2010–2019
Chứng Ngôn
Tháng tư 2011


Chứng Ngôn

Nền tảng của việc đạt được và giữ lại một chứng ngôn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thì thật minh bạch, rõ ràng và nằm trong khả năng của mỗi người.

Trong nhiều năm qua, một trong các phước lành vĩ đại trong cuộc sống của tôi là cơ hội được ở giữa và làm việc với giới trẻ của Giáo Hội. Tôi xem những mối giao thiệp và tình bằng hữu này là điều tuyệt vời và quý báu nhất trong cuộc sống của tôi. Những điều này cũng là nền tảng cho sự lạc quan của tôi đối với tương lai của Giáo Hội, xã hội và thế giới.

Trong những mối giao thiệp này, tôi cũng đã có đặc ân để nói chuyện với một số người có nhiều mối nghi ngờ hoặc thử thách với chứng ngôn của họ. Tuy có nhiều chi tiết khác nhau và thỉnh thoảng thì cũng lạ lùng, nhưng những câu hỏi và lý do đôi khi cũng đầy hoang mang khá giống nhau. Tương tự như thế, có những vấn đề và mối quan tâm không giới hạn cho bất cứ nhóm dân tộc hay tuổi tác nào. Những vấn đề này có thể làm hoang mang những người thuộc vào các gia đình là tín hữu trong nhiều thế hệ, các tín hữu Giáo Hội còn khá mới cũng như những người mới trở nên quen thuộc với Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Giê Su Ky Tô. Những câu hỏi của họ thường là kết quả của những thắc mắc thật sự hoặc lòng tò mò. Dường như rất thích hợp để thảo luận về chứng ngôn của chúng ta vì những hậu quả rất quan trọng và cấp bách đối với mỗi người chúng ta. Trong văn cảnh của Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta nói đến chứng ngôn của mình như là sự làm chứng chắc chắn về phúc âm trung thực của Chúa Giê Su Ky Tô, nhận được từ sự mặc khải qua Đức Thánh Linh.

Tuy có một chứng ngôn rất giản dị và rõ ràng trong câu nói minh bạch này nhưng cũng có vài câu hỏi mạnh mẽ từ câu nói đó, như: Người nào được quyền có chứng ngôn? Làm thế nào một người nhận được điều mặc khải cần thiết để có chứng ngôn? Những bước để nhận được một chứng ngôn là gì? Việc nhận được một chứng ngôn là một sự kiện hay một tiến trình diễn ra liên tục? Mỗi câu hỏi này cũng như những câu hỏi khác đều có những câu hỏi phụ, nhưng nền tảng của việc đạt được và giữ lại một chứng ngôn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thì thật minh bạch, rõ ràng và nằm trong khả năng của mỗi người.

Tôi xin vắn tắt trả lời cho những mối nghi ngờ có thể có này và rồi trình bày một số điều hiểu biết mà mới gần đây đã được chia sẻ bởi những người bạn thành niên trẻ tuổi đầy tin cậy, là những người đã có kinh nghiệm riêng trong việc nhận được chứng ngôn của họ. Họ cũng có cơ hội để phục sự những người đang gặp thử thách hoặc khó khăn với một phần của đức tin và niềm tin của họ.

Trước hết, người nào được quyền có chứng ngôn? Mọi người sẵn lòng để trả cái giá—có nghĩa là tuân giữ các lệnh truyền—thì đều có một chứng ngôn.“Vậy nên, tiếng nói của Chúa phán ra cho các nơi tận cùng của trái đất, để những ai muốn nghe đều có thể nghe được” (GLGƯ 1:11). Một lý do chính về Sự Phục Hồi phúc âm là để “mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian; Để cho đức tin cũng có thể được tăng trưởng trên thế gian” (GLGƯ 1:20—21).

