2010–2019
Sự Cứu Chuộc
Tháng mười 2011


Sự Cứu Chuộc

Qua Đấng Ky Tô, con người có thể và quả thật thay đổi cuộc sống của họ và nhận được sự cứu chuộc.

Có nhiều danh xưng khác nhau được dùng để nói tới Chúa Giê Su Ky Tô. Các danh xưng này mang đến cho chúng ta sự hiểu biết về những khía cạnh khác nhau của sứ mệnh chuộc tội của Chúa. Hãy lấy ví dụ danh xưng “Đấng Cứu Rỗi.” Chúng ta đều ý thức về ý nghĩa của việc được cứu rỗi vì mỗi người chúng ta đều đã được giải cứu khỏi một điều gì đó vào một lúc nào đó. Lúc còn nhỏ, khi tôi và chị tôi đang chơi trong một cái thuyền nhỏ trên sông, thì chúng tôi đã dại dột rời bỏ khu vực đang chơi an toàn và tự thấy mình bị dòng nước cuốn trôi đến vùng hạ lưu xa lạ đầy nguy hiểm. Đáp lời kêu cứu, cha chúng tôi chạy đến giải cứu chúng tôi ra khỏi mối hiểm nguy của dòng sông. Khi nghĩ đến sự giải cứu, tôi nghĩ tới kinh nghiệm đó.

Danh xưng “Đấng Cứu Chuộc” mang đến những hiểu biết tương tự. “Cứu chuộc” có nghĩa là mua hay mua lại. Như trong vấn đề pháp lý, tài sản được chuộc bằng cách trả hết tiền thế chấp hay các món nợ thế chấp khác về tài sản đó. Trong thời Cựu Ước, luật Môi Se cung ứng những cách khác nhau để các tôi tớ và tài sản có thể được giải phóng, hay được chuộc, bằng việc trả tiền (xin xem Lê Vi Ký 25:29–32, 48–55).

Từ cứu chuộc được sử dụng trong kinh thánh một cách nổi bật liên quan đến việc giải phóng các con cái Y Sơ Ra Ên ra khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập. Sau cuộc giải phóng đó, Môi Se nói với họ: “Vì Đức Giê Hô Va thương yêu các ngươi, … nên [Ngài] nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha Ra Ôn, vua xứ Ê Díp Tô” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:8).

Đề tài về Đức Giê Hô Va cứu chuộc dân Y Sơ Ra Ên khỏi cảnh nô lệ được lặp lại nhiều lần trong thánh thư. Điều này nhằm nhắc nhở về lòng nhân từ của Chúa trong việc giải thoát con cái Y Sơ Ra Ên khỏi dân Ai Cập. Nhưng điều này cũng nhằm giảng dạy họ rằng sẽ có một sự cứu chuộc khác quan trọng hơn, dành cho dân Y Sơ Ra Ên. Lê Hi dạy: “Rồi Đấng Mê Si sẽ đến trong thời kỳ trọn vẹn để Ngài có thể cứu chuộc con cái loài người khỏi sự sa ngã” (2 Nê Phi 2:26).

Tác giả Thi Thiên viết: “Nhưng Đức Chúa Trời sẽ chuộc linh hồn tôi khỏi quyền âm phủ” (Thi Thiên 49:15).

Chúa đã phán qua Ê Sai: “Ta đã xóa sự phạm tội ngươi như mây đậm, và tội lỗi ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng ta, vì ta đã chuộc ngươi” (Ê Sai 44:22).

Dĩ nhiên, sự cứu chuộc được nói đến trong ba câu thánh thư này chính là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là “sự cứu chuộc dồi dào” do Thượng Đế nhân từ ban cho (Thi Thiên 130:7). Sự cứu chuộc này không giống như những sự cứu chuộc dưới luật pháp Môi Se hay trong sự thỏa thuận pháp lý hiện đại, cũng không “bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng” (1 Phi E Rơ 1:18). “Ấy là trong [Đấng Ky Tô], chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê Phê Sô 1:7). Chủ Tịch John Taylor dạy rằng nhờ vào sự hy sinh của Đấng Cứu Chuộc, “món nợ đã được trả, sự cứu chuộc đã được thực hiện, giao ước đã được làm tròn, công lý đã được thỏa mãn, ý muốn của Thượng Đế đã được hoàn thành, và tất cả quyền năng được … ban vào tay của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Teachings of Presidents of the Church: John Taylor [2001], 44).

