2010–2019
Bảo Vệ Trẻ Em
Tháng mười 2012


Bảo Vệ Trẻ Em

Xin đừng có ai chống lại lời khẩn nài rằng chúng ta đoàn kết để gia tăng mối quan tâm của mình đối với vấn đề an sinh và tương lai của trẻ em—là thế hệ đang vươn lên.

Chúng ta đều có thể nhớ tới cảm nghĩ của mình khi một đứa trẻ khóc la và tìm đến chúng ta để được giúp đỡ. Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho chúng ta những cảm nghĩ đó để soi dẫn chúng ta phải giúp đỡ con cái của Ngài. Xin hãy nhớ tới những cảm nghĩ đó trong khi tôi nói về trách nhiệm của chúng ta để bảo vệ và hành động vì sự an lạc của trẻ em.

Tôi nói từ quan điểm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, kể cả kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Đó là sự kêu gọi của tôi. Các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương có trách nhiệm đối với một khu vực duy nhất nằm trong phạm vi quyền hạn, giống như một tiểu giáo khu hay giáo khu, nhưng một Sứ Đồ có trách nhiệm để làm chứng cho toàn thể thế gian. Trong mỗi quốc gia, thuộc mỗi chủng tộc và tín ngưỡng, tất cả trẻ em đều là con cái của Thượng Đế.

Mặc dù tôi không nói chuyện về chính trị hoặc chính sách công cộng, giống như các vị lãnh đạo khác của giáo hội, tôi không thể biện hộ cho vấn đề an lạc của trẻ em mà không thảo luận về những điều lựa chọn được các công dân, viên chức chính phủ và những người làm việc cho các tổ chức tư nhân đưa ra. Chúng ta đều được Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, nhất là chăm sóc cho người yếu đuối và bất lực.

Trẻ em rất dễ bị tổn thương. Chúng có ít hoặc không có sức mạnh để bảo vệ hoặc lo liệu cho bản thân và có ít ảnh hưởng đến nhiều điều thiết yếu cho sự an sinh của chúng. Trẻ em cần những người khác biện hộ cho chúng và đưa ra quyết định với mục đích đặt sự an sinh của chúng lên trên sở thích ích kỷ của người lớn.

I.

Trên toàn thế giới, chúng ta sửng sốt trước hàng triệu trẻ em là nạn nhân của tội ác và tính ích kỷ của người lớn.

Ở một số nước đang có chiến tranh, trẻ em bị bắt cóc để đi lính trong quân đội đang chiến đấu.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước lượng có gần hai triệu trẻ em là nạn nhân của nạn mại dâm và hình ảnh sách báo khiêu dâm mỗi năm.1

Theo quan điểm của kế hoạch cứu rỗi, một trong những điều lạm dụng nghiêm trọng nhất đối với trẻ em là không cho chúng chào đời. Đây là khuynh hướng trên toàn cầu. Tỷ lệ sinh nở của quốc gia ở Hoa Kỳ là thấp nhất trong 25 năm qua,2 và tỷ lệ sinh nở ở hầu hết các nước Châu Âu và Châu Á đã ở dưới mức thay thế trong nhiều năm. Đây không phải chỉ là một vấn đề tôn giáo. Khi những thế hệ đang vươn lên bị giảm bớt về số lượng, thì các nền văn hóa và ngay cả các quốc gia sẽ bị suy yếu và cuối cùng biến mất.

Một nguyên nhân của tỷ lệ sinh nở đang giảm dần là hành động phá thai. Trên thế giới, người ta ước tính có hơn 40 triệu ca phá thai mỗi năm.3 Nhiều luật lệ cho phép hoặc thậm chí còn khuyến khích phá thai, nhưng đối với chúng ta đây là một tội ác khủng khiếp. Những việc lạm dụng khác đối với trẻ em xảy ra trong thời kỳ mang thai là làm hại thai nhi do thiếu dinh dưỡng hoặc việc sử dụng ma túy của người mẹ.

Thật là trớ trêu và bi thảm biết bao khi vô số các trẻ em bị phá lúc còn là bào thai hoặc bị thương trước khi sinh ra trong khi có nhiều cặp vợ chồng không con khát khao và tìm kiếm trẻ sơ sinh để làm con nuôi.

