2010–2019
Đâu Là Lều?
Tháng mười 2012


Đâu Là Lều?

Cái lều dường như thường chặn lại sự giúp đỡ thiêng liêng thật ra không bao phủ Thượng Đế nhưng thỉnh thoảng lại bao phủ chúng ta. Thượng Đế không bao giờ bị che khuất, tuy nhiên đôi khi chính chúng ta mới là người bị che khuất.”

Trong đáy sâu thống khổ của mình ở Ngục Thất Liberty, Tiên Tri Joseph Smith đã kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?”1 Nhiều người trong chúng ta, trong những giây phút đau khổ riêng của mình, cảm thấy rằng Thượng Đế ở quá xa chúng ta. Cái lều dường như thường chặn lại sự giúp đỡ thiêng liêng thật ra không bao phủ Thượng Đế nhưng thỉnh thoảng lại bao phủ chúng ta. Thượng Đế không bao giờ bị che khuất, tuy nhiên đôi khi chính chúng ta mới là người bị che khuất, bị bao phủ bởi một cái lều đầy những điều thôi thúc kéo chúng ta rời xa Thượng Đế làm cho Ngài dường như xa cách và không tới gần được. Ước muốn riêng của chúng ta, thay vì cảm nghĩ “Ý Ngài được nên,”2 tạo ra cảm giác về một cái lều ngăn chặn Thượng Đế. Thượng Đế luôn luôn có thể nhìn thấy chúng ta và giao tiếp với chúng ta, nhưng chúng ta có thể không sẵn lòng lắng nghe hoặc tuân phục theo ý muốn và kỳ định của Ngài.

Cảm nghĩ bị tách rời khỏi Thượng Đế sẽ ít hơn khi chúng ta trở nên giống như trẻ con trước mặt Ngài. Đó không phải là điều dễ dàng trong một thế giới khi ý kiến của những người khác có thể ảnh hưởng đến động cơ của chúng ta. Nhưng điều đó sẽ giúp chúng ta nhận ra lẽ thật này: Thượng Đế ở gần chúng ta, biết chúng ta và không bao giờ ẩn trốn con cái trung tín của Ngài.

Cháu ngoại gái ba tuổi của tôi minh họa cho sức mạnh của tính ngây thơ và lòng khiêm nhường để liên kết chúng ta với Thượng Đế. Nó đi cùng với gia đình đến dự ngày mở cửa cho công chúng tham quan Đền Thờ Brigham ở Utah. Ở một trong số các phòng của tòa nhà tuyệt mỹ đó, nó nhìn quanh và hỏi: “Mẹ ơi, Chúa Giê Su ở đâu?” Mẹ nó giải thích rằng nó sẽ không thấy Chúa Giê Su trong đền thờ, nhưng nó sẽ có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Ngài trong lòng nó. Eliza suy nghĩ cặn kẽ về câu trả lời của mẹ nó rồi như có vẻ hài lòng, nó kết luận: “Chúa Giê Su đi ra ngoài giúp đỡ một người nào đó”.

Không có chướng ngại vật nào che khuất sự hiểu biết của Eliza hoặc cản trở góc nhìn của nó về thực tại. Thượng Đế đang ở gần nó, và nó cảm thấy gần gũi với Ngài. Nó biết rằng đền thờ là nhà của Chúa, nhưng nó cũng hiểu rằng Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh và vinh quang có một thể xác nhưng chỉ có thể hiện diện ở một nơi vào một thời điểm mà thôi.3 Nếu Ngài không ở nhà của Ngài thì nó nhận ra rằng Ngài phải ở một nơi nào khác. Và từ những gì nó biết được về Đấng Cứu Rỗi, nó biết rằng Ngài sẽ ở một nơi nào đó đang làm điều thiện cho con cái của Cha Ngài. Rõ ràng là nó đã hy vọng được thấy Chúa Giê Su không phải vì một phép lạ xác nhận về sự hiện diện của Ngài, mà chỉ vì nó kính mến Ngài.

