2010–2019
Công Việc An Sinh Thiêng Liêng
Tháng tư 2011


Công Việc An Sinh Thiêng Liêng

Công việc chăm sóc lẫn nhau và “nhân từ đối với người nghèo khó” là một công việc thiêng liêng, đã được Đức Chúa Cha truyền lệnh cũng như Chúa phác họa nhằm ban phước, cải tiến và tôn cao con cái của Ngài.

Kính chào các anh chị em, Vào năm 1897, chàng thanh niên David O. McKay tay cầm quyển sách nhỏ đứng trước cửa của một căn nhà. Là người truyền giáo ở Stirling, Scotland, ông đã nhiều lần làm như thế trước đó. Nhưng vào ngày đó, một phụ nữ hốc hác đã mở cửa và đứng trước mặt ông. Người phụ nữ ấy ăn mặc nghèo nàn, má hóp và tóc rối bù.

Bà nhận lấy quyển sách nhỏ mà Anh Cả McKay đưa cho bà và nói một câu mà ông sẽ không bao giờ quên: “Sách này có cho tôi bánh ăn không?”

Cuộc gặp gỡ này đã để lại một ảnh hưởng mạnh mẽ nơi người truyền giáo trẻ tuổi. Về sau ông viết: “Từ giây phút đó, tôi thấu hiểu rằng Giáo Hội của Đấng Ky Tô phải quan tâm đến sự cứu rỗi thế tục của con người. Tôi bước đi khỏi cửa của căn nhà đó lòng cảm thấy rằng [người phụ nữ] đó, là người cay đắngđối với loài người và Thượng Đế, [đã] không hề có ý định tiếp nhận sứ điệp của phúc âm. [Bà ta] cần giúp đỡ về vật chất, và theo tôi có thể biết được, thì không có tổ chức nào ở Stirling có thể giúp đỡ bà về mặt vật chất.”1

Một vài thập niên sau, thế giới rên xiết dưới gánh nặng của tình trạng Kinh Tế Suy Thoái. Chính lúc đó, vào ngày 6 tháng Tư năm 1936, Chủ Tịch Heber J. Grant cùng hai cố vấn của ông, J. Reuben Clark và David O. McKay, loan báo điều mà về sau được biết là chương trình an sinh của Giáo Hội. Thú vị thay, hai tuần sau, Anh Cả Melvin J. Ballard được chỉ định với tư cách là chủ tịch đầu tiên và Harold B. Lee là giám đốc điều hành đầu tiên của chương trình đó.

Đây không phải là một nỗ lực tầm thường. Mặc dù Chúa đã kêu gọi nhiều người phi thường để quản lý chương trình đó nhưng Chủ Tịch J. Reuben Clark nói rõ rằng “việc thiết lập chương trình [an sinh] là kết quả của sự mặc khải do Đức Thánh Linh ban cho Chủ Tịch Grant, và chương trình này đã được thực hiện vào lúc đó nhờ những điều mặc khải tương tự ban cho các vị thẩm quyền trung ương có trách nhiệm đối với chương trình này.”2

Sự cam kết của các vị lãnh đạo Giáo Hội để làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người thì thật vững vàng và không thay đổi. Chủ Tịch Grant muốn “một hệ thống mà sẽ tìm đến và chăm sóc mọi người cho dù phí tổn có là bao nhiêu đi nữa.” Ông nói rằng ông sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp quyết liệt để “đóng cửa các lớp giáo lý, gián đoạn công việc truyền giáo trong một thời gian, thậm chí còn đóng cửa đền thờ, chứ không thể để cho người khác bị đói khát.”3

Tôi đã cùng đi với Chủ Tịch Gordon B. Hinckley ở Managua, Nicaragua khi ông ngỏ lời với 1.300 tín hữu của Giáo Hội đã sống sót sau một trận bão đầy sức tàn phá đã làm 11.000 người chết. Ông nói với họ: “Cho tới chừng nào Giáo Hội còn phương tiện thì chúng tôi sẽ không để cho các anh chị em đói khát hoặc không có quần áo hay chỗ trú ngụ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để phụ giúp theo cách Chúa đã chỉ thị phải được thực hiện.”4

