2010–2019
Hiểu Biết để Hành Động
Tháng tư 2012


Hiểu Biết để Hành Động

Nếu muốn được thịnh vượng thay vì bị tàn lụi, thì chúng ta cần phải đạt được một sự hiểu biết về bản thân mình như Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy chúng ta.

Giống như các bậc cha mẹ hiền, cha mẹ tôi mong muốn con cái của mình có một tương lai sáng lạn. Cha tôi không phải là tín hữu và vì những hoàn cảnh bất thường vào lúc đó nên cha mẹ tôi quyết định rằng các anh chị em chúng tôi phải rời quê hương ở đảo American Samoa, trong vùng Nam Thái Bình Dương, và đến Hoa Kỳ để đi học.

Quyết định rời xa chúng tôi là một quyết định khó khăn đối với cha mẹ tôi, nhất là mẹ tôi. Họ biết rằng khi bị đặt vào những môi trường mới, chúng tôi sẽ gặp phải những thử thách không biết trước được. Tuy nhiên, với đức tin và quyết tâm, họ đã xúc tiến kế hoạch của mình.

Vì lớn lên trong Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau nên mẹ tôi quen thuộc với các nguyên tắc nhịn ăn và cầu nguyện, và cả hai cha mẹ tôi đều cảm thấy rằng họ cần các phước lành của thiên thượng để giúp con cái của họ. Trong tinh thần đó, họ bắt đầu dành ra một ngày mỗi tuần để nhịn ăn và cầu nguyện cho chúng tôi. Mục tiêu của họ là chuẩn bị cho con cái họ có được một tương lai sáng lạn. Họ hành động theo sự chuẩn bị này khi họ sử dụng đức tin bằng cách tìm kiếm các phước lành của Chúa. Qua việc nhịn ăn và cầu nguyện, họ đã nhận được sự bảo đảm, an ủi và bình an rằng tất cả mọi điều đều sẽ được ổn thỏa.

Làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết cần thiết để làm những điều mà sẽ mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, ở giữa những thử thách của cuộc sống? Khi nói về sự hiểu biết, sách Châm Ngôn dạy lẽ thật này: “Đâu thiếu sự mặc thị, dân sự bèn phóng tứ” (Châm Ngôn 29:18). Nếu muốn được thịnh vượng thay vì bị tàn lụi, thì chúng ta cần phải đạt được một sự hiểu biết về bản thân mình như Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã thấy nhiều tiềm năng ở những người đánh cá hèn mọn là những người mà Ngài kêu gọi đi theo Ngài hơn là họ tự thấy bản thân họ lúc đầu; Ngài thấy được con người mà họ có thể trở thành. Ngài biết sự tốt lành và tiềm năng của họ, và Ngài đã hành động để kêu gọi họ. Lúc đầu, họ đã không có kinh nghiệm, nhưng trong khi đi theo Ngài, họ đã nhìn thấy tấm gương của Ngài, cảm nhận được những điều giảng dạy của Ngài và trở thành các môn đồ của Ngài. Có một thời gian một số môn đồ của Ngài bỏ Ngài đi vì những điều họ đã nghe là quá khó đối với họ. Khi biết rằng có những người khác cũng có thể bỏ đi, thì Chúa Giê Su đã hỏi Mười Hai Sứ Đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” (Giăng 6:67). Câu trả lời của Phi E Rơ phản ảnh cách ông đã thay đổi và nhận được một sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi là ai, ông đáp: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68)

Với sự hiểu biết đó, các môn đồ trung tín và tận tâm này đã có thể làm những điều khó khi họ đi thuyết giảng phúc âm và thiết lập Giáo Hội sau khi Đấng Cứu Rỗi ra đi. Cuối cùng, một số họ đã hy sinh mạng sống vì chứng ngôn của mình.

