2010–2019
Phép Lạ của Sự Chuộc Tội
Tháng tư 2011


Phép Lạ của Sự Chuộc Tội

Không có tội lỗi hoặc điều phạm giới nào, nỗi đau đớn hay buồn phiền nào mà không được tha thứ, nhờ vào quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Trong khi chuẩn bị bài nói chuyện của tôi cho đại hội này, tôi nhận được một cú điện thoại bất ngờ từ cha tôi. Ông nói rằng đứa em trai của tôi mới vừa qua đời trong giấc ngủ buổi sáng hôm đó. Tôi rất đau buồn. Chú ấy chỉ mới 51 tuổi. Khi tôinghĩ đến chú ấy, tôi cảm thấy có ấn tượng phải chia sẻ với các anh chị em một số sự kiện trong cuộc sống của em tôi. Tôi đã được cho phép làm như vậy.

Khi còn trẻ, em tôi rất đẹp trai, thân thiện và thích giao du---hoàn toàn tận tụy với phúc âm. Sau khi phục vụ truyền giáo một cách vinh dự, chú ấy kết hôn với người yêu của mình trong đền thờ. Họ được ban phước với một đứa con trai và con gái. Tương lai của chú ấy đầy hứa hẹn.

Nhưng rồi chú ấy nhượng bộ một yếu điểm. Chú ấy chọn sống theo chủ nghĩa khoái lạc làm cho mình bị mất sức khỏe, hôn nhân và tư cách tín hữu trong Giáo Hội.

Chú ấy dọn đi xa nhà. Chú ấy tiếp tục hành vi tự hủy hoại trong hơn một thập niên; nhưng Đấng Cứu Rỗi đã không quên cũng như từ bỏ chú ấy. Cuối cùng, nỗi đau đớn đầy tuyệt vọng của chú ấy đã cho phép tinh thần khiêm nhường đi vào tâm hồn chú ấy. Những cảm nghĩ tức giận, chống đối và hung hăng bắt đầu biến mất. Giống như đứa con trai hoang phí, “chú ấy đã tỉnh ngộ.”1 Chú ấy bắt đầu tìm đến Đấng Cứu Rỗi và tìm đường trở lại với gia đình và với hai người cha mẹ trung tín không bao giờ từ bỏ chú ấy.

Chú ấy bước đi trên con đường hối cải. Điều đó không phải là dễ. Sau khi xa rời Giáo Hội 12 năm, chú ấy chịu phép báp têm lại và nhận lại ân tứ Đức Thánh Linh. Cuối cùng, các phước lành của chức tư tế và đền thờ của chú ấy được phục hồi.

Chú ấy được ban phước để tìm ra một phụ nữ sẵn lòng bỏ qua những thử thách còn lại về sức khỏe vì lối sống trước đây của chú ấy, và họ đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Họ có với nhau hai đứa con. Chú ấy phục vụ trung tín trong giám trợ đoàn được vài năm.

Em trai của tôi qua đời vào sáng thứ Hai ngày 7 tháng Ba. Buổi tối thứ Sáu trước đó, chú ấy và vợ đi đền thờ. Vào sáng Chúa Nhật, trước khi qua đời, chú giảng dạy bài học của chức tư tế trong nhóm thầy tư tế thượng phẩm của mình. Chú ấy đi ngủ vào buổi tối đó, không bao giờ thức dậy nữa trong cuộc sống này―nhưng chú ấy sẽ sống lại trong lần phục sinh của những người công minh.

Tôi biết ơn về phép lạ của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của em trai tôi. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi dành sẵn cho mỗi người chúng ta—luôn luôn.

Chúng ta tiếp cận với Sự Chuộc Tội qua việc hối cải. Khi chúng ta hối cải, Chúa cho phép chúng ta bỏ lại những lỗi lầm ở sau lưng mình.

“Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.

“Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không---này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó.”2

Mỗi chúng ta đều biết một người đã có những thử thách nghiêm trọng trong cuộc sống của họ―một người nào đó đi lạc đường hoặc đang nghi ngờ. Người đó có thể là một người bạn hoặc người bà con, một người cha hay mẹ hoặc một đứa con, một người chồng hay người vợ. Người đó còn có thể là các anh chị em nữa.

