2010–2019
Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian
Tháng tư 2011


Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian

Các phước lành quan trọng và cao quý nhất của vai trò tín hữu trong Giáo Hội là các phước lành mà chúng ta nhận được trong đền thờ của Thượng Đế.

Các anh chị em thân mến, tôi bày tỏ tình yêu thương và gửi lời chào mừng đến mỗi anh chị em, và cầu nguyện rằng Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn ý nghĩ cũng như soi dẫn những lời nói của tôi trong khi tôi ngỏ lời cùng các anh chị em ngày hôm nay.

Tôi xin bắt đầu bằng một hoặc hai lời bình luận về những sứ điệp chúng ta đã nghe buổi sáng hôm nay từ Chị Allred và Giám Trợ Burton liên quan đến chương trình An Sinh của Giáo Hội. Như đã nói đến, năm nay đánh dấu 75 năm thành lập chương trình đầy soi dẫn này mà đã ban phước cho rất nhiều người. Tôi có đặc ân quen biết riêng với một số người đã đi đầu trong việc thiết lập nỗ lực lớn lao này—những người đầy lòng trắc ẩn và nhìn xa thấy trước.

Như Giám Trợ Burton và cả Chị Allred và những người khác nữa đều đề cập đến, vị giám trợ được giao cho trách nhiệm để chăm sóc những người hoạn nạntrong ranh giới của tiểu giáo khu ông. Khi còn là một giám trợ rất trẻ tuổi ở Salt Lake City, tôi có đặc ân chủ tọa một tiểu giáo khu có 1.080 tín hữu, kể cả 84 góa phụ. Có nhiều người cần được phụ giúp. Tôi biết ơn biết bao vềchương trình an sinh của Giáo Hội cũng như sự giúp đỡ của Hội Phụ Nữ và các nhóm túc số chức tư tế.

Tôi xin nói rằng chương trình an sinh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được Thượng Đế Toàn Năng soi dẫn.

Giờ đây, thưa các anh chị em, đại hội này đánh dấu ba năm kể từ khi tôi được tán trợ với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội. Dĩ nhiên, đây là những năm đầy bận rộn, đầy dẫy thử thách nhưng cũng vô số phước lành. Cơ hội tôi đã có để làm lễ cung hiến và tái cung hiến các đền thờ là một trong số các phước lành thú vị và thiêng liêng nhất, và ngày hôm nay, tôi muốn ngỏ lời cùng các anh chị em về đền thờ.

Tại đại hội trung ương tháng Mười năm 1902, Chủ Tịch Giáo Hội Joseph F. Smith đã bày tỏ hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có “đền thờ xây cất trong nhiều phần đất trên [thế giới] là những nơi cần có đền thờ để thuận tiện cho các tín hữu.”1

Trong 150 năm đầu tiên sau khi tổ chức Giáo Hội, từ năm 1830 đến 1980, 21 đền thờ đã được xây cất, kể cả hai đền thờ ở Kirtland, Ohio, và Nauvoo, Illinois. Ngược lại, trong 30 năm kể từ năm 1980, có 115 đền thờ được xây cất và làm lễ cung hiến. Với lời thông báo ngày hôm qua về ba ngôi đền thờ mới, sẽ có thêm hai mươi sáu đền thờ nữa đang xây cất hoặc sắp xây cất. Con số các đền thờ này sẽ tiếp tục gia tăng.

Mục tiêu mà Chủ Tịch Joseph F. Smith hy vọng vào năm 1902 đã trở thành sự thật. Mong muốn của chúng tôi là làm cho các tín hữu của chúng ta có thể đến đền thờ càng dễ dàng càng tốt.

