2010–2019
Học Hỏi trong Chức Tư Tế
Tháng tư 2011


Học Hỏi trong Chức Tư Tế

Nếu các anh em siêng năng và biết vâng lời trong chức tư tế, thì kho tàng hiểu biết thuộc linh sẽ trút xuống các anh em.

Tôi biết ơn cơ hội được có mặt với các anh em trong buổi họp này của chức tư tế của Thượng Đế. Buổi tối hôm nay, chúng ta có mặt ở nhiều nơi khác nhau và ở nhiều giai đoạn trong sự phục vụ chức tư tế của mình. Tuy nhiên, với hoàn cảnh khác nhau, chúng ta lại có chung một nhu cầu. Đó là học hỏi về các bổn phận của chúng ta trong chức tư tế và phát triển trong quyền năng của mình để thi hành các bổn phận đó.

Khi còn là thầy trợ tế, tôi đã cảm nhận được nhu cầu đó một cách mãnh liệt. Tôi sống trong một chi nhánh nhỏ của Giáo Hội ở New Jersey, bên phía Đông Hoa Kỳ. Tôi là thầy trợ tế duy nhất trong chi nhánh—không phải chỉ là thầy trợ tế duy nhất đi nhà thờ mà còn là thầy trợ tế duy nhất trong hồ sơ. Anh tôi, Ted, là thầy giảng duy nhất. Anh ấy hiện có mặt ở đây buổi tối hôm nay.

Khi gia đình tôi dọn đi Utah thì tôi vẫn còn là thầy trợ tế. Ở đó, tôi thấy có ba điều tuyệt diệu thúc đẩy sự phát triển của tôi trong chức tư tế. Điều thứ nhất là người chủ tịch biết cách ngồi họp với các thành viên trong nhóm túc số của mình. Điều thứ hai là đức tin lớn lao nơi Chúa Giê Su Ky Tô đưa đến tình yêu thương bao la mà chúng ta đã nghe tới—tình yêu thương dành cho nhau. Và điều thứ ba là lòng tin vững chắc được chia sẻ rằng mục đích bao quát của chức tư tế là lao nhọc để cứu rỗi con người.

Điều khác biệt không phải là vì tiểu giáo khu đó được thiết lập vững chắc. Điều được thấy trong tiểu giáo khu đó cũng có thể thấy được ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ đơn vị nào của Giáo Hội mà các anh em thuộc vào.

Ba điều này có lẽ đã là một phần kinh nghiệm của các anh em trong nhóm túc số chức tư tế nên các anh em hầu như không nhận thấy. Đối với những người khác, các anh em có thể không cảm thấy nhu cầu cần phát triển nên những giúp đỡ này có thể không thấy được. Dù thế nào đi nữa, thì tôi cũng cầu nguyện rằng Thánh Linh sẽ giúp tôi làm cho ba điều này được rõ ràng và hấp dẫn đối với các anh em.

Mục đích của tôi khi nói về ba điều giúp đỡ để phát triển trong chức tư tế đó là khuyến khích các anh em quý trọng và sử dụng ba điều đó. Nếu làm theo ba điều đó thì sự phục vụ của các anh em sẽ trở thành hữu hiệu hơn. Và, nếu được làm vinh hiển thì sự phục vụ của chức tư tế của các anh em sẽ ban phước cho con cái của Cha Thiên Thượng nhiều hơn là các anh em có thể tưởng tượng được vào lúc này.

Tôi thấy điều giúp đỡ thứ nhất khi tôi được chào mừng vào nhóm túc số các thầy tư tế với vị giám trợ là chủ tịch của chúng tôi. Điều đó dường như là nhỏ nhặt tầm thường đối với các anh em, nhưng lại mang đến cho tôi một cảm giác về quyền năng trong chức tư tế làm thay đổi sự phục vụ của tôi trong chức tư tế kể từ lúc đó. Điều đó bắt đầu bằng cách vị giám trợ hướng dẫn chúng tôi.

Dường như đối với tôi, ông đã xem những ý kiến của các thầy tư tế trẻ tuổi thể như chúng tôi là những người khôn ngoan nhất trên thế giới. Ông chờ cho đến khi người muốn nói đã nói xong. Ông lắng nghe. Và khi ông quyết định phải làm điều gì thì dường như đối với tôi Thánh Linh đã xác nhận các quyết định cho chúng tôi và cho ông.