Việc lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em sau khi chúng sinh ra càng ngày càng được thấy công khai hơn. Trên toàn thế giới, gần tám triệu trẻ em chết trước ngày sinh nhật thứ năm của chúng, hầu hết là từ các căn bệnh có thể điều trị lẫn phòng ngừa được.4 Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo cáo rằng một trong bốn trẻ em chậm phát triển, về mặt tinh thần lẫn thể chất, là vì không có đủ dinh dưỡng.5 Vì sống ở hải ngoại và đi nhiều nơi trên thế giới, nên giới lãnh đạo Giáo Hội như chúng tôi thấy nhiều điều như vậy. Chủ tịch đoàn trung ương của Hội Thiếu Nhi báo cáo rằng các trẻ em sống trong những điều kiện “vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta.” Một người mẹ ở Philippine nói:” Đôi khi chúng tôi không có đủ tiền để mua thực phẩm, nhưng không sao vì điều đó cho tôi cơ hội để giảng dạy cho con cái của tôi về đức tin. Chúng tôi nhóm họp lại và cầu nguyện để được trợ giúp, và con cái thấy Chúa ban phước cho chúng tôi.”6 Tại Nam Phi, một người phục vụ trong Hội Thiếu Nhi đã gặp một đứa bé gái cô đơn và buồn bã. Khi nhỏ nhẹ trả lời cho những câu hỏi đầy tình thương, nó nói là nó mồ côi cha mẹ, và không có bà nội—chỉ còn ông nội để chăm sóc nó.7 Thảm kịch như vậy rất phổ biến trên một lục địa nơi có nhiều nhân viên điều dưỡng chết vì bệnh AIDS.

Ngay cả tại các quốc gia giàu có, trẻ em và giới trẻ cũng bị tổn thương vì bị bỏ bê. Trẻ em lớn lên trong cảnh nghèo khó đều không được chăm sóc sức khỏe đúng mức và không có cơ hội học hành đầy đủ. Chúng cũng tiếp xúc với các môi trường nguy hiểm xung quanh về mặt thể chất và văn hóa thậm chí còn từ việc bị cha mẹ chúng bỏ bê. Mới gần đây, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã chia sẻ kinh nghiệm của một viên cảnh sát Thánh Hữu Ngày Sau. Trong một cuộc điều tra, ông đã bắt gặp năm đứa trẻ túm tụm vào nhau và cố gắng ngủ trên một sàn nhà dơ bẩn, không có giường, nệm, hay gối gì cả ở một căn hộ trong khi mẹ chúng và những người khác đang say sưa tiệc tùng. Căn hộ này không có thức ăn để làm giảm cơn đói của chúng. Sau khi đặt mấy đứa trẻ này vào một cái giường tạm, viên cảnh sát ấy quỳ xuống cầu nguyện để xin cho chúng được bảo vệ. Khi ông đi gần đến cửa để ra về, một trong số những đứa trẻ đó, khoảng sáu tuổi, chạy theo ông, nắm lấy tay ông, và khẩn nài: “Ông làm ơn nhận cháu làm con nuôi được không?”8

Chúng ta còn nhớ lời dạy của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài đặt một trẻ nhỏ trước các tín đồ của Ngài và phán:

“Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta.

“Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn” (Ma Thi Ơ 18:5–6).

Khi xem xét những mối nguy hiểm mà từ đó trẻ em cần được bảo vệ, thì chúng ta cũng nên bao gồm cả sự lạm dụng về mặt tâm lý. Cha mẹ hoặc những người chăm sóc khác hay giáo viên hoặc bạn bè là những người làm nhục, bắt nạt, hoặc làm bẽ mặt trẻ em hoặc giới trẻ thì đều có thể gây ra tác hại lâu dài hơn đối với vết thương về mặt thể chất. Việc làm cho một đứa trẻ hoặc giới trẻ cảm thấy vô dụng, không được yêu thương, hoặc không được cần đến đều có thể gây ra tác hại nghiêm trọng và lâu dài về mặt cảm xúc và phát triển.9 Giới trẻ gặp khó khăn với bất cứ tình trạng khác thường nào, kể cả tình trạng lôi cuốn đồng giới tính, đều đặc biệt dễ bị tổn thương và cần tình thương cũng như lòng cảm thông—chứ không phải việc bắt nạt hoặc không chấp nhận.10

Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể hối cải, thay đổi cũng như trở nên nhân từ và mang lại lợi ích nhiều hơn đối với trẻ em—con cái của chúng ta và trẻ em ở xung quanh.

II.

