2010–2019
Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành
Tháng mười 2012


Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành

Chúng ta cần phải phát huy khả năng để thấy những người khác không phải là con người hiện tại mà là con người họ có thể trở thành.

Các anh em thân mến, cứ mỗi năm hai lần, Trung Tâm Đại Hội vĩ đại này đầy nghẹt những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế trong khi chúng ta quy tụ lại để nghe những sứ điệp đầy soi dẫn. Buổi họp trung ương của chức tư tế của Giáo Hội ngập tràn một tinh thần kỳ diệu. Tinh thần này lan tỏa từ Trung Tâm Đại Hội đến mỗi tòa nhà nơi có các con trai của Thượng Đế đang nhóm họp. Chúng ta chắc chắn đã cảm nhận được tinh thần đó buổi tối hôm nay.

Cách đây vài năm, trước khi Trung Tâm Đại Hội tuyệt mỹ này được xây lên, một người khách đến tham quan Khuôn Viên Đền Thờ ở Salt Lake City và tham dự một phiên họp đại hội trong Đại Thính Đường. Người ấy lắng nghe những sứ điệp của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Người ấy chú ý đến những lời cầu nguyện. Người ấy nghe những ca khúc tuyệt vời của Đại Ca Đoàn Tabernacle. Người ấy kinh ngạc trước vẻ vĩ đại của cây đại phong cầm nguy nga của Đại Thính Đường. Sau khi buổi họp kết thúc, người ấy nghe một người nào đó nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi hết tất cả mọi thứ tôi có nếu tôi biết được điều những người nói chuyện đã nói là có thật.” Thật ra người ấy có ý nói là: “Ước gì tôi có được một chứng ngôn về phúc âm.”

Tuyệt đối không có điều gì trên thế gian này lại mang đến an ủi và hạnh phúc hơn một chứng ngôn về lẽ thật. Mặc dù các chứng ngôn đó thay đổi theo mức độ lúc mạnh lúc yếu, nhưng tôi tin rằng mỗi người đàn ông hoặc thiếu niên ở đây buổi tối hôm nay đều có một chứng ngôn. Nếu các anh em thấy rằng mình chưa có chứng ngôn vững mạnh như mong muốn—và có lẽ đó là cảm nghĩ của hầu hết chúng ta—thì tôi khuyên nhủ các anh em hãy cố gắng đạt được một chứng ngôn như vậy. Nếu chứng ngôn ấy mạnh mẽ và vững vàng thì hãy cố gắng giữ vững chứng ngôn ấy. Chúng ta được phước biết bao để có được một sự hiểu biết về lẽ thật.

Thưa các anh em, sứ điệp của tôi buổi tối hôm nay là có nhiều người hiện đang có rất ít hoặc không có chứng ngôn; tuy nhiên, họ sẵn lòng nhận được một chứng ngôn nếu chúng ta sẵn lòng cố gắng chia sẻ chứng ngôn của mình với họ và giúp họ thay đổi. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể khích lệ để họ thay đổi. Trước hết, tôi xin nói về những người là tín hữu nhưng hiện đang không cam kết trọn vẹn với phúc âm.

Cách đây nhiều năm, tại một đại hội giáo vùng tổ chức ở Helsinki, Phần Lan, tôi đã nghe một sứ điệp hùng hồn, đáng nhớ và đầy động cơ thúc đẩy được đưa ra trong một phiên họp của những người mẹ và con gái. Tôi đã không quên sứ điệp đó, mặc dù đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi tôi nghe được sứ điệp đó. Trong số nhiều lẽ thật mà người nói chuyện đã thảo luận, chị ấy nói rằng một người phụ nữ cần phải được nói cho biết là mình đẹp. Người phụ nữ cần phải được nói là mình đáng quý. Người phụ nữ cần phải được nói là mình đáng giá.

