2010–2019
Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu
Tháng mười 2013


Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu

Việc sử dụng tự do của chúng ta một cách khôn ngoan để đưa ra những quyết định của riêng mình là thiết yếu cho sự phát triển phần thuộc linh, cho bây giờ lẫn thời vĩnh cửu.

Các anh chị em thân mến, mỗi ngày là một ngày để quyết định. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta rằng “những quyết định sẽ định đoạt số mệnh.”1 Việc sử dụng tự do của chúng ta một cách khôn ngoan để đưa ra những quyết định của riêng mình là thiết yếu cho sự phát triển phần thuộc linh, cho bây giờ lẫn thời vĩnh cửu. Các anh chị em không bao giờ còn quá nhỏ để học hỏi, và không bao giờ quá già để thay đổi. Nỗi khao khát của các anh chị em để học hỏi và thay đổi đến từ một ước muốn bẩm sinh về sự tiến triển vĩnh cửu.2 Mỗi ngày mang đến cơ hội để đưa ra những quyết định cho thời vĩnh cửu.

Chúng ta là những con người vĩnh cửu—con cái linh hồn của cha mẹ thiên thượng. Kinh Thánh ghi rằng “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài, … dựng nên người nam cùng người nữ.”3 Gần đây tôi có nghe một điệp khúc của thiếu nhi hát bài ca yêu thích: “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”4 Tôi tự hỏi: “Tại sao tôi không nghe những người mẹ hoặc cha hát bài ca này thường xuyên hơn?” Không phải chúng ta đều là con cái Thượng Đế sao? Thực sự, không một ai trong chúng ta có thể từng ngừng làm con của Thượng Đế cả!

Là con cái Thượng Đế, chúng ta phải hết lòng và hết linh hồn yêu mến Ngài, thậm chí còn nhiều hơn chúng ta yêu thương cha mẹ trần thế của mình nữa.5 Chúng ta nên yêu thương những người lân cận như anh chị em của mình. Không có giáo lệnh nào khác lớn hơn hai giáo lệnh này cả.6 Và chúng ta luôn luôn nên kính trọng giá trị của cuộc sống con người, qua từng giai đoạn trong nhiều giai đoạn của cuộc sống.

Thánh thư dạy rằng thể xác và linh hồn tạo thành bản thể con người.7 Vì được cấu tạo với hai thành phần như vậy, nên mỗi anh chị em có thể tạ ơn Thượng Đế về các ân tứ vô giá của Ngài về thể xác và linh hồn của mình.

Cơ Thể Con Người

Những năm hành nghề làm bác sĩ y khoa đã giúp tôi có được sự kính trọng vô cùng đối với cơ thể con người. Cơ thể được Thượng Đế tạo ra như một món quà dành cho các anh chị em, điều đó là tuyệt đối kỳ diệu! Hãy nghĩ đến đôi mắt của các anh chị em để nhìn, tai để nghe, và các ngón tay để sờ vào tất cả những điều kỳ diệu xung quanh. Bộ não cho phép các anh chị em học hỏi, suy nghĩ và lý luận. Trái tim bơm không mệt mỏi cả ngày lẫn đêm, đến mức các anh chị em gần như không nhận biết được.8

Cơ thể có khả năng tự bảo vệ. Cơn đau đến như để báo trước rằng có một điều gì đó không ổn và cần được quan tâm. Bệnh truyền nhiễm thỉnh thoảng tấn công, và khi đó thì cơ thể tạo ra chất kháng thể để gia tăng sức đề kháng của các anh chị em để khỏi bị nhiễm trùng sau này.

Cơ thể có khả năng tự sửa chữa. Vết cắt và vết bầm được lành lại. Xương bị gãy có thể trở nên mạnh mẽ lại. Tôi chỉ đề cập đến một vài ví dụ về nhiều đặc điểm kỳ diệu do Thượng Đế ban cho cơ thể của chúng ta.