Một trong số các đền thờ hiện đang xây cất là ở Manaus, Brazil. Cách đây nhiều năm, tôi đọc về một nhóm người gồm có hơn một trăm tín hữu rời Manaus, ở giữa khu rừng Amazon có nhiều mưa, để đi đến ngôi đền thờ gần nhất lúc bấy giờ, ở Sao Paulo, Brazil—cách Manaus gần 4.000 kilômét. Các Thánh Hữu trung tín đó đi bằng tàu trong bốn ngày đêm trên dòng Sông Amazon và các sông nhánh của nó. Sau khi kết thúc chuyến đi bằng đường thủy này, họ lên các chiếc xe đò để đi thêm ba ngày nữa, hành trình —trên những con đường gập ghềnh, với rất ít thức ăn và không có chỗ nào thoải mái để ngủ. Sau bảy ngày bảy đêm, họ đến đền thờ ở Sao Paulo, nơi đó họ thực hiện các giáo lễ có tính chất vĩnh cửu. Dĩ nhiên, chặng đường về của họ cũng khó khăn không kém. Tuy nhiên, họ đã nhận được các giáo lễ và phước lành của đền thờ, và mặc dù hết tiền, nhưng họ được tràn đầy tinh thần đền thờ cũng như lòng biết ơn về các phước lành họ đã nhận được.2 Giờ đây, nhiều năm sau, các tín hữu của chúng ta ở Manaus hân hoan khi nhìn thấy đền thờ của họ đang được xây cất trên bờ Sông Rio Negro. Đền thờ mang niềm vui đến cho các tín hữu trung thành của chúng ta ở bất cứ nơi nào có đền thờ.

Những câu chuyện kể về sự hy sinh để nhận được các phước lành chỉ được thấy trong các đền thờ của Thượng Đế bao giờ cũng làm tôi xúc động và mang đến cho tôi một cảm giác mới mẻ về lòng biết ơn dành cho đền thờ.

Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một câu chuyện về Tihi và Tararaina Mou Tham cùng 10 đứa con của họ. Cả gia đình đó, ngoại trừ một đứa con gái, gia nhập Giáo Hội đầu thập niên 1960 khi những người truyền giáo đến đảo của họ nằm cách khoảng 160 kilômét ở phía nam Tahiti. Chẳng bao lâu, họ bắt đầu mong muốn nhận được các phước lành của gia đình vĩnh cửu được gắn bó trong đền thờ.

Vào lúc đó, ngôi đền thờ gần nhất đối với gia đình Mou Tham là Đền Thờ Hamilton New Zealand, cách hơn 4.000 kilômét về phía tây nam, chỉ có thể đi bằng máy bay và rất tốn kém. Gia đình đông con Mou Tham sống đạm bạc với thu hoạch ít ỏi từ một đồn điền nhỏ, không có tiền mua vé máy bay cũng không có cơ hội làm việc trên đảo Thái Bình Dương của họ. Vậy nên, Anh Mou Tham và con trai của anh là Gerard đã chọn một quyết định khó khăn để đi 4.800 kilômét đến làm việc ở New Caledonia, là nơi một đứa con trai khác đang làm việc. Chủ nhân sẽ trả cho nhân viên phí tổn của chuyến đi đến hầm mỏ, nhưng không cung cấp phương tiện cho chuyến về.

Ba người đàn ông trong gia đình Mou Tham làm việc bốn năm.Trong bốn năm đó, Anh Mou Tham một mình trở về nhà chỉ một lần duy nhất để dự hôn lễ của một đứa con gái.

Sau bốn năm, Anh Mou Tham và hai đứa con trai của anh đã dành dụm đủ tiền để mang gia đình đi đến đền thờ New Zealand. Mọi người trong gia đình là tín hữu đều đi ngoại trừ một đứa con gái đang mang thai. Họ được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu, một kinh nghiệm đầy vui mừng, không sao kể xiết.

Anh Mou Tham đi từ đền thờ thẳng đến New Caledonia, nơi đó anh làm việc thêm hai năm nữa để trả tiền cho đứa con gái đã không vào đền thờ với họ lần trước—đứa con gái đã lập gia đình, cùng với chồng con của cô ấy.

Trong những năm tuổi già của họ, Anh Chị Mou Tham mong muốn phục vụ trong đền thờ. Vào lúc đó, Đền Thờ Papeete Tahiti đã được xây cất và làm lễ cung hiến, và họ đã phục vụ truyền giáo bốn lần ở đó.3

Thưa các anh chị em, đền thờ còn có ý nghĩa nhiều hơn là đá và hồ. Đền thờ đầy ắp những người nhịn ăn và có đức tin. Đền thờ được xây cất với những thử thách và chứng ngôn. Đền thờ được thánh hóa bởi sự hy sinh và phục vụ.

