2010–2019
Hãy Quan Sát Trước, Rồi Sau Đó Phục Vụ
Tháng mười 2012


Hãy Quan Sát Trước, Rồi Sau Đó Phục Vụ

Bằng cách thực tập, mỗi người chúng ta có thể trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta phục vụ con cái của Thượng Đế.

Một trong các bằng chứng hiển nhiên nhất chúng ta có là vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người tôi tớ được chọn của Chúa, ông đã học được cách noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi—phục vụ mỗi người, từng người một. Những người nào trong chúng ta đã bước vào nước báp têm đều đã giao ước để làm như vậy. Chúng ta đã giao ước sẽ “luôn luôn tưởng nhớ tới [Đấng Cứu Rỗi] cùng tuân giữ các giáo lệnh … của Ngài,”1 và Ngài đã phán: “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”2

Hãy lưu ý đến những lời sau đây của Chủ Tịch Monson cũng gồm có cùng một lời mời gọi đó như thế nào: “Chúng ta sống ở giữa những người đang cần được chú ý, nói lời khích lệ, hỗ trợ, an ủi và lòng nhân từ của chúng ta. … Chúng ta đều là bàn tay của Chúa nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta.”3

Các anh chị em có nghe lời mời gọi đó không—lời mời gọi phải yêu thương lẫn nhau? Đối với một số người, việc phục vụ hay phục sự từng người một, khi noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, thì không phải là điều dễ làm. Nhưng bằng cách thực tập, mỗi người chúng ta có thể trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta phục vụ con cái của Thượng Đế. Để giúp chúng ta yêu thương lẫn nhau một cách hữu hiệu hơn, tôi xin đề nghị cụm từ này để ghi nhớ: “Hãy quan sát trước rồi sau đó phục vụ.”

Cách đây gần 40 năm, vợ chồng tôi đi đền thờ cho buổi hẹn hò đi chơi tối thứ Sáu. Chúng tôi chỉ mới kết hôn được một thời gian ngắn, và tôi rất lo vì đây chỉ là lần thứ hai tôi đi đền thờ và tôi mới lấy chồng. Một chị ngồi cạnh tôi chắc hẳn đã để ý. Chị nghiêng người qua và nghiêm chỉnh thì thầm: “Đừng có lo. Tôi sẽ giúp chị.” Tôi hết lo sợ và đã có thể tận hưởng thời gian còn lại của phiên lễ đền thờ. Chị ấy đã quan sát trước rồi sau đó phục vụ.

Chúng ta đều được mời tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su và phục sự những người khác. Lời mời này không chỉ giới hạn cho riêng các chị em phụ nữ thánh thiện. Trong khi tôi chia sẻ một vài tấm gương tiêu biểu của các tín hữu là những người đã học cách quan sát trước và rồi sau đó phục vụ, xin hãy lắng nghe những lời giảng dạy của Chúa Giê Su được những người này minh họa.

Một đứa trẻ sáu tuổi trong Hội Thiếu Nhi nói: “Khi được chọn làm một người giúp đỡ trong lớp học, em đã có thể chọn một người bạn để cùng làm với em. Em chọn [một bạn trai trong lớp học của em là đứa hay bắt nạt em] vì nó chưa bao giờ được chọn cả. Em muốn làm cho nó cảm thấy vui lòng.”4

Đứa bé này đã quan sát điều gì? Nó đã thấy rằng cậu bé hay bắt nạt trong lớp học chưa bao giờ được chọn. Đứa bé này đã làm gì để phục vụ? Nó chỉ chọn cậu bé đó làm bạn của nó để làm người giúp đỡ trong lớp học. Chúa Giê Su dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”5

Trong một tiểu giáo khu nọ, những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn đã quan sát trước rồi bây giờ phục vụ trong một cách đầy ý nghĩa. Mỗi tuần, các thiếu niên đến sớm và đứng bên ngoài nhà hội trong lúc trời mưa, tuyết hoặc cái nóng cháy da, chờ cho nhiều tín hữu lớn tuổi trong tiểu giáo khu của họ tới. Họ nâng các chiếc xe lăn và những cái khung tập đi ra khỏi xe hơi, đưa ra cánh tay cứng cáp để những người yếu đuối níu lấy, và kiên nhẫn hộ tống những người cao niên tóc bạc đi vào tòa nhà. Họ đang thật sự làm bổn phận của mình đối với Thượng Đế. Trong khi quan sát và rồi phục vụ, họ là tấm gương sống trong lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”6 Trong khi chương trình giảng dạy cho giới trẻ đang được thi hành, thì các thiếu niên sẽ chắc chắn tìm ra thêm cơ hội để phục vụ theo cách của Đấng Ky Tô.

