2010–2019
Những Lời Chúng Ta Nói
Tháng tư 2013


Những Lời Chúng Ta Nói

Cách chúng ta nói chuyện với con cái của mình và những lời chúng ta sử dụng đều có thể khuyến khích và nâng cao tinh thần chúng và củng cố đức tin của chúng.

Một người cha trẻ tuổi mới đây biết được sự qua đời của cô giáo dạy lớp hai của ông, cô giáo ấy rất phi thường. Để tưởng nhớ đến cô giáo mình, ông viết: “Trong tất cả những cảm nghĩ và kinh nghiệm mà tôi nhớ được, thì cảm nghĩ sâu đậm nhất trong tâm trí của tôi là ‛sự an ủi.’ Cô có thể đã dạy tôi về chính tả, ngữ pháp và toán, nhưng quan trọng hơn hết, cô đã dạy tôi biết yêu thích được làm trẻ con. Trong lớp học của cô, cô thường nói rằng thỉnh thoảng có đánh vần sai thì cũng không sao; Cô thường nói: ‛Có làm đổ, làm rách hay làm dơ thì cũng không sao. Chúng ta sẽ cùng làm việc để sửa lại và chúng ta sẽ lau dọn.’ Cũng là một điều tốt để thử làm, để tự thử thách, mơ ước và vui hưởng những điều thú vị từ những điều vô nghĩa mà chỉ trẻ em mới cảm thấy phấn khởi.”

Một trong những ảnh hưởng lớn nhất mà một người có thể có trên thế gian này là ảnh hưởng đến một đứa trẻ. Những sự tin tưởng và lòng tự trọng của trẻ em được ảnh hưởng rất sớm trong cuộc đời của chúng. Tất cả mọi người đang nghe tôi nói đều có khả năng để làm cho một đứa trẻ tin tưởng nơi bản thân nó hơn và làm gia tăng đức tin của một đứa trẻ nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô qua những lời họ nói.

Trong Hê La Man, chương 5 chúng ta đọc: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.”1

Đây là những lời Hê La Man đã giảng dạy cho các con trai của ông. Và chúng ta đọc tiếp: “Và họ đã ghi nhớ những lời ông dạy; vậy nên, … họ đã ra đi giảng dạy lời của Thượng Đế cho tất cả mọi người.”2

Mặc dù các con trai của Hê La Man bị ngược đãi và bỏ tù, nhưng những lời họ đã nghe thì không làm cho họ thất vọng. Họ được bảo vệ và được bao bọc bởi một cột lửa. Rồi có một tiếng nói phán cùng những người bắt giam họ:

“Các ngươi hãy hối cải, hãy hối cải, và đừng tìm cách hủy diệt các tôi tớ của ta nữa…

“… đó không phải là tiếng sấm sét hay tiếng huyên náo ồn ào, nhưng này, đó là một tiếng nói hết sức dịu dàng, tựa hồ như một lời thì thầm, và nó quả thật xuyên thấu tận tâm hồn.”3

Chúng ta có thể học hỏi từ tiếng nói đó của thiên thượng. Tiếng nói từ trên trời đó không lớn, không la mắng, hoặc khinh miệt; đó là một tiếng nói êm nhỏ, hoàn toàn hòa nhã, đưa ra chỉ dẫn trong khi mang đến hy vọng.

Cách chúng ta nói chuyện với con cái của mình và những lời chúng ta sử dụng đều có thể khuyến khích và nâng cao tinh thần chúng và củng cố đức tin của chúng để ở trên con đường trở lại với Cha Thiên Thượng. Chúng đến thế gian này để sẵn sàng lắng nghe.

