2010–2019
Ngài Thật Sự Yêu Thương Chúng Ta
Tháng tư 2012


Ngài Thật Sự Yêu Thương Chúng Ta

Nhờ vào khuôn mẫu gia đình đã được thiên thượng thiết kế, nên chúng ta hiểu được trọn vẹn hơn rằng Cha Thiên Thượng thật sự yêu thương mỗi người chúng ta đồng đều và trọn vẹn như thế nào.

Tôi rất thích được hiện diện với những người truyền giáo toàn thời gian. Họ tràn đầy đức tin, hy vọng và lòng bác ái thật sự. Kinh nghiệm truyền giáo của họ giống như cả một cuộc đời xảy ra trong vòng 18 đến 24 tháng. Họ đến khu vực truyền giáo giống như khi còn là trẻ sơ sinh trong phần thuộc linh với nỗi khao khát nghiêm túc để học hỏi và họ trở về nhà như là những người thành niên chín chắn, dường như sẵn sàng chinh phục bất cứ và tất cả những thử thách trước mắt. Tôi cũng yêu mến những người truyền giáo cao niên tận tâm, đầy kiên nhẫn, sáng suốt và trầm tĩnh tự tin. Họ mang một ân tứ về đức tính kiên quyết và tình yêu thương đến cho giới trẻ đầy sinh lực ở xung quanh họ. Những người truyền giáo trẻ tuổi cũng như các cặp vợ chồng truyền giáo lớn tuổi đều là một lực lượng hùng mạnh, bền bỉ, tốt lành, đang có một ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của chính mình và của những người họ ảnh hưởng nhờ sự phục vụ của họ.

Mới đây, tôi đã lắng nghe hai trong số những người truyền giáo trẻ tuổi tài giỏi này xem xét lại những kinh nghiệm và nỗ lực của họ. Trong giây phút hồi tưởng và suy nghĩ ấy, họ đã cân nhắc về những người họ đã tiếp xúc vào ngày hôm đó, một số người đáp ứng nhiệt tình hơn những người khác. Trong khi cân nhắc các hoàn cảnh, họ đã hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể giúp mỗi người phát triển một ước muốn để biết thêm về Cha Thiên Thượng? Chúng ta giúp họ cảm nhận Thánh Linh bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ biết rằng chúng ta yêu mến họ?”

Tôi tưởng tượng rằng tôi có thể thấy hai thanh niên này ba hay bốn năm sau khi họ hoàn tất công việc truyền giáo. Tôi hình dung ra họ đã tìm được người bạn đời vĩnh cửu của mình và phục vụ trong một nhóm túc số các anh cả hoặc giảng dạy một nhóm thiếu niên. Lúc đó, thay vì suy nghĩ về những người tầm đạo của họ, họ cũng đặt ra những câu hỏi tương tự về các thành viên trong nhóm túc số hoặc các thiếu niên mà họ đã được kêu gọi để giúp phát triển. Tôi thấy kinh nghiệm truyền giáo của họ đã có thể được áp dụng như thế nào nhằm mục đích làm một mẫu mực để chăm lo cho những người khác trong suốt cuộc sống của mình. Trong khi đạo quân môn đồ ngay chính này trở về từ công việc truyền giáo của họ ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, họ đang trở thành những người đóng góp quan trọng trong công việc thiết lập Giáo Hội.

Tiên tri Lê Hi trong Sách Mặc Môn có thể đã suy ngẫm những câu hỏi tương tự như những người truyền giáo khi ông lắng nghe câu trả lời của các con trai của mình về sự hướng dẫn và khải tượng mà ông đã được ban cho: “Và La Man cùng Lê Mu Ên, hai người con trai lớn nhất, đã ta thán cha mình như vậy. Và sở dĩ họ ta thán là vì họ không hiểu những việc làm của Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra họ” (1 Nê Phi 2:12).

Có lẽ mỗi chúng ta đều cảm thấy được nỗi bực bội mà Lê Hi đã trải qua với hai đứa con trai lớn của ông. Khi chúng ta đối diện với một đứa con đang bắt đầu rời xa lẽ thật, một người tầm đạo chưa cam kết để chấp nhận phúc âm, hoặc một anh cả tương lai không đáp ứng nhiệt tình, thì chúng ta thông cảm với họ như Lê Hi đã làm và chúng ta hỏi: “Làm thế nào tôi có thể giúp họ cảm nhận và lắng nghe theo Thánh Linh để họ không bị lôi cuốn vào những điều xao lãng của thế gian?” Hai câu thánh thư hiện ra trong trí tôi mà có thể giúp chúng ta tìm ra con đường của mình qua những điều xao lãng này và cảm nhận được quyền năng của tình yêu thương của Thượng Đế.