Đôi khi việc quan sát và phục vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Một thiếu nữ đầy soi dẫn tên là Alexandria thấy rằng người chị bà con của mình là Madison không thể hoàn tất những điều đòi hỏi của Chương Trình Sự Tiến Triển Cá Nhân vì chị ấy mắc bệnh tự kỷ nặng. Alexandria đã sắp đặt với các thiếu nữ trong tiểu giáo khu, hội ý với những người lãnh đạo của mình, và quyết định làm một việc cho Maddy mà chị ấy không thể tự làm được. Mỗi thiếu nữ làm thay cho Maddy một phần các sinh hoạt và dự án của Chương Trình Sự Tiến Triển Cá Nhân để Maddy có thể nhận được huy chương của mình.7

Các thiếu nữ này sẽ làm tốt trong vai trò làm mẹ và vai trò chị em trong Hội Phụ Nữ vì họ đã học cách quan sát trước rồi sau đó phục vụ một cách bác ái.

Chủ Tịch Monson đã nhắc chúng ta nhớ rằng lòng bác ái, “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô”8—hoặc nói cách khác, quan sát và phục vụ— “thật hiển nhiên khi một góa phụ lớn tuổi được nhớ đến và được đưa đến các buổi lễ của tiểu giáo khu” và “khi chị phụ nữ ngồi một mình trong Hội Phụ Nữ nhận được lời mời: “Hãy đến đây—ngồi gần chúng tôi.’”9 Luật khuôn vàng thước ngọc có thể được áp dụng ở đây: “Vậy nên bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì các ngươi phải làm điều đó cho họ.”10

Một người chồng thường hay quan sát đã phục vụ trong hai cách quan trọng. Người ấy thuật lại:

“Vào một ngày Chủ Nhật nọ, tôi phụ giúp vợ tôi với lớp học toàn các em bảy tuổi hiếu động trong Hội Thiếu Nhi. Khi giờ chia sẻ của Hội Thiếu Nhi bắt đầu, thì tôi thấy một em trong lớp học ngồi co ro trên ghế và rõ ràng là không được khỏe. Thánh Linh thì thầm cùng tôi rằng em ấy đang cần được an ủi, vậy nên tôi đến ngồi bên em ấy và nhẹ nhàng hỏi em ấy có sao không. Em ấy không trả lời … , vậy nên tôi bắt đầu hát nhỏ cho em ấy nghe.

“Hội Thiếu Nhi đang học một bài hát mới, và khi chúng tôi hát: ‘Nếu tôi lắng nghe với lòng mình, thì tôi nghe được tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi,’ thì tôi bắt đầu cảm thấy một ánh sáng lạ thường nhất và lòng tôi chan chứa nhiệt thành. … Tôi nhận được một chứng ngôn riêng về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho em ấy … và cho tôi. … Tôi biết rằng chúng ta là đôi tay [của Đấng Cứu Rỗi] khi chúng ta phục vụ một người.”11

Người anh em giống như Đấng Ky Tô này không những để ý thấy cần giúp vợ mình với lớp học đầy trẻ em bảy tuổi hiếu động mà còn phục vụ riêng cho một đứa trẻ đang gặp khó khăn nữa. Anh ấy đã noi theo Đấng Cứu Rỗi, Ngài dạy: “Những công việc mà các ngươi thấy ta làm, các ngươi cũng sẽ phải làm như vậy.” 12

Mới gần đây, một trận lụt mang đến nhiều cơ hội cho các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô để quan sát trước rồi sau đó phục vụ. Nam, nữ, thanh thiếu niên và trẻ em thấy các cơ sở kinh doanh và nhà cửa bị phá hủy nên họ đã ngừng làm mọi công việc họ đang làm để giúp dọn dẹp và sửa chữa các công trình kiến trúc bị hư hại. Một số người đã quan sát thấy cần giúp đỡ với nhiệm vụ quá nặng nề là giặt giũ. Những người khác chịu khó lau sạch các tấm ảnh, văn kiện pháp lý, thư từ và các giấy tờ quan trọng khác, và rồi sau đó cẩn thận treo lên, phơi khô để bảo tồn bất cứ thứ gì họ có thể bảo tồn được. Việc quan sát và sau đó phục vụ không phải lúc nào cũng là thuận tiện và không phải luôn luôn phù hợp với thời gian biểu của chúng ta.

Không có nơi nào chúng ta có thể quan sát trước và rồi phục vụ sau tốt hơn trong nhà. Một tấm gương từ cuộc sống của Anh Cả Richard G. Scott minh họa như sau:

“Một đêm nọ, đứa con trai nhỏ của chúng tôi là Richard bị bệnh tim thức giấc và khóc. … Thường thường vợ tôi luôn luôn ngồi dậy đi lo cho đứa bé đang khóc nhưng lần này, tôi nói: ‘Anh sẽ lo cho nó.’