Mặc dù vậy, dường như trong mỗi gia đình, nếu không phải là trong tất cả mọi người, đều có một số điều kiện thể chất đòi hỏi phải chăm sóc đặc biệt.9 Chúa ban cho một mẫu mực để chúng ta đối phó với thử thách như vậy. Ngài phán: “Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; … vì nếu họ biết hạ mình … và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”10

Các linh hồn ưu tú thường được đặt vào các thể xác không hoàn hảo.11 Ân tứ về một cơ thể như vậy thực sự có thể củng cố một gia đình trong khi cha mẹ và các anh chị em sẵn lòng thay đổi cuộc sống của họ để chăm sóc cho đứa trẻ sinh ra với nhu cầu đặc biệt.

Tiến trình lão hóa cũng là một ân tứ từ Thượng Đế, và cái chết cũng vậy. Cái chết cuối cùng của thể xác hữu diệt của các anh chị em là điều cần thiết cho kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế.12 Tại sao? Vì cái chết sẽ cho phép linh hồn các anh chị em trở về nhà cùng Ngài.13 Từ một quan điểm vĩnh cửu, cái chết được xem là quá sớm đối với những người chưa sẵn sàng để gặp Thượng Đế.

Với cơ thể của các anh chị em là một phần quan trọng của kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, thảo nào Sứ Đồ Phao Lô đã mô tả cơ thể là “đền thờ của Thượng Đế.”14 Mỗi khi nhìn vào gương, hãy xem cơ thể của các anh chị em như là đền thờ của mình. Mỗi ngày chúng ta nên cảm thấy biết ơn về lẽ thật đó, là điều có thể ảnh hưởng tích cực đến quyết định của các anh chị em về cách chăm sóc và sử dụng cơ thể của mình. Và những quyết định đó sẽ định đoạt số mệnh của các anh chị em. Làm thế nào điều này có thể được như vậy? Vì cơ thể là đền thờ cho linh hồn của các anh chị em. Và cách các anh chị em sử dụng cơ thể sẽ ảnh hưởng đến linh hồn. Một số quyết định sẽ định đoạt số mệnh vĩnh cửu của các anh chị em gồm có:

  • Các anh chị em sẽ chọn để chăm sóc và sử dụng cơ thể của mình như thế nào?

  • Các anh chị em sẽ chọn các thuộc tính thuộc linh nào để phát triển?

Linh Hồn Con Người

Linh hồn của các anh chị em là một thực thể vĩnh cửu. Chúa phán cùng tiên tri Áp Ra Ham của Ngài: “Ngươi được chọn lựa trước khi ngươi sinh ra.”15 Chúa nói tương tự như vậy về Giê Rê Mi16 và nhiều người khác nữa.17 Thậm chí Ngài còn nói như vậy về các anh chị em.18

Cha Thiên Thượng biết các anh chị em rất lâu rồi. Các anh chị em, là con trai hay con gái của Ngài, đã được Ngài chọn để đến thế gian vào thời điểm chính xác này, để là người lãnh đạo công việc vĩ đại của Ngài trên thế gian.19 Các anh chị em đã được chọn không phải vì các đặc điểm về thể xác, mà là vì các thuộc tính thuộc linh, chẳng hạn như lòng dũng cảm, can đảm, tâm hồn liêm khiết, nỗi khao khát về lẽ thật, nỗi khao khát về sự thông sáng, và ước muốn để phục vụ người khác.

Các anh chị em đã phát triển một số các thuộc tính này trong tiền dương thế. Các anh chị em có thể phát triển các thuộc tính khác ở trên thế gian này đây20 nếu liên tục tìm kiếm các thuộc tính đó.21

