2010–2019
Sự Chuộc Tội
Tháng mười 2012


Sự Chuộc Tội

Dù các tín hữu và những người truyền giáo của chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi đâu, thì sứ điệp của chúng ta là một sứ điệp về đức tin và hy vọng nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Sứ điệp của tôi nhắm vào những người đang đau khổ, trĩu nặng với tội lỗi, sự yếu kém và nỗi thất bại, buồn phiền và thất vọng.

Năm 1971, tôi được chỉ định đến các đại hội giáo khu ở miền Tây Samoa, kể cả việc tổ chức một giáo khu mới trên đảo Upolo. Sau những cuộc phỏng vấn, chúng tôi thuê một chiếc máy bay nhỏ đi tới đảo Savaii để tổ chức một đại hội giáo khu ở đó. Máy bay hạ cánh trên bãi cỏ ở Faala và sẽ phải trở lại vào buổi trưa hôm sau để đưa chúng tôi trở về đảo Upolo.

Đến ngày chúng tôi phải trở về từ Savaii, thì trời mưa. Vì biết rằng máy bay không thể hạ cánh trên các cánh đồng ẩm ướt, nên chúng tôi lái xe đến cuối phía tây của hòn đảo, ở đó có một loại đường sân bay nằm ở trên một dải san hô. Chúng tôi chờ cho đến tối, nhưng không có một máy bay nào đến. Cuối cùng, chúng tôi biết được qua đài phát thanh rằng có một cơn bão, và máy bay không thể cất cánh. Chúng tôi gửi lời nhắn lại bằng rađiô nói rằng chúng tôi sẽ đến bằng tàu. Một người nào đó sẽ gặp chúng tôi tại Mulifanua.

Khi chúng tôi rời bến Savai’i, vị thuyền trưởng của chiếc tàu dài 12 mét đã hỏi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo xem ông có một cây đèn pin nào không. May mắn thay, ông có và đưa cây đèn pin cho vị thuyền trưởng. Chúng tôi đi 21 kilômét băng ngang đảo Upolo trong khi biển động dữ dội. Không một ai trong chúng tôi nhận biết rằng một cơn bão nhiệt đới dữ dội đã giáng xuống hòn đảo, và chúng tôi đang hướng thẳng vào trong khu vực có bão.

Chúng tôi đến bến cảng ở Mulifanua. Ở đó có một lối đi hẹp dọc theo dải san hô. Một ngọn đèn trên đồi phía trên bãi biển và một ngọn đèn thứ hai thấp hơn đánh dấu lối đi hẹp đó. Khi một chiếc tàu được điều động để thấy hai ngọn đèn, đèn này ở trên đèn kia, thì chiếc tàu sẽ đi thẳng hàng để vượt qua những tảng đá nguy hiểm dọc theo lối đi.

Nhưng đêm đó chỉ có một ngọn đèn. Hai anh cả đang chờ gặp chúng tôi ở bến cảng, nhưng thời gian đi tàu lâu hơn bình thường. Trong nhiều giờ, sau khi thức canh chờ đợi dấu hiệu của chiếc tàu của chúng tôi, các anh cả mệt mỏi và ngủ thiếp đi, quên không bật ngọn đèn thứ hai, là ngọn đèn thấp hơn. Do đó, con đường ngang qua đám san hô không được thấy rõ lắm.

Vị thuyền trưởng cố gắng hết sức lái chiếc tàu hướng tới ngọn đèn ở phía cao hơn trên bờ trong khi một thủy thủ cầm cây đèn pin mượn được rọi vào mũi tàu để thấy được đá nằm ở đằng trước. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỡ trên đám san hô. Khi chúng tôi tới gần đến mức có thể nhìn thấy chúng bằng đèn pin, thì vị thuyền trưởng hoảng hốt hét lên là chiếc tàu phải lùi lại và đi ngược lại để tìm ra lối đi một lần nữa.

Sau nhiều nỗ lực, vị thuyền trưởng biết là không thể nào tìm ra được lối đi. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng tới bến cảng cách đó 64 kilômét ở Apia. Chúng tôi không có khả năng chống lại sức mạnh của cơn bão. Tôi không nhớ là đã từng ở nơi nào trời tối đến như thế.

Chúng tôi đã không đạt được tiến bộ nào trong giờ đầu tiên, mặc dù máy vẫn còn chạy mạnh. Chiếc tàu phải vất vả vượt lên trên một cơn sóng to rồi tạm nghỉ vì mệt mỏi ở trên đỉnh con sóng để mấy cái chân vịt được rời khỏi mặt nước trong giây lát. Mấy cái chân vịt rung mạnh đến nỗi chiếc tàu muốn vỡ tung ra từng mảnh trước khi rơi xuống phía bên kia.

