2010–2019
Luôn Luôn Giữ Chặt
Tháng mười 2013


Luôn Luôn Giữ Chặt

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn giữ chặt thanh sắt dẫn đến nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.

Cha tôi có thể nhớ được đúng cái ngày, thậm chí đúng cái giờ, mà gia đình của ông—cha, mẹ, và bốn đứa con—rời bỏ Giáo Hội, nhiều người không bao giờ trở lại một lần nữa trong cuộc sống này. Ông được 13 tuổi, là một thầy trợ tế, và trong thời kỳ đó gia đình ông tham dự Trường Chủ Nhật vào buổi sáng và sau đó lễ Tiệc Thánh vào buổi chiều. Vào một ngày mùa xuân đẹp trời, sau khi trở về nhà từ buổi lễ thờ phượng buổi sáng Chủ Nhật và giữa lúc gia đình đang ăn trưa với nhau, thì mẹ ông quay sang cha ông và chỉ hỏi: “Thế nào, anh yêu, anh có nghĩ là chúng ta nên đi dự lễ Tiệc Thánh chiều nay hay là chúng ta nên lái xe đi về vùng quê chơi?”

Ý nghĩ rằng có một sự lựa chọn với lễ Tiệc Thánh chưa bao giờ xảy ra với cha tôi, nhưng ông và ba anh chị em lứa tuổi niên thiếu của ông đều ngồi thẳng dậy và chú ý kỹ. Buổi chiều Chủ Nhật lái xe đi về vùng quê chơi có lẽ là một sinh hoạt thú vị của gia đình, nhưng quyết định nhỏ đó đã trở thành sự khởi đầu cho một hướng đi mới, cuối cùng đã dẫn gia đình của ông rời xa Giáo Hội nơi có sự an toàn, an ninh, cùng các phước lành và đi vào một con đường khác.

Để làm một bài học cho những người của thời kỳ chúng ta có thể bị cám dỗ để lựa chọn một con đường khác, tiên tri Lê Hi trong Sách Mặc Môn đã chia sẻ một khải tượng với gia đình của ông trong đó ông “thấy những đám đông không kể xiết, trong số ấy có nhiều người đang cố sức tiến tới để đi tới con đường dẫn đến cây nơi [ông] đang đứng.

“Và … họ tiến vào và bắt đầu đi trên con đường dẫn đến cây ấy.

“Và … có một đám sương mù tối đen nổi lên; … tối đen vô cùng đến đỗi những người mới bắt đầu đi vào con đường ấy phải lạc lối khiến họ đi lang thang rồi lạc mất luôn.”1

Sau đó, Lê Hi thấy một nhóm thứ hai đang “cố sức tiến tới; họ đến nắm đầu thanh sắt rồi liền bám chặt thanh sắt và cố sức tiến qua đám sương mù tối đen, cho tới khi họ đến được bên cây và ăn trái cây ấy.” Rủi thay, “sau khi ăn trái cây ấy xong, họ đưa mắt nhìn quanh, hình như lấy làm hổ thẹn” vì những người đang ở trong “một tòa nhà rộng lớn vĩ đại” và “có hành động chế giễu và chỉ trỏ những người vừa đến và đang ăn trái cây ấy.” Rồi, những người này “đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”2 Họ không thể hoặc có lẽ không sẵn lòng để chịu đựng đến cùng.

Tuy nhiên, có một nhóm thứ ba không những đã đến được cây sự sống một cách thành công; mà sau đó họ còn không sa ngã. Thánh thư nói về những người này “cố sức tiến tới trước, tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cây thì rạp mình xuống và ăn trái cây ấy.”3 Đối với nhóm người này, thanh sắt tượng trưng cho sự an toàn và an ninh duy nhất mà họ có thể tìm thấy, và họ đã luôn luôn giữ chặt; họ từ chối không thả ra, ngay cả đối với một điều giản dị như một buổi chiều Chủ Nhật lái xe đi về vùng quê chơi.