Một thuộc tính thuộc linh rất quan trọng là tính tự chủ—sức mạnh để đặt lý trí lên trên lòng ham muốn. Tính tự chủ xây đắp một lương tâm mạnh mẽ. Và lương tâm sẽ định đoạt những phản ứng đạo đức của các anh chị em trong các tình huống khó khăn, cám dỗ, và thử thách. Việc nhịn ăn giúp cho phần thuộc linh của các anh chị em phát triển ưu thế đối với những ham muốn vật chất của mình. Việc nhịn ăn cũng gia tăng khả năng tiếp cận của các anh chị em đối với sự giúp đỡ của thiên thượng, vì việc nhịn ăn làm cho những lời cầu nguyện của các anh chị em được mạnh mẽ hơn. Tại sao chúng ta cần phải tự chủ? Thượng Đế đặt những ham muốn mạnh mẽ vào bên trong chúng ta vì sự nuôi dưỡng và tình yêu thương là thiết yếu cho gia đình nhân loại để được tiếp tục tồn tại.22 Khi kiềm chế những ham muốn của mình trong phạm vi luật pháp của Thượng Đế, thì chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống được lâu hơn, tình yêu thương sâu đậm hơn, và niềm vui tột bậc.23

Vậy thì chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng hầu hết các cám dỗ để đi lạc khỏi kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế đến qua việc lạm dụng những ham muốn thiết yếu do Thượng Đế ban cho. Việc kiềm chế những ham muốn của chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng. Không một ai trong chúng ta thành công trong việc kiềm chế những ham muốn này cả.24 Lỗi lầm có thể xảy ra. Đã lầm lỗi rồi. Đã phạm tội rồi. Vậy thì chúng ta có thể làm gì đây? Chúng ta có thể học hỏi từ những lỗi lầm đó. Và chúng ta có thể thực sự hối cải.25

Chúng ta có thể thay đổi hành vi của mình. Thậm chí những ước muốn của chúng ta cũng có thể thay đổi. Bằng cách nào? Chỉ có một cách. Sự thay đổi thực sự—sự thay đổi vĩnh viễn—chỉ có thể đến qua việc chữa lành, thanh tẩy, và quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.26 Ngài yêu thương các anh chị em—mỗi anh chị em!27 Ngài cho phép các anh chị em tiếp cận với quyền năng của Ngài nếu tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, một cách hăm hở, tha thiết, và chính xác. Điều đó thật là giản dị và chắc chắn. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô một phúc âm về sự thay đổi!28

Một linh hồn mạnh mẽ của con người, khi có thể kiềm chế đối với những ham muốn của xác thịt, có khả năng kiềm chế cảm xúc và nỗi đam mê chứ không phải là nô lệ cho chúng. Loại tự do đó là thiết yếu cho linh hồn giống như oxy cho cơ thể! Tự do khỏi việc tự chịu làm nô lệ là giải phóng thật sự!29

Chúng ta “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu … hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết.”30 Khi chúng ta chọn con đường cao quý hơn hướng tới tự do và cuộc sống vĩnh cửu, thì con đường đó gồm có hôn nhân.31 Các Thánh Hữu Ngày Sau tuyên bố rằng “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.” Chúng ta cũng biết rằng “Phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng nguồn gốc và mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.”32

Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là phần cơ bản của giáo lý của Chúa và thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế. Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là mẫu mực của Thượng Đế về cuộc sống trọn vẹn dưới thế gian và trên thiên thượng. Mẫu mực hôn nhân của Thượng Đế không thể bị lạm dụng, hiểu lầm, hoặc bị giải thích sai.33 nếu các anh chị em muốn niềm vui chân thật. Mẫu mực hôn nhân của Thượng Đế bảo vệ quyền thiêng liêng của sự sinh nở và niềm vui của sự gần gũi mật thiết chân thật của vợ chồng.34 Chúng ta biết rằng A Đam và Ê Va đã được Thượng Đế kết hôn trước khi họ cảm nhận được niềm vui của việc kết hợp vợ chồng.35

Trong thời kỳ của chúng ta, chính phủ dân sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ hôn nhân vì các gia đình vững mạnh tạo nên cách tốt nhất để cung cấp cho nền y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, và sự thịnh vượng của các thế hệ đang vươn lên.36 Nhưng các chính phủ dân sự cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các khuynh hướng xã hội và triết lý của thế gian trong khi họ viết, viết lại, và thực thi pháp luật. Bất kể các luật pháp và chính sách nào có thể được ban hành, thì giáo lý của Chúa về hôn nhân và đạo đức không thể bị thay đổi.37 Hãy nhớ rằng: Ngay cả khi được con người hợp pháp hóa, thì tội lỗi cũng vẫn là tội lỗi trong mắt của Thượng Đế!

