2010–2019
Tôi Tin ở Sự Lương Thiện, Chân Thành
Tháng tư 2011


Tôi Tin ở Sự Lương Thiện, Chân Thành

Trung thành với niềm tin của chúng ta—ngay cả khi việc đó không phải là điều phổ biến, dễ dàng hoặc thú vị—sẽ giữ chúng ta an toàn trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.

Các em thiếu nữ thân mến, đây là đặc ân và cơ hội lớn lao đối với tôi để đứng trước các em vào buổi tối hôm nay. Các em tạo nên một khung cảnh tuyệt vời và đầy cảm hứng.

Tín điều thứ mười ba là chủ đề của Hội Hỗ Tương Thanh Niên Thiếu Nữ Năm 2011. Khi tham dự các buổi họp và lễ Tiệc Thánh của giới trẻ năm nay, tôi đã nghe các thiếu niên và thiếu nữ chia sẻ tín điều thứ mười ba có ý nghĩa gì đối với họ và cách áp dụng tín điều đó vào cuộc sống của họ. Có nhiều người biết đó là tín điều cuối cùng, dài nhất, khó nhớ nhất và là tín điều mà họ hy vọng rằng vị giám trợ sẽ không bảo họ đọc thuộc lòng. Tuy nhiên, nhiều người trong các em cũng hiểu được rằng tín điều thứ mười ba còn có ý nghĩa nhiều hơn nữa.

Tín điều thứ mười ba là một điều hướng dẫn cho cuộc sống Ky Tô hữu ngay chính. Hãy tưởng tượng trong một giây lát về thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu mọi người đều chọn sống theo những điều giảng dạy trong tín điều thứ mười ba: “Chúng tôi tin ở sự lương thiện, chân thành, trinh khiết, bác ái, đạo đức và làm điều thiện cho tất cả mọi người; thật vậy, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi theo lời khuyên răn của Phao Lô—Chúng tôi tin tất cả mọi điều, chúng tôi hy vọng tất cả môi điều, chúng tôi đã chịu đựng được nhiều điều, và hy vọng có thể chịu đựng được tất cả mọi điều. Nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen, thì chúng tôi theo đuổi những điều này.”

Trong bài nói chuyện tại đại hội trung ương vào sáng Chúa Nhật đầu tiên, với tư cách là vị tiên tri, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã trích dẫn lời dạy củaPhao Lô trong Phi Líp 4:8, mà đã gây cảm hứng cho nhiều nguyên tắc trong tín điều thứ mười ba. Chủ Tịch Monson đã nhìn nhận thời điểm khó khăn mà chúng ta đang sống và đưa ra lời khuyến khích. Ông nói:“Trong cuộc hành trình đôi khi thật bấp bênh này xuyên qua cuộc sống trần thế, cầu mong chúng ta … tuân theo lời khuyên từ Sứ Đồ Phao Lô mà sẽ giúp giữ chúng ta được an toàn và đi đúng đường.”1

Buổi tối hôm nay, tôi xin được tập trung vào hai nguyên tắc liên quan chặt chẽ với nhau trong tín điều thứ mười ba mà nhất định giúp “giữ chúng ta được an toàn và đi đúng đường.” Tôi có một chứng ngôn và cam kết vững mạnh về hai nguyên tắc quan trọng này về sự lương thiện và chân thành.

Trước hết, “[Tôi] tin ở sự lương thiện.” Lương thiện có nghĩa là gì? Quyển sách nhỏ Trung Thành cùng Đức Tin dạy: “Lương thiện có nghĩa là luôn luôn thành thật, chân thật và không gian dối.”2 Thượng Đế truyền lệnh phải sống lương thiện, 3 và “sự lương thiện hoàn toàn là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta.”4

Chủ Tịch Howard W. Hunter dạy rằng chúng ta cần phải sẵn lòng để hoàn toàn lương thiện. Ông nói:

“Cách đây vài năm, có những tấm bích chương trong phòng đợi và lối vào của giáo đường chúng tôi có ghi:‘Hãy Lương Thiện với Bản Thân Mình.’ Đa số những tấm bích chương này nói đến những điều nhỏ nhặt bình thường của đời sống. Đây chính là nơi trau dồi các nguyên tắc lương thiện.

“Có một số người sẽ thừa nhận rằng sự bất lương trong những điều lớn lao là sai trái về mặt đạo đức, nhưng lại tin rằng sự bất lương đó có thể tha thứ được nếu là trong những điều ít quan trọng hơn. Thật sự có gì khác biệt giữa sự bất lương dính líu đến một ngàn đô la hoặc sự bất lương chỉ liên quan đến mười xu không? … Thật sự có những mức độ bất lương, tùy thuộc vào vấn đề lớn hoặc nhỏ không?”

