2010–2019
Để Có Thể Tìm Ra Người Thất Lạc
Tháng tư 2012


Để Có Thể Tìm Ra Người Thất Lạc

Khi các anh chị em cố gắng sống theo phúc âm và giáo lý của Đấng Ky Tô thì Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn các anh chị em và gia đình các anh chị em.

Thưa các anh chị em, theo như thánh thư thì Liahona là “một quả cầu chế tạo rất tinh vi” có hai cây kim, một trong hai cây kim đó chỉ phương hướng mà gia đình của Tổ Phụ Lê Hi phải đi vào vùng hoang dã (1 Nê Phi 16:10).

Tôi nghĩ rằng tôi biết tại sao Lê Hi đã vô cùng sửng sốt khi lần đầu tiên ông nhìn thấy quả cầu đó vì tôi nhớ phản ứng lần đầu tiên của tôi khi thấy một cái máy GPS (hệ thống định vị toàn cầu). Trong tâm trí tôi, đó là một thiết bị hiện đại “chế tạo rất tinh vi.” Bằng cách nào đó, về phương diện nào đó, tôi còn không thể tưởng tượng ra được thiết bị nhỏ bé này nằm ngay trong điện thoại của tôi, lại có thể xác định chính xác tôi đang ở đâu và cho tôi biết chính xác cách đi đến nơi tôi muốn đi.

Đối với vợ tôi là Barbara và tôi thì máy GPS là một phước lành. Đối với Barbara, điều ấy có nghĩa là bà không cần phải bảo tôi dừng lại để hỏi đường nữa; và đối với tôi, điều ấy có nghĩa là tôi có thể đúng khi nói: “Tôi không cần phải hỏi ai cả. Tôi biết chính xác mình đang đi đâu.”

Giờ đây, thưa các anh chị em, chúng ta có sẵn một công cụ còn đặc biệt hơn nhiều so với cái máy GPS tinh vi nhất. Mỗi người đánh mất con đường của mình vào một thời điểm nào đó, tới một mức độ nào đó. Chính là qua những thúc giục của Đức Thánh Linh mà chúng ta có thể được mang trở lại con đường đúng một cách an toàn; và chính là sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi mà chúng ta có thể trở về nhà.

Việc bị thất lạc có thể áp dụng cho toàn thể xã hội cũng như cho cá nhân. Ngày nay, chúng ta sống trong một thời kỳ mà nhiều điều của thế gian này trở thành hoang mang, nhất là những điều liên quan đến các giá trị và những điều ưu tiên bên trong nhà chúng ta.

Cách đây một trăm năm, Chủ Tịch Joseph F. Smith đã trực tiếp liên kết hạnh phúc với gia đình và khuyên nhủ chúng ta nên tập trung các nỗ lực của mình vào đó. Ông nói: “Nếu tách rời khỏi mái gia đình, thì hạnh phúc thực không thể có được … Nếu không có sự phục vụ, thì sẽ không có hạnh phúc và không có sự phục vụ nào lớn hơn sự phục vụ mà biến đổi mái gia đình thành một tổ chức thiêng liêng nhằm mục đích thúc đẩy và bảo tồn cuộc sống gia đình. … Mái gia đình chính là nơi cần được cải thiện” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph F. Smith [1998], 382, 384).

Mái gia đình của chúng ta mới chính là nơi cần được cải thiện trong thế giới càng ngày càng thiên về vật chất. Một ví dụ đầy sửng sốt là càng ngày càng có nhiều người coi thường hôn nhân ở Hoa Kỳ này. Đầu năm nay, báo New York Times tường trình rằng “tỉ lệ trẻ em sinh ra từ các phụ nữ không kết hôn đã lên đến một cực điểm mới: hơn nửa số trẻ em sinh ra từ các phụ nữ Mỹ dưới 30 tuổi là ở bên ngoài hôn nhân” (Jason DeParle and Sabrina Tavernise, “Unwed Mothers Now a Majority Before Age of 30,” New York Times, ngày 18 tháng Hai năm 2012, A1).

Chúng ta cũng biết rằng, trong số những cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ đã thật sự kết hôn thì gần một nửa là ly dị. Ngay cả những người vẫn còn kết hôn thường quên cách củng cố hôn nhân bằng cách để cho những điều khác xen vào mối quan hệ gia đình của họ.