Thứ nhì, làm thế nào một người nhận được điều mặc khải cần thiết để có chứng ngôn và cần có những bước cơ bản nào để nhận được điều mặc khải đó? Mẫu mực đều giản dị và nhất quán trong suốt các thời đại. Lời hứa được ban cho để nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn cũng áp dụng chung cho mọi trường hợp:

“Và khi nào các người nhận được những điều này”—có nghĩa là các anh chị em đã lắng nghe, đọc, học hỏi và suy ngẫm về câu hỏi liên hệ—thì “hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không”—có nghĩa là các anh chị em sẽ cầu nguyện một cách thận trọng, cụ thể và nghiêm chỉnh với lòng cam kết chắc chắn sẽ tuân theo sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình—“và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

“Và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.” (Mô Rô Ni 10:4–5).

Thứ ba, việc nhận được một chứng ngôn là một sự kiện riêng rẽ hay là một tiến trình diễn ra liên tục? Một chứng ngôn tương tự như một sinh vật sống, tăng trưởng và phát triển khi được chăm sóc thích hợp. Sinh vật này cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ liên tục để lớn nhanh và lớn mạnh. Tương tự như thế, nếu chúng ta bỏ mặc hoặc không làm theo những bước cần thiết để duy trì một chứng ngôn vững mạnh thì chứng ngôn của chúng ta sẽ thu nhỏ lại hoặc mất đi. Thánh thư cảnh cáo rằng sự phạm giới hoặc vị phạm các giáo lệnh của Thượng Đế có thể đưa đến việc đánh mất Thánh Linh và thậm chí một người còn bị mất chứng ngôn mà người ấy từng có (xin xem GLGƯ 42:23).

Giờ đây tôi xin chia sẻ 10 điều nhận xét và đề nghị của những người bạn trẻ tuổi trung tín và quý báu của tôi. Những ý nghĩ họ chia sẻ đều có cùng một lối suy nghĩ và kinh nghiệm. Do đó, những điều này sẽ không làm cho bất cứ người nào trong chúng ta ngạc nhiên cả. Rủi thay, và nhất là trong lúc khó khăn và khổ sở, chúng ta có thể tạm thời quên đi hoặc xem nhẹ việc áp dụng những điều đó cho riêng mình.

Thứ nhất, mọi người đều có giá trị vì chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Ngài biết, yêu thương và muốn chúng ta được thành công và trở về với Ngài. Chúng ta cần phải học cách tin cậy vào tình yêu thương và kỳ định của Ngài thay vì tin vào ước muốn đôi khi thiếu kiên nhẫn và không hoàn hảo của chúng ta.

Thứ nhì, tuy chúng ta hoàn toàn tin vào sự thay đổi lớn lao trong lòng như đã được mô tả trong thánh thư (xin xem Mô Si A 5:2 ; An Ma 5:12–14, 26), nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu sự thay đổi đó thường xảy đến dần dần thay vì xảy ra ngay lập tức hoặc ở bất cứ nơi đâu, và để đáp lại những câu hỏi, kinh nghiệm và mối quan tâm cụ thể cũng như qua việc nghiên cứu và cầu nguyện của chúng ta.

Thứ ba, chúng ta cần nhớ rằng một mục đích cơ bản của cuộc sống là để được thử thách, do đó chúng ta cần phải học hỏi để tăng trưởng từ những thử thách của mình và biết ơn đối với các bài học đã học được mà không thể nào nhận được bằng cách nào dễ dàng hơn.

Thứ tư, chúng ta cần phải học cách tin cậy vào những điều mình tin vào hoặc biết cách hỗ trợ bản thân mình trong những lúc nghi ngờ hoặc đang gặp phải vấn đề khó khăn.

Thứ năm, như An Ma đã dạy, việc nhận được một chứng ngôn thường là một quá trình cùng với một loạt hy vọng, tin tưởng và cuối cùng biết được lẽ thật của một nguyên tắc, giáo lý hoặc phúc âm cụ thể (xin xem An Ma 32).