Có những tấm gương khác trong thánh thư của những người đã nhận được sự hiểu biết về phúc âm và rồi ra đi hành động theo sự hiểu biết đó. Tiên tri An Ma đã nhận được sự hiểu biết của mình khi ông nghe A Bi Na Đi mạnh dạn giảng dạy và làm chứng trước Vua Nô Ê. An Ma hành động theo những lời giảng dạy của A Bi Na Đi và đi ra giảng dạy những điều ông đã học được, làm phép báp têm cho nhiều người đã tin vào lời ông (xin xem Mô Si A 17:1–4; 18:1–16). Trong khi ngược đãi Các Thánh Hữu ban đầu, Sứ Đồ Phao Lô đã được cải đạo trên đường đi đến thành Đa Mách và rồi hành động bằng cách giảng dạy và làm chứng về Đấng Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1–6, 20–22, 29).

Trong thời kỳ chúng ta, nhiều thanh niên, thiếu nữ và các cặp vợ chồng lớn tuổi đã đáp ứng lời kêu gọi của vị tiên tri của Thượng Đế để phục vụ truyền giáo. Với đức tin và lòng can đảm, họ đã rời nhà cửa và mọi thứ quen thuộc với họ vì đức tin nơi điều tốt lành lớn lao họ có thể làm với tư cách là người truyền giáo. Khi hành động theo sự hiểu biết của họ để phục vụ, họ đã ban phước cuộc sống của nhiều người và đã thay đổi cuộc sống của chính mình trong tiến trình đó. Trong đại hội trung ương vừa qua, Chủ Tịch Monson đã cám ơn chúng ta về sự phục vụ lẫn nhau của chúng ta và nhắc chúng ta nhớ về trách nhiệm của mình để giúp Thượng Đế ban phước cho con cái của Ngài nơi đây trên thế gian (xin xem “Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 108). Lời kêu gọi này được nhiệt tình đáp ứng khi các tín hữu của Giáo Hội hành động theo sự hiểu biết của ông.

Trước khi Đấng Cứu Rỗi ra đi, vì hiểu rằng chúng ta sẽ cần được giúp đỡ nên Ngài phán: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu” (Giăng 14:18). Ngài dạy các môn đồ rằng: “Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26). Đây cũng là cùng một Đức Thánh Linh có thể cho quyền và thúc đẩy chúng ta để làm những điều mà Đấng Cứu Rỗi cũng như các vị tiên tri và các sứ đồ hiện đại giảng dạy.

Khi hành động theo những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo của mình, thì chúng ta đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn về tầm nhìn của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta. Trong suốt đại hội này, chúng ta đã nhận được lời khuyên dạy đầy soi dẫn từ các vị tiên tri và sứ đồ. Hãy học hỏi và suy ngẫm những lời giảng dạy của họ trong lòng mình khi tìm kiếm Đức Thánh Linh để giúp các anh chị em có được sự hiểu biết về những lời giảng dạy này trong cuộc sống của mình. Với sự hiểu biết đó, hãy sử dụng đức tin của mình trong việc hành động theo lời khuyên dạy của họ.

Hãy tra cứu và nghiên cứu các thánh thư với mục đích hiểu biết thêm về sứ điệp của họ dành cho các anh chị em. Hãy suy ngẫm các sứ điệp này trong lòng mình và cho phép những điều đó soi dẫn các anh chị em. Rồi hành động theo cảm ứng của các anh chị em.

Như chúng ta học chung với gia đình, chúng ta hành động khi nhịn ăn và cầu nguyện. An Ma nói về sự nhịn ăn và cầu nguyện như là một cách để nhận được cảm giác chắc chắn khi ông nói: “Tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này” (An Ma 5:46). Chúng ta cũng dần dần biết được cách giải quyết những thử thách của cuộc sống mình qua việc nhịn ăn và cầu nguyện.