Điều đáng lo ngại không kém là khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu với người nghèo cũng như giữa những người cố gắng gìn giữ những giá trị của gia đình và điều họ cam kết với những người đã bỏ không còn làm điều đó nữa. Theo thống kê, những người ít học thức và do đó có thu nhập thấp hơn thì có lẽ ít kết hôn cũng như ít đi nhà thờ hơn và có lẽ dính líu đến tội ác và có con cái bên ngoài vòng hôn nhân nhiều hơn. Và ở những nơi khác trên thế giới cũng đang có những khuynh hướng rắc rối này. (Xin xem W. Bradford Wilcox and others, “No Money, No Honey, No Church: The Deinstitutionalization of Religious Life among the White Working Class,” có sẵn tại www.virginia.edu/marriageproject/pdfs/Religion_WorkingPaper.pdf.)

Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, sự thịnh vượng và học vấn dường như liên kết với việc có được giá trị và truyền thống gia đình cao hơn.

Dĩ nhiên, câu hỏi thật sự là về nguyên nhânhậu quả. Một số thành phần trong xã hội chúng ta có các giá trị và gia đình vững mạnh hơn là họ có học thức và thịnh vượng hơn, hay là họ có học thức và được thịnh vượng hơn nhờ có các giá trị và gia đình vững mạnh? Trong Giáo Hội toàn cầu này, chúng ta biết rằng chính là câu hỏi thứ hai mới là đúng. Khi người ta lập những cam kết về gia đình và tôn giáo với các nguyên tắc phúc âm, thì họ bắt đầu sống tốt hơn về phần thuộc linh và thường cũng là về phần vật chất nữa.

Và dĩ nhiên, các xã hội nói chung được củng cố khi gia đình phát triển mạnh hơn. Những cam kết về gia đình và những giá trị là nguyên nhân cơ bản. Hầu như mọi điều khác đều là hậu quả. Khi một cặp vợ chồng kết hôn và lập giao ước với nhau, thì họ gia tăng cơ hội để được an lạc về mặt kinh tế. Khi con cái được sinh ra trong vòng hôn nhân và có đầy đủ cha mẹ thì cơ hội và khả năng nghề nghiệp thành công tăng vọt. Và khi gia đình cùng làm việc và chơi đùa chung với nhau, thì láng giềng và cộng đồng phát triển, kinh tế gia tăng, và ít cần đến các chương trình tốn kém tiền bạc của chính phủ để giúp đỡ.

Vậy thì tin buồn là vấn đề gia đình đổ vỡ là nguyên nhân của vô số các vấn đề về kinh tế và xã hội. Nhưng tin mừng là, giống như bất cứ nguyên nhân và hậu quả nào, những vấn đề đó có thể được đảo ngược lại nếu nguyên nhân gây ra những vấn đề đó được thay đổi. Sự bất chính được giải quyết bằng cách sống theo các nguyên tắc và giá trị đúng. Thưa các anh chị em, nguyên nhân quan trọng nhất của chúng ta suốt đời là gia đình chúng ta. Nếu chịu tự dâng hiến mình cho nguyên nhân này thì chúng ta sẽ cải thiện mọi khía cạnh khác của cuộc sống mình và sẽ trở thành một tấm gương và một ngọn hải đăng cho tất cả những người trên thế gian, với tính cách là một dân tộc và một Giáo Hội.

Nhưng điều này không phải là dễ dàng trên thế gian nơi mà lòng người xoay theo nhiều hướng và toàn thể hành tinh dường như di chuyển cũng như thay đổi liên tục với một tốc độ chưa bao giờ tưởng tượng nổi từ trước đến nay. Không có điều gì vẫn bất biến lâu dài cả. Các phong cách, chiều hướng, thời trang, quan điểm đúng về chính trị, và ngay cả những nhận thức về điều đúng và điều sai cũng thay đổi. Như tiên tri Ê Sai đã tiên đoán, điều dữ được gọi là lành và điều lành bị gọi là dữ (xin xem Ê Sai 5:20).

Khoảng cách giữa điều thiện và điều ác càng trở nên sâu hơn khi điều ác trở thành điều lừa đảo tinh vi hơn và kéo người ta về phía nó giống như một thỏi nam châm đen tối—cũng giống như phúc âm của lẽ thật và ánh sáng thu hút những người có tấm lòng chân thật và người đáng kính trên thế gian đang tìm kiếm điều đạo đức và tốt lành.