Có một vài ví dụ về các mối đe dọa về mặt thể chất hay tình cảm đối với trẻ em cũng quan trọng như những phát sinh từ mối quan hệ của chúng với cha mẹ hoặc người giám hộ của chúng. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói về điều ông gọi là “những hành động xấu xa” để lạm dụng trẻ em, khi cha hoặc mẹ đã đánh gãy xương hoặc làm biến dạng một đứa con, về mặt thể chất hoặc tình cảm.11 Lòng tôi buồn bã khi phải nghiên cứu các bằng chứng gây sửng sốt của những trường hợp như vậy trong thời gian tôi phục vụ trong Tòa Án Tối Cao Utah.

Điều quan trọng bậc nhất đối với vấn đề an sinh của trẻ em là cha mẹ của chúng có kết hôn hay không, tính chất và thời gian kết hôn, còn rộng hơn nữa là nền văn hóa và những kỳ vọng đối với hôn nhân và cách chăm sóc trẻ em nơi chúng sinh sống. Hai học giả về gia đình giải thích: “Trong suốt lịch sử, từ lúc ban đầu và trên hết hôn nhân vẫn là nơi để bắt đầu việc sinh sản và nuôi con. Hôn nhân đã mang lại mối ràng buộc về văn hóa nhằm tìm cách liên kết cha với con bằng cách ràng buộc cha với mẹ của con cái người cha ấy. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trẻ em ngày càng không phải là trọng tâm.”12

Một giáo sư luật của trường Harvard mô tả luật hiện hành cũng như thái độ đối với hôn nhân và ly dị: “Thái độ [hiện nay] của người Mỹ về hôn nhân, như đã được nêu ra trong luật pháp và phổ biến nhiều trong văn học, là đại khái giống như sau: hôn nhân là một mối quan hệ tồn tại chủ yếu cho sự thành tựu của mỗi người phối ngẫu. Nếu hôn nhân không còn thực hiện chức năng này, thì không có ai để đổ lỗi và vợ hoặc chồng có thể chấm dứt cuộc hôn nhân đó, nếu muốn. … Con cái hầu như không được lưu ý đến trong những tình huống này; nhiều nhất là chúng được nghĩ là những người kém quan trọng để được lưu ý đến trong tình huống này.”13

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã dạy rằng việc nghĩ rằng “hôn nhân chỉ là một hợp đồng mà có thể được ký kết khi tùy thích … và hủy bỏ khi gặp khó khăn đầu tiên … là một hành động tà ác đáng bị lên án nghiêm khắc,” nhất là khi “con cái phải chịu đau khổ.”14 Và con cái bị ảnh hưởng bởi việc ly dị. Hơn một nửa cuộc ly dị trong một năm gần đây liên quan đến những cặp vợ chồng có con còn nhỏ.15

Nhiều trẻ em sẽ có phước lành được cả cha lẫn mẹ nuôi dưỡng nếu cha mẹ chúng đã tuân theo lời giảng dạy đầy cảm ứng này trong bản tuyên ngôn về gia đình: “Vợ chồng có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình… . Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, [và] dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau.”16 Lời giảng dạy mạnh mẽ nhất cho con cái là qua tấm gương của cha mẹ chúng. Việc cha mẹ ly dị chắc hẳn là dạy một bài học có ảnh hưởng tiêu cực.

Chắc chắn có một số trường hợp ly dị là cần thiết vì lợi ích của con cái, nhưng các trường hợp đó là ngoại lệ.17 Trong hầu hết các cuộc hôn nhân gặp khó khăn, khi cha mẹ thường gây lộn với nhau, họ nên suy nghĩ nhiều hơn đến lợi ích của con cái. Với sự giúp đỡ của Chúa, họ có thể làm như vậy. Con cái cần có sức mạnh về mặt cảm xúc và cá nhân đến từ việc nuôi dưỡng bởi cả hai cha mẹ, là những người đoàn kết trong hôn nhân và mục tiêu của họ. Là một đứa con được nuôi dưỡng bởi một người mẹ góa, tôi biết rõ rằng điều này không phải lúc nào cũng có thể đạt được, nhưng đó là lý tưởng cần phải được tìm kiếm bất cứ khi nào có thể được.

