2010–2019
Những Bài Ca Họ Không Thể Hát
Tháng mười 2011


Những Bài Ca Họ Không Thể Hát

Mặc dù không biết hết tất cả những câu trả lời, nhưng chúng tôi có biết các nguyên tắc quan trọng nhằm giúp chúng ta đối phó với thảm cảnh bằng đức tin và sự tin tưởng.

Nhiều người đang đối phó với những vấn đề nghiêm trọng hay thậm chí là thảm cảnh trong cuộc sống trần thế này. Chúng ta nhìn thấy những hoàn cảnh gian nan và đau khổ trên khắp thế giới.1 Chúng ta vô cùng xúc động trước những hình ảnh trên truyền hình về cái chết, nỗi đau khổ cùng cực và thất vọng. Chúng ta thấy những người dân Nhật Bản vất vả chống trả một cách dũng cảm trước sức tàn phá của động đất và sóng thần. Chúng ta đau lòng khi mới gần đây nhìn lại cảnh tượng ám ảnh từ sự phá hủy các tòa tháp của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới. Một điều gì đó thật xúc động khi chúng ta biết về thảm cảnh như vậy, nhất là khi những người vô tội phải chịu đau khổ.

Đôi khi thảm cảnh chỉ xảy ra cho cá nhân. Một đứa con trai hay con gái chết non hoặc trở thành nạn nhân của một căn bệnh khủng khiếp. Một người cha hay mẹ thiệt mạng vì một hành động khinh xuất hay tai nạn. Bất cứ lúc nào thảm cảnh xảy ra, chúng ta đều than khóc và cố gắng mang gánh nặng cho nhau.2 Chúng ta than khóc về những điều sẽ không được thực hiện và những bài ca người qua đời sẽ không thể hát.

Trong số những câu hỏi được nhiều người đặt ra nhiều nhất cho các vị lãnh đạo Giáo Hội là: Tại sao Thượng Đế công chính lại cho phép những điều xấu xảy ra, nhất là đối với những người tốt như vậy? Tại sao những người ngay chính và phục vụ Chúa không được miễn khỏi những thảm cảnh như vậy?

Mặc dù không biết hết tất cả những câu trả lời, nhưng chúng tôi có biết các nguyên tắc quan trọng nhằm giúp chúng ta đối phó với thảm cảnh bằng đức tin và sự tin tưởng rằng một tương lai đầy hứa hẹn đã được hoạch định cho mỗi người chúng ta. Một số các nguyên tắc quan trọng nhất là:

Trước hết, chúng ta có Cha Thiên Thượng là Đấng biết, yêu thương mỗi người chúng ta, và hiểu rõ nỗi đau khổ của chúng ta.

Thứ hai, Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Sự Chuộc Tội của Ngài không những cung ứng sự cứu rỗi và tôn cao mà còn bù đắp cho mọi bất công của cuộc sống.

Thứ ba, kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài gồm có không những một cuộc sống tiền dương thế và cuộc sống trần thế mà còn có một cuộc sống vĩnh cửu nữa, kể cả một cuộc đoàn tụ vĩ đại và vinh quang với những người đã qua đời của mình. Tất cả những điều sai trái sẽ được sửa đổi thành đúng, và chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng cũng như có quan điểm và sự hiểu biết hoàn hảo.

Những người không hiểu biết, hoặc không có đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha—nhìn thế giới qua lăng kính của người trần thế với chiến tranh, bạo lực, bệnh tật, và điều xấu xa—có một quan điểm hạn chế rằng cuộc sống này có vẻ dường như thất vọng, hỗn loạn, bất công và vô nghĩa. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã so sánh quan điểm này với một người đi vào giữa lúc đang diễn ra một vở kịch ba màn.3 Những người đó không hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Cha nên không hiểu điều gì đã xảy ra trong màn thứ nhất, tức là cuộc sống tiền dương thế, và các mục đích đã được thiết lập ở đó; họ cũng không hiểu cách làm sáng tỏ và giải quyết trong màn thứ ba, tức là kế hoạch vinh quang của Đức Chúa Cha được thực hiện hoàn chỉnh.