Mặc dù chúng ta đang cần phải bắt chước lòng nhân từ và trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi, mặc dù chúng ta phải quý trọng quyền hạn và cảm nghĩ của tất cả con cái của Thượng Đế, nhưng chúng ta không thể thay đổi giáo lý của Ngài. Giáo lý đó không phải là của chúng ta để thay đổi. Giáo lý của Ngài là để cho chúng ta nghiên cứu, hiểu, và hỗ trợ.

Cách sống của Đấng Cứu Rỗi là tốt. Cách của Ngài gồm có sự trinh khiết trước khi kết hôn và hoàn toàn chung thủy trong vòng hôn nhân.38 Cách của Chúa là cách duy nhất để cho chúng ta có được hạnh phúc lâu dài. Cách của Ngài mang lại sự an ủi cho tâm hồn của chúng ta và sự bình an vĩnh viễn cho nhà cửa của chúng ta. Và tốt hơn hết, cách của Ngài dẫn chúng ta trở về nhà cùng Ngài và Cha Thiên Thượng, đến cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao.39 Đây là phần thiết yếu của công việc và vinh quang của Thượng Đế.40

Các anh chị em thân mến, mỗi ngày là một ngày để quyết định, và quyết định của chúng ta sẽ định đoạt vận mệnh của chúng ta. Một ngày nào đó, mỗi người chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa để được phán xét.41 Mỗi người chúng ta sẽ có một cuộc phỏng vấn cá nhân với Chúa Giê Su Ky Tô.42 Chúng ta sẽ giải thích về các quyết định mà mình đã chọn về cơ thể, các thuộc tính thuộc linh, và cách chúng ta kính trọng mẫu mực của Thượng Đế dành cho hôn nhân và gia đình. Cầu xin cho chúng ta có thể khôn ngoan lựa chọn các quyết định của mỗi ngày cho đến thời vĩnh cửu là lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Decisions Determine Destiny” (buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 6 tháng Mười Một năm 2005), 3; speeches.byu.edu.

  2. Khái niệm về sự tiến triển vĩnh cửu đã được W. W. Phelps mô tả trong lời của ông viết cho bài thánh ca “Nếu Ta Có Thể Vội Vã đi đến Kolob” (Hymns,số 284). Câu 4 viết: “Không có kết thúc đối với đức hạnh; / Không có kết thúc đối với quyền năng; / Không có kết thúc đối với sự thông sáng; / Không có kết thúc đối với ánh sáng. / Không có kết thúc với tình đoàn kết; / Không có kết thúc đối với tuổi trẻ; / Không có kết thúc đối với chức tư tế; / Không có kết thúc đối với lẽ thật.” Câu 5 kết luận: “Không có kết thúc đối với vinh quang; / Không có kết thúc đối với tình yêu thương; / Không có kết thúc đối với thực tại; / Không có kết thúc đối với cái chết trên trời.”

  3. Sáng Thế Ký 1:27; xin xem thêm Cô Lô Se 3:10; An Ma 18:34; Ê The 3:15; Môi Se 6:9.

  4. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 10:37.