Tác dụng của sự cứu chuộc này bao gồm việc khắc phục cái chết thể xác cho tất cả con cái của Thượng Đế. Đó là, cái chết thể xác được khắc phục và tất cả mọi người đều sẽ được phục sinh. Một khía cạnh khác về sự cứu chuộc này của Đấng Ky Tô là chiến thắng cái chết thuộc linh. Qua nỗi đau đớn và cái chết của Ngài, Đấng Ky Tô đã chuộc trả các tội lỗi của tất cả nhân loại với điều kiện là phải có sự hối cải của cá nhân.

Như vậy, nếu hối cải, chúng ta có thể được tha thứ các tội lỗi của mình, cái giá đó đã được Đấng Cứu Chuộc trả rồi. Đây là một tin lành cho tất cả chúng ta: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô Ma 3:23). Những người nào đã lạc xa khỏi những lối đi ngay chính đều rất cần sự cứu chuộc này, và nếu họ hối cải hoàn toàn, thì họ được quyền thỉnh cầu sự cứu chuộc này. Nhưng những người đã cố gắng nhiều để sống một cuộc sống tốt lành đều cũng rất cần sự cứu chuộc này, vì không một ai có thể tới được nơi hiện diện của Đức Chúa Cha mà không cần sự giúp đỡ của Đấng Ky Tô. Do đó, sự cứu chuộc đầy nhân từ này cho phép luật công lý và thương xót được thỏa mãn trong cuộc sống của tất cả những người hối cải và noi theo Đấng Ky Tô.

Thật vĩ đại, thật quá hiển vinh thay,

Kế hoạch cứu chuộc thế gian!

Cứu Chúa xót thương ban cho công lý,

Hợp hòa chung với tình thương!

(“Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19)

Chủ Tịch Boyd K. Packer dạy: “Có một Đấng Cứu Chuộc, là Đấng Trung Gian, sẵn sàng cũng như có thể thỏa mãn những đòi hỏi của công lý và mở rộng lòng thương xót cho những người biết hối cải” (“The Mediator,” Ensign, tháng Năm năm 1977, 56).

Các thánh thư, văn học và kinh nghiệm của cuộc sống đều chứa đầy những câu chuyện cứu chuộc. Qua Đấng Ky Tô, con người có thể và quả thật thay đổi cuộc sống của họ và nhận được sự cứu chuộc. Tôi yêu thích những câu chuyện về sự cứu chuộc.

Tôi có một người bạn không tuân theo những lời giảng dạy của Giáo Hội trong thời niên thiếu. Khi trưởng thành, anh ấy đã nhận ra điều mình thiếu sót vì đã không sống theo phúc âm. Anh ấy hối cải, thay đổi lối sống của mình, và tận tụy sống một cuộc sống ngay chính. Một ngày nọ, nhiều năm sau thời gian làm bạn với nhau khi còn trẻ, tôi gặp anh ấy trong đền thờ. Ánh sáng phúc âm rực chiếu trong đôi mắt anh, và tôi cảm thấy rằng anh là một tín hữu tận tâm của Giáo Hội đang cố gắng sống hoàn toàn theo phúc âm. Câu chuyện của anh là một câu chuyện về sự cứu chuộc.

Có lần tôi phỏng vấn một phụ nữ để chịu phép báp têm. Chị ấy đã phạm một tội rất nặng. Trong lúc phỏng vấn, tôi hỏi chị ấy có hiểu rằng mình không bao giờ có thể lặp lại tội đó nữa không. Với nỗi xúc động lớn trong đôi mắt và giọng nói, chị ấy nói: “Thưa Chủ Tịch, tôi không thể nào phạm tội đó được nữa. Đó là lý do tôi muốn chịu phép báp têm—để thanh tẩy mình khỏi những hậu quả của tội lỗi khủng khiếp đó.” Câu chuyện của chị ấy là một câu chuyện về sự cứu chuộc.

Trong những năm gần đây, khi đi thăm các đại hội giáo khu và các buổi họp khác, tôi đã ghi nhớ lời khuyên dạy của Chủ Tịch Thomas S. Monson để giải cứu các tín hữu kém tích cực của Giáo Hội. Tại một đại hội giáo khu, tôi đã kể câu chuyện về một tín hữu kém tích cực đã trở lại sinh hoạt tích cực sau khi vị giám trợ của người ấy cùng các vị lãnh đạo khác đến thăm ở nhà người ấy, họ nói rằng họ cần người ấy, và kêu gọi người ấy phục vụ trong tiểu giáo khu. Người trong câu chuyện đó không những chấp nhận sự kêu gọi ấy mà còn thay đổi cuộc sống cũng như thói quen của mình và trở nên hoàn toàn tích cực trong Giáo Hội.

