2010–2019
Một Đứa Con Trẻ Sẽ Dắt Chúng Nó Đi
Tháng tư 2012


Một Đứa Con Trẻ Sẽ Dắt Chúng Nó Đi

Các cặp vợ chồng cần phải hiểu rằng sự kêu gọi quan trọng nhất của họ—mà họ sẽ không bao giờ được giải nhiệm khỏi sự kêu gọi đó—là với nhau và rồi với con cái của mình.

Cách đây nhiều năm, vào một đêm giá lạnh trong ga xe lửa ở Nhật Bản, tôi nghe một tiếng gõ trên cửa sổ toa xe lửa. Đó là một đứa bé trai người lạnh run đang đứng ngoài đó mặc chiếc áo rách rưới với một miếng dẻ rách cột xung quanh cái hàm sưng. Đầu của nó đầy ghẻ chốc. Nó cầm một cái lon rỉ sét và một cái muỗng, đó là hình ảnh của một đứa bé mồ côi ăn xin. Trong khi tôi cố gắng mở cánh cửa ra để cho nó tiền thì xe lửa bắt đầu chạy.

Tôi sẽ không bao giờ quên được đứa bé đói khát đó đứng trong thời tiết lạnh giá, tay giơ lên chiếc lon trống không. Cũng như tôi không thể nào quên được cảm nghĩ bất lực của mình khi xe lửa từ từ bắt đầu chạy và bỏ nó đứng lại trên sân ga.

Một vài năm sau, tại Cusco, một thành phố nằm ở trên cao trong vùng núi Andes, Peru, Anh Cả A. Theodore Tuttle và tôi tổ chức một buổi lễ Tiệc Thánh trong một căn phòng dài, hẹp, có cửa mở về hướng mặt đường. Đó là vào buổi tối, trong khi Anh Cả Tuttle nói chuyện, một đứa bé trai, khoảng sáu tuổi, xuất hiện trước khung cửa. Nó chỉ mặc duy nhất một cái áo sơ mi rách rưới dài đến đầu gối.

Ở bên trái chúng tôi là một cái bàn nhỏ với dĩa đựng bánh cho Tiệc Thánh. Đứa bé mồ côi đói khát đầu đường xó chợ này thấy dĩa bánh và đi chậm dọc theo bức tường hướng tới đó. Khi nó sắp đến gần cái bàn thì một chị phụ nữ đứng trên lối đi trông thấy nó. Chị nghiêm khắc lắc đầu ra dấu và đuổi nó đi ra ngoài đêm tối. Tôi than thầm trong bụng.

Sau đó, đứa bé ấy quay lại. Nó bò dọc theo bức tường, lướt nhìn từ dĩa bánh đến nhìn tôi. Khi nó sắp đến gần nơi mà chị phụ nữ lại sẽ thấy nó nữa, tôi giơ tay mình ra, và nó chạy lại tôi. Tôi ôm nó vào lòng.

Rồi, như một biểu tượng nào đó, tôi đặt nó vào ghế ngồi của Anh Cả Tuttle. Sau lời cầu nguyện kết thúc, đứa bé đói khát đó phóng mình ra ngoài đêm tối.

Khi trở về nhà, tôi kể cho Chủ Tịch Spencer W. Kimball về kinh nghiệm của mình. Ông lấy làm cảm động vô cùng và nói với tôi: “Anh đã ôm vào lòng cả một dân tộc đấy.” Ông đã hơn một lần nói với tôi: “Kinh nghiệm đó có ý nghĩa sâu sắc hơn mà anh chưa biết được.”

Tôi đã đi thăm các quốc gia Châu Mỹ La Tinh gần 100 lần, lần nào tôi cũng đều tìm đứa bé đó trong gương mặt của những người dân ở đó. Giờ đây, tôi đã thật sự biết điều Chủ Tịch Kimball muốn nói.

