2010–2019
Không Có Các Thần Khác
Tháng mười 2013


Không Có Các Thần Khác

Chúng ta có đang phục vụ các ưu tiên hay các thần thay vì Thượng Đế mà chúng ta tự nhận là tôn thờ không?

Mười Điều Giáo Lệnh là nền tảng cho niềm tin Ky Tô giáo và Do Thái. Hai giáo lệnh đầu tiên trong số các giáo lệnh này được Thượng Đế ban cho các con cái Y Sơ Ra Ên qua vị tiên tri Môi Se, đã hướng dẫn cách thờ phượng và ưu tiên của chúng ta. Trong giáo lệnh thứ nhất, Chúa đã truyền lệnh: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3). Nhiều thế kỷ sau, khi Chúa Giê Su được người ta hỏi: “Trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Ngài đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma Thi Ơ 22:36–37).

Giáo lệnh thứ hai trong số Mười Điều Giáo Lệnh nói thêm về lời hướng dẫn này là không được có thần khác và nhận ra điều gì cần phải đặt ưu tiên một trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là con cái của Thượng Đế. “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:4). Sau đó, giáo lệnh này cho biết thêm: “Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:5). Không chỉ đơn thuần là nghiêm cấm các thần tượng, mà giáo lệnh này còn nói về một ưu tiên cơ bản cho mọi lúc. Đức Giê Hô Va giải thích: “Vì ta là Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, … và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:5–6). Ý nghĩa của từ kỵ tà thật rõ ràng. Nguồn gốc Hê Bơ Rơ của từ đó có nghĩa là “có cảm giác nhạy bén và sâu sắc” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:5, cước chú b). Chúng ta xúc phạm đến Thượng Đế khi “quì lạy” hoặc “hầu việc” các thần khác—khi chúng ta đã có những điều khác là ưu tiên số một.1

I.

“Các ưu tiên khác” để người ta “quì lạy” hoặc “hầu việc” thay vì Thượng Đế—ngay cả những người sùng đạo—trong thời kỳ chúng ta là gì? Hãy xem xét các khả năng rất phổ biến trong thế giới của chúng ta:

  • Các tập tục văn hóa và gia đình

  • Cách đối xử đúng đắn

  • Nguyện vọng thăng tiến nghề nghiệp

  • Của cải vật chất

  • Những đeo đuổi giải trí

  • Quyền lực, sự nổi tiếng, và uy thế

Nếu không một ví dụ nào trong những ví dụ này dường như áp dụng cho bất cứ ai trong chúng ta, thì có lẽ chúng ta có thể đưa ra giả thuyết là chúng áp dụng cho những người khác. Nguyên tắc là quan trọng hơn các ví dụ cá nhân. Nguyên tắc không phải là chúng ta có những ưu tiên khác hay không. Câu hỏi đặt ra từ giáo lệnh thứ hai là “Ưu tiên số một của chúng ta là gì?” Chúng ta có đang phục vụ các ưu tiên hay các thần thay vì Thượng Đế mà chúng ta tự nhận là tôn thờ không? Chúng ta có quên Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng nếu chúng ta yêu mến Ngài, thì chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài không? (xin xem Giăng 14:15). Nếu có, thì các ưu tiên của chúng ta đã bị đảo lộn bởi sự thờ ơ về phần thuộc linh và những ham muốn vô kỷ luật quá phổ biến trong thời kỳ chúng ta.

II.

Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, các giáo lệnh của Thượng Đế được dựa trên và không thể tách rời khỏi kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài—kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Ngài. Kế hoạch này, đôi khi được gọi là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8), giải thích nguồn gốc và số mệnh của chúng ta với tư cách là con cái của Thượng Đế—chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta ở đây, và chúng ta sẽ đi đâu. Kế hoạch này giải thích mục đích của sự sáng tạo và những tình trạng của cuộc sống trần thế, kể cả các giáo lệnh của Thượng Đế, cần có một Đấng Cứu Rỗi, và vai trò thiết yếu của các gia đình trên trần thế và vĩnh cửu. Nếu chúng ta, là Các Thánh Hữu Ngày Sau đã được ban cho sự hiểu biết này, nhưng lại không thiết lập các ưu tiên của mình phù hợp với kế hoạch này, thì chúng ta đang có nguy cơ hầu việc các thần khác.

