2010–2019
Tại Sao Chức Tư Tế Cần Phải Phục Vụ
Tháng tư 2012


Tại Sao Chức Tư Tế Cần Phải Phục Vụ

Việc hiểu lý do tại sao chúng ta sống theo phúc âm cũng như lý do tại sao có chức tư tế sẽ giúp chúng ta thấy được mục đích thiêng liêng của tất cả điều đó.

Tôi trân quý cơ hội tuyệt vời này được nhóm họp với các anh em của chức tư tế và cùng hân hoan với các anh em trong sự kỳ diệu và vẻ đẹp của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi có lời ngợi khen các anh em về đức tin, việc làm tốt lành và sự ngay chính bền bỉ của các anh em.

Chúng ta chia sẻ một mối ràng buộc mà trong đó chúng ta đều nhận được sự sắc phong chức tư tế của Thượng Đế từ những người đã được giao cho thẩm quyền và quyền năng chức tư tế thánh. Đây là một phước lành lớn lao. Đây là một trách nhiệm thiêng liêng.

Quyền Năng của Lý Do và Mục Đích Chúng Ta Phải Phục Vụ

Mới gần đây, tôi đã nghĩ tới hai sự kêu gọi đầy ý nghĩa tôi đã nhận được với tư cách là một người nắm giữ chức tư tế trong Giáo Hội.

Sự kêu gọi đầu tiên trong hai sự kêu gọi này đến khi tôi là một thầy trợ tế. Tôi cùng với gia đình mình tham dự chi nhánh của Giáo Hội ở Frankfurt, Đức. Chúng tôi được phước có được nhiều người tuyệt vời trong chi nhánh nhỏ bé của mình. Một trong những người đó là chủ tịch chi nhánh của chúng tôi, Anh Landschulz. Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy, mặc dù dường như ông luôn luôn nghiêm nghị, rất trịnh trọng và hầu như lúc nào cũng mặc bộ đồ vét sậm màu. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ thường nói đùa với các bạn của tôi là vị chủ tịch chi nhánh của chúng tôi không mặc đồ hợp thời trang.

Bây giờ điều đó làm cho tôi buồn cười vì giới trẻ của Giáo Hội ngày nay cũng rất có thể nhìn tôi như vậy.

Một Chủ Nhật nọ, Chủ Tịch Landschulz hỏi là ông có thể nói chuyện với tôi được không.

Chủ Tịch Landschulz mời tôi vào một phòng học nhỏ—giáo đường của chúng tôi không có văn phòng dành cho chủ tịch chi nhánh—và nơi đó ông đã kêu gọi tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế.

Ông nói: “Đây là một chức vụ quan trọng,” và rồi ông dành thời giờ ra và mô tả lý do tại sao. Ông giải thích điều ông và Chúa kỳ vọng nơi tôi cũng như cách tôi có thể được giúp đỡ như thế nào.

Tôi không nhớ hầu hết những gì ông nói nhưng tôi còn nhớ rõ mình đã cảm thấy như thế nào. Tôi đã cảm thấy Thánh Linh thiêng liêng và thánh thiện chan hòa trong lòng mình trong khi ông nói với tôi. Tôi đã có thể cảm thấy rằng đây là Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi. Và tôi cảm thấy rằng sự kêu gọi ông đưa ra đã được Đức Thánh Linh soi dẫn. Tôi nhớ đã bước ra khỏi phòng học nhỏ đó cảm thấy mình cao hơn một chút.

Đã gần 60 năm kể từ ngày đó, và tôi vẫn còn trân quý những cảm nghĩ đầy tin cậy và yêu dấu này.

Khi nghĩ lại về kinh nghiệm này, tôi đã cố gắng nhớ lại có bao nhiêu thầy trợ tế trong chi nhánh của chúng tôi vào lúc ấy. Nếu nhớ không sai thì tôi tin rằng nhóm tôi có hai thầy trợ tế. Tuy nhiên, điều này có thể là nói hơi quá.

