2010–2019
Sự Bình An Cá Nhân: Phần Thưởng cho Sự Ngay Chính
Tháng tư 2013


Sự Bình An Cá Nhân: Phần Thưởng của Sự Ngay Chính

Cho dù với những thử thách của cuộc sống, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và ân điển của Ngài, nên việc sống ngay chính sẽ được tưởng thưởng với sự bình an của cá nhân.

Những kinh nghiệm gần đây đã khiến tôi suy ngẫm giáo lý về sự bình an và nhất là vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô trong việc giúp mỗi người chúng ta đạt được sự bình an lâu dài của cá nhân.

Hai sự kiện trong vài tháng qua đã làm tôi vô cùng cảm động. Trước hết, tôi nói chuyện tại tang lễ của Emilie Parker, một bé gái quý báu sáu tuổi đã thiệt mạng cùng với 25 người khác, trong đó có 19 trẻ em, trong một vụ nổ súng bi thảm ở Newtown, Connecticut. Tôi chia buồn với gia đình của cô bé ấy và nhận ra rằng nhiều người đã bị tước đoạt sự bình an. Tôi thấy được sức mạnh và đức tin của cha mẹ cô bé ấy, Robert and Alissa Parker.

Thứ hai, tôi gặp gỡ hằng ngàn tín hữu trung thành của Giáo Hội ở thành phố Ivory Coast, Abidjan.1 Quốc gia Châu Phi nói tiếng Pháp này đã chịu đựng nhiều khó khăn về kinh tế, một cuộc đảo chính, và hai cuộc nội chiến mới chấm dứt gần đây vào năm 2011. Tuy nhiên, tôi đã cảm thấy bình an đặc biệt khi ở bên họ.

Các sự kiện thường xảy ra đều cướp đi cảm giác bình an của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương hơn.

Ai có thể quên được các cuộc tấn công bi thảm ở Hoa kỳ vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001? Các biến cố này nhắc chúng ta nhớ rằng những cảm nghĩ bình an và an toàn của mình có thể bị tiêu tan nhanh chóng như thế nào.

Con trai đầu lòng của chúng tôi và vợ của nó, lúc đó đang mang thai đứa con đầu, sống ở thành phố New York, cách Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ba góc phố khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tòa Nhà phía Bắc. Chúng đi lên sân thượng của tòa nhà nơi chúng ở và rất kinh hoàng khi thấy cảnh mà chúng nghĩ là một tai nạn khủng khiếp. Đột nhiên, chúng chứng kiến chiếc máy bay thứ hai đâm vào Tòa Nhà phía Nam. Chúng nhận ra ngay rằng đây không phải là tai nạn và một phần phía bắc của Manhattan đang bị tấn công. Khi Tòa Nhà phía Nam sụp đổ, thì tòa nhà nơi có căn hộ của chúng đang đắm chìm trong đám mây bụi trút xuống một phần phía nam của Manhattan.

Hoang mang về những gì chúng đã chứng kiến, và lo sợ về những tấn công khác nữa, chúng đã đi tới một khu vực an toàn và sau đó tới tòa nhà của giáo khu Manhattan của Giáo Hội ở Trung Tâm Lincoln. Khi đến nơi, chúng thấy hàng chục tín hữu khác ở nam Manhattan cũng đã có cùng quyết định để tập trung lại tại trung tâm giáo khu. Chúng gọi điện thoại cho chúng tôi biết là chúng đang ở đâu. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe rằng chúng được an toàn, nhưng không ngạc nhiên về địa điểm chúng đang ở. Sự mặc khải hiện đại dạy rằng các giáo khu của Si Ôn là một nơi phòng vệ và “dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”2

Chúng không được trở về căn hộ của chúng trong hơn một tuần và lòng chúng tan nát vì có những người vô tội đã thiệt mạng nhưng chúng không bị thiệt hại vĩnh viễn nào cả.

