2010–2019
Tôi Biết Những Điều Này
Tháng tư 2013


Tôi Biết Những Điều Này

Trong tất cả những điều tôi đã đọc, giảng dạy và học hỏi, thì lẽ thật quý báu và thiêng liêng nhất mà tôi phải đưa ra là lời chứng đặc biệt của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô.

Vào năm 1992, tôi đã 68 tuổi sau khi phục vụ chín năm với tư cách là Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai và 22 năm với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai. Tôi cảm thấy có ấn tượng để bắt đầu viết những gì mà tôi gọi là “Một Sáng Tác Dở Dang.” Phần đầu của sáng tác đó là như thế này:

Tôi đã nảy ra một ý nghĩ vào một đêm nọ

Một ý nghĩ có ý nghĩa và sâu sắc.

Ý nghĩ này đến khi tôi rất mệt mỏi.

Quá mệt đến mức không ngủ được.

Tôi có một ngày rất bận rộn

Và suy ngẫm về số phận của mình.

Ý nghĩ là như thế này:

Khi tôi còn trẻ, không phải lúc 68 tuổi!

Tôi có thể đi không khập khiễng;

Tôi không bị đau vai.

Tôi có thể đọc một câu viết hai lần

Rồi đọc thuộc lòng câu đó.

Tôi có thể làm việc trong nhiều giờ

Và gần như không ngừng lại để thở.

Và những điều bây giờ tôi không thể làm

Tôi đã làm một cách dễ dàng khi còn trẻ.

Nếu tôi có thể trở lại những năm tháng trước,

Nếu tôi có thể chọn làm điều đó,

Tôi sẽ không đánh đổi tuổi già để được trẻ nữa,

Tôi đã mất quá nhiều.

Tôi rất vui lòng để tiến bước,

Để mất tuổi trẻ của tôi, cho dù nó có tuyệt vời đến đâu đi nữa.

Nếu tôi trở lại thời trẻ thì điều tôi đánh mất

Chính là điều tôi hiểu.

Mười năm sau, tôi quyết định thêm vào một vài hàng nữa cho bài thơ đó:

Mười năm đã trôi qua nhanh chóng

Và trong mười năm đó, tôi đã có rất nhiều đau đớn.

Một cái hông nhân tạo giúp tôi không đi khập khiễng nữa;

Một lần nữa tôi lại bước đi khá thẳng.

Một miếng kim loại khác giữ cho xương cổ được chắc chắn—

Đó thật là một sự sáng tạo kỳ diệu!

Nó giúp tôi khắc phục những hậu quả của bệnh bại liệt;

Tôi gia nhập thế hệ cứng cổ.

Rõ ràng là tôi đã già rồi.

Và tình trạng đó sẽ không trở nên tốt hơn đâu.

Điều duy nhất đang phát triển mạnh

Ở tôi là bệnh hay quên.

Bạn hỏi: “Tôi có nhớ ông không?”

Tất nhiên rồi, bạn không khác lắm từ lần cuối tôi gặp bạn.

Nào đừng lấy thế mà làm phiền

Nếu tôi không thể nhớ tên của bạn.

Tôi đồng ý là tôi đã học được một số điều

Mà tôi không muốn biết,

Nhưng tuổi tác đã mang tới các lẽ thật quý báu đó

Làm cho tinh thần phát triển.

Trong số tất cả các phước lành đã đến,

Điều tốt nhất trong cuộc sống của tôi

Là sự đồng hành và an ủi

Tôi nhận được từ người vợ yêu quý.

Con cái chúng tôi đều đã kết hôn hết rồi,

Và có gia đình riêng của chúng,

Với con và cháu,

Chúng đều lớn rất nhanh.

Tôi không thay đổi ý kiến của mình một chút nào

Về việc được trẻ lại.

Chúng ta phải già thôi

Vì kèm theo tuổi già là sự hiểu biết về lẽ thật.

Bạn hỏi: “Tương lai sẽ mang đến những gì?

Số phận của tôi sẽ ra sao?”

Chúng ta tuân theo và không phàn nàn.

Hãy hỏi khi nào tôi 88 tuổi!

Và năm ngoái tôi đã thêm vào những dòng này:

Và bây giờ bạn thấy là tôi đã 88 tuổi rồi.

Những năm tháng trôi qua rất nhanh.

Lúc đầu tôi đi bình thường, rồi đi khập khiễng, rồi chống gậy,

Và giờ đây tôi ngồi trên xe lăn.

Thỉnh thoảng tôi ngủ gục,

Nhưng quyền năng chức tư tế vẫn còn.

Mặc dù tôi thiếu tất cả những thứ về thể chất

Nhưng tôi đã tăng trường nhiều về phần thuộc linh.

Tôi đã đi khắp thế giới

Hơn ba triệu cây số.