Ngôi đền thờ đầu tiên được xây cất vào gian kỳ này là đền thờ ở Kirtland, Ohio. Vào lúc đó, Các Thánh Hữu rất nghèo khổ, nhưng Chúa đã truyền lệnh phải xây cất một đền thờ, vậy nên họ đã xây cất đền thờ. Anh Cả Heber C. Kimball viết về kinh nghiệm này: “Chỉ có Chúa mới biết được cảnh nghèo khó, khổ cực và khốn cùng chúng tôi đã trải qua để hoàn tất đền thờ.”4 Và rồi, sau khi đã cần cù hoàn thành tất cả mọi điều, Các Thánh Hữu bị bắt buộc phải rời bỏ Ohio và ngôi đền thờ yêu quý của họ. Cuối cùng, họ tìm ra nơi trú ẩn—mặc dù sẽ chỉ là tạm bợ—trên bờ Sông Mississippi ở tiểu bang Illinois. Họ đặt tên cho nơi tạm trú của họ là Nauvoo và sẵn sàng hy sinh tất cả một lần nữa, và với đức tin nguyên vẹn, họ xây lên một đền thờ khác cho Thượng Đế. Tuy nhiên, với Đền Thờ Nauvoo mới vừa hoàn tất, cảnh ngược đãi xảy ra và họ bị đuổi ra khỏi nhà một lần nữa, rồi tìm kiếm nơi trú ẩn trong một sa mạc mà không một ai khác muốn ở.

Một lần nữa, họ vất vả và hy sinh khi lao nhọc trong bốn mươi năm để xây lên Đền Thờ Salt Lake. Ngôi đền thờ uy nghi đó nằm trên con đường ở ngay phía nam của Trung Tâm Đại Hội nơi chúng ta quy tụngày hôm nay.

Một mức độ hy sinh nào đó đã từng gắn liền với việc xây cất đền thờ và tham dự đền thờ. Vô số tín hữu đã lao nhọc và vất vả để nhận được các phước lành được tìm thấy trong đền thờ của Thượng Đế dành cho mình cũng như gia đình mình.

Tại sao có rất nhiều người sẵn lòng hy sinh nhiều như vậy để nhận được các phước lành của đền thờ? Những người hiểu được các phước lành vĩnh cửu đến từ đền thờ đều biết rằng không có một sự hy sinh nào quá lớn lao, không có một cái giá nào quá cao, không có nỗi vất vả nào quá khó khăn để nhận được các phước lành đó. Họ sẵn lòng đi bất cứ chặng đường nào, khắc phục bất cứ trở ngại nào hoặc chịu đựng bất cứ điều gì bất tiện. Họ hiểu rằng các giáo lễ cứu rỗi nhận được trong đền thờ cho phép chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng một ngày nào đó trong mối quan hệ gia đình vĩnh cửu, và được ban cho các phước lành và quyền năng từ trên cao, điều này rất đáng bõ công cho mọi hy sinh và mọi nỗ lực.

Ngày nay, đa số chúng ta đều không phải gánh chịu nỗi gian khổ gay go để tham dự đền thờ. Tuy nhiên, với Đền Thờ Nauvoo mới vừa hoàn tất, cảnh ngược đãi xảy ra và họ bị đuổi ra khỏi nhà một lần nữa, rồi tìm kiếm nơi trú ẩn trong một sa mạc mà không một ai khác muốn ở.

Nếu các anh chị em đã đi đền thờ cho bản thân mình, và nếu sống khá gần một đền thờ, thì sự hy sinh của các anh chị em có thể là dành ra thời giờ trong cuộc sống bận rộn của mình để đi đền thờ thường xuyên. Nhiều điều cần được thực hiện trong đền thờ của chúng ta thay cho những người đã qua đời. Khi làm công việc thay cho họ, chúng ta sẽ biết rằng mình đã thực hiện cho họ điều họ không thể tự làm được. Chủ Tịch Giáo Hội Joseph F. Smith đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Qua các nỗ lực của chúng ta thay cho họ, những xiềng xích nô lệ của họ sẽ được cởi bỏ, và bóng tối xung quanh họ sẽ bị xua tan để ánh sáng có thể chiếu rọi lên họ và trong thế giới linh hồn họ sẽ nghe về công việc đã được con cái họ ở nơi đây thực hiện cho họ, và họ sẽ vui mừng với các anh chị em trong việc hoàn thành nhiệm vụ này của các anh chị em.”5Thưa các anh chị em, chúng ta phải làm công việc đó của mình.

