2010–2019
Ân Tứ Thiêng Liêng về Lòng Biết Ơn
Tháng mười 2010


Ân Tứ Thiêng Liêng về Lòng Biết Ơn

Một tấm lòng biết ơn đến từ việc bày tỏ lòng biết ơn lên Cha Thiên Thượng về các phước lành của Ngài và những người xung quanh chúng ta về tất cả những gì họ mang vào cuộc sống của chúng ta.

Đây thật là một phiên họp tuyệt diệu. Khi được chỉ định làm Chủ Tịch của Giáo Hội, tôi nói: “Tôi sẽ nhận một nhiệm vụ cho mình. Tôi sẽ là người cố vấn cho Đại Ca Đoàn Tabernacle.” Tôi rất hãnh diện về ca đoàn của tôi!

Mẹ tôi có lần đã nói với tôi: “Tommy, mẹ rất hãnh diện về tất cả những gì con đã làm. Nhưng mẹ có một lời đề nghị cho con. Con vẫn phải chơi dương cầm.”

Vậy nên tôi đi đến cây dương cầm và chơi một bản nhạc cho bà: “Đây chúng ta đi, [đây chúng ta đi] đến buổi tiệc sinh nhật.”1 Rồi tôi hôn lên trán bà, và bà ôm chặt tôi.

Tôi nhớ đến mẹ tôi. Tôi nhớ đến cha tôi. Tôi nhớ đến tất cả Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã ảnh hưởng đến tôi, và những người khác, kể cả các góa phụ tôi đi thăm—85 người—với một con gà để nướng trong lò, đôi khi một chút tiền cho họ.

Một đêm khuya nọ, tôi đi thăm một người. Lúc đó là nửa đêm, tôi đi đến viện dưỡng lão, và người ngồi ở bàn tiếp khách nói: “Tôi chắc là bà ấy đã ngủ rồi, nhưng bà nói với tôi đừng quên đánh thức bà dậy, vì bà nói: ‘Tôi biết là anh ấy sẽ đến.’”

Tôi nắm tay bà; bà gọi tên tôi. Bà vẫn còn thức. Bà ép tay tôi vào môi bà và nói: “Tôi biết là anh sẽ đến mà.” Làm sao mà tôi không đến được chứ?

Âm nhạc tuyệt vời cảm động lòng tôi theo cách đó.

Các anh chị em thân mến, chúng ta đã nghe được nhiều sứ điệp đầy soi dẫn về lẽ thật, hy vọng và tình yêu thương. Những ý nghĩ của chúng ta hướng về Ngài là Đấng chuộc tội lỗi của chúng ta, là Đấng chỉ cho chúng ta thấy cách sống và cách cầu nguyện, cũng là Đấng cho thấy bằng chính hành động của Ngài các phước lành của sự phục vụ—chính là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong sách Lu Ca, chương 17, chúng ta đọc về Ngài:

“Đức Chúa Giê Su đang lên thành Giê Ru Sa Lem, trải qua bờ cõi xứ Sa Ma Ri và Ga Li Lê.

“Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa,

“lên tiếng rằng: Lạy Giê Su, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!

“Khi Ngài thấy họ liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đang đi thì phung lành hết thảy.

“Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời;

“Lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Giê Su, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Sa Ma Ri.

“Đức Chúa Giê Su bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu?

“Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư!

“Ngài lại phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.”2

Nhờ Chúa can thiệp, những người phung đã được cứu khỏi cái chết thảm khốc, dai dẳng và được ban cho một cuộc sống mới. Lòng biết ơn của một người đáng được phước lành của Đấng Chủ Tể trong khi sự vô ơn của chín người kia đã làm cho Ngài thất vọng.

Thưa các anh chị em, chúng ta có nhớ tạ ơn về các phước lành chúng ta nhận được không? Việc chân thành tạ ơn không những giúp chúng ta nhìn nhận các phước lành của mình mà còn mở cánh cửa thiên thượng và giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế.