Con cái là nạn nhân đầu tiên của luật pháp hiện hành mà đã cho phép điều gọi là “không ai có lỗi trong cuộc ly dị.” Từ góc nhìn của con cái, sự ly dị là quá dễ dàng. Khi tổng kết nhiều thập niên nghiên cứu khoa học xã hội, một học giả đã cẩn thận kết luận rằng “cấu trúc gia đình tạo ra kết quả tốt nhất cho con cái, nói chung là gồm có hai cha mẹ ruột vẫn còn kết hôn.”18 Một nhà văn của tờ báo New York Times ghi nhận “sự kiện đáng chú ý đầy kinh ngạc là ngay cả hôn nhân truyền thống cũng đã suy giảm ở Hoa Kỳ … bằng chứng đó đã gia tăng cho tầm quan trọng của thể chế hôn nhân đối với sự an sinh của con cái.”19 Sự thật đó nên là sự hướng dẫn quan trọng cho các bậc cha mẹ và cha mẹ tương lai trong quyết định của họ liên quan đến hôn nhân và ly dị. Chúng ta cũng cần các nhà chính trị, những người lập chính sách, và các chức sắc phải chú ý nhiều hơn đến điều gì là tốt nhất cho trẻ em thay vì những quyền lợi ích kỷ của cử tri và những người lớn tiếng ủng hộ những quyền lợi dành cho người lớn.

Trẻ em cũng là nạn nhân của những cuộc hôn nhân không hề xảy ra. Một vài sự kiện về vấn đề an sinh của thế hệ đang vươn lên của chúng ta có nhiều xáo trộn hơn bản báo cáo gần đây cho thấy rằng có 41 phần trăm tất cả các ca trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ là từ những phụ nữ không kết hôn.20 Những người mẹ không kết hôn gặp nhiều điều thử thách, và bằng chứng rõ ràng là con cái của họ chịu thiệt thòi đáng kể so với các trẻ em lớn lên với cha mẹ có kết hôn.21

Đa số trẻ em sinh ra từ những người mẹ không kết hôn—58 phần trăm—là con của một cặp ăn ở với nhau nhưng không kết hôn.22 Bất cứ điều gì chúng ta có thể nói về một cặp ăn ở với nhau nhưng không kết hôn, thì những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng con cái của họ chịu thiệt thòi đáng kể so với các trẻ em khác.23 Đối với con cái, một cuộc hôn nhân tương đối ổn định là quan trọng.

Chúng ta cũng nên nghĩ rằng trẻ em được nuôi dưỡng bởi một cặp cùng giới tính cũng bị thiệt thòi tương tự. Tài liệu khoa học xã hội đang gây tranh cãi và tranh luận về phương diện chính trị trong ảnh hưởng lâu dài của điều này đối với trẻ em, chủ yếu bởi vì, như nhà văn của tờ báo New York Times đã nhận xét: “Hôn nhân đồng tính là một thử nghiệm xã hội, và giống như hầu hết các thử nghiệm, người ta sẽ cần có thời gian để hiểu hậu quả của nó.”24

III.

Tôi đã nói thay cho trẻ em—trẻ em ở khắp mọi nơi. Một số người có thể từ chối một số ví dụ này, nhưng xin đừng có ai chống lại lời khẩn nài rằng chúng ta đoàn kết để gia tăng mối quan tâm của mình đối với vấn đề an sinh và tương lai của trẻ em—là thế hệ đang vươn lên.

Chúng tôi đang nói về con cái của Thượng Đế, và với sự giúp đỡ mạnh mẽ của Ngài, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ trẻ em. Trong lời khẩn nài này, tôi không những ngỏ lời cùng Các Thánh Hữu Ngày Sau mà còn với tất cả những người có đức tin ở tôn giáo và những người khác có một hệ thống giá trị làm cho họ đặt nhu cầu của họ sau nhu cầu của những người khác, nhất là vì vấn đề an sinh của trẻ em.25

Những người có đạo cũng ý thức được lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Kinh Tân Ước rằng trẻ em thanh khiết là vai trò mẫu mực về lòng khiêm nhường và dễ dạy đối với chúng ta.

“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

“Hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng” (Ma Thi Ơ 18:3–4).

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về việc Chúa phục sinh giảng dạy cho dân Nê Phi rằng họ cần phải hối cải và chịu phép báp têm “và trở thành như trẻ nhỏ” nếu không thì họ không thể thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế (3 Nê Phi 11:38; xin xem thêm Mô Rô Ni 8:10).

