2010–2019
“Thưa Chúa, Tôi Tin”
Tháng tư 2013


“Thưa Chúa, Tôi Tin”

Hãy thành thật thừa nhận những thắc mắc và lo lắng của các anh chị em, nhưng trước hết hãy củng cố đức tin của mình, vì đối với những kẻ tin, tất cả những sự việc đều có thể thực hiện được.

Vào một dịp nọ, Chúa Giê Su gặp một nhóm người tranh cãi dữ dội với các môn đồ của Ngài. Khi Đấng Cứu Rỗi hỏi về nguyên nhân của cuộc tranh cãi này, người cha của một đứa trẻ bị quỷ ám bước tới nói rằng ông đã xin các môn đồ của Chúa Giê Su ban một phước lành cho con trai mình, nhưng họ đã không làm được điều đó. Với đứa bé vẫn còn nghiến răng, sùi bọt mép, và nổi kinh phong trên mặt đất trước mặt họ, người cha kêu cầu Chúa Giê Su với giọng nói đầy tuyệt vọng:

Người cha nói: “Nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho!

“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Sao ngươi nói: Nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.

“Tức thì cha đứa trẻ la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!.”1

Niềm tin ban đầu của người đàn ông này rất giới hạn, theo như người ấy thú nhận. Nhưng ông ta có một ước muốn khẩn cấp và mạnh mẽ thay cho đứa con một của mình. Chúng ta được cho biết rằng điều đó là đủ tốt để bắt đầu rồi. An Ma nói: “Ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin.”2 Vì không còn có hy vọng nào khác, người cha này sử dụng đức tin mà ông có và khẩn nài Đấng Cứu Rỗi của thế gian: “Nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho.”3 Tôi khó có thể đọc được những lời đó mà không khóc. Đại danh từ số nhiều chúng tôi rõ ràng là được sử dụng một cách cố tình. Quả vậy, người đàn ông này nói: “Cả gia đình chúng tôi đang khẩn nài. Chúng tôi không bao giờ ngừng cố gắng. Chúng tôi rất mệt mỏi. Con trai chúng tôi ngã vào nước. Nó ngã vào lửa. Nó tiếp tục lâm nguy, và chúng tôi tiếp tục sợ hãi. Chúng tôi không biết phải làm gì nữa. Xin Ngài giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi sẽ biết ơn đối với bất cứ điều gì Ngài có thể làm cho—một phần phước lành, chỉ một tia hy vọng, một giúp đỡ nhỏ nhặt nào đó để nâng gánh nặng của mẹ đứa bé này mỗi ngày trong cuộc sống của bà.”

Người cha này nói: “Nếu thầy làm được việc gì,” và câu nói này được Đức Thầy lặp lại cho ông ta: “Kẻ nào tin,4

Thánh thư chép: “Tức thì”—không chậm rãi cũng chẳng ngờ vực hoặc hoài nghi mà là “tức thì”—người cha kêu khóc trong khi bày tỏ nỗi đau đớn của mình: “Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi.” Để đáp lại cho đức tin mới và vẫn chỉ có một phần, Chúa Giê Su chữa lành đứa bé, gần như thật sự là làm cho nó sống lại từ cõi chết, như Mác đã mô tả sự kiện này.5

Khi suy nghĩ về câu chuyện đầy cảm động này từ thánh thư, tôi muốn nói thẳng với những người trẻ tuổi của Giáo Hội—trẻ về phương diện tuổi tác, hoặc trẻ trong những năm làm tín hữu hoặc trẻ trong những năm có đức tin. Trong cách này hay cách khác, điều đó nên bao gồm tất cả chúng ta.

Điều nhận xét đầu tiên về câu chuyện này là khi đối phó với thử thách của đức tin, trước hết người cha khẳng định sức mạnh của mình và chỉ lúc đó ông ta mới thừa nhận giới hạn của mình. Lời nói ban đầu của ông là lời khẳng định và không do dự: “Thưa Chúa, tôi tin.” Tôi sẽ nói với tất cả những người nào muốn có thêm đức tin, thì hãy nhớ tới người đàn ông này! Trong những giây phút đầy sợ hãi, nghi ngờ hoặc trong những lúc gặp rắc rối, hãy duy trì đức tin mà các anh chị em đã có được, ngay cả khi đức tin đó rất hạn chế. Chúng ta đều cần phải phát triển trên trần thế, và tất cả chúng ta đều trải qua một điều gì đó về phần thuộc linh tương tự như cảnh hoạn nạn của đứa bé này hoặc nỗi tuyệt vọng của người cha này. Khi những giây phút đó đến và có vấn đề xảy ra, và các vấn đề đó không được giải quyết ngay lập tức, thì hãy bám chặt vào điều mà các anh chị em đã biết và đứng vững cho đến khi hiểu biết thêm. Chúa Giê Su đã phán về lúc xảy ra vấn đề này, về phép lạ đặc biệt này: “Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.”6 Chiều sâu đức tin hoặc mức độ hiểu biết của các anh chị em không phải là điều quan trọng—việc các anh chị em cho thấy tính liêm khiết đối với đức tin mình thật sự có và lẽ thật mà các anh chị em biết mới là quan trọng.