Người bạn yêu dấu của tôi, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, nói: “Khi sống với lòng biết ơn, thì các anh chị em không sống với tính kiêu ngạo, mối lo âu và tính ích kỷ; các anh chị em sống với tinh thần tạ ơn thích hợp với con người của mình và sẽ ban phước cho cuộc sống của các anh chị em.”3

Trong sách Ma Thi Ơ của Kinh Thánh, chúng ta có một câu chuyện khác về lòng biết ơn, lần này là sự bày tỏ từ Đấng Cứu Rỗi. Trong khi Ngài đi vào đồng vắng trong ba ngày, có hơn 4.000 người đi theo và đi với Ngài. Ngài động lòng trắc ẩn đối với họ, vì họ đã không ăn trong suốt ba ngày. Tuy nhiên, các môn đồ của Ngài hỏi: “Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?” Giống như nhiều người trong chúng ta, các môn đồ chỉ thấy điều thiếu hụt.

“Ngài phán hỏi môn đồ rằng: Các ngươi có mấy cái bánh? Môn đồ thưa rằng: Có bảy cái bánh, cùng vài con cá.

“Ngài bèn biểu dân chúng ngồi xuống đất.

“Đoạn Ngài lấy bảy cái bánh và cá; tạ ơn rồi, bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phân phát cho dân chúng.”

Hãy lưu ý rằng Đấng Cứu Rỗi tạ ơn về thứ Ngài và dân chúng đã có—và một phép lạ theo sau: “Ai nấy ăn no cả, còn bánh thừa lượm được bảy giỏ đầy.”4

Chúng ta đều trải qua những lúc chúng ta chú trọng đến điều thiếu hụt, thay vì đến các phước lành của mình. Nhà triết học người Hy Lạp Epictetus nói: “Kẻ nào khôn ngoan không buồn phiền vì những điều mình không có, mà hân hoan vì những điều mình có.”5

Lòng biết ơn là một nguyên tắc thiêng liêng. Qua một điều mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith, Chúa phán:

“Các ngươi phải tạ ơn Chúa Thượng Đế của các ngươi về mọi việc. …

“Và loài người không xúc phạm Thượng Đế trong bất cứ việc gì, hay Ngài cũng không nổi giận với ai, ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc.”6

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta được bảo phải “sống trong sự tạ ơn hằng ngày, về nhiều phước lành và sự thương xót mà [Thượng Đế] đã ban cho các người.”7

Dù hoàn cảnh của chúng ta ra sao chăng nữa, mỗi người chúng ta có rất nhiều điều để biết ơn nếu chúng ta chịu ngừng lại và suy ngẫm về các phước lành của mình.

Đây là một thời kỳ tuyệt diệu để sống trên thế gian. Trong khi có rất nhiều điều sai quấy trên thế gian ngày nay, nhưng cũng có nhiều điều đúng và tốt. Có những cuộc hôn nhân thành công, cha mẹ yêu thương con cái của họ và hy sinh cho chúng, bạn bè quan tâm và giúp đỡ chúng ta, những giảng viên giảng dạy. Cuộc sống của chúng ta được ban phước trong vô số cách thức.

Chúng ta có thể tự nâng mình lên, và những người khác nữa, khi chúng ta từ chối tiếp tục có những ý nghĩ tiêu cực và trau dồi bên trong lòng mình một thái độ biết ơn. Nếu sự vô ơn được liệt vào trong số các tội lỗi nghiêm trọng, thì lòng biết ơn là đức hạnh cao quý nhất trong số các đức hạnh. Một người nào đó đã nói rằng “lòng biết ơn không những là đức hạnh cao quý nhất trong số các đức hạnh mà còn là nguồn gốc của tất cả các đức hạnh khác.”8

Làm thế nào chúng ta có thể trau dồi bên trong lòng mình một thái độ biết ơn? Chủ Tịch Joseph F. Smith, Vị Chủ Tịch thứ sáu của Giáo Hội, đã đưa ra một câu trả lời. Ông nói: “Người có lòng biết ơn thấy rất nhiều điều trên thế gian để cảm tạ và đối với người ấy, thì có nhiều điều tốt lành hơn là điều xấu xa. Tình yêu thương chế ngự tính ganh ghét và ánh sáng xua tan bóng tối ra khỏi cuộc sống của người ấy.” Ông nói tiếp: “Tính kiêu ngạo hủy diệt lòng biết ơn và thay thế bằng tính ích kỷ. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn biết bao đối với sự hiện diện của một người có lòng biết ơn và nhân ái, và qua một cuộc sống thành tâm, chúng ta sẽ cẩn thận biết bao để trau dồi một thái độ biết ơn đối với Thượng Đế và con người!”9

Chủ Tịch Smith nói cho chúng ta biết rằng một cuộc sống thành tâm là bí quyết cho việc có được lòng biết ơn.