Thánh Linh có thể mặc khải cho tâm trí trẻ thơ của nó về niềm an ủi tất cả chúng ta đều cần và muốn. Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống biết chúng ta, trông nom và chăm sóc chúng ta. Trong những khoảnh khắc đau đớn, cô đơn, hoặc hoang mang, chúng ta không cần phải thấy Chúa Giê Su Ky Tô để biết rằng Ngài biết được hoàn cảnh của chúng ta và rằng sứ mệnh của Ngài là ban phước.

Tôi biết từ cuộc sống của mình rằng kinh nghiệm của Eliza cũng có thể là kinh nghiệm của chúng ta, sau khi chúng ta đã xa rời thời thơ ấu một thời gian dài. Trong những năm đầu làm việc, tôi đã làm việc chăm chỉ để được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức tại trường Stanford University. Tôi nghĩ mình đã đạt được một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và cho gia đình mình. Chúng tôi sống gần cha mẹ vợ của tôi ở một vùng phụ cận rất thoải mái. Theo tiêu chuẩn của thế gian thì tôi đã đạt được thành công. Nhưng Giáo Hội đã cho tôi cơ hội để chuyển từ California đến trường Ricks College ở Rexburg, Idaho. Mục tiêu về nghề nghiệp suốt đời của tôi có thể là một chướng ngại vật tách rời tôi khỏi Đức Chúa Cha nhân từ là Đấng biết rõ hơn tôi về điều gì có thể chờ đợi trong tương lai của tôi. Nhưng tôi đã được phước để biết rằng bất cứ thành công nào tôi đã có trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình của tôi vào thời điểm đó chính là một món quà từ Thượng Đế. Và như vậy, như một đứa trẻ, tôi quỳ xuống cầu nguyện để hỏi mình nên làm gì. Tôi đã có thể nghe được một tiếng nói nhỏ nhẹ trong tâm trí của mình: “Đây là trường học của Ta.” Không có một chướng ngại vật nào ngăn cách tôi với Thượng Đế. Trong đức tin và lòng khiêm nhường, tôi tuân phục theo ý Ngài, và tôi cảm nhận được sự chăm sóc và gần gũi của Ngài.

Trong những năm ở trường Ricks College, tôi đã cố gắng tìm kiếm và làm theo ý muốn của Thượng Đế, và giữ cho chướng ngại vật không che khuất tôi hoặc làm lu mờ vai trò tích cực của Thượng Đế trong cuộc sống của tôi. Khi tìm cách để làm công việc của Ngài, tôi cảm thấy gần gũi với Ngài và cảm thấy an tâm rằng Ngài biết hoàn cảnh của tôi cũng như quan tâm rất nhiều đến hạnh phúc của tôi. Nhưng cũng giống như ở Stanford, các cám dỗ của thế gian bắt đầu kéo tới tôi. Một cám dỗ đó là một lời mời rất hấp dẫn về công việc được đưa ra ngay khi tôi mới vừa xong năm thứ năm làm chủ tịch của trường Ricks College. Tôi suy nghĩ và cầu nguyện về lời mời đó và còn thảo luận với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nữa. Họ đáp ứng đầy nhiệt tình và đôi chút hóm hỉnh nhưng chắc chắn không phải là một lời hướng dẫn. Chủ Tịch Spencer W. Kimball lắng nghe tôi mô tả về lời mời làm việc tôi nhận được từ một công ty lớn và nói: “Ồ, Hal, đó có vẻ là một cơ hội tuyệt diệu. Và nếu có khi nào cần đến anh, thì chúng tôi biết tìm anh ở đâu rồi.” Họ sẽ biết tìm tôi ở đâu, nhưng ước muốn của tôi về thành công trong nghề nghiệp thì có thể tạo ra một chướng ngại vật mà sẽ gây khó khăn cho tôi để tìm kiếm Thượng Đế cũng như khó lắng nghe và tuân theo lời mời gọi của Ngài hơn.