Bây giờ, tôi nhận biết rằng tôi đã cảm thấy được ý nghĩa của câu thánh thư khi ghi rằng người chủ tịch ngồi họp với các thành viên trong nhóm túc số của mình.1 Và nhiều năm về sau, khi tôi là giám trợ với nhóm túc các thầy tư tế của mình, cả họ và tôi đều được giảng dạy bởi điều tôi đã học được khi còn là thầy tư tế trẻ tuổi.

Hai mươi năm sau, với tư cách là giám trợ, tôi đã có cơ hội để thấy được hiệu quả của một hội đồng, không phải chỉ trong nhà hội không thôi, mà còn ở trên núi nữa. Trong một sinh hoạt vào ngày thứ Bảy, đêm đó một thành viên trong nhóm túc số của chúng tôi đã bị lạc trong rừng. Chúng tôi biết rằng em ấy đi một mình và không có quần áo ấm, thức ăn hay nơi trú ngụ. Chúng tôi đã tìm kiếm em ấy nhưng không thành công.

Tôi nhớ là chúng tôi, nhóm túc số các thầy tư tế và tôi, đã cùng nhau cầu nguyện và rồi tôi yêu cầu mỗi người nói. Tôi chăm chú lắng nghe và dường như đối với tôi các thành viên trong nhóm túc số cũng lắng nghe nhau. Sau một lát, chúng tôi đều có cảm giác bình an. Tôi cảm thấy rằng em thành viên đang lạc trong rừng được an toàn và khô ráo ở một nơi nào đó.

Tôi thấy rõ điều gì nhóm túc số cần phải làm và không nên làm. Khi những người tìm ra em ấy mô tả nơi em ấy đã đi đến trong rừng để được an toàn, thì tôi cảm thấy tôi đã nhận ra chỗ đó. Đối với tôi, phép lạ lớn hơn là thấy được đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô của một hội đồng chức tư tế đoàn kết đã mang đến sự mặc khải cho người có những chìa khóa của chức tư tế. Ngày đó, chúng tôi đều tăng trưởng trong quyền năng của chức tư tế.

Chìa khóa thứ nhì để việc học hỏi được gia tăng là tình yêu thương lẫn nhau có được từ đức tin lớn lao. Tôi không chắc rằng điều nào đến trước, nhưng dường như luôn luôn có tình yêu thương lẫn đức tin bất cứ khi nào có việc học hỏi quan trọng và nhanh chóng trong chức tư tế. Joseph Smith đã dạy điều đó cho chúng ta qua tấm gương của ông.

Vào thời kỳ ban đầu của Giáo Hội trong gian kỳ này, ông đã nhận được một lệnh truyền từ Thượng Đế phải xây đắp sức mạnh trong chức tư tế. Ông phải lập ra trường học cho những người nắm giữ chức tư tế. Chúa đặt ra điều kiện là phải có tình yêu thương lẫn nhau ở giữa những người giảng dạy và những người được giảng dạy. Đây là những lời của Chúa về việc lập ra một nơi học hỏi của chức tư tế và về những người học hỏi trong chức tư tế:

“Hãy tự tổ chức; … hãy thiết lập một ngôi nhà … học hỏi, … một ngôi nhà trật tự. …

“Hãy chỉ định một thầy giảng trong số các ngươi, và tất cả mọi người không được phát ngôn cùng một lúc; nhưng mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe người đó nói, để khi tất cả đều đã nói thì nhờ mọi người mà tất cả có thể được gây dựng, và để mọi người đều có thể có được đặc ân ngang nhau.”2

Chúa đang mô tả điều chúng ta đã thấy là sức mạnh của một hội đồng hoặc lớp chức tư tế để mang đến sự mặc khải bởi Thánh Linh. Sự mặc khải là cách duy nhất chúng ta có thể tiến đến việc biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đức tin lớn lao đó là bậc thang đầu tiên mà chúng ta bước lên để học hỏi các nguyên tắc phúc âm.