Điều nhận xét thứ hai khác một chút so với điều nhận xét đầu tiên. Khi có vấn đề và các câu hỏi nảy sinh, thì đừng bắt đầu tìm kiếm đức tin bằng cách nói rằng các anh chị em không có nhiều đức tin, mà hãy bắt đầu bằng “sự không tin” của mình. Đó là một điều rất khó làm. Tôi xin được nói rõ về điểm này: tôi không yêu cầu các anh chị em giả vờ có đức tin mà mình thật sự không có. Tôi đang yêu cầu các anh chị em hãy chân thành với đức tin mà các anh chị em thật sự có. Đôi khi chúng ta hành động như thể một lời tuyên bố trung thực về sự nghi ngờ lại là một biểu hiện cao quý của lòng can đảm về mặt đạo đức hơn là một lời tuyên bố trung thực về đức tin. Không phải vậy đâu! Vậy thì tất cả chúng ta nên nhớ tới sứ điệp rõ ràng của câu chuyện này trong thánh thư: Hãy thành thật về những thắc mắc của mình, là điều các anh chị em cần phải làm. Chúng ta đều có thắc mắc về một điều gì đó. Nhưng nếu các anh chị em và gia đình mình muốn được chữa lành, thì đừng để cho những thắc mắc đó cản trở không cho đức tin mang đến phép lạ.

Hơn nữa, các anh chị em có nhiều đức tin hơn các anh chị em nghĩ nhờ vào điều mà Sách Mặc Môn gọi là “những bằng chứng hiển nhiên lớn lao.”7 Chúa Giê Su phán: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”8 và những thành quả của việc sống theo phúc âm thật được thấy rất rõ trong cuộc sống của Các Thánh Hữu Ngày Sau ở khắp mọi nơi. Như Phi E Rơ và Giăng có lần đã nói với những người lắng nghe thời xưa, tôi cũng nói trong thời nay: “Chúng ta chỉ có thể nói những sự việc mà mình đã nghe thấy,” và những gì chúng ta đã nghe thấy là “một phép lạ đáng kể đã được thực hiện” trong cuộc sống của hàng triệu tín hữu của Giáo Hội này. Điều đó không thể chối cãi được.9

Thưa các anh chị em, công việc thiêng liêng này đang tiếp diễn, với những biểu hiện và các phước lành của công việc này được nhìn thấy ở khắp nơi, vậy xin đừng quá lo lắng nếu thỉnh thoảng có vấn đề nào xảy ra và cần phải được xem xét, hiểu, và giải quyết. Thật sự, có những vấn đề và chúng sẽ cần phải được xem xét, hiểu và giải quyết. Những vấn đề này đang và sẽ như vậy. Trong Giáo Hội này, điều chúng ta biết là quan trọng hơn bất cứ điều gì chúng ta không biết. Và hãy nhớ rằng trong thế giới này, thì tất cả mọi người đều phải sống bằng đức tin.

Vì vậy, hãy tử tế đối với sự yếu đuối của con người—sự yếu đuối của riêng các anh chị em cũng như sự yếu đuối của những người phục vụ trong một Giáo Hội được những người trần thế tình nguyện lãnh đạo. Ngoại trừ trường hợp của Con Trai Độc Sinh hoàn hảo của Ngài, Thượng Đế đã phải làm việc với những người không hoàn hảo. Điều đó chắc hẳn phải làm cho Ngài bực bội vô cùng, nhưng Ngài đã sẵn lòng đối phó với điều đó. Vì vậy, chúng ta cũng nên làm như vậy. Và khi các anh chị em thấy có điều gì không hoàn hảo, thì hãy nhớ rằng giới hạn không phải là tính chất thiêng liêng của công việc này. Như một nhà văn đại tài đã ám chỉ, khi sự tràn đầy vô hạn bị đổ ra, thì đó không phải là lỗi của dầu nếu có mất mát vì những cái bình chứa hữu hạn không thể chứa đựng hết.10 Những cái bình chứa hữu hạn gồm có các anh chị em và tôi, vậy thì hãy kiên nhẫn, tử tế và biết tha thứ.

Điều nhận xét cuối cùng: khi nỗi nghi ngờ hoặc khó khăn xảy đến, đừng ngại yêu cầu được giúp đỡ. Nếu muốn được giúp đỡ một cách khiêm nhường và chân thành như người cha này đã làm, thì chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ đó. Thánh thư nói ước muốn thiết tha như vậy là “chủ ý thật sự,” được đeo đuổi “một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa và lừa dối trước mặt Thượng Đế.”11 Tôi làm chứng rằng để đáp lại lời khẩn cầu được lặp đi lặp lại đó, Thượng Đế sẽ gửi đến sự giúp đỡ từ cả hai phía của tấm màn che để củng cố niềm tin của chúng ta.