Thưa các anh em, tôi biết rằng nam giới cũng giống như phụ nữ về phương diện này. Chúng ta cần được cho biết rằng mình có giá trị, rằng chúng ta có khả năng và đáng giá. Chúng ta cần có được một cơ hội để phục vụ. Đối với các tín hữu không tích cực hoặc đang do dự để tích cực trở lại, chúng ta có thể thành tâm tìm kiếm để tìm tới họ một cách nào đó. Việc mời họ phục vụ trong một nhiệm vụ nào đó có lẽ đúng là điều cần để khuyến khích họ trở lại tích cực hoàn toàn. Nhưng đôi khi các vị lãnh đạo lại miễn cưỡng để giúp đỡ bằng cách kêu gọi họ phục vụ. Chúng ta cần phải nhớ rằng con người có thể thay đổi. Họ có thể từ bỏ những thói quen xấu. Họ có thể hối cải những điều phạm giới của họ. Họ có thể mang chức tư tế một cách xứng đáng. Và họ có thể phục vụ Chúa một cách siêng năng. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ.

Khi mới trở thành một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tôi đã có cơ hội để đi với Chủ Tịch N. Eldon Tanner, ông là một cố vấn cho Chủ Tịch David O. McKay, đến một đại hội giáo khu ở Alberta, Canada. Trong buổi họp, vị chủ tịch giáo khu đọc tên của bốn anh em đã hội đủ điều kiện để được sắc phong chức anh cả. Chủ Tịch Tanner biết những người này, vì có một thời gian, ông đã sống trong khu vực đó. Nhưng Chủ Tịch Tanner biết và nhớ họ trước đây cũng như không biết rằng cuộc sống của họ đã hoàn toàn thay đổi và họ đã được hội đủ điều kiện trọn vẹn để trở thành anh cả.

Vị chủ tịch giáo khu đọc tên của người thứ nhất và yêu cầu người này đứng lên. Chủ Tịch Tanner thì thầm với tôi: “Hãy nhìn anh ấy. Tôi không bao giờ nghĩ là anh ấy xứng đáng để nhận chức anh cả đâu.” Vị chủ tịch giáo khu đọc tên của người thứ hai, và người này đứng dậy. Chủ Tịch Tanner thúc vào tay tôi một lần nữa và cho biết về nỗi ngạc nhiên của ông. Và ông đều đã ngạc nhiên giống như vậy đối với cả bốn người anh em đó.

Sau buổi họp, Chủ Tịch Tanner và tôi có cơ hội để chúc mừng bốn người anh em này. Họ đã cho chúng tôi thấy là con người có thể thay đổi.

Trong các thập niên 1940 và 1950, một quản đốc nhà tù người Mỹ là Clinton Duffy, rất nổi tiếng về những nỗ lực để cải tạo phục hồi những người đàn ông trong nhà tù của ông. Một nhà phê bình nói: “Ông nên biết rằng các con báo không thay đổi đốm đen trên da chúng!

Warden Duffy đáp: “Ông nên biết rằng tôi không làm việc với các con báo. Tôi làm việc với con người, và con người thì thay đổi mỗi ngày.”1

Cách đây nhiều năm, tôi có cơ hội phục vụ với tư cách là chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Canada. Ở đó chúng tôi có một chi nhánh với rất ít người nắm giữ chức tư tế. Chúng tôi luôn luôn có một người truyền giáo chủ tọa chi nhánh. Tôi đã nhận được một ấn tượng mạnh mẽ rằng chúng tôi cần phải có một tín hữu của chi nhánh để chủ tọa ở đó.

Chúng tôi có một tín hữu thành niên trong chi nhánh là một thầy trợ tế trong Chức Tư Tế A Rôn nhưng không tham gia hoặc tham dự đủ để được tiến triển trong chức tư tế. Tôi cảm thấy được soi dẫn để kêu gọi anh ta làm chủ tịch chi nhánh. Tôi sẽ nhớ mãi cái ngày tôi phỏng vấn anh ta. Tôi nói cho anh ta biết rằng Chúa đã soi dẫn cho tôi để kêu gọi anh ta làm chủ tịch của chi nhánh. Sau khi đã phản đối nhiều, và nhiều lời khích lệ từ người vợ, anh ta cho thấy rằng anh ta sẽ phục vụ. Tôi sắc phong cho anh ta làm thầy tư tế.

