2010–2019
Một Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể từ Thượng Đế
Tháng mười 2012


Một Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể từ Thượng Đế

Đức Thánh Linh hoàn toàn đoàn kết với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thực hiện nhiều vai trò quan trọng và trách nhiệm riêng biệt.

Vào năm 1994, Chủ Tịch Howard W. Hunter đã mời tất cả các tín hữu của Giáo Hội “thiết lập đền thờ … làm biểu tượng cao trọng cho vai trò tín hữu [của chúng ta].”1 Về sau cũng trong năm đó, Đền Thờ Bountiful Utah được xây cất xong. Giống như nhiều người khác, chúng tôi khao khát mang gia đình có con nhỏ đến tham quan đền thờ vào thời gian mở cửa cho công chúng vào xem trước lễ cung hiến. Chúng tôi chuyên tâm cố gắng để chuẩn bị cho con cái chúng tôi vào đền thờ, cầu nguyện khẩn thiết để chúng sẽ có một kinh nghiệm thuộc linh với mục đích làm cho đền thờ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng.

Trong khi chúng tôi nghiêm trang đi tham quan khắp đền thờ, tôi thấy mình chiêm ngưỡng công trình kiến trúc kỳ diệu, vẻ thanh thoát của tòa nhà đã hoàn tất, ánh sáng chiếu rực rỡ qua các cánh cửa sổ cao, và nhiều bức tranh đầy cảm ứng. Mỗi khía cạnh của tòa nhà thiêng liêng này quả thật là trang nhã.

Khi bước vào căn phòng thượng thiên, đột nhiên tôi nhận thấy rằng đứa con trai út sáu tuổi của tôi là Ben, đang ôm chặt lấy chân tôi. Nó dường như có vẻ lo lắng—thậm chí có lẽ đôi chút bồn chồn.

Tôi thì thầm: “Sao vậy con?”

Nó đáp: “Cha ơi, điều gì đang xảy ra ở đây vậy? Con chưa bao giờ cảm thấy như vậy cả.”

Khi nhận ra rằng đây có lẽ là lần đầu tiên, đứa con trai nhỏ của chúng tôi đã cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh mãnh liệt như vậy, tôi quỳ xuống trên sàn nhà cạnh bên nó. Trong khi các khách tham quan khác đi ngang qua chúng tôi, Ben và tôi dành ra vài phút bên nhau, cùng nhau học hỏi về Đức Thánh Linh. Tôi ngạc nhiên trước việc chúng tôi có thể thảo luận về những cảm nghĩ thiêng liêng của nó một cách dễ dàng như vậy. Trong khi chúng tôi nói chuyện, thì rõ ràng là điều soi dẫn nhất đối với Ben không phải là điều nó thấy mà là điều nó cảm nhận—không phải vẻ đẹp ở xung quanh chúng tôi mà là tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ của Thánh Linh của Thượng Đế bên trong lòng nó. Tôi chia sẻ với nó điều tôi đã biết được từ kinh nghiệm của mình, ngay cả khi nỗi kinh ngạc của tuổi thơ của nó khơi dậy nơi tôi một cảm nghĩ biết ơn mới mẻ về ân tứ không xiết kể từ Thượng Đế—ân tứ Đức Thánh Linh.2

Đức Thánh Linh Là Ai?

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, và như vậy, giống như Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài biết những ý nghĩ và ý định trong lòng chúng ta.3 Đức Thánh Linh yêu thương chúng ta và muốn chúng ta được hạnh phúc. Vì biết được những thử thách chúng ta sẽ gặp, nên Ngài có thể hướng dẫn và giảng dạy chúng ta tất cả những điều chúng ta cần phải làm để trở lại và sống với Cha Thiên Thượng một lần nữa.4

Không giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, là hai Đấng có thể xác vinh quang bằng xương và bằng thịt, Đức Thánh Linh là Đấng linh hồn truyền đạt với linh hồn của chúng ta qua những cảm nghĩ và ấn tượng.5 Vì là một linh hồn, nên Ngài có trách nhiệm duy nhất về việc làm một công cụ để sự mặc khải cá nhân được tiếp nhận qua đó. Trong thánh thư, Đức Thánh Linh thường được nói tới là Thánh Linh của Chúa, Đức Thánh Linh Hứa Hẹn, hoặc đơn giản là Thánh Linh.6

Nhiệm Vụ của Đức Thánh Linh Là Gì?

