2010–2019
Một Bước Gần Hơn với Đấng Cứu Rỗi
Tháng mười 2012


Một Bước Gần Hơn với Đấng Cứu Rỗi

Sự cải đạo là mục tiêu của tất cả việc học hỏi và giảng dạy phúc âm. Sự cải đạo không phải là một sự kiện chỉ được thực hiện một lần, mà là công cuộc tìm kiếm suốt đời để trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Mùa hè vừa qua, một bài viết ngắn của tôi đã được đăng trên hai tạp chí LiahonaEnsign. Con trai tôi gửi email cho tôi nói rằng: “Cha ơi, đáng lẽ cha nên cho chúng con biết khi nào cha có bài được đăng.” Tôi trả lời: “Cha chỉ muốn chắc chắn là các con có đọc các tạp chí Giáo Hội không.” Nó viết lại giải thích rằng đứa con gái 10 tuổi của nó đã “đậu cuộc thi trắc nghiệm này”. Nó lấy quyển Ensign từ hộp thư, đi vào nhà và đọc. Sau đó, nó lên phòng của tụi con và chỉ cho chúng con thấy bài viết của cha.”

Đứa cháu nội của tôi đọc tạp chí Ensign vì nó muốn học hỏi. Nó tự mình hành động bằng cách sử dụng quyền tự quyết của nó. Mới đây, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chấp thuận các nguồn tài liệu học hỏi mới dành cho giới trẻ mà sẽ hỗ trợ ước muốn bẩm sinh của những người trẻ tuổi để học hỏi, sống theo và chia sẻ phúc âm. Những nguồn tài liệu mới này hiện có sẵn để xem lại trực tuyến. Vào tháng Giêng, chúng ta sẽ bắt đầu sử dụng các nguồn tài liêụ này trong lớp học. (Hãy tìm hiểu thêm về các nguồn tài liệu học mới này dành cho giới trẻ tại trang mạng lds.org/youth/learn).

Khi Đấng Cứu Rỗi giảng dạy, quyền tự quyết của người học thật là quan trọng. Ngài cho chúng ta thấy không những điều để giảng dạy mà còn cách để giảng dạy nữa. Ngài tập trung vào nhu cầu của người học. Ngài giúp các cá nhân khám phá ra lẽ thật cho bản thân họ.1 Ngài luôn luôn lắng nghe các câu hỏi của họ.2

Những nguồn tài liệu học hỏi mới này sẽ giúp tất cả chúng ta học hỏi và giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi trong nhà và trong lớp học của mình.3 Khi làm như vậy, chúng ta sẽ đáp ứng lời mời gọi của Ngài để “đến mà theo ta,”4 giống như Anh Cả Robert D. Hales đã giảng dạy một cách thật thấu đáo. Trong khi đang khai triển các nguồn tài liệu mới này, thì tôi thấy các vị lãnh đạo và giảng viên trong các tổ chức bổ trợ và lớp giáo lý hội ý với cha mẹ để họ có thể đáp ứng nhu cầu của các học viên của mình. Tôi đã thấy các thiếu nữ trong lớp học của họ, các thiếu niên trong các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn, và giới trẻ trong Trường Chủ Nhật học cách sử dụng quyền tự quyết của họ và tự hành động lấy một mình.

Một giảng viên Trường Chủ Nhật của giới trẻ đã muốn biết cách giúp hai thiếu niên mắc bệnh tự kỷ sử dụng quyền tự quyết của chúng và tự hành động lấy một mình. Khi mời các học viên chia sẻ điều các em ấy đang học, thì người giảng viên ấy lo rằng hai thiếu niên này có thể từ chối lời mời của họ. Nhưng chúng đã không làm thế. Một em đã đứng lên giảng dạy điều mình học được và rồi mời người bạn cùng lớp mắc bệnh tự kỷ giúp đỡ. Khi em đầu tiên bắt đầu gặp khó khăn, thì đứa bạn học đứng cạnh nó thì thầm vào tai nó để nó có thể cảm thấy đã thành công. Cả hai thiếu niên ấy đều giảng dạy vào ngày đó. Cả hai em ấy giảng dạy điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy, nhưng chúng cũng giảng dạy cách Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Khi Đấng Cứu Rỗi giảng dạy, Ngài đã thể hiện tình yêu thương dành cho người Ngài đang giảng dạy, cũng giống như người bạn học này đã làm cho người bạn của mình.5

