2010–2019
Đặc Ân Được Cầu Nguyện
Tháng mười 2011


Đặc Ân Được Cầu Nguyện

Sự cầu nguyện là một trong các ân tứ quý báu nhất của Thượng Đế dành cho con người.

Các anh chị em thân mến, Thượng Đế Đức Chúa Cha không phải là một cảm nghĩ hay một ý niệm hoặc một lực lượng. Ngài là một Đấng thánh, như thánh thư dạy, có mặt, có tay, và một thể xác vinh quang phục sinh. Ngài có thật, Ngài biết rõ từng người chúng ta, và Ngài yêu thương mỗi người chúng ta. Ngài muốn ban phước cho chúng ta.

Chúa Giê Su phán:

“Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng?

“Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng?

“Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” Ma Thi Ơ 7:9–11).

Có lẽ một kinh nghiệm cá nhân sẽ là một ví dụ hay cho nguyên tắc này. Khi còn là một bác sĩ trẻ nội trú tại Bệnh Viện Nhi Đồng Boston, tôi làm việc nhiều giờ và hầu như đi lại thường xuyên bằng xe đạp giữa bệnh viện và nhà mình ở Watertown, Massachusetts, vì vợ và các con nhỏ cần chiếc xe hơi của chúng tôi. Một buổi tối nọ, đang đạp xe về nhà sau khi đã làm việc nhiều giờ trong bệnh viện, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, đói bụng, và hơi thất vọng. Tôi biết rằng tôi cần dành cho vợ và bốn đứa con nhỏ của mình thời giờ, nghị lực, và cả một thái độ vui vẻ nữa khi về tới nhà. Thật tình, rất khó cho tôi để tiếp tục đạp xe.

Trên đường về nhà tôi đi ngang qua một cửa tiệm bán gà chiên, và cảm thấy mình sẽ đỡ đói và đỡ mệt hơn nhiều nếu có thể dừng lại để mua một miếng thịt gà. Tôi biết rằng họ đang bán hạ giá đùi hay chân gà với giá 29 xu mỗi cái, nhưng khi tôi soát lại ví thì thấy chỉ có một đồng tiền 5 xu. Trong khi tiếp tục đạp xe đi, tôi thưa với Chúa về hoàn cảnh của mình và cầu xin lòng thương xót của Ngài để tôi có thể tìm ra một đồng tiền 25 xu ở bên đường. Tôi thưa với Ngài rằng tôi không cần điều này như một phép lạ, nhưng tôi sẽ thật sự biết ơn nếu Ngài cảm thấy có thể ban cho tôi phước lành đầy nhân từ này.

Tôi bắt đầu nhìn xuống đất một cách chăm chú hơn nhưng không thấy gì cả. Bằng cách cố gắng duy trì một thái độ đầy đức tin nhưng tuân phục trong khi đạp xe, tôi đi đến gần cửa tiệm đó. Rồi thì hầu như ngay bên kia đường đối diện với cửa tiệm bán gà chiên, tôi thấy một đồng tiền 25 xu nằm trên mặt đất. Với lòng biết ơn và nhẹ nhõm, tôi lượm đồng tiền lên, mua thịt gà, tận hưởng từng miếng thịt, rồi vui vẻ đạp xe về nhà.

Với lòng thương xót của Ngài, Thượng Đế trên thiên thượng, Đấng Sáng Tạo và Đấng Trị Vì vạn vật ở khắp nơi, đã nghe lời nguyện cầu về một điều rất nhỏ nhặt. Người ta có thể hỏi tại sao Ngài bận tâm đến một điều nhỏ nhặt như vậy. Tôi tin rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta rất nhiều đến mức những điều quan trọng đối với chúng ta thì cũng trở thành quan trọng đối với Ngài, chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài sẽ muốn giúp đỡ chúng ta bao nhiêu nữa với những điều lớn lao và đúng đắn mà chúng ta cầu xin (xin xem 3 Nê Phi 18:20)?