Đó là một khởi đầu mới mẻ đối với anh ta. Cuộc sống của anh ta được nhanh chóng sắp xếp có thứ tự, và anh ta bảo đảm với tôi rằng anh ta sẽ sống theo các lệnh truyền như đã được trông mong . Trong một vài tháng, anh ta được sắc phong chức anh cả. Vợ chồng và gia đình anh ta đi đền thờ và được làm lễ gắn bó. Con cái của họ đã đi phục vụ truyền giáo và kết hôn trong nhà của Chúa.

Đôi khi, việc để cho các anh em tín hữu của chúng ta biết rằng họ được cần đến và quý trọng thì có thể giúp họ dần dần cam kết và tích cực trọn vẹn. Điều này có thể đúng đối với những người nắm giữ chức tư tế bất kể tuổi tác. Chúng ta có trách nhiệm mang đến cho họ cơ hội để sống theo như họ phải sống. Chúng ta có thể giúp họ khắc phục những điều thất bại của họ. Chúng ta cần phải phát huy khả năng để thấy những người khác không phải là con người hiện tại mà là con người họ có thể trở thành khi nhận được chứng ngôn về phúc âm của Đấng Ky Tô.

Có lần tôi tham dự một buổi họp ở Leadville, Colorado. Leadville nằm ở độ cao hơn 3.000 mét. Tôi còn nhớ buổi họp đặc biệt đó bởi vì độ cao, nhưng tôi cũng nhớ vì điều đã xảy ra tối hôm đó. Chỉ có rất ít người nắm giữ chức tư tế hiện diện. Cũng giống như chi nhánh trong Phái Bộ Truyền Giáo Canada, chi nhánh đó được một người truyền giáo chủ tọa và đã luôn luôn là như thế.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi có một buổi họp tuyệt vời, nhưng trong khi chúng tôi hát bài ca kết thúc, thì sự soi dẫn đến với tôi là cần phải có một chủ tịch địa phương để chủ tọa chi nhánh ấy. Tôi quay sang vị chủ tịch phái bộ truyền giáo và hỏi: “Có ai ở đây có thể chủ tọa không—một người địa phương?”

Vị chủ tịch đáp: “Dạ, tôi không biết một người nào cả.”

Trong lúc hát bài ca đó, tôi nhìn kỹ vào những người đàn ông đang ngồi ở ba dãy ghế đầu. Sự chú ý của tôi dường như tập trung vào một người anh em. Tôi nói với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo: “Anh ấy có thể phục vụ với tư cách là chủ tịch chi nhánh không?”

Vị chủ tịch đáp: “Tôi không biết. Có lẽ có thể được.”

Tôi nói: “Chủ tịch, tôi sẽ mang anh ấy vào căn phòng khác và phỏng vấn anh ấy. Chủ tịch cứ nói chuyện sau bài ca kết thúc cho đến khi chúng tôi trở lại nhé.”

Khi hai chúng tôi quay trở lại căn phòng, thì vị chủ tịch phái bộ truyền giáo vừa kết thúc chứng ngôn của mình. Tôi trình tên của người anh em sẽ là chủ tịch mới của chi nhánh. Kể từ ngày đó trở đi, Leadville, Colorado, có một tín hữu địa phương lãnh đạo đơn vị ở đó.

Thưa các anh em, cũng một nguyên tắc đó áp dụng cho những người chưa phải là tín hữu. Chúng ta nên phát huy khả năng để nhìn người khác không phải theo con người hiện tại của họ mà là con người mà họ có thể trở thành khi họ là tín hữu của Giáo Hội, khi họ có chứng ngôn về phúc âm, và khi cuộc sống của họ phù hợp với những lời giảng dạy của Giáo Hội.

Vào năm 1961, một đại hội toàn cầu được tổ chức cho các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, và mỗi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo trong Giáo Hội được mang đến Salt Lake City cho các buổi họp đó. Tôi đến Salt Lake City từ phái bộ truyền giáo của mình ở Toronto, Canada.