Khi học hỏi và giảng dạy lời Ngài theo cách của Ngài, chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Ngài “hãy đến mà theo ta.” Chúng ta đi theo Ngài từng bước một. Với mỗi bước, chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Chúng ta thay đổi. Chúa biết rằng sự phát triển thuộc linh không xảy ra ngay lập tức, mà đến dần dần. Mỗi lần chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Ngài và chọn noi theo Ngài, thì chúng ta tiến triển dọc theo con đường dẫn đến sự cải đạo trọn vẹn.

Sự cải đạo là mục tiêu của tất cả việc học hỏi và giảng dạy phúc âm. Sự cải đạo không phải là một sự kiện được thực hiện chỉ một lần, mà là công cuộc tìm kiếm suốt đời để trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Anh Cả Dallin H. Oaks đã nhắc chúng ta nhớ rằng biết” không thôi thì vẫn chưa đủ. “Được ‘cải đạo’ … đòi hỏi chúng ta phải làmtrở thành.6 Như vậy việc học hỏi cho sự cải đạo là một tiến trình liên tục của việc biết, làm và trở thành. Tương tự như vậy, việc giảng dạy cho sự cải đạo đòi hỏi giáo lý chính yếu, lời mời hành động, và các phước lành đã được hứa.7 Khi giảng dạy giáo lý chân chính, chúng ta giúp học viên biết. Khi mời gọi những người khác hành động, chúng ta giúp họ làm theo hoặc sống theo giáo lý. Và khi các phước lành đến như Chúa đã hứa, thì chúng ta đã thay đổi. Giống như An Ma, chúng ta có thể trở thành những sinh linh mới.8

Các nguồn tài liệu học hỏi mới dành cho giới trẻ có một mục tiêu chính: giúp giới trẻ trở nên được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi mới vừa thấy một thiếu niên trong một lớp học Trường Chủ Nhật của giới trẻ tự mình khám phá ra lẽ thật . Khi nhận thấy rằng em ấy đang gặp khó khăn trong việc suy nghĩ về một kinh nghiệm từ cuộc sống của mình liên quan đến Sự Chuộc Tội, tôi đã hỏi em ấy có bao giờ cảm thấy được tha thứ chưa. Em ấy đáp: “Dạ có, giống như lúc em làm gãy mũi một đứa bạn khi chúng em chơi đá banh. Em cảm thấy khó chịu về điều đó. Em tự hỏi em cần phải làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn. Vậy nên em đi đến nhà đứa bạn đó và xin lỗi nó, nhưng em biết mình cần phải làm nhiều hơn nữa, vậy nên em cầu nguyện, và rồi em cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng cũng đã tha thứ cho em. Đây là ý nghĩa về Sự Chuộc Tội đối với em.”

Khi chia sẻ kinh nghiệm này trong lớp học vào ngày đó, thiếu niên này đã đọc trong Giăng 3:16—“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài”—và rồi làm chứng về quyền năng của Sự Chuộc Tội. Giáo lý này không còn là một khái niệm trừu tượng cho người thiếu niên này, mà đã trở thành một phần của cuộc sống của em ấy vì em ấy tự đặt ra câu hỏi và rồi sử dụng quyền tự quyết của mình để hành động.9

Thiếu niên này cũng như các bạn cùng học trở nên được cải đạo thêm. Các em ấy tập trung vào một giáo lý chính yếu bằng cách nghiên cứu thánh thư. Các em ấy liên kết những lời thiêng liêng đó với cuộc sống của mình và rồi làm chứng về các phước lành đã đến với các em ấy do việc sống theo giáo lý đó. Khi giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tập trung vào thánh thư và lời nói của các vị tiên tri hiện nay. Chúng ta nhờ vào bản văn thiêng liêng để giúp củng cố đức tin, xây đắp chứng ngôn, và giúp mọi người trở nên được cải đạo trọn vẹn. Các nguồn tài liệu học hỏi mới dành cho giới trẻ sẽ giúp tất cả những người sử dụng chúng hiểu và sống theo lời của Thượng Đế.