Những của cải vật chất có làm cho chúng ta hạnh phúc và biết ơn không? Có lẽ tạm thời thôi. Tuy nhiên, những điều mang đến hạnh phúc sâu đậm và lâu dài là những điều mà tiền bạc không thể mua được: gia đình chúng ta, phúc âm, những người bạn tốt, sức khỏe, khả năng và tình yêu thương chúng ta nhận được từ những người xung quanh mình. Rủi thay, có một số trong những điều này chúng ta tự cho phép mình xem là điều đương nhiên.

Tác giả người Anh Aldous Huxley đã viết: “Đa số con người có một khả năng hầu như vô hạn để xem điều mình có được là đương nhiên.”10

Chúng ta thường xem chính những người xứng đáng nhất với lòng biết ơn của chúng ta là đương nhiên. Chúng ta đừng chờ cho đến khi quá muộn để bày tỏ lòng biết ơn đó. Khi nói về những người thân của mình đã qua đời, một phụ nữ nói về cảm giác hối tiếc của mình như sau: “Tôi nhớ những ngày hạnh phúc đó và thường ước mong tôi đã có thể nói vào tai của những người qua đời những lời biết ơn mà họ đáng được nhận khi họ còn sống nhưng hiếm khi nhận được.”11

Việc mất đi những người thân gần như chắc chắn mang đến cảm giác hối tiếc cho lòng chúng ta. Chúng ta hãy giảm tối thiểu những cảm nghĩ như vậy của con người bằng cách thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn của mình đối với họ. Chúng ta không bao giờ biết được là lúc nào thì quá muộn màng.

Vậy thì, một tấm lòng biết ơn đến từ việc bày tỏ lòng biết ơn lên Cha Thiên Thượng về các phước lành của Ngài và với những người xung quanh chúng ta về tất cả những gì họ mang vào cuộc sống của chúng ta. Điều này đòi hỏi nỗ lực có ý thức—ít nhất cho đến khi chúng ta thật sự biết được và trau dồi một thái độ biết ơn. Chúng ta thường cảm thấy biết ơn và có ý định nói lời cám ơn nhưng lại quên làm hoặc không làm. Một số người đã nói rằng khi cảm thấy biết ơn nhưng không nói cám ơn thì giống như gói một món quà nhưng không đưa tặng.12

Khi chúng ta chạm trán với những thử thách và vấn đề trong cuộc sống của mình, thì thường khó cho chúng ta chú tâm đến các phước lành của mình. Tuy nhiên, nếu đủ siêng năng để tìm kiếm thì chúng ta sẽ có thể cảm thấy và nhận ra rằng mình đã được ban cho nhiều biết bao.

Tôi chia sẻ với các anh chị em một câu chuyện về một gia đình nọ đã có thể tìm ra những phước lành trong lúc thử thách nặng nề. Đây là câu chuyện tôi đọc cách đây nhiều năm và đã giữ câu chuyện đó vì sứ điệp chứa đựng trong đó. Câu chuyện do Gordon Green viết và được đăng trên một tạp chí Mỹ cách đây hơn năm mươi năm.

Gordon kể rằng ông đã lớn lên trong một nông trại ở Canada như thế nào, nơi mà ông và anh chị em của ông phải vội vã về nhà sau khi đi học về trong khi những đứa trẻ khác chơi banh và đi bơi lội. Tuy nhiên, cha của họ đã có khả năng giúp họ hiểu rằng công việc của họ đáng giá cho một điều gì đó. Đặc biệt đúng như vậy, sau mùa gặt, khi gia đình họ ăn mừng lễ Tạ Ơn, vì vào ngày đó, cha của họ cho họ một món quà lớn. Ông bảo họ phải kiểm kê lại mọi thứ mà họ có.