Trong một buổi họp đặc biệt, N. Eldon Tanner, lúc bấy giờ là Phụ Tá của Nhóm Túc Số Mười Hai, vừa mới trở về từ kinh nghiệm đầu tiên của ông chủ tọa các phái bộ truyền giáo ở Anh và Tây Âu. Ông nói về một người truyền giáo từng là người truyền giáo thành công nhất mà ông đã gặp trong tất cả những cuộc phỏng vấn ông điều khiển. Ông nói rằng khi ông phỏng vấn người truyền giáo đó, ông đã nói với người ấy: “Tôi nghĩ rằng tất cả những người anh làm phép báp têm đều gia nhập Giáo Hội vì đã được giới thiệu.”

Người thanh niên đáp: “Dạ không ạ, chúng tôi tìm ra họ bằng cách đi gõ cửa nhà họ.”

Anh Tanner hỏi người ấy xem có điều gì khác biệt trong cách tiếp xúc của người ấy—tại sao người ấy thành công phi thường trong khi những người khác lại không được như vậy. Người thanh niên nói rằng anh ta cố gắng làm phép báp têm cho mỗi người anh ta gặp. Anh ta nói rằng nếu anh ta gõ cửa và thấy một người đàn ông hút thuốc mặc quần áo cũ kỹ và dường như thờ ơ với mọi điều—nhất là tôn giáo—thì người truyền giáo sẽ tưởng tượng ra trong trí mình người ấy sẽ trông như thế nào trong hoàn cảnh khác. Trong tâm trí mình, người truyền giáo sẽ thấy người ấy mày râu nhẵn nhụi, mặc áo sơ mi trắng và quần trắng. Và người truyền giáo có thể thấy mình đưa người ấy vào nước báp têm. Người truyền giáo nói: “Khi nhìn một người theo cách đó, thì tôi có khả năng để chia sẻ chứng ngôn của mình với người ấy theo cách có thể làm cảm động lòng của người ấy.”

Chúng ta có trách nhiệm để nhìn bạn bè, người cộng sự, những người lân cận của mình theo cách này. Một lần nữa, chúng ta có trách nhiệm để thấy những người không phải qua con người hiện tại của họ mà thay vì thế qua con người mà họ có thể trở thành. Tôi khẩn nài các anh em hãy nghĩ tới họ trong cách này.

Thưa các anh em, Chúa phán bảo chúng ta một điều gì về tầm quan trọng của chức tư tế chúng ta nắm giữ. Ngài phán bảo rằng chúng ta nhận chức tư tế ấy với một lời thề và một giao ước. Ngài chỉ dạy rằng chúng ta phải trung tín và chân thật trong mọi điều mình nhận được, và rằng chúng ta có trách nhiệm để tuân giữ giao ước này cho đến cùng. Và rồi tất cả những gì Đức Chúa Cha có thì sẽ được ban cho chúng ta.2

Chúng ta cần phải nghe và có can đảm lòng can đảm loại bỏ cám dỗ, lòng can đảm nói chứng ngôn cho tất cả những người chúng ta gặp, và nhớ rằng mỗi người đều có một cơ hội để nghe sứ điệp ấy. Đó không phải là một điều dễ dàng đối với hầu hết mọi người để làm như vậy. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu tin nơi những lời của Phao Lô nói cùng Ti Mô Thê:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.

“Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta.”3

Vào tháng Năm năm 1974, tôi cùng với Anh John H. Groberg đến đảo Tonga. Chúng tôi có hẹn đi thăm vua Tonga, và chúng tôi họp với ông trong một phiên họp chính thức. Chúng tôi trao đổi những câu chuyện bình thường. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi ra về, John Groberg nói một điều không bình thường. Anh ấy nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ nên thật sự trở thành một người Mặc Môn cũng như thần dân của bệ hạ, vì như vậy các vấn đề của bệ hạ và các vấn đề của họ phần lớn sẽ được giải quyết.”