Các em nhỏ, những người trẻ tuổi lẫn những người lớn, xin hãy tin rằng Cha Thiên Thượng nhân từ muốn ban phước cho các anh chị em biết bao. Nhưng vì Ngài sẽ không xâm phạm vào quyền tự quyết của chúng ta nên chúng ta cần phải cầu xin Ngài giúp đỡ. Điều này thường được thực hiện qua lời cầu nguyện. Sự cầu nguyện là một trong các ân tứ quý báu nhất của Thượng Đế dành cho con người.

Trong một dịp nọ, các môn đồ của Chúa Giê Su đã hỏi: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện” (Lu Ca 11:1). Để đáp lại, Chúa Giê Su ban cho chúng ta một khuôn mẫu để có thể hướng dẫn đến các nguyên tắc quan trọng của sự cầu nguyện (xin xem Russell M. Nelson, “Bài Học từ Lời Cầu Nguyện của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 46–49; xin xem thêm Ma Thi Ơ 6:9–13; Lu Ca 11:1–4). Theo như khuôn mẫu của Chúa Giê Su:

Chúng ta bắt đầu bằng cách thưa cùng Cha Thiên Thượng: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (Ma Thi Ơ 6:9; Lu Ca 11:2). Chúng ta có đặc ân để thưa chuyện thẳng cùng Đức Chúa Cha. Chúng ta không cầu nguyện lên một người nào khác. Hãy nhớ rằng chúng ta đã được dạy phải tránh những lời lặp lại, kể cả dùng danh của Đức Chúa Cha quá thường xuyên trong khi cầu nguyện.1

“Danh Cha được thánh” (Ma Thi Ơ 6:9; Lu Ca 11:2). Chúa Giê Su cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với một thái độ thờ phượng, nhận biết sự vĩ đại của Ngài cùng dâng lên Ngài lời ngợi khen và cảm tạ. Đối với Thượng Đế, chắc chắn là vấn đề tôn kính này cũng như việc dâng lên những lời cảm tạ chân thành và cụ thể là một trong số các chìa khóa của sự cầu nguyện hữu hiệu.

“Nước Cha được đến; Ý Cha được nên” (Ma Thi Ơ 6:10; Lu Ca 11:2). Chúng ta sẵn lòng nhìn nhận rằng mình tùy thuộc vào Chúa và bày tỏ ước muốn của mình để làm theo ý Ngài, cho dù ý Ngài không giống như ý của chúng ta. Sách Tự Điển Kinh Thánh giải thích: “Cầu nguyện là hành động qua đó ý muốn của Đức Chúa Cha và ý muốn của người con được phù hợp với nhau. Mục đích của việc cầu nguyện không phải để thay đổi ý muốn của Thượng Đế, mà để chúng ta và những người khác đạt được các phước lành Thượng Đế đã sẵn sàng ban cho, nhưng với điều kiện là chúng ta phải cầu xin các phước lành đó” (Bible Dictionary, “Prayer”).

“Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Ma Thi Ơ 6:11; xin xem thêm Lu Ca 11:3). Chúng ta cầu xin những điều mình muốn nhận được từ Chúa. Lòng chân thành là thiết yếu trong việc cầu xin những điều từ Thượng Đế. Ví dụ, sẽ không phải hoàn toàn là chân thành nếu cầu xin Chúa giúp đỡ với bài thi ở trường nếu tôi đã không chú ý trong lớp học, không làm bài tập ở nhà hoặc không học bài chuẩn bị thi. Thường khi tôi cầu nguyện, Thánh Linh thúc giục tôi phải thừa nhận rằng tôi cần phải làm nhiều hơn để nhận được sự giúp đỡ mình đang cầu xin từ Chúa. Rồi tôi cần phải cam kết và làm phần vụ của mình. Thật là trái ngược với kế hoạch của Chúa khi Ngài phải làm cho chúng ta điều chúng ta có thể tự mình làm được.