Nhiều người không hiểu rõ rằng trong kế hoạch đầy yêu thương và toàn diện của Ngài, những người dường như bị thiệt thòi mặc dù không phải lỗi của họ cuối cùng sẽ không bị thiệt thòi.4

Một vài tháng nữa sẽ là kỷ niệm 100 năm vụ đắm tàu đầy bi thảm của con tàu xuyên đại dương Titanic. Những hoàn cảnh thảm thương xoay quanh sự kiện khủng khiếp này đã gây tiếng vang suốt thế kỷ qua. Những người khởi xướng con tàu mới và xa hoa này, cao 11 tầng, dài gần bằng 3 sân vận động bóng bầu dục,5 đã đưa ra những luận điệu quá đáng và phi lý về sự an toàn của con tàu Titanic trong đại dương giữa mùa đông đầy các tảng băng trôi. Con tàu này đã được cho là không thể chìm được; vậy mà nó đã chìm vào lòng Đại Tây Dương băng giá, làm thiệt mạng hơn 1.500 người.6

Trên nhiều phương diện, vụ đắm tàu Titanic là một ẩn dụ về cuộc sống và nhiều nguyên tắc phúc âm. Đó là một ví dụ chính xác về nỗi khó khăn của việc chỉ nhìn qua lăng kính của cuộc sống trần thế này. Việc mất đi sinh mạng là thảm họa với những hậu quả của nó nhưng cũng có tính chất ngẫu nhiên. Với cảnh tàn sát của hai cuộc thế chiến và mới đây kỷ niệm 10 năm sự kiện phá hủy các tòa tháp của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, trong thời đại của mình, chúng ta đã có một cái nhìn sững sờ, đầy thống khổ, và các vấn đề đạo đức xung quanh các sự kiện gây ra do việc sử dụng quyền tự quyết một cách tà ác. Có những hậu quả khủng khiếp gây ra cho gia đình, bạn bè và quốc gia vì những thảm cảnh này bất kể nguyên nhân nào.

Với con tàu Titanic, các bài học đã nhận được là về những nguy hiểm của tính kiêu ngạo, hành trình trên vùng biển động và “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai.”7 Những người trong cuộc đều thuộc mọi tầng lớp xã hội. Một số người giàu có và nổi tiếng, như John Jacob Astor; nhưng cũng có những người lao động, di cư, phụ nữ, trẻ em, và thủy thủ đoàn.8

Có ít nhất hai câu chuyện Thánh Hữu Ngày Sau liên quan đến con tàu Titanic. Cả hai đều minh họa thử thách của chúng ta để hiểu về những nỗi gian nan, hoạn nạn, và thảm cảnh cùng giúp chúng ta hiểu về cách có thể đối phó với các điều này. Câu chuyện thứ nhất là một tấm gương về lòng biết ơn đối với các phước lành chúng ta nhận được và những thử thách chúng ta tránh. Câu chuyện này liên quan đến Alma Sonne, sau này phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương.9 Ông là chủ tịch giáo khu của tôi vào lúc tôi sinh ra ở Logan, Utah. Tôi đã được Anh Cả Sonne phỏng vấn để đi truyền giáo. Trong thời kỳ đó, tất cả những người truyền giáo tương lai đều được một Vị Thẩm Quyền Trung Ương phỏng vấn. Ông có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của tôi.

Khi Alma còn là thiếu niên, ông có một người bạn kém tích cực trong Giáo Hội, tên là Fred. Họ có rất nhiều cuộc thảo luận về công việc phục vụ truyền giáo, và cuối cùng Alma Sonne đã thuyết phục Fred chuẩn bị để phục vụ. Cả hai đều được kêu gọi đến Phái Bộ Truyền Giáo Anh. Vào lúc kết thúc công việc truyền giáo của họ, Anh Cả Sonne, là thư ký của phái bộ truyền giáo, sắp xếp chuyến trở về Hoa Kỳ của họ. Ông mua vé đi trên con tàu Titanic cho chính mình, Fred, cùng bốn người truyền giáo khác cũng đều đã hoàn tất công việc truyền giáo.10

