2010–2019
Tôi Biết Phúc Âm. Tôi Sống theo Phúc Âm. Tôi Yêu Thích Phúc Âm.
Tháng mười 2012


Tôi Biết Phúc Âm. Tôi Sống theo Phúc Âm. Tôi Yêu Thích Phúc Âm.

Chúng ta là tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cải đạo và tin tưởng như vậy là kết quả của nỗ lực siêng năng và thận trọng. Điều đó là của riêng cá nhân. Điều đó là tiến trình của cả một cuộc đời.

Tôi được soi dẫn từ các tấm gương của các tín hữu ngay chính của Giáo Hội, kể cả giới trẻ cao quý. Các anh chị em đã dũng cảm tin vào Đấng Cứu Rỗi. Các anh chị em thật là trung tín, biết vâng lời và thanh khiết. Các phước lành các anh chị em nhận được nhờ vào lòng nhân từ của mình không những ảnh hưởng đến cuộc sống của các anh chị em mà còn cuộc sống của tôi và của vô số người khác nữa trong những cách thức sâu sắc và thường là chưa từng được biết đến nữa.

Cách đây vài năm, tôi đang đứng sắp hàng để mua đồ tại một cửa hàng tạp hóa địa phương. Đứng trước tôi là một thiếu nữ khoảng 15 tuổi. Em ấy dường như rất tự tin và vui vẻ. Tôi để ý đến cái áo thun của em và không thể nào không bắt chuyện với em ấy được. Tôi bắt đầu hỏi: “Cháu ở tiểu bang khác phải không?”

Em ấy rất ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi và đáp: “Vâng ạ. Cháu ở Colorado. Làm sao cô biết được vậy?”

Tôi giải thích: “Nhờ cái áo thun của cháu đấy.” Tôi đã đoán đúng sau khi đọc những lời trên áo thun của em ấy: “Tôi là người Mặc Môn. Còn bạn thì sao?”

Tôi nói tiếp: “Cô cần phải nói cho cháu biết rằng cô rất có ấn tượng trước lòng tự tin của cháu để tạo ra sự khác biệt và dũng cảm mặc một cái áo với hàng chữ như vậy. Cô thấy có điều gì khác biệt ở cháu, và cô mong muốn mỗi thiếu nữ và mỗi tín hữu của Giáo Hội cũng có thể có cùng lòng tin chắc và tin tưởng như cháu vậy.” Sau khi mua đồ xong, chúng tôi nói lời tạm biệt rồi chia tay.

Tuy nhiên trong nhiều ngày và những tuần lễ sau giây phút gặp gỡ ngẫu nhiên này, tôi thấy mình nghiêm chỉnh suy nghĩ về cuộc gặp gỡ này. Tôi tự hỏi làm thế nào em thiếu nữ từ Colorado lại trở nên tin tưởng về gốc tích của em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi không thể không tự hỏi tôi sẽ thật sự chọn cụm từ có ý nghĩa nào để in lên trên cái áo thun của mình để phản ảnh niềm tin và chứng ngôn của tôi. Trong khi suy nghĩ về điều đó, tôi cân nhắc nhiều câu có thể được chọn ra. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một câu nói lý tưởng mà tôi sẽ hãnh diện để mặc cái áo thun có in hàng chữ: “Tôi là người Mặc Môn. Tôi biết phúc âm. Tôi sống theo phúc âm. Tôi yêu thích phúc âm.”

Ngày hôm nay, tôi muốn được tập trung bài nói chuyện của mình vào lời phát biểu dũng cảm đầy hy vọng này.

Phần thứ nhất của lời phát biểu này là lời tuyên bố tự tin, không biện giải: “Tôi là người Mặc Môn.” Cũng giống như người thiếu nữ tôi đã gặp trong cửa hàng tạp hóa đã không sợ để cho thế gian biết rằng em ấy là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi hay miễn cưỡng để nhìn nhận “Tôi là người Mặc Môn.” Chúng ta nên tự tin như Sứ Đồ Phao Lô khi ông nói: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.”1 Là tín hữu, chúng ta cũng là tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cải đạo và tin tưởng như vậy là kết quả của nỗ lực siêng năng và thận trọng. Điều đó là của riêng cá nhân. Điều đó là tiến trình của cả một cuộc đời.

