2010–2019
Mang Phúc Âm Đến Khắp Thế Gian
Tháng tư 2013


Mang Phúc Âm Đến Khắp Thế Gian

Giáo Hội đã phát triển đều đặn trên khắp thế gian từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ văn hóa này đến văn hóa khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác theo như lịch trình và kỳ định của Chúa.

Giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi đã hoàn tất. Nỗi đau đớn của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự đã chấm dứt. Chúng ta biết được từ chương 1 sách Công Vụ Các Sứ Đồ rằng: Ngài đã phục sự trong 40 ngày sau khi Ngài phục sinh, “hiện đến” với Các Sứ Đồ và “phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3).

Ngài phán cùng họ rằng “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê Ru Sa Lem, cả xứ Giu Đê, xứ Sa Ma Ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8).

Chẳng bao lâu sau đó, “Ngài … được cất lên … có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa.

“Các người đó đang ngó chăm trên trời trong lúc Ngài ngự lên, xảy có hai người nam mặc áo trắng hiện đến trước mặt;

“và nói rằng: Hỡi người Ga Li Lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Giê Su nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9–11).

Quả thật, Đấng Cứu Rỗi sẽ trở lại trong Ngày Tái Lâm của Ngài, nhưng trong lúc chờ đợi, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô phải đi “tới tận những nơi xa xôi nhất trên trái đất.”

Từ sách Ma Thi Ơ, chúng ta học được về một lệnh truyền đặc biệt cho Các Sứ Đồ là phải mang phúc âm đến cho tất cả các dân tộc:

“Đức Chúa Giê Su đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ ” (Ma Thi Ơ 28:18–19).

Trong những thời kỳ ban đầu của Giáo Hội, trong thời trung thế, phúc âm chỉ được mang đến cho gia tộc Y Sơ Ra Ên mà thôi; rồi điều mặc khải đến cùng Vị Sứ Đồ trưởng là Phi E Rơ, rằng đã đến lúc để mang phúc âm vượt ra khỏi Y Sơ Ra Ên và đến với dân Ngoại. Các chương 10 và 11 sách Công Vụ Các Sứ Đồ giúp chúng ta hiểu tiến trình và khuôn mẫu qua đó việc bành trướng cần thiết này của Giáo Hội đến với nhiều con cái của Thượng Đế hơn đã được cho các chức sắc chủ tọa và toàn thể các tín hữu của Giáo Hội biết.

Bằng cách sử dụng Cọt Nây, là một người dân Ngoại, một thầy đội, và là một người hiền lành, Chúa đã giúp Phi E Rơ hiểu rằng phúc âm sẽ đi đến với dân Ngoại, một khái niệm mới và xa lạ đối với Các Thánh Hữu vào ngày đó. Sự mặc khải mà đã thay đổi sự việc đó trong công việc của Giáo Hội, đã đến với Vị Sứ Đồ trưởng Phi E Rơ. Chúng ta biết rằng sau đó phúc âm đã nhanh chóng đến với các quốc gia của dân Ngoại.

Một ví dụ về sự bành trướng của Giáo Hội vào lúc đó là sự cải đạo của Phao Lô là người đã trở thành Vị Sứ Đồ cao trọng cho dân Ngoại. Ông đã có một khải tượng trong khi trên đường đến thành Đa Mách, nơi mà ông nhìn thấy một ánh sáng và nghe một giọng nói, hối cải tội lỗi của ông, và được Thượng Đế kêu gọi (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 22:6–18) và sau đó đã trở thành một ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét 1.800 năm sau thời điểm đó đến thời kỳ Phục Hồi phúc âm, hoặc kỳ muôn vật đổi mới trước khi Ngày Tái Lâm. Tôi làm chứng rằng qua Tiên Tri Joseph Smith, Giáo Hội đã được phục hồi và tiếp tục phát triển dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Nhiệm vụ của họ để mang phúc âm đến cho thế gian cũng tương tự như nhiệm vụ của Các Vị Sứ Đồ thời xưa.

Từ lúc tổ chức Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 1830, Giáo Hội đã phát triển đều đặn trên khắp thế gian từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ văn hóa này đến văn hóa khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác theo như lịch trình và kỳ định của Chúa.

Rồi vào năm 1978, tiếp theo mẫu mực mặc khải đã được thiết lập qua Vị Sứ Đồ trưởng, sự mặc khải về chức tư tế đến qua Chủ Tịch Spencer W. Kimball lần này là cho tất cả những người nam xứng đáng trên toàn thể thế gian có được phước lành của việc nhận được chức tư tế. Điều này có nghĩa là trong thời kỳ chúng ta, tất cả con cái của Cha Thiên Thượng trên khắp thế giới đều có thể dự phần vào tất cả các phước lành của phúc âm phục hồi. Đây là một hành động rất phù hợp với vương quốc của Thượng Đế trên thế gian trong những ngày gần tới Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô.