Một người bạn của tôi đang ngồi trong giáo đoàn nơi tôi kể câu chuyện đó. Diện mạo của anh ấy thay đổi rõ rệt khi câu chuyện được kể ra. Ngày hôm sau, anh gửi cho tôi một e-mail nói về lý do tại sao anh có phản ứng xúc động đối với câu chuyện đó là vì câu chuyện về người cha vợ của anh trở lại hoạt động tích cực trong Giáo Hội cũng rất giống với câu chuyện tôi đã kể. Anh ấy cho tôi biết rằng nhờ vào cuộc viếng thăm tương tự của một vị giám trợ và lời mời phục vụ trong Giáo Hội, nên người cha vợ của anh đã đánh giá lại cuộc sống và chứng ngôn của mình, thay đổi một số điều đáng kể trong cuộc sống của ông và chấp nhận sự kêu gọi đó. Người đàn ông ấy đã được giúp trở lại hoạt động tích cực hiện có 88 con cháu là các tín hữu tích cực của Giáo Hội.

Vài ngày sau, tại một buổi họp, tôi kể cả hai câu chuyện đó. Ngày hôm sau, tôi nhận được một e-mail khác bắt đầu với câu “Đó cũng là câu chuyện về cha tôi.” Cái e-mail đó từ một chủ tịch giáo khu, cho biết cha ông đã được mời phục vụ trong Giáo Hội như thế nào, mặc dù ông đã không tích cực và có một số thói quen cần phải thay đổi. Ông đã chấp nhận lời mời đó, và đã hối cải, rồi cuối cùng phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, sau đó là chủ tịch phái bộ truyền giáo, và đặt nền tảng cho con cháu của ông là các tín hữu trung thành của Giáo Hội.

Một vài tuần sau, tôi kể cả ba câu chuyện đó trong một đại hội giáo khu khác. Sau buổi họp, một người đến nói cho tôi biết rằng đó không phải là câu chuyện về cha của ông. Mà đó là câu chuyện về ông. Ông cho tôi biết về những sự kiện đã dẫn ông đến sự hối cải và trở lại tích cực hoàn toàn trong Giáo Hội. Và cứ như thế. Khi mang theo sự kêu gọi giải cứu những người kém tích cực, thì tôi nghe hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về những người đã đáp ứng lời mời trở lại và thay đổi cuộc sống của họ. Tôi đã nghe hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về sự cứu chuộc.

Mặc dù chúng ta không thể nào đền trả lại Đấng Cứu Chuộc những gì Ngài đã trả thay cho chúng ta, nhưng kế hoạch cứu chuộc kêu gọi các nỗ lực tốt nhất của chúng ta để hối cải hoàn toàn và làm theo ý muốn của Thượng Đế. Sứ Đồ Orson F. Whitney viết:

Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc của linh hồn tôi,

Bàn tay mạnh mẽ của Ngài đã chữa lành tôi,

Quyền năng kỳ diệu của Ngài đã nâng tôi lên

Và làm chén đắng của tôi tràn đầy ngọt ngào!

Làm sao tôi có thể nói lên lòng biết ơn của mình,

Ôi Thượng Đế đầy ân điển của Y Sơ Ra Ên.

Chúa ơi, con không bao giờ có thể đền trả lại Ngài,

Nhưng con có thể yêu mến Ngài. Lời thanh khiết của Ngài,

Đã chẳng phải là một niềm vui thích của con,

Niềm vui của con ban ngày, giấc mơ của con ban đêm sao?

Rồi đôi môi con vẫn còn rao truyền lời Ngài,

Và tất cả cuộc sống của con phản ảnh ý muốn của Ngài.

(“Savior, Redeemer of My Soul,” Hymns, số 112)

Tôi làm chứng về quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Khi hối cải và đến cùng Ngài, chúng ta có thể nhận được tất cả các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Cầu xin cho chúng ta có thể làm như vậy, nhận được câu chuyện của riêng mình về sự cứu chuộc, là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.