Khi đến lúc trở về, vì một lý do nào đó, Fred hoãn lại chuyến đi. Anh Cả Sonne hủy bỏ tất cả sáu tấm vé đi trên con tàu mới và xa hoa trên chuyến hải hành đầu tiên và mua vé để đi một con tàu khác vào ngày hôm sau.11 Bốn người truyền giáo phấn khởi trước chuyến đi trên con tàu Titanic đã bày tỏ nỗi thất vọng của họ. Câu trả lời của Anh Cả Sonne tương tự như câu chuyện của Giô Sép và những người anh của ông ở Ai Cập đã được chép trong sách Sáng Thế Ký: “Nếu đứa trẻ không theo về, thì làm sao chúng tôi dám trở về cùng gia đình chúng tôi?”12 Ông giải thích với những người bạn đồng hành của mình rằng vì họ đều cùng nhau đến nước Anh thì họ cũng sẽ đều trở về nhà cùng với nhau. Sau đó, khi Anh Cả Sonne biết được về vụ đắm tàu Titanic, ông đã tỏ lòng biết ơn và nói với anh bạn Fred của mình: “Anh đã cứu mạng sống tôi.” Fred đáp: “Không, anh đã cứu mạng sống tôi bằng cách thuyết phục tôi đi truyền giáo.”13 Tất cả những người truyền giáo đều tạ ơn Chúa đã giữ gìn họ.14

Đôi khi, như trường hợp của Anh Cả Sonne và những người bạn đồng hành truyền giáo của mình, các phước lành đến với những người trung tín. Chúng ta nên biết ơn về tất cả tấm lòng thương xót dịu dàng đã đến với cuộc sống của mình.15 Chúng ta không biết về nhiều phước lành mình nhận được ngày này qua ngày khác. Việc chúng ta có được tinh thần biết ơn trong lòng mình là điều vô cùng quan trọng.16

Thánh thư dạy rất rõ ràng: những người ngay chính, noi theo Đấng Cứu Rỗi, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài sẽ thịnh vượng trong xứ.17 Một yếu tố thiết yếu của sự thịnh vượng là có được Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, sự ngay chính, lời cầu nguyện và lòng trung tín không phải lúc nào cũng dẫn đến những kết cuộc vui vẻ trong cuộc sống trần thế. Nhiều người sẽ trải qua nhiều thử thách nghiêm trọng. Khi điều này xảy ra, thì chính việc có đức tin và tìm kiếm các phước lành của chức tư tế được Thượng Đế chấp thuận. Chúa đã phán: “Các anh cả … phải được gọi đến để cầu nguyện và đặt tay lên họ trong danh ta; và nếu họ chết thì họ sẽ chết cho ta; và nếu họ sống thì họ sẽ sống cho ta.”18

Câu chuyện thứ hai của Thánh Hữu Ngày Sau liên quan đến con tàu Titanic không có được kết cục tốt đẹp trong cuộc sống trần thế. Irene Corbett 30 tuổi. Bà là một người vợ và mẹ trẻ từ Provo, Utah. Bà có những tài năng đáng kể với tư cách là họa sĩ và nhạc sĩ; bà cũng là giáo viên và y tá. Giới y khoa chuyên nghiệp ở Provo khuyến khích bà nên tham dự khóa học sáu tháng về kỹ năng nữ hộ sinh ở London. Bà vô cùng ước ao tạo ra một điều khác biệt trên thế giới. Bà đã cẩn thận, chu đáo, thành tâm, và dũng cảm. Một trong số các lý do bà chọn con tàu Titanic để trở về Hoa Kỳ là vì bà tưởng rằng những người truyền giáo sẽ đi cùng với bà và điều này sẽ được an toàn hơn. Irene là một trong số ít phụ nữ đã không sống sót trong thảm kịch khủng khiếp này. Hầu hết các phụ nữ và trẻ em được cho lên các con thuyền cứu đắm và cuối cùng đã được cứu thoát. Nhưng không có đủ thuyền cứu đắm cho mọi người. Nhưng người ta tin rằng bà đã không lên các con thuyền cứu đắm bởi vì với kỹ năng đặc biệt được huấn luyện của mình, bà đã chăm sóc cho vô số hành khách bị thương do tàu đụng vào tảng băng trôi.19

