày trở lại vinh quang của Ngài trên thế gian; nên chúng ta không thể so sánh con người mình với những người chưa nhận được các lẽ thật này. “Kẻ nào được ban cho nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều.”33

Chúa đã phán: “Ngươi có thể tự chọn lựa.”34

Tôi hứa với các anh chị em, khi chọn không bị tổn thương hoặc hổ thẹn thì các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chấp thuận của Ngài. Các anh chị em sẽ biết rằng mình đang trở thành giống như Ngài.35

Chúng ta sẽ hiểu tất cả mọi điều chăng? Dĩ nhiên là không rồi. Chúng ta sẽ không có giải đáp cho một số vấn đề mà sẽ được hiểu vào thời gian về sau.

Tất cả mọi điều đều công bằng cả chăng? Không. Chúng ta sẽ chấp nhận một số điều mà chúng ta không thể sửa đổi được và tha thứ cho những người khác khi bị tổn thương.

Thỉnh thoảng chúng ta sẽ cảm thấy tách biệt khỏi những người xung quanh mình chăng? Nhất định rồi.

Đôi khi chúng ta có ngạc nhiên để thấy cơn tức giận mà một số người cảm thấy đối với Giáo Hội của Chúa và các nỗ lực của họ để hủy diệt đức tin đang gặp khó khăn của người yếu kém không?36 Có chứ. Nhưng điều này sẽ không ngăn cản sự tăng trưởng hoặc vận mệnh của Giáo Hội, cũng như nó không cần cản trở sự tiến triển thuộc linh của mỗi người chúng ta với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Không Bao Giờ Lìa Bỏ Ngài

Tôi ưa thích những lời này từ một bài thánh ca được mến mộ:

Người nào tựa vào Chúa Giê Su để nghỉ ngơi

Thì tôi sẽ không thể bỏ rơi người ấy vào tay kẻ thù;

Cho dù tất cả ngục giới cố gắng lung lay đức tin người ấy,

Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi người ấy,

Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi người ấy!37

Sự toàn hảo không đến trong cuộc sống này, nhưng chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các giao ước của mình. Chủ Tịch Monson đã hứa: “Khi chứng ngôn của các anh chị em được nuôi dưỡng liên tục thì sẽ giữ cho các anh chị em được an toàn.”38 Chúng ta đẩy sâu rễ thuộc linh của mình, hằng ngày nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô trong thánh thư. Chúng ta tin tưởng nơi những lời của các vị tiên tri tại thế, được đặt trước mặt chúng ta để chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện, cùng lắng nghe tiếng nói êm nhẹ của Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta đi theo và phán sự bình an vào tâm hồn chúng ta. Bất cứ thử thách nào xảy ra, chúng ta cũng không bao giờ lìa bỏ Ngài.

Đấng Cứu Rỗi hỏi Các Sứ Đồ của Ngài: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”39

Phi E Rơ thưa:

“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời;

“… Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời.” 40

Tôi cũng có chứng ngôn đó. Tôi cũng làm chứng như thế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Mác 13:33.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 46:8.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 42:76.

  4. 2 Phi E Rơ 3:17.

  5. Giăng 6:66.

  6. Giăng 6:67.

  7. Ma Thi Ơ 26:22.

  8. 3 Nê Phi 9:14.

  9. Ma Thi Ơ 22:37.

  10. Mác 8:34.

  11. Ma Thi Ơ 18:3; xin xem thêm Mác 10:15; Lu Ca 18:17; 3 Nê Phi 9:22; 11:37–38.

  12. Mô Si A 3:19.

  13. Xin xem An Ma 4:14.

  14. Giăng 6:61.

  15. Ma Thi Ơ 13:21.

  16. Xin xem David A. Bednar, “Chẳng Có Sự Gì Gây Cho Họ Sa Ngã (Phật Lòng),” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 89–92.

  17. Joseph Smith, trong Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên tập (1938), 118.

  18. Trong History of the Church, 3:46, cước chú.

  19. Frederick G. Williams, “Frederick Granger Williams of the First Presidency of the Church,” BYU Studies, tập 12, số 3 (1972): 261.

  20. 1 Nê Phi 8:24.

  21. 1 Nê Phi 11:25.

  22. 1 Nê Phi 8:12.

  23. 1 Nê Phi 8:26–27; xin xem thêm câu 33.

  24. Xin xem 1 Nê Phi 11:35–36; 12:18–19.

  25. 1 Nê Phi 8:33.

  26. 1 Nê Phi 8:28; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  27. Chủ Tịch Boyd K. Packer nói: “Phần lớn là vì truyền hình [và mạng Internet], thay vì không nhìn vào tòa nhà rộng lớn vĩ đại thì chúng ta thật sự sống ở bên trong đó” (“Finding Ourselves in Lehi’s Dream,” Liahona, tháng Tám năm 2010, 29).

  28. Trong cùng bài nói chuyện đó, Chủ Tịch Thomas S. Monson nói: “Tòa nhà rộng lớn và vĩ đại trong khải tượng của Lê Hi tượng trưng cho những người trên thế gian đang chế nhạo lời của Thượng Đế và chế giễu những người chấp nhận lời ấy và yêu mến Đấng Cứu Rỗi và sống theo các giáo lệnh.” (“Cầu Xin cho Các Em Có Can Đảm,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 126).

  29. 1 Nê Phi 8:33.

  30. 2 Ti Mô Thê 1:7–8.

  31. Từ cuộc chuyện trò riêng và từ một đoạn trích và phiên dịch từ bài nói chuyện về lịch sử của Alexander Davydov, được ghi lại vào ngày 16 tháng Bảy năm 2010.

  32. Giăng 14:15.

  33. Giáo Lý và Giao Ước 82:3.

  34. Môi Se 3:17.

  35. Xin xem 1 Nê Phi 19:9.

  36. Xin xem 2 Nê Phi 28:20.

  37. “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  38. Thomas S. Monson, Liahona, tháng Năm năm 2009, 126.

  39. Giăng 6:67.

  40. Giăng 6:68–69.