Trong gia đình tôi, một số kinh nghiệm thiêng liêng và trân quý nhất của chúng tôi đã xảy ra khi chúng tôi cùng nhau ở trong đền thờ để thực hiện các giáo lễ gắn bó cho các tổ tiên đã qua đời của mình.

Nếu các anh chị em chưa đi đền thờ, hoặc nếu đã đi đền thờ, nhưng hiện nay không hội đủ điều kiện để có được giấy giới thiệu đi đền thờ, thì mục tiêu quan trọng nhất đối với các anh chị em để cố gắng đạt được là sống xứng đáng để đi đền thờ. Sự hy sinh của các anh chị em có thể là làm cho cuộc sống của mình phù hợp với điều đòi hỏi để nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ, có lẽ bằng cách từ bỏ những thói quen lâu đời khiến các anh chị em không đủ tư cách để nhận giấy giới thiệu đi đền thờ. Điều đó có thể là các anh chị em cần có đức tin và kỷ luật để đóng tiền thập phân. Dù đó là điều gì đi nữa thì hãy cố gắng hội đủ điều kiện để vào đền thờ của Thượng Đế. Hãy có được giấy giới thiệu đi đền thờ và xem đó là một tài sản quý báu vì nó thật là như vậy.

Các anh chị em sẽ không nhận được tất cả những gì mà Giáo Hội dành cho mình cho đến khi các anh chị em vào Nhà của Chúa và nhận được tất cả mọi phước lành đang chờ đợi mình trong đó. Các phước lành quan trọng và cao quý nhất của vai trò tín hữu trong Giáo Hội là các phước lành mà chúng ta nhận được trong đền thờ của Thượng Đế.

Giờ đây, các bạn trẻ thân mến của tôi, là những người đang trong tuổi niên thiếu, hãy luôn luôn đặt đền thờ làm mục tiêu của các em. Đừng làm điều gì mà sẽ ngăn cản các em vào đền thờ và dự phần vào các phước lành thiêng liêng và vĩnh cửu ở đó. Tôi khen ngợi các em nào thường xuyên đi đến đền thờ để làm phép báp têm thay cho người chết, thức dậy sáng sớm để có thể tham dự vào những lễ báp têm như vậy trước khi đi học. Tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để bắt đầu một ngày mới.

Cùng cha mẹ của các trẻ nhỏ, tôi xin chia sẻ với các anh chị em một lời khuyên khôn ngoan từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball. Ông nói:“Rất là tốt nếu … cha mẹ có trong mỗi phòng ngủ trong nhà mình một tấm hình đền thờ để [con cái của họ] từ lúc [chúng còn] thơ ấu, có thể nhìn vào tấm hình mỗi ngày [cho đến khi] tấm hình này trở thành một phần của cuộc sống [của chúng]. Khi [chúng] đến tuổi để [chúng] cần chọn quyết định rất quan trọng [về việc đi đền thờ], thì quyết định đó đã chọn xong rồi.”6

Trẻ em của chúng ta hát trong Hội Thiếu Nhi:

Tôi thích thấy đền thờ,

Một ngày nào đó, tôi sẽ đi vào bên trong đền thờ.

Tôi sẽ giao ước với Đức Chúa Cha;

Tôi sẽ hứa vâng lời.7

Tôi khẩn nài với các anh chị em hãy giảng dạy con cái mình về tầm quan trọng của đền thờ.

Thế gian có thể là một chỗ gay go và khó khăn để sống. Chúng ta thường bị vây quanh bởi những điều sẽ làm chúng ta suy đồi. Khi các anh chị em và tôi đi đến ngôi nhà thánh của Thượng Đế, nếu ghi nhớ các giao ước chúng ta lập ở bên trong đền thờ, thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mọi cám dỗ. Trong chốn thánh này, chúng ta sẽ tìm thấy bình an; chúng ta sẽ được đổi mới và củng cố.