Sự hiểu biết về kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài mang đến cho Các Thánh Hữu Ngày Sau một cái nhìn độc đáo về hôn nhân và gia đình. Chúng ta được biết đến một cách chính xác là một giáo hội đặt gia đình làm trọng tâm. Giáo lý của chúng ta bắt đầu với cha mẹ thiên thượng, và khát vọng cao nhất của chúng ta là đạt được trọn vẹn sự tôn cao vĩnh cửu, mà chúng ta biết là điều đó chỉ có thể đạt được trong một mối quan hệ gia đình. Chúng ta biết rằng cuộc hôn nhân của một người đàn ông và một người phụ nữ là cần thiết cho việc hoàn thành kế hoạch của Thượng Đế. Chỉ có hôn nhân như vậy mới tạo ra bối cảnh đã được chấp thuận cho sự sinh ra trên trần thế và để chuẩn bị những người trong gia đình cho cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta xem hôn nhân cũng như việc sinh đẻ và nuôi nấng con cái như là một phần kế hoạch của Thượng Đế và bổn phận thiêng liêng của những người được ban cho cơ hội để làm như vậy. Chúng ta tin rằng những kho báu cuối cùng ở dưới đất và trên trời chính là con cái và dòng dõi của chúng ta.

III.

Nhờ điều chúng ta hiểu về vai trò vĩnh cửu đầy tiềm năng của gia đình nên chúng ta đau buồn trước con số sinh đẻ và hôn nhân đang suy giảm mạnh trong nhiều xã hội phương Tây nơi có nền văn hóa lịch sử là Ky Tô giáo và Do Thái giáo. Các nguồn tin có trách nhiệm báo cáo như sau:

  • Hiện nay, Hoa Kỳ có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất trong lịch sử,2 và ở nhiều quốc gia Liên Minh Châu Âu và các nước phát triển khác thì tỷ lệ sinh đẻ là dưới mức cần thiết để duy trì dân số.3 Điều này đe dọa sự sống còn của nền văn hóa và ngay cả các quốc gia.

  • Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ các thành niên trẻ tuổi từ 18 đến 29 tuổi đã lập gia đình đã giảm từ 59 phần trăm vào năm 1960 xuống 20 phần trăm vào năm 2010.4 Độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tiên hiện nay đang ở mức cao nhất trong lịch sử: 26 đối với phụ nữ và gần 29 đối với nam giới.5

  • Trong nhiều quốc gia và các nền văn hóa (1) gia đình truyền thống nơi có một người mẹ và người cha và con cái sẽ trở thành ngoại lệ hơn là quy tắc, (2) việc theo đuổi một sự nghiệp thay vì hôn nhân và sinh đẻ con cái càng ngày càng được nhiều thiếu nữ trẻ lựa chọn, và (3) vai trò và việc nhận thấy là cần có người cha đang bị giảm bớt.

Ở giữa những khuynh hướng đang làm cho chúng ta quan tâm, chúng ta ý thức được rằng kế hoạch của Thượng Đế là dành cho tất cả con cái của Ngài và Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài ở khắp nơi.6 Chương đầu tiên của Sách Mặc Môn nói rằng “quyền năng, sự nhân từ, cùng lòng thương xót của [Thượng Đế] trên tất cả dân cư trên thế gian này” (1 Nê Phi 1:14). Một chương nữa nói rằng “Ngài ban không [sự cứu rỗi] cho mọi người” và rằng “mọi người đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị cấm đoán cả.” (2 Nê Phi 26:27–28). Do đó, thánh thư dạy rằng chúng ta có trách nhiệm phải có lòng trắc ẩn và bác ái (tình yêu thương) đối với tất cả mọi người (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 3:12; 1 Giăng 3:17; GLGƯ 121:45).

IV.

Chúng ta cũng tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của tất cả mọi người, ngay cả con số những người tuyên xưng không tin nơi Thượng Đế đang càng ngày càng gia tăng. Chúng ta biết rằng qua quyền năng lựa chọn được Thượng Đế ban cho, nhiều người sẽ giữ niềm tin trái ngược với chúng ta, nhưng hy vọng rằng những người khác cũng sẽ tôn trọng niềm tin tôn giáo của chúng ta và hiểu rằng niềm tin của chúng ta bắt buộc chúng ta có một số lựa chọn và hành vi khác với họ. Ví dụ, chúng ta tin rằng, là một phần thiết yếu của kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Thượng Đế đã thiết lập một tiêu chuẩn vĩnh cửu rằng mối quan hệ tình dục nên chỉ xảy ra giữa một người đàn ông và một người phụ nữ đã kết hôn với nhau mà thôi.