Nhà vua nở một nụ cười tươi và đáp: “John Groberg, có lẽ anh nói đúng đấy.”

Tôi nghĩ về Sứ Đồ Phao Lô khi đứng trước Ac Rip Ba. Tôi nghĩ về câu trả lời của Ac Rip Ba đối với chứng ngôn của Phao Lô: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Ky Tô!”4 Anh Groberg đã có can đảm để chia sẻ chứng ngôn của anh với nhà vua.

Buổi tối hôm nay, có hằng ngàn người nắm giữ chức tư tế của chúng ta đang phục vụ Chúa toàn thời gian với tư cách là những người truyền giáo của Ngài. Để đáp lại lời kêu gọi đi truyền giáo, họ đã rời bỏ mái gia đình, bạn bè, trường học và ra đi phục vụ. Những người không hiểu về hành động này đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ đáp ứng thật dễ dàng và sẵn lòng hy sinh nhiều như vậy?”

Những người truyền giáo của chúng ta có thể trả lời bằng những lời của Phao Lô là người truyền giáo cao trọng thời trước: “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay!”5

Thánh thư chứa đựng tuyên ngôn quan trọng nhất, trách nhiệm ràng buộc nhất, và lệnh truyền thẳng thắn rõ ràng nhất do Chúa phục sinh ban cho khi Ngài hiện ra ở Ga Li Lê trước mười một môn đồ. Ngài phán:

“Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ:

“Và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”6

Lệnh truyền thiêng liêng này, kèm theo với lời hứa vinh quang, là phương châm của chúng ta thời nay cũng như trong thời trung thế. Công việc truyền giáo là một đặc tính của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó đã và sẽ mãi mãi là như vậy. Như Tiên Tri Joseph Smith đã phán: “Sau khi tất cả mọi điều đã được nói hết rồi, thì bổn phận lớn lao và quan trọng nhất là thuyết giảng Phúc Âm.”7

Trong vòng hai năm ngắn ngủi, tất cả những người truyền giáo toàn thời gian hiện đang phục vụ trong đạo quân hoàng gia của Thượng Đế sẽ kết thúc công việc toàn thời gian của họ rồi trở về nhà và trở lại với những người thân yêu của họ. Những người thay thế cho họ sẽ được tìm thấy trong số những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn của Giáo Hội vào buổi tối hôm nay. Các em thiếu niên, các em có sẵn sàng để đáp ứng không? Các em có sẵn sàng để làm việc không? Các em có chuẩn bị để phục vụ không?

Chủ Tịch John Taylor tóm lược những điều kiện như sau: “Những người chúng tôi muốn với tư cách là những người mang sứ điệp phúc âm này là những người có đức tin nơi Thượng Đế; những người có đức tin nơi tôn giáo của họ; những người làm vinh hiển chức tư tế của họ; … những người đầy dẫy Đức Thánh Linh và quyền năng của Thượng Đế … những người có danh dự, tính liêm khiết, đức hạnh và sự thanh khiết.”8

Thưa các anh em, mỗi người chúng ta được truyền lệnh phải chia sẻ phúc âm của Đấng Ky Tô. Khi cuộc sống của chúng ta tuân theo tiêu chuẩn riêng của Thượng Đế, thì những người ở trong vòng ảnh hưởng của chúng ta, sẽ không bao giờ nói lời than vãn: “Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết, mà chúng ta chưa được cứu rỗi!”9

Đấng Chăn hoàn hảo của loài người, người truyền giáo cứu chuộc nhân loại, ban cho chúng ta lời cam đoan thiêng liêng của Ngài:

“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!”10

Tôi xin đưa ra lời chứng của mình về Ngài là Đấng đã phán những lời này. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Chuộc và Cứu Rỗi của chúng ta.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có can đảm để kết tình thân hữu với những người khác, quyết tâm cố gắng và tiếp tục cố gắng, và có lòng khiêm nhường cần thiết để tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha trong khi chúng ta làm tròn lệnh truyền phải chia sẻ phúc âm. Thưa các anh em, trách nhiệm này thuộc về chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.