Con số của chúng ta có thể tương đối nhỏ, nhưng với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội này, chúng ta có thể vươn tay ngang qua những khoảng cách ngày càng xa này. Chúng ta biết về quyền năng của sự phục vụ đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm, đó là sự phục vụ mang các con cái của Thượng Đế cùng đến với nhau bất kể tình trạng thuộc linh hay kinh tế của họ là gì. Cách đây một năm, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã mời chúng ta tham gia vào một ngày phục vụ nhân dịp kỷ niệm 75 năm chương trình an sinh để giúp những người khác trở nên tự túc hơn. Hằng triệu giờ phục vụ đã được các tín hữu của chúng ta trên khắp thế giới đóng góp.

Giáo Hội là một nơi ẩn náu an toàn trong cơn bão biển dữ dội này, một nơi trú ẩn trong đại dương đang nổi cơn sóng thay đổi và chia rẽ, và một ngọn hải đăng cho những người quý trọng và tìm kiếm điều ngay chính. Chúa sử dụng Giáo Hội này làm một công cụ để lôi kéo con cái của Ngài trên khắp thế gian hướng đến sự bảo vệ của phúc âm Ngài.

Tinh thần của Ê Li, không có giới hạn, cũng là một quyền năng lớn lao trong các mục đích của Chúa dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài. Trong những lời của Ma La Chi, Đức Thánh Linh “sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha” (Ma La Chi 4:6).

Giáo Hội tiêu biểu cho lòng trở lại và là chất xúc tác cho điều tốt lành trên thế gian. Trong số các tín hữu của Giáo Hội kết hôn trong đền thờ và thường xuyên tham dự các buổi họp ngày Chủ Nhật, thì tỷ lệ ly dị ít hơn tỷ lệ của những người khác trên thế giới một cách đáng kể, và các gia đình này vẫn gần gũi nhau hơn cũng như truyền đạt với nhau thường xuyên hơn. Sức khỏe trong gia đình chúng ta tốt hơn, và chúng ta sống lâu hơn một vài năm so với dân cư trung bình. Chúng ta đóng góp tài chính nhiều hơn và sự phục vụ theo đầu người nhiều hơn đối với những người hoạn nạn, và có lẽ chúng ta tìm kiếm học vấn cao hơn. Tôi nêu lên những điều này không phải là để khoe khoang mà để làm chứng rằng cuộc sống sẽ tốt hơn (và hạnh phúc hơn) khi tấm lòng chúng ta hướng đến gia đình và khi gia đình sống trong ánh sáng phúc âm của Đấng Ky Tô.

Vậy thì chúng ta có thể làm gì để không bị thất lạc? Trước hết, tôi xin đề nghị rằng chúng ta phải đặt ưu tiên. Hãy đặt mọi điều các anh chị em làm ở bên ngoài nhà phải tuân phục và hỗ trợ điều xảy ra ở bên trong nhà mình. Hãy nhớ lời khuyên dạy của Chủ Tịch Harold B. Lee rằng “công việc quan trọng nhất các anh chị em sẽ làm là ở bên trong nhà của mình” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 134) và lời nói bất hủ của Chủ Tịch David O. McKay: “Không có thành công nào có thể đền bù cho thất bại trong nhà” (trích dẫn từ J. E. McCulloch, Home: The Savior of Civilization [1924], 42; trong Conference Report, tháng Tư năm 1935, 116).

Hãy tổ chức cuộc sống cá nhân của mình để có đủ thời giờ dành cho sự cầu nguyện, đọc thánh thư và sinh hoạt gia đình. Hãy giao trách nhiệm cho con cái của các anh chị em trong nhà là những điều sẽ dạy chúng cách làm việc. Hãy dạy chúng rằng việc sống theo phúc âm sẽ bảo vệ chúng khỏi những điều bẩn thỉu, bừa bãi và bạo động của mạng Internet, phương tiện truyền thông, và các trò chơi video. Chúng sẽ không bị thất lạc, và sẽ được chuẩn bị để đảm nhận trách nhiệm khi chúng được giao phó.