Nê Phi mang đến một chìa khóa cho cánh cửa học hỏi qua kinh nghiệm riêng của ông: “Tôi, Nê Phi, … có khát vọng lớn lao muốn biết về những điều kín nhiệm của Thượng Đế, vậy nên tôi đã kêu cầu Chúa; và này, Ngài đã đến với tôi và xoa dịu lòng tôi, khiến tôi thật sự tin tất cả những lời cha tôi đã nói; vậy nên, tôi không nổi lên chống ông như các anh tôi” (1 Nê Phi 2:16).

Việc khơi dậy ước muốn để học biết một điều gì đó mang đến cho chúng ta khả năng thuộc linh để nghe tiếng nói của thiên thượng. Việc tìm ra cách để khơi dậy và nuôi dưỡng ước muốn đó là sự tìm kiếm và trách nhiệm của chúng ta—những người truyền giáo, các bậc cha, mẹ, các giảng viên, các vị lãnh đạo và các tín hữu. Trong khi cảm thấy ước muốn đó hình thành trong lòng mình, thì chúng ta đang chuẩn bị để hưởng lợi ích từ việc học câu thánh thư thứ hai mà tôi muốn đề cập đến.

Vào tháng Sáu năm 1831, trong khi những sự kêu gọi được đưa ra cho các vị lãnh đạo ban đầu của Giáo Hội, Joseph Smith được cho biết rằng “Sa Tan đang lan tràn khắp xứ, và nó đi khắp nơi để lừa gạt các quốc gia.” Để chống lại ảnh hưởng làm xao lãng này, Chúa đã phán rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta “một mẫu mực cho mọi sự việc, để [chúng ta] khỏi bị lừa gạt” (GLGƯ 52:14).

Mẫu mực là những khuôn mẫu, sự hướng dẫn, những bước lặp lại hay các con đường mà một người đi theo để được phù hợp với mục đích của Thượng Đế. Nếu được tuân theo, thì các mẫu mực này sẽ giữ cho chúng ta khiêm nhường, luôn ý thức và có thể phân biệt tiếng nói của Đức Thánh Linh với tiếng nói làm xao lãng và dẫn chúng ta rời xa lẽ thật. Sau đó, Chúa chỉ dẫn chúng ta rằng: “Và lại nữa, kẻ nào run sợ dưới quyền năng của ta thì sẽ được làm cho mạnh mẽ, và sẽ sinh trái của sự ngợi khen và khôn ngoan, theo những điều mặc khải và các lẽ thật mà ta đã ban cho các ngươi” (GLGƯ 52:17).

Phước lành của lời cầu nguyện khiêm nhường, được dâng lên với chủ ý thật sự, để cho Đức Thánh Linh soi dẫn tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta ghi nhớ điều mình đã biết trước khi sinh ra trên trần thế này. Khi chúng ta hiểu rõ kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho mình, chúng ta bắt đầu nhận biết trách nhiệm của mình để giúp những người khác biết về kế hoạch của Ngài. Ngoài việc giúp những người khác ghi nhớ, chúng ta còn sống theo và áp dụng phúc âm vào cuộc sống của mình. Khi chúng ta thật sự sống theo phúc âm theo khuôn mẫu đã được Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy, khả năng của chúng ta để giúp đỡ những người khác gia tăng. Kinh nghiệm sau đây là một ví dụ về nguyên tắc này có thể hữu hiệu như thế nào.

Hai người truyền giáo trẻ tuổi đi gõ cửa nhà, với hy vọng để tìm ra một người nào đó tiếp nhận sứ điệp của họ. Cửa mở và một người có vóc dáng khá to chào hỏi họ với một giọng nói không thân thiện. “Tôi nghĩ tôi phải cho mấy người biết là đừng gõ cửa nhà tôi nữa chứ. Tôi cảnh cáo trước với mấy người rằng nếu mấy người còn trở lại, thì sẽ không có một kinh nghiệm vui vẻ đâu. Bây giờ hãy để cho tôi yên nào.” Người ấy vội vàng đóng cửa lại.

Trong khi các anh cả bỏ đi, thì người truyền giáo lớn tuổi hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn choàng tay ôm vai người truyền giáo trẻ hơn để an ủi và khuyến khích. Họ không biết rằng người đàn ông đó đang nhìn theo họ qua cửa sổ để chắc chắn rằng họ hiểu lời mình. Người đàn ông đó đoán trước là sẽ thấy họ cười chế nhạo câu trả lời cộc lốc của mình khi đáp lại việc họ cố gắng ghé thăm. Tuy nhiên, khi người ấy thấy cử chỉ tử tế được biểu lộ giữa hai người truyền giáo, người ấy lập tức cảm thấy mềm lòng. Người ấy mở cửa ra lại và yêu cầu hai người truyền giáo trở lại và chia sẻ sứ điệp của họ với mình.

Chính là lúc chúng ta tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế và sống theo mẫu mực của Ngài thì chúng ta mới cảm nhận được Thánh Linh của Ngài. Đấng Cứu Rỗi dạy: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35). Nguyên tắc này về tình yêu mến lẫn nhau và phát triển khả năng của chúng ta để đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm có trong cách chúng ta suy nghĩ, nói chuyện và hành động là cơ bản trong việc trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô và người giảng dạy phúc âm của Ngài.