Chúng tôi nằm xoải người ra trên tấm đậy khoang hàng hóa, hai tay nắm chặt một bên mép của tấm đậy, còn các ngón chân của chúng tôi thì bám chặt vào mép bên kia để giữ cho khỏi bị cuốn trôi xuống biển. Anh Mark Littleford tuột tay và bị ném vào phía cái tay vịn thấp bằng sắt. Đầu của anh bị cắt một đường, nhưng cái tay vịn bằng sắt đã giữ anh lại không bị cuốn trôi.

Rồi chúng tôi cũng đi tiếp về phía trước và trời gần sáng, cuối cùng chúng tôi tấp vào bến cảng ở Apia. Các chiếc tàu đã được cột lại với nhau để được an toàn. Bến tàu đầy nghẹt các con tàu. Chúng tôi bò ngang qua các chiếc tàu, cố gắng không làm phiền những người đang ngủ trên boong tàu. Chúng tôi đi tới Pesega, phơi khô quần áo của mình, và hướng tới Vailuutai để tổ chức giáo khu mới.

Tôi không biết ai đã chờ chúng tôi ở bãi biển Mulifanua. Tôi từ chối không để cho họ nói cho tôi biết là ai. Nhưng đúng là không có ngọn đèn thấp hơn thì chúng tôi đều có thể đã chết rồi.

Trong sách thánh ca của chúng ta có một bài thánh ca rất cũ và ít được hát có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi.

Lòng thương xót của Đức Chúa Cha chiếu ngời rạng rỡ

Mãi mãi từ ngọn hải đăng của Ngài,

Nhưng chúng ta phải trông nom

Các ngọn đèn dọc theo bờ biển.

Hãy để những ngọn đèn thấp hơn cháy sáng;

Soi bóng trên làn sóng;

Mấy người thủy thủ khiêm nhường, mệt mỏi

Ta có thể giải cứu, ta có thể cứu nguy.

Màn đêm của tội lỗi đã buông xuống;

Sóng to gầm thét dữ dội.

Đôi mắt háo hức đang nhìn theo, khao khát,

Các ngọn đèn dọc trên bờ biển.

Anh em của tôi ơi, hãy chăm sóc ngọn đèn nhỏ của mình;

Một người thủy thủ bất hạnh, sóng gió dập vùi,

Hiện đang cố tới được bến cảng,

Có thể bị lạc đường trong bóng tối.1

Ngày hôm nay tôi ngỏ lời với những người có thể đã bị lạc đường và đang tìm kiếm ngọn đèn thấp hơn đó để giúp hướng dẫn họ trở lại.

Chúng ta đã hiểu từ ban đầu rằng trên trần thế mình sẽ không thể nào hoàn hảo được. Chúng ta không trông mong sẽ sống mà không phạm vào một số luật lệ.

“Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa.”2

Từ sách Trân Châu Vô Giá, chúng ta hiểu rằng “không có một vật ô uế nào có thể ở [trong vương quốc của Thượng Đế],”3 và như vậy có một cách được đưa ra cho tất cả những người phạm tội phải hối cải và trở nên xứng đáng được ở nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng một lần nữa.

Một Đấng Trung Gian, Đấng Cứu Chuộc đã được chọn, một Đấng sẽ sống cuộc sống của Ngài một cách hoàn hảo, không phạm tội, và “để đáp ứng các mục đích của luật pháp, Ngài tự hiến thân mình làm vật hy sinh để chuộc tội cho tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối; ngoài ra, chẳng một ai khác có thể được các mục đích của luật pháp đáp ứng cả.”4

An Ma đã dạy về tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội, chúng ta học trong An Ma: “Vì điều cần thiết là sự chuộc tội phải được thực hiện; … nếu không, tất cả loài người sẽ không tránh khỏi bị diệt vong.”5

Nếu không làm điều lầm lỗi, thì các anh chị em không cần Sự Chuộc Tội. Nếu đã làm điều lầm lỗi, và tất cả chúng ta đều làm như thế, thì dù lỗi đó là nhỏ nhặt hay nghiêm trọng, các anh chị em đều rất cần tìm ra cách để có thể xóa bỏ được các lỗi lầm này để không còn ở trong bóng tối nữa.

“[Chúa Giê Su Ky Tô] là sự sáng và sự sống của thế gian.”6 Khi tập trung sự chú ý của mình vào những lời giảng dạy của Ngài, thì chúng ta sẽ được hướng dẫn đến bến an toàn của phần thuộc linh.

