2010–2019
Đức Tin nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô Có Được Chép vào Lòng Chúng Ta không?
Tháng mười 2012


Đức Tin nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô Có Được Chép vào Lòng Chúng Ta Không?

Việc lập, tuân giữ, và hân hoan trong các giao ước của chúng ta sẽ là bằng chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thật sự chép vào lòng chúng ta

Các chị em thân mến, trong nhiều tháng, các chị em đã ở trong tâm trí của tôi khi tôi suy ngẫm về trách nhiệm đầy thử thách này. Mặc dù không cảm thấy có đủ khả năng để làm tròn trách nhiệm của mình, nhưng tôi biết rằng sự kêu gọi này đã đến từ Chúa qua vị tiên tri được chọn của Ngài, và bây giờ thì điều đó là đủ rồi. Thánh thư dạy rằng “dẫu bằng chính tiếng nói của [Chúa] hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ [của Ngài] thì cũng như nhau.”1

Một trong số các ân tứ quý báu liên kết với sự kêu gọi này là sự bảo đảm rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả các con gái của Ngài. Tôi đã cảm nhận được tình yêu thương của Ngài dành cho mỗi người chúng ta!

Giống như các chị em, tôi yêu thích thánh thư! Trong sách Giê Rê Mi, chúng ta thấy một câu thánh thư rất quý đối với lòng tôi. Giê Rê Mi sống trong một thời điểm và nơi chốn khó khăn, nhưng Chúa cho phép ông “thấy trước một thời kỳ hy vọng trong sự quy tụ ngày sau của Y Sơ Ra Ên”2—tức là thời kỳ chúng ta. Giê Rê Mi đã tiên tri:

“Đức Giê Hô Va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y Sơ Ra Ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng và sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. …

“… Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê Hô Va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê Hô Va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.”3

Chúng ta là những người mà Giê Rê Mi đã nhìn thấy. Chúng ta đã mời Chúa chép luật pháp, hay giáo lý vào lòng mình chưa? Chúng ta có tin rằng sự tha thứ có sẵn qua Sự Chuộc Tội mà Giê Rê Mi đã nói đến phải áp dụng cho riêng chúng ta không?

Cách đây một vài năm, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về đức tin bén rễ sâu của những người tiền phong, họ đã đến Thung Lũng Salt Lake ngay cả sau cái chết của con cái họ. Ông nói: “Họ đã không làm điều đó vì một chương trình, vì một buổi sinh hoạt liên hoan, mà họ đã làm điều đó vì đức tin nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô ở trong tâm hồn họ, đó là trong tủy xương của họ.”

Ông xúc động nói rằng:

“Đó là cách duy nhất mà những người mẹ đó có thể chôn cất [những đứa con sơ sinh của mình] trong hộp đựng bánh mì rồi tiếp tục đi và nói rằng: ‘Đất hứa ở đâu đó ngoài kia. Chúng ta sẽ đi tới thung lũng đó.’

Họ có thể nói điều đó là nhờ vào các giao ước, giáo lý, đức tin, sự mặc khải và tinh thần.”

Ông kết thúc với những lời đầy khích lệ này: “Nếu chúng ta có thể giữ tinh thần đó trong gia đình mình và trong Giáo Hội, thì những điều khác có thể bắt đầu tự giải quyết. Có lẽ có nhiều thứ khác ít cần thiết hơn bị rơi ra khỏi toa xe kéo. Tôi được cho biết là những toa xe kéo đó chỉ có thể chở được bấy nhiêu thôi. Cũng giống như các tổ tiên của chúng ta đã phải chọn thứ gì để mang theo, có lẽ thế kỷ 21 sẽ bắt buộc chúng ta phải chọn lựa, ‘Chúng ta có thể đặt thứ gì vào chiếc xe kéo tay này?’ Đó là thực chất của tâm hồn chúng ta; đó là thứ ở ngay trong tủy xương của chúng ta.”4 Hay nói cách khác, đó chính là điều được chép vào lòng chúng ta!