Khả năng để tạo ra cuộc sống hữu diệt là khả năng tôn cao nhất mà Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài. Việc sử dụng khả năng đó được giáo lệnh đầu tiên của Thượng Đế truyền lệnh cho A Đam và Ê Va (xin xem Sáng Thế Ký 1:28), nhưng các giáo lệnh quan trọng khác đã được ban cho để cấm sự lạm dụng khả năng đó (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14; 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:3). Tầm quan trọng chúng ta đặt trên luật trinh khiết được giải thích bởi sự hiểu biết của chúng ta về mục đích của khả năng sinh sản của chúng ta trong việc hoàn thành kế hoạch của Thượng Đế. Ngoài các mối quan hệ hôn nhân giữa một người nam và một người nữ ra, thì tất cả mọi cách sử dụng khả năng sinh sản của chúng ta tới một mức độ nào đó là tội lỗi và trái với kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự tôn cao của con cái Ngài.

Việc chúng ta quan trọng hóa luật trinh khiết giải thích rằng chúng ta cam kết với khuôn mẫu hôn nhân phát xuất từ A Đam và Ê Va và đã tiếp tục qua các thời đại với tính cách là khuôn mẫu của Thượng Đế cho mối quan hệ sinh sản giữa các con trai và con gái của Ngài và cho việc nuôi dưỡng con cái của Ngài. May mắn thay, nhiều người có liên quan đến các giáo phái hoặc các tổ chức khác đồng ý với chúng ta về tính chất và tầm quan trọng của hôn nhân, một số người dựa vào cơ sở giáo lý tôn giáo và những người khác thì dựa trên cơ sở của điều họ cho là tốt nhất cho xã hội.

Sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài7 giải thích lý do tại sao chúng ta đau buồn khi thấy càng ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra bên ngoài vòng hôn nhân, hiện có 41 phần trăm trẻ em được sinh ra như vậy ở Hoa Kỳ8—và rằng số lượng các cặp trai gái chung sống với nhau mà không kết hôn đã tăng lên đáng kể trong nửa thế kỷ qua. Cách đây năm thập niên, chỉ có một phần trăm nhỏ các cuộc hôn nhân đầu tiên được bắt đầu bằng cuộc sống chung. Bây giờ, cuộc sống chung vượt quá 60 phần trăm hôn nhân.9 Và điều này đang càng ngày càng được chấp nhận, nhất là trong số các thanh niên thiếu nữ. Dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy khoảng 50 phần trăm các thanh niên thiếu nữ nói rằng việc sinh đẻ bên ngoài giá thú là một “lối sống đáng sống.”10

V.

Rất nhiều áp lực chính trị và xã hội xảy ra đối với những thay đổi pháp lý và chính sách nhằm thiết lập các hành vi trái với lệnh truyền của Thượng Đế về đạo đức tình dục và tính chất vĩnh cửu và mục đích của hôn nhân và việc sinh đẻ. Những áp lực này đã cho phép hôn nhân đồng tính ở nhiều tiểu bang và quốc gia. Các áp lực khác sẽ làm nhầm lẫn giới tính hay đồng nhất hóa những sự khác biệt đó giữa những người nam và người nữ, và những điều này rất cần thiết để hoàn thành kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế.

Sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch của Thượng Đế và giáo lý của Ngài cho chúng ta một viễn cảnh vĩnh cửu nhưng không cho phép chúng ta tha thứ những hành vi như vậy hoặc tìm cách biện minh qua các luật pháp mà cho phép những hành vi đó. Và, không giống như các tổ chức khác có thể thay đổi các chính sách của họ và ngay cả các giáo lý của họ, các chính sách của chúng ta được xác định bởi các lẽ thật mà Thượng Đế đã tuyên bố là không thể thay đổi.

Tín điều thứ mười hai có nói về niềm tin của chúng ta trong việc phục tùng chính quyền dân sự và “tuân theo, tôn trọng, và tán trợ luật pháp.” Nhưng luật pháp của con người không thể làm điều Thượng Đế đã phán là vô đạo đức lại thành đạo đức được. Việc chúng ta cam kết với ưu tiên cao nhất của mình—để yêu mến và phục vụ Thượng Đế—đòi hỏi chúng ta dựa vào luật pháp của Ngài vì tiêu chuẩn về hành vi của chúng ta. Ví dụ, chúng ta vẫn còn ở dưới lệnh truyền thiêng liêng là không phạm tội ngoại tình hay gian dâm ngay cả khi các hành vi đó đã không còn bị xem là tội ác theo luật pháp của các tiểu bang hoặc quốc gia nơi chúng ta sinh sống. Tương tự như vậy, luật pháp hợp thức hóa cái gọi là “hôn nhân cùng giới tính” không thay đổi luật hôn nhân của Thượng Đế hoặc những giáo lệnh của Ngài và các tiêu chuẩn của chúng ta về điều đó. Chúng ta vẫn tuân theo giao ước phải yêu mến Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và không quì lạy hoặc hầu việc các thần và các ưu tiên khác—ngay cả những người trở nên nổi tiếng trong thời gian và địa điểm đặc biệt của chúng ta.