Thứ sáu, việc chúng ta giảng dạy một người nào khác về điều mình biết sẽ củng cố chứng ngôn của chúng ta khi chúng ta xây đắp chứng ngôn đó cho một người khác. Khi các anh chị em cho một người nào đó tiền hay thức ăn, các anh chị em sẽ có ít tiền hay thức ăn hơn. Tuy nhiên, khi các anh chị em chia sẻ chứng ngôn của mình, thì nó củng cố và gia tăng chứng ngôn của người chia sẻ lẫn người nghe chứng ngôn.

Thứ bảy, hằng ngày, chúng ta cần phải đều đặn làm những điều nhỏ nhặt nhưng cần thiết. Việc cầu nguyện, học thánh thư và phúc âm, tham dự các buổi họp nhà thờ, thờ phượng trong đền thờ, làm tròn công việc giảng dạy thăm viếng, giảng dạy tại gia và những công việc chỉ định khác đều củng cố đức tin của chúng ta và mời gọi Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta. Khi xao lãng bất cứ đặc ân nào trong số các đặc ân này, chúng ta có thể đánh mất chứng ngôn của mình.

Thứ tám, chúng ta không nên đặt ra tiêu chuẩn cho những người khác cao hơn cho bản thân mình. Chúng ta thường để cho những lỗi lầm hoặc sự thất bại của những người khác, nhất là các vị lãnh đạo hoặc các tín hữu Giáo Hội, ảnh hưởng đến cảm nghĩ của chúng ta về bản thân hoặc về chứng ngôn của mình. Những khó khăn của người khác không phải là một lý do để bào chữa cho những khiếm khuyết của chúng ta.

Thứ chín, rất tốt để nhớ rằng việc quá nghiêm khắc đối với bản thân mình khi lầm lỗi có thể nguy hiểm như việc quá tùy tiện khi cần phải hối cải thật sự.

Và thứ mười, chúng ta cần phải luôn luôn hiểu rõ rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô hoàn toàn hữu hiệu và liên tục ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta khi chúng ta để cho Sự Chuộc Tội được hữu hiệu như vậy. Rồi, mọi điều khác sẽ ổn định vào đúng chỗ của nó khi chúng ta tiếp tục gặp khó khăn với một số chi tiết, thói quen hay những phần dường như thiếu sót trong đức tin của mình.

Tôi biết ơn về những sự hiểu biết, sức mạnh và chứng ngôn của rất nhiều người bạn các cộng sự trẻ tuổi gương mẫu của tôi. Khi ở bên họ, tôi được củng cố và khi tôi biết rằng họ đang ở bên cạnh những người khác, thì tôi được khích lệ với sự hiểu biết về điều thiện và sự phục vụ của họ thay cho Đức Thầy là Đấng họ thờ phượng cũng như cố gắng tuân theo.

Người ta làm điều thiện và những điều quan trọng vì họ có chứng ngôn. Mặc dù điều này đúng nhưng chúng ta cũng nhận được chứng ngôn vì điều chúng ta làm. Chúa Giê Su phán:

“Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.

“Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:16–17).

“Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Giống như Nê Phi và Mặc Môn thời xưa, “tôi không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17; xin xem thêm Lời Mặc Môn 1:7) nhưng tôi xin nói cho các anh chị em biết điều tôi thật sự biết.

Tôi biết Thượng Đế, Cha Thiên Thượng hằng sống và yêu thương chúng ta. Tôi biết Con Trai duy nhất đặc biệt của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta và Ngài đứng đầu Giáo Hội mang danh Ngài. Tôi biết Joseph Smith đã trải qua tất cả những điều ông kể lại và đã giảng dạy về Sự Phục Hồi phúc âm trong thời kỳ chúng ta. Tôi biết rằng ngày nay chúng ta được các vị sứ đồ và tiên tri hướng dẫn và Chủ Tịch Thomas S. Monson nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để ban phước cho cuộc sống của chúng ta cùng tiến hành công việc của Chúa. Tôi biết rằng chúng ta đều được quyền có sự hiểu biết này và nếu đang gặp khó khăn, thì các anh chị em có thể trông cậy vào lẽ thung thực của chứng ngôn mà các anh chị em đã nghe từ bục giảng này trong đại hội này. Tôi biết và làm chứng những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.