2010–2019
Linh Hồn Các Ngươi Sẽ Được Yên Nghỉ
Tháng mười 2010


Linh Hồn Các Ngươi Sẽ Được Yên Nghỉ

Việc tìm ra sự yên nghỉ cho linh hồn chúng ta gồm có sự bình an trong tâm trí, tức là kết quả của việc học hỏi và tuân theo giáo lý của Đấng Ky Tô.

Ở khu buôn bán kinh doanh Gothenburg, Thụy Điển, có một đại lộ với cây cối đẹp đẽ ở hai bên đường. Một ngày nọ, tôi thấy một cái lỗ trong một thân cây to, nên tôi tò mò nhìn vào bên trong và thấy rằng cái cây đó hoàn toàn rỗng ruột. Đúng thế, rỗng ruột, nhưng không trống rỗng! Nó chứa đầy các loại rác rưởi.

Tôi ngạc nhiên thấy rằng cái cây vẫn còn có thể đứng vững. Vậy nên tôi nhìn lên và thấy một sợi dây đai to bảng bằng thép quàng quanh phần trên của thân cây. Sợi dây đai được buộc vào vài sợi dây thép, và những sợi dây thép thì được buộc chặt vào các tòa nhà bên cạnh. Từ đằng xa, nó trông giống như những cái cây khác; chỉ khi nào có người nhìn vào bên trong mới có thể phát hiện ra là nó rỗng ruột thay vì là một thân cây rắn chắc, vững mạnh. Nhiều năm trước đó, một điều gì đã bắt đầu quá trình làm suy yếu thân cây một chút nơi này, một chút nơi kia. Điều đó không xảy ra một sớm một chiều. Tuy nhiên, giống như một cái cây non lớn lên dần dần thành một cái cây vững chắc, chúng ta cũng có thể phát triển dần dần trong khả năng của mình để được vững mạnh và tràn đầy từ trong ra ngoài, trái ngược với một cái cây rỗng ruột.

Chính là qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta mới có thể có được sức mạnh để đứng thẳng và vững vàng cũng như có được tâm hồn tràn đầy—ánh sáng, sự hiểu biết, niềm vui và tình yêu thương. Lời mời gọi của Ngài được đưa ra cho “mọi người … đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài” (2 Nê Phi 26:33). Lời hứa của Ngài là:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28–29).

Joseph F. Smith đã nói về sự yên nghỉ này: “Đối với tâm trí tôi, yên nghỉ có nghĩa là tiếp nhận sự hiểu biết và tình yêu thương của Thượng Đế, có được đức tin nơi mục đích và kế hoạch của Ngài, đến mức độ mà chúng ta biết là mình đúng, và rằng chúng ta không lùng kíếm một điều gì khác, chúng ta không bị dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, hoặc bị bối rối bởi những mưu chước tinh vi của con người, mà qua đó họ nằm chờ đợi để lừa gạt. Chúng ta biết về giáo lý thuộc Thượng Đế và chúng ta không đặt ra bất cứ câu hỏi nào của bất cứ ai về giáo lý đó; họ được phép có quan điểm, có ý kiến và ý nghĩ bất chợt đến. Người nào đã đạt được mức độ của đức tin đó nơi Thượng Đế để tất cả nỗi ngờ vực và sợ hãi đã được cất khỏi người ấy thì người ấy đã bước vào ‘nơi yên nghỉ của Thượng Đế’” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 56).

Việc tìm ra sự yên nghỉ cho linh hồn chúng ta gồm có sự bình an trong tâm trí, tức là kết quả của việc học hỏi và tuân theo giáo lý của Đấng Ky Tô, cũng như trở thành đôi tay dang rộng của Đấng Ky Tô trong việc phục vụ và giúp đỡ người khác. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và việc tuân theo những lời giảng dạy của Ngài mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc và niềm hy vọng này trở thành một chiếc neo chắc chắn cho linh hồn của chúng ta. Chúng ta có thể trở nên bền bỉ và bất di bất dịch. Chúng ta có thể có được sự bình an lâu dài ở bên trong; chúng ta có thể bước vào chốn an nghỉ của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta tránh xa khỏi ánh sáng và lẽ thật, thì một cảm nghĩ trống rỗng, giống như thân cây rỗng ruột, sẽ chiếm lấy đáy sâu tâm hồn của chúng ta và chúng ta còn có thể cố gắng làm tràn đầy sự trống rỗng đó với những điều không có giá trị lâu dài.

Khi suy xét về cuộc sống của chúng ta khi còn là con cái linh hồn trước khi đến thế gian và sự bất diệt trong cuộc sống mai sau, thì cuộc sống trên thế gian này quả thật chỉ là một giây phút ngắn ngủi.