Tôi ngỏ lời cùng tất cả mọi người, ngay cả các anh chị em. Tôi nói về phép lạ của Sự Chuộc Tội.

Đấng Mê Si đến cứu chuộc loài người khỏi Sự Sa Ngã của A Đam.3 Mọi điều trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đều chỉ hướng về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Mê Si, Vị Nam Tử của Thượng Đế.4

Kế hoạch cứu rỗi không thể được xảy ra nếu không có sự chuộc tội. “Vậy nên, chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý, ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo, công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót.”5

Sự hy sinh chuộc tội phải được thực hiện bởi Vị Nam Tử vô tội của Thượng Đế, vì loài người sa ngã không thể chuộc tội lỗi của mình được.6 Sự Chuộc Tội cần phải vô hạn và vĩnh cửu―để áp dụng cho tất cả mọi người, đến suốt thời vĩnh cửu.7

Qua nỗi đau khổ và cái chết của Ngài, Đấng Cứu Rỗi chuộc tội lỗi của tất cả mọi người.8 Sự Chuộc Tội của Ngài bắt đầu trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, tiếp tục trên cây thập tự, và lên đến cực điểm với Sự Phục Sinh.

“Phải, … Ngài sẽ bị dẫn đi, bị đóng đinh trên thập tự giá, và bị giết chết, xác thịt trở nên lệ thuộc sự chết, và ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha.”9 Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Ngài đã “dâng tâm hồn Ngài làm của lễ chuộc tội.”10

Là Con Độc Sinh của Thượng Đế, Ngài đã thừa hưởng quyền năng đối với cái chết thể xác. Điều đó cho phép Ngài hỗ trợ cuộc sống của Ngài, khi Ngài chịu đựng “ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết; vì này, máu sẽ chảy ra từ mọi lỗ chân lông, nỗi lo âu của Ngài về sự độc ác và những sự khả ố của dân Ngài thật lớn lao thay.”11

Không những Ngài trả cái giá cho tội lỗi của tất cả loài người mà Ngài còn “mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.” Và Ngài nhận lấy “những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, … để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”12

Đấng Cứu Rỗi cảm thấy gánh nặng thống khổ của tất cả loài người―nỗi thống khổ về tội lỗi và nỗi buồn phiền. “Quả thật Ngài đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta.”13

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài không những chữa lành cho người phạm giới mà còn cho người vô tội chịu đau khổ vì những điều phạm giới đó nữa. Khi người vô tội sử dụng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài và tha thứ cho người phạm giới thì cả hai người đều cũng có thể được chữa lành.

Có những lúc mà mỗi người chúng ta “cần được giải thoát khỏi những cảm nghĩ tội lỗi đến từ những lỗi lầm và tội lỗi.”14 Khi chúng ta hối cải, Đấng Cứu Rỗi cất đi tội lỗi khỏi tâm hồn chúng ta.

Nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài nên tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Ngoại trừ tội diệt vong, Sự Chuộc Tội luôn luôn dành sẵn cho mọi người, dù là tội lỗi nặng hoặc nhỏ đến đâu, “qua những điều kiện của sự hối cải.”15

Vì tình yêu thương vô hạn của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta phải hối cải để chúng ta sẽ không phải chịu gánh nặng trọn vẹn của tội lỗi mình:

“Hãy hối cải—bằng không thì nỗi đau khổ của ngươi sẽ lớn lao vô cùng – lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn.”16

Đấng Cứu Rỗi ban sự chữa lành cho những người đang đau khổ vì tội lỗi. “Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”17

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chữa Lành tâm hồn của chúng ta. Ngoài tội diệt vong ra, không có tội lỗi hoặc điều phạm giới nào, nỗi đau đớn hay buồn phiền nào mà không được tha thứ nhờ vào quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Khi chúng ta phạm tội, Sa Tan nói với chúng ta rằng chúng ta đã bị lạc mất rồi. Trái lại, Đấng Cứu Chuộc ban sự cứu chuộc cho tất cả mọi người, cho cả các anh chị em và tôi nữa—dù chúng ta đã làm điều gì sai trái—.