Tôi gặp một đứa bé khác run rẩy ở trên đường phố Salt Lake City. Trời rất lạnh vào một đêm đông lạnh giá. Chúng tôi sắp rời bữa ăn tối Giáng Sinh tại một khách sạn. Dưới đường, có sáu hay tám đứa trẻ ồn ào. Đáng lẽ tất cả chúng nó phải ở nhà thay vì ở bên ngoài trời lạnh như thế.

Một đứa bé không có áo choàng. Nó nhảy lên nhảy xuống rất nhanh để chống chọi với cái lạnh. Nó biến mất ở dưới đường, chắc chắn là đi về một căn hộ nhỏ bé, tồi tàn và một cái giường không có đủ chăn mền để giữ cho nó được ấm áp.

Tối đó, khi kéo tấm chăn lên đắp, tôi đã dâng lên lời cầu nguyện cho những người đi về nhà mà không có giường nệm êm ấm.

Tôi đóng quân ở Osaka, Nhật Bản, vào lúc Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Thành phố đổ nát, các con đường vương vãi đầy chướng ngại vật, mảnh vỡ và hố bom. Mặc dù hầu hết mấy cái cây đã bị đổ ngã, nhưng một số ít cây khác vẫn còn đứng vững với cành và thân cây bị gãy cũng như còn có can đảm để mọc ra một vài cái nhánh nhỏ với lá.

Một đứa bé gái mặc một cái áo kimônô rách rưới đầy màu sắc sặc sỡ đang bận rộn hái những cái lá màu vàng của cây sung dâu để làm thành một bó hoa. Đứa bé đó dường như không để ý đến cảnh tàn phá xung quanh nó khi trườn mình lên trên đống gạch vụn để thêm vào những chiếc lá mới cho bó hoa của nó. Nó đã tìm thấy vẻ đẹp còn lại trong thế giới của nó. Có lẽ tôi nên nói rằng đứa bé đó chính là phần xinh đẹp trong thế giới của nó. Bằng cách nào đó, việc nghĩ tới nó làm gia tăng đức tin của tôi. Đứa bé đó là một tấm gương hy vọng.

Mặc Môn đã dạy rằng “trẻ thơ thì sống trong Đấng Ky Tô”1 và không cần phải hối cải.

Khoảng thập niên 1900, hai người truyền giáo đang phục vụ ở vùng núi miền nam Hoa Kỳ. Một ngày nọ, từ một đỉnh đồi, họ thấy người ta quy tụ lại trong một khu đất phá hoang ở đằng xa phía dưới đó. Những người truyền giáo thường không có nhiều người để có thể thuyết giảng nên họ đi xuống khu đất đó.

Một đứa bé trai bị chết đuối, và lúc đó là tang lễ của nó. Cha mẹ của nó đã cho mời vị mục sư đến để nói chuyện trong tang lễ của con trai họ. Những người truyền giáo đứng ngoài sau trong khi vị mục sư du hành đó đứng đối diện với hai người cha mẹ đang đau buồn và bắt đầu bài giảng của mình. Nếu hai người cha mẹ đó trông mong nhận được sự an ủi từ vị mục sư này thì chắc hẳn họ sẽ thất vọng.

Vị mục sư quở trách họ một cách nghiêm khắc vì đã không để cho đứa bé đó chịu phép báp têm. Họ đã trì hoãn việc đó vì lý do này hay lý do khác, và giờ đây thì đã quá trễ. Vị mục sư ấy nói thẳng thừng với họ rằng đứa con của họ đã đi xuống địa ngục rồi. Đó là lỗi của họ. Họ phải chịu trách nhiệm về nỗi thống khổ bất tận của đứa bé.

Sau khi bài giảng kết thúc và ngôi mộ đã được lắp đất, hai anh cả tiến đến gần hai cha mẹ đang buồn phiền. Họ nói với người mẹ: “Chúng tôi là tôi tớ của Chúa, và chúng tôi đã đến với một sứ điệp cho bà.” Trong khi hai người cha mẹ nức nở khóc và lắng nghe, hai anh cả đọc từ những điều mặc khải và làm chứng về sự phục hồi các chìa khóa cứu chuộc cho người sống lẫn người chết.