Và với sự giúp đỡ của hệ thống vệ tinh,

Tiếng nói của tôi vẫn vang đi khắp thế giới.

Giờ đây tôi có thể nói một cách chắc chắn

Rằng tôi biết và kính mến Chúa.

Tôi có thể làm chứng điều đó như những người thời xưa

Khi tôi thuyết giảng lời thánh của Ngài.

Tôi biết cảm nghĩ của Ngài ở Vườn Ghết Sê Ma Nê

Rất khó để thấu hiểu.

Tôi biết Ngài đã làm việc đó cho tất cả chúng ta;

Chúng ta không có Người Bạn nào vĩ đại hơn.

Tôi biết rằng Ngài sẽ tái lâm

Với quyền năng và trong vinh quang.

Tôi biết rằng tôi sẽ thấy Ngài lại một lần nữa

Vào cuối cuộc đời của tôi.

Tôi sẽ quỳ xuống trước đôi chân bị thương của Ngài;

Tôi sẽ cảm thấy vinh quang của Thánh Linh Ngài.

Tiếng nói thì thầm, run rẩy sẽ thốt lên,

“Ôi Chúa của tôi, Thượng Đế của tôi, tôi biết.”1

Và quả thật tôi biết!

Cửa sổ sau nhà của chúng tôi nhìn ra một vườn hoa nhỏ và khu rừng nằm cạnh một dòng suối nhỏ. Một bức tường của ngôi nhà nằm ở cạnh khu vườn và bị bao phủ dày đặc bởi cây thường xuân. Hầu hết trong các năm, cây thường xuân này đã là nơi làm tổ của chim sẻ. Mấy cái tổ làm trong những loại cây leo đều được an toàn không bị những con cáo, gấu trúc và mèo rình rập.

Một ngày nọ, có tiếng ồn ào náo động trong bụi cây thường xuân. Tiếng kêu báo động đầy tuyệt vọng đau khổ do 8 hoặc 10 con chim sẻ từ các khu rừng xung quanh cùng kêu. Chẳng bao lâu, tôi nhìn thấy lý do của sự náo động đó. Một con rắn đã trườn một phần ra khỏi bụi cây thường xuân và treo mình ở phía trước của cửa sổ chỉ đủ dài cho tôi lôi nó ra. Phần giữa thân của con rắn có hai chỗ phình ra—bằng chứng hiển nhiên là nó đã ăn hai con chim non từ tổ rồi. Chúng tôi sống trong căn nhà này của mình đã 50 năm mà chưa nhìn thấy bất cứ điều gì như thế cả. Đó là một kinh nghiệm có một không hai trên đời—hoặc là chúng tôi nghĩ như vậy.

Một vài ngày sau đó cũng có một cảnh náo động khác, lần này là trong những dây leo bao phủ chuồng chó của chúng tôi. Chúng tôi cũng nghe thấy tiếng kêu báo động giống như trước và nhìn thấy cảnh quy tụ của đám chim sẻ trong khu phố. Chúng tôi biết con dã thú ăn thịt này là gì rồi. Một đứa cháu trai trèo lên trên chuồng chó và lôi ra một con rắn khác vẫn còn đang ngoặm chặt lấy con chim mẹ mà nó đã chụp được trong tổ và đứa cháu tôi đã giết chết con rắn.

Tôi tự nhủ thầm: “Điều gì đang xảy ra đây? Vườn Ê Đen bị xâm lược lần nữa à?”

Trong tâm trí của tôi có những lời cảnh báo được các vị tiên tri đưa ra. Chúng ta sẽ không luôn luôn được an toàn khỏi ảnh hưởng của kẻ nghịch thù, ngay cả trong nhà của mình. Chúng ta cần phải bảo vệ con trẻ của mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rất nguy hiểm nơi những sự việc thuộc linh nhất bị đe dọa. Gia đình, tổ chức cơ bản trong thời tại thế và thời vĩnh cửu, đang bị các lực lượng hữu hình lẫn vô hình tấn công. Kẻ nghịch thù làm việc rất hăng hái. Mục tiêu của nó là gây ra thiệt hại. Nếu nó có thể làm suy yếu và phá hủy gia đình, thì nó đã thành công rồi.

Các Thánh Hữu Ngày Sau nhận ra tầm quan trọng siêu việt của gia đình và cố gắng sống sao cho kẻ nghịch thù không thể lẻn vào nhà của mình. Chúng ta tìm kiếm an toàn và an ninh cho bản thân mình và con cái của mình trong việc tôn trọng các giao ước mà chúng ta đã lập và làm những hành động vâng lời giản dị đòi hỏi nơi các tín đồ của Đấng Ky Tô.

