2010–2019
Suy Ngẫm về một Cuộc Đời Dâng Hiến
Tháng mười 2010


Suy Ngẫm về một Cuộc Đời Dâng Hiến

Thành công thật sự trong cuộc sống này đến từ việc dâng hiến cuộc sống của chúng ta—đó là thời giờ và những sự lựa chọn của chúng ta—cho các mục đích của Thượng Đế.

Khi còn nhỏ, tôi đã đi thăm Hội Chợ Thế Giới năm 1964 ở New York City. Một trong những điểm ngừng ưa thích của tôi là gian hàng của Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau với mô hình các ngọn tháp của Đền Thờ Salt Lake đầy ấn tượng. Lần đầu tiên ở đó, tôi đã xem cuốn phim Man’s Search for Happiness (Con Người Tìm Kiếm Hạnh Phúc). Cuốn phim đó mô tả kế hoạch cứu rỗi, do Anh Cả Richard L. Evans thuyết minh, đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với nhiều khách tham quan, kể cả tôi. Anh Cả Evans nói điều này trong số nhiều điều khác:

“Cuộc sống mang đến cho các anh chị em hai món quà quý báu—một là thời giờ và cái kia là sự tự do lựa chọn, tự do làm với thời giờ của mình điều mình muốn. Các anh chị em được tự do trao đổi thời giờ đã được định trước cho những điều ly kỳ. Các anh chị em có thể trao đổi thời giờ của mình cho những ước muốn thấp kém. Các anh chị em có thể đầu tư thời giờ của mình vào thói tham lam. …

“Các anh chị em được tự do để lựa chọn. Nhưng sẽ không có cơ hội tốt, vì trong những điều này các anh chị em không được mãn nguyện.

“Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút của cuộc sống trần thế của các anh chị em vào một lúc nào đó cần phải được báo cáo giải thích. Và chính là trong cuộc sống này mà các anh chị em bước đi bằng đức tin và tự chứng tỏ là có thể chọn điều tốt hơn là điều xấu, điều đúng hơn là điều sai, hạnh phúc lâu dài hơn là chỉ vui chơi. Và phần thưởng vĩnh cửu của các anh chị em sẽ tùy theo điều mình lựa chọn.

“Một vị tiên tri của Thượng Đế đã nói: ‘Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui’—một niềm vui gồm có cuộc sống trọn vẹn, một cuộc sống phục vụ tận tụy, yêu thương và hòa thuận trong nhà cũng như kết quả của việc lao động lương thiện—việc chấp nhận Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô—của những đòi hỏi và lệnh truyền của điều đó.

“Chỉ có trong những điều này các anh chị em mới tìm ra được chân hạnh phúc, hạnh phúc không phai tàn với ánh sáng, tiếng nhạc và đám đông.”1

Những lời nói này bày tỏ sự thật rằng cuộc sống của chúng ta trên thế gian là một sự quản lý thời giờ và những sự lựa chọn do Đấng Sáng Tạo của chúng ta ban cho. Từ quản lý nhắc nhở đến luật dâng hiến của Chúa (ví dụ, xin xem GLGƯ 42:32, 53), mà có một vai trò kinh tế, nhưng hơn thế nữa, là việc áp dụng luật thượng thiên vào cuộc sống hiện tại (xin xem GLGƯ 105:5). Dâng hiến là biệt riêng hoặc cung hiến một điều gì thiêng liêng, tận tụy cho các mục đích thiêng liêng. Thành công thật sự trong cuộc sống này đến từ việc dâng hiến cuộc sống của chúng ta—đó là thời giờ và những sự lựa chọn của chúng ta—cho các mục đích của Thượng Đế (xin xem Giăng 17:1, 4; GLGƯ 19:19). Khi làm như vậy, chúng ta để cho Ngài nâng chúng ta lên đến vận mệnh cao quý nhất của mình.

Tôi muốn cùng với các anh chị em cân nhắc năm yếu tố của một cuộc sống dâng hiến: sự thanh khiết, làm việc, tôn trọng thể xác của mình, phục vụ và liêm khiết.

Như Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy, cuộc sống dâng hiến là một cuộc sống thanh khiết. Trong khi Chúa Giê Su là Đấng duy nhất có cuộc sống vô tội, nhưng những người nào đến với Ngài cùng gánh lấy ách của Ngài đều có quyền thỉnh cầu ân điển của Ngài là ân điển sẽ làm cho họ giống như Ngài, vô tội và không tì vết. Với tình yêu thương sâu đậm, Chúa khuyến khích chúng ta trong những lời này: “Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng” (3 Nê Phi 27:20).