Trong quyết tâm này, chúng ta có thể bị hiểu lầm, và chúng ta có thể phải chịu cáo buộc là tin một cách mù quáng, bị kỳ thị, hoặc phải bị xâm phạm quyền tự do hành động theo tôn giáo của mình. Nếu như vậy, tôi nghĩ là chúng ta nên ghi nhớ ưu tiên đầu tiên của chúng ta—là phục vụ Thượng Đế—và giống như những người tiền nhiệm tiền phong của chúng ta, chịu đựng những thử thách cá nhân của mình với cùng một tinh thần dũng cảm mà họ đã cho thấy.

Một điều giảng dạy của Chủ Tịch Thomas S. Monson áp dụng cho trường hợp này. Tại đại hội này cách đây 27 năm, ông đã mạnh dạn tuyên bố: “Chúng ta hãy có can đảm để chống lại sự đồng lòng của công chúng, can đảm để bênh vực cho nguyên tắc. Lòng can đảm, chứ không phải thỏa hiệp, sẽ được Thượng Đế chấp thuận. Lòng can đảm trở thành một lối sống và một đức tính hấp dẫn khi nó được xem không những là sự sẵn lòng để chết trong vinh dự, mà còn là quyết tâm để sống đúng đắn. Một kẻ hèn nhát về mặt đạo đức là kẻ sợ làm điều mà mình nghĩ là đúng vì những người khác sẽ không chấp thuận hoặc chê cười. Hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều sợ hãi, nhưng những người phải đối phó với nỗi sợ hãi của mình với nhân phẩm cũng đều có can đảm.”11

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không để cho những thử thách tạm thời trên trần thế khiến cho chúng ta quên đi các giáo lệnh và các ưu tiên quan trọng đã được Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Rỗi ban cho. Chúng ta đừng đặt lòng mình quá nhiều vào những vật chất của thế gian và khát vọng đến danh lợi của loài người (xin xem GLGƯ 121:35) đến nỗi đánh mất số mệnh vĩnh cửu của mình. Chúng ta là những người biết kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài—là những người đã lập các giao ước để tham gia vào kế hoạch đó—đều có một trách nhiệm rõ ràng. Chúng ta đừng bao giờ quên ước muốn quan trọng của mình, tức là đạt được cuộc sống vĩnh cửu.12 Chúng ta đừng bao giờ xao lãng ưu tiên hàng đầu của mình—là không có các thần khác và không phục vụ các ưu tiên khác thay vì Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Cầu xin Thượng Đế giúp chúng ta hiểu được ưu tiên này và được những người khác hiểu khi chúng ta tìm cách theo đuổi ưu tiên này một cách sáng suốt và đầy yêu thương, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem ví dụ, Giáo Lý và Giao Ước 124:84.

  2. Xin xem Joyce A. Martin và những người khác, “Births: Final Data for 2011,” National Vital Statistics Reports, tập 62, số 1 (ngày 28 tháng Sáu năm 2013), 4; Gloria Goodale, “Behind a Looming Baby Bust,” Christian Science Monitor Weekly, ngày 4 tháng Hai năm 2013, 21, 23.

  3. Xin xem Population Reference Bureau, “2012 World Population Data Sheet,” www.prb.org/Publications/Datasheets/2012/world-population-data-sheet/data-sheet.aspx.

  4. Xin xem D’Vera Cohn và những người khác, “Barely Half of U.S. Adults Are Married—a Record Low,” Pew Research Center, Social and Demographic Trends, ngày 14 tháng Mười Hai năm 2011, có sẵn tại www.pewsocialtrends.org/2011/12/14/barely-half-of-u-s-adults-are-married-a-record-low; “Rash Retreat from Marriage,” Christian Science Monitor,ngày 2 và ngày 9 tháng Giêng năm 2012, 34.

  5. Cục Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ, “Estimated Median Age at First Marriage, by Sex: 1890 to the Present,” có sẵn tại www.census.gov/population/socdemo/hh-fam/ms2.xls.

  6. Xin xem Dallin H. Oaks, “Tất Cả Mọi Người Ở Khắp Mọi Nơi,” Liahona, tháng Năm năm 2006, 77–80.

  7. Xin xem Dallin H. Oaks, “The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 72–75.

  8. Xin xem Martin, “Births: Final Data for 2011,” 4.

  9. Xin xem The State of Our Unions: Marriage in America,2012 (2012), 76.

  10. Xin xem The State of Our Unions, 101, 102.

  11. Thomas S. Monson, “Courage Counts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 41.

  12. Xin xem Dallin H. Oaks, “Ước Muốn,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 42–45.