Việc khơi dậy ước muốn này chuẩn bị cho chúng ta phải tìm kiếm các mẫu mực đã được hứa. Việc tìm kiếm các mẫu mực đó dẫn dắt chúng ta đến giáo lý của Đấng Ky Tô như đã được Đấng Cứu Rỗi và các vị lãnh đạo tiên tri của Ngài giảng dạy. Một mẫu mực về giáo lý này là phải kiên trì đến cùng: “Và phước thay cho những kẻ nào ngày đó biết tìm cách xây dựng Si Ôn của ta, vì họ sẽ có được ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh; và nếu họ biết kiên trì cho đến cùng thì họ sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng và sẽ được cứu vào vương quốc vĩnh viễn của Chiên Con” (1 Nê Phi 13:37).

Chúng ta có thể vui hưởng ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh qua phương pháp tột bậc nào? Đó là quyền năng có được do việc làm môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài và đồng bào của mình. Chính Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã định ra mẫu mực yêu thương khi Ngài dạy chúng ta: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley xác nhận nguyên tắc này khi ông nói: “Việc yêu mến Chúa không phải chỉ là lời khuyên bảo; không phải chỉ là một thiện chí. Mà đó là một lệnh truyền. … Tình yêu thương của Thượng Đế là nguồn gốc của tất cả đức hạnh, thiện lành, sức mạnh của cá tính và tính trung thực để làm điều đúng” (“Words of the Living Prophet,” Liahona, tháng Mười Hai năm 1996, 8).

Kế hoạch của Đức Chúa Cha là nhằm mục đích thiết kế mẫu mực của gia đình để giúp chúng ta học hỏi, áp dụng và hiểu được quyền năng của tình yêu thương. Vào cái ngày chúng tôi lập gia đình, người vợ yêu quý của tôi là Ann và tôi đi đến đền thờ và bước vào giao ước hôn nhân. Tôi đã nghĩ rằng tôi yêu nàng biết bao vào ngày đó, nhưng tôi chỉ mới bắt đầu hiểu được tình yêu. Khi mỗi đứa con và mỗi đứa cháu bước vào cuộc sống của chúng tôi, thì tình yêu của chúng tôi nới rộng để yêu thương chúng đồng đều và trọn vẹn. Dường như không có giới hạn cho khả năng yêu thương phát triển.

Cảm nghĩ yêu thương từ Cha Thiên Thượng cũng giống như sức hút của trọng lực từ thiên thượng. Khi chúng ta loại bỏ những điều xao lãng lôi kéo chúng ta hướng đến thế gian và sử dụng quyền tự quyết của mình để tìm kiếm Ngài, thì chúng ta đã mở lòng mình cho một sức mạnh thiên thượng để kéo chúng ta hướng về Ngài. Nê Phi đã mô tả ảnh hưởng của điều này là “đến đỗi tôi cảm thấy da thịt [ông] hầu như bị tan biến” (2 Nê Phi 4:21). Cũng quyền năng yêu thương này đã làm cho An Ma cất tiếng hát “một bài ca về tình yêu cứu chuộc” (An Ma 5:26; xin xem thêm câu 9). Điều đó đã cảm động lòng Mặc Môn đến nỗi ông đã khuyên chúng ta “hãy cầu nguyện … với tất cả mãnh lực của lòng mình, để [chúng ta] được tràn đầy tình thương [của] Ngài (Mô Rô Ni 7:48).

Cả thánh thư hiện đại lẫn cổ xưa đều ghi đầy những lời nhắc nhở về tình yêu thương vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Tôi tin rằng cánh tay của Cha Thiên Thượng liên tục ang ra, luôn luôn sẵn sàng ôm mỗi người chúng ta và nói với mỗi người bằng tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng xuyên thấu: “Ta yêu thương ngươi.”

Nhờ vào khuôn mẫu gia đình đã được thiên thượng thiết kế, nên chúng ta hiểu được trọn vẹn hơn rằng Cha Thiên Thượng thật sự yêu thương mỗi người chúng ta đồng đều và trọn vẹn như thế nào. Tôi làm chứng rằng điều này là có thật. Thượng Đế quả thật biết và yêu thương chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta một sự hiểu biết về chốn thánh của Ngài cũng như kêu gọi các vị tiên tri và sứ đồ giảng dạy các nguyên tắc và mẫu mực mà sẽ mang chúng ta trở về với Ngài. Khi cố gắng khơi dậy ước muốn để biết từ bản thân mình và từ những người khác và khi sống theo khuôn mẫu mà chúng ta khám phá ra, thì chúng ta sẽ được thu hút đến với Ngài. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Gương Mẫu và Đấng Cứu Chuộc yêu dấu của chúng ta, tôi nói điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.