Do đó, sự dâng hiến có nghĩa là hối cải. Cần phải từ bỏ tính bướng bỉnh, nổi loạn và sự hợp lý hóa, và thay vào đó là sự tuân phục, ước muốn sửa đổi và chấp nhận tất cả những điều Chúa có thể đòi hỏi. Đây là điều mà Vua Bên Gia Min gọi là từ bỏ con người thiên nhiên, chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, và trở thành một thánh hữu “nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô là Chúa” (Mô Si A 3:19). Một người như thế được hứa sẽ có được Đức Thánh Linh hiện diện lâu dài, một lời hứa được ghi nhớ và tái lập mỗi lần một linh hồn hối cải dự phần Tiệc Thánh trong bữa ăn tối của Chúa (xin xem GLGƯ 20:77, 79).

Có lần Anh Cả B. H. Roberts bày tỏ tiến trình đó bằng những lời này: “Người nào bước đi như vậy trong ánh sáng, sự thông sáng và quyền năng của Thượng Đế, thì cuối cùng chính bằng cách tự mình kết hợp với điều đó sẽ làm cho ánh sáng, sự thông sáng và quyền năng của Thượng Đế thành của riêng mình—kết lại những tia nắng rực rỡ đó thành một sợi chuỗi thiêng liêng, tự liên kết vĩnh viễn với Thượng Đế và Thượng Đế với người ấy. Đây [là] phần tóm tắt những lời huyền nhiệm của Đấng Mê Si: ‘Như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha’—tức là thành quả lớn lao nhất mà con người có thể đạt được.”2

Một cuộc đời dâng hiến là một cuộc đời lao nhọc. Bắt đầu từ thời thơ ấu của Ngài, Chúa Giê Su đã làm việc với Cha Ngài (xin xem Lu Ca 2:48–49). Chính Thượng Đế đã được vinh hiển bởi việc làm của Ngài để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của con cái của Ngài (xin xem Môi Se 1:39). Chúng ta vốn mong muốn tham dự với Ngài trong việc làm của Ngài, và khi làm như vậy, chúng ta phải ghi nhận rằng tất cả những việc làm lương thiện là việc làm của Thượng Đế. Trong những lời của Thomas Carlyle: “Tất cả Việc Làm chân chính đều là thiêng liêng; trong tất cả Việc Làm chân chính, cho dù đó chỉ là công việc lao động chân tay lương thiện, thì cũng có một điều gì thiêng liêng. Bất cứ công việc lao động nào trên khắp thế gian đều dẫn đến Thiên Thượng và được tưởng thưởng trên Thiên Thượng.”3

Thượng Đế đã hoạch định rằng kinh nghiệm trần thế này phải hầu như đòi hỏi nỗ lực liên tục. Tôi nhớ lại lời nói giản dị của Tiên Tri Joseph Smith: “Nhờ làm việc liên tục, nên …chúng tôi đã có được một mức sống dễ chịu” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:55). Qua sự làm việc, chúng ta hỗ trợ và làm phong phú cuộc sống. Sự làm việc cho chúng ta có thể sống qua khỏi những nỗi thất vọng và thảm cảnh của kinh nghiệm trần thế. Thành quả đạt được một cách khó khăn mang đến một cảm giác tự trọng. Sự làm việc xây đắp và cải tiến cá tính, tạo ra vẻ đẹp đẽ, cũng là công cụ phục vụ của chúng ta cho nhau và cho Thượng Đế. Một cuộc sống dâng hiến đầy dẫy việc làm, đôi khi lặp đi lặp lại, đôi khi khiêm nhường, đôi khi không được đánh giá cao, nhưng luôn luôn là việc làm để cải tiến, sáng tạo và duy trì thứ tự, hỗ trợ, nâng cao, phục sự, khao khát những điều cao quý hơn.

Vì đã đưa ra lời ca tụng về lao động, tôi cũng cần phải thêm vào một lời tử tế cho vui. Cũng giống như công việc vất vả lương thiện mang đến sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, thì sự giải trí lành mạnh cũng là bạn bè và người bạn làm việc kiên định. Âm nhạc, văn chương, nghệ thuật, khiêu vũ, kịch nghệ, thể thao—tất cả đều có thể cung ứng thú giải trí để làm phong phú cuộc sống của một người và sau đó hiến dâng cuộc sống đó. Đồng thời, không cần phải nói rằng đa số thú giải trí ngày nay đều tồi tệ, thấp kém, hung bạo, làm tê liệt tâm trí và hoang phí thời giờ. Mỉa mai thay, đôi khi phải cố gắng nhiều mới tìm ra được thú giải trí lành mạnh. Khi thú giải trí thay đổi từ đức hạnh đến tội lỗi thì nó trở thành điều làm phá hoại cuộc đời dâng hiến. “Vậy nên, hãy thận trọng,… để các người không xét đoán lầm rằng những điều tà ác là do Thượng Đế” (Mô Rô Ni 7:14).