Tôi có phần nào cảm thông với vị mục sư thuyết giảng đó. Vị ấy đã làm hết sức mình với ánh sáng và hiểu biết mà mình có. Nhưng còn có thêm nhiều điều nữa mà vị ấy đáng lẽ phải mang đến cho người khác. Đó là phúc âm trọn vẹn.

Hai anh cả này đã đến với tư cách là người an ủi, giảng viên, tôi tớ của Chúa, hai giáo sĩ được phép giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các trẻ em mà tôi đã đề cập đến tiêu biểu cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. “Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra; và … phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình.”2

Việc tạo ra mầm sống là một trách nhiệm lớn lao đối với một cặp vợ chồng. Việc làm một người cha hay mẹ xứng đáng và có trách nhiệm là một trong những thử thách gay go nhất trong cuộc sống trần thế này. Không một người đàn ông hay người phụ nữ nào có thể một mình sinh con được. Điều đó có nghĩa là con cái phải có cha mẹ—cả cha lẫn mẹ. Không có một mẫu mực hay tiến trình nào khác có thể thay thế điều này.

Cách đây rất lâu, một phụ nữ đã khóc khi kể cho tôi nghe rằng chị ấy là một sinh viên đại học và đã làm một lỗi lầm nghiêm trọng với người bạn trai của mình. Người bạn trai của chị đã sắp xếp một cuộc phá thai. Cuối cùng, họ tốt nghiệp, kết hôn và có thêm vài đứa con nữa. Chị ấy đã nói cho tôi biết là giờ đây chị ấy đã bị giày vò biết bao khi nhìn vào gia đình của mình, các đứa con xinh đẹp của mình, và bây giờ hình dung trong tâm trí một chỗ trống, là chỗ thiếu một đứa con.

Nếu cặp vợ chồng này hiểu và áp dụng Sự Chuộc Tội, thì họ sẽ biết rằng những kinh nghiệm đó và nỗi đau đớn kèm theo với những kinh nghiệm đó đều có thể được xóa đi. Không có nỗi đau đớn nào sẽ kéo dài vĩnh viễn. Điều đó không dễ dàng nhưng cuộc sống không bao giờ có ý nghĩa là sẽ dễ dàng hay công bằng. Sự hối cải và hy vọng bền vững do sự tha thứ mang đến sẽ luôn luôn đáng bỏ ra nỗ lực để hối cải.

Một cặp vợ chồng trẻ nọ đã sụt sùi kể cho tôi nghe rằng họ mới vừa đi khám bác sĩ về và được cho biết rằng họ sẽ không thể có con được. Họ rất đau khổ trước tin này. Họ ngạc nhiên khi tôi nói với họ rằng họ thật sự khá may mắn. Họ muốn biết lý do tại sao tôi nói như vậy. Tôi cho họ biết rằng tình trạng của họ tốt hơn nhiều so với các cặp vợ chồng khác có khả năng làm cha mẹ nhưng đã khước từ và ích kỷ trốn tránh trách nhiệm đó.

Tôi nói với họ: “Ít nhất là hai anh chị muốn có con cái, và ước muốn đó sẽ rất thuận lợi cho hai anh chị trong cuộc sống trần thế và cuộc sống mai sau vì ước muốn đó sẽ mang đến cảm giác vững vàng về mặt thuộc linh và tình cảm. Cuối cùng, sẽ tốt hơn cho hai anh chị vì hai anh chị muốn có con cái nhưng không thể có được, so với những người có thể có con cái nhưng lại không muốn.”

Còn có những cặp trai gái khác vẫn không kết hôn và do đó không có con. Một số người, vì hoàn cảnh vượt ra ngoài vòng kiểm soát của họ, đang nuôi nấng con cái với vai trò là mẹ hay cha độc thân. Đây là những tình huống tạm thời. Cuối cùng, trong thời vĩnh cửu—không phải luôn luôn trên trần thế—nỗi khao khát và ao ước ngay chính sẽ được thực hiện.

“Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Ky Tô về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.”3

Mục tiêu tối thượng của tất cả sinh hoạt trong Giáo Hội là có một cặp vợ chồng và con cái đều hạnh phúc trong mái gia đình, được bảo vệ bởi các nguyên tắc và luật pháp của phúc âm, được làm lễ gắn bó một cách an toàn trong các giao ước của chức tư tế trường cửu. Các cặp vợ chồng cần phải hiểu rằng sự kêu gọi quan trọng nhất của họ—mà họ sẽ không bao giờ được giải nhiệm khỏi sự kêu gọi đó—là với nhau và rồi với con cái của mình.

Một trong những điều được khám phá về vai trò làm cha mẹ là chúng ta học được nhiều về điều thật sự quan trọng từ con cái của mình hơn là điều chúng ta học được từ cha mẹ của mình. Chúng ta tiến đến việc nhận ra lẽ thật trong lời tiên tri của Ê Sai rằng “một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi.”4

Ở Giê Ru Sa Lem, “Đức Chúa Giê Su gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ,

“mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

“Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng.”5

“Song Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.

“Ngài bèn đặt tay trên chúng nó, rồi từ đó mà đi.”6

Chúng ta đọc trong Sách Mặc Môn về việc Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến ở Tân Thế Giới. Ngài đã chữa lành và ban phước cho dân chúng và truyền cho họ mang con trẻ của họ đến cùng Ngài.

Mặc Môn ghi lại rằng: “Vậy nên họ đem các trẻ nhỏ lại và đặt chúng xuống đất quanh Ngài, và Chúa Giê Su đứng ở giữa, rồi đám đông lui ra để cho tất cả trẻ nhỏ được đem lại bên Ngài.”7

Rồi Ngài truyền lệnh cho họ quỳ xuống. Với các trẻ con ở xung quanh Ngài, Đấng Cứu Rỗi quỳ xuống và dâng lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Sau khi cầu nguyện xong, Đấng Cứu Rỗi khóc, “rồi Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng.

“Và khi làm như vậy xong, Ngài lại khóc.”8

Tôi có thể hiểu những cảm nghĩ Đấng Cứu Rỗi bày tỏ cho các trẻ em. Chúng ta cần phải học rất nhiều điều từ việc noi theo gương Ngài khi cố gắng cầu nguyện, ban phước và giảng dạy cho “các trẻ nhỏ đó.”9

Tôi là người con thứ 10 sinh ra trong một gia đình có 11 người con. Theo như tôi biết thì cha tôi hay mẹ tôi đã không phục vụ trong một sự kêu gọi nổi bật nào trong Giáo Hội.

Cha mẹ chúng tôi phục vụ trung tín trong sự kêu gọi quan trọng nhất với tư cách là cha mẹ. Cha chúng tôi lãnh đạo gia đình chúng tôi trong sự ngay chính, không bao giờ với cơn tức giận hay sợ hãi. Và tấm gương mạnh mẽ của cha chúng tôi được làm cho vinh hiển bởi lời khuyên dạy của mẹ tôi. Phúc âm có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc sống của mỗi người chúng tôi trong gia đình Packer và đến thế hệ kế tiếp và kế tiếp nữa, cho đến tận khi nào chúng tôi thấy được.

Tôi hy vọng được phán xét là một người tốt như cha tôi. Trước khi tôi nghe những lời “được lắm” từ Cha Thiên Thượng, tôi hy vọng được nghe trước hết từ người cha trần thế của mình.

Tôi đã nhiều lần bối rối trước lý do tại sao tôi được kêu gọi với tư cách là một Sứ Đồ và rồi Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai mặc dù sinh trưởng trong một gia đình mà người cha có thể được coi là kém tích cực. Tôi không phải là thành viên duy nhất của Nhóm Túc Số Mười Hai phù hợp với điều mô tả đó.