“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi” (Ma Thi Ơ 6:12) hoặc, nói theo một câu thánh thư khác: “Xin tha tội chúng tôi” (Lu Ca 11:4). Trong lời cầu nguyện cá nhân, một phần thiết yếu nhưng đôi khi bị bỏ quên là sự hối cải. Để được hữu hiệu, sự hối cải cần phải cụ thể, chân thành và dài lâu.

“Như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma Thi Ơ 6:12; xin xem thêm Lu Ca 11:4). Đấng Cứu Rỗi đã liên kết rõ ràng giữa việc được tha thứ các tội lỗi của chúng ta với việc tha thứ những người đã đối xử xấu với chúng ta. Đôi khi rất đau đớn và rất khó để tha thứ hay quên đi những điều sai lầm người khác đã làm cho chúng ta. Tôi rất biết ơn về niềm an ủi và chữa lành tôi đã tìm thấy trong lời mời gọi của Chúa để bỏ những điều tổn thương của mình và dâng chúng lên Ngài. Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, tiết 64, Ngài phán:

“Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.

“Và các ngươi cần phải tự nhủ trong lòng mình—hãy để Thượng Đế phán xét giữa anh và tôi, và ban thưởng cho anh theo những hành vi của anh” (câu 10–11).

Rồi chúng ta cần phải hoàn toàn quên đi vấn đề đó, rồi để cho Chúa giải quyết, nếu chúng ta muốn được chữa lành.

“Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác” (Ma Thi Ơ 6:13, cước chú a; từ Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:14; xin xem thêm Lu Ca 11:4, cước chú c; từ Bản Dịch Joseph Smith). Do đó, trong những lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể bắt đầu tiến trình bảo vệ bằng cách khoác lên chiếc áo giáp của Thượng Đế (xin xem Ê Phê Sô 6:11; GLGƯ 27:15) bằng cách trông đợi tương lai và cầu xin được giúp đỡ với những điều đôi khi thật là khủng khiếp mình có thể phải đối phó. Các bạn thân mến của tôi, xin đừng quên cầu xin Chúa bảo vệ và ở cùng các anh chị em.

“Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời.” (Ma Thi Ơ 6:13). Thật là một điều chỉ dẫn tuyệt diệu khi Chúa Giê Su kết thúc lời cầu nguyện này bằng lời ngợi khen Thượng Đế một lần nữa cùng bày tỏ lòng tôn kính và sự tuân phục của Ngài đối với Đức Chúa Cha. Khi thật sự tin rằng Thượng Đế trị vì vương quốc của Ngài và rằng Ngài có tất cả quyền năng và vinh quang, chúng ta nhận biết rằng Ngài thật sự đứng đầu, rằng Ngài yêu thương chúng ta với tình yêu thương trọn vẹn, và rằng Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Tôi đã thấy rằng một trong những bí quyết để có được một cuộc sống vui vẻ là nhận biết rằng làm những việc theo cách của Chúa thì sẽ làm cho tôi hạnh phúc hơn là làm những việc theo cách của tôi.

Có một nguy cơ là một người có thể không cảm thấy đủ xứng đáng để cầu nguyện. Ý tưởng này đến từ tinh thần tà ác của kẻ dạy chúng ta không cầu nguyện (xin xem 2 Nê Phi 32:8). Là điều bi thảm để nghĩ rằng chúng ta quá tội lỗi để cầu nguyện, điều này giống như một người bệnh nặng tin rằng bệnh mình quá nặng để đi bác sĩ vậy!

Chúng ta không nên nghĩ rằng bất cứ lời cầu nguyện nào, cho dù chân thành đến mấy đi nữa, cũng sẽ rất hữu hiệu nếu chúng ta chỉ dâng lên lời cầu nguyện đó mà thôi. Chúng ta không những dâng lên lời cầu nguyện mà còn phải sống theo lời cầu nguyện nữa. Chúa hài lòng nhiều hơn đối với người cầu nguyện rồi đi làm việc hơn là với người chỉ cầu nguyện mà thôi. Cũng giống như thuốc men, lời cầu nguyện chỉ hữu hiệu khi chúng ta dùng thuốc theo như hướng dẫn.