Là một chủ tịch đoàn mới của Hội Phụ Nữ, chúng tôi đã nghiêm chỉnh tìm kiếm Chúa để biết những điều thiết yếu nào Ngài muốn chúng tôi phải đặt vào chiếc xe kéo tay của Hội Phụ Nữ để tiếp tục xúc tiến công việc của Ngài. Chúng tôi đã cảm thấy rằng trước hết Cha Thiên Thượng sẽ muốn chúng tôi giúp các con gái yêu dấu của Ngài hiểu giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi làm như vậy, chúng tôi biết đức tin cũng như ước muốn được sống ngay chính của mình sẽ gia tăng. Thứ hai, trong khi cân nhắc nhu cầu chính yếu để củng cố các mái gia đình, chúng tôi đã cảm thấy rằng Chúa muốn chúng tôi khuyến khích các con gái yêu dấu của Ngài vui vẻ bám chặt vào các giao ước của họ. Khi các giao ước được tuân giữ thì gia đình được củng cố. Cuối cùng, chúng tôi cảm thấy rằng Ngài muốn chúng tôi làm việc trong tình đoàn kết với các tổ chức bổ trợ khác và với các vị lãnh đạo chức tư tế của chúng tôi, cố gắng tìm kiếm và giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn để tiến bước trên con đường. Chúng tôi tha thiết cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ mở rộng lòng mình và để cho Chúa ghi khắc vào lòng mình các giáo lý của Sự Chuộc Tội, giao ước và tình đoàn kết.

Làm thế nào chúng ta có thể kỳ vọng củng cố gia đình hoặc giúp đỡ những người khác trừ khi chúng ta ghi chép trước hết vào lòng mình một đức tin sâu xa và bền bỉ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài? Buổi tối hôm nay, tôi muốn chia sẻ ba nguyên tắc về Sự Chuộc Tội mà nếu được ghi chép vào lòng chúng ta thì sẽ gia tăng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi hy vọng rằng sự hiểu biết về những nguyên tắc này sẽ ban phuớc cho mỗi người chúng ta cho dù là tín hữu mới hay lâu đời trong Giáo Hội.

Nguyên tắc 1: “Tất cả những gì không công bằng trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”5

Chúng tôi cùng với các chị em làm chứng về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Giống như chứng ngôn của các chị em, chứng ngôn của chúng tôi đã được ghi chép vào lòng mình khi chúng tôi đương đầu với đủ loại thử thách và nghịch cảnh làm căng thẳng tâm hồn mình. Nếu không có sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc toàn hảo của Cha Thiên Thượng và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi làm điểm đặc trưng chính yếu của kế hoạch đó, thì những thử thách này có thể dường như bất công. Chúng ta đều chia sẻ trong những thử thách của cuộc đời. Nhưng trong những tấm lòng trung tín có ghi chép “Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Tại sao Chúa cho phép nỗi đau khổ và nghịch cảnh đến với chúng ta trong cuộc sống này? Nói một cách giản dị, đó là một phần kế hoạch vì sự phát triển và tiến triển của chúng ta! Chúng ta “cất tiếng reo mừng”6 khi biết rằng mình sẽ có cơ hội đến thế gian để trải qua cuộc sống trần thế. Anh Cả Dallin H. Oaks dạy rằng: “Sự cải đạo cần thiết của chúng ta thường đạt được nhanh chóng qua nỗi đau khổ và nghịch cảnh hơn là qua sự an ủi và yên bình.”7

Tấm gương của một chị phụ nữ tiền phong trung tín nọ đã minh họa cho lẽ thật này. Mary Lois Walker kết hôn vào lúc 17 tuổi với John T. Morris ở St. Louis, Missouri. Họ vượt qua những đồng bằng với Các Thánh Hữu vào năm 1853, vào Thung Lũng Salt Lake ngay sau ngày kỷ niệm tròn một năm ngày cưới của họ. Trong cuộc hành trình, họ đã chịu nhiều thiếu thốn, là điều điển hình giống như Các Thánh Hữu khác. Nhưng những nỗi đau khổ và nghịch cảnh của họ không kết thúc khi họ đến Thung Lũng Salt Lake. Năm kế tiếp, Mary, lúc ấy 19 tuổi, viết: “Một đứa con trai của chúng tôi ra đời. … Một đêm nọ khi nó được hai hoặc ba tháng … thì tôi nghe một tiếng nói thì thầm: ‘Ngươi sẽ mất đứa bé ấy.’”