Nhưng điều đó thật sự không quan trọng đối với tôi, cho dù một thầy trợ tế hay hơn một chục thầy trợ tế đi nữa thì tôi vẫn cảm thấy vinh dự, và tôi muốn phục vụ hết sức mình và không làm cho chủ tịch chi nhánh của tôi hay Chúa thất vọng.

Bây giờ tôi nhận thấy rằng vị chủ tịch chi nhánh ấy đã có thể đưa ra sự kêu gọi cho tôi vào chức vụ đó mà không cần phải cân nhắc nhiều. Ông đã có thể chỉ nói cho tôi biết trong hành lang hoặc trong một buổi họp chức tư tế rằng tôi là người chủ tịch mới của nhóm túc số các thầy trợ tế là cũng được rồi.

Thay vì thế, ông đã dành thời giờ ra với tôi và giúp tôi hiểu không những về chỉ định và trách nhiệm mới của tôi là gì mà còn quan trọng nhiều hơn nữa, về lý do và mục đích của sự chỉ định đó.

Đó là một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Vấn đề của câu chuyện này không phải chỉ nhằm mô tả cách đưa ra sự kêu gọi trong Giáo Hội (mặc dù đây là một bài học tuyệt diệu về cách làm đúng điều ấy). Đây là một ví dụ đối với tôi về quyền năng thúc đẩy của sự lãnh đạo chức tư tế nhằm mục đích làm sinh động tinh thần và soi dẫn hành động.

Chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ những lý do vĩnh cửu ở đằng sau những điều chúng ta được truyền lệnh phải làm. Các nguyên tắc phúc âm cơ bản cần phải hòa nhập vào với cuộc sống của chúng ta, cho dù điều đó có nghĩa là học đi và học lại nhiều lần. Điều đó không có nghĩa là tiến trình này phải trở nên máy móc hay nhàm chán. Thay vì thế, khi chúng ta giảng dạy các nguyên tắc cơ bản trong gia đình mình hay trong Giáo Hội, thì hãy để cho ngọn lửa nhiệt tình của việc sống theo phúc âm và một chứng ngôn vững mạnh cần phải mang đến sự hiểu biết, bình an và hạnh phúc cho những người chúng ta giảng dạy.

Từ thầy trợ tế mới được sắc phong đến thầy tư tế thượng phẩm lớn tuổi nhất, chúng ta đều có những bản liệt kê về điều chúng ta có thể và nên làm trong các trách nhiệm chức tư tế của mình. Những điều đó là quan trọng trong công việc của chúng ta, và chúng ta cần phải phục vụ. Nhưng chính là trong lý do và mục đích của sự phục vụ của chức tư tế mà chúng ta nhận ra lửa nhiệt tình, niềm say mê và quyền năng của chức tư tế.

Điều phải làm của sự phục vụ của chức tư tế dạy chúng ta điều phải làm. Lý do và mục đích soi dẫn tâm hồn chúng ta.

Điều phải làm cho biết cách phục vụ nhưng lý do và mục đích thay đổi sự hiểu biết về sự phục vụ.

Có Rất Nhiều Điều “Tốt” để Làm

Tôi đã suy nghĩ về một sự kêu gọi khác của chức tư tế được đưa ra cho tôi nhiều năm sau khi tôi đã có gia đình riêng. Chúng tôi dọn trở lại Frankfurt, Đức, lúc đó tôi mới vừa được thăng chức ở sở làm, công việc đòi hỏi rất nhiều thời giờ và sự chú ý của tôi. Trong thời gian bận rộn này của cuộc sống, Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã kêu gọi tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu.