Tuy nhiên, đây là thời kỳ thử thách mà cũng là thời cơ khi chúng ta chọn tuân theo lời mời gọi để không phí phạm những ngày tháng thử thách của mình (xin xem 2 Nê Phi 9:27). Những ý nghĩ chúng ta giữ trong tâm trí mình, cảm nghĩ chúng ta nuôi dưỡng trong lòng mình, và hành động chúng ta chọn làm đều sẽ có một ảnh hưởng quyết định đối với cuộc sống của chúng ta, ở nơi đây lẫn mai sau.

Một thói quen hữu ích là nâng tầm nhìn của chúng ta hằng ngày nhằm duy trì một viễn cảnh vĩnh cửu về những điều chúng ta hoạch định và làm, nhất là nếu chúng ta phát hiện ra khuynh hướng chờ đợi cho đến ngày mai để làm điều chúng ta biết cần phải theo đuổi trong khi chúng ta có được ngày hôm nay.

Dọc theo con đường của mình, chúng ta được giúp đỡ trong khi mình lựa chọn qua ảnh hưởng hỗ trợ của Thánh Linh. Giờ đây, nếu chọn hành động trái với ánh sáng và sự hiểu biết mình có, thì chúng ta sẽ có một lương tâm xấu mà dĩ nhiên không cảm thấy tốt. Nhưng một lương tâm xấu là một phước lành trong đó chúng ta lập tức nhớ đó là lúc phải hối cải. Khi khiêm nhường và ước muốn làm điều đúng, chúng ta sẽ khao khát hành động nhanh chóng để thay đổi con đường của mình, trong khi những người kiêu ngạo và những người có thể tìm cách “tự tạo nên luật pháp” (GLGƯ 88:35) sẽ cho phép Sa Tan dẫn dắt “buộc cổ họ bằng dây gai mà dẫn đi, cho đến khi nào nó trói được họ mãi mãi bằng dây thừng chắc chắn của nó” (2 Nê Phi 26:22) trừ phi tinh thần hối cải xâm chiếm tâm hồn họ. Việc đi theo những ảnh hưởng xấu xa không bao giờ có thể đưa đến một cảm nghĩ bình an, chỉ vì sự bình an là một ân tứ từ Thượng Đế và chỉ đến qua Thánh Linh của Thượng Đế. “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10).

Trong những hành động hằng ngày của chúng ta, thường thì những điều nhỏ nhặt tầm thường sẽ có ảnh hưởng lâu dài (xin xem An Ma 37:6–7). Điều chúng ta nói, cách chúng ta hành động và cách chúng ta chọn để phản ứng sẽ ảnh hưởng không những đối với bản thân mình mà còn đối với những người xung quanh mình. Chúng ta có thể xây dựng hoặc chúng ta có thể đạp đổ. Một ví dụ đơn giản và xác thực là câu chuyện được kể lại về bà nội của tôi. Bà sai một đứa con nhỏ của bà đi mua mấy quả trứng. Đứa con được tin cậy có lẽ quá đỗi vui vẻ trên đường về nhà, nhưng hầu hết mấy quả trứng bị bể khi về đến nhà. Một người bạn của gia đình có mặt vào lúc đó và khuyên bà nội tôi nên rầy la đứa con đã không có ý tứ đó. Thay vì thế, Bà Nội điềm tĩnh và đầy sáng suốt nói rằng: “Không, điều đó sẽ không làm cho trứng nguyên vẹn lại được. Chúng ta sẽ chỉ dùng những gì mình có và làm một vài cái bánh kếp để có thể cùng nhau ăn.”

Khi chúng ta học được cách giải quyết những điều nhỏ nhặt tầm thường hằng ngày một cách sáng suốt và đầy soi dẫn, thì kết quả là một ảnh hưởng tích cực mà sẽ làm cho sự hòa thuận được vững chắc trong tâm hồn chúng ta và xây dựng cùng củng cố những người xung quanh mình. Sự việc được như thế là vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện “đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô đưa lại; vậy nên [chúng ta] có thể hiểu biết một cách rõ ràng rằng điều đó do Thượng Đế mà ra” (Mô Rô Ni 7:16).

Giờ đây, cái cây rỗng ruột mà tôi kể cho các anh chị em nghe đã không còn đứng được nữa. Một số thiếu niên đốt pháo trong khoảng trống của thân cây, khiến cho cái cây bốc cháy. Nó không còn có thể được cứu nữa và phải bị đốn ngã. Hãy coi chừng những điều sẽ gây hủy diệt từ trong ra ngoài, cho dù lớn hay nhỏ! Chúng có thể có một hậu quả đầy hủy diệt và gây ra cái chết thuộc linh.

Thay vì thế, chúng ta hãy tập trung vào những điều sẽ hỗ trợ một sự bình an lâu dài trong tâm trí. Rồi “niềm tin của chúng ta [sẽ] vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế” (GLGƯ 121:45). Lời hứa bước vào nơi yên nghỉ của Chúa để nhận được ân tứ bình an, thì vượt quá sự thỏa mãn tạm thời của thế gian. Thật là một ân tứ thiêng liêng: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27). Ngài có quyền năng chữa lành và củng cố con người. Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà tôi làm chứng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.