Khi cảm nhận được điều này, vợ tôi đã có một ấn tượng mạnh mẽ rằng chúng tôi không nên bỏ trường Ricks College đi. Tôi nói: “Điều đó là đủ tốt cho anh rồi.” Nhưng bà nài nỉ một cách sáng suốt rằng tôi cần phải tìm kiếm sự mặc khải của riêng mình. Và thế là tôi lại cầu nguyện. Lần này tôi đã nhận được chỉ dẫn, dưới hình thức của một tiếng nói trong tâm trí tôi: “Ta sẽ để cho ngươi ở lại trường Ricks College lâu hơn một chút.” Những tham vọng cá nhân của tôi có thể đã che mờ tầm nhìn của tôi về thực tại và làm cho tôi khó nhận được sự mặc khải.

Ba mươi ngày sau khi tôi được ban phước với quyết định đầy soi dẫn để từ chối lời mời làm việc đó và ở lại trường Ricks College, thì cái đập nước Teton Dam gần bên bị vỡ. Thượng Đế biết cái đập đó sẽ vỡ và rằng hàng trăm người sẽ cần giúp đỡ. Ngài để cho tôi tìm kiếm lời khuyên bảo và được Ngài cho phép ở lại trường Ricks College. Chỉ có Ngài mới biết tất cả những lý do tại sao sự phục vụ của tôi vẫn còn có thể có giá trị tại trường đại học này và ở Rexburg. Tôi đã ở đó để thường xuyên cầu xin Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện xem Ngài muốn tôi làm những điều đó mà sẽ giúp cho những người có tài sản và cuộc sống bị thiệt hại. Tôi dành ra nhiều giờ để làm việc với những người khác để dọn dẹp bùn và nước ra khỏi nhà. Ước muốn của tôi để biết và làm theo ý của Ngài đã cho tôi một cơ hội để suy nghĩ kỹ.

Sự kiện đó minh họa một cách khác để chúng ta có thể tạo ra một cái rào chắn nhằm biết được ý của Thượng Đế hoặc cảm nhận được tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta: chúng ta không thể khăng khăng phải theo thời gian biểu của mình trong khi Chúa có kỳ định riêng của Ngài. Tôi nghĩ rằng mình đã dành đủ thời giờ để phục vụ ở Rexburg rồi và vội vã chuyển sang công việc khác. Đôi khi việc chúng ta kiên định làm theo thời gian biểu của riêng mình có thể làm mơ hồ ý muốn của Ngài dành cho chúng ta.

Trong Ngục Thất Liberty, Tiên Tri Joseph đã cầu xin Chúa trừng phạt những người bắt bớ các tín hữu của Giáo Hội ở Missouri. Lời cầu nguyện của ông là để trả thù một cách chắc chắn và cấp kỳ. Nhưng Chúa đã trả lời rằng “chỉ trong ít năm nữa từ lúc này,”4 Ngài sẽ đối phó với những kẻ thù đó của Giáo Hội. Trong câu 24 tiết 121 của sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài phán:

“Này, mắt ta thấy và biết tất cả những việc làm của chúng, và ta đã dành sẵn sự đoán phạt cấp kỳ cho tất cả bọn chúng vào đúng lúc;

“Vì có một thời gian ấn định cho mọi người, tùy theo những việc làm của họ.”5

Chúng ta dẹp bỏ chướng ngại vật khi cảm nhận và cầu nguyện: “Ý Cha được nên” và “theo kỳ định riêng của Ngài.” Chẳng bao lâu, kỳ định của Ngài sẽ đủ cho chúng ta, vì chúng ta biết rằng Ngài chỉ muốn những gì tốt nhất mà thôi.

Trong nhiều năm, một trong những đứa con dâu của tôi cảm thấy rằng Thượng Đế đã đặt một chướng ngại vật lên trên nó. Nó là một người mẹ trẻ có ba con và mong muốn có thêm con. Sau hai lần sảy thai, thì những lời cầu nguyện khẩn thiết của nó chất chứa nhiều đau khổ. Nhiều năm hiếm muộn trôi qua, nó cảm thấy bị cám dỗ để tức giận. Khi đứa con út của nó bắt đầu đi học, thì ngôi nhà trống vắng dường như làm cho nó cảm thấy khó chịu về quyết định của nó tập trung vào việc làm mẹ, cũng như việc những người quen đã không dự định có thai và thậm chí còn không muốn mang thai làm cho nó khó chịu thêm. Nó cảm thấy đã cam kết và tận tâm như Ma Ri là người đã nói: “Tôi đây là tôi tớ Chúa.”6 Nhưng mặc dù đã nói những lời này trong lòng, nhưng nó cũng không thể nhận được sự đáp ứng nào cả.

