2010–2019
Cuộc Đua trong Đời
Tháng tư 2012


Cuộc Đua trong Đời

Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Chúng ta đi đâu sau cuộc sống này? Có những giải đáp cho những câu hỏi phổ biến này.

Các anh chị em thân mến, buổi sáng hôm nay tôi muốn được ngỏ lời cùng các anh chị em về các lẽ thật vĩnh cửu—các lẽ thật đó sẽ làm phong phú cuộc sống của chúng ta và mang chúng ta về nhà an toàn.

Ở khắp mọi nơi mọi người đều đang vội vã. Máy bay phản lực tốc độ cao vận chuyển nhanh chóng khách quý xuyên qua lục địa và đại dương rộng lớn để tham dự các buổi họp kinh doanh, chu toàn bổn phận của họ, vui hưởng chuyến đi nghỉ mát, hay thăm gia đình. Các nẻo đường khắp mọi nơi—kể cả xa lộ, siêu xa lộ, và đường cao tốc—chịu đựng hằng triệu chiếc xe hơi, chở hằng triệu người, với một lưu lượng xe cộ bất tận và nhiều lý do khác nhau trong khi chúng ta vội vã với công việc mỗi ngày.

Trong nhịp độ quay cuồng của cuộc sống này, chúng ta có bao giờ ngừng lại trong giây lát để suy ngẫm—thậm chí còn suy nghĩ về lẽ thật bất tận không?

Khi được so sánh với những lẽ thật vĩnh cửu, thì hầu hết các câu hỏi và mối quan tâm về cuộc sống hằng ngày thật sự rất tầm thường. Chúng ta nên ăn món gì tối nay? Chúng ta nên sơn phòng khách màu gì? Chúng ta có nên ghi danh cho Bé Nam chơi đá bóng không? Những câu hỏi và vô số các câu hỏi khác giống như vậy mất đi ý nghĩa đáng kể khi cơn khủng hoảng xảy đến, khi những người thân bị đau đớn hay tổn thương, khi bệnh hoạn đến với gia đình, khi mạng sống bị đe dọa và cái chết luẩn quẩn đâu đây. Ý nghĩ của chúng ta trở nên tập trung, và chúng ta dễ dàng quyết định điều gì thật sự quan trọng và điều gì hoàn toàn không đáng kể.

Mới đây, tôi có đi thăm một người phụ nữ đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo trong suốt hơn hai năm qua. Bà cho biết rằng trước khi bị bệnh, hàng ngày bà bận rộn với những công việc như dọn dẹp nhà cửa đến mức thật hoàn hảo và sắp xếp những đồ đạc xinh đẹp đầy căn nhà của mình. Bà đi làm tóc hai lần một tuần và mỗi tháng tiêu xài tiền bạc cũng như thời giờ để đi mua sắm quần áo. Bà rất ít khi mời các cháu của mình đến thăm vì luôn luôn lo lắng rằng những thứ mà bà xem là của cải quý báu của mình có thể bị các bàn tay nhỏ bé và không cẩn thận làm vỡ hoặc làm hỏng.

Và rồi bà nhận được tin sửng sốt là tính mạng của bà đang bị đe dọa và bà có thể chỉ có một thời gian rất giới hạn còn lại để sống ở đây thôi. Bà nói rằng trong giây phút bà nghe lời bác sĩ chẩn đoán, thì bà biết ngay rằng mình cần phải dành tất cả thời giờ còn lại cho gia đình, bạn bè và cho phúc âm, đó chính là trọng tâm của cuộc sống của bà, vì những điều này tượng trưng cho những gì quý báu nhất đối với bà.

Những lúc được trở nên sáng suốt như vậy đến với tất cả chúng ta lúc này hay lúc khác, mặc dù có lẽ không phải lúc nào cũng qua một hoàn cảnh bi thảm như vậy. Chúng ta thấy rõ ràng điều gì thật sự quan trọng trong cuộc sống của mình và cách chúng ta phải sống theo.

Đấng Cứu Rỗi phán:

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;

“Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;

“Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”1

Trong lúc suy ngẫm nhiều nhất hoặc lúc khó khăn nhất, thì tâm hồn con người hướng đến thiên thượng, tìm kiếm một lời giải đáp thiêng liêng cho những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống: Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Chúng ta sẽ đi đâu sau khi rời cuộc sống này?

Những câu giải đáp cho những câu hỏi này không phải được khám phá ra bên trong các trang sách giáo khoa của trường đại học, hoặc bằng cách tìm kiếm trên mạng Internet. Những câu hỏi này vượt quá sự hiểu biết của người trần thế, và gồm có sự hiểu biết về thời vĩnh cửu.