Ê Sai nói: “Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi.”2

Sự bình an đó cũng được hứa trong những mặc khải, trong đó Chúa phán: “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi.”3

Quyền năng vô song của chức tư tế đã được ban cho để bảo vệ mái gia đình và những người ở trong đó. Người cha có thẩm quyền và trách nhiệm để dạy dỗ con cái mình và để ban phước cùng mang đến cho chúng các giáo lễ của phúc âm và mọi sự bảo vệ cần thiết khác của chức tư tế. Người cha phải cho thấy tình yêu thương và chung thủy cùng kính trọng người mẹ để con cái của họ có thể thấy được tình yêu đó.

Tôi đã bắt đầu biết được đức tin đó là một quyền năng thực sự chứ không phải chỉ là một cách thể hiện niềm tin. Có rất ít những điều nào lại mạnh mẽ hơn những lời cầu nguyện trung thành của một người mẹ ngay chính.

Hãy tự dạy mình và dạy cho gia đình của các anh chị em biết về ân tứ Đức Thánh Linh và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em sẽ không làm công việc vĩnh cửu nào vĩ đại hơn là ở bên trong nhà của mình.

Chúng ta biết rằng mình là con linh hồn của cha mẹ thiên thượng, rằng chúng ta đang ở đây trên thế gian để nhận được thể xác hữu diệt và được thử thách. Chúng ta là những người có thể xác hữu diệt đều có quyền năng đối với những kẻ không có thể xác hữu diệt.4 Chúng ta được tự do để lựa chọn điều mình muốn và chọn các hành vi của mình, nhưng chúng ta không được tự do để lựa chọn các hậu quả. Hậu quả chắc chắn sẽ đến.

Quyền tự quyết được định nghĩa trong thánh thư là “tiêu chuẩn đạo đức,” có nghĩa là chúng ta có thể lựa chọn giữa thiện và ác. Kẻ nghịch thù tìm cách cám dỗ để lạm dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của chúng ta.

Thánh thư dạy chúng ta “Để mọi người có thể hành động theo giáo lý và nguyên tắc có liên quan đến tương lai, theo đúng tiêu chuẩn đạo đức mà ta đã ban cho họ, để mọi người có thể chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình vào ngày phán xét.”5

An Ma dạy rằng “Chúa chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may khoan dung nào.”6 Để hiểu được điều này, chúng ta cần phải tách rời tội lỗi khỏi người phạm tội.

Ví dụ, khi người ta giải đến trước Đấng Cứu Rỗi một người đàn bà bị bắt vì tội ngoại tình, hiển nhiên là có tội, nhưng Ngài đã kết thúc vụ án đó với câu phán này: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.”7 Đó là tinh thần của giáo vụ Ngài.

Khoan dung là một đức tính tốt, nhưng giống như tất cả các đức tính, khi thái quá thì tự nó biến thành một thói xấu. Chúng ta cần phải cẩn thận đối với “cái bẫy khoan dung” để không bị sa vào trong đó. Tính dễ dãi được tạo nên từ sự suy yếu của luật pháp trong nước để dung túng các hành vi vô luân được hợp pháp hóa đều không làm giảm bớt hậu quả thuộc linh nghiêm trọng từ việc vi phạm luật trinh khiết của Thượng Đế mà ra.

Tất cả mọi người đều được sinh ra với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, một ảnh hưởng đầy hướng dẫn cho phép mỗi người nhận ra điều đúng với điều sai. Những gì chúng ta làm với ánh sáng đó và làm thế nào chúng ta đáp ứng được những thúc giục đó để sống ngay chính là một phần của thử thách trên trần thế.

“Vì này, Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác; vậy nên, tôi chỉ cho các người biết cách xét đoán; vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện, và thuyết phục để tin nơi Đấng Ky Tô, đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô đưa lại; vậy nên các người có thể hiểu biết một cách rõ ràng rằng điều đó do Thượng Đế mà ra.”8

Mỗi người chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị để đáp ứng với sự soi dẫn và những thúc giục của Đức Thánh Linh. Chúa có một cách để ban cho tri thức tinh khiết vào tâm trí chúng ta nhằm nhắc nhở, hướng dẫn, giảng dạy và cảnh báo chúng ta. Mỗi con trai hay con gái của Thượng Đế có thể biết được những điều họ cần biết ngay lập tức. Hãy học cách tiếp nhận và hành động theo sự soi dẫn và mặc khải.

Trong tất cả những điều tôi đã đọc, giảng dạy và học hỏi, thì lẽ thật quý báu và thiêng liêng nhất mà tôi phải đưa ra là lời chứng đặc biệt của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài hằng sống. Tôi biết Ngài hằng sống. Tôi là nhân chứng của Ngài. Và tôi có thể làm chứng về Ngài. Ngài là Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi chắc chắn về điều này. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.