2010–2019
Tôi Đã Được Ngài Kêu Gọi để Rao Truyền Lời của Ngài
Tháng mười 2013


Tôi Đã Được Ngài Kêu Gọi để Rao Truyền Lời của Ngài

Nếu các em khiêm tốn, biết vâng lời, và lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, thì các em sẽ tìm thấy hạnh phúc lớn lao trong sự phục vụ của mình với tư cách là người truyền giáo.

Vào tháng Tư vừa qua, vào lúc được tán trợ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đang phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Ấn Độ. Tôi đã trực tiếp chứng kiến điều vị chủ tịch phái bộ truyền giáo tiền nhiệm đã nói với tôi: “Những người truyền giáo của Giáo Hội này thật là tuyệt vời.”1

Chị Funk và tôi đã phục vụ với nhiều người truyền giáo, nổi bật là Anh Cả Pokhrel từ Nepal. Sau khi là tín hữu của Giáo Hội chỉ được hai năm, anh được kêu gọi phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo India Bangalore, là một phái bộ truyền giáo nói tiếng Anh. Anh thường nói là anh đã không chuẩn bị kỹ. Điều đó cũng dễ hiểu. Anh chưa bao giờ thấy một người truyền giáo nào cho đến khi anh trở thành người truyền giáo, vì không có những người truyền giáo trẻ tuổi nào phục vụ ở Nepal cả. Anh không đọc được tiếng Anh đủ để hiểu những chỉ dẫn kèm theo với thư kêu gọi đi truyền giáo của mình. Khi anh trình diện tại trung tâm huấn luyện truyền giáo, thay vì mang theo những cái quần tây, áo sơ mi trắng, và cà vạt, thì anh mang theo hành trang mà theo như lời anh, là “năm cái quần “jean” xanh, một cặp áo thun, và rất nhiều thuốc gel chải tóc.”2

Ngay cả sau khi nhận được quần áo thích hợp, anh vẫn nói rằng anh cảm thấy không thích hợp mỗi ngày trong mấy tuần đầu tiên. Anh mô tả về thời gian phục vụ truyền giáo đó của mình: “Không những tiếng Anh rất khó học, mà công việc cũng rất khó khăn nữa. … Ngoài tất cả những điều đó, tôi còn thấy đói, mệt mỏi, và nhớ nhà. … Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng tôi đã quyết tâm. Tôi cảm thấy yếu đuối và không thích hợp. Tôi thường cầu nguyện vào những lúc đó để xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ tôi. Chắc chắn là mỗi khi cầu nguyện, tôi đều cảm thấy được an ủi.”3

Mặc dù đối với Anh Cả Pokhrel, công việc truyền giáo rất mới mẻ và khó khăn, nhưng anh đã phục vụ với đức tin lớn lao và lòng trung tín, tìm hiểu và tuân theo điều anh đã học được từ thánh thư, sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của mình. Anh trở thành một giảng viên phúc âm vững mạnh—dạy bằng tiếng Anh—và một người lãnh đạo xuất sắc. Sau khi công việc truyền giáo của anh và một thời gian ở Nepal, anh đã trở về Ấn Độ để tiếp tục đi học. Kể từ tháng Giêng, anh đã phục vụ với tư cách là một chủ tịch chi nhánh tại New Delhi. Bởi vì anh đã thực sự tăng trưởng khi còn là người truyền giáo, nên anh tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng thực sự của Giáo Hội ở Ấn Độ.

Làm thế nào mà một thanh niên chưa từng bao giờ thấy một người truyền giáo lại trở thành một người truyền giáo với sức mạnh thuộc linh như vậy? Làm thế nào các anh em sẽ nhận được quyền năng thuộc linh với tư cách là một người truyền giáo để được mời vào nhà, gửi thư điện tử, và tìm đến những người trong khu vực phái bộ truyền giáo nơi các anh em sẽ phục vụ? Như thường lệ, những câu trả lời được tìm thấy trong thánh thư và những lời nói của các vị tiên tri cùng các sứ đồ tại thế.