Trong mùa đông, sức khỏe của đứa bé giảm sút. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, … nhưng sức khỏe của đứa bé càng ngày càng tệ hại … Nó qua đời vào ngày hai tháng Hai … và như thế tôi đã uống chén đắng của việc chia ly với núm ruột của tôi.” Nhưng những thử thách của bà vẫn chưa hết. Chồng của Mary cũng bị mắc bệnh và chết ba tuần sau khi đứa bé qua đời.

Mary viết: “Vậy là tôi, với tuổi đời chưa đầy hai mươi, trong một thời gian ngắn ngủi 20 ngày, đã mất chồng và mất đứa con duy nhất, tại một xứ xa lạ hằng trăm dặm cách xa những người ruột thịt của mình và với một ngọn núi đầy khó khăn trước mặt tôi … và tôi mong muốn rằng tôi cũng có thể chết đi và đoàn tụ với [những] người thân yêu của mình.”

Mary nói tiếp: “Vào một buổi tối Chủ Nhật, tôi đang đi tản bộ với người bạn. … Tôi nhớ lại cảnh thiếu vắng [chồng tôi] và nỗi cô đơn mãnh liệt và khi tôi đang khóc thảm thiết, thì tôi có thể thấy thể như đó là một khải tượng trong trí tôi, ngọn đồi dốc của cuộc sống mà tôi cần phải leo lên và cảm thấy được thực tế của điều đó thật mạnh mẽ. Một nỗi thất vọng vô cùng giáng xuống tôi, vì kẻ thù biết khi nào thì tấn công chúng ta, nhưng [Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô] của chúng ta có sức mạnh để cứu. Qua … sự giúp đỡ được Đức Chúa Cha ban cho, tôi đã có thể chiến đấu hết sức với tất cả lực lượng dường như đang dàn trận chống lại tôi vào lúc này.”8

Mary học được vào lúc còn trẻ khi 19 tuổi rằng Sự Chuộc Tội đem đến cho chúng ta sự bảo đảm rằng tất cả những điều bất công trong cuộc sống này đều có thể và sẽ được làm cho đúng—ngay cả trong nỗi buồn phiền sâu thẳm.

Nguyên tắc 2: Sự Chuộc Tội chứa đựng quyền năng để làm cho chúng ta có thể khắc phục được con người thiên nhiên và trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.9

Có một cách để biết khi nào chúng ta đã học được một giáo lý hay nguyên tắc của phúc âm. Đó là khi chúng ta có thể giảng dạy giáo lý hay nguyên tắc đó theo cách mà một đứa trẻ có thể hiểu được. Một nguồn tài liệu quý báu để giảng dạy cho trẻ em hiểu Sự Chuộc Tội là một phép loại suy được tìm thấy trong một bài học của Hội Thiếu Nhi. Có lẽ bài học này có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta giảng dạy con cháu của mình hay bạn bè khác tín ngưỡng, là những người mong muốn được hiểu biết giáo lý thiết yếu này.

“Một [người đàn bà] đi dọc theo một con đường và ngã vào một cái hố sâu đến nỗi [người đàn bà ấy] không thể leo ra được. Dù đã làm gì đi nữa, [người đàn bà ấy] cũng không thể [tự mình] leo ra khỏi hố được. [Người đàn bà đó] kêu cứu và vui mừng khi có một người bộ hành tốt bụng đã nghe tiếng và thòng một cái thang xuống hố. Điều này cho phép [người đàn bà ấy] leo ra khỏi cái hố và có lại được tự do [của mình].

“Chúng ta giống như [người đàn bà] trong cái hố. Tội lỗi cũng giống như việc ngã xuống cái hố, và chúng ta không thể tự mình leo ra được. Cũng giống như người bộ hành tốt bụng đã nghe tiếng kêu cứu của [người đàn bà], Cha Thiên Thượng đã gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài đến để cung ứng phương tiện thoát ra khỏi hố. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể được so sánh với việc thòng cái thang xuống hố; cái thang này mang đến cho chúng ta phương tiện để leo ra.”10 Nhưng Đấng Cứu Rỗi còn làm nhiều hơn là chỉ thòng cái thang xuống, Ngài “đi xuống cái hố và giúp chúng ta có thể sử dụng cái thang để thoát ra.”11 “Cũng giống như [người đàn bà ] trong cái hố phải leo lên cái thang, chúng ta cần phải hối cải tội lỗi của mình và tuân theo các nguyên tắc phúc âm và các giáo lễ để leo ra khỏi cái hố của chúng ta và làm cho Sự Chuộc Tội được hữu hiệu trong cuộc sống của mình. Do đó, sau khi chúng ta đã làm hết sức mình, thì Sự Chuộc Tội làm cho chúng ta có thể trở nên xứng đáng để trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.”12