Chúng ta từ đâu đến? Câu hỏi này chắc chắn là đã được mỗi người trần thế nghĩ tới, mà không nói ra.

Sứ Đồ Phao Lô nói với người A Thên trên A Rê Ô Ba rằng “chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời.”2 Vì chúng ta biết rằng thể xác của mình là dòng dõi của cha mẹ trần thế, nên chúng ta cần phải tìm kiếm ý nghĩa của câu nói của Phao Lô. Chúa đã phán rằng “linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người.”3 Do đó, linh hồn chính là dòng dõi của Thượng Đế. Tác giả sách Hê Bơ Rơ đã ám chỉ Ngài là “Cha về phần hồn.”4 Linh hồn của tất cả mọi người đều thật sự là “con trai và con gái của Thượng Đế sinh ra.”5

Để suy ngẫm về đề tài này, chúng ta thấy rằng các thi sĩ có cảm hứng đều đã viết ra những sứ điệp đầy soi dẫn và ghi lại những ý tưởng siêu việt. William Wordsworth đã viết về lẽ thật:

Sự ra đời của chúng ta giống như giấc ngủ quên;

Linh hồn chúng ta có vào lúc sinh ra giống như một vì sao,

Đã tồn tại từ lâu trước khi chúng ta sinh ra trên trần thế,

Và đến từ rất xa:

Chúng ta không hoàn toàn quên hết,

Và không phải là không được chuẩn bị kỹ,

Vì mỗi chúng ta được sinh ra với một phần thiên tính bên trong mình

Từ Thượng Đế, là nhà của chúng ta:

Khi mới sinh ra, chúng ta vẫn còn liên kết với thiên thượng!6

Các bậc cha mẹ suy ngẫm về trách nhiệm giảng dạy, soi dẫn và đưa ra sự hướng dẫn, chỉ dẫn và làm gương. Và trong khi cha mẹ suy ngẫm, thì con cái—đặc biệt là giới trẻ—đặt ra câu hỏi quan trọng này: “tại sao chúng ta có mặt ở đây?” Thường thường, câu hỏi này được âm thầm nói với tâm hồn như sau: “tại sao tôi ở đây?”

Chúng ta biết ơn biết bao về một Đấng Sáng Tạo thông sáng đã tạo lập thế gian và đặt chúng ta ở nơi đây với một bức màn che để làm cho chúng ta quên đi cuộc sống trước đây của mình, để có thể trải qua một thời gian thử thách, một cơ hội để tự chứng tỏ, để được hội đủ điều kiện cho tất cả những gì Thượng Đế đã chuẩn bị cho chúng ta tiếp nhận.

Hiển nhiên, một mục đích chính yếu của cuộc sống chúng ta trên thế gian là nhằm mục đích nhận được một thể xác bằng xương bằng thịt. Chúng ta cũng được ban cho ân tứ về quyền tự quyết. Trong hằng ngàn cách, chúng ta được đặc ân để tự chọn lựa cho mình. Ở đây, chúng ta học hỏi được từ những đòi hỏi khó khăn của kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta phân biệt điều thiện với điều ác. Chúng ta phân biệt điều cay đắng với điều ngọt ngào. Chúng ta khám phá ra rằng có những hậu quả kèm theo các hành động của mình.

Qua việc tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, chúng ta có thể hội đủ điều kiện được vào “căn nhà” mà đã được Chúa Giê Su nói đến khi Ngài phán: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; … ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ … hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”7

Mặc dù chúng ta được sinh ra “với một phần thiên tính bên trong mình,” cuộc sống vẫn không ngừng tiếp diễn. Tuổi trẻ tiếp theo sau thời thơ ấu, và tuổi trưởng thành dần dần đến ít ai nhận thấy được. Từ kinh nghiệm chúng ta học được rằng rất cần thiết phải vươn tay lên thiên thượng để có được sự giúp đỡ trong cuộc sống của mình.

Thượng Đế, Cha của chúng ta, và Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa của chúng ta, đã đánh dấu con đường dẫn đến sự toàn thiện. Hai Ngài ra hiệu mời gọi chúng ta tuân theo các lẽ thật vĩnh cửu và trở nên hoàn hảo như hai Ngài đã hoàn hảo.8

Sứ Đồ Phao Lô đã so sánh cuộc đời với một cuộc đua. Ông khuyến khích những người Hê Bơ Rơ: “Chúng ta cũng nên quăng hết … tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta.”9

Với tinh thần nhiệt tâm, chúng ta đừng bỏ qua lời khuyên dạy khôn ngoan từ sách Truyền Đạo: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận.”10 Thật ra, giải thưởng thuộc vào người nào chịu đựng đến cùng.