Khi suy nghĩ về những sự kiện này, tôi đã có ấn tượng về sự khác biệt của giáo lý giữa sự bình an chung hay của thế giới với sự bình an cá nhân.3

Khi Đấng Cứu Rỗi giáng sinh, muôn vàn thiên binh đã ngợi khen Thượng Đế và loan truyền rằng “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”4

Tuy nhiên, cũng đáng buồn khi thấy rằng ngay cả trong thời kỳ đầy ý nghĩa vĩnh cửu này tiếp theo sự giáng sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế, vua Hê Rốt vẫn ra lệnh tàn sát trẻ sơ sinh vô tội ở Bết Lê Hem.5

Quyền tự quyết là điều thiết yếu cho kế hoạch hạnh phúc. Quyền này cho phép có được tình yêu thương, sự hy sinh, sự phát triển cá nhân, và kinh nghiệm cần thiết cho sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Quyền tự quyết này cũng cho phép có tất cả nỗi đau đớn và khổ sở chúng ta trải qua trên trần thế, gây ra bởi những thứ chúng ta không hiểu và những lựa chọn tà ác đầy sức tàn phá của những người khác. Trận Chiến trên Thiên Thượng đã bùng nổ chính là để bảo vệ quyền tự quyết của chúng ta và là điều cần thiết để hiểu rõ giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi.

Như đã được đọc trong chương 10 sách Ma Thi Ơ, Đấng Cứu Rỗi hướng dẫn Mười Hai Vị Sứ Đồ và thừa nhận rằng sứ mệnh của Ngài sẽ không có được sự bình an chung trong cuộc sống hữu diệt này. Các Sứ Đồ được phán bảo phải để lại những phước lành về sự bình an cho những gia đình xứng đáng mà họ đến thăm, nhưng được báo trước rằng họ sẽ giống như là “chiên vào giữa bầy muông sói. … các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.”6 Một lời phán quan trọng được đưa ra ở câu 34: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian”7 Rõ ràng là không có sự bình an chung trên thế gian trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Đấng Ky Tô, và bây giờ cũng không có sự bình an đó.

Trong lời giới thiệu của Chúa về sách Giáo Lý và Giao Ước, một vài nguyên tắc rất quan trọng đã được giảng dạy. Khi đề cập đến những người không hối cải, Thánh Linh của Ngài (Thánh Linh của Đấng Ky Tô), mà đã được ban cho mỗi người đến thế gian này,8 “sẽ không luôn luôn tranh đấu với loài người.”9 Ngoài ra, “hòa bình sẽ bị cất khỏi thế gian.”10 Các vị tiên tri đã tuyên bố rằng hòa bình đã thật sự bị cất khỏi thế gian rồi.11 Lu Xi Phe chưa bị trói lại và sử dụng quyền lực trên thế gian này.12

Ước muốn ngay chính của những người tốt ở khắp mọi nơi đã và sẽ luôn luôn là có được hòa bình trên thế giới. Chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc đạt được mục tiêu này. Nhưng, Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy: “Thế gian sẽ không bao giờ có thể có hòa bình và tình yêu thương … cho đến khi nhân loại nhận được lẽ thật và sứ điệp của Thượng Đế …, và thừa nhận quyền năng và thẩm quyền của Ngài là thiêng liêng.”13

Chúng tôi thiết tha hy vọng và cầu nguyện để có được sự bình an chung, nhưng chính là với tư cách là cá nhân và gia đình mà chúng ta được bình an như thế, tức là phần thưởng đã được hứa về sự ngay chính. Sự bình an này là một ân tứ đã được hứa của sứ mệnh và sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.

