2010–2019
Cải Đạo theo Phúc Âm của Ngài qua Giáo Hội của Ngài
Tháng tư 2012


Cải Đạo theo Phúc Âm của Ngài qua Giáo Hội của Ngài

Mục đích của Giáo Hội là nhằm giúp chúng ta sống theo phúc âm.

Tôi yêu mến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đôi khi chúng ta sử dụng từ phúc âmGiáo Hội để thay thế cho nhau, nhưng hai từ này không giống nhau. Tuy nhiên, hai từ này liên kết với nhau một cách lạ lùng, và chúng ta cần cả hai từ này.

Phúc âm là kế hoạch vinh quang của Thượng Đế, trong đó chúng ta, với tư cách là con cái của Ngài được ban cho cơ hội để tiếp nhận tất cả những gì Đức Chúa Cha có (xin xem GLGƯ 84:38). Điều này gọi là cuộc sống vĩnh cửu và được mô tả là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7). Một phần thiết yếu của kế hoạch này là kinh nghiệm trần thế của chúng ta—một thời kỳ để phát triển đức tin (xin xem Mô Rô Ni 7:26), để hối cải (xin xem Mô Si A 3:12), và để hòa giải với Thượng Đế (xin xem Gia Cốp 4:11).

Vì những yếu kém trần tục của chúng ta và “phải có sự tương phản trong mọi sự việc” (2 Nê Phi 2:11) sẽ làm cho cuộc sống này vô cùng khó khăn và vì không thể thanh tẩy tội lỗi của mình, nên chúng ta rất cần một Đấng Cứu Rỗi. Khi Ê Lô Him, Thượng Đế và Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của mọi linh hồn, trình bày kế hoạch cứu rỗi của Ngài, thì có một vị trong số chúng ta nói: “Tôi đây, xin phái tôi đi” (Áp Ra Ham 3:27). Tên của vị ấy là Giê Hô Va.

Vì được Cha Thiên Thượng sinh ra, về phần thuộc linh lẫn phần thể xác, nên Ngài có được quyền năng vô hạn để khắc phục thế gian. Vì được một người mẹ trần thế sinh ra, nên Ngài đã phải chịu đau đớn và đau khổ của cuộc sống hữu diệt. Đức Giê Hô Va vĩ đại cũng có tên là Giê Su và thêm vào đó là danh hiệu Đấng Ky Tô, có nghĩa là Đấng Mê Si hay Đấng Được Xức Dầu. Thành tựu tột bậc của Ngài là Sự Chuộc Tội, lúc đó Chúa Giê Su Ky Tô “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:6), làm cho Ngài có thể trả cái giá cứu chuộc cho mỗi người chúng ta.

Giáo Hội được Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập trong thời gian giáo vụ của Ngài trên trần thế “đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Ê Phê Sô 2:20). Trong gian kỳ này, “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” (GLGƯ 128:18), Chúa đã phục hồi điều đã từng có trước đây và phán riêng với Tiên Tri Joseph Smith: “Do bàn tay ngươi, ta sẽ thiết lập một chi nhánh giáo hội” (GLGƯ 31:7). Chúa Giê Su Ky Tô đã và đang đứng đầu Giáo Hội của Ngài, các vị tiên tri đang nắm giữ thẩm quyền của vị sứ đồ đại diện Ngài trên thế gian.

Đây là Giáo Hội kỳ diệu. Tổ chức, sự hữu hiệu và hoàn toàn tốt lành của Giáo Hội đã được tất cả những người chân thành tìm hiểu Giáo Hội kính trọng. Giáo Hội có chương trình dành cho trẻ em, giới trẻ, nam giới và phụ nữ. Giáo Hội có những ngôi nhà hội đẹp đẽ vượt quá con số 18.000. Các đền thờ uy nghi lẫm liệt hiện giờ tổng số là 136, đang rải rác trên khắp thế giới, với 30 ngôi đền thờ khác đang xây cất hay đã được loan báo sẽ xây cất. Một lực lượng người truyền giáo toàn thời gian hơn 56.000 người gồm có những người trẻ tuổi lẫn những người không còn trẻ, hiện đang phục vụ trong 150 quốc gia. Công việc cứu trợ nhân đạo của Giáo Hội trên toàn cầu là tấm gương kỳ diệu về lòng rộng lượng của các tín hữu chúng ta. Hệ thống an sinh của chúng ta chăm sóc các tín hữu chúng ta và khuyến khích khả năng tự lực một cách độc nhất vô nhị. Trong Giáo Hội này, chúng ta có các vị lãnh đạo thế tục đầy vị tha và một cộng đồng Các Thánh Hữu sẵn lòng phục vụ cho nhau trong một cách phi thường. Không có Giáo Hội nào giống như Giáo Hội này trên khắp thế gian.