Tín điều thứ ba nói rằng: “Chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”7

Chủ Tịch Joseph F. Smith dạy rằng: “Loài người không thể tự tha thứ tội lỗi của mình; họ không thể thanh tẩy bản thân khỏi những hậu quả tội lỗi của họ. Loài người có thể ngừng phạm tội và có thể làm điều đúng trong tương lai, và cho đến chừng nào các hành động của họ được Chúa chấp thuận và [trở nên] đáng được quan tâm. Nhưng ai sẽ sửa chữa những điều sai trái họ đã gây ra cho bản thân và cho những người khác? Điều này dường như khó đối với họ để tự sửa đổi bản thân mình. Nhờ vào sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô các tội lỗi của người hối cải sẽ được tẩy sạch; cho dù các tội lỗi này có như hồng điều thì chúng cũng được làm cho thành trắng như lông chiên [xin xem Ê Sai 1:18]. Đây là lời hứa đưa ra cho các anh chị em.”8

Chúng ta không biết chính xác cách Chúa đã thực hiện Sự Chuộc Tội như thế nào. Nhưng chúng ta thật sự biết rằng sự hành hạ độc ác của việc đóng đinh chỉ là một phần của nỗi đau đớn khủng khiếp bắt đầu trong Vườn Ghết Sê Ma Nê—cảnh đau đớn thiêng liêng đó—và đã được kết thúc trên Đồi Sọ.

Lu Ca chép rằng:

“Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện,

“rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!

“Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài.

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.”9

Trong khả năng của tôi để có thể nói, chỉ có một lời tường thuật trong những lời riêng của Đấng Cứu Rỗi mô tả điều Ngài đã chịu đựng trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Điều mặc khải chép lại:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông.”10

Trong suốt cuộc sống của các anh chị em, có thể có những lúc các anh chị em đã đi tới những nơi mình không bao giờ nên tới và làm những điều mình không bao giờ nên làm. Nếu chịu từ bỏ tội lỗi, một ngày nào đó các anh chị em sẽ có thể biết được cảm giác bình an có được từ việc đi theo con đường hối cải hoàn toàn.

Cho dù chúng ta vi phạm điều gì đi nữa, cho dù hành động của chúng ta có thể đã làm tổn thương người khác nhiều đến mức nào đi nữa, thì tội lỗi đó cũng có thể được xóa bỏ. Đối với tôi, có lẽ cụm từ tuyệt vời nhất trong tất cả thánh thư là khi Chúa phán: “Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”11

Đó là lời hứa của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội: để mang bất cứ người nào đến, bất cứ người nào sẽ gia nhập, và cho họ trải qua một kinh nghiệm để vào cuối đời, họ có thể đi qua bức màn che và hối cải tội lỗi của họ và được thanh tẩy nhờ vào máu của Đấng Ky Tô.12

Đó là điều mà Các Thánh Hữu Ngày Sau đã làm trên khắp thế gian. Đó là Ánh Sáng chúng ta mang đến cho những người đang ở trong bóng tối và đã lạc đường. Dù các tín hữu và những người truyền giáo của chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi đâu, thì sứ điệp của chúng ta là một sứ điệp về đức tin và hy vọng nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã viết lời cho bài thánh ca “Does the Journey Seem Long?” (Cuộc Hành Trình Có Vẻ Dài Không?) Ông là một người bạn thân của tôi. Bài ca đó chứa đựng lời ca đầy khích lệ và một lời hứa với những người tìm cách tuân theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi:

Cuộc hành trình có vẻ dài không,

Con đường có gồ ghề và dốc không?

Có cây dại và gai góc trên đường đi không?

Những viên đá nhọn có cắt chân ta không

Trong khi ta vất vả để leo lên

Ngọn núi cao trong cái nóng của ban ngày?

Tâm hồn ta có thất vọng và buồn bã không,

Linh hồn ta có mệt mỏi bên trong,

Khi ta lao nhọc dưới gánh nặng chăm sóc?

Gánh dường như rất nặng

Mà ta đang bắt buộc phải vác?

Có ai san sẻ gánh nặng của ta chăng?

Đừng từ bỏ hy vọng

Bây giờ ta đã bắt đầu cuộc hành trình;

Có một Đấng vẫn còn vẫy gọi ta.

Vậy hãy ngước nhìn lên với niềm vui

Và nắm lấy tay Ngài;

Ngài sẽ hướng dẫn ta đến đỉnh cao mới—

Một vùng đất thánh và thanh khiết,

Ở đó tất cả nỗi đau khổ sẽ kết thúc,

Và cuộc sống của ta sẽ không có tội lỗi,

Ở đó sẽ không có ai khóc lóc,

Vì sẽ không còn nỗi buồn phiền nữa.

Hãy nắm lấy tay Ngài và đi vào với Ngài.13

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.