Nguyên tắc này được trình bày một cách ngắn gọn trong Giáo Lý và Giao Ước: “Nhưng phải biết rằng kẻ nào làm những việc làm ngay chính thì sẽ nhận được phần thưởng của mình, đó là sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”14

Chủ Tịch John Taylor đã dạy rằng sự bình an không phải chỉ là điều đang mong muốn, nhưng “nó là ân tứ của Thượng Đế.”15

Sự bình an mà tôi đang nói tới đây không phải chỉ là một sự yên tĩnh tạm thời, mà là hạnh phúc sâu đậm lâu dài và mãn nguyện về phần thuộc linh.16

Chủ Tịch Heber J. Grant mô tả sự bình an của Đấng Cứu Rỗi theo cách này: “Sự bình an của Ngài sẽ làm nhẹ bớt đau khổ, an ủi tâm hồn đau khổ của chúng ta, xóa bỏ cảm nghĩ oán ghét của chúng ta, nảy sinh ra bên trong chúng ta một tình yêu thương đối với đồng bào của mình mà sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta với cảm giác thanh thản và hạnh phúc.”17 Trong các lần gặp gỡ cha mẹ của Emilie Parker, tôi đã thấy rằng sự bình an của Đấng Cứu Rỗi đã làm giảm bớt nỗi đau khổ của họ và đang giúp an ủi tâm hồn đau khổ của họ. Điều quan trọng là ngay lập tức sau vụ nổ súng, Anh Parker đã bày tỏ sự tha thứ cho thủ phạm. Giống như Chủ Tịch Grant nói, sự bình an của Đấng Cứu Rỗi có thể “xóa bỏ cảm nghĩ oán ghét của chúng ta.” Sự phán xét là thuộc vào Chúa.

Vào thời kỳ nội chiến trong quốc gia của họ, các Thánh Hữu ở Ivory Coast đã tìm thấy bình an bằng cách tập trung vào việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với sự nhấn mạnh đặc biệt về lịch sử gia đình và công việc đền thờ cho tổ tiên của họ.18

Chúng ta đều mong muốn có được bình an không phải chỉ là sự an toàn hoặc không có chiến tranh, bạo động, xung đột và tranh chấp. Sự bình an đến từ việc biết rằng Đấng Cứu Rỗi biết chúng ta là ai, và biết rằng chúng ta có đức tin nơi Ngài, yêu mến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thậm chí và đặc biệt ở giữa những thử thách và thảm cảnh của cuộc sống. Câu trả lời của Chúa cho Tiên Tri Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty mang đến sự an ủi cho tấm lòng:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao”19

Hãy ghi nhớ, “Thượng Đế không phải là Chúa của sự hoang mang mà là Chúa của sự bình an.”20 Đối với những ai chối bỏ Thượng Đế, thì không có sự bình an nào cả. Chúng ta đều tham gia vào các đại hội trên thiên thượng trong đó có cung ứng quyền tự quyết về mặt đạo đức, và biết rằng sẽ có sự đau đớn trên trần thế và thậm chí còn là thảm kịch không tả xiết vì lạm dụng quyền tự quyết! Chúng ta hiểu rằng điều này có thể làm cho chúng ta tức giận, hoang mang, bất lực, và dễ bị tổn thương. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi sẽ khắc phục và đền bù tất cả những gì bất công của cuộc sống trần thế và mang bình an đến cho chúng ta. Trong nhà của Anh Cả Marion D. Hanks có một khung ảnh treo trên tường có ghi câu nói của Ugo Betti: “Tin tưởng nơi Thượng Đế là biết rằng tất cả các quy tắc đều sẽ công bằng, và sẽ có những điều ngạc nhiên thú vị.”21

Nguồn gốc của sự bình an là gì? Nhiều người tìm kiếm sự bình an theo những cách của thế gian, mà chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ thành công. Sự bình an không được tìm thấy bằng cách giàu có, có được quyền lực, hoặc nổi tiếng.22 Sự bình an không được tìm thấy qua việc theo đuổi thú vui, giải trí, hoặc nhàn rỗi. Không có điều nào trong những điều này, cho dù có đạt được một cách dồi dào đi chăng nữa, đều không thể tạo ra bất cứ hạnh phúc hoặc bình an nào lâu dài cả.

