2010–2019
Quyền Năng của Chức Tư Tế nơi một Thiếu Niên
Tháng tư 2013


Quyền Năng của Chức Tư Tế nơi một Thiếu Niên

Chức tư tế nơi cậu thiếu niên cũng mạnh mẽ như chức tư tế nơi người đàn ông khi được sử dụng trong sự ngay chính.

Năm 1878, ông cố ngoại của tôi là George Richards lúc đó được 17 tuổi. Đôi khi là trường hợp ngoại lệ vào thời kỳ đó, ông đã được sắc phong làm anh cả. Một ngày Chủ Nhật nọ, mẹ của ông rên rỉ vì đau đớn dữ dội. cha ông không có mặt ở đó nên vị giám trợ và vài người khác được mời đến ban cho bà một phước lành, nhưng cơn đau của bà không hề giảm bớt. Do đó, bà quay sang con trai của bà là George và yêu cầu con mình ban phước cho bà. Ông viết trong nhật ký của mình: “Tôi đã khóc vì thấy mẹ tôi đau đớn và vì tôi có nhiệm vụ ban phước cho bà, đó là một việc mà tôi chưa bao giờ làm, tôi đã đi vào một căn phòng khác, nơi đó tôi đã khóc và cầu nguyện.”

Khi đã bình tĩnh lại, ông đặt tay lên đầu của bà và ban cho bà một phước lành rất giản dị. Về sau, ông nhận xét: “Mẹ tôi không rên rỉ nữa và cảm thấy bớt đau trong khi đôi tay của tôi vẫn còn đặt trên đầu bà.” Sau đó, ông ghi lại trong nhật ký của mình lời nhận xét thấu đáo nhất này. Ông nói rằng ông luôn luôn cảm thấy lý do mà mẹ của ông đã không cảm thấy bớt đau từ phước lành của vị giám trợ không phải là Chúa không làm vinh hiển phước lành của vị giám trợ mà là vì Chúa đã dành phước lành này cho một thiếu niên, để dạy cho cậu ta một bài học rằng chức tư tế nơi cậu thiếu niên cũng mạnh mẽ như chức tư tế nơi người đàn ông khi được sử dụng trong sự ngay chính.

Tối nay, tôi muốn nói về quyền năng đó. Mặc dù tôi sẽ nói với các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế, nhưng các nguyên tắc thảo luận áp dụng cho tất cả giới trẻ của Chức Tư Tế A Rôn và các vị lãnh đạo tương ứng của họ, kể cả các chủ tịch nhóm túc số thầy giảng và các phụ tá chủ tịch nhóm túc số thầy tư tế.

Trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo, tôi đã nhận thấy rằng các thanh niên đã tiến triển đáng kể trong nếp sống thuộc linh và các kỹ năng lãnh đạo trong những năm phục vụ truyền giáo. Nếu bằng cách nào đó chúng ta có thể tính toán mức độ thuộc linh và kỹ năng lãnh đạo của họ trong suốt những năm họ ở trong Chức Tư Tế A Rôn và phục vụ truyền giáo, thì có lẽ cách tính toán đó sẽ trông giống như đường kẻ trên biểu đồ này (xin xem hình 1). Tôi nghĩ rằng có ít nhất ba yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng đáng kể như vậy trong những năm phục vụ truyền giáo: (1) chúng ta tin cậy các thanh niên này hơn bao giờ hết, (2) chúng ta kỳ vọng vào họ cao nhưng yêu thương họ, và (3) chúng ta huấn luyện đi và huấn luyện lại để họ có thể hoàn thành những kỳ vọng đó một cách xuất sắc.

Một người có thể hỏi một câu hỏi thích hợp: “Chúng ta có thể sử dụng các nguyên tắc này với các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế không?” Nếu điều đó được thực hiện, thì có lẽ sự tăng trưởng sẽ bắt đầu sớm hơn và trông như thế này đây. Trong một vài phút, tôi xin nói về các nguyên tắc này có thể áp dụng cho một chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế như thế nào.