Mới gần đây, tôi có đặc ân gặp một người tiền phong thời nay, một người con gái yêu dấu của Thượng Đế và mới cải đạo vào Giáo Hội ở Chile. Chị ấy là một người mẹ độc thân với hai đứa con trai nhỏ. Qua quyền năng của Sự Chuộc Tội, chị đã có thể bỏ lại sau lưng quá khứ của mình và hiện đang nghiêm chỉnh cố gắng trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi tôi nghĩ về chị ấy, thì một nguyên tắc được Anh Cả David A. Bednar giảng dạy đến với tâm trí tôi: “Có một điều để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian để chết cho chúng ta—đó là điều cơ bản và nền tảng cho giáo lý của Đấng Ky Tô. Nhưng chúng ta cũng cần phải biết ơn rằng Chúa mong muốn sống trong chúng ta, qua Sự Chuộc Tội của Ngài và qua quyền năng của Đức Thánh Linh—không những để hướng dẫn chúng ta mà còn làm cho chúng ta có khả năng nữa.”13

Trong khi chị phụ nữ Chile này và tôi thảo luận về việc làm thế nào để ở trên lối đi dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, thì chị đã nồng nhiệt bảo đảm với tôi rằng chị đã quyết tâm tiếp tục đi theo lối đi đó. Chị đã đi sai đường trong hầu hết cuộc đời của chị, và chị nói rằng không có một điều gì “ở ngoài” lối đi mà chị muốn có lại trong cuộc sống của mình nữa. Quyền năng của Sự Chuộc Tội đang sống trong chị, đó là quyền năng làm cho chúng ta có khả năng. Quyền năng đó đã được chép vào lòng chị.

Quyền năng đó không những làm cho chúng ta có khả năng để leo ra khỏi hố mà còn cho chúng ta khả năng để tiếp tục trên lối đi chật và hẹp dẫn trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.

Nguyên tắc 3: Sự Chuộc Tội là bằng chứng hùng hồn nhất chúng ta có về tình yêu thương của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài.

Rất tốt để chúng ta suy ngẫm về ý tưởng gây xúc động này của Anh Cả Oaks: “Hãy nghĩ về việc Cha Thiên Thượng đã phải buồn biết bao khi gửi Con Trai của Ngài đến chịu nỗi khổ đau không thể hiểu nổi vì tội lỗi của chúng ta. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu thương của Ngài dành cho mỗi người chúng ta!”14

Hành động cao cả đó về tình yêu thương chắc sẽ khiến mỗi chúng ta quỳ xuống trong lời cầu nguyện khiêm nhường để cảm tạ Cha Thiên Thượng của chúng ta vì yêu thương chúng ta nhiều đến mức Ngài đã gửi Con Độc Sinh và hoàn hảo chịu đau khổ cho tội lỗi của chúng ta, nỗi khổ sở và tất cả những điều dường như bất công trong cuộc đời riêng tư của chúng ta.

Các chị em còn nhớ đến người phụ nữ mà Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf mới nói tới gần đây không? Ông nói: “Một người phụ nữ nọ đã trải qua nhiều năm thử thách và đau buồn đã nói qua màn lệ: ‘Tôi bắt đầu nhận biết rằng tôi giống như một tờ giấy bạc 20 đô la—nhàu nát, rách rưới, dơ dáy, bị chà đạp và đầy vết nhơ. Nhưng tôi vẫn là một tờ giấy bạc 20 đô la. Tôi vẫn còn có giá trị nào đó. Mặc dù tôi có thể không trông giống như tờ giấy bạc 20 đô la và mặc dù tôi đã bị tả tơi và xài qua, nhưng tôi vẫn đáng giá 20 đô la trọn vẹn.’”15

