2010–2019
Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm
Tháng tư 2011


Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm

Công việc truyền giáo của các em sẽ là một cơ hội thiêng liêng để mang những người khác đến với Đấng Ky Tô và giúp chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Buổi tối hôm nay tôi đặc biệt ngỏ lời với các em từ 12 đến 25 tuổi đang nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Chúng tôi nghĩ nhiều về các em và chúng tôi cầu nguyện cho các em. Tôi đã từng kể chuyện về đứa cháu bốn tuổi của chúng tôi khi nó đẩy mạnh em trai của nó. Sau khi vợ tôi, Kathy, an ủi đứa cháu đang khóc, bà đã quay sang và thận trọng hỏi đứa cháu bốn tuổi: “Tại sao cháu đẩy em trai của cháu thế?” Em ấy nhìn vào bà nội của mình và đáp: “Mimi, con xin lỗi. Con mất chiếc nhẫn Chọn Điều Đúng, và con không thể chọn điều đúng được.” Chúng tôi biết các em cố gắng rất nhiều để luôn luôn chọn điều đúng. Chúng tôi yêu thương các em rất nhiều.

Có bao giờ các em nghĩ về lý do tại sao mình đã được gửi đến thế gian vào thời điểm đặc biệt này không? Các em không sinh ra vào thời A Đam và Ê Va, hoặc trong khi Pha Ra Ôn cai trị Ai Cập, hay vào Triều Đại Nhà Minh. Các em đến thế gian vào lúc này, 20 thế kỷ sau khi Đấng Ky Tô hiện đến lần đầu tiên. Chức tư tế của Thượng Đế đã được phục hồi trên thế gian, và Chúa đã sẵn sàng chuẩn bị thế gian cho sự tái lâm vinh quang của Ngài. Đây là những ngày đầy cơ hội lớn lao và trách nhiệm quan trọng. Đây là những ngày của các em.

Với phép báp têm của mình, các em đã tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Với lễ sắc phong chức tư tế của các em, các tài năng và khả năng thuộc linh của các em đã được gia tăng. Một trong các trách nhiệm quan trọng của các em là giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Chúa đã chỉ định một vị tiên tri, Chủ Tịch Thomas S. Monson, để hướng dẫn công việc của chức tư tế của Ngài. Chủ Tịch Monson đã nói với các em: “Chúa cần những người truyền giáo.”1 “Mỗi thiếu niên xứng đáng và có khả năng cần phải chuẩn bị phục vụ truyền giáo. Công việc truyền giáo là một bổn phận của chức tư tế—một nghĩa vụ mà Chúa kỳ vọng nơi [các em] là những người đã được ban cho rất nhiều.”2

Công việc truyền giáo đòi hỏi phải hy sinh. Các em sẽ luôn luôn bỏ lại một điều gì đó khi đáp ứng sự kêu gọi của vị tiên tri để phục vụ.

Những người theo dõi môn bóng rugby biết rằng đội All Blacks của New Zealand, tên được đặt theo màu áo đồng phục của họ, là một đội bóng rugby được khen ngợi nhất từ đó đến giờ.3 Việc được chọn chơi cho đội All Blacks ở New Zealand có thể được so sánh như là chơi cho đội bóng Super Bowl hoặc đội bóng đá tranh giải Cúp Thế Giới.

Năm 1961, lúc 18 tuổi và nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, Sidney Going đang trở thành một ngôi sao sáng của đội bóng rugby ở New Zealand. Vì những khả năng phi thường của anh, nên nhiều người nghĩ rằng năm sau anh sẽ được chọn vào đội bóng rugby quốc gia All Blacks.

Lúc 19 tuổi, trong giây phút quyết định này của sự nghiệp chơi bóng đang lên của mình, Sid tuyên bố rằng anh sẽ bỏ chơi bóng rugby để phục vụ truyền giáo. Một số người gọi anh là điên khùng. Những người khác gọi anh là rồ dại.4 Họ phản đối cho rằng anh có thể không bao giờ còn cơ hội trong môn bóng rugby nữa.