Trong tiết 88 của sách Giáo Lý và Giao Ước trong các câu 123 và 124, Chúa đã nhấn mạnh đến tình yêu thương lẫn nhau và không bới móc lỗi lầm của nhau. Mỗi người theo học trường chức tư tế do vị tiên tri của Chúa thiết lập bằng cách lập một giao ước và giơ tay lên để được “làm bạn và làm người anh em …trong sợi dây ràng buộc của tình thương yêu.”3

Ngày nay, chúng ta không tuân theo lối thực hành đó, nhưng bất cứ nơi nào tôi thấy được việc học hỏi đặc biệt trong chức tư tế thì đều có những mối ràng buộc yêu thương đó. Một lần nữa, tôi đã thấy mối ràng buộc yêu thương đó là nguyên nhân và kết quả của việc học hỏi các lẽ thật phúc âm. Tình yêu thương mời Đức Thánh Linh hiện diện để xác nhận lẽ thật. Và niềm vui của việc học hỏi các lẽ thật thiêng liêng tạo ra tình yêu thương trong lòng của những người đã chia sẻ kinh nghiệm học hỏi đó.

Điều ngược lại thì cũng đúng. Mối bất hòa hoặc lòng ganh tị ngăn chặn khả năng của Đức Thánh Linh để giảng dạy chúng ta và khả năng của chúng ta để nhận được ánh sáng và lẽ thật. Và trong những cảm nghĩ thất vọng luôn luôn đi kèm theo mầm mống bất hòa và bới móc nhiều hơn ở giữa những người trông mong một kinh nghiệm học hỏi mà không nhận được.

Đối với tôi, khi những người nắm giữ chức tư tế cùng nhau học tập tốt thì dường như luôn luôn có được những người giải hòa tuyệt diệu ở giữa họ. Các anh em thấy sự giải hòa đó trong các lớp và trong các hội đồng chức tư tế. Đó là ân tứ để giúp cho người ta thấy được điểm chung khi họ có quan điểm khác nhau. Đó là ân tứ của người giải hòa để giúp cho người ta thấy điều mà một người nào khác nói ra là để đóng góp hơn là để sửa chỉnh.

Với đầy đủ tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô và một ước muốn làm người hòa giải, thì trong hội đồng và trong các lớp học chức tư tế có thể có được tình đoàn kết. Cần phải có lòng kiên nhẫn và tính khiêm nhường, nhưng tôi đã thấy điều đó xảy ra ngay cả khi có các vấn đề khó khăn và những người trong hội đồng hoặc lớp học đến từ nhiều trình độ khác nhau.

Trong việc đưa ra những quyết định trong các nhóm túc số, các tiêu chuẩn đạo đức cao do Chúa đề ra cho những người nắm giữ chức tư tế đều có thể đạt được. Có thể có đức tin và tình yêu lớn lao mà không có mối bất hòa. Đây là điều Chúa đòi hỏi khi Ngài tán thành các quyết định của chúng ta: “Và mọi quyết định của bất cứ nhóm túc số nào trong các nhóm túc số này cũng phải được toàn nhóm đó đồng thanh thỏa thuận; nghĩa là mọi thành viên trong mỗi nhóm túc số phải đồng ý với những quyết định trong nhóm, để cho những quyết định của họ cũng có uy quyền hay giá trị như quyết định của nhóm túc số kia.” 4

Điều giúp đỡ thứ ba để học hỏi trong chức tư tế đến với lòng tin chắc được chia sẻ về lý do Chúa ban phước cùng tin cậy chúng ta để nắm giữ và sử dụng chức tư tế của Ngài. Lòng tin chắc này là sự lao nhọc để cứu rỗi con người. Lòng tin chắc được chia sẻ này mang đến tình đoàn kết trong các nhóm túc số. Chúng ta có thể bắt đầu học hỏi về điều này từ câu chuyện trong thánh thư về việc chúng ta là các con trai linh hồn đã chuẩn bị như thế nào trước khi sinh ra để có được vinh dự hiếm có này là nắm giữ chức tư tế.