Thưa các anh chị em, giờ đây, tôi xin được đề cập đến một đền thờ nữa trước khi tôi kết thúc. Trong tương lai rất gần, khi các ngôi đền thờ mới được xây cất trên khắp thế giới, một đền thờ sẽ được xây cất trong một thành phố được thành lập cách đây hơn 2.500 năm. Tôi nói về ngôi đền thờ giờ đây đang được xây cất ở thành phố Rome, nước Ý.

Mỗi đền thờ là nhà của Thượng Đế, có đầy đủ chức năng, các phước lành và giáo lễ giống nhau. Đền Thờ Rome, Italy, độc nhất vô nhị, sẽ được xây cất ở một địa điểm có ý nghĩa lịch sử nhất trên thế giới, ở thành phố nơi mà các sứ đồ thời xưa là Phi E Rơ và Phao Lô đã rao giảng phúc âm của Đấng Ky Tô và nơi mà mỗi sứ đồ đã tuẫn đạo.

Tháng Mười năm ngoái, trong khi chúng tôi họp mặt trên khu đất ở vùng quê đẹp đẽ trong góc đông bắc của thành phố Rome, tôi đã có cơ hội dâng lên cầu nguyện cung hiến khi chúng tôi chuẩn bị làm lễ động thổ. Tôi cảm thấy có ấn tượng để mời Thượng Nghị Sĩ Ý Lucio Malan và vị phó thị trưởng thành phố Rome Giuseppe Ciardi ở trong số những người đầu tiên xúc một xẻng đất. Mỗi vị ấy đã góp phần vào quyết định cho phép chúng ta xây cất một đền thờ trong thành phố của họ.

Ngày hôm đó trời u ám nhưng ấm áp, và mặc dù có thể có mưa, nhưng chỉ có vài giọt mưa rơi xuống. Trong khi ca đoàn kỳ diệu hát bằng tiếng Ý bài thánh ca tuyệt vời “Thánh Linh của Thượng Đế,” thì mọi người đều có thể cảm thấy thể như trời và đất cùng hòa nhịp với bài thánh ca tuyệt vời với lời ngợi khen và lòng biết ơn Thượng Đế Toàn Năng. Không mội ai có thể cầm được nước mắt.

Vào một ngày sắp tới, những người trung tín trong Thành Phố Vĩnh Cửu này sẽ nhận được các giáo lễ có tính chất vĩnh cửu trong Ngôi Nhà thánh của Thượng Đế.

Tôi bày tỏ lòng biết ơn vĩnh viễn của mình lên Cha Thiên Thượng về ngôi đền thờ giờ đây đang được xây cất ở thành phố Rome và về tất cả mọi đền thờ của chúng ta, các đền thờ ở bất cứ nơi đâu. Mỗi một đền thờ đứng làm ngọn hải đăng cho thế gian, là cách bày tỏ chứng ngôn của chúng ta rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu hằng sống, Ngài mong muốn ban phước cho chúng ta và quả thật, ban phước cho các con trai và con gái của Ngài trong mọi thế hệ. Mỗi ngôi đền thờ của chúng ta là một cách bày tỏ chứng ngôn của chúng ta rằng cuộc sống mai sau là có thật và chắc chắn như cuộc sống ở nơi đây trên thế gian. Tôi làm chứng như vậy.

Các anh chị em thân mến, cầu xin cho chúng ta thực hiện bất cứ sự hy sinh nào cần thiết để tham dự đền thờ và có được tình thần đền thờ trong lòng và trong nhà của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta đi theo Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã hy sinh tột bậc cho chúng ta, để chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao trong vương quốc của Cha Thiên Thượng Đây là lời cầu nguyện chân thành của tôi và tôi dâng lên lời cầu nguyện này, trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Joseph F. Smith, trong Conference Report, tháng Mười năm 1902, 3.

  2. Xin xem Vilson Felipe Santiago và Linda Ritchie Archibald, “From Amazon Basin to Temple,” Church News, ngày 13 tháng Ba năm 1993, 6.

  3. Xin xem C. Jay Larson, “Temple Moments: Impossible Desire,” Church News, ngày 16 tháng Ba năm 1996, 16.

  4. Heber C. Kimball, trong Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball (1945), 67.

  5. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph F. Smith (1998), 247.

  6. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball biên tập (1982), 301.

  7. Janice Kapp Perry, “I Love to See the Temple,” Children’s Songbook, 95.