  6. Xin xem Mác 12:30–31.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:15.

  8. Các cơ quan khác do Thượng Đế ban cho đều cũng ở trong cơ thể của các anh chị em. Các nguyên tố như là natri, kali, can xi, và các hợp chất như nước, đường, và protein đều rất cần thiết cho sự sống còn. Cơ thể cần các loại khí như oxy và carbon dioxide. Nó tạo ra kích thích tố như insulin, adrenalin và thyroxin. Các mức độ của mỗi thành phần trong số các thành phần này và nhiều thành phần trong cơ thể được tự động điều hòa trong vòng giới hạn nào đó. Mối liên hệ giữa các tuyến của cơ thể được kiểm soát và tự động điều chỉnh. Ví dụ, tuyến yên ở đáy não sinh ra một hóc môn để kích thích vỏ não của tuyến thượng thận nhằm sản xuất ra các hóc môn vỏ thượng thận. Do đó, mức tăng của các hóc môn vỏ não ngăn chặn đầu ra của hóc môn kích thích tuyến yên và ngược lại. Nhiệt độ cơ thể của các anh chị em được duy trì ở mức bình thường là 98,6 độ F hoặc 37 độ C, cho dù các anh chị em đang ở đường xích đạo hay ở Bắc Cực.

  9. Một số bệnh có thể dễ dàng thấy được; các bệnh khác thì tiềm ẩn. Một số bệnh là do di truyền, một số bệnh khác thì không. Một số người dễ mắc bệnh ung thư; những người khác bị bệnh dị ứng, và vân vân. Mỗi người chúng ta có thể được cảnh báo về lãnh vực yếu kém của mình và khiêm tốn học hỏi điều Chúa thường dạy, để sự yếu kém đó có thể trở thành sức mạnh.

  10. Ê The 12:27.

  11. Một số tình trạng sẽ không được sửa chỉnh hoàn toàn cho đến Ngày Phục Sinh, khi mà “tất cả sẽ được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn” (An Ma 40:23).

  12. Xin xem An Ma 42:8.

  13. Tác giả Thi Thiên viết: “Sự chết của các người thánh. Là quí báu trước mặt Đức Giê Hô Va” ( Thi Thiên 116:15). Cái chết là quý báu vì đó là “sự trở về nhà” của Thánh Hữu với Chúa.

  14. 1 Cô Rinh Tô 3:16; xin xem thêm 6:19.

  15. Áp Ra Ham 3:23.

  16. Xin xem Giê Rê Mi 1:5.

  17. Xin xem An Ma 13:2–3.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:55–56.

  19. Xin xem An Ma 13:2–3; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 138:38–57.

  20. Các thuộc tính “đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, tính ôn hòa, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu anh em, sự tin kính, lòng bác ái, sự khiêm nhường, [và] sự cần mẫn” (Giáo Lý và Giao Ước 4:6) là trong số các ân tứ thuộc linh mà chúng ta có thể phát huy và được ban cho. Lòng biết ơn là một thuộc tính thuộc linh khác mà cũng có thể được phát huy. Lòng biết ơn tạo thành tâm trạng và năng suất. Và khi đã “được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh,” thì các anh chị em có thể biết ơn đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình (xin xem An Ma 5:14).

  21. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 12; 14:1–12; Mô Rô Ni 10:8–19; Giáo Lý và Giao Ước 46:10–29.

  22. Một số người bị cám dỗ để ăn quá nhiều. “Bệnh béo phì đã đạt tới mức là bệnh dịch quy mô trên toàn cầu, với ít nhất 2,8 triệu người chết mỗi năm vì số cân thừa” (“10 Facts on Obesity,” Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tháng Ba năm 2013, www.who.int/features/factfiles/obesity/en). Những người khác đang bị cám dỗ để ăn quá ít. Chứng chán ăn và háu ăn hủy diệt nhiều cuộc sống, hôn nhân và gia đình. Và một số người bị cám dỗ bởi những ham muốn tình dục đã bị Đấng Sáng Tạo nghiêm cấm. Câu làm sáng tỏ điều này được tìm thấy trong Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội, có ghi rằng: “Luật trinh khiết của Chúa là không có quan hệ tình dục bên ngoài vòng hôn nhân hợp pháp và sự chung thủy trong vòng hôn nhân … Ngoại tình, gian dâm, đồng tính luyến ái hay quan hệ đồng tính, và mọi thực hành xấu xa, không tự nhiên, hoặc ô uế khác đều là tội lỗi.” Vẫn được trích từ sách hướng dẫn như sau: “Hành vi đồng tính luyến ái vi phạm các giáo lệnh của Thượng Đế, là trái với các mục đích của tình dục con người, và tước đoạt các phước lành của con người mà có thể được tìm thấy trong cuộc sống gia đình và trong các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm. … Mặc dù chống hành vi tình dục đồng tính, nhưng Giáo Hội tìm đến với sự hiểu biết và tôn trọng các cá nhân bị thu hút với những người cùng giới tính” ([2010], 21.4.5; 21.4.6).