Trong cuộc phỏng vấn của tôi với ông, nhiều ý nghĩ đuổi theo nhau trong tâm trí của tôi, và điều lo lắng nhất là tôi có thể không có thời giờ đòi hỏi của sự kêu gọi này. Mặc dù cảm thấy khiêm nhường và vinh dự đối với sự kêu gọi đó, nhưng tôi tự hỏi ngay là mình có thể chấp nhận hay không. Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua thôi vì tôi biết rằng Anh Cả Wirthlin được Thượng Đế kêu gọi và ông đang làm công việc của Chúa. Tôi còn có thể làm gì nữa nếu không chấp nhận?

Có những lúc chúng ta phải hành động với đức tin mặc dù không biết những hành động này đưa chúng ta đi đến đâu, tin tuởng rằng Thượng Đế sẽ đáp ứng và hướng dẫn khi chúng ta cần nếu hành động với đức tin. Và như thế tôi đã vui lòng chấp nhận vì biết rằng Thượng Đế sẽ lo liệu cho tôi.

Trong những ngày đầu của chỉ định này, chúng tôi có đặc ân với tư cách là một giáo khu được một số giảng viên và các vị lãnh đạo tài giỏi nhất trong Giáo Hội huấn luyện—những người như Anh Cả Russell M. Nelson và Chủ Tịch Thomas S. Monson đến khu vực của chúng tôi. Lời giảng dạy của họ giống như một phước lành từ thiên thượng và một sự soi dẫn cho chúng tôi. Tôi vẫn còn giữ những điều tôi ghi chép trong các phiên họp huấn luyện này. Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương này mang đến cho chúng tôi sự hiểu biết về ý nghĩa của việc thiết lập vương quốc của Thượng Đế bằng cách xây đắp chứng ngôn cá nhân và củng cố gia đình. Họ giúp chúng tôi thấy được cách áp dụng lẽ thật và các nguyên tắc phúc âm vào hoàn cảnh riêng biệt và cho thời gian cụ thể của mình. Nói cách khác, các vị lãnh đạo đầy soi dẫn đã giúp chúng tôi thấy được lý do và mục đích của phúc âm, và rồi chúng tôi xắn tay áo lên và bắt tay vào việc.

Chẳng bao lâu thì chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều điều mà một chủ tịch đoàn giáo khu có thể làm—thật ra, có nhiều điều đến nỗi nếu không đặt ra ưu tiên đã được soi dẫn thì sẽ đến lúc chúng tôi bỏ lỡ không làm những điều quan trọng. Những điều ưu tiên tranh nhau bắt đầu xảy ra khiến cho chúng tôi làm chệch hướng tập trung của mình từ sự hiểu biết đã được Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương chia sẻ. Có rất nhiều điều “tốt” để làm, nhưng không phải tất cả mọi điều tốt đó đều là quan trọng nhất để xây đắp vương quốc.

Chúng tôi học được một bài học quan trọng: nếu một điều là tốt thì không phải luôn luôn có đủ lý do để đòi hỏi thời giờ và phương tiện của chúng ta. Những sinh hoạt, sáng kiến, và kế hoạch của chúng ta cần phải được soi dẫn và dựa vào những lý do và mục đích cơ bản về sự phục vụ chức tư tế. Nếu không, thì những điều đó có thể làm xao lãng các nỗ lực, làm suy yếu nghị lực của chúng ta và làm cho chúng ta tập trung thái quá vào những sở thích thuộc linh hay vật chất của mình, mà không phải là trọng tâm của vai trò môn đồ của chúng ta.