Riêng tôi, lúc ấy tôi mới vừa được kêu gọi với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo và Chị Dickson và tôi sắp đưa gia đình chúng tôi đi Mexico khi Anh Cả Richard G. Scott, vào lúc ấy ông là thành viên của nhóm túc số Thầy Bảy Mươi, đã cho tôi biết về sự ban cho điều mặc khải đặc biệt này. Tôi nhớ mắt tôi đã nhòa lệ khi ông kể cho tôi nghe điều đã xảy ra. Tôi hài lòng đến mức không thể diễn tả nổi khi biết điều đó là đúng và rằng đã đến lúc cho tất cả nhân loại có quyền tiếp cận tất cả các giáo lễ, giao ước và phước lành của phúc âm.

Đó là cách đây gần 35 năm, và vào lúc ấy, tôi đã không biết rằng tôi sẽ dành ra vài năm giáo vụ của mình trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi ở Giáo Vùng Tây Phi của Giáo Hội ở giữa một dân tộc tin tưởng, trung tín mà cuộc sống của họ đã được ảnh hưởng rất nhiều nhờ điều mặc khải vào năm 1978 về chức tư tế. Chị Dickson và tôi đã sống ở đó bốn năm, và kinh nghiệm đó thật là tuyệt vời và đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi.

Là một dân tộc, những người dân Tây Phi tin nơi Thượng Đế, hoàn toàn không xấu hổ trong lời tuyên bố và việc chia sẻ niềm tin của họ với những người khác, và họ có nhiều khả năng lãnh đạo. Hằng trăm người họ cải đạo cùng lúc vào Giáo Hội, và khoảng mỗi tuần, hai tiểu giáo khu hoặc chi nhánh được thiết lập ở một nơi nào đó trong Giáo Vùng Tây Phi với toàn người Châu Phi nắm giữ chức tư tế và chức vụ lãnh đạo tổ chức bổ trợ, trong hầu hết mọi trường hợp.

Tôi ước gì các anh chị em có thể cùng với Các Thánh Hữu ở đó đến dự đền thờ ở Aba, Nigeria, hoặc Accra, Ghana, nơi đó các anh chị em sẽ cảm nhận được lòng cam kết của Các Thánh Hữu và bắt đầu biết được các chủ tịch đoàn đền thờ đều là người Châu Phi. Hoặc là tôi mong muốn có thể giới thiệu các anh chị em với Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Giáo Vùng Châu Phi, là những người nhóm họp với chúng ta ở đây trong Trung Tâm Đại Hội ngày hôm nay và là các luật sư, giáo sư và các giám đốc kinh doanh, hoặc giới thiệu các anh chị em làm quen với các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu Châu Phi và gia đình họ.

Ở khắp Châu Phi, việc cùng ở trong Trường Chủ Nhật, tổ chức bổ trợ, lớp chức tư tế là một kinh nghiệm thiêng liêng, ở đó chương trình giảng dạy của Giáo Hội được tuân theo và có một sự hiểu biết, giảng dạy và học hỏi tường tận phúc âm qua Thánh Linh.

Phúc âm ở Châu Phi đang đến với một dân tộc hạnh phúc, không màng đến bề ngoài mà đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người ở phương Tây. Họ không quan tâm đến việc có vô số của cải vật chất.

Người ta nói về người Châu Phi rằng “họ có rất ít những điều ít quan trọng nhất và có rất nhiều những điều quan trọng nhất.” Họ ít quan tâm đến ngôi nhà to và những chiếc xe đẹp nhất, nhưng họ quan tâm rất nhiều đến việc biết được Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và việc có được gia đình vĩnh cửu. Như là kết quả tất nhiên của đức tin của họ, Chúa đang nâng họ lên trong những cách có ý nghĩa.

Khi biết được họ như chúng tôi biết, thì chúng tôi không ngạc nhiên trước việc họ sẽ là một phần quan trọng của việc bành trướng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày cuối cùng. Khi Đa Ni Ên, vị tiên tri thời Cựu Ước, đã hình dung ra vương quốc của Thượng Đế trong những ngày cuối cùng “sẽ trải ra tới các nơi tận cùng của trái đất, chẳng khác chi [một] hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại, sẽ lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian” (GLGƯ 65:2), thì điều đó rất thích hợp vì các anh chị em Châu Phi tuyệt vời của chúng ta sẽ là một phần quan trọng trong việc ứng nghiệm lời tiên tri đó và những điều mặc khải làm cho lời tiên tri đó như vậy sẽ tuân theo các mẫu mực đã thiết lập của Chúa.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và phúc âm là dành cho tất cả mọi người, cả người sống lẫn người chết. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.