Khi phúc âm được thuyết giảng lần đầu tiên ở Anh vào tháng Bảy năm 1837, Chúa đã mặc khải: “Bất cứ người nào mà các ngươi phái đi trong danh ta, bởi tiếng nói của các anh em ngươi là Mười Hai người, đã được đề cử hợp thức và được ủy quyền bởi các ngươi, sẽ có quyền năng mở cửa vương quốc của ta tại bất cứ quốc gia nào mà các ngươi phái họ đi.”4

Dù các anh em được gửi đi đến bất cứ nơi nào, được chỉ định đến bất cứ phái bộ truyền giáo nào, thì hãy biết rằng một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai đã đưa ra đúng chỉ định đó và các anh em được vị tiên tri của Chúa kêu gọi. Các anh em được kêu gọi bằng “lời tiên tri và bằng phép đặt tay.”5

Sau đó, Chúa đã đưa ra các điều kiện cho lời hứa này được làm tròn. Ngài phán: “Nếu [có nghĩa là lời hứa sẽ được làm tròn nếu] họ [có nghĩa là những người truyền giáo được gửi đi] biết [1] hạ mình trước mặt ta, và [2] biết tuân theo những lời của ta, và [3] biết nghe theo tiếng nói của Thánh Linh của ta.”6

Lời hứa của Chúa rất rõ ràng. Để có được quyền năng thuộc linh cần thiết để mở cửa vương quốc của Thượng Đế trong quốc gia nơi các anh em được gửi đến, thì các anh em phải khiêm tốn, biết vâng lời, cũng như có khả năng nghe và tuân theo Thánh Linh.

Ba thuộc tính này liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu các anh em khiêm tốn, thì các anh em sẽ muốn vâng lời. Nếu các anh em biết vâng lời, thì các anh em sẽ cảm nhận được Thánh Linh. Thánh Linh rất cần thiết; vì như Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Nếu không có Thánh Linh, các anh em sẽ không bao giờ thành công bất kể tài năng và khả năng của các anh em là gì đi nữa.”7

Với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo, thỉnh thoảng tôi phỏng vấn những người truyền giáo đang gặp khó khăn vì họ chưa hoàn toàn thanh sạch. Họ sống dưới mức độ tiềm năng thuộc linh của họ. Cho dù họ làm việc khó nhọc đến đâu hoặc đã làm bao nhiêu điều tốt lành rồi, nhưng họ đã không thể cảm thấy bình an và vui hưởng sự đồng hành của Đức Thánh Linh cho đến khi họ đã hạ mình, hoàn toàn hối cải, và dự phần vào lòng thương xót và ân điển của Đấng Cứu Rỗi.

Chúa chỉ dẫn cho các tôi tớ của Ngài phải khiêm tốn, vì tiến trình được chữa lành về phần thuộc linh bắt đầu với một tấm lòng đau khổ. Hãy suy nghĩ về điều tốt lành đến từ những điều đổ vỡ: Đất được cuốc vỡ ra để trồng lúa mì. Lúa mì được xay thành bột để làm bánh mì. Bánh mì được bẻ ra để trở thành biểu tượng của Tiệc Thánh. Khi một người hối cải dự phần Tiệc Thánh với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì người ấy trở nên nguyên vẹn.8 Khi hối cải và trở nên nguyên vẹn qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta có nhiều điều hơn nữa để dâng lên Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta phục vụ Ngài. “Phải, các người hãy đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài.”9

Nếu các anh em đang bị đè nặng bởi tội lỗi và cần phải hối cải, thì xin hãy làm như vậy ngay lập tức. Khi Đấng Cứu Rỗi chữa lành những người phiền não, thì Ngài thường mời họ đứng lên. Thánh thư ghi rằng họ đã làm như vậy ngay lập tức.10 Để được chữa lành những phiền não về phần thuộc linh của các anh em, thì xin hãy chấp nhận lời mời gọi của Ngài để đứng lên. Đừng chậm trễ, hãy nói chuyện với vị giám trợ, chủ tịch chi nhánh, hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình và bắt đầu tiến trình hối cải ngay bây giờ.

Quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội sẽ mang lại sự bình an cho tâm hồn của các anh em và cho phép các anh em cảm nhận được Đức Thánh Linh. Sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi là vô hạn, nhưng tội lỗi của chúng ta, mặc dù rất nhiều và nghiêm trọng, có thể đếm được và thú nhận, từ bỏ và tha thứ. “Và sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải!”11

Lời hứa này trong sách Giáo Lý và Giao Ước thật là hùng hồn: “Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế.”12 Khi sống một cuộc sống đức hạnh, thì các anh em sẽ cảm thấy thanh thản tự tin rằng mình xứng đáng trước Thượng Đế và sẽ có quyền năng của Thánh Linh ở cùng các anh em.13

Một số người là tín hữu mới của Giáo Hội hoặc là những người gần đây đã trở lại hoạt động tích cực có thể nói: “Bây giờ tôi xứng đáng và có ước muốn để phục vụ, nhưng tôi không biết là tôi có biết đủ hay không.” Vào tháng Tư, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta rằng: “Sự hiểu biết về lẽ thật và câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta đến với chúng ta khi tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.”14 Thật là yên tâm biết bao khi biết rằng bằng cách vâng lời, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết.

Những người khác có thể cảm thấy mình chỉ đóng góp được tài năng, khả năng hoặc kinh nghiệm ở mức độ hạn chế. Nếu các anh em có mối quan tâm như vậy, thì hãy nhớ tới kinh nghiệm của Anh Cả Pokhrel. Hãy chuẩn bị hết sức mình và biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ làm vinh hiển các nỗ lực khiêm tốn và vâng lời của các anh em. Anh Cả Richard G. Scott đã khuyến khích điều này: “Khi chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Chúa và phục vụ con cái của Ngài một cách vị tha, thì kết quả tự nhiên là quyền năng từ Thượng Đế—quyền năng để làm nhiều điều hơn là chúng ta có thể tự mình làm. Chúng ta sẽ được mở mang kiến thức, gia tăng tài năng, khả năng vì chúng ta nhận được sức mạnh và quyền năng từ Chúa.”15

Khi các anh em tin cậy vào Chúa và lòng nhân từ của Ngài, thì Thượng Đế Toàn Năng sẽ ban phước cho con cái của Ngài qua các anh em.16 Anh Cả Hollings từ Nevada biết được điều đó trong thời gian đầu của công việc truyền giáo của mình. Một ngày sau khi anh đến Ấn Độ, anh đã đi với Chị Funk và tôi đến Rajahmundry, là khu vực đầu tiên của anh. Buổi chiều hôm đó, Anh Cả Hollings cùng với Anh Cả Ganaparam đến thăm một tín hữu Giáo Hội và mẹ của chị. Bà mẹ muốn tìm hiểu về Giáo Hội, vì bà thấy phúc âm đã ban phước cho cuộc sống của con gái mình như thế nào. Chị Funk kết bạn với họ. Vì bài học sẽ được dạy bằng tiếng Anh và bà mẹ chỉ nói tiếng Telugu, nên một người anh em trong chi nhánh đã có mặt ở đó để phiên dịch điều đã được giảng dạy.

Sự chỉ định của Anh Cả Hollings trong buổi hẹn giảng dạy đầu tiên của anh là dạy bài Khải Tượng Thứ Nhất, bằng cách sử dụng lời nói của Tiên Tri Joseph. Vào thời điểm đó trong bài học anh đã quay sang Chị Funk và hỏi: “Tôi có nên nói đúng theo từng chữ không?” vì biết rằng lời nói đó sẽ được phiên dịch.