Khi tôi sinh ra, gia đình chúng tôi sống trong một mái nhà tranh nhỏ bé trên khu đất của một trong số các ngôi nhà hội lịch sử và vĩ đại của Giáo Hội, là Đại Thính Đường Honolulu. Bây giờ, tôi xin lỗi những người bạn thân thiết của tôi trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, là những người trông coi các cở sở tiện nghi của Giáo Hội, nhưng khi còn bé, tôi đã trèo lên, trèo xuống khắp nơi ở cơ ngơi đó, từ dưới đáy hồ đầy nước phản chiếu đến bên trong đỉnh tháp uy nghiêm hùng vĩ được thắp đèn sáng. Chúng tôi còn đu lên (giống như Tarzan) những cành cây đa to lớn dài thòng xuống ở nơi đó.

Giáo Hội là quan trọng bậc nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi đi tham dự rất nhiều buổi họp, còn nhiều hơn chúng ta có ngày nay. Chúng tôi tham dự Hội Thiếu Nhi vào chiều thứ năm. Hội Phụ Nữ họp vào sáng thứ Ba. Hội Hỗ Tương dành cho giới trẻ vào tối thứ Tư. Thứ Bảy là dành cho các sinh hoạt của tiểu giáo khu. Vào Chủ Nhật, những người đàn ông và các thiếu niên thường đi dự buổi họp chức tư tế vào buổi sáng. Buổi trưa, chúng tôi thường tham dự Trường Chủ Nhật. Rồi chúng tôi trở lại buổi chiều cho lễ Tiệc Thánh. Với những chuyến đi và về với các buổi họp, dường như thời gian của chúng tôi được dành cho các sinh hoạt của Giáo Hội suốt ngày Chủ Nhật và hầu hết những ngày khác trong tuần.

Tôi yêu mến Giáo Hội rất nhiều, chính là trong những năm niên thiếu đó mà lần đầu tiên, tôi đã cảm giác rằng có một điều gì đó hơn thế nữa. Khi tôi năm tuổi, một đại hội quan trọng được tổ chức tại thính đường. Chúng tôi đi xuống con đường nhỏ nơi chúng tôi sống và ngang qua một cây cầu nhỏ dẫn đến ngôi nhà hội uy nghi và ngồi khoảng dãy ghế thứ 10 trong ngôi giáo đường rộng lớn. Chủ Tịch của Giáo Hội là David O. McKay chủ tọa và nói chuyện tại buổi họp đó. Tôi không nhớ bất cứ điều gì ông nói, nhưng tôi còn nhớ rất rõ điều tôi trông thấy và cảm nhận. Chủ Tịch McKay mặc bộ đồ vét màu kem và ông trông rất bệ vệ với mái tóc trắng gợn sóng. Theo truyền thống của các hải đảo, ông choàng một vòng hoa kết bằng hoa cẩm chướng màu đỏ. Trong khi ông nói, tôi cảm thấy có một điều gì khá mãnh liệt và rất riêng tư. Về sau, tôi hiểu rằng tôi đã cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Chúng tôi hát bài thánh ca kết thúc.

Ai ở bên phía Chúa? Ai vậy?

Giờ đây là lúc phải cho thấy.

Chúng ta mạnh dạn hỏi:

Ai ở bên phía Chúa? Ai vậy?

(“Who’s on the Lord’s Side?” Hymns, số 260)

Với những lời đó được gần 2.000 người cất tiếng hát nhưng dường như câu hỏi đó chỉ đặt ra cho tôi, tôi muốn đứng dậy và nói: “Chính là tôi!”

Một số người đã nghĩ về việc tích cực trong Giáo Hội như là mục tiêu tối thượng. Như thế có phần nguy hiểm vì ta có thể tích cực trong Giáo Hội và kém tích cực trong phúc âm. Tôi xin nhấn mạnh rằng việc tích cực trong Giáo Hội là một mục tiêu hết sức mong muốn; tuy nhiên điều đó không đủ. Việc tích cực trong Giáo Hội là một cách biểu lộ bề ngoài về ước muốn thuộc linh của chúng ta. Nếu chúng ta tham dự các buổi họp của mình, nắm giữ và làm tròn các trách nhiệm trong Giáo Hội, cùng phục vụ những người khác, thì việc một người tích cực trong Giáo Hội đã được mọi người nhìn thấy.