“Vì bệnh tình của nó, nên khi nó bắt đầu khóc, quả tim nhỏ bé của nó đập rất nhanh. Nó nôn mửa và làm dơ tấm khăn trải giường. Đêm hôm đó, tôi bế chặt nó vào lòng để cố gắng làm dịu bớt nhịp đập của quả tim và làm cho nó ngừng khóc trong khi tôi thay quần áo cho nó và trải tấm trải giường mới. Tôi bế nó vào lòng cho đến khi nó ngủ. Lúc bấy giờ, tôi đã không biết rằng nó sẽ qua đời chỉ trong một vài tháng sau đó. Tôi sẽ luôn luôn nhớ là tôi đã bế nó trong vòng tay mình vào lúc nửa khuya đêm đó.”13

Chúa Giê Su phán: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.”14

Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để phục vụ theo cách mình muốn phục vụ và không nhất thiết là theo cách người ta cần vào lúc đó. Khi giảng dạy nguyên tắc về cuộc sống biết dự phòng, Anh Cả Robert D. Hales đã chia sẻ ví dụ về việc ông đã mua một món quà cho vợ ông. Vợ ông hỏi: “Anh mua món quà này cho em hay là cho anh vậy?”15 Nếu chúng ta áp dụng câu hỏi đó cho bản thân mình khi chúng ta phục vụ và hỏi: “Tôi đang làm công việc phục vụ này cho Đấng Cứu Rỗi, hay cho mình?” thì sự phục vụ của chúng ta sẽ có thể giống như giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi. Đấng Cứu Rỗi hỏi và chúng ta cũng nên hỏi: “Các ngươi muốn ta làm chi cho?”16

Cách đây vài tuần, tôi vội vã và mệt lử với nhiều việc phải làm. Tôi đã hy vọng là sẽ đi đền thờ vào ngày đó nhưng cảm thấy là tôi quá bận rộn. Ngay khi ý nghĩ quá bận rộn không thể phục vụ trong đền thờ đến với tâm trí tôi, thì nó nhắc tôi nhớ đến điều tôi cần làm nhất. Tôi rời văn phòng của mình và đi bộ tới Đền Thờ Salt Lake, tự hỏi khi nào thì tôi sẽ bắt kịp thời giờ tôi đã mất. May thay, Chúa rất kiên nhẫn, đầy lòng thương xót và Ngài dạy tôi một bài học tuyệt vời vào ngày hôm ấy.

Khi tôi ngồi xuống trong phòng làm lễ, thì một chị trẻ tuổi nghiêng người sang và nghiêm chỉnh thì thầm với tôi: “Em thật sự lo quá. Đây là lần thứ hai em đi đền thờ. Chị có thể giúp em được không ạ?” Làm thế nào mà chị ấy đã biết được rằng những lời đó chính là điều tôi cần phải nghe? Chị ấy không biết nhưng Cha Thiên Thượng biết. Ngài đã quan sát nhu cầu thiết yếu nhất của tôi. Tôi cần phải phục vụ. Ngài đã thúc giục người chị em trẻ tuổi khiêm nhường này phục vụ tôi bằng cách mời tôi phục vụ chị ấy. Tôi chắc chắn với các anh chị em rằng tôi là người hưởng lợi ích nhiều nhất.

Với lòng vô cùng biết ơn, tôi ghi nhận nhiều người đã phục vụ gia đình tôi trong suốt những năm qua, họ là những người giống như Đấng Ky Tô. Tôi chân thành bày tỏ lòng biết ơn đối với người chồng và gia đình yêu quý của tôi, họ là những người phục vụ vô vị kỷ và với tình yêu thương bao la.

Cầu xin cho tất cả chúng ta tìm cách quan sát trước và rồi phục vụ. Khi làm như vậy, chúng ta đang giữ vững giao ước và sự phục vụ của mình, giống như sự phục vụ của Chủ Tịch Monson, sẽ là bằng chứng về vai trò môn đồ của mình. Tôi biết Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Sự Chuộc Tội của Ngài cho phép chúng ta sống theo những điều Ngài giảng dạy. Tôi biết rằng Chủ Tịch Monson là vị tiên tri của chúng ta ngày nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 20:77.

  2. Giăng 15:12.

  3. Thomas S. Monson, “Hôm Nay, Tôi Đã Làm Được Gì cho Người Khác?” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 86.

  4. Canyon H., “A Good Choice,” Friend, tháng Giêng năm 2012, 31.

  5. Ma Thi Ơ 5:44.

  6. Ma Thi Ơ 25:40.

  7. Xin xem “For Madison,” lds.org/youth/video/for-madison.

  8. Mô Rô Ni 7:47.

  9. Thomas S. Monson, “Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 125; xin xem thêm Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society (2011), 101.

  10. 3 Nê Phi 14:12.

  11. Al VanLeeuwen, “Serving the One,” Liahona, tháng Tám năm 2012, 19; xin xem thêm Sally DeFord, “If I Listen with My Heart,” Đại Cương Giờ Chia Sẻ cho Năm 2012, 28.

  12. 3 Nê Phi 27:21.

  13. Richard G. Scott, “Các Phước Lành Vĩnh Cửu của Hôn Nhân,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 96.

  14. Ma Thi Ơ 20:26.

  15. Robert D. Hales, “Trở Thành Những Người Chu Cấp Cần Kiệm về Phương Diện Vật Chất lẫn Tinh Thần,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 9.

  16. Ma Thi Ơ 20:32.