Bài thánh ca do Emma Lou Thayne sáng tác đã đặt một số câu hỏi rất thích hợp: “Tôi có thể tìm đến sự bình an ở đâu? Sự an ủi tôi ở đâu khi những nguồn khác ngừng không chữa lành tâm hồn tôi?”23 Câu trả lời là Đấng Cứu Rỗi, là nguồn gốc và Chúa bình an. Ngài là “Hoàng Tử Bình An.”24

Làm thế nào để chúng ta gần gũi với Đấng Cứu Rỗi? Việc hạ mình trước mặt Thượng Đế, cầu nguyện luôn luôn, hối cải các tội lỗi, chịu phép báp têm với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, cũng như trở thành môn đồ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô, họ là những tấm gương sáng về sự ngay chính là điều được tưởng thưởng bằng cảm giác bình an lâu dài.25 Sau khi Vua Bên Gia Min đưa ra sứ điệp làm mọi người xúc động về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, thì đám đông đã ngã xuống đất. “Thánh Linh của Chúa giáng xuống trên họ, và họ tràn đầy hân hoan, vì đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm, nhờ họ có đức tin mãnh liệt nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”26 Sự hối cải và việc sống ngay chính cho phép sự yên ổn trong lương tâm, đó là cần thiết cho sự mãn nguyện.27 Khi nào có một hành động phạm tội nghiêm trọng, thì thú tội là cần thiết để mang lại sự bình an.28 Có lẽ không có điều gì có thể so sánh với sự bình an có được từ một người bị dày vò vì tội lỗi đã cất gánh nặng của mình cho Chúa, và thỉnh cầu các phước lành của Sự Chuộc Tội. Như một bài thánh ca ưa thích khác của Giáo Hội đã viết: “Tôi sẽ thả gánh nặng của tôi xuống dưới chân Ngài và ra đi với tiếng ca vui.”29

Lòng tôi vui mừng khi nhận biết rằng trong thời kỳ chúng ta có hàng chục ngàn thanh niên, thiếu nữ, và những người truyền giáo cao niên đã chấp nhận sự kêu gọi để làm sứ giả của Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đang mang phúc âm phục hồi về sự bình an đến cho thế gian, từng người một và từng gia đình một—một công việc ngay chính để mang lại sự bình an cho con cái của Cha Thiên Thượng.

Giáo Hội là một nơi dung thân để các tín đồ của Đấng Ky Tô được bình an. Một số người trẻ tuổi trên thế giới nói rằng họ có Thánh Linh, nhưng không sùng đạo. Việc cảm thấy có Thánh Linh là một bước rất tốt đầu tiên. Tuy nhiên, chính là trong Giáo Hội mà chúng ta được kết tình thân hữu, giảng dạy, và được nuôi dưỡng bởi những lời tốt lành của Thượng Đế. Quan trọng hơn nữa, chính là thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội mà cung cấp các giáo lễ thiêng liêng và các giao ước ràng buộc gia đình với nhau và hội đủ điều kiện cho mỗi người chúng ta trở về với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô trong thượng thiên giới. Các giáo lễ này mang lại sự bình an vì đó là các giao ước với Chúa.

Đền thờ là nơi có nhiều giáo lễ thiêng liêng này xảy ra và là một nguồn bình an liên tục. Những người ghé thăm khu đất của đền thờ hoặc tham gia vào lễ khánh thành đền thờ cũng đều cảm thấy sự bình an này. Tôi còn nhớ rất rõ một kinh nghiệm ở lễ khánh thành và lễ cung hiến đền thờ Suva Fiji. Có những biến động chính trị dẫn đến sự nổi loạn đốt phá và cướp bóc trung tâm thành phố Suva, tiến chiếm các tòa nhà Quốc Hội và bắt các nhà lập pháp làm con tin. Fiji nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội. Quân đội đã cho phép Giáo Hội nhóm họp các tín hữu lại cho lễ khánh thành và một nhóm rất ít người cho lễ cung hiến. Các tín hữu Giáo Hội nói chung đã không được mời vì Giáo Hội lo ngại cho sự an toàn của họ. Đó là lễ cung hiến đền thờ duy nhất kể từ khi ngôi Đền Thờ Nauvoo đầu tiên đã được tổ chức trong những hoàn cảnh rất khó khăn.