Ngược lại, những sự việc của phúc âm thường ít được thấy rõ và khó để đo lường hơn, nhưng lại có tầm quan trọng vĩnh cửu hơn. Ví dụ, chúng ta thật sự có bao nhiêu đức tin? Chúng ta hối cải được bao nhiêu? Các giáo lễ có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta tập trung vào các giao ước của mình như thế nào?

Tôi lặp lại: chúng ta cần phúc âm Giáo Hội. Thật ra, mục đích của Giáo Hội là nhằm giúp chúng ta sống theo phúc âm. Chúng ta thường tự hỏi: Làm thế nào một người có thể hoàn toàn tích cực trong Giáo Hội khi còn trẻ và rồi không tích cực khi về già? Làm thế nào một người thành niên đã tham dự và phục vụ thường xuyên rồi lại ngừng không đến nữa? Làm thế nào một người thất vọng đối với một vị lãnh đạo hay một tín hữu khác lại có thể ngừng tham gia với Giáo Hội? Có lẽ lý do là họ không cải đạo đủ để theo phúc âm—những sự việc vĩnh cửu.

Tôi xin đề nghị ba cách cơ bản để làm cho phúc âm thành nền tảng của mình:

  1. Hãy phát triển sự hiểu biết của chúng ta về Thượng Đế. Cần phải duy trì sự hiểu biết và có một tình yêu mến liên tục đối với ba Đấng trong thiên chủ đoàn. Thành tâm cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong tôn danh của Vị Nam Tử và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Hãy kết hợp việc cầu nguyện với việc liên tục nghiên cứu và suy ngẫm với lòng khiêm nhường với việc tiếp tục xây đắp đức tin không lay chuyển nơi Chúa Giê Su Ky Tô. “Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ … là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?” (Mô Si A 5:13).

  2. Hãy tập trung vào các giáo lễ và giao ước. Nếu có bất cứ giáo lễ thiết yếu nào chưa được thực hiện trong cuộc sống của các anh chị em, thì hãy chủ tâm chuẩn bị để tiếp nhận mỗi một giáo lễ đó. Rồi chúng ta cần phải đề ra kỷ luật để sống trung tín với các giao ước của mình, sử dụng triệt để sự ban cho Tiệc Thánh hằng tuần. Nhiều người chúng ta không thay đổi thường xuyên bởi quyền năng thanh tẩy của Tiệc Thánh vì chúng ta thiếu tôn kính đối với giáo lễ thiêng liêng này.

  3. Hãy đoàn kết với Giáo Hội trong phúc âm. Khi chúng ta tập trung vào phúc âm, Giáo Hội sẽ trở thành một phước lành nhiều hơn trong cuộc sống chúng ta chứ không phải ít hơn. Khi chúng ta đến mỗi buổi họp sẵn sàng để “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118), thì Đức Thánh Linh sẽ là thầy giảng của chúng ta. Nếu đến đó để tiêu khiển thì chúng ta thường sẽ bị thất vọng. Chủ Tịch Spencer W. Kimball có lần đã hỏi: “Các anh chị em làm gì khi thấy mình đang ở trong một buổi lễ Tiệc Thánh tẻ nhạt?” Câu trả lời của ông là: “Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ ở trong một buổi lễ tẻ nhạt cả” (do Gene R. Cook trích dẫn, trong Gerry Avant, “Learning Gospel Is Lifetime Pursuit,” Church News, ngày 24 tháng Ba năm 1990, 10).

Trong cuộc sống của mình, chúng ta nên mong muốn điều đã xảy ra sau khi Chúa hiện đến với những người dân ở Tân Thế Giới và thiết lập Giáo Hội của Ngài. Thánh thư ghi rằng: “Và chuyện rằng cứ thế họ [có nghĩa là các môn đồ của Ngài] đi đến với toàn dân Nê Phi, và thuyết giảng phúc âm của Đấng Ky Tô cho tất cả dân chúng trong xứ nghe; và dân chúng được cải đạo theo Chúa, và được thu nhận vào giáo hội của Đấng Ky Tô, và nhờ vậy mà dân thuộc thế hệ ấy đã được phước” (3 Nê Phi 28:23).

Chúa muốn các tín hữu của Giáo Hội Ngài phải cải đạo hoàn toàn theo phúc âm của Ngài. Đây là cách chắc chắn để có được sự an toàn thuộc linh bây giờ và hạnh phúc vĩnh viễn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.