Tôi đã nói rằng tôi đang nói chuyện với các bạn trẻ. Tôi vẫn còn làm như vậy đấy chứ. Gần đây, một cậu bé 14 tuổi đã hơi ngập ngừng nói với tôi: “Thưa Anh Holland, tôi chưa dám nói rằng tôi biết Giáo Hội là chân chính, nhưng tôi tin rằng Giáo Hội là chân chính.” Tôi ôm cậu bé đó thật chặt. Với tất cả lòng nhiệt tình của mình, tôi nói với cậu bé ấy rằng niềm tin là một từ quý giá, một hành động thậm chí còn quý giá hơn nữa, và em ấy không bao giờ cần phải xin lỗi vì “chỉ tin mà thôi.” Tôi nói với em ấy rằng chính Đấng Ky Tô đã phán: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi,”12 đó là cụm từ mà cũng đã mang thanh niên Gordon B. Hinckley đi làm công việc truyền giáo.13 Tôi đã nói với cậu bé này rằng niềm tin luôn luôn là bước đầu tiên hướng tới sự tin chắc và rằng mỗi tín điều của chúng ta đều có định nghĩa đức tin và lặp lại một cách hùng hồn cụm từ “Chúng tôi tin.”14 Và tôi nói với em ấy rằng tôi hãnh diện biết bao về em ấy về tính trung thực của em ấy trong khi vất vả để biết được Giáo Hội là chân chính.

Giờ đây, sau khi đã sống và học hỏi gần 60 năm kể từ khi còn là một thiếu niên 14 tuổi chỉ biết tin, tôi tuyên bố một số điều tôi biết. Tôi biết rằng Thượng Đế, vào mọi lúc, trong mọi cách thức và trong mọi trường hợp, là Cha Thiên Thượng nhân từ và có lòng tha thứ. Tôi biết Chúa Giê Su là con hoàn hảo duy nhất của Ngài, Chúa Giê Su đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã phó mạng sống của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử để cứu chuộc tất cả chúng ta là những người không hoàn hảo. Tôi biết Ngài đã sống lại từ cõi chết, và vì Ngài đã làm như vậy, nên các anh chị em và tôi cũng làm được như vậy. Tôi biết rằng Joseph Smith là người đã thừa nhận rằng ông không hoàn hảo,15 tuy nhiên ông đã được chọn làm công cụ trong tay của Thượng Đế để phục hồi phúc âm trường cửu cho thế gian. Tôi cũng biết rằng khi làm như vậy–đặc biệt là qua việc phiên dịch Sách Mặc Môn—ông đã dạy cho tôi biết thêm về tình yêu thương của Thượng Đế, thiên tính của Đấng Ky Tô, và về quyền năng của chức tư tế hơn bất cứ vị tiên tri nào khác mà tôi đã từng đọc, biết đến, hoặc nghe nói đến trong suốt một cuộc đời tìm kiếm. Tôi biết rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là người tận tụy và vui vẻ, và đã gần đến 50 năm kỷ niệm ngày ông được sắc phong làm Sứ Đồ, ông chính là người thừa kế chính đáng với thẩm quyền tiên tri ngày nay. Chúng ta đã thấy được thẩm quyền đó ở với ông một lần nữa trong đại hội này. Tôi biết rằng 14 người khác mà các anh chị em tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải cũng giơ tay tán trợ ông với tấm lòng và các chìa khóa Sứ Đồ của họ.

Tôi tuyên bố những điều này cùng các anh chị em với lòng tin chắc mà Phi E Rơ gọi là “lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn.”16 Một hạt giống niềm tin từng là nhỏ bé đối với tôi đã phát triển thành cây sự sống, vì vậy nếu đức tin của các anh chị em được thử thách một chút vào lúc này hoặc bất cứ lúc nào trong cuộc sống của các anh chị em, thì tôi mời các anh chị em hãy dựa vào đức tin của tôi. Tôi biết công việc này là lẽ thật thực sự của Thượng Đế, và tôi biết rằng chỉ lúc nào chúng ta cho phép nỗi nghi ngờ hoặc quỷ dữ làm cho chúng ta xa rời con đường của lẽ thật thì chúng ta mới gặp nguy hiểm. Hãy tiếp tục hy vọng. Hãy tiếp tục tiến bước. Hãy thành thật thừa nhận những thắc mắc và lo lắng của các anh chị em, nhưng trước hết hãy củng cố đức tin của mình, vì đối với những kẻ tin, tất cả những sự việc đều có thể thực hiện được. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.