Chủ Tịch Hunter tiếp tục dạy rằng: “Nếu muốn có được sự đồng hành của Đức Thầy và Đức Thánh Linh, thì chúng ta cần phải lương thiện với bản thân mình, lương thiện với Thượng Đế và với đồng bào của mình. Điều này đưa đến niềm vui đích thực.”5

Khi lương thiện trong mọi điều, lớn lẫn nhỏ, chúng ta có được bình an trong tâm trí và một lương tâm trong sáng. Những mối quan hệ của chúng ta được tốt đẹp hơn vì chúng dựa vào sự tin cậy. Và phước lành lớn nhất đến từ sự lương thiện là chúng ta có thể có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh.

Tôi xin chia sẻ một câu chuyện giản dị mà đã củng cố sự cam kết của tôi để luôn lương thiện trong mọi điều:

“Một buổi tối nọ, có một người đi ăn trộm bắp từ ruộng bắp của người láng giềng của mình. Người ấy dẫn theo đứa con trai nhỏ của mình để nó ngồi trên hàng rào và canh chừng, rồi báo động trong trường hợp có ai đi đến. Người ấy trèo qua hàng rào với một cái bao lớn quàng vào tay, và trước khi bắt đầu lấy bắp thì người ấy nhìn quanh, trước hết nhìn bên này rồi kế đến nhìn bên kia, và không thấy ai nên người ấy đang định bỏ bắp vào đầy bao. … [Rồi đứa con kêu lên]:

“‘Cha ơi, có một chỗ mà cha chưa nhìn! … Cha quên nhìn lên trên rồi.’”6

Khi bị cám dỗ để bất lương, và sự cám dỗ này đến với tất cả chúng ta, thì chúng ta có thể tưởng rằng không một ai sẽ biết cả. Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ rằng Cha Thiên Thượng luôn luôn biết, và cuối cùng chúng ta chịu trách nhiệm với Ngài. Sự hiểu biết đó giúp tôi tiếp tục cố gắng sống theo điều cam kết này: “[Tôi] tin ở sự lương thiện.”

Nguyên tắc thứ hai dạy trong tín điều thứ mười ba là “Tôi tin ở sự chân thành.” Tự điển định nghĩa từ chân thành là “kiên định,” “trung thành,” “đúng đắn,” hoặc “không dời đổi.”7

Một trong số các quyển sách ưa thích của tôi là tác phẩm kinh điển tiếng Anh có tựa đề là Jane Eyre, do Charlotte Bronte viết vào năm 1847. Nhân vật chính, Jane Eyre, là một thiếu nữ mồ côi, nghèo khó tiêu biểu cho ý nghĩa của sự chân thành. Trong tiểu thuyết này, một người tên là Ông Rochester, yêu Cô Eyre nhưng không thể kết hôn với cô được. Thay vì thế, ông ta đề nghị Cô Eyre sống với ông mà không kết hôn. Cô Eyre cũng yêu Ông Rochester và trong giây phút bị cám dỗ, cô đã tự hỏi: “Có ai trên thế gian này quan tâm đến ta không? Hay là ai sẽ bị tổn thương bởi điều ta làm?”

Lương tâm của Jane nhanh chóng đáp: “Ta lo cho bản thân ta. Càng cô đơn, không bạn bè, không có ai giúp đỡ, thì ta càng phải tôn trọng mình. Ta sẽ giữ luật do Thượng Đế ban cho. … Các luật pháp và các nguyên tắc không phải dành cho những lúc không có cám dỗ mà còn cho những giây phút như bây giờ đây. … Nếu bất cứ lúc nào thuận tiện cho ta vi phạm các lệnh truyền, thì các lệnh truyền này còn có giá trị gì không? Các lệnh truyền này đều có một giá trị—vậy nên ta đã luôn tin tưởng. … Những quan điểm đã được nhận thức trước, những quyết tâm đã định rồi là tất cả những điều mà vào giờ phút này ta sẽ vẫn tiếp tục trung thành.”8

Trong một giây phút cám dỗ đầy tuyệt vọng, Jane Eyre đã trung thành với niềm tin của mình, cô ta đã tin cậy nơi luật pháp do Thượng Đế ban cho, và cô ta đã giữ vững lập trường của mình để chống lại cám dỗ.

Trung thành với niềm tin của chúng ta—ngay cả khi việc đó không phải là điều phổ biến, dễ dàng hoặc thú vị—sẽ giữ chúng ta an toàn trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. Tôi yêu thích bức tranh này do một thiếu nữ vẽ để nhắc nhở em ấy về ước muốn có được niềm vui khi sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng.

Sự chân thành cũng cho phép chúng ta có được một ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của những người khác. Tôi mới nghe kể câu chuyện đầy cảm hứng này về một thiếu nữ, qua sự cam kết để trung thành với niềm tin của mình, đã có một ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của một thiếu nữ khác.