Chị Funk đáp: “Hãy nói đúng theo từng chữ để Thánh Linh có thể làm chứng về điều anh nói.”

Khi người truyền giáo mới này giảng dạy Khải Tượng Thứ Nhất một cách chân thành, bằng cách sử dụng lời nói của Vị Tiên Tri, thì sắc diện của người chị em thân mến này đã thay đổi. Chị đã khóc. Khi Anh Cả Hollings kết thúc sứ điệp vinh quang đó, và trước khi những gì anh ấy nói có thể được phiên dịch, thì chị hỏi qua màn nước mắt bằng tiếng mẹ đẻ của mình: “Tôi có thể được báp têm không? Và anh sẽ giảng dạy cho con trai của tôi không?”

Các em trẻ tuổi cũng là đồng tôi tớ với tôi, các cánh cửa và tâm hồn đều rộng mở hàng ngày cho sứ điệp của phúc âm—một sứ điệp mang đến hy vọng, bình an, và niềm vui cho các con cái của Thượng Đế trên khắp thế gian. Nếu các em khiêm tốn, biết vâng lời, và lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, thì các em sẽ tìm thấy hạnh phúc lớn lao trong sự phục vụ của mình với tư cách là người truyền giáo.17 Thật là một thời gian kỳ diệu để làm một người truyền giáo—một thời gian mà Chúa gấp rút làm công việc của Ngài!

Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và “lệnh truyền thiêng liêng”18 của Ngài để “đi dạy dỗ muôn dân.”19 Đây là Giáo Hội của Ngài. Ngài dẫn dắt Giáo Hội qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế. Trong giờ kế tiếp, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn sẽ giảng dạy cho chúng ta. Cầu xin cho chúng ta “biết quan sát nhanh nhạy,”20 như Mặc Môn, để khi sự kêu gọi đến, thì chúng ta sẽ xứng đáng và có thể tuyên bố với quyền năng của Thánh Linh: “Này, tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi đã được Ngài kêu gọi để rao truyền lời của Ngài trong dân Ngài, để họ có thể có được cuộc sống vĩnh viễn.”21 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Những cuộc nói chuyện riêng với Dennis C. Brimhall, chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Kentucky Louisville Mission, 2005–8.

  2. Ashish Pokhrel, “My Name Is Ashish Pokhrel and This Is My Story” (tiểu sử cá nhân chưa xuất bản, tháng Chín năm 2011).

  3. Pokhrel, “My Name Is Ashish Pokhrel.”

  4. Giáo Lý và Giao Ước 112:21.

  5. Những Tín Điều 1:5.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 112:22.

  7. Ezra Taft Benson, trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 176.

  8. Ý kiến lấy ra từ một bài nói chuyện của Anh Cả Jeffrey R. Holland tại đại hội Giáo Khu Bountiful Utah North, ngày 8–9 tháng Sáu năm 2013.

  9. Ôm Ni 1:26.

  10. Xin xem Mác 5:41–42; Giăng 5:8–9.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 18:13.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 121:45.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:46.

  14. Thomas S. Monson, “Sự Vâng Lời Mang Đến Các Phước Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 89.

  15. Richard G. Scott, “Để Có Sự Bình An trong Nhà,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 30.

  16. Trong việc mô tả điều mà nhiều người truyền giáo mới sẽ làm, Anh Cả Russell M. Nelson nói: “Họ sẽ làm điều mà những người truyền giáo vẫn luôn luôn làm. Họ sẽ rao giảng phúc âm! Họ sẽ ban phước cho các con cái của Thượng Đế Toàn Năng!” (“Hãy Nắm Lấy Cơ Hội,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 45).

  17. Xin xem sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, v.

  18. Thomas S. Monson, “Hãy Đến, Tất Cả Các Ngươi là Con Trai của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 66.

  19. Ma Thi Ơ 28:19.

  20. Mặc Môn 1:2.

  21. 3 Nê Phi 5:13.