Phần kế tiếp của lời phát biểu khẳng định rằng: “Tôi biết phúc âm.” Trong thế giới ngày nay, có nhiều sinh hoạt, đề tài và sở thích cạnh tranh nhau mỗi phút để có được sự chú ý của chúng ta. Với rất nhiều điều xao lãng như vậy, chúng ta có sức mạnh, kỷ luật và cam kết để luôn luôn tập trung vào những điều gì quan trọng nhất không? Chúng ta có am hiểu các lẽ thật phúc âm trong việc học hành, nghề nghiệp, sở thích riêng của mình, hoặc trong những lời nhắn tin trên điện thoại không? Chúng ta có tích cực tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi của mình bằng cách nghiên cứu thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri không? Chúng ta có tìm kiếm sự xác nhận của Thánh Linh không?

Tầm quan trọng của việc đạt được sự hiểu biết là một nguyên tắc vĩnh cửu. Tiên Tri Joseph Smith “yêu thích sự hiểu biết vì quyền năng ngay chính của sự hiểu biết ấy.”2 Ông nói: “Sự hiểu biết là cần thiết cho cuộc sống và sự tin kính. … Hỡi tất cả các anh em trong Giáo Hội, hãy lắng nghe bí quyết trọng đại này: sự hiểu biết là quyền năng của Thượng Đế cho sự cứu rỗi.”3

Tất cả lẽ thật và sự hiểu biết đều quan trọng, nhưng vì trong cuộc sống hằng ngày luôn luôn có những điều xao lãng, nên chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến việc gia tăng sự hiểu biết phúc âm của mình để có thể hiểu được cách áp dụng các nguyên tắc phúc âm trong cuộc sống.4 Khi sự hiểu biết phúc âm gia tăng, chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy tin tưởng vào chứng ngôn của mình và có thể nói rằng: “Tôi biết phúc âm.”

Kế đến là lời phát biểu: “Tôi sống theo phúc âm.” Thánh thư dạy rằng chúng ta cần phải “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ.”5 Chúng ta sống theo phúc âm và trở nên “làm theo lời” bằng cách sử dụng đức tin, biết vâng lời và phục vụ những người khác với tình yêu thương, và noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta hành động với tính liêm chính và làm điều mình biết là đúng “bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu,”6 cho dù có thể có ai hoặc không có ai đang quan sát chúng ta.

Trong tình trạng trần thế của chúng ta, không một ai là hoàn hảo cả. Ngay cả trong các nỗ lực siêng năng nhất để sống theo phúc âm, tất cả chúng ta đều sẽ làm điều lầm lỗi, và tất cả chúng ta sẽ phạm tội. Thật là một sự bảo đảm đầy an ủi để biết rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể được tha thứ và được làm cho trong sạch lại. Tiến trình hối cải và tha thứ thật sự này củng cố chứng ngôn và quyết tâm của chúng ta để tuân theo các lệnh truyền của Chúa và sống cuộc sống của mình theo các tiêu chuẩn phúc âm.

Khi nghĩ tới cụm từ: “Tôi sống theo phúc âm,” tôi nhớ đến một thiếu nữ tôi gặp tên là Karigan. Em ấy viết: “Em là tín hữu của Giáo Hội được hơn một năm. … Đối với em, khi tầm đạo, có một dấu hiệu cho biết rằng đây là Giáo Hội chân chính vì em cảm thấy cuối cùng mình đã tìm ra một giáo hội giảng dạy về tính trang nhã và các tiêu chuẩn. Em đã thấy với chính mắt mình những người đã coi thường các lệnh truyền và chọn con đường sai. Em đã quyết định từ lâu lắm rồi là sẽ sống theo các tiêu chuẩn đạo đức cao. … Em cảm thấy được phước biết bao vì đã tìm ra lẽ thật và được báp têm. Em rất vui mừng.”7

Cụm từ cuối cùng trong lời phát biểu của tôi là “Tôi yêu thích phúc âm.” Việc đạt được một sự hiểu biết về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và chuyên tâm sống theo các nguyên tắc phúc âm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta khiến nhiều tín hữu của Giáo Hội phải nhiệt tình thốt lên: “Tôi yêu thích phúc âm!”