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ hạ mình như trẻ em và tìm cách bảo vệ trẻ em của mình, vì chúng là tương lai cho chúng ta, cho Giáo Hội và cho quốc gia của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem UNICEF, The State of the World’s Children 2005: Childhood under Threat (2004), 26.

  2. Xin xem Haya El Nasser, “National Birthrate Lowest in 25 Years,” USA Today, July 26, 2012, A1.

  3. Xin xem Gilda Sedgh và các tác giả khác, “Induced Abortion: Incidence and Trends Worldwide from 1995 to 2008,” The Lancet, tập 379, số 9816 (ngày 18 tháng Hai năm 2012), 625–32.

  4. Xin xem UNICEF, “Young Child Survival and Development,” http://www.unicef.org/childsurvival/index.html.

  5. Xin xem World Health Organization (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), World Health Statistics 2012 (2012), 109, 118.

  6. Bản báo cáo của chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi, ngày 13 tháng Chín năm 2012.

  7. Bản báo cáo của chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi.

  8. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế Đang Kêu Gọi” (Buổi họp đặc biệt devotional Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 9 tháng Chín năm 2012), lds.org/broadcasts; Xin xem thêm R. Scott Lloyd, “Zion Not Only Where, but How We Live, Says Elder Holland,” Deseret News, ngày 10 tháng Chín năm 2012, B2.

  9. Xin xem Kim Painter, “Parents Can Inflict Deep Emotional Harm,” USA Today, ngày 30 tháng Bảy năm 2012, B8; Rachel Lowry, “Mental Abuse as Injurious as Other Forms of Child Abuse, Study Shows,” Deseret News, ngày 5 tháng Tám năm 2012, A3.

  10. Xin xem “End the Abuses,” Deseret News, ngày 12 tháng Sáu năm 2012, A10.

  11. Thomas S. Monson, “A Little Child Shall Lead Them,” Liahona, tháng Sáu năm 2002, 2.

  12. W. Bradford Wilcox và Elizabeth Marquardt, biên tập, The State of Our Unions: Marriage in America (2011), 82.

  13. Mary Ann Glendon, Abortion and Divorce in Western Law: American Failures, European Challenges (1987), 108.

  14. David O. McKay, “Structure of the Home Threatened by Irresponsibility and Divorce,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1969, 5.

  15. Xin xem Diana B. Elliott and Tavia Simmons, “Marital Events of Americans: 2009,” American Community Survey Reports, tháng Tám năm 2011.

  16. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  17. Xin xem Dallin H. Oaks, “Ly Dị,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 71.

  18. Charles Murray, Coming Apart: The State of White America, 1960–2010 (2012), 158.

  19. Ross Douthat, “Gay Parents and the Marriage Debate,” New York Times, ngày 11 tháng Sáu năm 2012, http://douthat.blogs.nytimes.com/2012/06/11/gay-parents-and-the-marriage-debate.

  20. Xin xem Joyce A. Martin và các tác giả khác, “Births: Final Data for 2010,” National Vital Statistics Reports, tập 61, số 1 (tháng Tám năm 2012), 10.

  21. Xin xem William J. Doherty và các tác giả khác, Why Marriage Matters: Twenty-One Conclusions from the Social Sciences (2002); W. Bradford Wilcox và các tác giả khác, Why Marriage Matters: Thirty Conclusions from the Social Sciences, xuất bản lần thứ 3 (2011).

  22. Xin xem Martin, “Births: Final Data for 2010,” 10–11.

  23. Xin xem Wilcox, Why Marriage Matters.

  24. Douthat, “Gay Parents and the Marriage Debate.” Cuộc nghiên cứu mới nhất và toàn diện nhất tìm thấy những bất lợi đáng kể được báo cáo bởi các thành niên trẻ tuổi với một người cha hay mẹ có mối quan hệ đồng tính trước khi đứa trẻ lên 18 tuổi (Xin xem Mark Regnerus, “How Different Are the Adult Children of Parents Who Have Same-Sex Relationships? Findings from the New Family Structures Study,” Social Science Research, tập 41 [2012], 752–70).

  25. Các Thánh Hữu Ngày Sau đã cam kết một cách đặc biệt với vai trò làm cha mẹ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống (Xin xem Pew Research Center’s Forum on Religion and Public Life, Mormons in America: Certain in Their Beliefs, Uncertain of Their Place in Society, ngày 12 tháng Giêng năm 2012, 10, 16, 51).