Có rất nhiều loại thử thách. Một số thử thách mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm thiết yếu. Những kết quả trái ngược trong cuộc sống trần thế này không phải là bằng chứng về việc thiếu đức tin hoặc về toàn bộ kế hoạch của Cha Thiên Thượng là không hoàn chỉnh. Ngọn lửa của thợ luyện là có thật, và những đức tính cùng sự ngay chính được rèn luyện trong lò gian khổ nhằm làm hoàn thiện và thanh tẩy chúng ta để chuẩn bị cho chúng ta gặp Thượng Đế.

Khi Tiên Tri Joseph Smith còn là một tù nhân trong Ngục Thất Liberty, Chúa đã phán cùng ông rằng nhiều tai ương có thể xảy đến cho loài người. Đấng Cứu Rỗi đã phán một phần: “Nếu ngươi bị liệng xuống hố sâu, nếu những đợt sóng cuồn cuộn chảy dồn dập trên ngươi; nếu ngọn gió hung bạo trở thành kẻ thù của ngươi; … và tất cả các nguyên tố đều cùng nhau cản trở con đường của ngươi; … tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.”20 Đấng Cứu Rỗi kết thúc lời chỉ dạy của Ngài: “Ngày tháng của ngươi đã được biết, và những năm của ngươi chẳng ít hơn được; vậy nên, chớ sợ hãi chi …, vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời.”21

Một số thử thách là do từ quyền tự quyết của những người khác mà ra. Quyền tự quyết là thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của phần thuộc linh cá nhân. Hành vi xấu xa là một yếu tố của quyền tự quyết. Lãnh binh Mô Rô Ni đã giải thích giáo lý rất quan trọng này: “Chúa chịu để cho những người ngay chính bị giết chết ngõ hầu công lý và sự đoán phạt của Ngài có thể giáng xuống những kẻ tà ác.” Ông nói rõ rằng người ngay chính không mất đi, mà “được bước vào chốn an nghỉ của Chúa, Thượng Đế của họ.”22 Kẻ tà ác sẽ chịu trách nhiệm về những điều tội lỗi họ làm.23

Một số thử thách xảy đến là từ việc không tuân theo các luật pháp của Thượng Đế mà ra. Những vấn đề về sức khỏe vì hút thuốc, uống rượu và lạm dụng ma túy làm người ta kinh ngạc. Số tù nhân vì tội ác liên quan đến rượu chè và ma túy cũng rất đông.24

Những vụ ly dị càng ngày càng phổ biến là vì tính không chung thủy cũng rất đáng kể. Nhiều thử thách và đau khổ này có thể tránh được bằng cách tuân theo luật pháp của Thượng Đế.25

Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo yêu quý của tôi là Anh Cả Marion D. Hanks (là người vừa qua đời vào tháng Tám), đã yêu cầu chúng tôi là những người truyền giáo phải học thuộc lòng một câu nói để chống lại những thử thách của cuộc sống trần thế: “Không có cơ hội, số phận, vận mệnh nào có thể phá hủy, cản trở hay kiềm chế một người quyết tâm với ý chí kiên quyết cả.”26

Ông nhìn nhận rằng câu này không áp dụng cho tất cả những thử thách chúng ta gặp phải, nhưng câu đó đúng với vấn đề thuộc linh. Tôi đã biết ơn lời khuyên dạy của ông trong cuộc sống của tôi.