Ví dụ về một đứa trẻ biết lắng nghe đã xảy ra trong một cửa hàng vải. Cửa hàng đông người đi mua sắm trong khi mọi người thấy rõ rằng một người mẹ đang hốt hoảng vì bà đã bị thất lạc đứa con trai nhỏ của mình. Thoạt đầu, bà đã gọi tên của đứa bé: “Connor,” trong khi bà đi thật nhanh xung quanh cửa hàng. Thời gian trôi qua, giọng nói của bà càng lớn hơn và hốt hoảng hơn. Chẳng mấy chốc các nhân viên an ninh của cửa hàng cũng được thông báo cho biết, và mọi người trong cửa hàng đã tham gia vào việc tìm kiếm đứa bé, ở bên trong và bên ngoài cửa hàng. Vài phút trôi qua nhưng vẫn không tìm thấy đứa bé. Cũng dễ hiểu thôi, mẹ của Connor trở nên hốt hoảng hơn từng phút và đã nhanh chóng hét đi hét lại tên của đứa bé.

Một người khách hàng, sau khi dâng lên một lời cầu nguyện thầm, đã nghĩ rằng Connor có thể sợ hãi khi nghe mẹ nó hét lên tên của nó. Người này nói về suy nghĩ đó với một người phụ nữ khác cũng đang tham gia vào việc tìm kiếm, và họ nhanh chóng thực hiện một kế hoạch. Họ bắt đầu cùng nhau đi bộ giữa các dãy bàn để vải và dịu dàng lặp đi lặp lại những lời: “Connor ơi, nếu cháu có thể nghe được tiếng của tôi, thì hãy nói: ‛Cháu ở đây nè.’” Trong khi họ đi từ từ hướng về phía sau của cửa hàng và lặp đi lặp lại câu nói đó, thì không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã nghe thấy một tiếng nói rụt rè, nhỏ nhẹ: “Cháu ở đây nè.” Connor đã núp dưới gầm bàn ở giữa các cuộn vải. Đó là một tiếng nói hoàn toàn dịu dàng mà đã khuyến khích Connor đáp lại.

Hãy Cầu Nguyện để Biết Nhu Cầu của một Đứa Trẻ

Muốn nói với tâm hồn của một đứa trẻ, chúng ta phải biết nhu cầu của một đứa trẻ. Nếu chúng ta cầu nguyện để biết những nhu cầu đó, thì chính những lời mà chúng ta nói có thể có khả năng để ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng. Các nỗ lực của chúng ta được làm cho vinh hiển khi chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Chúa phán:

“Hãy nói ra những ý nghĩ mà ta sẽ đặt trong lòng các ngươi, …

“Vì điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó.”4

Ngừng Kết Nối và Lắng Nghe với Tình Yêu Thương

Rủi thay, những xao lãng trên thế giới này ngăn cản không cho nhiều trẻ em nghe được những lời khuyên bảo mà có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng về bản thân.

Bác sĩ Neal Halfon, là người lãnh đạo Trung Tâm Giúp Đỡ về Sức Khỏe của Trẻ Em, Gia Đình và Cộng Đồng của trường UCLA, đã nói về việc cha mẹ làm điều mà họ tưởng là tốt nhất, nhưng thật sự lại làm hại con cái. Một ví dụ về câu chuyện một đứa bé 18 tháng và cha mẹ của nó:

“‛Con trai của họ có vẻ vui vẻ, hiếu động và tham gia, rõ ràng là thích dành thời gian và ăn pizza với cha mẹ nó. … Vào cuối bữa ăn tối, mẹ nó đứng dậy để đi lo công chuyện, để cho người cha chăm sóc nó.’

“Người cha … bắt đầu đọc tin nhắn điện thoại trong khi đứa bé phải cố gắng để có được sự chú ý của cha nó bằng cách ném những mẩu bánh pizza. Sau đó, người cha bắt đầu để ý đến con trai mình lại, ngồi đối diện với con mình và chơi với nó. Chẳng bao lâu, người cha bắt đầu xem video trên điện thoại của mình với đứa bé cho đến khi người vợ trở lại.