Về nhóm người này, Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Cụm từ chính trong câu này là ‘luôn luôn giữ chặt’ thanh sắt. … Có lẽ nhóm người thứ ba này luôn luôn đọc nghiên cứu cùng tra cứu những lời của Đấng Ky Tô. … Đây là nhóm người mà các anh chị em và tôi nên cố gắng để gia nhập.”4

Những người trong chúng ta là tín hữu của Giáo Hội của Thượng Đế ngày nay đã lập các giao ước để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Tại lễ báp têm, chúng ta đã giao ước là sẽ đứng làm nhân chứng của Đấng Cứu Rỗi,5 để cứu giúp những người yếu đuối và người hoạn nạn,6 để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, và hối cải khi cần thiết, vì như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”7

Mỗi tuần chúng ta đều có cơ hội để tham dự lễ Tiệc Thánh, là nơi chúng ta có thể lặp lại các giao ước này bằng cách dự phần bánh và nước của giáo lễ Tiệc Thánh. Hành động giản dị này cho phép chúng ta một lần nữa tự cam kết để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải khi không làm tròn lời cam kết đó. Đổi lại, lời hứa của Thượng Đế với chúng ta là Thánh Linh của Ngài sẽ là một sự hướng dẫn và bảo vệ.

Từ sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, những người truyền giáo của chúng ta dạy rằng điều mặc khải và chứng ngôn đến khi chúng ta tham dự các buổi họp Giáo Hội trong ngày Chủ Nhật: “Khi tham dự các buổi lễ Giáo Hội và thờ phượng cùng với nhau, thì chúng ta củng cố lẫn nhau. Chúng ta tái lập mối quan hệ của mình với bạn bè và gia đình. Đức tin của chúng ta được củng cố khi chúng ta học thánh thư và tìm hiểu thêm về phúc âm phục hồi.”8

Một người có thể hỏi, tại sao chúng ta lại có ba buổi họp riêng biệt vào ngày Chủ Nhật và tại sao cần phải có mỗi buổi họp. Chúng ta hãy nhanh chóng xem xét ba buổi họp này:

  • Lễ Tiệc Thánh mang đến cơ hội để tham gia vào giáo lễ Tiệc Thánh. Chúng ta lặp lại các giao ước của mình, tiếp nhận thêm Thánh Linh, và có thêm phước lành vì được Đức Thánh Linh chỉ dẫn và gây dựng.

  • Trường Chủ Nhật cho phép chúng ta “giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc,”9 để tất cả đều có thể “được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”10 Quyền năng lớn lao và sự bình an cá nhân đến khi chúng ta hiểu các giáo lý của phúc âm phục hồi.

  • Các buổi họp của chức tư tế là một thời gian dành cho những người đàn ông và các thiếu niên “học hỏi bổn phận của [họ]”11 và “được chỉ dẫn một cách hoàn hảo hơn,”12 còn các buổi họp Hội Phụ Nữ mang đến cho các phụ nữ của Giáo Hội một cơ hội để “gia tăng đức tin của họ …, củng cố [gia đình của họ] và nhà cửa, và giúp đỡ những người hoạn nạn.”13

Tương tự như vậy, các thiếu nữ và trẻ em của chúng ta có buổi họp và lớp học riêng, ở đó các em được giảng dạy phúc âm khi các em chuẩn bị cho các trách nhiệm quan trọng sẽ đến. Trong mỗi buổi họp độc nhất vô nhị nhưng có liên kết với nhau này, chúng ta học giáo lý, cảm nhận được Thánh Linh, và phục vụ lẫn nhau. Mặc dù có thể có trường hợp ngoại lệ vì đường xa, chi phí đi lại, hoặc sức khỏe, nhưng chúng ta nên cố gắng tham dự tất cả các buổi họp ngày Chủ Nhật của mình. Tôi hứa rằng các phước lành về niềm vui và sự bình an sẽ đến từ việc thờ phượng theo lịch trình của buổi họp ngày Chủ Nhật dài ba tiếng đồng hồ của chúng ta.

Gia đình của chúng tôi đã cam kết là sẽ tham dự tất cả các buổi họp ngày Chủ Nhật của mình. Chúng tôi đã thấy rằng điều này củng cố đức tin của chúng tôi và gia tăng sự hiểu biết về phúc âm. Chúng tôi đã biết được rằng chúng tôi cảm thấy hài lòng về quyết định của mình để tham dự các buổi họp Giáo Hội, đặc biệt là khi chúng tôi trở về nhà và tiếp tục tuân thủ ngày Sa Bát. Chúng tôi còn tham dự tất cả các buổi họp ngày Chủ Nhật khi đi nghỉ hè hoặc đi du lịch. Một trong số mấy đứa con gái của chúng tôi gần đây đã viết cho tôi nói rằng nó đã tham dự nhà thờ trong một thành phố nơi nó đang đi du lịch và rồi nói thêm: “Vâng, Cha ơi, con thực sự đã tham dự tất cả ba buổi họp ngày Chủ Nhật.” Chúng tôi biết rằng nó đã được ban phước vì quyết định ngay chính này.