Một trong những lý do tại sao con số tử vong cao khủng khiếp trên con tàu Titanic là vì không có đủ thuyền cứu đắm. Dù chúng ta phải đương đầu với thử thách nào trong cuộc sống này, thì Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cũng cung ứng những con thuyền cứu đắm cho mọi người. Đối với những người nghĩ rằng các thử thách mà họ đối phó là không công bằng, thì Sự Chuộc Tội bù đắp cho tất cả những bất công trong cuộc sống.27

Một thử thách duy nhất đối với những người đã mất đi những người thân của mình là tránh suy nghĩ quá nhiều về những cơ hội bị đánh mất trong cuộc sống này. Thường thường những người chết sớm đều đã chứng tỏ khả năng, sở thích, và tài năng đáng kể. Với sự hiểu biết hạn chế của mình, chúng ta than khóc về những điều sẽ không được thực hiện và những bài ca mà người qua đời sẽ không thể hát. Điều này đã được mô tả như là chết với tiếng nhạc còn ở bên trong mình. Tiếng nhạc trong trường hợp này là một ẩn dụ về bất cứ loại tiềm năng nào còn dở dang. Đôi khi, người ta có sự chuẩn bị đáng kể nhưng không có cơ hội để thực hiện sự chuẩn bị đó trong cuộc sống trần thế.28 Một trong những bài thơ bất hủ được nhiều người trích dẫn nhất là “Elegy Written in a Country Church-Yard (Khúc Bi Thương được Viết trong Nghĩa Địa Vùng Quê)” của Thomas Gray, phản ảnh những cơ hội bị đánh mất như sau:

Nhiều đóa hoa đã nở rộ nhưng không ai nhìn thấy,

Và thật uổng phí cho hương thơm ngọt ngào đã tan vào bầu không khí sa mạc.29

Cơ hội bị đánh mất có thể liên quan đến gia đình, nghề nghiệp, tài năng, kinh nghiệm, hoặc những điều khác nữa. Tất cả những điều này đã bị lấy đi đột ngột trong trường hợp của Chị Corbett. Có những bài ca đã không được chị hát và chị đã không thể hiện hết tiềm năng của mình trong cuộc sống trần thế này. Nhưng khi nhìn qua lăng kính rộng lớn và rõ ràng của phúc âm, thay vì những lăng kính hạn chế của cuộc sống trần thế, thì chúng ta biết về phần thưởng vĩnh cửu lớn lao đã được Đức Chúa Cha nhân từ hứa trong kế hoạch của Ngài. Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”30 Một dòng trong bài thánh ca ưa thích mang đến lời khuyên giải, an ủi, và cái nhìn rõ ràng: “Những khúc thần diệu tôi không thể hát nhưng Giê Su luôn nghe thấu.”31

Đấng Cứu Rỗi phán: “Hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế.”32 Chúng ta có được lời hứa của Ngài rằng chúng ta cùng con cái của mình sẽ hát “những bài ca về niềm vui vĩnh viễn.”33 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem Giăng 16:33.

  2. Xin xem Mô Si A 18:8–9; xin xem thêm 2 Nê Phi 32:7.

  3. Xin xem Boyd K. Packer, “The Play and the Plan” (buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho những thành niên trẻ tuổi, ngày 7 tháng Năm năm 1995), 3: “Trên trần thế, chúng ta giống như một người bước vào một rạp hát ngay lúc bức màn nhung kéo lên ở màn hai. Chúng ta đã không xem Màn 1. … Người ta không bao giờ viết trong màn hai là ‘Và họ đều sống hạnh phúc mãi mãi về sau.’ Dòng đó thuộc vào màn ba khi những điều huyền bí đã được làm sáng tỏ và mọi việc đều trở thành đúng.” Xin xem thêm Neal A. Maxwell, All These Things Shall Give Thee Experience (1979), 37: “Thượng Đế … nhìn thấy sự khởi đầu từ sự kết thúc. … Bài toán số … là một điều chúng ta là người trần thế không thể thấu hiểu được. Chúng ta không thể làm bài toán cộng vì chúng ta không có tất cả những con số. Chúng ta bị giam giữ trong khuôn khổ thời gian và bị bao quanh bởi những quan điểm chặt chẽ về trạng thái thứ hai này.”