Chúng ta trải qua những khó khăn trong cuộc sống của mình, những điều này đôi khi có thể làm giảm bớt sự hiểu biết và đức tin của chúng ta để làm những điều mình cần phải làm. Chúng ta trở nên quá bận rộn đến nỗi thường cảm thấy bị dồn nén và không thể làm được gì thêm nữa. Mặc dù mỗi người chúng ta đều khác biệt, nhưng tôi khiêm nhường đề nghị rằng chúng ta cần phải tập trung sự hiểu biết của mình vào Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài. Ngài thấy điều gì nơi Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng cùng Các Sứ Đồ khác mà đã thúc giục Ngài hành động để mời gọi họ đi theo Ngài? Giống như tầm nhìn xa của Ngài đối với họ, Đấng Cứu Rỗi có một tầm hiểu biết về con người chúng ta có thể trở thành. Chúng ta sẽ cần có cùng đức tin và lòng can đảm như Các Sứ Đồ đầu tiên để tái tập trung vào những điều quan trọng hơn hết trong việc mang đến hạnh phúc lâu dài và niềm vui lớn lao.

Khi nghiên cứu cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài, chúng ta thấy Ngài ở giữa dân chúng giảng dạy, cầu nguyện, nâng đỡ và chữa lành. Khi noi theo gương Ngài và làm những điều chúng ta thấy Ngài làm, thì chúng ta bắt đầu thấy một sự hiểu biết về con người mình có thể trở thành. Các anh chị em sẽ được ban phước với sự hiểu biết sâu sắc qua sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để làm thêm nhiều điều tốt. Những thay đổi sẽ bắt đầu đến và cuộc sống của các anh chị em sẽ có một thứ tự khác biệt mà sẽ ban phước các anh chị em và gia đình của mình. Trong thời gian giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi, Đấng Cứu Rỗi đã hỏi: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” Ngài đáp: “Các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27). Chúng ta cần sự giúp đỡ của Ngài để được trở thành giống như Ngài và Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy con đường: “Vậy nên, hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi; vì ai xin thì sẽ được; và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (3 Nê Phi 27:29).

Tôi biết rằng khi đạt được sự hiểu biết về con người mình như Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy chúng ta, và khi chúng ta hành động theo sự hiểu biết đó, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được ban phước một cách bất ngờ. Nhờ vào tầm nhìn xa hiểu rộng của cha mẹ tôi, không những cuộc sống của tôi đã được ban phước với những kinh nghiệm học vấn, mà tôi còn được ở trong hoàn cảnh đã giúp tôi tìm ra và chấp nhận phúc âm. Quan trọng hơn nữa, tôi đã học biết ý nghĩa của cha mẹ hiền và trung tín. Nói một cách giản dị, cuộc sống của tôi đã được thay đổi vĩnh viễn.

Cũng như tầm nhìn xa hiểu rộng đã đưa cha mẹ tôi đến việc nhịn ăn và cầu nguyện cho sự an lạc của con cái mình và cũng như tầm nhìn xa hiểu rộng của Các Sứ Đồ ban đầu đã đưa họ đến việc đi theo Đấng Cứu Rỗi, thì tầm nhìn xa hiểu rộng đó cũng có sẵn để soi dẫn và giúp chúng ta hành động. Thưa các anh chị em, chúng ta là một dân tộc với một lịch sử có tầm nhìn xa hiểu rộng và đức tin cùng lòng can đảm để hành động. Hãy nhìn nơi chúng ta đã đến và các phước lành chúng ta nhận được! Hãy tin rằng Ngài có thể ban phước cho các anh chị em với tầm nhìn xa hiểu rộng trong cuộc sống của mình và lòng can đảm để hành động.

Tôi làm chứng cùng các anh chị em về Đấng Cứu Rỗi và ước muốn của Ngài dành cho chúng ta để trở lại cùng Ngài. Để làm như thế, chúng ta cần phải có đức tin để làm—noi theo Ngài và trở thành giống như Ngài. Trong suốt những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đã giơ tay ra mời gọi chúng ta:

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Ma Thi Ơ 11:29–30).

Giống như Đấng Cứu Rỗi thấy được tiềm năng lớn lao nơi các môn đồ ban đầu của Ngài, Ngài cũng thấy như vậy nơi chúng ta. Chúng ta hãy nhìn thấy con người mình như Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có tầm nhìn xa hiểu rộng đó với đức tin và lòng can đảm để hành động, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.