Một phụ nữ Hindu duyên dáng gốc Ấn Độ đã được mời đến dự lễ khánh thành, chị là một thành viên Quốc Hội đã bị bắt giữ làm con tin lúc đầu nhưng đã được thả ra vì là phụ nữ.

Trong phòng thượng thiên giới, xa khỏi những náo động của thế gian, người phụ nữ ấy đã khóc khi bày tỏ cảm giác bình an tràn ngập lòng mình. Người ấy cảm thấy Đức Thánh Linh an ủi và làm chứng về tính chất thiêng liêng của đền thờ.

Đấng Cứu Rỗi là nguồn bình an đích thực. Cho dù với những thử thách của cuộc sống, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và ân điển của Ngài, nên việc sống ngay chính sẽ được tưởng thưởng với sự bình an của cá nhân. Trong khung cảnh thân mật nơi tổ chức lễ Vượt Qua, Đấng Cứu Rỗi đã hứa với Các Sứ Đồ của Ngài rằng họ sẽ được ban phước với “Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh” và sau đó Ngài đã phán những lời quan trọng này: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho.”30 Sau đó, ngay trước khi Ngài dâng lên lời cầu nguyện hộ: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!”31

Eliza R. Snow đã viết về khái niệm này thật tuyệt vời:

Nâng tâm hồn ta lên ngợi khen Thượng Đế;

Hãy để cho sự vui mừng của ta không bao giờ chấm dứt,

Mặc dù nỗi thống khổ lan tràn khắp nơi trên thế gian,

Nhưng Đấng Ky Tô phán rằng: “Trong ta, các ngươi sẽ có được sự bình an.”32

Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Hai đại hội đã diễn ra ở Abidjan vào Chủ Nhật ngày 10 tháng Hai năm 2013; 9.693 người tham dự—619 người trong số đó không phải là tín hữu của Giáo Hội. Tổng số tín hữu Giáo Hội ở Ivory Coast là khoảng 19.000 người.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 115:6.

  3. Từ bình an có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong tiếng Hy Lạp cổ điển, nó ám chỉ sự chấm dứt, ngưng, hoặc thiếu tình trạng thù nghịch giữa các lực lượng kình địch. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, từ ấy có một ý nghĩa toàn diện hơn và đôi khi chỉ là một hình thức chào hỏi. Bình an cũng là một “trạng thái tồn tại đến với loài người theo các điều khoản và điều kiện do Thượng Đế thiết lập” (Howard W. Hunter, trong Conference Report, tháng Mười năm 1966, 14–17).

  4. Lu Ca 2:14; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 2:16; xin xem thêm Ross Douthat, “The Loss of the Innocents,” New York Times, ngày 16 tháng Mười Hai năm 2012, 12.

  6. Ma Thi Ơ 10:16, 22.

  7. Ma Thi Ơ 10:34.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:46.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 1:33.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 1:35.

  11. Chủ Tịch Woodruff tuyên bố điều này vào năm 1894 và một lần nữa vào năm 1896. Xin xem The Discourses of Wilford Woodruff, do G. Homer Durham xuất bản (1946), 251–52; xin xem thêm Marion G. Romney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1967, 79–82.

  12. Xin xem Joseph Fielding Smith, The Predicted Judgments, Brigham Young University Speeches of the Year (Ngày 21 tháng Ba năm 1967), 5–6. Tuy nhiên, như Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “Chúng ta có thể có bình an nội tâm mặc dù sự bình an đã bị cất khỏi thế gian … [và] tất cả mọi vật sẽ ở trong tình trạng xáo trộn’” (“Behold, the Enemy Is Combined,” Ensign, tháng Năm năm 1993, 79).