“[Bác sĩ] Halfon quan sát thấy rằng đứa bé ấy dường như không vui, mối quan hệ bị giảm bớt giữa cha mẹ và đứa con.”5

Câu trả lời cho lời cầu nguyện của chúng tôi về việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của con cái chúng ta có thể là đừng sử dụng thiết bị điện tử quá thường xuyên. Những khoảnh khắc quý giá của cơ hội để tiếp xúc và trò chuyện với con cái chúng ta bị mất đi khi chúng ta bận rộn với những thứ làm cho mình xao lãng. Tại sao không chọn một lúc nào đó mỗi ngày để tách ra khỏi thiết bị điện tử và dành thời gian với nhau? Chỉ cần tắt mọi thiết bị điện tử. Khi các anh chị em làm điều này, thì lúc đầu ngôi nhà của các anh chị em có thể dường như yên tĩnh; các anh chị em còn có thể cảm thấy như mình không biết phải làm gì hoặc nói gì. Sau đó, khi các anh chị em hoàn toàn chú ý đến con cái của mình, thì một cuộc trò chuyện sẽ bắt đầu, rồi các anh chị em và con cái mình có thể vui thích lắng nghe nhau.

Viết để Thuyết Phục Con Cái Chúng Ta

Chúng ta cũng có thể ảnh hưởng đến con cái mình qua những lời chúng ta viết cho chúng. Nê Phi viết: “Chúng tôi cố gắng cần mẫn viết ra để thuyết phục con cháu chúng ta … để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế.”6

Chủ Tịch Thomas S. Monson chia sẻ kinh nghiệm về Jay Hess, một phi công trong không quân bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam vào thập niên 1960: “Trong hai năm, gia đình của anh ấy không hề biết được là anh ấy còn sống hay đã chết. Cuối cùng, những người bắt giam anh ở Hà Nội cho phép anh viết thư về nhà, nhưng giới hạn lá thư của anh là ít hơn 25 từ.” Chủ Tịch Monson hỏi: “Các anh chị em và tôi sẽ nói gì với gia đình mình nếu chúng ta cũng ở trong hoàn cảnh như vậy—không thấy họ hơn hai năm và không biết rằng chúng ta sẽ gặp lại họ không? Muốn mang đến một điều gì để gia đình mình có thể nhận ra là do anh gửi đến, và cũng như muốn đưa cho họ lời khuyên dạy quý báu, Anh Hess đã viết [những lời sau đây]: ‛Những điều này rất quan trọng: lễ hôn phối đền thờ, đi truyền giáo, đi học đại học. Tiến bước, đặt mục tiêu, viết lịch sử, chụp ảnh gia đình hai lần một năm.’”7

Các anh chị em sẽ viết gì cho con cái mình nếu chỉ được viết có 25 từ hoặc ít hơn?

Người cha trẻ tuổi mà tôi đã nói lúc nãy, là người đã viết ra những kỷ niệm về cô giáo dạy lớp hai của mình, hiện đang nuôi dạy một đứa bé gái xinh xắn. Người cha này cảm thấy sự tin cậy của thiên thượng đã được đặt vào anh ta. Khi đứa bé lớn lên, thì tương lai của nó sẽ như thế nào? Anh ta sẽ nói điều gì mà sẽ thật sự ảnh hưởng đến nó? Những lời nào sẽ khuyến khích nó, nâng cao tinh thần nó, và giúp nó ở lại trên con đường? Việc anh ta dành ra thời giờ để thì thầm: “Con là một đứa con của Thượng Đế” sẽ tạo ra một sự khác biệt không? Một ngày nào đó, nó sẽ nhớ rằng cha nó thường nói những lời này: “Cha yêu tất cả mọi điều về con” không?

Cha Thiên Thượng đã phán với Vị Nam Tử của Ngài và với tất cả chúng ta rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta” và sau đó Ngài đã phán thêm: “đẹp lòng ta mọi đàng”?8

Cầu xin cho những lời chúng ta nói và viết cho con cái của mình sẽ phản ảnh tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và cho chúng ta. Và sau đó, cầu xin cho chúng ta dừng lại để lắng nghe, vì một đứa trẻ có nhiều khả năng để nói những điều vĩ đại và kỳ diệu để đáp lại. Tôi nói điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.