Khi suy ngẫm về cuộc đua trong đời, tôi nhớ đến một kiểu đua khác, chính là từ những ngày thơ ấu. Mấy đứa bạn của tôi và tôi thường mang theo dao nhíp và làm những chiếc tàu nhỏ đồ chơi từ gỗ mềm của cây dương liễu. Với cánh buồm hình tam giác bằng bông gòn gắn vào mỗi chiếc tàu, mỗi đứa sẽ đẩy chiếc tàu đơn sơ của mình vào dòng nước Sông Provo ở Utah đang chảy xiết. Chúng tôi thường chạy dọc theo bờ sông và nhìn theo các chiếc tàu nhỏ bé đôi khi nhấp nhô trôi nhanh trên dòng nước chảy xiết và vào những lúc khác thì thong thả trôi đi trên dòng nước sâu.

Trong một cuộc đua đặc biệt, chúng tôi thấy rằng một chiếc tàu dẫn tất cả những chiếc khác hướng đến đích đã định. Đột nhiên, dòng nước mang tàu đến quá gần vực xoáy nước lớn, và chiếc tàu nghiêng qua một bên rồi bị lật. Tàu xoay vòng quanh, không thể trở lại dòng nước chính. Cuối cùng, tàu dừng lại một cách khó khăn ở giữa những vật trôi giạt vây quanh tàu, đám rong rêu xanh nhanh chóng bám lấy tàu.

Những chiếc tàu đồ chơi thời thơ ấu của chúng tôi không có cấu trúc khung tàu vững vàng, không có bánh lái để định hướng đi, và không có nguồn điện. Hiển nhiên, đích của chúng là vùng hạ lưu—là con đường dễ nhất.

Không giống như những chiếc tàu bằng đồ chơi, chúng ta đã được ban cho những thuộc tính thiêng liêng để hướng dẫn cuộc hành trình của mình. Chúng ta bước vào cuộc sống trần thế không phải để trôi nổi với dòng đời đang chuyển động mà với khả năng để suy nghĩ, suy luận và hoàn thành.

Cha Thiên Thượng đã không đặt chúng ta vào cuộc hành trình vĩnh cửu mà không ban cho các phương tiện nhờ đó chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn của Ngài để bảo đảm cho chuyến trở lại an toàn của chúng ta. Tôi nói về sự cầu nguyện. Tôi cũng nói về những lời mách bảo từ tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái đó; và tôi không quên các thánh thư chứa đựng lời của Chúa và những lời của các vị tiên tri—được ban cho chúng ta để giúp chúng ta đạt đến đích một cách thành công.

Vào một thời kỳ nào đó trong cuộc sống trần thế của chúng ta, sẽ có bước đi loạng choạng, nụ cười yếu ớt, cơn bệnh hoạn—chính là giai đoạn cuối của mùa hè, mùa thu sắp tới, giá lạnh của mùa đông, và kinh nghiệm mà chúng ta gọi là cái chết.

Mỗi người biết suy nghĩ đều tự hỏi câu hỏi hay nhất đã được Gióp thời xưa đặt ra: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”11 Cho dù chúng ta có thể cố gắng để gạt câu hỏi đó ra khỏi ý nghĩ của mình thì nó vẫn luôn luôn trở lại. Cái chết đến với tất cả nhân loại. Nó đến với người già cả khi họ bước đi trên đôi chân loạng choạng. Nó mời gọi những người mới vừa đến tuổi trung niên. Đôi khi, nó thường làm tắt tiếng cười của trẻ thơ.