  13. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph F. Smith (1998), 400.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  15. Teachings of Presidents of the Church: John Taylor (2001), 151.

  16. Từ thời người Hy Lạp thời xưa cho đến thời chúng ta, những lời này hạnh phúcsự mãn nguyện—đã được phân tích, mổ xẻ, và vất vả với không chỉ là ý nghĩa của chúng mà còn hướng dẫn chúng đưa ra cho cuộc sống của chúng ta nữa. Xin xem David Malouf, The Happy Life: The Search for Contentment in the Modern World (2011). Xin xem thêm một phần điểm sách của Ông Malouf, trong R. Jay Magill Jr., “How to Live Well,” Wall Street Journal, ngày 26–27 tháng Giêng năm 2013, C6.

  17. Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant (2002), 226.

  18. “Ba trong số năm giáo khu Ivory Coast là trong số 25 giáo khu đứng đầu trong Giáo Hội về tỷ lệ phần trăm người lớn [nộp] tên gia đình cho các giáo lễ đền thờ,” và Giáo Khu Cocody Cote d’Ivoire là giáo khu có tỷ lệ phần trăm cao nhất (C. Terry Warner và Susan Warner, “Apostle Visits Ivory Coast, Is ‘Impressed with Exceptional Spirit,’” Church News, ngày 3 tháng Ba năm 2013, 4, 14). Sau cuộc nội chiến và ngôi đền thờ gần nhất là cách xa 12 giờ đi bằng xe đò ở Accra, Ghana, thì đây là bằng chứng tuyệt vời về đức tin và đã dẫn đến sự bình an cá nhân và gia đình.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8. Chủ Tịch Harold B. Lee đã dạy: “Vậy nên chúng ta phải được tinh lọc; chúng ta phải được thử thách để chứng tỏ sức mạnh và khả năng ở bên trong mình” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 208).

  20. 1 Cô Rinh Tô 14:33.

  21. Trong Marion D. Hanks, “A Loving, Communicating God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 63.

  22. Xin xem Jeffrey R. Holland, For Times of Trouble (2012), 79. Anh Cả Holland dạy rằng “cảnh nghèo khó thật sự có thể làm nhiều điều để hủy diệt tinh thần con người hơn với bất cứ điều kiện nào khác ngoại trừ tội lỗi.” Nhưng việc sử dụng tiền bạc một cách ngay chính đều có thể gia tăng sự bình an.

  23. “Where Can I Turn for Peace?” Hymns, số 129.

  24. Ê Sai 9:6.

  25. John Greenleaf Whittier nói một cách giản dị: “Hãy lưu tâm đến cách ngươi sống. Đừng hành động theo ngày mà từ ban đêm của ngày ấy sẽ xua đuổi bình an của ngươi” (“Conduct [From the Mahabharata],” trong The Complete Poetical Works of John Greenleaf Whittier [1802], 484).

  26. Mô Si A 4:3; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Marion G. Romney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1967, 79–82.

  27. Lương tâm là một la bàn đạo đức chỉ cho chúng ta hướng tới sự bình an. Nó được kích hoạt bởi ít nhất hai nguồn: Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, một quyền thừa kế vinh quang từ Cha Thiên Thượng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:6–13; 93:2), và ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 39:6).

  28. “Hai phần của sự tha thứ được đòi hỏi để mang lại bình an cho người phạm tội—một phần là từ thẩm quyền thích hợp của Giáo Hội của Chúa, và một phần kia là từ chính Chúa. [Xin xem Mô Si A 26:29.]” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 41).

  29. “How Gentle God’s Commands,” Hymns, số 125.

  30. Giăng 14:26–27.

  31. Giăng 16:33.

  32. “Though Deepening Trials,” Hymns, số 122.