Với hy vọng để nâng cao tinh thần của nó, chồng nó đã rủ nó cùng đi trong một chuyến đi kinh doanh tới California. Trong khi chồng nó đi họp, thì nó đi bộ dọc theo một bãi biển đẹp đẽ, vắng người. Tâm hồn của nó chan hòa hạnh phúc, nó cầu nguyện lớn tiếng. Lần đầu tiên, nó không cầu xin thêm một đứa con nữa mà cầu xin một mục đích thiêng liêng. Nó khóc mà thưa rằng: “Thưa Cha Thiên Thượng, con sẽ dâng lên Cha hết thời giờ của con; xin chỉ cho con thấy cách lấp đầy thời giờ.” Nó bày tỏ sự sẵn lòng đưa gia đình của nó đến bất cứ nơi nào họ có thể được bảo phải đi. Lời cầu nguyện đó tạo ra một cảm giác bình an bất ngờ. Cảm giác đó không đáp ứng ước muốn của tâm trí nó về điều chắc chắn, nhưng lần đầu tiên trong nhiều năm, cảm giác đó đã trấn an tâm hồn nó.

Lời cầu nguyện đã cất bỏ chướng ngại và mở các cửa sổ trên trời. Trong vòng hai tuần, nó biết được rằng nó đang mang thai. Đứa bé mới chỉ được một tuổi thì một sự kêu gọi đi truyền giáo đến với con trai và con dâu tôi. Vì đã hứa là sẽ đi và làm bất cứ điều gì, bất cứ nơi nào, nên nó đã bỏ qua một bên nỗi lo sợ và mang mấy đứa con của mình ra nước ngoài. Trong khi đi truyền giáo, nó có thêm một đứa con nữa—vào một ngày thuyên chuyển người truyền giáo.

Việc tuân phục trọn vẹn theo ý muốn của thiên thượng, như người mẹ trẻ này đã làm, là điều thiết yếu để cất bỏ các chướng ngại thuộc linh đôi khi chúng ta đội lên đầu mình. Nhưng điều này không đảm bảo sự đáp ứng tức thời cho những lời cầu nguyện của chúng ta.

Tâm hồn của Áp Ra Ham dường như đã ngay chính từ lâu trước khi Sa Ra thụ thai Y Sác và trước khi họ nhận được đất hứa của họ. Thiên thượng có các mục đích khác để thực hiện trước tiên. Các mục đích đó không những gồm có việc xây đắp đức tin của Áp Ra Ham và của Sa Ra mà còn dạy cho họ các lẽ thật vĩnh cửu là điều họ đã chia sẻ với những người khác trên lộ trình dài và ngoằn ngoèo đi đến vùng đất đã được chuẩn bị cho họ. Sự trì hoãn của Chúa thường có vẻ là lâu; một số điều trì hoãn kéo dài cả một cuộc đời. Nhưng những sự trì hoãn này luôn luôn được tính toán để ban phước. Những sự trì hoãn này không bao giờ cần phải là thời gian cô đơn hay buồn bã hay thiếu kiên nhẫn.

Mặc dù kỳ định của Ngài không phải lúc nào cũng là thời gian của chúng ta, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa giữ lời hứa của Ngài. Đối với bất cứ anh chị em nào hiện đang cảm thấy rất khó để tiếp cận với Ngài, thì tôi làm chứng rằng sẽ đến ngày tất cả chúng ta sẽ trực tiếp gặp mặt Ngài. Giống như không có điều gì hiện đang che khuất tầm nhìn của Ngài về chúng ta, thì cũng sẽ không có điều gì che khuất tầm nhìn của chúng ta về Ngài. Tất cả chúng ta đều sẽ đích thân đứng trước Ngài. Giống như đứa cháu gái của tôi, chúng ta muốn nhìn thấy Chúa Giê Su Ky Tô bây giờ, nhưng sự đoàn tụ chắc chắn của chúng ta với Ngài tại rào phán xét sẽ thú vị hơn nếu trước hết chúng ta làm những điều làm cho Ngài quen thuộc với chúng ta, cũng như chúng ta quen thuộc với Ngài. Khi phục vụ Ngài, chúng ta trở nên giống như Ngài, và cảm thấy gần gũi với Ngài hơn khi chúng ta đến gần ngày đó mà không có điều gì sẽ che khuất tầm nhìn của mình.