Trước hết—sự tin cậy. Chúng ta có thể giao cho các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế trách nhiệm lớn lao. Chúa chắc chắn đã làm như vậy—điều đó đã được cho thấy bằng sự sẵn lòng của Ngài để ban cho họ các chìa khóa, có nghĩa là quyền chủ tọa và hướng dẫn công việc trong nhóm túc số của họ. Để chứng tỏ về sự tin cậy này, chúng ta kêu gọi các chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế qua sự mặc khải, không phải chỉ căn cứ vào em nào đã ở trong nhóm túc số lâu nhất hoặc bất cứ yếu tố tương tự nào khác. Mỗi người lãnh đạo trong Giáo Hội này, kể cả người chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế, đều có quyền được biết, và cần biết rằng mình đã được kêu gọi qua sự mặc khải. Sự bảo đảm này giúp người ấy biết rằng Thượng Đế tin cậy và hỗ trợ người ấy.

Các thuộc tính thứ hai và thứ ba đều liên quan chặt chẽ với nhau—những kỳ vọng cao và sự huấn luyện liên quan để đạt được các kỳ vọng này.Tôi đã học được một bài học quan trọng trong khi đi truyền giáo: nỗ lực của người truyền giáo thường thường gia tăng hoặc giảm bớt đều tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng của chủ tịch phái bộ truyền giáo, và điều đó cũng như vậy đối với các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế. Nếu họ được kỳ vọng chỉ để hướng dẫn các buổi họp nhóm túc số và tham dự các buổi họp của ủy ban thanh niên thiếu nữ với giám trợ đoàn, thì họ sẽ làm duy nhất điều đó. Nhưng các anh em là các vị lãnh đạo có thể mang đến cho họ một tầm nhìn xa hơn—đó là tầm nhìn của Chúa. Và tại sao tầm nhìn lại quan trọng như vậy? Vì nếu tầm nhìn gia tăng thì sẽ có động lực gia tăng.

Quyền nhận được sự mặc khải là một phần vốn có của mọi sự kêu gọi trong Giáo Hội này. Do đó, các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế cần phải biết rằng họ có quyền nhận được sự mặc khải để đề nghị ai làm các cố vấn của họ, quyền nhận được sự mặc khải liên quan đến việc giải cứu người bị thất lạc về phương diện thuộc linh, và quyền nhận được sự mặc khải để huấn luyện các thành viên trong nhóm túc số về bổn phận của họ.

Một vị lãnh đạo khôn ngoan sẽ giảng dạy chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế về các nguyên tắc mà sẽ rất hữu ích trong việc nhận được sự mặc khải. Vị này có thể giảng dạy cho người chủ tịch đó lời hứa rõ ràng của Chúa: “Nếu các ngươi cầu xin thì các ngươi sẽ nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác” (GLGƯ 42:61). Chúa rất rộng lượng trong việc ban cho sự mặc khải. Ngài đã chẳng nhắc nhở Joseph Smith và Oliver Cowdery: “Đã bao lần ngươi cầu vấn, ngươi đều nhận được sự chỉ dẫn từ Thánh Linh của ta” (GLGƯ 6:14)? Và điều này có thể giống như vậy đối với các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế. Chúa yêu thương các em và muốn mặc khải cho các em biết về ý nghĩ và ý muốn của Ngài. Các em có thể tưởng tượng rằng Chúa có một vấn đề nào mà Ngài không thể giải quyết không? Tôi không thể tưởng tượng nổi điều đó. Vì các em được quyền nhận mặc khải, nên Ngài có thể giúp các em giải quyết tất cả mối quan tâm các em có với tư cách là chủ tịch của nhóm túc số của mình nếu các em chỉ cần sẵn lòng tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài.

Các anh em là những người lãnh đạo tuyệt vời có thể giảng dạy người chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế rằng sự mặc khải không phải nhằm thay thế cho sự lao nhọc và nỗ lực cá nhân. Chủ Tịch Henry B. Eyring có lần đã hỏi Chủ Tịch Harold B. Lee: “Làm thế nào tôi nhận được sự mặc khải?” Chủ Tịch Lee đáp: “Nếu anh muốn có được sự mặc khải, thì hãy nghiên cứu và phân tích tình huống”1 Người lãnh đạo khôn ngoan có thể thảo luận với người chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế về một số công việc thuộc linh em ấy có thể làm trong việc chuẩn bị để đề cử các cố vấn của mình. Em ấy có thể cần phải hỏi và trả lời các câu hỏi như sau: Ai sẽ là một tấm gương sáng để có thể khuyến khích các thiếu niên khác? Hoặc là ai sẽ nhạy cảm đối với nhu cầu của những người phải đối phó với những thử thách đặc biệt?