Đối với Sid, đó không phải là điều mà anh đã bỏ lại—mà là cơ hội và trách nhiệm trước mắt. Anh có bổn phận của chức tư tế để dâng hiến hai năm của cuộc đời mình để nói về sự xác thật của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Không có điều gì—ngay cả một cơ hội để chơi trong đội quốc gia với tất cả danh vọng mà đội đó sẽ mang đến—sẽ ngăn cản anh thi hành bổn phận đó.5

Anh đã được một vị tiên tri của Thượng Đế kêu gọi để phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Western Canada. Cách đây 48 năm tính đến tháng này, Anh Cả Sidney Going 19 tuổi đã rời New Zealand đi phục vụ với tư cách là người truyền giáo cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sid kể cho tôi nghe về một kinh nghiệm của anh trong thời gian truyền giáo. Buổi chiều đó, anh và người bạn đồng hành của mình sắp trở lại căn hộ của họ. Họ quyết định đi thăm thêm một gia đình nữa. Người cha mời họ vào. Anh Cả Going và người bạn đồng hành của anh làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Gia đình đó chấp nhận một quyển Sách Mặc Môn. Người cha đã đọc suốt đêm. Và trong tuần rưỡi kế tiếp, người ấy đã đọc hết Sách Mặc Môn, sách Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá. Một vài tuần sau, gia đình đó chịu phép báp têm.6

Tại sao anh phục vụ truyền giáo thay vì chơi cho đội New Zealand All Blacks? Sid đáp: “Phước lành của [việc mang những người khác] đến với phúc âm thì quan trọng hơn bất cứ điều gì mà [ta] sẽ hy sinh.”7

Các em có lẽ muốn biết điều gì đã xảy ra cho Sid Going tiếp theo công việc truyền giáo của anh. Quan trọng hơn hết: một hôn nhân vĩnh cửu với người yêu của anh là Colleen; năm đứa con cao quý, và một thế hệ các cháu nội, cháu ngoại. Anh đã sống một cuộc sống tin cậy nơi Cha Thiên Thượng, tuân giữ các lệnh truyền và phục vụ những người khác.

Còn môn bóng rugby thì sao? Sau khi đi truyền giáo về, Sid Going trở thành một trong những người chơi trung vệ tài giỏi nhất trong lịch sử của đội All Blacks, chơi trong 11 mùa và phục vụ với tư cách là đội trưởng của họ cho nhiều năm.8

Sid Going chơi giỏi đến mức nào? Anh chơi giỏi đến nỗi lịch trình huấn luyện và thi đấu được thay đổi vì anh không chơi ngày Chúa Nhật.9 Sid chơi giỏi đến nỗi Nữ Hoàng Anh công nhận sự đóng góp của anh cho môn bóng rugby.10 Anh chơi giỏi đến nỗi có một quyển sách viết về anh có tên là Super Sid (Sid Thượng Thừa).

Nếu những vinh dự đó không đến với Sid sau khi đi truyền giáo thì sao? Một trong những phép lạ vĩ đại của công việc truyền giáo trong Giáo Hội này là Sid Going và hằng ngàn người khác giống như anh đã không hỏi: “Tôi sẽ nhận được gì từ công việc truyền giáo của mình?” mà thay vì thế: “Tôi có thể dâng hiến điều gì?”

Công việc truyền giáo của các em sẽ là một cơ hội thiêng liêng để mang những người khác đến với Đấng Ky Tô và giúp chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Từ lâu, Chúa đã phán về những sự chuẩn bị cần thiết cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Ngài đã phán cùng Ê Nót: “Ta sẽ gởi sự ngay chính từ trên trời xuống; và ta sẽ gởi lẽ thật đến thế gian… và ta sẽ làm cho sự ngay chính và lẽ thật quét qua thế gian như một trận lụt, để quy tụ dân chọn lọc của ta, từ bốn phương trời của thế gian.”11Tiên tri Đa Ni Ên đã tiên tri rằng trong những ngày sau phúc âm sẽ lăn ra khắp nơi trên thế gian, như “hòn đá đục ra từ núi, chẳng phải bởi tay.”12Nê Phi nói về Giáo Hội ngày sau có ít người nhưng sẽ lan ra khắp mặt đất.13 Chúa phán bảo trong gian kỳ này: “Các ngươi được kêu gọi để thực hiện sự quy tụ những người chọn lọc của ta.”14 Các em trai thân mến, công việc truyền giáo của các em là một cơ hội và trách nhiệm lớn lao, quan trọng đối với sự quy tụ như đã được hứa này và liên quan đến vận số vĩnh cửu của các em.