Việc tiến đến Thượng Đế có thể đang xảy ra. Đấng Cứu Rỗi dạy: “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.”7 Và rồi Ngài phán cùng chúng ta cách làm như vậy:

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;

“Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta.

“Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho?

“Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”8

Khi chúng ta làm điều Ngài muốn chúng ta làm cho con cái của Đức Chúa Cha, thì Chúa sẽ xem điều đó là tử tế đối với Ngài, và chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi với Ngài hơn khi cảm nhận được tình yêu thương và sự chấp thuận của Ngài. Cuối cùng, chúng ta sẽ trở thành giống như Ngài và sẽ nghĩ tới Ngày Phán Xét với lòng mong đợi đầy vui mừng.

Chướng ngại vật dường như khiến chúng ta trốn tránh Thượng Đế lại có thể là nỗi sợ hãi của con người, thay vì là ước muốn này để phục vụ những người khác. Động cơ duy nhất của Đấng Cứu Rỗi là để giúp mọi người. Giống như tôi, nhiều người trong số các anh chị em đã cảm thấy sợ hãi trong việc tiếp cận với một người nào mình đã xúc phạm hay người đó đã xúc phạm mình. Tuy nhiên, tôi đã thấy Chúa làm mềm lòng của những người khác và luôn cả lòng tôi nữa, hết lần này đến lần khác. Và như vậy, tôi yêu cầu các anh chị em hãy thay mặt Chúa đi đến bày tỏ tình yêu thương và tha thứ cho một người nào đó, cho dù các anh chị em có thể sợ hãi. Tôi hứa với các anh chị em rằng khi làm như vậy, các anh chị em sẽ cảm thấy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho người đó và tình yêu thương của Ngài dành cho các anh chị em, và dường như điều đó sẽ không đến từ một quãng đường xa đâu. Đối với các anh chị em, lời yêu cầu đó có thể ở trong một gia đình, có thể ở trong một cộng đồng, hoặc có thể trên toàn quốc gia.

Nhưng nếu các anh chị em đi thay cho Chúa để ban phước cho những người khác, thì Ngài sẽ biết và tưởng thưởng cho điều đó. Nếu thường xuyên làm điều này, và làm đủ lâu, thì các anh chị em sẽ cảm thấy một sự thay đổi trong chính bản tính của mình, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em không những sẽ cảm thấy gần gũi hơn với Ngài, mà còn càng ngày càng cảm thấy rõ hơn rằng mình đang trở nên giống như Ngài. Sau đó, khi các anh chị em thực sự nhìn thấy Ngài, vì chúng ta sẽ đều được như vậy, thì điều này sẽ được dành cho các anh chị em giống như đã được dành cho Mô Rô Ni, khi ông nói: “Và giờ đây tôi xin vĩnh biệt tất cả mọi người. Chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ lên an nghỉ trong thiên đàng của Thượng Đế, cho đến khi nào linh hồn và thể xác của tôi tái hợp, và tôi được đưa xuyên qua không trung một cách đắc thắng, để gặp lại các người trước rào phán xét dễ chịu của Đấng Giê Hô Va vĩ đại, là Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của người sống lẫn người chết. A Men.”9

Nếu chúng ta phục vụ với đức tin, lòng khiêm nhường, và ước muốn để làm theo ý Thượng Đế, thì tôi làm chứng rằng rào phán xét của Đức Giê Hô Va vĩ đại sẽ rất dễ chịu. Chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Cha nhân từ và Vị Nam Tử của Ngài như hai Ngài thấy chúng ta bây giờ—rất rõ ràng và với tình yêu thương trọn vẹn. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A men.