Cuối cùng, tôi có thể thấy và hiểu rằng có thể là vì hoàn cảnh đó mà tôi được kêu gọi. Và tôi có thể hiểu lý do tại sao trong tất cả những gì mình làm trong Giáo Hội, chúng ta, với tư cách là những người lãnh đạo, đều cần phải tạo ra cách thức để cho cha mẹ và con cái có thời gian với nhau chung gia đình. Các vị lãnh đạo chức tư tế cần phải thận trọng trong việc cân nhắc ảnh hưởng của các sinh hoạt của Giáo Hội đối với gia đình.

Việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có nhiều điều không thể được đo lường và qua đó lại có thể đếm hay ghi vào hồ sơ số người tham dự. Chúng ta bận rộn với các tòa nhà, ngân sách, chương trình và thủ tục. Khi làm như vậy, chúng ta có thể bỏ qua mục đích chính của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Có người thường đến nói với tôi: “Thưa Chủ Tịch Packer, có lẽ sẽ tốt hơn nếu … ?”

Tôi thường ngăn họ lại và nói: “Không,” vì tôi nghi rằng điều tiếp theo sẽ là một sinh hoạt hay chương trình mới mà sẽ thêm vào gánh nặng về thời giờ và bổn phận tài chính lên trên gia đình.

Thời giờ dành cho gia đình là thời giờ thiêng liêng và cần phải được bảo vệ và tôn trọng. Chúng tôi khuyến khích các tín hữu nên tận tụy đối với gia đình của mình.

Khi mới vừa kết hôn, vợ chồng tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ chấp nhận các đứa con do chúng tôi sinh ra cùng với trách nhiệm kèm theo việc sinh nở và nuôi nấng. Cuối cùng, chúng đã lập gia đình riêng của chúng.

Hai lần trong hôn nhân của chúng tôi, vào lúc hai đứa con trai bé bỏng của chúng tôi sinh ra, chúng tôi đã nghe vị bác sĩ nói: “Tôi không nghĩ là ông bà sẽ giữ được đứa con này đâu.”

Cả hai lần, chúng tôi đáp rằng chúng tôi sẽ hy sinh mạng sống của mình nếu đứa con trai nhỏ bé của chúng tôi có thể giữ mạng sống nó. Trong lúc dâng lên lời cầu nguyện đó, chúng tôi nhận thấy rằng lòng tận tụy đó cũng tương tự với cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng về mỗi người chúng ta. Thật là một ý nghĩ vô cùng thiêng liêng.

Giờ đây, trong cuộc sống về chiều của mình, Chị Packer cũng như tôi đều hiểu và làm chứng rằng gia đình chúng tôi có thể là vĩnh cửu. Khi tuân theo các lệnh truyền và sống hoàn toàn theo phúc âm, chúng ta sẽ được bảo vệ và ban phước. Đối với các con, cháu và chắt của chúng tôi, lời cầu nguyện của chúng tôi là mỗi đứa trong gia đình đang tiếp tục phát triển của chúng tôi sẽ tận tụy như thế đối với những đứa bé yêu quý đó.

Các bậc cha mẹ, lần sau khi các anh chị em bế một đứa bé sơ sinh trong tay thì các anh chị em có thể có được tầm nhìn xa về những điều huyền nhiệm và mục đích của cuộc sống. Các anh chị em sẽ hiểu rõ hơn tại sao Giáo Hội là như vậy và tại sao gia đình là tổ chức cơ bản trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Tôi làm chứng rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính, kế hoạch cứu chuộc, mà đã được gọi là kế hoạch hạnh phúc, là một kế hoạch dành cho gia đình. Tôi cầu nguyện lên Chúa rằng các gia đình trong Giáo Hội sẽ được ban phước, cha mẹ và con cái, rằng công việc này sẽ tiến bước theo như ý định của Đức Chúa Cha. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.