Và cuối cùng vị lãnh đạo khôn ngoan này có thể dạy cho người chủ tịch đó cách nhận ra và hành động theo sự mặc khải khi sự mặc khải này đến. Chúng ta sống trong một thế giới đầy dẫy những hành động nhanh chóng, phấn khởi khi đèn đuốc và tiếng ồn ào huyên náo là bình thường. Nhưng người thiếu niên này cần phải biết rằng đây là đường lối của thế gian, chứ không phải là đường lối của Chúa. Đấng Cứu Rỗi giáng sinh như là người vô danh trong một máng ăn; Ngài thực hiện hành động tuyệt vời và độc nhất vô nhị từ trước đến giờ trong cảnh yên tĩnh của một khu vườn; và Joseph nhận được Khải Tượng Thứ Nhất trong một khu rừng hẻo lánh. Những câu trả lời của Thượng Đế đến bằng tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái—những cảm nghĩ bình an hoặc an ủi, các ấn tượng để làm điều thiện, sự soi sáng—đôi khi dưới hình thức của những ý nghĩ dường như nhỏ nhặt giống như hạt giống, nhưng có thể tăng trưởng rất nhiều nếu được suy ngẫm và kính trọng. Đôi khi các ấn tượng hoặc ý nghĩ này thậm chí còn có thể làm cho các em là các chủ tịch của nhóm túc số thầy trợ tế phải đề nghị để kêu gọi người cố vấn hoặc giao cho một thiếu niên hiện đang kém tích cực một sự chỉ định.

Cách đây nhiều năm, với tư cách là chủ tịch đoàn giáo khu, chúng tôi cảm thấy có ấn tượng để kêu gọi một người hiền lành để làm thư ký giáo khu. Vào lúc đó, anh ấy đang tạm thời gặp khó khăn trong việc tham dự nhà thờ thường xuyên. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng nếu anh ấy chấp nhận sự kêu gọi đó, thì anh ấy sẽ làm việc một cách tuyệt vời.

Chúng tôi đưa ra sự kêu gọi, nhưng anh ấy trả lời: “Không, tôi không nghĩ rằng tôi có thể làm việc đó được đâu.”

Rồi một ấn tượng đến. Tôi nói: “Vậy thì, tôi nghĩ rằng giáo khu Glendale sẽ không có thư ký giáo khu.”

Anh ấy sửng sốt đáp: “Chủ tịch nói sao? Ta phải có một thư ký giáo khu chứ.”

Tôi đáp: “Bây giờ, anh có muốn chúng tôi kêu gọi một người nào khác để phục vụ với tư cách là thư ký giáo khu khi Chúa thúc giục chúng tôi kêu gọi anh không?”

Anh ấy nói: “Thôi được tôi sẽ làm vậy.”

Và anh ấy đã làm công việc đó. Không những có nhiều người đàn ông mà còn có nhiều thiếu niên sẽ đáp ứng một sự kêu gọi khi họ biết Chúa đang kêu gọi họ và Chúa cần họ.

Kế đến các anh em có thể để cho người chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế này biết rằng một trong những điều Chúa kỳ vọng ở em ấy là giải cứu người bị thất lạc, người kém tích cực lẫn người ngoại đạo. Chúa phán về sứ mạng chính yếu của Ngài bằng những lời này: “Vì Con người đã đến cứu sự đã mất” (Ma Thi Ơ 18:11). Nếu đó là một ưu tiên của Đấng Cứu Rỗi để giải cứu người bị thất lạc, nếu đó là một ưu tiên của Chủ Tịch Thomas S. Monson để làm như vậy, như ông đã thể hiện điều đó trong suốt cuộc sống của ông, thì đó cũng nên là ưu tiên của mọi người lãnh đạo, mọi chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế trong Giáo Hội này để làm như vậy. Trọng tâm điểm của vai trò lãnh đạo của chúng ta, là phần chính yếu của giáo vụ chúng ta, phải là quyết tâm đầy háo hức, thu hút và liên tục đi tìm người bị thất lạc và mang họ trở lại.

Một thiếu niên được các thành viên trong nhóm túc số của mình đến thăm đã nói: “Thật là ngạc nhiên khi ngày hôm nay … có 30 người đến nhà tôi. … Điều đó làm cho tôi muốn đi nhà thờ ngay bây giờ.” Làm thế nào một thiếu niên có thể chống lại tình yêu thương và mối quan tâm như thế được?