Một cuộc đời dâng hiến tôn trọng ân tứ không thể so sánh được của thể xác một người, một sự sáng tạo thiêng liêng theo chính hình ảnh của Thượng Đế. Một mục đích chính yếu của kinh nghiệm trần thế là mỗi linh hồn nhận được một thể xác như vậy và học cách sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức trong một thể xác. Một thể xác cũng cần thiết cho sự tôn cao mà chỉ đến từ việc kết hợp trọn vẹn thể xác và linh hồn, như chúng ta thấy nơi Chúa phục sinh yêu dấu của chúng ta. Trong thế giới suy đồi này, một số người sẽ chết non một cách đau đớn, một số thân thể sẽ bị tật nguyền, dị dạng hoặc vừa đủ để duy trì mạng sống, tuy nhiên cuộc sống sẽ đủ lâu đối với mỗi linh hồn, và mỗi thể xác sẽ hội đủ điều kiện để được phục sinh.

Những người nào tin rằng thân thể của chúng ta chỉ là kết quả của cơ hội tiến hóa thì sẽ cảm thấy không có trách nhiệm giải trình với Thượng Đế hoặc với bất cứ người nào khác về điều họ làm đối với thân thể của họ. Tuy nhiên, chúng ta là những người làm chứng về tính xác thật trọng đại hơn của tiền dương thế, trần thế và cuộc sống vĩnh cửu, cần phải công nhận rằng chúng ta có bổn phận đối với Thượng Đế liên quan đến thành quả hoàn thiện này về sự sáng tạo thể xác của Ngài. Phao Lô nói:

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?

“Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” (1 Cô Rinh Tô 6:19–20).

Khi công nhận những lẽ thật này và những điều hướng dẫn của Chủ Tịch Thomas S. Monson trong đại hội trung ương tháng Tư vừa qua, chúng ta chắc chắn không làm mất vẻ đẹp của thân thể mình, như với hình xăm, hoặc làm suy yếu thân thể mình với ma túy, hay làm ô uế thân thể mình như việc gian dâm, ngoại tình hay tính không đoan trang.4 Vì đó là công cụ của linh hồn mình, nên chúng ta cần phải hết sức chăm sóc thân thể này. Chúng ta cần phải dâng hiến tất cả khả năng của thân thể mình để phục vụ và xúc tiến công việc của Đấng Ky Tô. Phao Lô nói: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” (Rô Ma 12:1).

Chúa cho thấy rằng một cuộc đời dâng hiến là một cuộc đời phục vụ. Nhiều giờ trước khi nỗi thống khổ của Sự Chuộc Tội của Ngài bắt đầu, Chúa đã khiêm nhường rửa chân các môn đồ của Ngài, và phán cùng họ rằng:

“Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau.

“Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.

“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình, sứ giả cũng chẳng lớn hơn kẻ sai mình.” (Giăng 13:14–16).

Những người nào âm thầm và ân cần đi làm điều thiện thì đều là tấm gương dâng hiến. Không một ai trong thời kỳ chúng ta đã kết hợp chặt chẽ đặc điểm này vào cuộc sống hằng ngày như Chủ Tịch Thomas S. Monson. Ông đã trau dồi khả năng biết lắng nghe để có thể nhận thức được ngay cả lời thì thầm nhỏ nhẹ nhất của Thánh Linh báo cho biết nhu cầu của một người nào đó mà ông có thể tìm đến giúp đỡ. Ông thường đáp ứng bằng những hành động giản dị mà xác nhận tình yêu thương và sự chú ý thiêng liêng, nhưng Thomas Monson luôn luôn đáp ứng.

Tôi thấy trong cuộc sống của ông bà nội tôi, Alexander DeWitt và Louise Vickery Christofferson, một tấm gương như vậy về sự dâng hiến. Ông Nội tôi là một người mạnh khỏe và xén lông cừu rất giỏi trong thời kỳ trước khi có máy cắt bằng điện. Ông giỏi đến nỗi ông nói rằng “trong một ngày, tôi xén lông cho 287 con cừu và đáng lẽ có thể xén lông cho 300 con nhưng chúng tôi không còn cừu nữa.” Trong năm 1919, ông đã xén lông cho 12.000 con cừu, kiếm được khoảng 2.000 đô la. Số tiền đó đáng lẽ dùng để nới rộng nông trại của ông và nâng cấp căn nhà của ông, nhưng rồi một sự kêu gọi phục vụ tại Phái Bộ Truyền Giáo Southern States đến từ Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương và được Louise ủng hộ hoàn toàn, ông đã chấp nhận. Ông để lại vợ mình (lúc bấy giờ đang mang thai người con trai đầu lòng của họ là cha tôi) và ba người con gái với số tiền xén lông cừu. Khi ông vui mừng trở về hai năm sau, ông nhận xét: “Số tiền dành dụm của chúng tôi đã nuôi sống chúng tôi trong suốt hai năm và chúng tôi còn lại 29 đô la.”