Từ những ngày đầu tiên của Sự Phục Hồi, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã rất nghiêm túc về bổn phận của họ để rao giảng phúc âm. Năm 1837, chỉ bảy năm sau khi Giáo Hội được tổ chức, trong cảnh nghèo nàn và ngược đãi, những người truyền giáo đã được gửi đi giảng dạy phúc âm ở nước Anh. Trong vòng vài năm kế tiếp, những người truyền giáo đã rao giảng ở nhiều nơi khác nhau như Áo, French Polynesia, Ấn độ, Barbados, Chile và Trung Quốc.15

Chúa đã ban phước cho công việc này và Giáo Hội đã được thiết lập trên khắp thế giới. Buổi họp này đã được phiên dịch ra 93 ngôn ngữ. Chúng ta biết ơn về 52.225 người truyền giáo toàn thời gian đang phục vụ trong hơn 150 quốc gia.16 Lúc nào cũng có những người truyền giáo ngay chính làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Hãy nghĩ về quyền năng thuộc linh của 52.000 người truyền giáo, được ban cho Thánh Linh của Chúa, mạnh dạn rao giảng rằng “không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người … chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô.”17 Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với hằng chục ngàn người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà là những người đã và tiếp tục dâng hiến các nỗ lực lớn lao nhất của họ. Thế gian đang chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, phần lớn nhờ vào công việc của Chúa qua những người truyền giáo của Ngài.

Công việc truyền giáo là một công việc thuộc linh. Sự xứng đáng và sự chuẩn bị là thiết yếu. Chủ Tịch Monson đã nói: “Các em thiếu niên, tôi khuyên các em hãy chuẩn bị phục vụ với tư cách là người truyền giáo. Hãy giữ mình được trong sạch và thanh khiết cùng xứng đáng để đại diện Chúa.”18 Trong những năm trước khi đi truyền giáo, xin hãy ghi nhớ công việc chỉ định thiêng liêng trước mắt các em. Hành động của các em trước khi đi truyền giáo sẽ ảnh hưởng lớn lao đến quyền năng chức tư tế các em sẽ mang theo mình khi đi truyền giáo. Hãy tự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chủ Tịch Monson nói về “mỗi thiếu niên xứng đáng và có khả năng cần phải [chuẩn bị] phục vụ truyền giáo.”19Đôi khi vì sức khỏe hoặc các lý do khác, một người không thể phục vụ. Các em sẽ biết được khả năng phục vụ của mình khi các em nói chuyện với cha mẹ và vị giám trợ của mình. Nếu đây là trường hợp của các em, thì xin đừng cảm thấy kém quan trọng trong nhiệm vụ cao quý trước mắt các em. Chúa rất rộng lượng đối với những người yêu mến Ngài và Ngài sẽ mở các cánh cửa khác cho các em.

Một số em có thể tự hỏi mình có quá lớn tuổi để phục vụ không. Một người bạn của tôi người Trung Quốc đã tìm ra Giáo Hội ở Campuchia khi anh ấy được hơn hai mươi tuổi. Anh ấy muốn biết mình vẫn còn cân nhắc việc phục vụ truyền giáo không. Sau khi cầu nguyện và nói chuyện với vị giám trợ của mình, anh ấy được kêu gọi và phục vụ một cách cao quý ở New York City. Nếu tuổi tác là mối quan tâm của các em thì hãy cầu nguyện và nói chuyện với vị giám trợ của mình. Vị ấy sẽ hướng dẫn các em.

Năm mươi phần trăm những người truyền giáo phục vụ ở quê hương của họ. Điều đó hoàn toàn đúng. Chúa hứa rằng “mọi người sẽ được nghe phúc âm trọn vẹn bằng ngôn ngữ của mình, và bằng tiếng của mình.”20Các em sẽ được kêu gọi bởi lời tiên tri và phục vụ nơi nào các em được cần đến nhất.

Tôi rất thích gặp những người truyền giáo ở khắp thế gian. Gần đây khi tôi đi thăm Phái Bộ Truyển Giáo Australia Sydney, các em biết tôi đã tìm thấy ai không? Anh cả Sidney Going—nhân vật huyền thoại của môn bóng rugby ở New Zealand. Giờ đây 67 tuổi, một lần nữa anh là một người truyền giáo, nhưng lần này với người bạn đời mà anh tự chọn: Chị Colleen Going. Anh kể cho tôi nghe về một gia đình mà họ đã có thể giảng dạy. Hai người cha mẹ là tín hữu nhưng đã nhiều năm kém tích cực trong Giáo Hội. Anh Cả và Chị Going đã giúp khơi dậy đức tin của gia đình đó. Anh Cả Going kể cho tôi nghe về quyền năng mà anh cảm thấy trong khi đứng tại hồ báp têm cạnh người cha của gia đình khi đứa con trai cả, giờ đây nắm giữ chức tư tế, làm phép báp têm cho em trai và em gái của nó. Anh Cả Going bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy một gia đình đoàn kết cùng nhau theo đuổi cuộc sống vĩnh cửu.21

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói cùng các em rằng:

“Các em là [một linh hồn] chọn lọc đã được sinh ra trong thời kỳ này khi các trách nhiệm và cơ hội, cũng như những cám dỗ, là lớn lao nhất. …

“Chúng tôi cầu nguyện cho mỗi em…[để] các em có thể làm công việc lớn lao trong tương lai của mình…để các em sẽ được xứng đáng [và sẵn lòng] tiếp tục với các trách nhiệm xây đắp vương quốc của Thượng Đế cũng như chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.”22

Tôi rất yêu thích bức tranh của Harry Anderson vẽ Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Bức tranh này nhắc tôi nhớ rằng Ngài sẽ đến trong vẻ uy nghi và quyền năng. Những sự kiện kỳ diệu sẽ xảy ra trên thế gian và trên các tầng trời.23

Những người chờ đợi ngày giáng lâm của Đấng Cứu Rỗi sẽ “trông đợi [Ngài].”Và Ngài đã hứa: “Ta sẽ đến”! Người ngay chính sẽ trông thấy Ngài “ngự giữa đám mây trên trời [với tất cả các thiên sứ], khoác quyền năng và vinh quang lớn lao.”24 “Một thiên sứ sẽ thổi vang tiếng kèn đồng của mình và các thánh hữu …từ bốn phương trời của thế gian” 25sẽ “được biến hóa và được cất lên để gặp Ngài.”26 Những người nào “đã ngủ,”có nghĩa là các thánh hữu xứng đáng đã chết, “[cũng] sẽ bước ra để gặp [Ngài].”27

Thánh thư chép: “Chúa sẽ đặt chân lên núi,” 28 và “[Ngài] sẽ cất tiếng nói của Ngài, và tất cả các nơi tận cùng trái đất đều sẽ nghe tiếng nói đó.”29

Các em trong chức tư tế, tôi làm chứng về vẻ oai nghiêm, nhưng hơn hết, về sự chắc chắn của sự kiện kỳ diệu này. Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Ngài sẽ trở lại thế gian. Và dù ở bên này hoặc bên kia của bức màn che, các em và tôi sẽ hân hoan khi Ngài đến, và cám ơn Chúa đã gửi chúng ta đến thế gian vào lúc này để làm tròn bổn phận thiêng liêng của mình nhằm giúp chuẩn bị thế gian cho ngày tái lâm của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Thomas S. Monson, “Chúa Cần Những Người Truyền Giáo,” Liahona tháng Giêng năm 2011, 4.

  2. Thomas S. Monson, “Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau Lần Nữa,” Liahona tháng Mười Một năm 2010, 5–6.

  3. Xin xem stats.allblacks.com.

  4. Xin xem Bob Howitt, Super Sid: The Story of a Great All Black (1978), 27.

  5. Cuộc điện đàm với Chủ tịch Maxwell Horsford, Giáo Khu Kaikohe New Zealand, tháng Ba năm 2011.

  6. Cuộc điện đàm với Anh Cả Sidney Going, tháng Ba năm 2011.

  7. Trao đổi E-mail với Anh Cả Sidney Going, tháng Ba năm 2011.

  8. Xin xem stats.allblacks.com/asp/profile.asp?ABID=324.

  9. Cuộc điện đàm với Chủ tịch Maxwell Horsford, Giáo Khu Kaikohe New Zealand, tháng Ba năm 2011.

  10. Sid Going được trao tặng giải thưởng MBE (Member of the Order of the British Empire) vào năm 1978 về những đóng góp của ông cho môn thể thao rugby (xin xem Howitt, Super Sid, 265).

  11. Môi Se 7:62.

  12. Đa Ni Ên 2:45.

  13. Xin xem 1 Nê Phi 14:12–14.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 29:7.

  15. Xin xem Deseret News 2011 Church Almanac (2011), 430, 432, 458, 463, 487, 505.

  16. Tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2010.

  17. Mô Si A 3:17.

  18. Thomas S. Monson, Liahona tháng Giêng năm 2011, 4.

  19. Thomas S. Monson, Liahona tháng Mười Một năm 2010, 5–6.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 90:11.

  21. Cuộc điện đàm với Anh Cả Sidney Going, tháng Ba năm 2011.

  22. “Sứ Điệp từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn,” sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ: Làm Tròn Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế (quyển sách nhỏ, năm 2001), 2–3.

  23. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 43:18; 45:40.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 45:44.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 45:45, 46.

  26. Giáo Lý và Giao Ước 88:96.

  27. Giáo Lý và Giao Ước 45:45; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 29:13; 88:96–97.

  28. Giáo Lý và Giao Ước 45:48.

  29. Giáo Lý và Giao Ước 45:49.