Thưa các anh em, chúng ta đều biết rằng cần phải có kỷ luật tự giác để luôn luôn tập trung vào những điều mà có quyền năng lớn lao nhất nhằm gia tăng tình yêu mến của mình đối với Thượng Đế và đồng bào, củng cố hôn nhân và gia đình cùng xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Giống như một cái cây ăn trái với nhiều cành và lá, chúng ta cần phải thường xuyên được tỉa xén để chắc chắn rằng chúng ta sử dụng nghị lực và thời giờ nhằm đạt được mục đích thật sự của mình—để “sinh ra những công việc tốt lành”!1

Các Anh Em Không Đơn Độc Một Mình

Vậy thì làm thế nào chúng ta biết phải chọn ra điều gì? Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm để quyết định điều này cho bản thân mình. Tuy nhiên, chúng ta được truyền lệnh phải siêng năng học thánh thư, lưu tâm đến lời nói của các vị tiên tri, và làm cho điều này thành một lời cầu nguyện với đức tin, nghiêm chỉnh và chân thành.

Thưa các anh em, Thượng Đế sẽ trung tín trong lời hứa của Ngài. Qua Đức Thánh Linh, Ngài sẽ phán sự bình an vào tâm trí chúng ta về con đường nào chúng ta nên theo trong mỗi giai đoạn của cuộc sống.

Nếu tấm lòng của chúng ta thanh khiết—nếu không tìm kiếm vinh quang của mình mà tìm kiếm vinh quang của Thượng Đế Toàn Năng, nếu tìm cách làm theo ý Ngài, nếu mong muốn ban phước cuộc sống của gia đình và đồng bào mình—thì chúng ta sẽ không bị bỏ mặc một mình. Như Chủ Tịch Monson thường nhắc nhở chúng ta: “Khi làm công việc của Chúa thì chúng ta được quyền nhận được sự giúp đỡ của Chúa.”2

Cha Thiên Thượng của các anh chị em “sẽ ở bên mặt các [anh em] và ở bên trái các [anh em], và Thánh Linh của [Ngài] sẽ ở trong trái tim các [anh em], và các thiên sứ của [Ngài] sẽ vây quanh các [anh em] để nâng đỡ các [anh em].”3

Quyền Năng của Sự Thi Hành

Các anh em thân mến, các phước lành thiêng liêng dành cho sự phục vụ của chức tư tế là do các nỗ lực chuyên cần, sự sẵn lòng để hy sinh, và ước muốn để làm điều đúng của chúng ta tác động. Chúng ta nên hiệp một để hành động chứ đừng để cho bị tác động. Việc thuyết giảng thì tốt nhưng những bài giảng không đưa đến hành động thì giống như lửa mà không có sức nóng hay nước mà không làm hết được cơn khát.

Khi chúng ta áp dụng giáo lý thì quyền năng thánh hóa của phúc âm có một ảnh hưởng lớn lao hơn đến chúng ta và quyền năng của chức tư tế chan hòa tâm hồn chúng ta.

Thomas Edison, là người đã phát minh ra bóng đèn điện, nói rằng “một ý tưởng chỉ có giá trị khi nào được sử dụng mà thôi.”4 Trong một cách tương tự, giáo lý phúc âm trở nên quý báu hơn khi được sử dụng.

Chúng ta đừng để cho các giáo lý của chức tư tế trở nên kém tích cực trong lòng mình và không được áp dụng trong cuộc sống của chúng ta. Nếu có một hôn nhân hay gia đình cần phải được giúp đỡ—có lẽ chính là hôn nhân hay gia đình của mình—thì đừng chờ xem. Thay vì thế, hãy tạ ơn Thượng Đế về kế hoạch hạnh phúc mà gồm có đức tin, sự hối cải, tha thứ và bắt đầu lại mới. Việc áp dụng giáo lý chức tư tế sẽ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện làm chồng, làm cha và làm con trai là những người hiểu lý do và mục đích của chức tư tế và quyền năng của chức này để đoạt lại cũng như bảo đảm vẻ đẹp và thiêng liêng của gia đình vĩnh cửu.