Đức Thánh Linh hoàn toàn đoàn kết với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thực hiện nhiều vai trò quan trọng và trách nhiệm riêng biệt. Mục đích chính của Đức Thánh Linh là làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô,7 và giảng dạy cho chúng ta về lẽ thật của tất cả mọi điều.8 Một sự làm chứng chắc chắn từ Đức Thánh Linh truyền đạt được nhiều điều chắc chắn hơn rất nhiều so với sự làm chứng từ bất cứ nguồn gốc nào khác. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy rằng “Thánh Linh của Thượng Đế đang phán cùng linh hồn của một người thì có quyền năng để truyền đạt lẽ thật một cách hiệu quả và sự hiểu biết sâu rộng hơn lẽ thật có thể được truyền đạt bởi sự tiếp xúc cá nhân, ngay cả với các Đấng thiên thượng.”9

Đức Thánh Linh cũng được biết là Đấng An Ủi.10 Trong những lúc rắc rối hay thất vọng hoặc thường là khi chúng ta cần biết rằng Thượng Đế đang cận kề, thì Đức Thánh Linh có thể củng cố linh hồn chúng ta, ban cho chúng ta hy vọng, và dạy cho chúng ta về “những điều bình an của vương quốc”11 giúp chúng ta cảm nhận được rằng “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết.”12

Cách đây vài năm, khi bà con thân quyến chúng tôi quy tụ lại tại một buổi ăn tối trong dịp lễ, cha tôi bắt đầu chơi trò chơi với nhiều đứa cháu của ông. Bỗng nhiên và không có một dấu hiệu báo trước nào, ông ngã quỵ xuống và đột ngột qua đời. Sự kiện bất ngờ này có thể rất là đau buồn, nhất là đối với các cháu của ông, đặt ra những câu hỏi khó trả lời. Tuy nhiên, trong khi chúng tôi tụ họp con cái mình lại, cầu nguyện và đọc những lời của các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn về mục đích của cuộc sống, thì Đức Thánh Linh đã an ủi riêng mỗi người chúng tôi. Trong những cách thức khó diễn tả bằng lời, câu trả lời chúng tôi tìm kiếm đã đến rất rõ ràng với tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy một cảm giác bình an thật sự đã vượt quá sự hiểu biết của mình vào ngày đó, vả lại sự làm chứng từ Đức Thánh Linh là chắc chắn, không thể bác bỏ được và có thật.

Đức Thánh Linh là một Đấng thầy và Đấng mặc khải.13 Khi chúng ta học hỏi, suy ngẫm và cầu nguyện về các lẽ thật phúc âm, thì Đức Thánh Linh soi sáng tâm trí chúng ta và kích thích sự hiểu biết của chúng ta.14 Ngài khiến cho lẽ thật được ghi khắc mãi mãi vào tâm hồn chúng ta và có thể khiến cho một sự thay đổi lớn lao xảy ra trong lòng chúng ta. Khi chúng ta chia sẻ những lẽ thật này với gia đình mình, với các anh chị em tín hữu của Giáo Hội, và với bạn bè và hàng xóm trong cộng đồng của mình, thì Đức Thánh Linh cũng trở thành Đấng thầy của họ, vì Ngài mang đến sứ điệp của phúc âm “vào tâm hồn con cái loài người.”15

Đức Thánh Linh soi dẫn chúng ta để tìm đến phục vụ những người khác. Đối với tôi, tấm gương mạnh mẽ nhất về việc lưu tâm đến những thúc giục của Đức Thánh Linh trong sự phục vụ những người khác đến từ cuộc sống và giáo vụ của Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông đã nói: “Trong khi thi hành các trách nhiệm của chúng tôi, tôi đã biết được rằng khi chúng ta lưu tâm đến một sự thúc giục thầm lặng và hành động ngay theo sự thúc đẩy đó, thì Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta và ban phước cho cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người khác. Tôi biết là không có một kinh nghiệm nào tuyệt diệu hoặc cảm nghĩ nào quý báu hơn việc lưu tâm đến một sự thúc giục để rồi nhận ra rằng Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện của một người khác qua các anh chị em.”16

Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm tuyệt diệu. Trong khi đang phục vụ với tư cách là giám trợ, Chủ Tịch Monson biết được rằng có một tín hữu trong tiểu giáo khu của ông là Mary Watson đang nằm trong bệnh viện. Khi đến thăm chị ấy, ông biết được rằng chị đang nằm trong một căn phòng rất rộng cùng với vài bệnh nhân khác. Khi tiến đến gần Chị Watson, ông thấy có một bệnh nhân nằm ở giường bên cạnh nhanh chóng trùm đầu mình lại.

Sau khi đã thăm Chị Watson và ban cho chị một phước lành của chức tư tế, Chủ Tịch Monson bắt tay chị, nói lời tạm biệt, và chuẩn bị ra về. Rồi một điều nhỏ nhặt nhưng kỳ diệu xảy đến. Bây giờ, tôi xin trích dẫn từ ký ức của Chủ Tịch Monson về kinh nghiệm này:

“Tôi không thể bỏ chị ấy để đi. Thể như có một bàn tay vô hình đặt lên vai tôi, và tôi cảm thấy trong tâm hồn mình rằng tôi đang nghe những lời này: ‘Hãy đi sang cái giường bên cạnh nơi có một người phụ nữ nhỏ nhắn đã che mặt lại khi ngươi bước vào.’ Tôi đã làm theo. …