Thứ hai, chúng ta cần phải làm theo đúng thứ tự! Kết hôn trước hết rồi mới đến gia đình. Quá nhiều người trên thế gian đã quên đi thứ tự thích đáng của những sự việc và nghĩ rằng họ có thể thay đổi hoặc thậm chí còn đảo ngược thứ tự đó nữa. Hãy loại bỏ bất cứ nỗi sợ hãi nào của các anh chị em bằng đức tin. Hãy tin cậy quyền năng của Thượng Đế để hướng dẫn các anh chị em.

Đối với các em chưa kết hôn, hãy chú ý cẩn thận trong việc tìm ra người bạn đời vĩnh cửu của mình. Các em thiếu niên, hãy nhớ một điều khác nữa mà Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: “Cuộc sống độc thân … [mang đến] cho tâm trí nông cạn ý nghĩ rằng cuộc sống đó đáng ước ao vì [nó mang] theo trách nhiệm tối thiểu. Lỗi thật sự là thuộc về các thanh niên. Tuổi trẻ buông thả của họ dẫn dắt họ ra khỏi con đường bổn phận và trách nhiệm. … Các chị em phụ nữ là nạn nhân … (và) sẽ kết hôn nếu có thể được, và vui lòng chấp nhận các trách nhiệm của cuộc sống gia đình.” (Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 [1939], 281).

Và đối với các em là các thiếu nữ, tôi xin nói thêm rằng các em cũng không được quên trách nhiệm này. Không có một nghề nghiệp nào có thể làm cho các em cảm thấy mãn nguyện hơn việc nuôi nấng một gia đình. Và khi đến tuổi của tôi, các em sẽ càng nhận ra điều này hơn.”

Thứ ba, các cặp vợ chồng, các anh chị em cần phải là những người cộng sự bình đẳng trong hôn nhân của mình. Hãy thường xuyên đọc và hiểu bản tuyên ngôn về gia đình rồi tuân theo bản tuyên ngôn đó. Hãy tránh mọi hình thức thống trị một cách bất công. Không một ai sở hữu người phối ngẫu hay con cái cả. Thượng Đế là Đức Chúa Cha của tất cả chúng ta và đã ban cho chúng ta đặc ân có được gia đình riêng của mình mà trước đây chỉ thuộc về Ngài, để giúp chúng ta trở thành giống như Ngài hơn. Là con cái của Ngài, chúng ta cần phải học từ ở nhà cách yêu mến Thượng Đế và biết được rằng chúng ta có thể cầu xin Ngài ban cho sự giúp đỡ mình cần. Mọi người, cho dù đã kết hôn hay còn độc thân, có thể được hạnh phúc và thông cảm ở trong bất cứ gia đình nào mà các anh chị em có thể có.

Và cuối cùng, hãy sử dụng các tài liệu về gia đình của Giáo Hội. Khi nuôi dạy con cái, gia đình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ tiểu giáo khu. Hãy hỗ trợ và cùng làm việc với các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ cũng như tận dụng các chương trình của Giáo Hội dành cho giới trẻ và gia đình. Hãy nhớ tới các câu nói sâu sắc khác của Chủ Tịch Lee—rằng Giáo Hội là cái giàn giáo để chúng ta xây đắp gia đình vĩnh cửu trên đó. (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 148).

Giờ đây, nếu vì một lý do nào đó, bản thân các anh chị em hay một gia đình đã bị thất lạc, thì các anh chị em chỉ cần áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi từ Lu Ca chương 15 để sửa đổi hướng đi của mình. Trong đó, Đấng Cứu Rỗi cho biết về nỗ lực của một người chăn đi kiếm chiên bị thất lạc của mình, một người đàn bà đi tìm đồng tiền mất và về sự chào đón đã được đứa con trai hoang phí tiếp nhận khi trở về nhà. Tại sao Chúa Giê Su dạy những ngụ ngôn này? Ngài muốn chúng ta biết rằng không một ai trong chúng ta sẽ bị thất lạc đến nỗi không thể tìm ra con đường một lần nữa qua Sự Chuộc Tội và những lời giảng dạy của Ngài.

Khi các anh chị em cố gắng sống theo phúc âm và giáo lý của Đấng Ky Tô thì Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn các anh chị em và gia đình các anh chị em. Các anh chị em sẽ có một hệ thống định vị thuộc linh GPS để luôn luôn biết được mình đang ở đâu và sẽ đi đâu. Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Chuộc phục sinh của nhân loại yêu thương tất cả chúng ta, và Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta chịu noi theo Ngài, thì Ngài sẽ dẫn chúng ta trở lại an toàn nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng, tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.