Nhưng điều gì xảy ra sau khi chết? Chết là hết hay sao? Trong quyển sách God and My Neighbor (Thượng Đế và Người Láng Giềng của Tôi), Robert Blatchford đã tấn công mãnh liệt những tín ngưỡng Ky Tô giáo đã được chấp nhận chẳng hạn như Thượng Đế, Đấng Ky Tô, sự cầu nguyện, và nhất là sự bất diệt. Ông đã táo bạo quả quyết rằng cái chết là đoạn kết của cuộc đời chúng ta và không có một người nào có thể chứng minh khác được. Rồi một điều ngạc nhiên xảy ra. Bức tường hoài nghi của ông bất ngờ sụp đổ thành bụi đất. Ông cảm thấy bơ vơ và không được bảo vệ. Dần dần, ông bắt đầu cảm thấy con đường trở lại với đức tin là điều ông đã chế nhạo và từ bỏ. Điều gì đã thay đổi quan điểm của ông một cách sâu sắc như vậy? Vợ ông qua đời. Với tấm lòng đau khổ, ông đi vào phòng nơi đặt thi hài của bà. Ông nhìn lần nữa vào gương mặt mà ông đã yêu vô cùng. Khi đi ra, ông nói với một người bạn: “Chính là vợ tôi đó, tuy nhiên cũng không phải là nàng. Mọi việc đều thay đổi. Một điều gì đó có ở đó trước đây bây giờ đã bị cất đi rồi. Vợ tôi không còn như trước nữa. Điều gì có thể đã rời đi rồi nếu không phải là linh hồn?”

Về sau ông viết: “Cái chết không phải là điều mà một số người tưởng tượng. Nó chỉ giống như đi vào một căn phòng khác. Trong căn phòng đó chúng ta sẽ tìm ra … những người phụ nữ và đàn ông cùng trẻ em tuyệt vời mà chúng ta đã yêu thương và đã mất.”12

Thưa các anh chị em, chúng ta biết rằng cái chết không phải là hết. Lẽ thật này đã được các vị tiên tri tại thế giảng dạy trong suốt các thời đại. Lẽ thật này cũng được tìm thấy trong thánh thư của chúng ta. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc những lời cụ thể và an ủi này:

“Này, còn về trạng thái của linh hồn loài người giữa cái chết và sự phục sinh—Này, cha đã được một thiên sứ cho biết rằng, linh hồn của mọi người, khi vừa rời khỏi thể xác hữu diệt này, phải, linh hồn của mọi người, dù họ là người thiện hay người ác, đều được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho mình sự sống.

“Và rồi chuyện rằng, linh hồn của những người ngay chính sẽ được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc được gọi là thiên đàng, một trạng thái an nghỉ, một trạng thái bình an, là nơi mà họ sẽ được nghỉ ngơi khỏi mọi sự phiền nhiễu, lo âu và sầu muộn.”13

Sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và xác của Ngài được đặt vào ngôi mộ trong ba ngày thì linh hồn của Ngài trở lại. Tảng đá bị lăn ra xa, và Đấng Cứu Chuộc phục sinh đã bước ra, khoác lên một thể xác bằng xương bằng thịt bất diệt.

Câu trả lời cho câu hỏi của Gióp: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” đã được ban cho khi Ma Ri và những người khác tiến đến gần ngôi mộ và thấy hai người mặc quần áo sáng rực rỡ nói với họ: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.”14

Nhờ Đấng Ky Tô chiến thắng cái chết, nên chúng ta đều sẽ được phục sinh. Đây là sự cứu chuộc về phần hồn. Phao Lô viết: “Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau.”15

Chính là vinh quang thượng thiên mà chúng ta tìm kiếm. Chính là nơi hiện diện của Thượng Đế mà chúng ta mong muốn được trú ngụ. Chính là gia đình vĩnh cửu mà chúng ta mong muốn thuộc vào. Những phước lành như vậy cần phải đạt được trong suốt một cuộc đời cố gắng, tìm kiếm, hối cải và cuối cùng thành công.

Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Chúng ta đi đâu sau cuộc sống này? Có những giải đáp cho những câu hỏi phổ biến này. Từ tận đáy tâm hồn mình và với tất cả lòng khiêm nhường, tôi làm chứng rằng những điều mà tôi vừa nói đến là có thật.

Cha Thiên Thượng hân hoan đối với những người tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Ngài cũng quan tâm đến đứa trẻ thất lạc, em thiếu niên chậm chạp, người thanh niên bướng bỉnh, người cha hay mẹ chểnh mảng. Đức Thầy dịu dàng phán cùng những người này, và thật sự cùng tất cả mọi người: “Hãy trở lại. Hãy lên đây. Hãy vào. Hãy về nhà. Hãy đến cùng ta.”

Trong một tuần nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm lễ Phục Sinh. Những ý nghĩ của chúng ta sẽ hướng đến cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi, cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài. Là nhân chứng đặc biệt của Ngài, tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng Ngài hằng sống và Ngài đang chờ cuộc trở lại đầy đắc thắng của chúng ta. Sự trở lại đó sẽ là của chúng ta, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong thánh danh của Ngài—chính là Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, A Men.