“Tôi đến bên cạnh giường của người bệnh nhân đó, nhẹ nhàng vỗ vào vai chị ấy và cẩn thận kéo tấm khăn trải giường đang che mặt chị ấy. Ô kìa! Chị ấy cũng là một tín hữu trong tiểu giáo khu của tôi. Tôi không biết rằng chị ấy cũng là bệnh nhân trong bệnh viện này. Tên của chị ấy là Kathleen McKee. Khi chúng tôi nhìn nhau, chị ấy nói qua màn lệ: ‘Ôi thưa Giám Trợ, khi giám trợ bước vào cửa, tôi tưởng giám trợ đến thăm tôi và ban phước cho tôi để đáp lại lời cầu nguyện của tôi. Tôi rất đỗi vui mừng khi nghĩ rằng giám trợ biết tôi đang ở đây, nhưng khi giám trợ dừng lại ở bên kia giường, lòng tôi buồn bã, và tôi biết rằng giám trợ đã không đến đây để thăm tôi.’

“Tôi nói với [Chị] McKee: ‘Việc tôi không biết chị đang ở đây là không quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là Cha Thiên Thượng biết và chị đã cầu nguyện thầm để có được một phước lành của chức tư tế. Chính là Ngài đã thúc giục tôi đến với chị đây.”17

Đức Thánh Linh Phán với Chúng Ta bằng cách nào?

Chúng ta đều có những kinh nghiệm với Đức Thánh Linh, mặc dù chúng ta có thể không luôn luôn nhận ra những kinh nghiệm này. Khi các ý nghĩ đầy soi dẫn đến với tâm trí mình, chúng ta biết rằng những ý nghĩ này là đúng qua những cảm nghĩ thuộc linh đến với tâm hồn chúng ta. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy: “Đức Thánh Linh phán với một tiếng nói mà các anh chị em cảm nhận nhiều hơn là nghe. … Mặc dù chúng ta nói ‘lắng nghe’ theo những lời mách bảo của Thánh Linh, nhưng nói chung một người thường mô tả sự thúc giục thuộc linh bằng cách nói: ‘Tôi có cảm tưởng …’”18 Chính là qua những cảm nghĩ thiêng liêng này từ Đức Thánh Linh mà chúng ta tiến đến việc biết được điều Thượng Đế muốn chúng ta làm, vì như đã được nói trong thánh thư, đây “là tinh thần mặc khải.”19

Nhận Được Ân Tứ Đức Thánh Linh Có Nghĩa Là Gì?

Khi giảng dạy cho đứa con trai sáu tuổi của mình là Ben, tôi đã nghĩ thật là quan trọng để phân biệt giữa điều nó cảm thấy, tức là ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, với ân tứ Đức Thánh Linh, mà nó sẽ nhận được sau phép báp têm. Trước khi phép báp têm, tất cả những người chân thật và thành tâm tìm kiếm lẽ thật đều có thể thỉnh thoảng cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, cơ hội để nhận được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh và tất cả các phước lành trọn vẹn liên quan chỉ dành sẵn cho các tín hữu xứng đáng, đã chịu phép báp têm và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay qua những người nắm giữ thẩm quyền của chức tư tế của Thượng Đế.

Qua ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta nhận được thêm khả năng và các ân tứ thuộc linh, sự mặc khải và sự bảo vệ gia tăng, sự hướng dẫn và chỉ dẫn đều đặn, cùng các phước lành đã được hứa về sự thánh hóa và tôn cao trong thượng thiên giới. Tất cả các phước lành này được ban cho vì ước muốn cá nhân của chúng ta để nhận được, và các phước lành này đến khi cuộc sống của chúng ta trở nên phù hợp với ý muốn của Thượng Đế và tìm kiếm sự hướng dẫn liên tục của Ngài.

Khi nghĩ lại kinh nghiệm của tôi với Ben trong Đền Thờ Bountiful Utah, tôi có nhiều cảm nghĩ và ấn tượng tuyệt diệu. Một ký ức rõ ràng là trong khi tôi đang tập trung vào tính chất vĩ đại của điều mà tôi có thể thấy được, thì một đứa trẻ ở bên tôi đang nhận ra những cảm nghĩ mạnh mẽ trong lòng nó. Với một lời nhắc nhở dịu dàng, tôi không những được mời dừng lại và quỳ xuống mà còn lưu tâm đến sự kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi để trở thành như một đứa trẻ khiêm nhường, nhu mì, và sẵn sàng nghe tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ của Thánh Linh Ngài.

Tôi làm chứng về tính chất thực tế hằng sống và sứ mệnh thiêng liêng của Đức Thánh Linh và nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều. Tôi làm chứng rằng ân tứ Đức Thánh Linh là ân tứ quý báu và không xiết kể của Cha Thiên Thượng ban cho tất cả những người chịu đến cùng Vị Nam Tử của Ngài, chịu phép báp têm trong danh Ngài, cùng tiếp nhận Đức Thánh Linh qua lễ xác nhận trong Giáo Hội của Ngài. Tôi đích thân làm chứng về các lẽ thật thiêng liêng này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.