Người phụ nữ này biết rằng chị là một người con gái yêu dấu của Cha Thiên Thượng và chị có đủ giá trị để Ngài gửi Con Trai của Ngài đến chuộc tội cho cá nhân chị. Mỗi chị em phụ nữ trong Giáo Hội cần phải biết điều chị phụ nữ này đã biết—rằng chị là người con gái yêu dấu của Thượng Đế. Làm thế nào việc biết được giá trị của chúng ta đối với Ngài thay đổi cách chúng ta tuân giữ các giao ước của mình? Làm thế nào việc biết được giá trị của chúng ta đối với Ngài ảnh hưởng đến ước muốn của chúng ta để phục sự những người khác? Làm thế nào việc biết được giá trị của chúng ta đối với Ngài làm gia tăng ước muốn của chúng ta để giúp đỡ những người cần hiểu được Sự Chuộc Tội như chúng ta—một cách thật cặn kẽ? Khi mỗi người chúng ta có được giáo lý về Sự Chuộc Tội chép vào lòng mình, thì chúng ta sẽ bắt đầu trở thành loại người mà Chúa muốn chúng ta trở thành khi Ngài tái lâm. Ngài sẽ nhận ra chúng ta là các môn đồ chân chính của Ngài.

Cầu xin cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tạo ra một “sự thay đổi lớn lao” trong lòng chúng ta.16 Khi chúng ta nhận thức được giáo lý này, đã được một thiên sứ của Thượng Đế rao truyền là “tin lành vui mừng lớn lao,”17 tôi hứa rằng chúng ta sẽ có cảm nghĩ giống như dân của Vua Bên Gia Min. Sau khi họ đã cầu nguyện khẩn thiết để Sự Chuộc Tội sẽ được áp dụng trong cuộc sống của họ, thì “họ tràn đầy hân hoan”18 và “sẵn lòng lập giao ước với Thượng Đế … để làm theo ý Ngài, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trong mọi điều.”19 Việc lập, tuân giữ, và hân hoan trong các giao ước của chúng ta sẽ là bằng chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thật sự chép vào lòng chúng ta. Xin các chị em hãy ghi nhớ ba nguyên tắc này:

  1. “Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”20

  2. Sự Chuộc Tội chứa đựng quyền năng để làm cho chúng ta có thể khắc phục được con người thiên nhiên và trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.21

  3. Sự Chuộc Tội là bằng chứng hùng hồn nhất chúng ta có về tình yêu thương của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài.22

“Đức Giê Hô Va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y Sơ Ra Ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.”23 Tôi mời chúng ta hãy cầu xin Chúa chép những nguyên tắc này về Sự Chuộc Tội vào lòng chúng ta. Tôi làm chứng rằng những điều này là có thật. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 1:38.

  2. Old Testament: Gospel Doctrine Teacher’s Manual (2001), 198.

  3. Giê Rê Mi 31:33–34; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Jeffrey R. Holland, “Roundtable Discussion,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, ngày 9 tháng Hai năm 2008, 28.

  5. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 52.

  6. Gióp 38:7.

  7. Dallin H. Oaks, “Sự Thử Thách để Trở Nên,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 42.

  8. Quyển Tự Truyện của Mary Lois Walker Morris (bản sao do Linda Kjar Burton sở hữu).

  9. Xin xem David A. Bednar, “Sự Chuộc Tội và Hành Trình trên Trần Thế,” Liahona, tháng Tư năm 2012, 12–19.

  10. Primary 7: New Testament (1997), 104.

  11. Joseph Fielding Smith, Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập (1954–56), 1:123.

  12. Primary 7, 104.

  13. David A. Bednar, Liahona, tháng Tư năm 2012, 14.

  14. Dallin H. Oaks, “Tình Yêu Thương và Luật Pháp,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 26.

  15. Dieter F. Uchtdorf, “Các Ngươi Là Đôi Tay Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 69.

  16. Xin xem An Ma 5:12–14.

  17. Mô Si A 3:3.

  18. Xin xem Mô Si A 4:1–3.

  19. Xin xem Mô Si A 5:2–5.

  20. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 52.

  21. Xin xem David A. Bednar, Liahona, tháng Tư năm 2012, 12–19.

  22. Xin xem Dallin H. Oaks, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 26.

  23. Giê Rê Mi 31:33; sự nhấn mạnh được thêm vào.