Chúa đã phán về những người được ban cho sự tin cậy về chức tư tế cao quý trong cuộc sống này: “Ngay cả trước khi họ sinh ra, họ cùng với nhiều người khác, đã nhận được các bài học đầu tiên trong thế giới linh hồn và được chuẩn bị để xuống thế gian vào kỳ định của Chúa để lao nhọc trong vườn nho của Ngài ngõ hầu cứu rỗi linh hồn con người.”5

Trong chức tư tế, chúng ta chia sẻ bổn phận thiêng liêng để lao nhọc vì linh hồn con người. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn là chỉ học hỏi về bổn phận của mình. Chúng ta phải hiểu thấu bổn phận đó để không một đòi hỏi nào về các nỗ lực trong thời niên thiếu của chúng ta hoặc những thử thách đến với tuổi tác mà có thể mang chúng ta xa khỏi mục đích đó.

Cách đây không lâu, tôi đến thăm một thầy tư tế thượng phẩm tại nhà của ông. Ông không còn có thể đi đến các buổi họp của nhóm túc số chúng tôi được nữa. Ông sống một mình. Người vợ xinh đẹp của ông đã qua đời và con cái của ông sống ở xa. Thời gian và bệnh tật giới hạn khả năng phục vụ của ông. Ông vẫn còn tập tạ để có thể giữ được chút sức khỏe có thời đã từng sung mãn.

Khi tôi vào nhà ông, ông đứng dậy chào tôi với cái khung để vịn đi. Ông mời tôi ngồi trên cái ghế gần ông. Chúng tôi nói chuyện về mối kết giao vui vẻ của mình trong chức tư tế.

Rồi với cảm xúc mãnh liệt, ông nói với tôi: “Tại sao tôi vẫn còn sống đây? Tại sao tôi vẫn còn ở đây? Tôi không thể làm được gì cả.”

Tôi nói với ông rằng ông đang giúp đỡ tôi. Ông đã nâng đỡ tôi với đức tin và tình yêu thương của ông. Ngay cả trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi của chúng tôi, ông cũng làm cho tôi muốn làm người tốt hơn. Tấm gương quyết tâm của ông để làm một điều gì quan trọng đã soi dẫn tôi để cố gắng nhiều hơn trong sự phục vụ những người khác và Chúa.

Từ giọng nói buồn bã của ông và cái nhìn trong mắt ông, tôi có thể thấy rằng tôi đã không trả lời các câu hỏi của ông. Ông vẫn muốn biết tại sao Thượng Đế để cho ông sống với khả năng phục vụ bị giới hạn như vậy.

Với lòng độ lượng như thường lệ của mình, ông cám ơn tôi đã đến thăm ông. Khi tôi đứng dậy ra về thì cô y tá vẫn thường đến nhà ông một vài giờ mỗi ngày bước vào từ căn phòng khác. Trong khi nói chuyện riêng với nhau, ông kể cho tôi nghe một chút về cô y tá đó. Ông nói rằng cô ấy là một người tuyệt vời. Cô ấy sống ở giữa Các Thánh Hữu Ngày Sau trong hầu hết cuộc đời của mình nhưng vẫn chưa phải là tín hữu.

Cô ấy bước đến tiễn tôi ra cửa. Ông chỉ vào cô ấy, mỉm cười và nói: “Thấy không, dường như tôi không thể làm gì được cả. Tôi đã cố gắng làm cho cô ấy được làm phép báp têm vào Giáo Hội mà cũng không thành công nữa.” Cô ấy mỉm cười với ông và tôi. Tôi bước ra ngoài và đi về phía nhà mình.

Bấy giờ, tôi nhận thấy rằng những câu trả lời cho các câu hỏi của ông đã được gieo vào lòng ông từ lâu rồi. Người thầy thượng phẩm dũng cảm đó đang cố gắng làm bổn phận đã được giảng dạy cho ông qua nhiều thập niên trong chức tư tế.

Ông biết rằng cách duy nhất để cô y tá trẻ đó có thể có được phước lành của sự cứu rỗi qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là lập giao ước bằng cách chịu phép báp têm. Ông đã được mỗi chủ tịch của mỗi nhóm túc số từ thầy trợ tế đến thầy tư tế thượng phẩm giảng dạy đúng theo các giao ước.

Ông vẫn nhớ và cảm nhận được lời thề và giao ước trong chức tư tế. Ông vẫn còn giữ giao ước đó.