Một cuộc đời dâng hiến là một cuộc đời liêm chính. Chúng ta thấy điều đó nơi cặp vợ chồng “biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn.”5 Chúng ta thấy điều đó nơi các bậc cha mẹ đã cho thấy ưu tiên số một là nuôi dưỡng hôn nhân của họ và đảm bảo sự an lạc về mặt vật chất lẫn thuộc linh của con cái họ. Chúng ta thấy điều đó nơi những người lương thiện.

Cách đây nhiều năm, tôi có quen biết với hai gia đình đang trong ở giai đoạn giải thể xí nghiệp thương mại do họ đồng sở hữu. Hai chủ nhân chính, hai người đàn ông là bạn và tín hữu của cùng một giáo đoàn Ky Tô hữu, đã thành lập công ty này nhiều năm trước đây. Họ có một mối quan hệ nói chung là hợp nhau với tư cách là hai người cộng sự kinh doanh, nhưng khi họ lớn tuổi hơn và thế hệ kế tiếp bắt đầu dự phần vào việc kinh doanh thì xảy ra xung đột. Cuối cùng, cả đôi bên đều quyết định rằng việc chia đôi tài sản và tách ra riêng là tốt nhất. Một trong hai người cộng sự đầu tiên nghĩ ra một mưu kế cùng với các luật sư của mình để bảo đảm một lợi thế tài chính đáng kể trong việc giải thể công ty do người cộng sự kia và các con trai của người ấy trả tiền phí tổn. Trong một buổi họp của đôi bên, một trong số mấy người con trai đã than phiền về cách xử lý không công bằng và viện dẫn danh dự cùng niềm tin Ky Tô hữu của người cộng sự đầu tiên. Người này nói: “Anh biết điều này là không đúng. “Làm thế nào anh có thể lợi dụng một người theo cách này, nhất là một người anh em trong cùng giáo hội?” Luật sư của người cộng sự đầu tiên đáp trả: “Thôi, khôn ra đi! Làm thế nào anh có thể ngây thơ như vậy được?”

Tính liêm chính không phải là ngây thơ. Ngây thơ có nghĩa chúng ta không chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi phán: “Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, ngõ hầu cho một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình, dù đó là việc thiện hay việc ác” (3 Nê Phi 27:14). Một người sống một cuộc sống dâng hiến không tìm cách lợi dụng một người khác mà trái lại, chịu đưa má bên kia cho họ vả, và nếu bị đòi lấy cái áo ngắn thì chịu đưa cho họ cái áo dài luôn (xin xem Ma Thi Ơ 5:39–40). Lời quở trách nghiêm khắc của Đấng Cứu Rỗi là nhằm vào những người đạo đức giả. Tính đạo đức giả có sức hủy diệt khủng khiếp, không những đối với người có tính đó mà còn đối với tất cả những người nhìn thấy hoặc biết về tư cách của người này, nhất là trẻ em. Tính đó hủy diệt đức tin, trong khi danh dự tạo ra môi trường cho hạt giống đức tin nẩy mầm.

Một cuộc đời dâng hiến là một điều đẹp đẽ. Sức mạnh và vẻ yên tĩnh của cuộc sống như vậy “sẽ làm cho họ giống như một cây sai trái, được trồng trên đất tốt lành, bên dòng suối trong, và kết được nhiều trái quý” (GLGƯ 97:9). Ảnh hưởng của một người nam hoặc một người nữ biết dâng hiến có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với những người khác, nhất là những người họ gần gũi và thân thiết nhất. Sự dâng hiến của nhiều người đã qua đời, và những người khác đang sống ở giữa chúng ta, đã giúp lập nền móng cho hạnh phúc của chúng ta. Tương tự như vậy, các thế hệ tương lai sẽ lấy can đảm từ cuộc sống dâng hiến của chúng ta, công nhận họ mắc nợ các anh chị em về việc có được tất cả những gì thật sự quan trọng. Cầu xin cho chúng ta tự dâng hiến với tư cách là các con trai và con gái của Thượng Đế; “để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy” (Mô Rô Ni 7:48; xin xem thêm 1 Giăng 3:2), tôi cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Man’s Search for Happiness (quyển sách nhỏ, 1969), 4–5.

  2. B. H. Roberts, “Brigham Young: A Character Study,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1903, 574.

  3. Thomas Carlyle, Past and Present (1843), 251.

  4. Xin xem Thomas S. Monson, “Sự Chuẩn Bị Mang Đến Các Phước Lành,” LiahonaEnsign, tháng Năm năm 2010, 64–67.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49; Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 102.