Cách đây vài năm, Kristi và Jenn hát chung trong một ca đoàn của lớp học trong trường trung học của họ ở Hurst, Texas. Mặc dù hai em ấy không biết rõ nhau, nhưng một ngày nọ Jenn đã nghe lỏm Kristi nói chuyện với bạn bè của bạn ấy về tôn giáo, những sự tin tưởng khác nhau của họ và những câu chuyện ưa thích trong Kinh Thánh. Mới đây, khi liên lạc lại với Kristi, Jenn chia sẻ câu chuyện này:

“Tôi cảm thấy rất buồn vì tôi không biết gì cả về điều mà bạn và bạn bè của bạn nói chuyện, vậy nên tôi đã xin cha mẹ tôi một quyển Kinh Thánh nhân lễ Giáng Sinh. Tôi nhận được quyển Kinh Thánh và tôi bắt đầu đọc. Điều này bắt đầu cho cuộc tìm kiếm tôn giáo và Giáo Hội chân chính của tôi. … Mười hai năm trôi qua. Trong thời gian đó, tôi có đi tham quan vài giáo hội và tham dự nhà thờ thường xuyên nhưng vẫn cảm thấy có một điều gì hơn thế nữa. Một đêm nọ, tôi quỳ xuống và cầu khẩn để biết phải làm gì. Đêm đó, tôi mơ thấy bạn, Kristi ạ. Tôi chưa gặp lại bạn kể từ khi chúng ta tốt nghiệp trung học. Tôi nghĩ rằng giấc mơ của tôi rất lạ lùng, nhưng tôi không nghĩ là nó có ý nghĩa gì cả. Tôi lại mơ thấy bạn một lần nữa trong ba đêm liền. Tôi dành thời giờ ra suy nghĩ về ý nghĩa của các giấc mơ của mình. Tôi nhớ rằng bạn là người Mặc Môn. Tôi tìm xem trang mạng Mặc Môn. Điều đầu tiên tôi bắt gặp là Lời Thông Sáng. Mẹ tôi đã qua đời vì bệnh ung thư phổi hai năm trước. Bà đã hút thuốc và việc đọc về Lời Thông Sáng thật sự có ý nghĩa lớn lao đối với tôi. Về sau, tôi đến thăm nhà cha tôi. Tôi ngồi trong phòng khách của ông và tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi cầu xin được biết đi đâu và phải làm gì. Vào lúc ấy, một mục quảng cáo về Giáo Hội hiện lên trên truyền hình. Tôi viết xuống số điện thoại và gọi ngay đêm ấy. Những người truyền giáo gọi điện thoại cho tôi ba ngày sau và hỏi xem họ có thể mang một quyển Sách Mặc Môn đến nhà tôi không. Tôi nói: ‘Được.’ Tôi chịu phép báp têm ba tháng rưỡi sau đó. Hai năm sau, tôi gặp chồng tôi ở nhà thờ. Chúng tôi kết hôn trong Đền Thờ Dallas. Giờ đây, chúng tôi có hai đứa con nhỏ xinh xắn.

“Kristi ơi, tôi muốn cám ơn bạn. Bạn đã nêu lên một tấm gương tuyệt vời trong suốt những năm trung học. Bạn rất nhân từ và đức hạnh. Hai người truyền giáo đã dạy cho tôi những bài học và mời tôi chịu phép báp têm, nhưng bạn chính là người truyền giáo thứ ba của tôi. Bạn đã gieo một mầm mống qua hành động của bạn và bạn thật sự đã làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn. Giờ đây, tôi đã có một gia đình vĩnh cửu. Con cái tôi sẽ lớn lên và biết được phúc âm trọn vẹn. Đó là phước lành lớn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể được ban cho. Bạn đã giúp mang phước lành đó vào cuộc sống của tôi.”

Khi tôi liên lạc với Kristi, chị chia sẻ: “Đôi khi, tôi nghĩ rằng chúng ta nghe các thuộc tính được liệt kê trong tín điều thứ mười ba, và chúng ta cảm thấy có quá nhiều điều để làm theo. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu chúng ta sống theo các tiêu chuẩn này và cố gắng noi theo gương của Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể tạo nên điều khác biệt. … Tôi cảm thấy rất giống như Am Môn trong An Ma 26:3 khi ông nói: ‘Và đây chính là phước lành đã được ban cho chúng ta, vì chúng ta đã được làm thành những công cụ trong tay Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này.’”

Tôi cầu nguyện rằng mỗi em sẽ không những nói rằng “tôi tin ở sự lương thiện, chân thành,”mà còn sẽ cam kết sống theo lời hứa đó mỗi một ngày. Tôi cầu nguyện rằng khi các em làm như vậy thì sức mạnh, tình yêu thương và các phước lành của Cha Thiên Thượng sẽ hỗ trợ các em khi các em làm công việc mà mình đã được gửi đến đây để làm. Tôi nói những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Thomas S. Monson, “Nhìn Lại và Tiến Bước,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 90.

  2. Trung Thành cùng Đức Tin(2004), 84.

  3. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:15–16.

  4. Các Nguyên Tắc Phúc Âm(2009), 179.

  5. Howard W. Hunter, “Basic Concepts of Honesty,”New Era, tháng Hai năm 1978, 4, 5.

  6. William J. Scott, “Forgot to Look Up,” Scott’s Monthly Magazine, tháng Mười Hai năm 1867, 953.

  7. Xin xem Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 (2003), “true.”

  8. Charlotte Brontë, Jane Eyre (2003), 356.