Ông là một nhân chứng và người truyền giáo cho Đấng Cứu Rỗi trong mọi tình huống. Điều đó đã nằm trong tâm hồn ông rồi. Ước muốn của lòng ông là tâm hồn của cô ấy có thể được thay đổi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tuân giữ các giao ước thiêng liêng.

Thời gian của ông trong trường học của chức tư tế trong cuộc sống này sẽ khá ngắn ngủi so với thời vĩnh cửu. Nhưng cho dù trong khoảng thời gian ngắn đó, ông cũng đã nắm vững các bài học vĩnh cửu. Bất cứ lúc nào Chúa gọi, ông cũng sẽ mang theo mình các bài học có giá trị vĩnh cửu.

Không những các anh em tha thiết học các bài học của chức tư tế của mình trong cuộc sống này mà các anh em còn phải lạc quan về điều có thể thực hiện được nữa. Trong tâm trí mình, một vài người chúng ta có thể giới hạn khả năng học hỏi điều mà Chúa đã đề ra cho chúng ta trong sự phục vụ Ngài.

Vào đầu thập niên 1840, một thanh niên nọ rời ngôi làng nhỏ của mình ở xứ Wales, nghe nói về Các Sứ Đồ của Thượng Đế, và gia nhập vào vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Anh ta đi thuyền với Các Thánh Hữu đến Châu Mỹ và đánh xe kéo ngang qua các cánh đồng. Anh ta ở trong đoàn xe đi theo sau Brigham Young đến thung lũng này. Sự phục vụ của chức tư tế của anh ta gồm có việc dọn dẹp và đào xới đất cho một nông trại.

Anh ta bán nông trại với giá rẻ để đi truyền giáo cho Chúa trong vùng sa mạc mà nay là Nevada để trông coi cừu. Từ đó, anh ta được kêu gọi đi truyền giáo một lần nữa ngang qua đại dương đến chính ngôi làng nơi anh ta đã bỏ đi trong cảnh nghèo khó để noi theo Chúa.

Từ đầu đến cuối, anh ta đã tìm ra cách để học hỏi với các anh em trong chức tư tế. Vì là người truyền giáo dũng cảm nên anh ta đi xuống con đường làng ở xứ Wales để đến ngôi nhà nghỉ mát của một người bốn lần làm thủ tướng nước Anh với mục đích mang đến cho người đó phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vĩ nhân này mời anh vào biệt thự của mình. Vị này tốt nghiệp trường Eton College và trường Oxford University. Người truyền giáo ấy nói chuyện với vị này về nguồn gốc của con người, vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong lịch sử của thế gian, và còn cả vận mệnh của các quốc gia.

Vào lúc kết thúc buổi gặp gỡ của họ, chủ nhà từ chối lời mời chịu phép báp têm. Nhưng khi họ chia tay, người lãnh đạo của một trong số các đại thể chế của thế giới hỏi người truyền giáo tầm thường thấp hèn: “ Anh học ở đâu vậy?” Anh đáp: “Trong chức tư tế của Thượng Đế.”

Một lần nào đó, các anh em có thể nghĩ rằng cuộc sống của mình có lẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu được nhận vào một ngôi trường nào đó. Tôi cầu nguyện rằng các anh em sẽ thấy được tình yêu thương bao la của Thượng Đế dành cho mình và cơ hội Ngài đã ban cho các anh em để vào được ngôi trường chức tư tế của Ngài.

Nếu các anh em siêng năng và biết vâng lời trong chức tư tế, thì kho tàng hiểu biết thuộc linh sẽ trút xuống các anh em. Các anh em sẽ tăng trưởng trong khả năng chống lại điều xấu và rao giảng lẽ thật mà đưa đến sự cứu rỗi. Các anh em sẽ tìm thấy niềm vui trong niềm hạnh phúc của những người mà các anh em hướng dẫn đến sự tôn cao. Gia đình của các anh em sẽ trở thành một nơi học hỏi.

Tôi làm chứng rằng các chìa khóa của chức tư tế đã được phục hồi. Chủ Tịch Thomas S. Monson nắm giữ và sử dụng các chìa khóa đó. Thượng Đế hằng sống và biết rõ các anh em. Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Các anh em đã được lựa chọn để nhận được vinh dự nắm giữ chức tư tế thiêng liêng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:87.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 88:119, 122.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 88:133.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 107:27.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 138:56.