Đại hội trung ương luôn luôn là một thời gian tốt để lắng nghe và làm theo. Do đó, chúng ta hãy “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ.”5 Thưa các anh em, tôi mời các anh em hãy cân nhắc những lời nói của các tôi tớ của Thượng Đế trong cuối tuần này. Rồi sau đó quỳ xuống. Hãy cầu xin Thượng Đế, Cha Thiên Thượng, soi sáng tâm trí và làm cảm động lòng của các anh em. Hãy khẩn cầu Thượng Đế để được hướng dẫn trong cuộc sống hằng ngày của các anh em, trong trách nhiệm của các anh em với Giáo Hội, và trong những thử thách riêng biệt của các anh em vào lúc này. Hãy tuân theo những thúc giục của Thánh Linh—đừng trì hoãn. Nếu các anh em làm tất cả những điều này, thì tôi hứa rằng Chúa sẽ không bỏ mặc các anh em phải làm một mình đâu.

Tiếp Tục Kiên Nhẫn

Chúng tôi biết rằng mặc dù với những ý định tốt nhất của chúng ta, nhưng những sự việc không phải luôn luôn xảy ra đúng theo như hoạch định. Chúng ta đều lầm lỗi trong cuộc sống và trong sự phục vụ chức tư tế của mình. Thỉnh thoảng, chúng ta vấp chân và té ngã.

Khi Chúa khuyên chúng ta phải “tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi nào [chúng ta] được toàn hảo,”6 Ngài đang thừa nhận rằng điều đó cần phải có thời giờ và lòng kiên nhẫn. Việc hiểu lý do tại sao chúng ta sống theo phúc âm cũng như lý do tại sao chức tư tế sẽ giúp chúng ta thấy được mục đích thiêng liêng của tất cả điều đó, và sẽ mang đến cho chúng ta động lực và sức mạnh để làm điều đúng cho dù rất khó. Việc luôn tập trung vào việc sống theo các nguyên tắc cơ bản của phúc âm sẽ ban phước cho chúng ta với sự minh bạch, thông sáng và hướng dẫn.

“Lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy?”7 Vâng, thưa các anh em, chúng ta sẽ tiếp tục!

Khi được Đức Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta sẽ học hỏi từ những lỗi lầm của mình. Nếu vấp ngã, chúng ta sẽ đứng dậy. Nếu chùn bước, chúng ta cũng sẽ tiếp tục đi. Chúng ta sẽ không bao giờ nao núng; chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Là một tổ chức các anh em hùng mạnh của chức tư tế trường cửu của Thượng Đế, chúng ta sẽ cùng nhau đứng vững, chen vai sát cánh, tập trung vào các nguyên tắc của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và phục vụ Thượng Đế cùng đồng bào mình với lòng biết ơn, tận tâm và tình yêu thương.

Thượng Đế Hằng Sống!

Các anh em thân mến, tôi làm chứng với các anh em ngày hôm nay rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hằng sống. Hai Ngài có thật! Hai Ngài hiện diện ở đó!

Các anh em không đơn độc một mình. Cha Thiên Thượng quan tâm đến các anh em cũng như mong muốn ban phước và giữ gìn các anh em trong sự ngay chính.

Hãy an tâm rằng Thượng Đế phán bảo cùng nhân loại trong thời kỳ chúng ta. Ngài sẽ phán bảo cùng các anh em!

Tiên Tri Joseph Smith đã nhìn thấy điều ông nhìn thấy. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi trên thế gian bởi quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế Toàn Năng.

Tôi cầu nguyện rằng với tư cách là những người mang chức tư tế của Ngài, chúng ta sẽ luôn luôn làm việc một cách hòa hợp với các lý do và mục đích của sự phục vụ chức tư tế và sử dụng các nguyên tắc cơ bản của phúc âm phục hồi để thay đổi cuộc sống của chúng ta và của những người chúng ta phục vụ.

Khi làm như vậy, quyền năng vô hạn của Sự Chuộc Tội sẽ gột sạch, thanh tẩy và cải tiến tinh thần và cá tính của chúng ta cho đến khi chúng ta trở thành con người chúng ta được dự định để trở thành. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.