Cảm nghĩ này đến khi chúng ta cảm nhận được Đức Thánh Linh làm chứng với mình rằng chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng, Ngài quan tâm đến chúng ta, và chúng ta đang ở trên con đường đúng. Niềm yêu thích của chúng ta đối với phúc âm tăng trưởng khi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và sự bình an đã được Đấng Cứu Rỗi hứa khi chúng ta cho Ngài thấy rằng mình sẵn lòng vâng lời và tuân theo Ngài.

Vào những lúc khác trong cuộc sống của mình, cho dù là người mới cải đạo vào Giáo Hội hoặc tín hữu lâu đời, thì chúng ta cũng có thể thấy rằng lòng nhiệt tình mãnh liệt này đã giảm bớt. Đôi khi điều này xảy ra khi có những thời gian thử thách và chúng ta cần phải kiên nhẫn. Đôi khi, điều này xảy ra vào lúc chúng ta đạt tới đỉnh cao nhất của sự thịnh vượng và dư dật. Bất cứ lúc nào có cảm nghĩ này, tôi đều biết là tôi cần phải tái tập trung vào các nỗ lực để gia tăng sự hiểu biết phúc âm của mình và sống theo các nguyên tắc phúc âm một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình.

Một trong các nguyên tắc hữu hiệu nhất nhưng đôi khi khó để áp dụng là lòng khiêm nhường và sự tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế. Trong lời cầu nguyện của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã thưa cùng Đức Chúa Cha: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!”8 Điều này cũng nên là lời cầu nguyện của chúng ta. Thường thường, chính là trong những giây phút yên tĩnh, thành tâm mà chúng ta cảm thấy được bao phủ trong tình yêu thương của Cha Thiên Thượng, và các cảm nghĩ vui mừng, yêu thương đó được phục hồi.

Tại buổi họp của giới lãnh đạo của Hội Thiếu Nữ ở Eugene, Oregon, tôi có đặc ân gặp và nói chuyện với Chị Cammy Wilberger. Câu chuyện mà Chị Wilberger đã chia sẻ với tôi là một lời chứng về quyền năng và phước lành của một thiếu nữ biết, sống theo và yêu thích phúc âm.

Đứa con gái 19 tuổi của Chị Wilberger là Brooke, đã qua đời một cách bi thảm cách đây vài năm trong khi nghỉ hè sau năm học thứ nhất tại trường đại học. Chị Wilberger nhớ lại: “Đó là thời gian khó khăn và buồn phiền cho gia đình của chúng tôi. Tuy nhiên, Brooke đã tặng cho chúng tôi một món quà lớn. Chúng tôi không nhận ra món quà này khi nó lớn lên, nhưng mỗi một năm và mỗi một giây phút của cuộc sống ngắn ngủi của mình, Brooke đã tặng cho chúng tôi món quà lớn lao nhất mà một đứa con gái có thể tặng cho cha mẹ nó. Brooke là một đứa con gái ngay chính của Thượng Đế. … Nhờ vào món quà này và nhất là nhờ vào quyền năng cho phép có khả năng của Sự Chuộc Tội, tôi đã có được sức mạnh, niềm an ủi và bình an đã được hứa của Đấng Cứu Rỗi. Tôi không hề thắc mắc Brooke hiện đang ở đâu và mong đợi ngày trùng phùng tràn đầy tình yêu thương của chúng tôi.”9

Tôi có chứng ngôn về kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu vĩ đại của Cha Thiên Thượng. Tôi biết rằng Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Tôi biết rằng Ngài đã chuẩn bị một vị tiên tri, Chủ Tịch Thomas S. Monson, để khuyến khích và giúp hướng dẫn chúng ta trở lại cùng Ngài. Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta cố gắng hết sức để có thể nói một cách tự tin rằng: “Tôi là người Mặc Môn. Tôi biết phúc âm. Tôi sống theo phúc âm. Tôi yêu thích phúc âm.” Tôi khiêm nhường nói những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A men.

Ghi Chú

  1. Rô Ma 1:16.

  2. George Q. Cannon, trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 261.

  3. Teachings: Joseph Smith, 265; xin xem thêm Martha Jane Knowlton Coray, sổ tay, Thư Viện Lịch Sử của Giáo Hội, Salt Lake City.

  4. Xin xem kinh nghiệm giá trị sự hiểu biết số 1, Young Women Personal Progress (cuốn sách nhỏ, 2009), 38.

  5. Gia Cơ 1:22.

  6. Mô Si A 18:9.

  7. Thư riêng.

  8. Lu Ca 22:42.

  9. Thư riêng.