Tôi rất phấn khởi khi nghe rất nhiều câu chuyện về các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế là những em đã có được tầm nhìn xa và thỉnh thoảng giảng dạy tất cả hoặc một phần của bài học trong các buổi họp nhóm túc số của họ. Cách đây vài tuần, tôi đã tham dự một lớp học của nhóm túc số các thầy trợ tế. Một em 12 tuổi đã đưa ra một bài học dài 25 phút về Sự Chuộc Tội. Cậu ta bắt đầu bằng cách hỏi các thầy đồng trợ tế của mình về việc họ nghĩ Sự Chuộc Tội là gì. Sau đó, cậu ta chia sẻ một số câu thánh thư đầy ý nghĩa và đưa ra những câu hỏi có suy nghĩ để họ trả lời. Tuy nhiên, khi nhận thấy rằng có nhiều thời gian hơn so với tài liệu của bài học còn lại, cậu ta đã khôn ngoan, và có lẽ đã có một lời chỉ dẫn trước đó của cha cậu để hỏi các vị lãnh đạo có mặt những câu hỏi nào họ đã được hỏi về Sự Chuộc Tội khi họ đi truyền giáo và câu trả lời của họ cho những câu hỏi này. Sau đó, cậu ta kết thúc với chứng ngôn của mình. Tôi lắng nghe đầy khâm phục. Tôi tự nghĩ: “Tôi không nhớ là từ trước đến giờ tôi có bao giờ đưa ra một phần quan trọng của một bài học khi còn là một thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn đâu.” Chúng ta có thể nâng cao tiêu chuẩn và tầm nhìn cho các thiếu niên này, và họ sẽ đáp ứng.

Các anh em là các vị lãnh đạo giúp đỡ các chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế này một cách tốt nhất khi các anh em để cho họ hướng dẫn, và các anh em làm cho lớp học ngừng chú ý đến các anh em. Các anh em đã làm hiển vinh sự kêu gọi của mình một cách tốt nhất không phải là khi các anh em đưa ra một bài học tuyệt vời, mà là khi các anh em giúp họ đưa ra một bài học tuyệt vời; không phải là khi các anh em giải cứu một người bị thất lạc mà là khi các anh em giúp họ làm như vậy.

Có một câu tục ngữ xưa nói rằng: đừng chết cho đến khi đã làm trọn tiềm năng của mình rồi. Tương tự như vậy, tôi muốn nói với các anh em là các vị lãnh đạo thành niên, đừng được giải nhiệm cho đến khi đã làm tròn khả năng lãnh đạo của mình. Hãy tận dụng mọi cơ hội để giảng dạy cho giới trẻ của chúng ta; hãy giảng dạy họ cách chuẩn bị một chương trình nghị sự, cách điều khiển các buổi họp với thái độ chững chạc và lòng nhiệt thành, cách giải cứu một người, cách chuẩn bị và đưa ra một bài học đầy soi dẫn, và cách nhận được sự mặc khải. Đây sẽ là thước đo thành công của các anh em—bằng vai trò lãnh đạo và nếp sống thuộc linh mà các anh em đã giúp để trở thành một phần ý nghĩa và cảm nghĩ trong thâm tâm của các thiếu niên này.

Nếu các chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế chịu làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, thì các em sẽ là công cụ trong tay của Thượng Đế ngay cả bây giờ, vì chức tư tế nơi người thiếu niên cũng mạnh mẽ như là chức tư tế nơi người đàn ông khi được sử dụng trong sự ngay chính. Và rồi khi các em lập giao ước đền thờ và trở thành người truyền giáo rồi sau đó là những người lãnh đạo tương lai của Giáo Hội này, thì các em sẽ biết cách để nhận được sự mặc khải, cách để giải cứu một người bị thất lạc, và cách giảng dạy giáo lý của vương quốc với quyền năng và thẩm quyền. Sau đó, các em sẽ trở thành giới trẻ của quyền thừa kế cao quý. Tôi xin làm chứng điều này như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Cức Chuộc của thế gian, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong Henry B. Eyring, “Waiting upon the Lord,” trong Brigham Young University 1990–91 Devotional and Fireside Speeches (1991), 17.