Một trong những khía cạnh độc nhất vô nhị của chương trình an sinh đầy soi dẫn này mà đặt phúc âm làm trọng tâm là nhấn mạnh vào trách nhiệm và sự tự túc cá nhân. Chủ Tịch Marion G. Romney giải thích: “Nhiều người có thiện chí đã sắp đặt nhiều chương trình để giúp đỡ những người hoạn nạn. Tuy nhiên, nhiều chương trình này được đề ra với mục tiêu thiển cận là ‘giúp đỡ người ta’ thay vì ‘giúp đỡ người ta tự giúp mình.’”5

Sự tự túc là kết quả của lối sống tằn tiện và có kỷ luật tự giác về mặt kinh tế. Từ lúc ban đầu, Giáo Hội đã dạy rằng—bằng mọi cách trong khả năng của mình—các gia đình cần phải có trách nhiệm về sự an sinh vật chất của mình. Mỗi thế hệ cần phải học lại các nguyên tắc cơ bản của sự tự túc: tránh nợ nần, cần thận quản lý tiền bạc, dự phòng những lúc túng quẫn, lắng nghe và tuân theo những lời của các vị tiên tri tại thế, phát huy kỷ luật để phân biệt giữa điều mình cần với điều mình muốn và sống sao cho phù hợp với các nguyên tắc đó.

Mục đích, những lời hứa và các nguyên tắc mà tái củng cố công việc của chúng ta nhằm chăm sóc cho người nghèo túng vượt ra khỏi những giới hạn của cuộc sống trần thế. Công việc thiêng liêng này không chỉ giúp ích và ban phước cho những người đau khổ hoặc hoạn nạn mà thôi. Là các con trai và con gái của Thượng Đế, chúng ta không thể thừa hưởng trọn vẹn cuộc sống thượng thiên mà không dấn thân hoàn toàn vào việc chăm sóc lẫn nhau trong khi chúng ta còn sống nơi đây trên thế gian. Chính là trong việc hy sinh và phục vụ người khác một cách nhân từ mà chúng ta học được các nguyên tắc thượng thiên về sự hy sinh và dâng hiến.6

Vua Bên Gia Min cao trọng đã dạy rằng một trong số các lý do chúng ta san xẻ của cải của mình cho người nghèo khó và cứu giúp họ là để chúng ta có thể hằng ngày gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi cho mình ngõ hầu chúng ta có thể trở nên vô tội khi bước đi trước mặt Thượng Đế.7

Kể từ lúc thế gian được tạo dựng, lòng bác ái đã luôn luôn là một phần quyết định của xã hội ngay chính. Chúng ta mong muốn một thế giới hòa bình và những cộng đồng thịnh vượng. Chúng ta cầu nguyện để có được xã hội nhân từ và đức hạnh là nơi sự tà ác bị từ bỏ và điều thiện cũng như sự tốt lành chiếm ưu thế. Dù cho chúng ta có xây cất bao nhiêu đền thờ, dù cho con số tín hữu của chúng ta có lớn mạnh đến đâu, dù cho người đời có thấy chúng ta tốt lành đến đâu đi nữa—mà nếu không làm theo lệnh truyền quan trọng và chính yếu này để “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược,”8 hoặc làm ngơ đối với những người đang đau khổ và than khóc, thì chúng ta sẽ bị kết tội và không thể làm hài lòng Chúa,9 cũng như niềm hy vọng hân hoan của tâm hồn chúng ta sẽ luôn luôn xa rời chúng ta.