Mỗi người chúng ta đều có nhiều điều để lựa chọn như cách chúng ta tuân thủ ngày Sa Bát. Sẽ luôn có một số sinh hoạt “tốt” mà có thể và nên được hy sinh cho sự lựa chọn tốt hơn là tham dự buổi họp của Giáo Hội. Trong thực tế, điều này là một trong những cách kẻ nghịch thù “dùng để lừa gạt tâm hồn [chúng ta], và [cẩn thận] dẫn dắt [chúng ta] xuống ngục giới.”14 Nó sử dụng các sinh hoạt “tốt” để thay thế cho các sinh hoạt “tốt hơn” hoặc thậm chí “tốt nhất” nữa.15

Việc luôn luôn giữ chặt thanh sắt có nghĩa là bất cứ lúc nào có thể được, chúng ta đều tham dự các buổi họp ngày Chủ Nhật của mình: lễ Tiệc Thánh, Trường Chủ Nhật, và các buổi họp chức tư tế hay Hội Phụ Nữ. Trẻ em và giới trẻ của chúng ta tham dự các buổi họp tương ứng của các em trong Hội Thiếu Nhi, Hội Thiếu Niên, và Hội Thiếu Nữ. Chúng ta đừng bao giờ chọn lựa nên tham dự buổi họp nào. Chúng ta hoàn toàn nắm chặt lời của Thượng Đế bằng cách thờ phượng và tham dự tất cả các buổi họp của mình trong ngày Sa Bát.

Việc chúng ta luôn luôn giữ chặt thanh sắt có nghĩa là cố gắng tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế, cầu nguyện riêng cá nhân và chung với gia đình hàng ngày, và học thánh thư hàng ngày.

Việc luôn luôn giữ chặt là một phần giáo lý của Đấng Ky Tô như đã được dạy trong Sách Mặc Môn. Chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải các tội lỗi của mình, thay đổi tâm hồn của chúng ta, và rồi noi theo Ngài đi xuống hồ nước báp têm và tiếp nhận ân tứ xác nhận của Đức Thánh Linh, là Đấng phục vụ với tư cách là Đấng hướng dẫn và an ủi. Và sau đó, như Nê Phi đã dạy, chúng ta “tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô” cho đến khi cuối cuộc đời của mình.16

Thưa các anh chị em, chúng ta là một dân giao ước. Chúng ta sẵn lòng lập và tuân giữ các giao ước, và phước lành đã được hứa là sẽ nhận được “tất cả những gì Cha … có.”17 Khi chúng ta luôn luôn giữ chặt thanh sắt bằng cách tuân giữ các giao ước của mình, thì chúng ta sẽ được củng cố để chống lại những cám dỗ và hiểm họa của thế gian. Chúng ta sẽ có thể sống trên trần thế này với tất cả những thử thách của trần thế cho đến khi chúng ta thực sự tới cái cây có trái “quý giá nhất và được hấp dẫn hơn hết thảy mọi thứ trái khác.”18

Cha tôi đã may mắn kết hôn với một người phụ nữ tốt đã khuyến khích ông trở lại nhà thờ thời thơ ấu của ông và bắt đầu một lần nữa để tiến triển dọc trên con đường. Cuộc sống trung thành của họ đã ban phước cho tất cả các con cái của họ, thế hệ tiếp theo là cháu họ, và bây giờ là chắt của họ.

Cũng giống như quyết định giản dị để tham dự hoặc không tham dự một trong các buổi họp thờ phượng trong ngày Sa Bát của họ tạo ra một sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của gia đình ông bà của tôi, quyết định hàng ngày của chúng ta sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của chúng ta. Một quyết định dường như nhỏ nhặt như tham dự hay không tham dự một buổi họp Tiệc Thánh có thể dẫn đến những kết quả lâu dài, thậm chí còn vĩnh cửu nữa.

Cầu xin cho chúng ta chọn để siêng năng và đạt được các phước lành lớn lao cùng sự bảo vệ đến từ việc tụ họp lại với nhau và tuân giữ các giao ước. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn giữ chặt thanh sắt dẫn đến nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng, là lời cầu nguyện của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.