Vào buổi sáng ngày lễ Tạ Ơn, cha của họ dẫn họ đến cái hầm chứa các thùng táo, cây củ cải đường, cà rốt bọc trong cát và đống bao khoai tây, cũng như đậu Hà Lan, bắp, đậu đũa, mứt dâu và những thứ mứt trái cây khác nằm đầy trên kệ tủ của họ. Ông bảo mấy đứa con đếm kỹ mọi thứ. Rồi họ đi ra ngoài kho thóc và tính xem có bao nhiêu tấn cỏ khô và bao nhiêu giạ thóc trong kho thóc. Họ đã đếm những con bò, heo, gà, gà tây và ngỗng. Cha của họ nói rằng ông muốn thấy họ có bao nhiêu thức ăn và đồ cần dùng, nhưng họ biết rằng vào cái ngày có yến tiệc đó, ông thật sự muốn họ biết được Thượng Đế đã ban phước cho họ dồi dào biết bao và đã tưởng thưởng cho tất cả những giờ làm việc của họ. Cuối cùng, họ ngồi xuống ăn tiệc do mẹ của họ chuẩn bị, các phước lành là một điều gì đó mà họ cảm nhận được.

Tuy nhiên, Gordon cho biết rằng lễ Tạ Ơn ông nhớ với lòng biết ơn nhiều nhất là cái năm mà dường như họ không có thứ gì để tạ ơn cả.

Năm ấy bắt đầu rất tốt: họ có cỏ khô còn dư, nhiều hạt giống, bốn chuồng heo; và cha của họ có một ít tiền dành dụm để một ngày nào đó ông có thể có đủ khả năng để mua một cái máy nâng cỏ khô—một cái máy tuyệt diệu mà đa số các nhà nông đều mơ ước có được. Đó cũng là cái năm mà điện được câu vào thị trấn của họ—mặc dù không được câu vào nhà họ, vì họ không có đủ khả năng để có điện.

Một đêm nọ, khi mẹ của Gordon đang giặt một đống quần áo, thì cha của ông bước vào và đến phiên ông giặt đồ trên ván giặt và bảo vợ ông đi nghỉ và đi đan đồ của bà. Ông nói: “Em đã dành nhiều thời giờ để giặt đồ hơn là ngủ. Em có nghĩ là chúng ta nên tính lại và cho câu điện vào nhà không?” Mặc dù vui mừng trước triển vọng đó, nhưng mẹ tôi cũng rớm nước mắt khi bà nghĩ đến cái máy nâng cỏ khô mà sẽ không mua được.

Vậy nên năm đó, đường dây điện được câu vào nhà họ. Họ đã mua một cái máy giặt tự động chạy suốt ngày dù cái máy cũng chẳng có gì kiểu cách, và những cái bóng đèn sáng rực lủng lẳng từ mỗi trần nhà. Không còn đèn để đổ dầu vào, không còn bấc đèn để cắt, không còn ống khói đầy bồ hóng để chùi rửa. Mấy cây đèn dầu được nhanh chóng dẹp vào căn gác.

Việc câu điện vào nông trại của họ gần như là điều tốt cuối cùng xảy ra cho họ vào năm đó. Ngay khi hoa màu của họ bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất, thì mưa bắt đầu đổ xuống. Cuối cùng, khi nước rút đi thì không còn một cây nào sống sót ở đâu cả. Họ trồng trọt lại, nhưng thêm mưa đổ xuống làm các cây hoa màu của họ bị đổ hết xuống đất. Khoai tây của họ mục nát trong bùn. Họ bán đi hai con bò và tất cả các con heo cùng tất cả các gia súc khác mà họ có ý định giữ lại, ra giá rất thấp cho những con vật đó vì mọi người khác đều phải làm như vậy cả. Tất cả vụ mùa của họ vào năm đó chỉ còn lại một thửa củ cải mà bằng cách nào đó đã vượt qua được giông bão.

Rồi lễ Tạ Ơn lại đến. Mẹ của họ nói: “Có lẽ tốt nhất là chúng ta nên quên lễ đó đi năm nay. Chúng ta còn không có một con ngỗng nữa.”

Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày lễ Tạ Ơn, cha của Gordon có mặt với một con thỏ rừng và bảo vợ mình nấu. Bà miễn cưỡng bắt đầu và cho biết rằng sẽ mất một thời gian dài để nấu loại thịt thỏ rất dai đó. Cuối cùng khi bàn ăn đã dọn ra với một số củ cải còn sót lại, mấy đứa con từ chối không ăn. Mẹ của Gordon khóc và rồi cha của ông đã làm một điều lạ lùng. Ông đi lên gác, lấy một cây đèn dầu, mang nó xuống để trên bàn và thắp nó lên. Ông bảo con cái tắt đèn điện. Khi chỉ còn lại cây đèn dầu, họ khó có thể tin rằng trước đó nhà của họ đã tối như vậy. Họ tự nghĩ làm sao họ đã có thể thấy được mọi thứ mà không có ánh đèn nhờ vào điện đã được sáng rực.