Trên khắp thế giới, 28.000 giám trợ tìm kiếm người nghèo khó để lo liệu cho nhu cầu của họ. Mỗi giám trợ được một hội đồng tiểu giáo khu phụ giúp gồm có những người lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ, kể cả một chị chủ tịch Hội Phụ Nữ tận tụy. Họ có thể “vội vã đến cứu giúp người lạ; … chữa lành những tấm lòng đau buồn; … [và] lau khô nước mắt của trẻ mồ côi và làm cho người góa bụa hân hoan trong lòng.”10

Tấm lòng của các tín hữu và các vị lãnh đạo Giáo Hội trên khắp thế giới đã được các giáo lý và tinh thần yêu thương hướng dẫn, chăm sóc và ảnh hưởng tốt lành đối với người lân cận.

Một vị lãnh đạo chức tư tế ở Nam Mỹ lo lắng vô cùng vì có nhiều tín hữu trong giáo khu nhỏ bé của ông bị đói khát và thiếu thốn. Vì không muốn để cho các trẻ em phải chịu đói khát, ông đã tìm ra một miếng đất trống rồi tổ chức cho những người có chức tư tế đến cày cấy và trồng trọt. Họ tìm ra một con ngựa già và móc vào nó một cái cày thô sơ rồi bắt đầu cày đất đai. Nhưng thảm cảnh đã xảy ra và con ngựa già chết trước khi họ có thể làm xong.

Thay vì để cho các anh chị em của mình bị đói khát, các anh em trong chức tư tế buộc cái cày cũ kỹ vào lưng mình và kéo nó ngang qua miếng đất khô cằn. Họ thật sự khoác lên cái ách đau khổ và gánh nặng của các anh chị em của họ.11

Một sự kiện xảy ra trong lịch sử của gia đình tôi đã nêu lên tấm gương cam kết chăm sóc cho người hoạn nạn. Nhiều người đã nghe nói về nhóm xe kéo Willie và Martin cũng như về những người tiền phong trung tín này đã khổ sở và chết như thế nào khi họ chịu đựng mùa đông lạnh giá và điều kiện khắc nghiệt trong chuyến đi về miền tây. Robert Taylor Burton, ông tổ của tôi, là một trong những người mà Brigham Young yêu cầu đi cứu giúp Các Thánh Hữu yêu quý và tuyệt vọng đó.

Ông tổ của tôi viết về thời gian này trong nhật ký của mình: “Tuyết rơi thành đống và trời rất lạnh. … Lạnh đến nỗi [chúng tôi] không thể di chuyển được. Nhiệt độ là 24 độ âm … ; lạnh đến nỗi người ta không thể di chuyển được.”12

Các Thánh Hữu lâm nạn được phân phát những đồ tiếp liệu cấp cứu, nhưng “mặc dù [những người đi giải cứu] đã cố gắng hết sức nhưng nhiều người đã chết và được chôn cất dọc trên đường đi.”13

Trong khi Các Thánh Hữu được giải cứu đang hành trình trên một đoạn đường mòn ngang qua Hẻm Núi Echo, thì có vài chiếc xe kéo dừng lại để phụ giúp một đứa bé gái ra đời. Ông Robert thấy rằng người mẹ trẻ không có đủ quần áo để giữ cho đứa con sơ sinh của mình được ấm. Mặc dù nhiệt độ xuống đến mức đông đá nhưng ông “đã cởi cái áo may ở nhà của mình và đưa cho người mẹ để [quấn] đứa bé lại.”14 Đứa bé được đặt tên là Echo—Echo Squires—để ghi nhớ hoàn cảnh và nơi ra đời của nó.