Trong khi giảng dạy Các Thánh Hữu ở Costa Rica, tôi đã giơ cao quyển sách Teaching, No Greater Call và hỏi: “Vậy có bao nhiêu anh chị em có quyển sách học này?” Hầu như mọi người đều giơ tay lên. Tôi mỉm cười nói: “Và tôi chắc rằng các anh chị em đã đọc sách ấy mỗi ngày.” Trước nỗi ngạc nhiên của tôi, một chị phụ nữ ngồi ở dãy ghế trước giơ tay lên, cho thấy rằng chị đọc sách ấy mỗi ngày. Tôi yêu cầu chị đến bục giảng và giải thích. Chị đáp: “Tôi đọc Sách Mặc Môn mỗi buổi sáng. Rồi tôi đọc một điều gì đó trong sách Teaching, No Greater Call để tôi có thể giảng dạy cho con cái mình điều tôi vừa học được một cách hay nhất.”

Chị ấy muốn học hỏi và giảng dạy lời Ngài theo cách của Ngài, vậy nên chị ấy nghiên cứu lời Ngài trong thánh thư và rồi nghiên cứu cách giảng dạy lời Ngài để con cái của chị có thể được cải đạo một cách trọn vẹn. Tôi tin rằng mẫu mực học hỏi và giảng dạy phúc âm của chị không xảy ra ngay lập tức. Chị đưa ra quyết định để làm một điều gì đó. Và chị càng làm điều chị biết mình nên làm, thì Chúa càng củng cố chị để bước đi trong lối Ngài.

Đôi khi con đường dẫn đến sự cải đạo có thể dài và khó. Người anh vợ của tôi kém tích cực trong Giáo Hội trong 50 năm. Cho đến ngoài 60 tuổi anh mới bắt đầu chấp nhận lời mời gọi hãy trở lại của Đấng Cứu Rỗi. Nhiều người đã giúp anh dọc trên con đường cải đạo. Một giảng viên tại gia gửi cho anh một tấm thiếp bưu điện mỗi tháng trong 22 năm. Nhưng anh phải quyết định là anh muốn trở lại. Anh phải sử dụng quyền tự quyết của mình. Anh phải thực hiện bước đầu tiên đó—rồi một bước nữa và một bước nữa. Giờ đây vợ chồng anh đã được làm lễ gắn bó với nhau và anh đang phục vụ trong một giám trợ đoàn.

Mới gần đây, chúng tôi có cho anh xem các băng video đã được khai triển để giúp các vị lãnh đạo và giảng viên thi hành theo các nguồn tài liệu học hỏi mới. Sau khi xem các băng video này, người anh vợ của tôi ngả người ra trên ghế và có phần xúc động khi nói: “Có lẽ nếu tôi có được cái đó khi còn trẻ thì chắc tôi đã không trở nên kém tích cực.”

Cách đây vài tuần, tôi gặp một thanh niên đang gặp khó khăn. Tôi hỏi em ấy có phải là tín hữu của Giáo Hội không. Em ấy cho tôi biết rằng em ấy theo thuyết bất khả tri, nhưng lúc còn thơ ấu em ấy đã quen biết với Giáo Hội. Khi tôi nói cho em ấy biết về sự kêu gọi của tôi trong Trường Chủ Nhật và rằng tôi sẽ nói chuyện trong đại hội trung ương, thì em ấy nói: “Nếu ông nói chuyện, thì tôi sẽ xem phiên họp đó.” Tôi hy vọng là em ấy đang xem ngày hôm nay. Tôi biết rằng nếu em ấy đang xem, thì em ấy đã học được một điều gì đó. Trung Tâm Đại Hội này là một chỗ đặc biệt để học hỏi và giảng dạy cho sự cải đạo.