Thức ăn được ban phước và mọi người đều ăn. Sau bữa ăn, họ cùng nhau ngồi yên lặng. Gordon viết:

“Trong cảnh lờ mờ tối của cây đèn dầu cũ kỹ, chúng tôi đã có thể thấy rõ ràng lại. …

“Đó là một bữa ăn tuyệt vời. Con thỏ rừng ăn giống như gà tây, và củ cải đường là ngon nhất như chúng tôi có thể nhớ được. …

“… Mái gia đình [của chúng tôi] …, tuy thiếu thốn mọi bề, nhưng rất giàu có [đối với] chúng tôi.”13

Thưa các anh chị em, việc bày tỏ lòng biết ơn là điều lịch sự và đáng kính; hành động với lòng biết ơn là quảng đại và cao quý; nhưng mãi mãi sống với sự biết ơn trong lòng mình là cảm thấy như đạt tới thiên thượng.

Khi kết thúc vào buổi sáng hôm nay, tôi cầu nguyện rằng ngoài tất cả những điều khác mà chúng ta biết ơn, cầu xin cho chúng ta mãi mãi cho thấy lòng biết ơn của mình với Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Phúc âm vinh quang của Ngài cung ứng những câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống: Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Linh hồn của chúng ta đi đâu khi chúng ta chết? Phúc âm đó mang lại ánh sáng của lẽ thật thiêng liêng cho những người sống trong bóng tối.

Ngài dạy chúng ta cách cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cách sống. Ngài dạy chúng ta cách chết. Cuộc sống của Ngài là một di sản tình thương. Ngài chữa lành người bệnh; Ngài nâng đỡ người bị áp bức; Ngài cứu người phạm tội.

Cuối cùng, Ngài đứng một mình. Một số Sứ Đồ nghi ngờ; một người phản bội Ngài. Quân lính La Mã đâm thủng sườn Ngài. Đám đông giận dữ lấy mạng sống Ngài. Tuy nhiên những lời đầy trắc ẩn của Ngài vang lên từ đồi Sọ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”14

“Người sầu khổ và từng trải sự ưu phiền” này là ai?15 “Vua vinh hiển này là ai?”16 Chúa của các chúa này là ai? Ngài là Đấng Chủ Tể. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài là cội rễ của sự cứu rỗi chúng ta. Ngài ra hiệu: “Hãy theo ta.”17 Ngài chỉ dẫn: “Hãy đi, làm theo như vậy.”18 Ngài khẩn nài: “Giữ gìn các điều răn ta.” 19

Chúng ta hãy noi theo Ngài. Chúng ta hãy bắt chước theo gương Ngài. Chúng ta hãy vâng theo lời Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta dâng lên Ngài ân tứ thiêng liêng về lòng biết ơn.

Lời cầu nguyện chân thật và thành tâm của tôi là chúng ta có thể, trong cuộc sống cá nhân của mình, cho thấy đức hạnh về lòng biết ơn kỳ diệu đó. Cầu xin cho lòng biết ơn thấm sâu vào tâm hồn chúng ta bây giờ và mãi mãi. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. John Thompson, “Birthday Party,” Teaching Little Fingers to Play (1936), 8.

  2. Lu Ca 17:11–19

  3. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 250.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 15:32–38; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. The Discourses of Epictetus; with the Encheiridion and Fragments, trans. George Long (1888), 429.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 59:7, 21.

  7. An Ma 34:38.

  8. Cicero, trong A New Dictionary of Quotations on Historical Principles, do H. L. Mencken tuyển chọn (1942), 491.

  9. Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 263.

  10. Aldous Huxley, Themes and Variations (1954), 66.

  11. William H. Davies, The Autobiography of a Super-Tramp (1908), 4.

  12. William Arthur Ward, trong Allen Klein, biên soạn, Change Your Life! (2010), 15.

  13. Phỏng theo H. Gordon Green, “The Thanksgiving I Don’t Forget,” Reader’s Digest, tháng Mười Một năm 1956, 69–71.

  14. Luke 23:34.

  15. Ê Sai 53:3.

  16. Thi Thiên 24:8.

  17. Ma Thi Ơ 4:19.

  18. Lu Ca 10:37.

  19. Giăng 14:15.