Khi các anh chị em suy xét cuộc sống của mình, có điều gì mà các anh chị em cần phải thay đổi không? Các anh chị em có làm những lỗi lầm gì mà cần phải sửa đổi không?

Nếu các anh chị em đang đau khổ vì những cảm nghĩ tội lỗi, hối hận, cay đắng hoặc tức giận, tôi mời các anh chị em hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy hối cải và từ bỏ tội lỗi của mình. Rồi cầu xin Chúa trong lời cầu nguyện để được tha thứ. Hãy tìm kiếm sự tha thứ từ những người mà các anh chị em đã làm điều sai trái với họ. Hãy tha thứ cho những người đã làm điều sai trái với các anh chị em.Hãy tự tha thứ mình.

Hãy đến nói chuyện với vị giám trợ, nếu cần. Vị ấy là sứ giả đầy lòng thương xót của Chúa. Vị ấy sẽ giúp các anh chị em khi các anh chị em cố gắng để trở nên thanh sạch qua sự hối cải.

Hãy đắm mình trong sự cầu nguyện và học hỏi thánh thư. Khi làm như vậy, các anh chị em sẽ cảm thấy được ảnh hưởng thánh hóa của Thánh Linh. Đấng Cứu Rỗi phán: “Tự thánh hóa mình; phải, hãy làm cho tâm hồn mình được thanh khiết, và hãy tẩy sạch tay các ngươi … trước mặt ta, để ta có thể làm cho các ngươi được thanh sạch.”18

Khi chúng ta được làm cho thanh sạch nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi trở thành Đấng biện hộ cho chúng ta với Đức Chúa Cha, và Ngài khẩn nài:

“Thưa Cha, xin hãy nhìn những sự đau khổ và cái chết của người mà không hề phạm tội, người mà Cha rất hài lòng; xin hãy nhìn máu Con của Cha đã đổ ra, máu của người mà Cha đã ban cho để Cha có thể được vinh hiển;

“Vậy con xin Cha hãy tha cho những người anh em này của con, là những người tin vào danh con, để họ có thể đến cùng con và được cuộc sống vĩnh viễn.”19

Mỗi người chúng ta đã được ban cho ân tứ về quyền tự quyết. “Loài người được [tự ý] … lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới … quyền hành của quỷ dữ.”20

Cách đây nhiều năm, em trai tôi đã sử dụng quyền tự quyết của mình khi chọn một lối sống làm cho chú ấy mất sức khỏe, gia đình và tư cách tín hữu trong Giáo Hội. Nhiều năm về sau, chú ấy cũng đã sử dụng quyền tự quyết đó khi chú ấy chọn hối cải, làm cho cuộc sống của mình phù hợp với những điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, và để thật sự được sinh lại qua quyền năng của Sự Chuộc Tội.

Tôi làm chứng về phép lạ của Sự Chuộc Tội. Tôi đã thấy được quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của em trai tôi, và cảm nhận được quyền năng đó trong cuộc sống của tôi. Quyền năng chữa lành và cứu chuộc của Sự Chuộc Tội dành sẵn cho mỗi người chúng ta—luôn luôn.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô—Đấng chữa lành tâm hồn chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ chọn đáp ứng lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi: “Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”21Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Lu Ca 15:17.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43.

  3. Xin xem 2 Nê Phi 2:25–26.

  4. Xin xem An Ma 34:14.

  5. An Ma 42:15.

  6. Xin xem An Ma 34:11.

  7. Xin xem An Ma 34:10.

  8. Xin xem An Ma 22:14.

  9. Mô Si A 15:7.

  10. Mô Si A 14:10.

  11. Mô Si A 3:7.

  12. An Ma 7:11–12.

  13. Mô Si A 14:4.

  14. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 2.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 18:12.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 19:15–18.

  17. 3 Nê Phi 9:13.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 88:74.

  19. Giáo Lý và Giao Ước45:4–5.

  20. 2 Nê Phi 2:27.

  21. 3 Nê Phi 9:13.