Khi tôi nói rằng lời cầu nguyện là một đặc ân tuyệt vời, thì đó không phải chỉ vì tôi biết ơn đã có thể thưa chuyện với Cha Thiên Thượng và cảm nhận Thánh Linh của Ngài khi cầu nguyện. Đó cũng là vì Ngài thật sự đáp ứng và nói chuyện cùng chúng ta. Dĩ nhiên, cách Ngài nói chuyện với chúng ta thường không phải là tiếng nói mình nghe được. Chủ Tịch Boyd K. Packer giải thích: “Tiếng nói soi dẫn dịu dàng, nhỏ nhẹ đó đến như là một cảm nghĩ hơn là một âm thanh. Tri thức thuần khiết có thể được nói trong tâm trí. … Sự hướng dẫn này đến với tính cách là tư tưởng, cảm nghĩ qua những thúc giục và ấn tượng” (“Sự Cầu Nguyện và Những Thúc Giục của Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 44).

Đôi khi dường như chúng ta không nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện chân thành và đầy cố gắng của mình. Cần phải có đức tin để nhớ rằng Chúa đáp ứng theo kỳ định và cách thức của Ngài để Ngài có thể ban phước cho chúng ta theo cách tốt nhất. Hoặc khi suy nghĩ thêm về điều đó, chúng ta sẽ thường nhận thấy rằng mình đã hoàn toàn biết điều cần làm rồi.

Xin đừng nản lòng nếu điều này không hữu hiệu đối với các anh chị em ngay lập tức. Giống như việc học một ngoại ngữ, cần phải có thực hành và nỗ lực. Tuy nhiên, xin hãy biết rằng các anh chị em có thể học được ngôn ngữ của Thánh Linh, và khi làm như vậy, ngôn ngữ đó sẽ mang đến cho các anh chị em đức tin và quyền năng lớn lao trong sự ngay chính.

Tôi quý trọng lời khuyên dạy của vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông đã nói: “Đối với những người đang nghe tôi nói là những người đang vất vả với những thử thách và khó khăn lớn cũng như nhỏ, thì lời cầu nguyện là nguồn sức mạnh thuộc linh; đó là sự bảo đảm để được bình an. Lời cầu nguyện là phương tiện để giúp chúng ta tiến đến gần Cha Thiên Thượng là Đấng yêu thương chúng ta. Hãy thưa chuyện cùng Ngài trong lời cầu nguyện và rồi lắng nghe câu trả lời. Phép lạ sẽ đạt được qua lời cầu nguyện” (“Hãy Cố Gắng Là Người Tốt Nhất,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 68).

Tôi vô cùng biết ơn đặc ân được đi đến với Cha Thiên Thượng thánh bằng lời cầu nguyện. Tôi biết ơn về vô số lần Ngài đã nghe và trả lời tôi. Vì Ngài trả lời tôi, kể cả đôi khi trong những cách đoán trước và huyền diệu, nên tôi biết Ngài hằng sống. Tôi cũng khiêm nhường làm chứng rằng Chúa Giê Su, Vị Nam Tử thánh của Ngài, là Đấng Cứu Rỗi hằng sống của chúng ta. Đây là Giáo Hội và vương quốc của Ngài trên thế gian; công việc này là chân chính. Thomas S. Monson, là người chúng ta khẩn thiết cầu nguyện cho ông, là vị tiên tri của Ngài. Tôi làm chứng những điều này một cách hoàn toàn chắc chắn, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem Francis M. Lyman, “Proprieties in Prayer,” trong Brian H. Stuy, biên soạn, Collected Discourses Delivered by President Wilford Woodruff, His Two Counselors, the Twelve Apostles, and Others, 5 tập (1987–92), 3:76–79; B. H. Roberts, biên soạn, The Seventy’s Course in Theology, 5 tập (1907–12), 4:120; Encyclopedia of Mormonism (1992), “Prayer,” 1118–19; Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ hai (1966), 583.