  23. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:9–20; Giăng 1:25–27; Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21. Và chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng “loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 2 Nê Phi 2:25).

  24. Cuộc sống trần thế là một thời kỳ thử thách, như đã được giải thích trong thánh thư: “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng” (Áp Ra Ham 3:25).

  25. Xin xem Mô Si A 4:10; An Ma 39:9; Hê La Man 15:7.Sách Hướng Dẫn 2 gồm có sứ điệp này: “Hành vi đồng tính có thể được tha thứ qua sự hối cải chân thành” (21.4.6).

  26. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và qua việc tuân theo các nguyên tắc phúc âm, tất cả nhân loại đều có thể được cứu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:4; Những Tín Điều 1:3).

  27. Xin xem Ê The 12:33–34; Mô Rô Ni 8:17.

  28. Xin xem Mô Si A 5:2; An Ma 5:12–14.

  29. Xin xem Rô Ma 8:13–17; Ga La Ti 5:13–25; Giáo Lý và Giao Ước 88:86.

  30. 2 Nê Phi 2:27.

  31. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4.

  32. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  33. Xin xem Ma Thi Ơ 19:4–6; Mô Si A 29:26–27; Hê La Man 5:2.

  34. Mỗi người được sinh ra với bản sắc, nhiễm sắc thể và ADN (cấu tử cơ bản của tế bào di truyền) độc đáo. ADN là một phân tử mã hóa những chỉ dẫn di truyền được sử dụng trong việc phát triển và chức năng của các tế bào sống. ADN của mỗi người được tạo ra khi ADN từ một người cha và một người mẹ kết hợp để tạo ra ADN của một cơ thể mới—sự chung phần hợp tác giữa cha, mẹ và con.

  35. Xin xem Sáng Thế Ký 2:24–25; 3:20–21; 4:1–2, 25.

  36. Tiến Sĩ Patrick F. Fagan đã viết: “Nền tảng thiết yếu của tình trạng kinh tế [là] gia đình có cha mẹ kết hôn với nhau—nhất là gia đình có con cái đi lễ thờ phượng hàng tuần. … Mỗi cuộc hôn nhân tạo ra một gia đình mới, một đơn vị kinh tế độc lập mà tạo ra khoản thu nhập, chi tiêu, dành dụm và đầu tư” (“The Family GDP: How Marriage and Fertility Drive the Economy,” The Family in America, tập 24, số. 2 [Mùa Xuân năm 2010], 136).

  37. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14; Lê Vi Ký 18:22; 20:13; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:18; Ma Thi Ơ 5:27–28; Mác 10:19; Lu Ca 18:20; Rô Ma 1:26–27; 13:9; Mô Si A 13:22; 3 Nê Phi 12:27–28; Giáo Lý và Giao Ước 42:24; 59:6.

  38. Xin xem Gordon B. Hinckley, “This Thing Was Not Done in a Corner,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 49.

  39. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 14:7.

  40. Xin xem Môi Se 1:39.

  41. Xin xem 2 Nê Phi 9:41, 46; Mô Si A 16:10.

  42. Chúng ta sẽ được phán xét theo hành động và ước muốn của lòng mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:9; xin xem thêm Hê Bơ Rơ 4:12; An Ma 18:32; Giáo Lý và Giao Ước 6:16; 88:109).