Trong những năm về sau, ông Robert được kêu gọi vào Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa của Giáo Hội, là nơi ông đã phục vụ trong hơn ba thập niên. Lúc 86 tuổi, Robert Taylor Burton bị bệnh. Ông họp gia đình lại bên giường mình để ban cho họ phước lành cuối cùng của ông. Lời khuyên dạy giản dị nhưng sâu sắc này là một trong số những lời cuối cùng của ông: “Hãy nhân từ đối với người nghèo khó.”15

Thưa các anh chị em, chúng tôi kính trọng các vĩ nhân tháo vát đó đã được Chúa kêu gọi để tổ chức và quản lý chương trình phục vụ các tín hữu nghèo túng của Giáo Hội Ngài. Chúng tôi kính trọng những người, trong thời kỳ chúng ta, đã cố gắng rất nhiều và thường lặng lẽ để “nhân từ đối với người nghèo khó,” đem thức ăn lại cho kẻ đói, đem áo quần cho kẻ thiếu mặc, cứu trợ những kẻ bệnh hoạn và thăm viếng kẻ bị giam cầm.

Đây là công việc thiêng liêng mà Đấng Cứu Rỗi kỳ vọng nơi các môn đồ của Ngài. Đây là công việc Ngài yêu thích khi còn sống trên thế gian. Đây là công việc mà tôi biết chúng ta sẽ thấy Ngài làm nếu Ngài ở giữa chúng ta ngày nay.16

Cách đây bảy mươi lăm năm, một hệ thống dành cho sự cứu rỗi thuộc linh và vật chất của loài người đã được thiết lập từ sự khởi đầu khiêm tốn. Kể từ lúc đó, hệ thống này đã cải tiến và ban phước cho cuộc sống của hằng chục triệu người trên khắp thế giới. Kế hoạch an sinh của vị tiên tri không phải chỉ là một phần thứ yếu đầy thú vị trong lịch sử của Giáo Hội. Các nguyên tắc dựa trên kế hoạch đó xác định đặc tính của chúng ta với tư cách là một dân tộc. Kế hoạch an sinh là thực chất về con người của chúng ta với tư cách là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi và Đấng gương mẫu, Chúa Giê Su Ky Tô.

Công việc chăm sóc lẫn nhau và “nhân từ đối với người nghèo khó” là một công việc thiêng liêng, đã được Đức Chúa Cha truyền lệnh cũng như Chúa phác họa nhằm ban phước, cải tiến và tôn cao con cái của Ngài. Cầu xin cho chúng ta noi theo lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi đã ban cho một thầy dạy luật trong chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri Nhân Lành: “Hãy đi, làm theo như vậy.”17 Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Cherished Experiences from the Writings of President David O. McKay, do Clare Middlemiss biên soạn (1955), 189.

  2. J. Reuben Clark Jr., “Testimony of Divine Origin of Welfare Plan,” Church News, ngày 8 tháng Tám năm 1951, 15; xin xem thêm Glen L. Rudd, Pure Religion (1995), 47.

  3. Glen L. Rudd, Pure Religion, 34.

  4. Trong “President Hinckley Visits Hurricane Mitch Victims and Mid-Atlantic United States,” Ensign, tháng Hai năm 1999, 74.

  5. Marion G. Romney, “The Celestial Nature of Self-Reliance,” Liahona, tháng Ba năm 2009, 15.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:15–18; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 105:2–3.

  7. Xin xem Mô Si A 4:26–27.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 81:5; xin xem thêm Ma Thi Ơ 22:36–40.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:18.

  10. Joseph Smith, trong History of the Church, 4:567–68.

  11. Cuộc phỏng vấn với Harold C. Brown, cựu giám đốc quản lý Sở Dịch Vụ An sinh.

  12. Nhật ký của Robert T. Burton, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City, ngày2–6 tháng Mười Một năm 1856.

  13. Robert Taylor Burton, trong Janet Burton Seegmiller, “Be Kind to the Poor: The Life Story of Robert Taylor Burton” (1988), 164.

  14. Lenore Gunderson, trong Jolene S. Allphin, Tell My Story, Too, tellmystorytoo.com/art_imagepages/image43.html.

  15. Robert Taylor Burton, trong Seegmiller, “Be Kind to the Poor,” 416.

  16. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Các Ngươi Là Đôi Tay Ta,” Liahona, 2010, 68–70, 75.

  17. Lu Ca 10:37.