Khi sống theo các nguyên tắc đã được giảng dạy bởi những người mình tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, thì chúng ta học hỏi theo cách của Đấng Cứu Rỗi.10 Chúng ta bước một bước gần với Ngài hơn. Khi đại hội này sắp kết thúc, tôi mời mọi người đang nghe tôi nói hãy thực hiện bước đó. Giống như dân Nê Phi thời xưa, chúng ta có thể “trở về nhà mà suy ngẫm những điều đã [được] phán dạy, và hãy cầu xin Đức Chúa Cha trong danh [của Đấng Ky Tô] để [chúng ta] có thể hiểu được.”11

Chúng tôi muốn mỗi người trẻ tuổi hãy hiểu. Chúng tôi muốn họ học hỏi, giảng dạy và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày. Đây là điều Chúa muốn cho tất cả con cái của Ngài. Cho dù các anh chị em là một đứa trẻ, một thiếu niên, thiếu nữ, hoặc một người lớn, thì tôi cũng mời các anh chị em hãy đến và noi theo Ngài. Hãy đến và noi theo bước chân của Ngài. Với mỗi bước của chúng ta, tôi làm chứng rằng Chúa sẽ củng cố chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta đi hết con đường còn lại. Rồi khi xuất hiện những trở ngại, chúng ta sẽ tiếp tục đi. Khi nỗi nghi ngờ đến, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đi. Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại. Chúng ta sẽ không bao giờ sa ngã.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hằng sống. Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi tiếp tục kêu gọi chúng ta như Ngài đã làm trong thời xưa là kêu gọi chúng ta đến cùng Ngài. Chúng ta đều có thể chấp nhận lời mời của Ngài. Chúng ta đều có thể học hỏi, giảng dạy, và sống theo lời Ngài theo cách của Ngài bằng cách bước tới gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ trở nên thật sự được cải đạo. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giăng 3:1–7. Trong đoạn này Đấng Cứu Rỗi trả lời câu hỏi mà chính Ni Cô Đem đã đặt ra. Ngài đã giảng dạy theo nhu cầu của Ni Cô Đem. Ngài cho phép Ni Cô Đem vận dụng quyền tự quyết của ông để học hỏi. Ngài đã giúp Ni Cô đem tự khám phá ra câu trả lời.

  2. Xin xem Giăng 3:4; Joseph Smith—Lịch Sử 1:18.

  3. Xin xem “Teaching the Gospel in the Savior’s Way,” lds.org/youth/learn/guidebook/teaching.

  4. Xin xem Lu Ca 18:18–22.

  5. Xin xem 1 Giăng 4:19.

  6. Dallin H. Oaks, “Sự Thử Thách để Trở Thành,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 41: “Làm chứng là biếttuyên bố. Phúc âm thử thách chúng ta ‘được cải đạo,’ tức là đòi hỏi chúng ta phải làmtrở nên. Nếu bất cứ ai trong chúng ta chỉ dựa vào sự hiểu biết và chứng ngôn của mình về phúc âm, thì chúng ta cũng ở trong cùng một vị thế của người được phước nhưng vẫn chưa phải là những Sứ Đồ thực thụ mà Chúa Giê Su đã thử thách phải được ‘cải đạo.’ Chúng ta đều biết một người nào đó có được một chứng ngôn vững mạnh nhưng không hành động theo chứng ngôn đó để trở nên được cải đạo.”

  7. Xin xem Áp Ra Ham 2:11.

  8. Xin xem Mô Si A 27:24–26; 2 Cô Rinh Tô 5:17.

  9. Xin xem David A. Bednar, “Dùng Sự Bền Đổ Trọn Vẹn mà Tỉnh Thức,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 43: “Các anh chị em và tôi có đang giúp con cái mình trở thành những người hành động và tìm kiếm việc học hỏi bằng cách nghiên cứu cũng như bằng đức tin không, hay là chúng ta đã huấn luyện con cái mình phải chờ để được dạy dỗ và bị tác động? Là cha mẹ, chúng ta có cho con cái mình số cá thuộc linh tương đương để ăn, hay là chúng ta có kiên định giúp chúng hành động, tự học hỏi và có lòng vững chắc không lay chuyển không? Chúng ta có đang giúp con cái mình trở nên thiết tha nhiệt thành trong việc cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa không?”

  10. Xin xem Dennis B. Neuenschwander, “Living Prophets, Seers, and Revelators,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 49–51.

  11. 3 Nê Phi 17:3.