  4. Những người chết trước khi đến tuổi hiểu biết trách nhiệm đều được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:10). Những ai đã chết mà không có sự hiểu biết về phúc âm này, là những người đáng lẽ đã tiếp nhận phúc âm nếu họ được ban cho cơ hội thì cũng sẽ là những người thừa hưởng vương quốc thượng thiên (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:7). Ngoài ra, ngay cả những người sống ít quả cảm hơn thì cuối cùng cũng sẽ được ban phước với một cuộc sống cao quý hơn cuộc sống này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:89).

  5. Xin xem Conway B. Sonne, A Man Named Alma: The World of Alma Sonne (1988), 83.

  6. Xin xem Sonne, A Man Named Alma, 84.

  7. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34; xin xem thêm “The Sinking of the World’s Greatest Liner,” Millennial Star, ngày 18 tháng Tư năm 1912, 250.

  8. Xin xem Millennial Star, ngày 18 tháng Tư năm 1912, 250.

  9. Anh Cả Sonne là cậu của Anh Cả L. Tom Perry.

  10. Xin xem Sonne, A Man Named Alma, 83.

  11. Xin xem Sonne, A Man Named Alma, 83–84; xin xem thêm “From the Mission Field,” Millennial Star, ngày 18 tháng Tư năm 18, 1912, 254: “Releases and Departures.—Những người truyền giáo có tên sau đây đã được giải nhiệm một cách danh dự và đã đi về nhà vào ngày 13 tháng Tư năm 1912, trên con tàu Mauretania. Từ Anh Quốc —Alma Sonne, George B. Chambers, Willard Richards, John R. Sayer, F. A. [Fred] Dahle. Từ Hà Lan—L. J. Shurtliff.”

  12. Xin xem Sáng Thế Ký 44:30–31, 34.

  13. Trong Frank Millward, “Eight Elders Missed Voyage on Titanic,” Deseret News, ngày 24 tháng Bảy năm 2008, M6.

  14. Xin xem “Friend to Friend,” Friend, tháng Ba năm 1977, 39.

  15. Xin xem David A. Bednar, “Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2005, 99–102.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:21.

  17. Xin xem An Ma 36:30.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 42:44.

  19. Cuộc phỏng vấn cháu ngoại của Irene Corbett là Donald M. Corbett, ngày 30 tháng Mười năm 2010, do Gary H. Cook thực hiện.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 122:7.

  21. Giáo Lý và Giao Ước 122:9.

  22. An Ma 60:13.

  23. Đấng Cứu Rỗi đã phán rõ rằng “Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được; song khốn thay cho ai là kẻ làm ra sự ấy!” (Lu Ca 17:1).

  24. Tiết 89 sách Giáo Lý và Giao Ước—“kế hoạch và ý muốn của Thượng Đế về sự cứu rỗi thế tục của tất cả các thánh hữu trong những ngày sau cùng.” (câu 2)—ban phước càng nhiều thêm cho Các Thánh Hữu Ngày Sau.

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:22–24.

  26. Xin xem “Will,” Tác Phẩm Thi Ca của Ella Wheeler Wilcox (1917), 129.

  27. Xin xem “Sự Chuộc Tội,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 51–52.

  28. Xin xem “The Song That I Came to Sing,” trong The Complete Poems of Rabrindranath Tagore’s Gitanjali, biên tập. S. K. Paul (2006), 64: “Bài ca tôi bắt đầu hát vẫn chưa được hát cho đến hôm nay. / Tôi đã dành ra những tháng ngày để lên dây và xuống dây nhạc cụ của mình.”

  29. Thomas Gray, “Elegy Written in a Country Church Yard,” trong The Oxford Book of English Verse, do Christopher Ricks biên tập (1999), 279.

  30. 1 Cô Rinh Tô 2:9.

  31. “Ánh Thái Dương trong Hồn Tôi,” Thánh Ca, trang 45.

  32. Giáo Lý và Giao Ước 101:16; xin xem thêm Thi Thiên 46:10.

  33. Giáo Lý và Giao Ước 101:18; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 45:71.